Tạp chí Sông Hương - Số 125 (tháng 7)
Bản Danh sách những nhà yêu nước Quảng Nam tham gia khởi nghĩa Duy Tân 1916 đến tay thực dân Pháp như thế nào?
09:05 | 01/12/2009
NGUYỄN ĐẮC XUÂNNăm 1998, Thành phố Đà Nẵng dự định lấy tên nhà soạn tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đặt cho con đường mới song song với đường 2 tháng 9 và đường Núi Thành. Nhưng sau đó qua một số tin bài của tôi đăng trên báo Lao Động nêu lên những điểm chưa rõ ràng trong tiểu sử của ông Nguyễn Hiển Dĩnh, UBND Thành phố Đà Nẵng thấy có một cái gì chưa ổn trong tiểu sử của Nguyễn Hiển Dĩnh nên đã thống nhất rút tên ông ra khỏi danh sách danh nhân dùng để đặt tên đường phố lần ấy. Như thế mọi việc đã tạm ổn.

Không ngờ sau đó T/c Khoa học và Phát triển Đà Nẵng (số ra tháng 5-6/1998) đã có nhiều bài đả kích cá nhân tôi và ngay trong tháng 4.1999 vừa rồi, báo Đà Nẵng cuối tuần đã có đến hai bài trao đổi đề cập trực tiếp tới những ý kiến của tôi về Nguyễn Hiển Dĩnh. Nội dung bài trao đổi thứ nhất (số ra ngày 4.4.99) nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã phủ nhận, tôi không quan tâm đến nữa. Tôi chỉ xin đề cập đến nội dung trao đổi thứ hai đăng trên số ra ngày 25.4.99 của ông Hoàng Châu Ký.

Trong bài trả lời “Cụ Nguyễn Hiển Dĩnh là một nhân cách lớn, một con người khí phách, thương dân...” của ông Hoàng Châu Ký có nhiều vấn đề cần tranh luận. Do phạm vi cho phép của một bài tạp chí tôi chỉ đề cập đến một vấn đề mà ông Hoàng Châu Ký đã rất tâm đắc kể lại trong bào trao đổi để bảo vệ cho “Cụ Nguyễn Hiển Dĩnh là một nhân cách lớn, một con người khí phách, thương dân...” Ông Hoàng Châu Ký kể:

“Hồi năm 1916, khi xảy ra vụ khởi nghĩa Duy Tân. Có một ông tú tài, người ở Mông nghệ (Quế Sơn) ra Điện Bàn ở lại một bên cụ Dĩnh, ban đêm đem chôn một tập tài liệu gồm danh sách các nghĩa sỹ Quảng Nam ở sau vườn. Nhà này cũng bà con với cụ Nguyễn Hiển Dĩnh, anh Lực - con bà chủ nhà - thừa lúc ông tú tài đi rồi, liền đào tài liệu ấy lên rồi đem qua nhà cụ Dĩnh. Lúc ấy, cụ đã về hưu chuyên tâm vào nghệ thuật tuồng. Cầm văn bản cụ vừa đọc vừa chắt lưỡi rồi sau đó nằm nghỉ trưa như thường lệ. Được một lát, cụ thức dậy và hỏi người nhà, thì hay anh Lực đã đem tài liệu nộp cho quan tỉnh rồi. Cụ Dĩnh vội lên xe kéo đuổi theo và gặp Quan đầu Tỉnh - lúc ấy là Từ Thiệp - xin huỷ danh sách ấy nhưng Từ Thiệp bảo rằng lỡ rồi, huỷ thì Công sứ sẽ biết. Hai người liền bàn nhau lập bàn thờ vừa cúng vừa xé bớt một số tờ trong bản danh sách đó” (1).

Là một ông quan từng đứng đầu một tỉnh (Tuần vũ), ông Nguyễn Hiển Dĩnh biết rõ danh sách đó nguy hiểm đến mức nào đối với các nhà yêu nước Quảng Nam mà ông lại chỉ chắt lưỡi rồi vào ngủ trưa như thường lệ? Sao thờ ơ và vô trách nhiệm với người đồng châu với mình đến thế?

