Tạp chí Sông Hương - Số 126 (tháng 8)
Đối thoại với Nguyễn Đắc Xuân về chuyện “danh nhân” Nguyễn Hiển Dĩnh
08:37 | 01/12/2009
Vừa qua nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân có viết một loạt bài về ông Nguyễn Hiển Dĩnh - một quan lại triều nguyễn, nhà soạn tuồng nổi tiếng Quảng Nam. Qua thư tịch, anh chứng minh Nguyễn Hiển Dĩnh tuy có đóng góp cho nghệ thuật tuồng cổ nhưng những hành vi tiếp tay cho Pháp đàn áp các phong trào yêu nước ở Quảng Nam quá nặng nề nên không thể tôn xưng Nguyễn Hiển Dĩnh là danh nhân văn hoá của việt Nam như Viện Sân khấu và ngành văn hoá ở Quảng Nam Đà Nẵng đã làm. Qua các bài viết của Nguyễn Đắc Xuân có những vấn đề lâu nay ngành văn hoá lịch sử chưa chú ý đến. nhà báo Bùi Ngọc Quỳnh đã có cuộc đối thoại lý thú với anh về những vấn đề nầy.

Bùi Ngọc Quỳnh (BNQ).- Thưa anh Nguyễn Đắc Xuân, đọc những bài anh viết về Nguyễn Hiễn Dĩnh vừa rồi, thấy anh nắm được nhiều bí ẩn về nhân vật này còn hơn cả "Những bí ẩn về cựu hoàng Duy Tân" mà anh đã công bố. Vậy anh đã “nhảy” vào đề tài Nguyễn Hiển Dĩnh trong trường hợp nào?

Nguyễn Đắc Xuân (NĐX).- Tôi có nhảy đâu. Tôi đi vào đề tài nầy cũng tự nhiên như các đề tài tôi đã làm từ trước đến nay đấy chứ! Năm 1965 làm luận văn ra trường Đại học Sư phạm, tôi đã chọn đề tài hát bội; sau năm 1975 tôi nghiên cứu về triều Nguyễn và các phong trào đấu tranh yêu nước cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX....Ông Nguyễn Hiển Dĩnh (NHD) là một quan lại triều Nguyễn, lại là một nhà hoạt động hát bội nổi tiếng đầu thế kỷ XX, làm sao tôi không biết ông được!

BNQ.- Tại sao đến giờ anh mới tung ra?

NĐX.- Cũng không phải vậy. Từ năm 1987, tôi đã viết về hành động NHD tiếp tay cho thực dân Pháp đàn áp đẫm máu những người yêu nước Quảng Nam tham gia khởi nghĩa Duy Tân năm 1916 trong cuốn Những bí ẩn về cựu hoàng Duy Tân (in 20 ngàn cuốn) với tựa đề Như một kẻ gian (tr.90-91); trong cuốn Văn hóa Cố đô (1997) tôi lại nhắc lại hành động trên của NHD nhân kỷ niệm 80 năm khởi nghĩa Duy Tân (1916-1996).

BNQ.- Nhưng những bài ấy không đủ "đô" và không gây bất ngờ như những bài anh vừa đăng trên t/c Sông Hương. Bất ngờ ngay cả với những người bạn thân của anh ở Huế và ở Đà Nẵng.
Phải chăng đã có một động cơ nào đó...?

NĐX.- Nghiên cứu quá trình chỉ điểm cho Tây đàn áp đẫm máu các phong trào yêu nước Quảng Nam của NHD cũng như trước đây tôi nghiên cứu về lăng mộ vua Quang Trung, nghiên cứu về nhà Nguyễn, nghiên cứu về thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế...tôi chỉ có một động cơ là sự ham thích hiểu biết sự thật của quá khứ đến tột độ. Tôi không muốn con cháu sau nầy chê chúng ta là những người viết sử dổm. Còn chuyện cho ra đời một loạt bài như thế trong một thời gian ngắn là do sự bức bách của hoàn cảnh!

BNQ.- Hoàn cảnh nào vậy, thưa anh?

