Tạp chí Sông Hương - Số 126 (tháng 8)
Một phác thảo lịch sử hiện đại hóa ở Việt Nam
17:49 | 20/11/2009
HOÀNG NGỌC HIẾN    (Đọc "Văn hóa chính trị - truyền thống và hiện đại" (1) của Nguyễn Hồng Phong)Đây là công trình nghiên cứu tổng kết có tính chất chiến lược Chương trình khoa học công nghệ cấp Nhà nước KX06 "Văn hóa, văn minh vì sự phát triển và tiến bộ xã hội" do cố giáo sư Nguyễn Hồng Phong làm chủ nhiệm(2). Lịch sử những quá trình hiện đại hóa ở Việt Nam từ cuối t.k.XIX đến nay là một chủ đề quan trọng của công trình.
Một phác thảo lịch sử hiện đại hóa ở Việt Nam
Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến- Ảnh: tanvien.net

Tư tưởng canh tân ở Việt Nam cuối t.k.XIX được so sánh với tư tưởng canh tân ở Nhật Bản, Trung Quốc cùng thời kỳ. Ở Nhật Bản, công cuộc duy tân bắt đầu bằng sự việc từ năm 1859 có một giáo sĩ người Mỹ gốc Hà Lan Verbeck đến cảng Nagasaki truyền đạo và mở lớp dạy học (chính trị, kinh tế, luật pháp... phương Tây). Đông đảo học trò của Verbeck đã được đưa vào ban lãnh đạo tối cao của chính quyền Minh Trị. Verbeck đề nghị chính quyền thành lập một phái đoàn đi thị sát. Muốn đánh giá và áp dụng văn minh Phương Tây cần phải sống với nó, tiếp xúc với nó. Phái đoàn được thành lập, tuổi rất trẻ (tuổi trung bình chưa đến 30 tuổi), lãnh đạo đoàn gồm những nhân vật chủ chốt đầu não trong chính quyền Minh Trị. Phái đoàn đã đi qua 12 nước, thời gian đi gần hai năm, đã qua các nước sau đây: Mỹ 265 ngày, Anh 122 ngày, Pháp 70 ngày, Bỉ 8 ngày, Hà Lan 12 ngày, Đức 33 ngày, Nga 18 ngày... Vào cuối t.k.XIX, Trung Quốc cũng tiến hành hiện đại hóa và công cuộc đổi mới văn hóa ở Trung Quốc đã ảnh hưởng tích cực đến Việt Nam. Công cuộc học tập phương Tây, cách mạng văn hóa của Trung Quốc đã không dẫn tới một cuộc duy tân tự cường như Nhật Bản. Ngoài lý do không ổn định về chính trị và tình trạng bị sức ép các cường quốc xâm lược, sự thất bại còn do chỗ Trung Quốc chưa tìm thấy một phương thức thống nhất được truyền thống với hiện đại hóa như Nhật Bản đã làm được (cuộc thí nghiệm về sự thống nhất này sẽ được thực hiện lần nữa bởi Mao Trạch Đông dưới khẩu hiệu: chủ nghĩa Mác-Lê nin mang mầu sắc Trung Quốc; và hiện nay là cuộc thí nghiệm lần thứ ba). Ở Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX, tư tưởng cải cách để tự cường đã được đề xuất bởi chính những sĩ phu yêu nước: Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ... Nguyễn Trường Tộ đã đề xuất một cách tương đối toàn diện cuộc cải cách để tự cường theo văn minh phương Tây. Nguyễn Lộ Trạch kiến nghị cải cách về giáo dục: để đẩy mạnh việc học tập khoa học và công nghiệp phương Tây phải khắc phục tư tưởng coi khinh "công kỹ" của Nho giáo.

Bước sang t.k.XX, tình hình Việt Nam thay đổi: phong trào "Cần Vương" đã thất bại, Pháp đã thiết lập một chế độ trực trị và bảo hộ, một lớp doanh nhân mới xuất hiện. Trong khi đó, những "Tân thư", "Tân văn", truyền bá tư tưởng dân chủ tư sản và văn minh phương Tây của các trí thức Trung Quốc đến Việt Nam như "một tiếng sét nổ đùng có một sức kích thích mạnh nhất thấu vào tâm não người Việt Nam ta". Những trí thức tiểu biểu cho giai đoạn này là Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và Đông kinh nghĩa thục. Tư tưởng chủ đạo của họ là kết hợp chủ nghĩa yêu nước với tinh thần canh tân.

Từ tư tưởng quân chủ sang cộng hòa dân chủ, rồi cuối đời lại hướng về chủ nghĩa xã hội, Phan Bội Châu là một dấu nối giữa Nguyễn Tường Tộ, thế hệ cuối t.k.XIX và Phan Chu Trinh, thế hệ đầu t.k.XX.

"Chấn dân khí, khai dân trí và hậu dân sinh" là một tuyên ngôn yêu nước duy tân của Phan Chu Trinh. Ông khẳng định những truyền thống đoàn kết dân chủ của nhân dân Việt Nam có từ thời Trần. Ông khẳng định định tinh thần dân chủ, các truyền thống nhân văn của Khổng giáo nguyên thủy, rất khác với Tân Khổng giáo sau này. Ông muốn đi tìm một sự kết hợp giữa truyền thống phương Đông và hiện đại phương Tây: "Đem cái văn minh thật của Âu Châu mà hòa hợp với cái Nho giáo thật của Á Đông".