Tại sao lúc biết có bản danh sách đó ông Dĩnh không bảo đốt đi mà lại bình thản đi ngủ chờ đến khi hay tin danh sách đó đã được đưa lên tỉnh rồi thì mới lại chạy theo và xin đốt? Chuyện dễ không làm lại đi làm việc quá khó đến thế?

Trong bài trao đổi nêu trên, ông Hoàng Châu Ký trách tôi “Tại sao chỉ nghe tiếng nói của ông Hà Ngại ở tập “Khúc Tiêu Đồng” mà không nghe tiếng nói của những nhân chứng, những người thấy hành động của ông Dĩnh trực diện như đã nói trên?”. Tôi không rõ ông đã căn cứ vào đâu để có nhận xét đó. Còn chính ông Hoàng Châu Ký thì sao? Năm năm sau vụ Duy Tân khởi nghĩa (1916) ông Hoàng Châu Ký mới ra đời (sinh năm 1921). Những thông tin ông nói về vụ Nguyễn Hiển Dĩnh liên quan đến Bản danh sách những người yêu nước Quảng Nam nêu trên là kết quả ông đã thu lượm được qua gặp gỡ những người học trò, những người cháu của Nguyễn Hiển Dĩnh. Trong nhũng người ông Hoàng Châu Ký gặp gỡ làm việc tuyệt nhiên không có một ai đã thấy hành động của ông Dĩnh trực “diện cả“. Tôi không được hân hạnh gặp những người ông Hoàng Châu Ký đã gặp. Nhưng qua các bài viết của ông Hoàng Châu Ký tôi được biết Hoàng tiên sinh đã gặp và đã làm việc nhiều lần với nhà soạn tuồng Tống Phước Phổ - người cháu và là thư ký nghệ thuật tuồng thân cận nhất của Nguyễn Hiển Dĩnh. Phần lớn thông tin về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Hiển Dĩnh được sử dụng từ trước đến nay tại QNĐN đều do ông Tống Phước Phổ cung cấp. Vậy ông Tống Phước Phổ đã đề cập đến sự kiện chết người và gây tai tiếng nhất ấy ra sao?

Trong Hội nghị khoa học lần thú nhất về Nguyễn Hiển Dĩnh tại Đà Nẵng, ông Tống Phước Phổ đã kể lại trưòng hợp Nguyễn Hiển Dĩnh nộp bản Danh sách những nhà yêu nước Quảng Nam tham gia khởi nghĩa Duy Tân 1916 cho thực dân Pháp như sau:

“Khoảng năm 1916 xảy ra vụ Duy Tân. Ở Quảng Nghĩa viên án sát Phạm Liệu qua miệng tên lính tính người anh ở đồn khố xanh, nhận nhiệm vụ chiếm đồn lính trong tỉnh, khám phá ra vụ nầy liền qua mách với sứ, chúng liền cấp tốc thu hết súng của lính khố xanh trong các đồn ở các tỉnh miền Trung. Thế là cuộc khởi nghĩa chiếm đồn bị vỡ. Những người có chân trong cuộc khởi nghĩa đều lo trốn tránh trong số có viên tú tài (không nhớ tên) ở phủ Thăng Bình(2): Y vội mang tập danh sách những người tham gia khởi nghĩa trong tỉnh chạy ra Điện Bàn, tạm trú nhà người cháu gọi bằng cậu tên là Nguyễn Lực. Ông ta lén chôn tập danh sách này sau vườn, rồi đi Hội An.

Tên Lực dò biết, chờ ông này đi khỏi liền đào mang đến cho cụ Dĩnh xem, xem xong cụ sửng sốt nói với tên Lực: “Vậy là chú mang cái họa đến cho tôi, thôi đốt đi, chú đừng nói với người khác, họ biết được là ở tù”. Tên Lực xin cụ trả lại cho y đem đốt, không ngờ y lại mang nạp cho tỉnh.

Được tin cụ vội vã ra tỉnh gặp lúc tên Lực đang đứng bên viên Tổng đốc Từ Thiệp và Thiệp đang dở xem tập danh sách ấy.