NĐX.- Chuyện nầy hơi dài dòng sau nầy có dịp tôi sẽ tường thuật đầy đủ. Nhân bạn hỏi, tôi xin sơ lược như sau: Theo tôi, ông NHD có tội vì ông đã có nhiều hành động tiếp tay cho Pháp đàn áp các phong trào yêu nước ở Quảng Nam, nhưng về phương diện hát bội, như tôi vừa nói trên, ông có một số đóng góp. Cho nên khi nói về lịch sử yêu nước thì tôi phê phán ông, khi nói về hát bội thì tôi quan niệm ông có công. Do đó tôi không có ý kiến gì khi thấy ở Đà Nẵng có một đoàn tuồng, một nhà hát mang tên NHD. Đến đầu năm 1998, đọc báo Đà Nẵng tôi được biết thành phố dự định lấy tên ông NHD đặt tên cho một con đường phố mới chạy song song với đường 2.9 và đường Núi Thành, với bút danh Thiết Sử, tôi viết một Sổ Tay Văn Hoá. Tôi không gọi đích danh tên NHD mà chỉ viết là ông N. với mấy dòng tiểu sử mà chỉ có những người am hiểu NHD và những người dùng tên NHD đặt tên đường phố mới hiểu.

Về những bí ẩn trong tiểu sử của ông N. tôi không nói rõ mà chỉ trưng dẫn tập Khúc Tiêu Đồng của ông cử nhân Hà Ngại đã được nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân nhuận sắc và đề tựa. Viết như thế để những người có trách nhiệm có thể gặp ông Nguyễn Văn Xuân thẩm tra và sau đó xử lí công việc của mình một cách dễ dàng. Không ngờ sự thận trọng của tôi không những không được trân trọng mà ngược lại từ những người đã ca ngợi NHD một chiều đã phát ra một dư luận phê phán tôi, thậm chí có cả người đe dọa tôi bằng luật rừng buộc tôi phải viết tiếp. Để tránh gây sốc và tránh chuyện đề cập đến nhiều người (nhất là những người có vẻ ưa nghiên cứu hát bội nhưng ít quan tâm đến lịch sử đấu tranh của dân tộc), tôi đã chọn nội dung từ Nguyễn Hiển Dĩnh trong Từ điển Văn học tập II do Tất Thắng(1) biên soạn để đề cập đến những chuyện nhập nhằng và chưa rõ ràng trong tiểu sử của NHD. Ở cuối bài tôi đặt mấy câu hỏi đại khái như: Khi giặc Pháp đến Quảng Nam ông tú tài NHD mới ra làm quan và ông đã có công trạng gì mà được Pháp cất nhắc lên đến chức Tri phủ (ngũ phẩm) phủ Điện Bàn? (Xin so sánh ông Phan Châu Trinh, ông Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó bảng (1901) mà chỉ được làm hành tẩu giữ chân thư ký ở một bộ. Mãi gần mười năm sau (1910) ông Nguyễn Sinh Sắc mới leo lên đến được chức Tri huyện miền núi Bình Khê - hàm tùng lục phẩm, nhỏ hơn tri phủ nhiều); NHD làm quan đến Thị lang, Tuần vũ thời Đồng Khánh-Thành Thái tại sao trong tài liệu sử sách cuối triều Nguyễn không hề có một người nào tên là Nguyễn Hiển Dĩnh cả? Hay khi về hưu làm hát bội ông có tên là Nguyễn Hiển Dĩnh còn những năm tháng đi làm quan ông lấy một tên khác? Tên khác đó là tên gì?

