Những con mèo
1.Những tình lang nhiệt tâm và những nhà thông thái nghiêm trang 2.Như nhau cùng yêu, vào mùa đời đã chín, 3.Những con mèo, niềm kiêu hãnh của ngôi nhà, dịu hiền và mạnh mẽ, 4.Chúng giống họ co ro và như họ ẩn cư.
5.Là bạn hữu của tri thức và du khoái, 6.Chúng kiếm tìm sự lặng yên và điều ghê hãi của tối tăm 7.Âm phủ hẳn đã nhận chúng làm những con tuấn mã xe tang, 8.Nếu chúng chịu nghiêng lòng tự tôn của mình vào nơi phục dịch.
9.Trong mơ mòng chúng mang dáng điệu quý phái 10.Của những con nhân sư vĩ đại duỗi dài tới thẳm sâu của những đơn côi, 11.Như đang thiu ngủ trong một giấc mơ miên viễn;
12.Lưng cật sung mãn của chúng tràn ngập những tia chớp diệu huyền, 13.Cùng những vẩy vàng, như cát mịn, 14.Nhấp nháy mơ hồ những vì sao đôi con ngươi thần bí của chúng. (Đ.D.H. dịch)
Baudelaire (1821 - 1867) là một thiên tài thơ nổi loạn. Tập thơ "Hoa Ác" của ông là "bình minh của cái đẹp toát ra từ đêm đen của cái ác". Các "khoảng trắng" đa âm, mơ hồ của tiểu thuyết "Bà Bovary" (1856) cùng với "một thế giới vỡ vụn", đứt đoạn của "Hoa Ác" (1857) đã khiến từ nửa sau thế kỷ XIX trở đi văn chương Pháp rẽ sang một hướng mới - tính hiện đại (modernité). Thế gới thơ baudelairien thể hiện cái mâu thuẫn, cái lưỡng phân của con người hiện đại. Ngay cả trong những bài thơ tưởng như dễ đọc vẫn gây những ám gợi, liên tuwỏng xa xôi. "Những con mèo" nằm trong trường hợp như thế được sáng tạo từ Baudelaire "Nhà thơ của những con mèo" - Poète des chats (Jacobson - Strauss).
Trong "Hoa Ác" có ba bài về mèo, hai bài có nhan đề ở số ít, riêng một bài ở số nhiều: Những con mèo mà chúng ta đang đề cập. Bài thơ đã được nhà thơ Vũ Đình Liên dịch trong tập "Thơ Baudelaire", Nxb Văn Học, năm 1995, trang 100. Trên Tạp chí Văn Học số 7/1997 cũng đã được MH và TBĐ dịch lại nhân giới thiệu lướt qua khá thành công những phần phù hợp với độc giả Việt Nam bài nghiên cứu tài năng của hai nhà cấu trúc học hàng đầu thế giới là R.Jacobson và L.Strauss về bài thơ này. Bài nghiên cứu rất tỉ mỉ về hiệp vần, danh từ, tính từ, động từ, dấu câu, cấu trúc ngữ pháp, các khổ thơ, không - thời gian, các hình ảnh tương ứng nhau, nhân vật (động vật/ phi động vật)... một cách rất thuyết phục, rất sâu. Jacobson và Strauss đã làm"nổ tung", "tháo rời" văn bản thơ Baudelaire qua 19 trang in chữ nhỏ để tìm ý nghĩa bài thơ của một thiên tài không hề là "tự phát" như chúng ta có thể thấy phần nào những phát biểu rất có ý thức về chức năng ngữ pháp, ngôn từ của Baudelaire ở phần đầu bài viết này.
Ngay trong khổ thơ đầu, "Những con mèo" của Baudelaire đã mang hai đặc tính: "dịu hiền và mạnh", tương hợp với cách nhìn: "vừa dịu dàng vừa vờ vĩnh" trong biểu tượng. Tuy nhiên, sang khổ 2, chúng đã được nhà thơ nhân hóa: "Là bạn hữu của tri thức và du khoái" ứng đối trực tiếp với câu đầu tiên của khổ đầu tiên: tình lang và nhà thông thái. Là bạn hữu, trong nó hiển nhiên có cả sự nhiệt tâm của người tình và tính nghiêm trang của nhà thông thái. Ngay trong nội tại một sinh vật đã ẩn tàng hai đặc tính của người, nhất là đặc tính "tri thức" (science). Hai đặc tính này nếu không loại trừ nhau hoàn toàn cũng rất khó kết hợp một cách nhịp nhàng trong một con người, chúng mâu thuẫn nhau, "cái này giết chết cái kia". Song con mèo của Baudelaire do được thừa hưởng từ "mẫu gốc" "sức mạnh và sự khéo léo", tinh ranh, đã được "nâng cấp" lên ngang hàng người trong khi loại trừ những yếu tố linh thiêng, ma thuật.