Khi tên Lực ra về, cụ cùng Từ Thiệp trao đổi. Sau đó hai ông đi vào hoàng cung định cúng vái và đốt ngay. Nhưng đứng giữa hoàng cung, ông Từ Thiệp lại lui bước, bàn với cụ: “Việc này đã lộ rồi, người chung quanh đều biết cả, nếu đốt đi, chắc có kẻ mách lại với quan Pháp thì khó lòng, thôi, ta nên xé bớt đi ít tờ để cứu một sô người thôi, còn nên đem nộp cho sứ...“.

Tuy không bằng lòng với thái độ của Từ Thiệp, nhưng khốn nỗi hắn là quan Tổng đốc nắm quyền trong tỉnh, biết nói làm sao, cuối cùng cụ phải chịu để cho Thiệp làm.

Từ đó cụ bị những lời dư luận không tốt, và cũng từ đó cụ không vui như trước nữa(3)

Qua những thông tin chính thức của ông Tống Phước Phổ đã được công bố từ năm 1987 như thế mà ông Hoàng Châu Ký lại nói khác đi. Vậy nên tin Hoàng Châu Ký hay tin Tống Phước Phổ? Vì sao ông Hoàng Châu Ký lại viết khác ông Tống Phước Phổ, phải chăng ông Tống Phước Phổ viết sai? Ông Phổ viết sai vì sao ông Hoàng Châu Ký không đính chính? Chỉ dẫn chứng một sự việc như thế mà đã thấy trong tiểu sử của Nguyễn Hiển Dĩnh đã có một cái gì lúng túng chưa ổn rồi.

Qua tường thuật cho biết ông Tống Phước Phổ hoàn toàn không “có trực diện thấy ông Nguyễn Hiển Dĩnh” nộp bản danh sách cho thực dân Pháp, ông chỉ là người được nghe kể lại. Người biết chuyện để kể với Tống Phước Phổ không ai khác hơn là ông Nguyễn Hiển Dĩnh. Như vậy thông tin của ông Tống Phước Phổ về Nguyễn Hiển Dĩnh khó có thể trung thực. Một người đọc bình thường nhất cũng có thể nhận thấy cả hai ông Hoàng Châu Ký và Tống Phước Phổ đều muốn biện minh cho ông Nguyễn Hiển Dĩnh vô tội trong vụ nầy.

Có đúng như thế không?

Hai ông Hoàng Châu Ký và Tống Phước Phổ hoàn toàn không đề cập đến hậu quả vô cùng khốc liệt đối với những nhà yêu nước đất Quảng sau khi bản Danh sách ghi tên tuổi của họ lọt vào tay thực dân Pháp. Nhưng hầu như tất cả sách báo xưa nay nói về cuộc Duy Tân khởi nghĩa 1916 đều có nêu vấn đề nầy và tôi đã dẫn chứng trong bài Ai đã tiếp tay cho thực dân Pháp đàn áp đẫm máu phong trào nghĩa hội Quảng Nam hồi cuối thế kỷ XIX (T/c Sông Hương số 124/ 6.1999). Trong bài nầy tôi chỉ xin nhắc lại một tài liệucủa ông Phạm Văn Sơn (4) tác giả Việt Nam Tranh Đấu Sử ra đời cách đây gần 40 năm sau đây:

“Ở Quảng Nam cũng bị vỡ lở trước ngày bạo động. Nguyễn Đĩnh phản Đảng, đem giấy má sổ sách báo với người Pháp, Đĩnh người An Quán, trước làm Tuần phủ. Vì vậy ở Hội An, y sĩ Lê Đình Dương bị bắt đưa vào Nam rồi đầy lên Ban mê - Thuột. Ở Đà Nẵng Phan Thành Tài bị xét nhà. Tài trốn thoát nhưng sau bị bắt và bị chém vào ngày 9.6.1916”(5)

Qua hai tài liệu của ông Hoàng Châu Ký và ông Tống Phước Phổ nêu trên, tuy chi tiết, mức độ trách nhiệm có khác nhau, nhưng cả hai đều xác nhận Nguyễn Hiển Dĩnh là người đã có trong tay Bản danh sách những nhà yêu nước Quảng Nam tham gia khởi nghĩa Duy Tân 1916 và có quan hệ đến việc nộp bản danh sách đó cho thực dân Pháp.