Sau các tin bài của Thiết Sử và Nguyễn Đắc Xuân đăng trên báo Lao Động (76/98, ngày 13.5.98 và 84/98, ngày 27.5.1998) nêu lên những câu hỏi có liên quan đến tiểu sử của NHD thì ông Nguyễn Bá Thanh- Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nắm bắt được vấn đề, trong một cuộc họp báo đầu tháng 6.1998, ông tuyên bố trong tiểu sử của NHD còn có những vấn đề chưa ổn nên chưa dùng tên ông để đặt tên cho một con đường phố ở Đà Nẵng. Trả lời một câu hỏi của phóng viên, ông đã khẳng định: “Đời nầy và đời sau cũng sẽ không đặt”. Tôi đã viết một hồi âm trên báo Lao Động phản ảnh ý kiến của ông Chủ tịch và coi như vấn đề dùng tên NHD đặt tên cho một đường phố Đà Nẵng xem như cho qua(2). Không ngờ sau đó t/c Khoa học và Phát triển (KH&PT) của Đà Nẵng đã đăng nhiều bài đả kích cá nhân tôi và khẳng định những điều tôi đặt ra trong các bài báo đã được các hội thảo về NHD giải quyết rồi, ông NHD không có tội. Tôi viết bài vạch những chỗ xuyên tạc lịch sử thì không được t/c KH&PT đăng và cũng không hồi âm cho tôi. Thấy vấn đề quá lớn không có một tờ báo nào có thể đăng tải hết được những điều tôi muốn trình bày nên qua lời khuyên của bạn bè tôi đành phải viết một cuốn sách và đưa cho nhà xuất bản T. in. Sách đã được Bộ VHTT cho giấy phép, đã in nhũ và “bình” hẳn hòi rồi. Cuối cùng vì áp lực của những kẻ có quyền lực (xin giấu tên), nhà xuất bản T. phải trả lại bản thảo cho tôi, sau bốn tháng tôi đã phải chực chờ, sửa chữa nhiều lần theo ý kiến của Nxb T.. Tôi chuyển bản thảo qua nhà xuất bản TN. TN nhận lời liên kết in, nhưng rồi nhà thơ trưởng Chi nhánh Nxb TN tại TP HCM cho biết cũng có một vị chức sắc địa phương (xin giấu tên) đề nghị không được in sách ấy của tôi. Tiếp đến, tháng 4/1999, báo Đà Nẵng Cuối Tuần dựng lên hai cuộc phỏng vấn một nhà văn bạn thân tôi và nhà nghiên cứu hát bội Hoàng Châu Ký với những lời lẽ biện hộ cho NHD và phê phán những bài viết của tôi. Phóng viên Hồ Sĩ Bình viết cho Đà Nẵng Cuối Tuần dám trắng trợn đến mức bảo rằng anh ta đã phỏng vấn chính bản thân tôi (NĐX)(3) trong lúc tôi không nhớ và không biết Hồ Sĩ Bình là ai cả. Tất cả những người bảo vệ NHD đã đặt tôi vào cái thế chẳng đặng đừng nên tôi phải viết và khi đã viết thì phải viết cho ra lẽ.

BNQ.- Báo Nhân Dân số ra ngày 1.6.99 có bài “Nguyễn Hiển Dĩnh nhà soạn tuồng xuất sắc” của giáo sư Hoàng Chương, chắc anh đã đọc bài ấy, xin anh cho biết cảm nghĩ của mình?

NĐX.- Nhận xét đầu tiên của tôi là giáo sư Hoàng Chương đã cho độc giả báo Nhân Dân đọc một bài báo nguội. Bài Nguyễn Hiển Dĩnh - nhà soạn tuồng xuất sắc là phần 4 trong bài Nguyễn Hiển Dĩnh danh nhân sân khấu dân tộc mà giáo sư Hoàng Chương đã đọc trong Hội thảo khoa học về Nguyễn Hiển Dĩnh lần thứ 2 tại Đà Nẵng (vào ngày 15.9.1995) và đăng lại trong sách Danh nhân Nguyễn Hiển Dĩnh do Hoàng Chương (Viện trưởng viện Sân khấu) và Hồ Hải Học (Giám đốc sở VHTT QNĐN) chủ biên và Nhà xuất bản Sân khấu ấn hành năm 1996 (từ tr. 30 đến tr. 47). Trong bài báo nguội nầy giáo sư Hoàng Chương nhắc lại sự đánh giá của ông: “Nguyễn Hiển Dĩnh xứng đáng được công nhận là một danh nhân văn hóa dân tộc”. Qua bài báo đăng vào ngày 1.6.99, Nguyễn Hiển Dĩnh vẫn chưa được công nhận là danh nhân văn hóa dân tộc, thế mà từ năm 1996, viện sân khấu (do Hoàng Chương làm Viện trưởng) - Sở Văn hóa Thông tin QNĐN (do Hồ Hải Học - cháu ngoại của Nguyễn Hiển Dĩnh- làm giám đốc) đã liên kết nhận tiền tài trợ của quỹ Toyota Foundation(4) in sách Danh nhân Nguyễn Hiển Dĩnh. Có thể nói đối với số tiền lớn của Quỹ Toyota Foundation thì Nguyễn Hiển Dĩnh đã là danh nhân văn hóa rồi? Còn thực chất đối với ngành văn hóa Việt Nam thì NHD vẫn còn đang được những người tuyên dương NHD tích cực đề nghị. Nhỡ ra NHD không được Bộ VHTT Việt Nam công nhận là danh nhân văn hóa dân tộc, quỹ Toyota Foundation có đòi lại số tiền đã tài trợ không? Phải chăng giáo sư Hoàng Chương cho đăng bài Nguyễn Hiển Dĩnh danh nhân sân khấu dân tộc trên báo Nhân Dân để trấn an dư luận và những người cấp tiền để nghiên cứu NHD?