Đặc biệt ở hai câu 7 và 8, mèo mang tính chất tôn giáo được giả định "phục dịch" nơi âm phủ, nhưng nó không canh gác cây cầu để vứt xác những linh hồn tội lỗi xuống nước âm phủ mà làm ngựa kéo xe tang. Hình ảnh mèo được "chắt" ra từ "mẫu gốc", nhưng đã được "huyền thoại hóa" đi từ thế chủ động sang thế bị động, bị cưỡng bức bằng lao động dẫu nơi đó (âm phủ) là linh thiêng, cao quý với vị trí, thân phận của nó. Nhưng do "lòng tự tôn" mà nó không chịu làm điều đó. Chúng ta nói: "Không trâu bắt mèo cày ruộng" nằm trong tư duy dân gian về cái phi lý, bần cùng, nói ngược và thấp thoáng sự hài hước, xót xa. Sau cùng, trong hai câu thơ trên đây, âm phủ đồng nghĩa cới cái chết, sự tối tăm, ảm đạm lại được đến ngay sau hàng loạt các hình ảnh về hoạt động của sự sống thực, nó đối lập với "ngôi nhà": hai thế giới mau thuẫn nhau thường thấy trong thơ Baudelaire. Ngay sau hình ảnh về âm phủ tối tăm lại đến sự chói chang của nắng thông qua ẩn dụ về con nhân sư, đầu đàn bà mình sư tử tượng trưng cho Mặt trời - một biến hình tiếp theo của mèo. Toàn bộ hai khổ thơ cuối cùng của bài xon-nê mang một không khí vừa thực vừa "siêu thực" (Jacobson-Strauss), vừa về con mèo ở khắp mọi nơi, vừa "thần bí" hơn bản thân nó rất nhiều. Tài thấu thị của nó, cuói cùng, nằm trong "đôi con ngươi thần bí" (prunelles mystiques).
Các con mèo trong sáng tác của M.Aymé hoặc của Apollinaire không có "dáng vẻ" như thế. M.Aymé có tập truyện "Con mèo ú tim" Alphonse thông minh, nhạy cảm, đáng yêu, cả sự láu lỉnh, ranh mãnh, tập trung trong nó những ngụ ngôn về loài người. Tuy nhiên, có một chi tiết cầu mưa bằng cách gãi tai của mèo Alphonse lại gần gũi với phong tục của Cămpuchia nhốt mèo vào lồng, té nước (dù hình thức khác nhau vẫn cùng chung chức năng gọi mưa): từ trong sâu thẳm, mèo ở mọi nơi vẫn "gợi nhớ về trạng thái hỗn mang, nguyên thủy", nó liên quan đến hạn hán và thiên tai. (bản thân nó cũng ít tắm, sợ nước. "Meo meo meo rửa mặt như mèo/ Xấu xấu chẳng được mẹ yêu... là bài đồng dao hiện đại của trẻ em chúng ta). Như vậy, "nhân vật tích cực" của M.Aymé vẫn mang trong nó "tì vết" của cha ông chúng. Những tính cách "vờ vĩnh", "mơ màng", "quý phái", thiu ngủ"... ban ngày đã tự phủ nhận công lao bắt chuột về đêm của mèo và bị người đời cho là lười. Chả thế mà bố mẹ của hai bé gái, Delphine và Marinette (có lúc ngay chính cả các em) rất ghét Alphonse và có lần ông bố đã mang quẳng Alphonse ra sông cho chết đuối. Nhưng nhờ mưu mẹo của hai em và cả bầy gia súc mà Alphonse được cứu thoát... Hậu duệ cùng thế kỷ với con mèo "ngụ ngôn" có hậu này là "Chú mèo máy thông minh Đôrêmon" - "cơn sốt" yêu thương mỗi thứ sáu hằng tuần của các em nhỏ Việt Nam cách đây vài năm hẳn các bậc phụ huynh chúng ta còn nhớ. Con mèo cũng đã đi vào phim nhiêù tập theo kiểu "Hãy đợi đấy": Tom và Jerry - "ngụ ngôn" về sức mạnh ngu ngốc, mù quáng của mèo chả bao giờ thắng được sự ranh mãnh, láu lỉnh của chuột.
