Tạp chí Sông Hương - Số 126 (tháng 8)
Chuyện ở nhà một nhà điêu khắc
10:32 | 26/11/2009
LTS: Cái đẹp có khi phải hơi thiêu thiếu một chút mới gây được mỹ cảm ở người thưởng ngoạn... Có lẽ xuất phát từ quan điểm ấy mà Lãng Hiển Xuân viết truyện ngắn nầy với chiều sâu ý tưởng đầy chất nhân văn, nhưng người đọc cảm thấy vẫn còn thiếu một chút gì...Chúng ta vui mừng khi biết đây là trang viết đầu tay của anh. Xin giới thiệu với bạn đọc, và chờ đợi Lãng Hiển Xuân những sáng tác mới.SH
Chuyện ở nhà một nhà điêu khắc
Nhà văn Lãng Hiển Xuân - Ảnh: vannghesongcuulong.org


LÃNG HIỂN XUÂN


Chuyện ở nhà một nhà điêu khắc

                                                         
Truyện ngắn

Tôi biết là chuyện không có thật, nhưng mỗi khi nhắm mắt lại tôi lại thấy nó cứ hiện lên sống động trong tâm trí tôi, ám ảnh tôi và buộc tôi hôm nay phải viết ra đây để vơi bớt đi phần nào sự ám ảnh đó.


Chuyện xảy ra đã lâu, mà kể ra nó cũng chẳng dính dáng gì đến công việc hay nghề nghiệp của tôi, thế mà nó cứ đeo đẳng trong tôi mãi. Giá như - ở đời biết bao cái giá như -giá như nó chẳng thế này thì nó đã như thế kia, giá như tôi chẳng thất nghiệp từ cái hồi chia tỉnh thì tôi cũng đã chẳng gặp được bác ấy, và cuối cùng giá như chiều hôm đó cứ thủng thẳng uống trà đừng dính đến cái tên "đế quốc rượu" kia thì tôi đã chẳng bí tỷ để đến nỗi phải chứng kiến chuyện này.

Chả là nhân dịp "uôn cúp", tôi đến chỗ ông bạn già của tôi, một nhà điêu khắc ít có tiếng tăm nhưng lại quá chung thủy với nghề. Trong lúc chờ đợi đến trận đấu tiếp theo, tôi cùng bác hứng chí làm luôn một đĩa dồi chó và lít rượu làng Chuồn. Mặc dù bác hơn tôi gần ba chục tuổi nhưng hai bác cháu rất tâm đầu ý hợp. Từ chuyện đông tây kim cổ, trong nước, quốc tế qua chuyện nhân tình thế thái rồi đến cả chuyện văn thơ nghệ thuật nữa... Trong một không gian chật hẹp của một căn hộ tập thể, giữa xung quanh đủ các loại tượng thạch cao xi măng đất sét, việc đàm đạo với bác về nghệ thuật quả là khá hợp và nhất là đối với một thằng mù tịt như tôi thì thật là quá sung sướng. Đây là một dịp tôi được thưởng thức, được học hỏi thêm. Nào là Thần Vệ nữ nào là Khát vọng, A pô lông... Và các tác giả trên thế giới. Trong lúc rượu ngà ngà bác hỏi tôi:

- Cậu thích loại tượng nào?

- Cháu khoái nhất là ông thần tài, ông thổ địa và cả con heo cười nữa. Tôi trả lời vô tư.

Bác cười và bảo:

- May mà cậu không học nghệ thuật, chứ cậu mà học thì rồi ra cũng chẳng được tích sự gì. Cái kiểu thích của cậu hơi bị quá thực dụng đấy!

Nghe bác mắng tôi chỉ biết nhe răng ra cười như ông địa rồi nâng ly lên xí xóa.

Ngày trước bác học ở trường Mỹ thuật ngoài Hà Nội. Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, bác vào khu 4 làm công tác tuyên truyền cổ động văn hóa thông tin, sau giải phóng miền Nam bác bám rễ ở lại luôn. Là con người thật thà hiền hậu, lại sống ở cái đất miền Trung khắc khổ này, bác nói bác khó mà thực hiện được mơ ước của mình một cách trọn vẹn. Ngoài những "tác phẩm bắt buộc" bác phải làm nghĩa vụ của một hội viên văn nghệ tỉnh nhà, bác còn sao chép lại các loại tượng khác để bán nuôi ba người con ăn học đến đại học.

Bác làm đủ các loại tượng từ tượng Phật, tượng Thánh, tượng vệ nữ, thiếu nữ khỏa thân, đàn ông thần tài, ông địa, heo đất, trẻ con... Nghĩ lại cũng buồn cười thật, chẳng hiểu sao tự nhiên tôi lại đi khoái con heo đất của bác mới lạ chứ, nhìn nó cứ như nó đang tủm tỉm cười mình, còn ông địa tay cầm cái quạt cũng cười thật thoải mái mà chẳng biết cười ai. Lâu lâu bác bán được cái tượng nghệ thuật nào là bác mừng lắm, thế nào cũng rủ tôi lai rai cứ như là vừa nhận được khoản nhuận bút nào khá lắm. Có bữa tôi hỏi bác:

- Loại tượng nào bác bán được nhiều nhất?