BNQ.- Như anh vừa nêu, cuộc đời chính trị ông NHD có nhiều chuyện sai lầm nghiêm trọng, nhưng về phương diện nghệ thuật tuồng ông có đóng góp lớn, bởi thế tại QNĐN mới có hai hội thảo khoa học về NHD, quỹ Toyota mới tài trợ một số tiền lớn để nghiên cứu về NHD, đã có một cuốn sách do nhà xuất bản Sân khấu in năm 1996 nhan đề “Danh nhân Nguyễn Hiển Dĩnh” vậy anh đánh giá về các công trình khoa học đó như thế nào?

NĐX.- Các hội thảo khoa học đó có được đánh giá khoa học hay không là ở chỗ các hội thảo đó có tìm ra được sự thật lịch sử hay không. Tôi khẳng định các hội thảo gọi là khoa hoc đó đã cố tình che giấu sự thật có liên quan đến tiểu sử của NHD bằng một phương pháp nghiên cứu ngược. Sách Danh nhân NHD chỉ là kỷ yếu của hội thảo gọi là khoa học đó thôi. Hơn nữa, hội nghị khoa học và sách chưa đủ pháp lý để NHD được nhân dân xem là danh nhân. Như bạn đã biết, muốn được công nhận là di tích lịch sử quốc gia liên quan đến các danh nhân văn hóa cần phải có bao nhiêu thủ tục, nếu đủ các tiêu chí thì Bộ Văn hóa mới cấp bằng công nhận di tích danh nhân. Tôi chưa nghe Nguyễn Hiển Dĩnh và di tích có liên quan đến ông được Bộ Văn hóa công nhận bao giờ cả. Mà ngay cả khi đã được Bộ Văn hóa công nhận rồi, đã phát bằng và địa phương rước bằng rồi mà chưa đúng vẫn phải làm lại.

BNQ.- Anh nói các hội nghị khoa học về NHD được thực hiện bằng một “phương pháp nghiên cứu ngược” là sao? Xin anh giải thích rõ hơn!

NĐX.- Theo phương pháp nghiên cứu văn học cổ người ta phải nghiên cứu kỹ cuộc đời tác giả, rồi lấy cuộc đời thực đó chiếu rọi vào tác phẩm để hiểu tác phẩm sâu sắc hơn. Còn các nhà nghiên cứu NHD thì làm ngược lại, họ không đặt nặng vấn đề nghiên cứu tiểu sử mà lại đi căn cứ vào một số câu tuồng, câu thơ của NHD để nói về con người thực của NHD. Thậm chí lấy cả thơ của người khác áp đặt cho NHD. Làm như vậy theo tôi là làm ngược.

BNQ.- Anh có nghĩ rằng vì không tìm được tài liệu lịch sử để nghiên cứu tiểu sử NHD nên buộc lòng họ phải làm ngược lại như thế để biết. Xưa nay không hiếm chuyện nghiên cứu như thế?

