Tạp chí Sông Hương - Số 249 (tháng 11)
Ngôn ngữ nhị phân - đặc điểm kiến tạo văn hóa nghệ thuật hậu hiện đại
16:35 | 04/12/2009
PHAN TUẤN ANH “Cuộc nói chuyện của chúng ta đã cho tôi thấy rằng hết thảy những gì liên quan đến bản chất của ngôn ngữ mới ít được nghĩ đến làm sao”                                       (Martin Heidegger)
Ngôn ngữ nhị phân - đặc điểm kiến tạo văn hóa nghệ thuật hậu hiện đại
Triết gia Martin Heidegger - Ảnh: arts.anu.edu.au

Mọi quá trình đổi mới văn học đều được bắt đầu với quá trình đổi mới ngôn ngữ. Chính vì vậy, tư duy lý luận văn học hiện đại bao giờ cũng được kiến tạo dựa trên nền tảng một tư duy mới về ngôn ngữ học. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa Lí luận văn học trong hơn một thế kỉ qua, không chỉ gắn liền với sự hoàn thiện của các ngôn ngữ dân tộc và quốc tế, mà chủ yếu được kiến tạo trên những thành tựu của triết học về ngôn ngữ. Một khi ngôn ngữ từ một hiện tượng xã hội, hành trình đóng bản thể của một trường phái triết học, thì dĩ nhiên khoa lý luận văn học có cơ may phát triển một cách quy mô hơn. Bởi vì, cứ mỗi lần thay đổi quan niệm về chất liệu của văn học (ngôn ngữ), thì không chỉ diện mạo, mà chính quan niệm bản chất của văn học cũng được đổi mới theo. Có thể nhận định như Trương Đăng Dung, một trong bốn đặc điểm cơ bản của tư duy lí luận văn học hiện đại đó chính là “những khám phá về bản chất của ngôn ngữ”.

Bản thân chất liệu của các tác phẩm văn học trong thời kì hậu hiện đại (posmoderne) không đơn thuần là một thứ phương tiện chuyển đạt ý nghĩa, mà đã trở thành “ngôi nhà của hữu thể” (M.Heidegger). Có thể nói, triết học về ngôn ngữ đã khám phá ngôn ngữ từ những chủ thể ngoại tại ngoài ngôn ngữ. “Chính sự việc muốn điều đó, bởi vì bản chất của ngôn ngữ không thể thuộc về ngôn ngữ. Cách gọi “ngôi nhà của hữu thể” cũng như vậy” [4,257], đã tạo điều kiện cho lý luận văn học gia tăng tính siêu hình học (Métaphysique) của mình, mà bỏ qua các phương pháp làm việc có tính cơ học hữu hình như so sánh đối chiếu, qui nạp, diễn dịch, thống kê…

“Hậu hiện đại” là một thuật ngữ đang hình thành, cả trên phương diện nội hàm lẫn ngoại diên. Năm 1861, dưới sự “gợi ý” từ giả thuyết của Hegel, lần đầu tiên triết gia Pháp Antoine Augustin Cournot đã đề xuất khái niệm “hậu lịch sử” (post-histoire) trong tác phẩm Traité de l’enchainement des idées fondamentales dans la science et dans l’histoire. Từ năm 1934 trở đi, một số nhà sử học, mà đặc biệt là Arnold J.Toynbee đã sử dụng khái niệm hậu lịch sử một cách phổ biến trong các tác phẩm của mình. Cũng trong năm 1934, lần đầu tiên, trong giới nghiên cứu văn học, khái niệm “hậu hiện đại” được sử dụng trong cuốn Antologia de la poésia espanola e hispanoaméricana của tác giả F. de Onis. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, thuật ngữ “hậu hiện đại” chỉ thực sự biểu đạt về văn hóa đương đại, có tính phổ biến khắp toàn cầu như chúng ta ngày nay vẫn biết chỉ từ năm 1972 trở đi, với sự kiện kiến trúc sư người Mỹ Robert Venturi đề xuất một lối kiến trúc mang tính chiết trung, pha lẫn nét hài hước và khiêm tốn trong thể hiện trong cuốn Tính phức tạp và mâu thuẫn trong kiến trúc. Do đó, nhắc đến văn hóa hậu hiện đại, trước tiên phải đi từ anh cả kiến trúc trong các ngành nghệ thuật.