Nguyễn An Ninh là một nhân vật quá độ từ phong trào yêu nước duy tân từ những sĩ phu nho giáo chuyển sang lớp trí thức mới. Khác với các sĩ phu lớp trước, ông phê phán Khổng giáo với một thái độ khước từ. Sự tiếp nối ở ông là lòng tự hào về những giá trị của văn hóa và con người Việt Nam, về sức sống của dân tộc Việt Nam, Nguyễn An Ninh khẳng định bản sắc dân tộc trong bài "Ước mơ của chúng ta":

"Nói đến sự trường tồn của một giống nòi trước hết phải nói đến văn hóa, nói đến sức sống của dân tộc, của giống nòi đó, nghĩa là tất cả những tiềm năng mà dân tộc đó đã để lại dấu ấn sâu đậm và tỏa sáng chói lọi trên tiến trình lịch sử của mình. Và người Việt Nam đã từng có một sức sống tạo trên một nền văn hóa như vậy". (tr.198).

Nguyễn Ái Quốc là đại biểu cho sự chuyển hướng của phong trào yêu nước duy tân theo khuynh hướng dân chủ tư sản chuyển sang phong trào yêu nước kết hợp với chủ nghĩa xã hội. Về tư tưởng, sự chuyển hướng này là sự phê phán mô hình dân chủ tư sản phương Tây đồng thời hướng về chủ nghĩa Mác-Lênin và Cách mạng tháng Mười Nga.

Sự lựa chọn chủ nghĩa Mác và đưa chủ nghĩa Mác vào một nước thuộc địa, lạc hậu đòi hỏi phải có tinh thần sáng tạo rất lớn, làm cho nó thích nghi với những điều kiện xã hội khác với xã hội từ đó nó xuất phát.

"Chủ nghĩa Mác sẽ đem lại nguồn sinh lực mới cho phong trào dân tộc và công cuộc duy tân.
Và muốn như vậy phải Việt Nam hóa chủ nghĩa Mác.
Nguyễn Ái Quốc là người tiêu biểu đảm nhiệm sứ mệnh lịch sử này và ông đã hoàn thành được nhiệm vụ kết hợp này, nhờ đó mà có được một cuộc Cách mạng tháng Tám và hai cuộc kháng chiến thần thánh."
(tr.206-207).

Bản "Báo cáo về Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ" viết ở Matxcơva năm 1924 có thể coi là một văn kiện lịch sử định hướng cho việc nghiên cứu sáng tạo chủ nghĩa Mác. Một số luận điểm được nhấn mạnh trong văn kiện:

"Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử. Nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà Châu Âu là gì? đó chưa phải là toàn thế giới nhân loại" (tr.207).

"Mác cho ta biết rằng sự tiến triển của các xã hội phải trải qua 3 giai đoạn: chế độ nô lệ, chế độ nông nô và chế độ tư bản, và trong mỗi giai đoạn ấy đấu tranh giai cấp có khác nhau. Chúng ta phải coi chừng! Các dân tộc Viễn Đông có trải qua hai giai đoạn đầu không". (tr.209).

"Chủ nghĩa Mác sẽ còn đứng cả ở đó (ở Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc.N.H.P) dù sao thì không cấm bổ sung "cơ sở lịch sử" của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào những tư liệu mà Mác ở thời của mình không có được" (tr. 209 - 210)

Mác không biết đến vấn đề dân tộc. Lê nin là người quan tâm đến tiềm năng cách mạng của phong trào quốc gia.

Khi đưa tư tưởng chủnghĩa Lê nin về vấn đề dân tộc vào Việt Nam Nguyễn Ái Quóc và những người cộng sản Việt Nam đã tạo một quan niệm riêng để giải quyết vấn đề dân tộc. Một số quan điểm được tác giả khẳng định khi trả lời câu hỏi: "Sự sáng tạo của Việt Nam là ở đâu?":

- Dân tộc là một phạm trù văn hóa... (tr. 213)

- Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc bao giờ cũng biểu hiện như là những phong trào tìm tòi bản sắc dân tộc, bảo tồn bản sắc dân tộc... (tr. 213)

- "Chủ nghĩa dân tộc là dộng lực lớn nhất của đất nước..." (tr. 214)

Chương cuối cùng của tác phẩm (tr. 239 - tr. 245) bàn về Những giải pháp về một sự kết hợp mới giữa truyền thống - hiện đại hóa và chủ nghĩa xã hội để phục vụ cho công cuộc hiện đại hóa ở nước ta. Tổng thể của những giải pháp đó là: Vận dụng phương thức phát triển của nền kinh tế thị trường để năng động hóa nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng nhưng vẫn không rời bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội phương châm "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh" (tr. 8).

 
Có thể thấy những suy nghĩ có tính chất chiến lược của cố giáo sư Nguyễn Hồng Phong về vấn đề này có căn cứ ở sự tổng kết nghiên cứu lịch sử những quá trình hiện đại hóa ở Việt Nam từ cuối t.k.XIX đến nay:

"Đây là một thách thức lịch sử và là nhiệm vụ sáng tạo, nhưng vẫn không rời bỏ truyền thống văn hóa chính trị Việt Nam là dân tộc (yếu tố nội sinh), hiện đại hóa (ngoại sinh) và chủ nghĩa xã hội (truyền thống nhân văn cộng đồng)" (tr. 8).

H.N.H
(126/08-99)


------------------------------
(1) Nguyễn Hồng Phong - Văn hóa chính trị Việt Nam. Truyền thống và hiện đại. Trung tâm nghiên cứu và tư vấn về phát triển và Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin xuất bản. Hanoi. 1998. Những số trang được dẫn trong bài này là những số trang của ấn phẩm này.
(2) Xem bài
Văn hóa chính trị truyền thống Việt Nam... của Hoàng Ngọc Hiến đăng trên Sông Hương, số 1 - 1999.








 

Các bài mới
Đêm không ngủ (25/11/2009)
Nhà trọ (24/11/2009)
Các bài đã đăng
Chợ Đông Ba (19/11/2009)