NĐX.- Ông NHD là một quan lại triều Nguyễn, ông mới mất năm 1926, cách thời gian tổ chức Hội thảo khoa học lần thứ nhất về NHD chỉ mới có 60 năm, lúc ấy học trò của ông còn sống rất nhiều, họ hàng cháu chắt của ông cũng còn cả (ông Nguyễn Viết Chuyên- cháu nội của ông hiện nay là trưởng tộc họ Nguyễn Viết của ông ở Cẩm Hà TX Hội An, ông Hồ Hải Học - cháu ngoại của ông đang làm Giám đốc Sở VHTT Đà Nẵng), nếu muốn biết sự thật đâu đến nỗi không tìm được. Hơn nữa, như bạn đã xem thư mục sách tham khảo của tôi, phần lớn các tài liệu tôi đã sử dụng để nghiên cứu tiểu sử của NHD là của các tác giả người Quảng Nam Đà Nẵng, trong số đó có những người đã mất như cụ Hà Ngại, cụ Hồ Ngận, những người đang hoạt động khoa học như các ông Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Sinh Duy...

Ông Nguyễn Văn Xuân là một nhà Quảng Nam học nổi tiếng- người đã viết, chỉnh lý, viết tựa cuốn hồi ký của cụ Hà Ngại, trong hồi ký cụ Hà Ngại đã nói rõ về chuyện NHD theo Pháp chống phong trào nghĩa hội, nói rõ chuyện NHD đem nộp bản danh sách các nhà yêu nước Quảng Nam tham gia khởi nghĩa Duy Tân năm 1916 cho thực dân Pháp, biết rõ con người NHD như thế nào, nhưng cả hai hội thảo khoa học về NHD tổ chức ngay tại Đà Nẵng mà họ có mời ông Xuân tham dự đâu! Ông Nguyễn Sinh Duy tác giả Phong trào nghĩa hội Quảng Nam, cũng không lạ gì ông NHD, nhưng Nguyễn Sinh Duy có bao giờ được để ý đến đâu. Các người tham dự hai hội thảo về NHD phần lớn là quan chức và các nghệ nhân hát bội, tuyệt đối không có mặt một nhà sử học trung ương hay địa phương nào. Quan chức họ phải dự vì đó là trách nhiệm hành chính của họ, các nghệ nhân hát bội hiểu được giá trị nghệ thuật hát bội của NHD, nhưng họ làm sao thay được vai trò của nhà sử học nghiên cứu về cuộc đời chính trị của ông quan triều Nguyễn NHD? Có thể nói họ không muốn biết, họ không muốn các nhà nghiêm cứu nói ra sự thực, chứ không phải họ không có tài liệu.

BNQ.- Phải chăng anh muốn nói các nhà tổ chức hội thảo khoa học về NHD tránh trưng dẫn tư liệu lịch sử, tránh các nhà sử học để họ có thể dễ dàng dựng lên một ông NHD theo ý họ?

NĐX.- Đã có nhiều người hỏi tôi câu đó, tôi đã trả lời: Nếu ai đã đọc hết những bài nghiên cứu của tôi về NHD thì họ có thể tự trả lời cho mình. Nếu quả thật có một số người lợi dụng chức quyền, lợi dụng hai chữ khoa học để bịp lãnh đạo, bịp nhân dân, làm sai lạc lịch sử, che đậy tội việt gian của người thân mình, tôn vinh người thân mình là “nhà yêu nước thương dân” để cho dân tộc tôn vinh thì các cơ quan chức năng sẽ có các cuộc điều tra làm rõ và những người làm văn hóa bịp cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật giống như bọn làm kinh tế bịp vậy. Người giữ cửa văn hóa mở cửa cho Việt gian vào ngồi trong chốn đình miếu, họ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử.

BNQ.- Xin anh dẫn chứng cụ thể hơn về những sự việc bất bình thường có liên quan đến việc nghiên cứu tiểu sử của NHD!