Tuy nhiên, người đặt nền móng lý luận, có tính chất tuyên ngôn cho văn hóa hậu hiện đại phải là Jean Francois Lyotard, trong tác phẩm nổi tiếng Điều kiện hậu hiện đại (La Condition postmoderne) xuất bản năm 1979 ở Pháp. Sự hoàn thiện về lý thuyết hậu hiện đại phải chờ đến năm 1983, với cuốn Sự bất đồng (Le Différend), đây mới chính là tác phẩm triết học chính yếu nhất của Jean Francois Lyotard về hậu hiện đại.

Sự phát triển rực rỡ của văn hóa hậu hiện đại nói chung và văn học hậu hiện đại nói riêng từ những năm 60, 70 của thế kỉ XX đến nay lại chứng kiến thêm một lần thay đổi quan niệm về ngôn ngữ. Không phải ngẫu nhiên mà “hai chữ: “hậu hiện đại” (postmoderne) và “giải cấu trúc” (Deconstruction) gắn liền với tên tuổi lẫy lừng của Jean - Francois Lyotard (1924-1998) và Jacques Derrida (1930-2004) không chỉ là hai khái niệm triết học mới mẻ mà còn là hai trong số những tiêu ngữ thời thượng nhất của các phương tiện truyền thông đại chúng” [5,7]. Quan niệm mới về ngôn ngữ trong thời hậu hiện đại có thể nói được soi sáng dưới quan điểm của Giải cấu trúc. Phương pháp cấu trúc - hình thức trong ngôn ngữ học hiện đại đã bị phủ định từ gốc rễ. Một khi Derrida đã chỉ ra không thể không hoài nghi về “quan điểm cho rằng langue (ngôn ngữ) và các khái niệm của tư duy triết học ngôn ngữ sau đó, mô tả cấu trúc cuối cùng và sự hoạt động của chủ thể” [2,159]. Do đó, cái kì thực có vẻ ổn định và được quy phạm hóa của ngôn ngữ, thực chất chỉ là một lớp băng cứng (nhưng rất mỏng) tồn tại trên bề mặt, nhằm che đậy tính bấp bênh, giải cấu trúc tất yếu như một đại dương chất lỏng tồn tại bên dưới lớp. Phần chất lỏng này luôn di chuyển theo một nhịp điệu của các trò chơi bất tận, liên tục kiến tạo và hủy tạo các hình thức kí hiệu và nghĩa. “Như vậy, tính ngôn ngữ là yếu tố bấp bênh, do đó, từng văn bản, ngược lại với toàn bộ ngôn ngữ, không thể là bức tranh thánh bằng lời tự trị, trọn vẹn, mà bản chất của nó luôn có khoảng trống và mang nghĩa khác khi quan hệ với những cái biểu đạt khác, những văn bản khác” [2,172]. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là, đặc trưng riêng biệt của ngôn ngữ văn hóa và văn học hậu hiện đại là gì? Nói cách khác, đâu là bản chất cũng như sự cách tân của ngôn ngữ văn hóa, văn học hậu hiện đại?