- Ở đây họ mua tượng Phật là nhiều, tượng Chúa thì thỉnh thoảng. Nhưng đặc biệt là ông địa và thần tài, có đợt người ta mua không kịp đúc bán.

Có một dịp gần Tết ghé bác chơi, thấy bác đúc hàng loạt tượng các loại sắp hàng giữa nhà. Sẵn có tý "men" trong người tôi liên hô: Nghiêm! Đằng trước, thẳng! Bác chạy ra mắng cho tôi một mẻ vì cái tội phạm húy. Tôi lại nhe răng ông địa ra cười xí xóa. Bác bảo:

- Tượng cũng có hồn của tượng, cháu đừng nên như vậy. Như cái Vệ nữ kia, cháu có biết không, khi người ta phát hiện ở Mi-lô đưa ra đã không có hai cái tay, sau người ta mở cuộc thi để chắp tay cho "nàng" nhưng cuối cùng không ai làm được cả.

- Sao vậy, cháu nghĩ là làm được tất! Tôi nhanh nhảu.

- Không cháu ạ, cái đẹp hoàn chỉnh không phải là cái lắp ghép chắp vá. Mặt khác thế hệ sau này không ở trong cái thời đại, cái hồn của tác giả vô danh kia thì làm sao có thể thêm tay cho "nàng" được. Mà theo bác cái đẹp có nhiều khi phải hơi thiêu thiếu một chút mới gây được mỹ cảm ở người thưởng ngoạn.

Ngẫm lại lời bác tôi thật khâm phục tác giả đã cho ra đời bức tượng đó. Có đôi lần cùng theo bác đi dự triển lãm tranh của mấy người họa sĩ trẻ, nhìn những bức tranh với những mảng màu lòe loẹt xếp cạnh nhau, tôi chẳng hiểu gì và chẳng thấy có tý rung động nào cả. Hay là vì tôi chỉ là kẻ ngoại đạo nên không thấy chăng?

Trở lại chuyện của tôi, đêm ấy tôi và bác vừa xem bóng đá vừa thanh toán gọn dĩa mồi và cái chai lít kia. Cuối cùng tôi say lịm đi lúc nào không biết nữa. Cho đến hôm nay, dù rất cố gắng tôi cũng chẳng tài nào nhớ ra nổi đội nào đá với đội nào nữa. Mê man đi bao lâu tôi không biết, đến khi nghe những tiếng rì rầm trò chuyện, tôi mới cố gắng để mở mắt ra. Trong một thứ ánh sáng mờ đục không giới hạn, tuếng thì thầm lúc to lúc nhỏ,lúc trầm lúc bổng, lúc nhẹ nhàng lúc gay gắt, lúc thẽ thọt lúc thút thít... Tôi phải cố gắng giỏng tai lên để nghe xem thế nào.

Tiếng một giọng trẻ con.

- Cứ cãi nhau mãi, chẳng ai hơn được đâu, mà hơn thua làm gì, vì hơn được điều này thì lại thua điều khác mà thôi. Cứ nhìn hai người đang nằm ngủ trên giường kia kìa. Ban ngày thì người trẻ rong chơi thảnh thơi, người già thì làm suốt cả ngày. Còn bây giờ người già lại ngủ rất ngon, người trẻ chắc chi đã ngủ được, e có khi đang thao thức đó.

Giật mình nhưng tôi vẫn nằm im thin thít. Chờ một chút tôi nhè nhẹ đưa tay véo vào đùi mình một cái mà vẫn chưa biết mình đang nằm đâu.

Bỗng một giọng ông già cười khà khà:

- Ta đây mới hơn tất cả, suốt cả ngày ngồi phe phẩy quạt nhưng lúc nào cũng được dâng đầy đủ bánh trái lại cả thuốc lá ba số 5 nữa chứ, cứ gọi là thơm phưng phức hà... hà...!

Một giọng nào đó vừa hứ lên một tiếng thì đã bị cắt ngang bởi giọng của một phụ nữ:

- Tôi mới là hơn tất cả đây này, ai cũng phải trân trọng tôi bởi tôi tượng trưng cho cái đẹp của con người.

- Thôi đi chị ạ! Một giọng thiếu nữ gạt đi. Gớm chị cứ xem lại cái thân chị đi, bụi bám nhiều như thế kia thì có gì mà trân với chả trọng, người ta trân trọng chị thì đã rước chị đi từ lâu rồi. Tôi đây này, mặc dù cái ông Rô đanh tạo ra tôi ở tít bên Pháp chết từ lâu rồi, thế mà ở đây ai nhà giầu mà chẳng muốn có tôi để trưng nơi phòng khách.

- Tôi đây này, tôi được người ta đưa về để ở nơi cao và trang trọng giữa nhà họ mà tôi chưa dám nói là hơn ai cả, sao mà siêng cãi thế, có thôi đi không. Tiếng của giọng đàn ông ồm ồm nãy giờ mới lên tiếng. Giọng trẻ em lại tiếp:

- Vậy là ta và ông ngang nhau!