NĐX.- Hội thảo khoa học về một ông quan triều Nguyễn mới mất khoảng 60 năm không hề trưng dẫn được một tư liệu gốc nào về ông; không có mặt các nhà sử học cận đại, các nhà nghiên cứu chuyên về triều đại mà NHD đã làm quan; các hội thảo không hề đề cập đến chuyện ông Tuần An Quán có các tên Nguyễn Đĩnh, Nguyễn Dĩnh và Nguyễn Hiển Dĩnh, hội thảo bỏ qua hết những hành vi bất chính của ông quan triều Nguyễn NHD và trắng trợn lắp ghép thơ chuyện của người khác vào cho NHD; v.v. và v.v.

BNQ.- Phải chăng đây là một "vụ án" lịch sử cuối thế kỷ XX?

NĐX.- Nếu quả là một vụ án thì Toà án sẽ phán quyết tên gọi của nó. Tôi chỉ làm công việc của người nghiên cứu.

BNQ.- Do hoàn cảnh lịch sử, một số trí thức văn nghệ sĩ Việt Nam sống và hoạt động với phong kiến, thực dân, đế quốc, là một người nghiên cứu văn hóa lịch sử, và đã từng ở trong chế độ “bên kia”, anh nghĩ về họ như thế nào?

NĐX.- Nói về con người thì không ai có hoàn cảnh giống ai cả. Cho nên muốn biết rõ thân phận của một người thì phải nghiên cứu hoàn cảnh và lịch sử của chính họ. Không thể lấy chuyện của người nầy mà ráp vào cho người kia. Tuy nhiên, qua nghiên cứu tôi thấy những người vì hoàn cảnh đã sống và làm việc “ở phía bên kia” có 6 loại người như sau: 1. Khi giặc đến họ không đủ sức chống giặc, không đủ sức theo kháng chiến, để giữ khí tiết của mình họ treo ấn từ quan (như trường hợp của Nguyễn Khoa Luận thời Cần Vương); 2. Họ ở lại chức vụ cũ, chịu phận hèn làm việc vì miếng cơm manh áo (Nguyễn Trọng Hợp, Nguyễn Văn Mại); 3. Lợi dụng chức vụ trong phạm vi quyền hành của mình làm lợi cho quốc gia dân tộc (cụ Hoàng Xuân Hãn thời chính phủ Trần Trọng Kim) 4. Cộng tác đắc lực với kẻ thù dân tộc tàn sát dân mình để được chức trọng quyền cao (Nguyễn Thân, Trần Bá Lộc thời Cần Vương Văn Thân); 5. Trước khi giặc đến họ chỉ là một dân thường, khi giặc đến họ làm chỉ điểm, làm công bộc đắc lực cho địch tàn sát dân mình để trong chốc lát có thể vươn lên chức trọng quyền cao (trường hợp Nguyễn Hiển Dĩnh thời nghĩa hội ở Quảng Nam); 6. Họ yêu nước nhưng có đường lối khác với Cách mạng Việt Nam hiện nay (Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thái Học). Không được đánh đồng “cá mè một lứa” về những người “bên kia”.

BNQ.- Trở lại chuyện danh nhân, là người như thế nào, thưa anh?

NĐX.- Tự điển Bách khoa Việt Nam (t.1,1995) không có từ danh nhân (!). Theo Tự điển Hán Việt của Đào Duy Anh thì danh nhân là người có tiếng ai cũng biết (homme célèbre); theo Nguyễn Huyền Anh tác giả Việt Nam Danh nhân từ điển thì danh nhân là: “nhân vật quá cố đã có những thành tích thật rỡ ràng, được mọi người công nhận... vì họ đã đem tài lực và bằng những cố gắng lỗi lạc phi thường thực hiện được những công cuộc hữu ích, tô bồi cho đất nước mỗi ngày thêm rạng rỡ vững vàng” (Tựa). Tôi hiểu theo ý nghĩa của các Từ điển ấy.

BNQ.- Ai có thẩm quyền quyết định người nầy là danh nhân người kia không phải, và căn cứ trên những tiêu chí nào để quyết định?