Chúng tôi gọi nền nghệ thuật hiện đại là nền nghệ thuật dùng ngôn ngữ kí tự (các bảng mẫu tự chữ cái), còn nền nghệ thuật hậu hiện đại ngày nay là nền nghệ thuật nhị phân (chỉ dùng hai kí tự 0 - 1). Định danh ngôn ngữ nhị phân là bởi, đối với máy tính, chỉ có hai kí hiệu duy nhất là 0 và 1 (hệ nhị phân) để tái hiện nên toàn bộ thế giới (ảo). Từ hệ nhị phân (0 - 1) đó, máy tính và những phương tiện kĩ thuật số khác có thể tái tạo ra một thế giới nghệ thuật kì vĩ, mà chưa một thời đại nào được chứng kiến. Khả năng biểu đạt của hệ nhị phân ngày nay không những có thể tái tạo ra hệ thập phân, chuyển thể ra mọi hệ thống ngôn ngữ viết trên toàn cầu, mà còn tạo ra được cả hình ảnh (kĩ xảo điện ảnh), nhân vật ảo (nhân vật kĩ xảo), hình ảnh (ảnh kĩ thuật số), âm nhạc (nhạc số hoá), hội họa (tranh vẽ bằng máy tính), mô hình kiến trúc… và ra ngay cả con người (nhân vật ảo nhập vai trong game online). Có thể nói, với ngôn ngữ nhị phân, sức mạnh toàn trị của những nghệ thuật truyền thống đã bị cáo chung, mà văn học là một trong những nạn nhân đầu tiên, tác phẩm văn học đã bị suy suyển, hoặc ít ra là đã bị biến đổi từ trong bản chất của nó.

Năng lực vạn năng của ngôn ngữ nhị phân chủ yếu được xây dựng dựa trên hai đặc điểm chính yếu như sau:

- Chu chuyển và lưu trữ thông tin: Bản thân ngôn ngữ nhị phân không chỉ có chức năng tự thân là một hệ thống kí hiệu, mà thiên chức chính yếu của nó lại nằm ở nhiệm vụ mã hóa toàn bộ các hệ hình tri thức và các ngôn ngữ trong thực tại. Như vậy, ngôn ngữ nhị phân ngoài chức năng tự nhiên là một hệ thống mã hóa, còn đóng vai trò một công cụ để mã hóa và lưu trữ các hệ thống mã hóa mà loài người đã có. Ngôn ngữ nhị phân là hệ thống ngôn ngữ do con người tạo ra, song chỉ có thể giải mã qua máy tính - một sản phẩm ưu việt khác của chính con người. Con người bằng trí tuệ và năng lực sáng tạo của mình, đã tự tạo ra những giới hạn và thách thức cho nền văn minh, nơi những người máy nghiễm nhiên chiếm chỗ các đôi tay nghệ nhân lành nghề, các phần mềm viết chữ hoa hầu như thay thế cho những nét bút đẹp có tính thư pháp, và các kì thủ miệt mài so trí tuệ trên bàn cờ ảo với những siêu máy tính. Với khả năng chu chuyển và lưu trữ thông tin siêu hạng, ngôn ngữ nhị phân đã đưa tri thức trở thành thân phận của các bản copy không bản gốc. Tiểu thuyết của Kafka, tranh của Dali, âm nhạc của Michael Jackson, phim của James Cameroon... tất cả đều có thể nén lại và in trên một đĩa DVD sản xuất hàng loạt. Tất cả các đĩa DVD ấy đều có chất lượng như nhau, thậm chí không khác gì bản gốc (đối với các tác phẩm âm nhạc, điện ảnh, nhiếp ảnh). Sự phát triển của việc chu chuyển thông tin đến một mức cao sẽ tạo ra khả năng thiết lập nền kinh tế điện tử, với khả năng nối mạng và liên kết thông tin tín dụng qua thẻ tự động. Từ đó, “vật chất” hoặc các hình thức ngang giá của vật chất (tiền, chứng khoán) hoàn toàn có thể được chu chuyển qua mạng thông tin toàn cầu. Mở ra khả năng làm phẳng và thu gọn thế giới một cách nhanh chóng không chỉ từ phương diện truyền thông mà còn từ góc độ cải tạo cơ sở hạ tầng hay thay đổi nền kinh tế.