Để bạn đọc, nhất là bạn đọc ở Quảng Nam, đánh giá đúng hành động tội phạm của Nguyễn Hiển Dĩnh, chúng tôi xin trích dẫn sau đây di cảo của hai nhà khoa bảng nổi tiếng Quảng Nam đã sống đồng thời với Nguyễn Hiển Dĩnh là cụ Hà Ngại và cụ Hồ Ngận.

Cụ Hà Ngại, người châu Phú Quý, Gò Nổi, Điện Bàn, Quảng Nam, sinh năm 1891, đỗ Cử nhân năm 1912, làm Hậu bổ tỉnh Bình Định(6), giáo sư Hán văn Đại học Huế từ 1962 đến năm 1968. Cụ nội của ông đỗ 3 khoa Tú Tài, cụ thân sinh là bạn Hát bội với ông Tuần An Quán Nguyễn Hiển Dĩnh. Khúc Tiêu Đồng, hồi ký của Hà Ngại gồm 264 trang A4, do nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân nhuận sắc, đề tựa, nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy đánh máy giúp vào khoảng năm 1969. Bản thảo đã đưa đến nhà xuất bản Lá Bối trước năm 1975. Đây là một tập tài liệu ghi lại những điều ông cử nhân Hán học Hà Ngại tai nghe mắt thấy trong vòng 50 năm (1895-1945).Trong Khúc Tiêu Đồng ông Hà Ngại kể lại việc Nguyễn Hiển Dĩnh xử lý Bản danh sách những nhà yêu nước Quảng Nam tham gia khởi nghĩa Duy Tân 1916 như sau:

“... cụ Tuần vũ hưu trí Nguyễn Hiển Dĩnh, làng An Quán, cho người mời tôi xuống nhà cụ để hỏi thăm một việc nào đó. Tôi rất băn khoăn vì trong lúc lộn xộn nầy (tức cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1916 đang bị vỡ lỡ), cụ mời mình nói chuyện gì. Tôi lại nghĩ: khi xưa cụ xuất thân tú tài, trong thời kỳ nghĩa hội, cụ theo bọn triều giúp Pháp được bổ tri phủ rồi lần hồi thăng đến Tuần vũ về hưu. Trong khi làm việc có tiếng là đối với người Pháp cứng rắn lắm, nay đã già thì chắc cụ không dự vào việc khởi nghĩa nầy (khởi nghĩa Duy Tân), huống chi cụ đối đãi cha con chúng mình rất hậu tình, cụ đã mời mình phải đến. Khi tôi đến cụ hỏi:

- Chắc ông đã nghe cuộc khởi nghĩa đêm qua?

- Dạ, tôi có nghe qua (Hà Ngại đáp), mà chưa hiểu đầu đuôi ra sao cả.

Cụ (Nguyễn Hiển Dĩnh) nói:

- "Tôi cũng chưa hiểu được mấy. Không biết họ làm thế nào công việc vở lở rồi lại bỏ giữa đường một bó sắc bằng, trong đó phong người nầy làm Tổng đốc, người kia tri phủ, tri huyện v.v. nhiều lắm. Người trong làng tôi lượm được, đem đến cho tôi. Tôi nghĩ ông đã thi đỗ mà cha mẹ song toàn, thì nên ra làm quan cho vui lòng cha mẹ. Nhưng ông không có thế lại không có tiền thì việc bổ báo khó lắm. Vậy nhân dịp nầy, ông nên đem bó sắc bằng nầy nạp cho quan sứ, quan sứ sẽ bổ ông liền".

Tôi nói:

- Bẩm cụ, tôi hết sức cám ơn cụ lớn có lòng chiếu cố đến tôi và gia đình tôi. Nhưng hiện nay lộn xộn, trong đám văn hào nhiều người lâm lụy, chúng tôi vô sự đã là có phước rồi, bước đường công danh sẽ nhờ cụ kỳ khác. Nay xin cụ cho tôi về. (tr.105)

Cụ Tuần nói:

- Tôi thấy ông có học, có hạnh, tôi thương lắm, nên bàn
với ông như thế đó.Ông không muốn thời thôi, chẳng có gì phải bận tâm.