NĐX.- Đó là chuyện của Bộ VHTT, nhưng cho đến nay tôi cũng không rõ cơ quan chức năng nào của Bộ làm việc nầy và cũng không rõ đã có những tiêu chí nào chưa. Về di tích lịch sử văn hóa thì tôi biết Vụ Bảo tồn bảo tàng của Bộ chịu trách nhiệm và có các tiêu chí rõ ràng.

BNQ.- Chưa được Bộ VHTT công nhận mà Sở VHTT QNĐN và Viện Sân khấu Việt Nam ngang nhiên in sách Danh nhân NHD bán ra khắp nước xem như việc đã rồi, như thế có phạm luật không?

NĐX.- Tôi xin dành câu trả lời cho cơ quan chức năng là Bộ VHTT.

BNQ.- Trong tình hình lộn xộn như thế, anh thấy có lúng túng khi đánh giá sắp loại nhân vật Việt Nam trong quá khứ không?

NĐX.- Trước khi trả lời bạn, tôi xin phép được nói thêm một chút. Tôi quan niệm nước ta không những nghèo về kinh tế mà còn nghèo cả về văn hoá. Do đó các bậc tiền nhân làm được một chút gì để lại cho chúng ta, tôi đều rất quý, rất trân trọng, tôi luôn quan tâm đến chuyện đãi cát tìm vàng...Tác giả xấu mà tác phẩm tốt, tôi vẫn trân trọng tác phẩm. Lịch sử văn hóa do con người làm ra. Muốn hiểu lịch sử, muốn hiểu các di sản văn hóa ta cần phải biết các nhân vật lịch sử, các nhân vật văn hoá, bất kể họ xấu hay tốt. Do đó không hiểu từ khi nào trong đầu tôi đã có sẵn ba cái hộc: hộc dành cho các nhân vật lịch sử, hộc dành cho các nhân vật văn hóa và hộc dành cho các danh nhân lịch sử danh nhân văn hoá. Tất cả những người có tác động trong lịch sử (anh hùng và gian hùng) là nhân vật lịch sử (personnage historique), tất cả những người có tác động văn hóa (kể cả ta và địch) là nhân vật văn hoá (personnage culturelle, personnage littéraire), những nhân vật lịch sử văn hóa mà cuộc đời và sự nghiệp của họ sáng chói, ai ai cũng biết, họ có thể làm gương tốt cho hậu thế học tập là danh nhân (homme célèbre, personnage célèbre). Tôi hiểu một cách rạch ròi như thế nên tôi không lúng túng gì cả.

BNQ.- Nói một cách chính xác, anh "bỏ" ông NHD vào “hộc” nào trong tâm trí anh?

NĐX.- Về cuộc đời chính trị ông NHD có nhiều lỗi lầm với các nhà yêu nước Việt Nam, đặc biệt với các nhà yêu nước Quảng Nam, nhưng về phương diện gìn giữ và phát huy nghệ thuật tuồng thì ông có đóng góp, NHD là một nhân vật văn hoá (personnage culturelle). Còn nếu như phong cho ông NHD là danh nhân để cho hậu thế học tập thì e rồi con cháu của chúng ta sẽ trở thành Việt gian cả, nước ta sẽ là một thuộc địa của một thực dân đế quốc nào đó. Tôi xem NHD là một nhân vật văn hóa cũng giống như tôi đã xem Hoàng Cao Khải - một người nổi tiếng đánh phá các phong trào yêu nước, là các nhân vật văn hoá. Bởi lẽ Hoàng Cao Khải là tác giả hai vở tuồng nổi tiếng Tây Nam Đắc BằngTượng Kỳ Khí Xa. Nói đến lịch sử hát bội Việt Nam không thể không đề cập đến hai tác phẩm nầy. Các nhà viết lịch sử tuồng Việt Nam khen hai tác phẩm của Hoàng Cao Khải, nhưng tuyệt nhiên không ai dám bịa chuyện để đề cao Hoàng Cao Khải là “người yêu nước thương dân” cả.

BNQ.- Anh nghĩ gì về những người bạn không đồng quan điểm với anh trong vấn đề nầy?