- Kiến tạo thế giới: Bản thân ngôn ngữ nhị phân có một năng lực đặc biệt so với các hệ hình ngôn ngữ thông thường khác, đó là khả năng tạo ra một thế giới mạng xã hội ảo, nơi mọi thành viên có thể tham gia bằng một mặt nạ ảo được qui ước như một nickname (biệt danh). Đối với một số bộ môn nghệ thuật mới như nhạc Mp3, nhạc điện tử, đồ họa hoặc tranh kĩ thuật số, các bộ phim có kĩ xảo điện ảnh, khả năng tạo dựng một thế giới ảo với các hiệu năng về âm thanh, ảo thị, ánh sáng và các nhân vật ảo luôn có vai trò then chốt, quyết định môi trường nghệ thuật và giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Đặc trưng lớn nhất của thế giới được kiến tạo dựa trên ngôn ngữ nhị phân đó là tính “hữu hình tùy biến”. Tức là, một thế giới nghệ thuật cụ thể, sinh động, song không chết cứng trong những khung hình, không giới hạn về màu sắc và chuyển động, đó chính là một thế giới mới, mang tính “thực tại ảo” chứ không phải là “ảo giác về thực tại”. Nói cách khác, ngôn ngữ nhị phân không phải là một hệ hình tồn tại trong thế giới, mà trên một góc độ nào đó, “thế giới đang tồn tại trong chính nó”, dưới một dạng thức siêu nhỏ (các byte) và siêu nhanh (tốc độ truyền tải qua cáp quang lên đến mười mấy mb/1s).

Có thể nói, những bộ môn nghệ thuật hiện nay đã bị phụ thuộc vào ngôn ngữ nhị phân đến mức không thể tách rời, hoàn toàn mất đi dáng vẻ ban đầu trong chất liệu. Ngày nay, không còn một nhà kiến trúc nào vẽ kết cấu bằng tay trên những trang giấy vật chất nữa, cũng không còn nhà nhiếp ảnh nào không trang bị cho mình những máy ảnh kĩ thuật số. Ngay cả làm thơ trong nền văn minh kĩ trị, cũng có những phần mềm chuyên dụng giúp sáng tác. Tác phẩm văn học đương nhiên trở thành những tù binh vĩ đại cho nền văn minh kĩ trị. Ngay cả chúng tôi, khi viết những dòng này, cũng đang thao tác trên computer. Qua đó, dù hình ảnh hiện lên vẫn là ngôn ngữ tiếng Việt, với phần mềm Vietkey, qua hệ phần mềm Microsolf Word (thuộc bộ phần mềm Microsolf Office), thì thực ra, những phần mềm đó vẫn được viết bằng ngôn ngữ lập trình qua hệ nhị phân. Mọi kí tự chúng tôi nhập và sao lưu vào máy, cũng được máy tính hiểu dưới dạng nhị phân. Đặc trưng của văn học mạng cũng như những phần mềm máy tính, đó là thường xuyên được cập nhật và thay đổi. Chính điều này cũng tạo ra một áp lực sáng tác thường xuyên đối với tác giả văn học. Fréderic Badré trong cuốn Tương lai văn học đã từng đưa ra luận điểm: “Một cuốn sách xuất hiện tháng chín sẽ bị vất bỏ mấy tháng sau cùng với năm trăm hoặc năm ngàn cuốn khác, cùng được đặt trên quầy sách các tiệm sách và cuốn sách đó biến mất vĩnh viễn. Số phận của những cuốn sách có thể so sánh với số phận các món sữa chua. Cứ ba tháng một đợt sách mới đến thay lượt cũ đã đi vào quên lãng vì không còn hiệu lực” [1,16].