Trong tập thơ "Rượu", Apollinaire có một bài ngắn năm câu thể hiện ao ước của nhà thơ về ba điều: Tôi mong ước trong nhà:/ Một người vợ hiền thảo,/ Một con mèo lượn qua sách vở,/ Quanh năm có bạn bè/ Thiếu những điều đó làm sao tôi sống nổi" (3) Ba điều mà thực ra lại là bốn: Sách vở bị ẩn đi sau chủ từ mèo. Điều quan trọng nhất bị chìm đi, không có trong danh sách "trang trí" nội thất! Tát cả ba điều kia nếu không ồn ào thì cũng động đậy, riêng sách vở trung thành là im lặng, ẩn cư. Tuy nhiên, trở lại với những con mèo của hai người vừa nêu, chúng ta nhận thấy tính thuần chất ít ra là trên bề mặt văn bản mà không lấp lánh phát ra những ý tượng trưng hai mặt, mâu thuẫn như Những con mèo của Baudelaire. Điều đó xuất phát từ tính "nước đôi" vừa là cái này vừa là cái kia, vừa do nguồn gốc chung vừa nằm trong chủ ý riêng của nhà thơ về mèo. Tính cách người và những biến hình của mèo đã được Jacobson và Strauss phân tích rất sâu để cuối cùng đi đến kết luận: "đối với Baudelaire, hình ảnh mèo gắn bó chặt chẽ với hình ảnh người đàn bà..." (4) - có liên quan với các hình ảnh cụ thể trong hai bài thơ còn lại của tập. Tính cách ma thuật thay hình đổi dạng cũng như "lưng cật sung mãn" khơi gợi khả năng sinh sản cho thấy người đàn bà vừa tốt lành vừa độc hại, vừa là cái "siêu thời gian" vừa là cái thoáng qua để lại nỗi buồn chán bên cạnh sự khát khao lí tưởng, ngợi ca cuộc đời trong cái nhìn của Baudelaire. Hình ảnh người phụ nữ vừa âm u vừa tỏa sáng là một ám ảnh lớn, tuyệt vọng và khao khát vươn lên cái tuyệt đối của nhà thơ. Người đàn bà sẽ "rọi chiếu bóng tối lớn nhất và ánh sáng lớn nhất vào những giấc mộng của chúng ta".(5)
Mối quan hệ giữa ý dục (hữu thức hoặc vô thức) với trí năng được Schopenhauer ví như thằng mù khỏe mạnh cõng thằng què sáng mắt: Không phải bao giờ người chủ trí năng cũng sai khiến được và bắt được kẻ nô lệ ý dục phải tuân lệnh mình. Điều đó đã được Esope (VI-V tr. C.N) của Hi Lạp biểu đạt trong một hình ảnh tuyệt vời: Con mèo biến thành người đàn bà ngồi đoan trang ở góc phản cho đến khi con chuột chạy qua, lại trở lại nguyên hình mèo. Thiên tài thơ của Baudelaire đã được "đúc" ra từ những "mẫu gốc" biểu tượng và ngụ ngôn, có thực và siêu thực thật xa xưa như thế. Một mặt, Baudelaire đã cho chúng ta "hình ảnh mèo gắn bó chặt chẽ với hình ảnh người đàn bà", mặt khác, thật sâu xa, phải chăng đó cũng chính là bản năng vô thức "dịu hiền và mạnh mẽ", "Bản năng gốc", vẫn luôn luôn thức ngủ "đoan trang" trong mỗi chúng ta làm động lực cho sáng tạo, sự sống, tình yêu... Với "Những người khốn khổ", Victor Hugo đã từng tha thiết: "Trong đời chỉ có một điều ấy thôi : là yêu nhau".
Những ngày mùa đông Mậu Dần, 1998 Đ.D.H (126/08-99)
--------------------------------------------- (1). Roman Jacobson, Questions de poétique. Ed. du Seuil, Paris, 1973. Tr.420. (2). Từ điển Biểu tượng văn hóa thế giới. NXB. Đà Nẵng - Trường Viết văn Nguyễn Du, 1997. Mục từ Mèo. (3). Apollinaire, Alcools, Gallimard, 1986. (4). Roman Jacobson, S.đ.d. Tr.418. (5). Lịch sử văn học Pháp thế kỷ XIX, (Đặng Thị Hạnh - Baudelaire) Nxb. Ngoại văn, Hà Nội, 1990, Tr.302.
|