NĐX.- Nếu chỉ vì vấn đề học thuật mà các bạn tôi có quan điểm khác tôi, đó là chuyện bình thường. Đến khi sự thật được công nhận thì các bạn tôi sẽ hiểu và họ sẽ tự chọn thái độ của họ đối với tôi, còn tôi thì chẳng có ý nghĩ gì khác. Lúc nào tôi cũng rất quý bạn bè cũng giống như tôi quý sách cũ và rượu cũ vậy.

BNQ.- Xin cám ơn anh. Hy vọng sẽ được đọc tiếp những khám phá mới của anh.

Người thực hiện: Bùi Ngọc Quỳnh
(126/08-99)


--------------------------------------------
(1) Tất Thắng cũng chính là người cùng với Hoàng Chương chịu trách nhiệm xuất bản công trình Danh Nhân Nguyễn Hiển Dĩnh do nxb Sân Khấu in năm 1996.
(2) Nhà nghiên cứu Nguyễn Q.Thắng cho biết tên ông NHD cũng đã được đề nghị dùng để đặt tên cho một con đường tại TP.HCM, sau mấy bài báo của tôi, tên ông NHD cũng được hủy bỏ khỏi danh sách.
(3) Xin nói thêm cho rõ vấn đề nầy: Trước khi tôi đi Pháp, cuối năm 1998, hai anh Nguyễn Đắc Bình và Hoàng Hữu Quyết - với tư cách đại diện báo
Nhà báo và Công luận của Hội Nhà báo Việt Nam đến phỏng vấn tôi về nhiều vấn đề, trong đó có một câu hỏi thăm dò ý kiến tôi sẽ xử lý số tài liệu lịch sử có liên quan đến tiểu sử của NHD ra sao. Tôi đã trả lời thẳng thắn: Tôi đang chọn thời điểm để công bố và không ai có thể ngăn chặn được việc công bố của tôi. Sau khi đi Pháp về (2.1999), tôi thấy bài phỏng vấn đó đăng trên báo Thừa Thiên Huê (29.1.1999) ký tên Nguyễn Đắc Bình và Hoàng Hữu Quyết. Đọc lại bài phỏng vấn mình tôi thấy có vài chi tiết không chính xác và không có đoạn nói về NHD. Gặp lại Nguyễn Đắc Bình ở nhà tôi, tôi lưu ý Bình những điểm đó. Bình báo cho tôi biết bài phỏng vấn cũng đã đăng trên Nhà báo và Công luận số 5 (134) từ 25 đến 31.1.1999. Vì đã đọc bài trả lời phỏng vấn trên báo Thừa Thiên Huế nên tôi không đọc lại bài trên Nhà báo và Công luận nữa. Không ngờ trên báo Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 25.4.99, ông Hồ Sĩ Bình cho biết "chúng tôi đã trao đổi, phỏng vấn nhà văn Nguyễn Đắc Xuân". Phỏng vấn tôi là Nguyễn Đắc Bình, lúc đăng trên báo NB&CL lại ký tên Sỹ Bình. Tôi hết sức hoang mang Đắc Bình với Sỹ Bình là một hay sao? Làm việc với bà Vân Anh-Tổng biên tập báo NB&CL và nhờ bà điều tra thì mới được biết Nguyễn Đắc Bình đã "nhượng" cho Hồ Sĩ Bình ký tên dưới bài phỏng vấn tôi. Té ra Hồ Sĩ Bình viết cho Đà Nẵng cuối tuần "đã trao đổi, phỏng vấn nhà văn Nguyễn Đắc Xuân" như thế đó. Tôi không ngờ một nhà báo đầu bạc trắng còn bị chính người làm báo trẻ bán đứng như thế! Tôi không hiểu các cây bút ấy đã mua bán như thế với những ai làm kinh tế ở Đà Nẵng ra sao rồi? Tôi không hiểu báo ĐNCT làm báo theo kiểu gì và in những bài phỏng vấn như thế (!). Thật không còn lý lẽ nào để tranh luận với nhau nữa, tôi đành lặng thinh và...
(4) Theo thông báo in ở trang cuối sách
Danh nhân Nguyễn Hiển Dĩnh.




 

Các bài đã đăng
Đêm không ngủ (25/11/2009)
Nhà trọ (24/11/2009)