Trong cả hoàn cảnh như trên, rõ ràng tác phẩm văn học bị suy suyển từ trong bản chất của nó, từ một khâu trung tâm của đời sống văn học, trở thành một trò chơi ngôn ngữ. Ngày nay, việc bình bầu thông qua các Comment (các đoạn bình phẩm trên diễn đàn, blog), các lượt Vote (lượt bình bầu) và lượt View (lượt người xem) sẽ hầu như quyết định giá trị tác phẩm văn học mạng. Ngoài ra, một thể loại văn học mới đã được ra đời, mang tính “tùy biến” cao, chỉ có thể là thành tựu đặc trưng của ngôn ngữ nhị phân, đó là những tác phẩm mà cốt truyện và nội dung tác phẩm sẽ thay đổi theo sự lựa chọn các phương án của người đọc, mỗi khi kết thúc một chương hay một đoạn. Tác phẩm nào càng nhiều lượt xem và bình chọn, sẽ có khả năng thu lại lợi nhuận cực kì cao thông qua quảng cáo, bởi vì các nhà sản xuất chỉ lựa chọn tác phẩm nào có lượt người xem hùng hậu nhất. Ngay từ năm 1941, Jean Paulhan từng lo lắng: “Mỗi chúng ta đều biết, trong thời đại chúng ta có hai nền văn học: nền văn học xấu không thể đọc (nhưng lại được đọc nhiều); và nền văn học tốt không được đọc”. Phải chăng “nền văn chương xấu” nhưng lại được đọc nhiều đó chính là văn học mạng?

Ngoài ra, một thể loại văn học mới đã được ra đời, mang tính “tùy biến” cao, chỉ có thể là thành tựu đặc trưng của ngôn ngữ nhị phân, đó là những tác phẩm mà cốt truyện và nội dung tác phẩm sẽ thay đổi theo sự lựa chọn các phương án của người đọc, mỗi khi kết thúc một chương hay một đoạn. Thể loại văn học này phát huy cao tính dân chủ, “đồng sáng tạo” (theo nghĩa đen của từ này) từ phía độc giả. Tác giả không quyết định tới nội dung và số phận của bạn đọc, bởi mỗi người sẽ có quyền chọn một phương án khác nhau khi tiếp tục qua một chương mới. Đây kì thực là một sự mô phỏng cách thức của các trò chơi của game online, khi tác giả chỉ là người tạo ra luật chơi và hình ảnh của nhân vật, chính sự nhập vai của người chơi mới quyết định đến số phận và kết cục của trò chơi, nói cách khác, người chơi mới là chủ thể tự do trong diễn biến của xã hội ảo. Với ngôn ngữ kí tự, nghệ thuật hiện đại chỉ mới tạo ra sự hóa thân từ chủ thể tiếp nhận và tác phẩm, tức là người đọc vẫn phải có cảm giác mặc định mình biến thành một ai đó khác với chính hiện thể và bản chất của mình trong thực tại. Do đó, người ta có thể khóc cho nhân vật, nhưng ít khi nhầm lẫn nhân vật với chính mình. Nhưng với ngôn ngữ nhị phân, nghệ thuật hậu hiện đại tạo ra một cảm thức nhập vai cho chủ thể tiếp nhận, tức là người đọc được quyền thay đổi nội dung và số phận của các nhân vật nói riêng và tác phẩm nói chung theo sự lựa chọn của chính mình. Chính vì vậy, người tiếp nhận thường chìm đắm không thể dứt ra được trước thế giới ảo, nhờ tính “thực tại thế vì” của nghệ thuật hậu hiện đại, từ đó không hiếm các game thủ chết trên bàn phím, hoặc giết nhau chỉ để chiếm đoạt những món hàng ảo. Game online không chỉ cho phép người chơi thay đổi ý nghĩa (giá trị) của trò chơi, mà con mở ra khả năng thay đổi cả nghĩa (nội dung) của chính trò chơi đó. Sở dĩ ngôn ngữ nhị phân có thể xây dựng nên quyền uy tối thượng của mình là bởi nền nghệ thuật của nó được xây dựng từ phía người tiếp nhận, chúng tôi định danh đó là “nền nghệ thuật tương tác”. Nghệ thuật hậu hiện đại, dựa trên tính “ngụy tạo” (simulacres - thuật ngữ của Baudrillard) đã tích cực thực hiện quá trình “phì đại hiện thực” (hyperrrealism), nhằm đưa tham vọng tạo ra một thế giới ảo, nơi mang nhiều tiện ích, tri thức và khả năng giao tiếp nhiều hơn chính thế giới vật chất thực tại.