- Khà, khà! Ai hơn ai không biết, nhưng nhà nào muốn có tiền để rước các người về thì cứ phải cúng tôi và ông thần tài đây trước.

Chợt một giọng khẽ khọt:

- Ừ thì ai cũng cần hai ông, cả cậu và ông kia nữa. Nhưng nhà nào có cậu thì không có ông kia, cậu và ông kia không thể chung một nhà được, may ra chỉ có ở nhà bác điêu khắc già này mới có thể đứng gần nhau như thế này được. Còn với ông thần tài và ông địa thì xin thưa rằng gặp nhà người ta buôn thua bán ế thì thế nào họ cũng đem các ông ra mà nhúng nước chứ đừng mong họ cúng cho. Còn tôi ấy à, ai mà chả cần tiết kiệm, dẫu biết là đến gần Tết bọn trẻ con nó đem tôi ra mổ bụng, có đứa còn thẳng cánh giáng tôi xuống đất cho tan hoang ra, nhưng dù sao tôi cũng đã đem lại được niềm vui cho chúng thế là đủ lắm rồi.

Giọng nói vừa xong, tất cả đều im lặng. Lúc này tôi mới lờ mờ nhận ra rằng mình đang chìm đâu đó trong một thế giới nào đó mà cái véo không đủ làm cho mình tỉnh hẳn. Trong cái thế giới mờ đục không giới hạn ấy, tôi tự nhiên bỗng run lên bần bật. Lạnh, lạnh như có hàng ngàn ngàn viên nước đá nhỏ li ti đang chuyển động hỗn độn trong xương tủy. Tôi định vùng dậy nhưng không thể nào nhúc nhắc nổi tay chân, há miệng để la lên cũng không được nốt. Lúc này trí óc tôi bỗng nhiên sáng rực, sự tỉnh trí ập về đã nâng cảm giác sợ của tôi lên đến tột cùng.

Mơ!? Không phải! Mà sao giống mơ thế nhỉ?! Bằng những nỗ lực còn sót lại, tôi mở mắt ra. Trời, cái gì mà nhiều thế này nhỉ? Đủ các hình dạng, tất cả điều lấp lóa quanh tôi, vây bủa lấy tôi. Chúng quay cuồng rùng rùng diễu qua trước mắt tôi trong im lặng. Hoảng quá tôi vội vàng nhắm mắt lại, định thần và hít một hơi thật sâu, lặng một lúc tôi tiếp tục mở mắt ra. Vẫn trong thứ ánh sáng mờ đục không giới hạn ấy, từ từ hiện ra mấy cái tượng thạch cao của bác bạn già của tôi. Thôi chết, sao tôi lại nằm ở đây nhỉ. Nghĩ vậy nhưng tôi vẫn chưa tài nào cử động và kêu lên được. Bất lực trước trạng thái đó tôi đành thúc thủ nằm yên. Trong tận cùng của sự trống rỗng tôi lại thiếp đi cho đến khi...

Lần này thì tôi đã có thể định vị được những tiếng nói phát ra từ đâu.

Tiếng trẻ con, mà tôi biết đó là cái tượng chú bé chỉ tay lên trời:

- Thiện tai, ai cũng đúng cả, thiên lý vạn lý. Nhưng cây phong lan ngoài cửa sổ kia, đâu có cần người ta dâng cúng hay đút tiền vào "cửa sau" cho hàng ngày, vậy mà đến kỳ vẫn cứ nở hoa đơm nhụy ai cũng thích mê. Chẳng qua con người ta tham tiền mới cần đến hai ông, háo sắc mới rước hai chị, ham vui mới cần đến chú mi. còn họ thỉnh ta và ông đây chẳng qua là họ muốn tỏ ra là người thành tâm mà thôi.

Giọng ông già bụng phệ lúc này méo hẳn như bị nhúng nước thật vẫn cố phân bua:

- Nhúng mà... nhưng... cây phong lan không có khúc gỗ mục thì lấy chỗ đâu mà bám!

- Phải có tiền, có tiền cái đã, nếu không lấy chi mà thỉnh với rước. Đúng là giọng của một chú heo đất.

Tôi thật sự hoảng hốt vội vã vùng bật dậy nhìn quanh. Những bức tượng chợt nhiên im lìm lặng lẽ, chỉ có tấm ảnh trên bàn thờ (có lẽ là ảnh ông thân của bác) mỉm cười nhìn tôi. Còn bác bạn già của tôi vẫn ngáy đều trong giấc cuối. Ngoài cửa sổ giò phong lan lay nhẹ in giữa nền trời đang ửng hồng, tiếng nhạc thể dục buổi sáng vẳng từ trên cao lọt vào. Tôi bước xuống giường làm vài động tác cử động vặn mình rồi ra sau bếp múc một gáo nước đầy ra tưới cho giò phong lan đang bắt đầu nẩy nụ.

Vào hạ 6/99
L.H.X
(126/08-99)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Đêm không ngủ (25/11/2009)
Nhà trọ (24/11/2009)