Không phải ngẫu nhiên mà trong văn hóa hậu hiện đại, chính điện ảnh chứ không phải văn học, mới là loại hình nghệ thuật có quyền lực lớn lao nhất. Điều ấy là khả nhiên, bởi vì trong thời điểm hiện nay, chỉ có điện ảnh mới phản ánh được tinh thần thời đại, ứng dụng một cách tối đa những thành tựu của khoa học công nghệ. Nói cách khác, điện ảnh chính là đứa con cả thừa kế toàn năng những năng lực và tham vọng của ngôn ngữ nhị phân. Những kĩ thuật vay mượn từ điện ảnh như chuyển cảnh, đối thoại, điểm nhìn, xâm lấn… của văn học rõ ràng chỉ là một chú học trò tồi trước khả năng hữu hình hóa của điện ảnh. Hơn nữa, nền văn minh hậu hiện đại mà chúng ta đang sống là nền văn minh của kỹ thuật số, của những giá trị ảo đầy quyền lực trên mạng toàn cầu. Microsolf và Google không sáng tạo ra bất kì cái cày, chiếc xe hơi và máy bay nào cả. Nhưng trong “thế giới phẳng” đang ngày một toàn cầu hoá được thống ngự bởi “Bầy thú điện tử” trong một “Chiếc áo nịt nạm vàng” (thuật ngữ của Thomas Friedman), nếu không có hệ điều hành Windows của Microsolf, không có hộp thư Gmail, hệ duyệt web Chrome, công cụ search của Google thì đừng nói là làm máy bay, ngay cả làm cái cày thôi cũng khó khăn vô cùng. Vì vào thời đại mà chúng ta đang sống, cái cày cũng được đưa lên mạng bán, người nông dân đã bắt đầu lái trực thăng để phun thuốc sâu và email để báo giá nông sản. Do đó, loại hình nghệ thuật nào phát huy hết sức mạnh công nghệ số, loại hình đó sẽ cực thịnh. Và như thế, rõ ràng, cho đến nay, văn học vẫn không cần gì nhiều hơn một cái máy in đã xuất hiện từ thời đầu của cách mạng khoa học kĩ thuật công nghiệp, thời mà những chiếc tàu vẫn còn chạy bằng đầu máy hơi nước. Xa hơn chút nữa, ngay từ thời cổ đại người Trung Quốc cũng đã chế ra được những bản khắc in bằng gỗ. Còn điện ảnh, những kỹ xảo hoành tráng trong Chúa tể những chiếc nhẫn đã đẩy lùi trong cảm thức độc giả đương thời về cuộc chiến thành Troy, cảnh tình yêu lãng mạn nhưng bi kịch trong đại cảnh con tàu chìm Titanic đã làm lu mờ mối tình Romeo và Juliet của Sếchpia, cảnh con King Kông cầm trên tay nàng thiếu nữ và nhảy múa trên những đỉnh tháp văn minh của loài người đã làm những con quái vật trong văn học viết ngậm ngùi cúi đầu cáo chung.

Lời đề từ cuốn Tương lai văn học của Fréderic Badré viết: “Ngày nay, thế giới của biểu hiện văn học là một thế giới giả tạo. Giống như những thế giới khác. Một sự giả tạo tuyệt đối. Điều gì đã xảy ra?” [1]. Văn hóa đương đại nói chung và văn học nói riêng đang thay đổi từng ngày, dưới quyền năng và các khả năng đặc biệt của ngôn ngữ nhị phân, thay đổi nhanh và triệt để đến mức không còn có thể nhận ra đó còn là văn học, hoặc là những hình hài quen thuộc của văn học như mấy ngàn năm qua chúng ta vẫn biết. Thơ viết bằng văn xuôi, truyện không có cốt truyện, văn học mạng với những kĩ xảo icon Yahoo! xen lẫn, phần mềm sáng tác, truyện có cốt truyện dựa theo sự lựa chọn của độc giả… văn học hậu hiện đại đã biến đổi nhanh đến mức, tất cả những gì tưởng chừng như cố định đã trở nên biến thiên, tất cả những gì vốn đạo mạo uy quyền giờ trở nên giễu nhại hài hước, tất cả những gì từng là nguyên lí giờ đơn giản chỉ là những diễn ngôn. Nhưng đó là một quá trình lịch sử tự nhiên, nền văn hóa của mỗi thời đại luôn được vận động và đổi mới dựa trên năng lực từ chính hệ ngôn ngữ chủ lưu của nền văn hóa ấy.

Văn học trong thời hậu hiện đại đã thôi được kiểm định chất lượng bằng giáo dục, nhận thức. Văn học trong thời đại suy vi cần lấy hai tiêu chí mới là doanh thu và số lượng xuất bản để làm mức định giá giá trị. Những thiết chế trong đời sống tinh thần ngày nay đang gọi tên tính giải trí và thẩm mỹ trong việc biểu đạt thế giới của các bộ môn nghệ thuật. Do đó, nếu như văn học muốn tồn tại trong thời hậu hiện đại, nó không thể mang mãi bộ mặt cau có và u ám như một góa phụ áo đen, dẫu đạo đức và bà ta có uyên thâm đến như thế nào đi nữa. Thế giới đang cần văn học tươi trẻ và khoáng đạt như một nàng thiếu nữ, dẫu có phóng đãng và khêu gợi một tí đi nữa thì cũng rất đáng yêu. Vì nói như Sagan: “Ước gì mình được hư hỏng và vui với hư hỏng, còn hơn là chết cóng”. Ngôn ngữ nhị phân như đã nói, ngoài đặc tính “tạo dựng thế giới” và “chu chuyển thông tin” một cách hiệu năng cao chưa từng có trong lịch sử nghệ thuật loài người, còn mang đặc tính “tương tác phổ biến” đối với người tiếp nhận. Do đó, chính chủ thể tiếp nhận quyết định đến tính giá trị của văn học nghệ thuật, chứ không phải tham vọng và ý chí của các “đại tự sự” (grand récrit).

Không thể có một nghệ thuật cao sang mà lại sống lay lắt trong những viện bảo tàng bằng tiền bảo trợ của chính phủ hoặc Liên hiệp quốc. Nếu có như vậy, nghệ thuật đó cũng hệt như những chiếc rìu đá được trưng bày một cách trang trọng trong những viện bảo tàng. Người ta trân trọng và giữ gìn nó như là một kí ức, một chứng nhân của một thời đại mông muội đã qua đi, để cất giữ nhận thức về những gì mà loài người đang có, và sẽ có. Sẽ không có ai tin, và cũng không còn ai hy vọng, một ngày kia, nền văn hóa rìu đá kia lại trỗi lên, và loài người lại dã man trần truồng chạy thục mạng trong rừng xanh để săn bắt hái lượm. Nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng cũng vậy, có những vấn đề không được phép lãng quên, nhưng chỉ nhớ để mà làm kí ức, hiện tại mới là nơi chúng ta sống, và hiện tại luôn có những tiêu chí riêng cho mình.


Đọc lại Điều kiện hậu hiện đại - cuốn sách có tính cương lĩnh mở ra thời hậu hiện đại của J.F.Lyotard, nhà triết học người Pháp đã xem việc đả phá các “đại tự sự”, cùng với việc làm rõ “thân phận của tri thức” là hai trung tâm khảo sát chính trong triết học của mình. Để cắt nghĩa và kiến giải một cách hợp lý về hai vấn đề cơ bản đó, cần thiết phải có một thứ ngôn ngữ mới, hoặc ít ra, một quan niệm mới về ngôn ngữ. Thứ nhất, để đả phá các “đại tự sự”, con người hậu hiện đại cần một ngôn ngữ ở tầm vi mô nhưng có khả năng tùy biến mạnh mẽ. “Như vậy, xã hội tương lai sẽ ít phụ thuộc vào một nhân loại học [kiểu] Newton (như thuyết cấu trúc hay lý thuyết hệ thống) mà phụ thuộc nhiều hơn vào một dụng học (pragmatique) của các phân tử ngôn ngữ. Có nhiều trò chơi ngôn ngữ khác nhau, đó là tính không thuần nhất của các yếu tố. Chúng chỉ định hình bằng những mảnh ghép - và đó là quyết định luận cục bộ” [5,55]. Thứ hai, nhằm kiếm tìm bản chất của tri thức trong thời hậu hiện đại, tất cả chúng ta cần hiểu về “thân phận số hóa” của toàn bộ thế giới tri thức con người. “Trong tính biến đổi chung này, bản tính của tri thức không thể nào còn nguyên vẹn được. Nó chỉ có thể chuyển qua các kênh mới và vận hình được khi kiến thức có thể được dịch thành các khối lượng thông tin. Từ đây có thể rút ra một điều dự đoán là tất cả những gì trong tri thức đã có mà không thể dịch ra được bằng cách ấy [chuyển đổi qua ngôn ngữ nhị phân - PTA] sẽ bị loại bỏ” [5,63].

Trong mấy ngàn năm qua, hệ thống ngôn ngữ của con người đã không ngừng biến đổi và tiến hóa, từ những hình thức tranh vẽ tượng hình đầu tiên cho đến những hệ thống ghi ý, rồi hành trình qua những hệ thống ngôn ngữ ghi âm. Quá trình ấy vốn dĩ quanh co và phức tạp, bởi bản thân ngôn ngữ là “hiện thực trực tiếp của tư duy”, mà tư duy là một phạm trù có tính trừu tượng. Tuy nhiên, sự phát triển của các hệ thống ngôn ngữ trên thế giới qua các thời đại thường có một điểm chung, đó là quá trình giản lược hóa kí tự và phong phú hóa (khả năng) biểu đạt. Hiểu theo cách ấy, ngôn ngữ nhị phân đang là ngôn ngữ chủ lưu trong thời hậu hiện đại, bởi tính giản lược tối thiểu trong hệ thống cấu trúc của nó (hai kí tự), nhưng năng lực biểu đạt lại được mở ra đến vô biên. Chúng tôi cho rằng, để mỗi một hệ thống ngôn ngữ mới ra đời và được thừa nhận, điều đầu tiên không phải là xây dựng một hệ thống cấu trúc và hệ thống quy tắc mới, mà chính là xây dựng một quan niệm mới về ngôn ngữ. Xét về mặt quan niệm, “ngôn ngữ nhị phân” chỉ là một đề xuất định danh cho một hệ thống cấu trúc ngôn ngữ (được máy tính viết nên), đặc trưng cho văn hóa nghệ thuật thời hậu hiện đại. Cũng giống như khái niệm “hậu hiện đại”, “ngôn ngữ nhị phân” là một khái niệm đang hành trình đến với sự thừa nhận. Bài viết này chỉ là một đề xuất có tính gợi mở, tiềm chứa nhiều nguy cơ khiên cưỡng. Sở dĩ có điều đó là bởi, tư duy của người viết vốn hạn chế, hơn nữa, không phải khả năng nào cũng đủ điều kiện để biến thành hiện thực, quan trọng hơn, nói như Martin Heidegger: “Chúng ta đã thừa nhận rằng mối nguy có trong bản chất bí ẩn của ngôn ngữ” [4,254].

P.T.A
(249/11-09)



---------------
(1) Frederic Badre (2006), Tương lai văn học, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng.
(2) Trương Đăng Dung (2004), Tác phẩm văn học như là quá trình, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
(3) Trương Đăng Dung (1998), Từ văn bản đến tác phẩm văn học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
(4) Martin Heidegger (2004), Tác phẩm triết học, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
(5) Jean Francois Lyotard (2008). Hoàn cảnh hậu hiện đại, Nxb Tri thức, Hà Nội.



Các bài mới
Các bài đã đăng
Đám tang (04/12/2009)
Cùng bạn đọc! (02/11/2009)
Đi qua vùng lũ (02/11/2009)