 “... Cái bó sắc bằng có đóng ấn vua, do ông xã Mãi làng Phước Kiều đúc ấn, được sự đồng ý ban phát của vua Duy Tân trên nguyên tắc, đã lọt vào tay cụ Tuần An Quán (Nguyễn Hiển Dĩnh) rồi cụ đem nạp cho công sứ, giúp cho nhà đương cuộc một tài liệu quí để họ lùng bắt tất cả những nhà cách mạng thực tế có liên quan công cuộc khởi nghĩa nầy". (tr.107)


Khúc Tiêu Đồng là một hồi ký chưa được xuất bản nhưng dùng phương pháp khảo chứng sử học mà đánh giá thì những thông tin ông Cử nhân Hà Ngại viết về Nguyễn Hiển Dĩnh nêu trên có độ tin cậy cao vì những lẽ sau đây:

1. Ông Cử Hà Ngại viết về Nguyễn Hiển Dĩnh trước năm 1975, khi ấy chưa ai có ý kiến gì về việc phục hồi hay đả kích sự nghiệp Hát Bội cũng như cuộc đời của Nguyễn Hiển Dĩnh, tính khách quan của người viết cao;

2. Ông Cử Hà Ngại là người cùng quê, đồng thời với Nguyễn Hiển Dĩnh, ông thân sinh của ông là bạn Hát Bội của Nguyễn Hiển Dĩnh, không có tư thù tư oán, không có tranh chấp quyền hành, ông viết rất vô tư cũng như hàng trăm thông tin khác ông đã để lại trong Khúc Tiêu Đồng; thông tin của ông Hà Ngại rất đáng tin cậy;

3. Khúc Tiêu Đồng đã được một người uyên thâm nhất của đất Quảng là ông Nguyễn Văn Xuân nhuận sắc và đề tựa (7). Nếu có gì sai sót, không khách quan chắc chắn ông Nguyễn Văn Xuân (lúc đang minh mẫn, sung sức nhất) đã cùng với tác giả Hà Ngại sửa chữa. Sự hoàn chĩnh đó càng cao hơn khi mới đây ông Nguyễn Văn Xuân cho biết bản thảo Khúc Tiêu Đồng đã đưa cho Lá Bối xuất bản. Nếu sự kiện giải phóng miền Nam (30. 4.1975) diễn ra chậm đi một thời gian chắc Khúc Tiêu Đồng đã ra đời rồi. Trong bài Tựa dài 7 trang đánh máy của ông Nguyễn Văn Xuân có đoạn đánh giá Khúc Tiêu Đồng:”...là một quyển sử nhỏ, thu góp từ hành vi một cá nhân, nhưng cũng làm cho lớp hậu sinh thấy rõ cả một thời cuộc lớn....Nó chắc chắn sẽ còn được lưu truyền lâu dài, bao nhiêu năm người ta còn muốn biết những gì đã xảy ra cho một học sinh, một ông quan trường...” (tr.6)

Khúc Tiêu Đồng
có giá trị lịch sử, cho nên khi viết bài “Một tờ truyền đơn lịch sử, giới thiệu - chỉnh lý - nhận định“ (Nghiên cứu lịch sử, số 1/1981, Ty Văn hoá Thông tin tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng, tr 25-42) nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân đã sử dụng lại một số thông tin trong Khúc Tiêu Đồng. Trong bài viết năm 1981 ấy, ông Nguyễn Văn Xuân khẳng định lại giá trị của Khúc Tiêu Đồng như sau:

“Ông Hà Ngại không hề làm cách mạng nên những ai tổ chức nên việc nầy nọ ông không rõ...nhưng đứng về phương diện nhân chứng, khách quan nhìn vấn đề ông cũng cung cấp cho chúng ta một số dữ kiện thực tế và linh hoạt.” (Nghiên cứu lịch sử tr.30).

Người cùng thời với Nguyễn Hiển Dĩnh ở Quảng Nam còn có cụ Cử nhân Hán học Hồ Ngận(8). Cụ Hồ Ngận sinh năm 1896, quê ở làng Phú Mỹ, tổng Phú Mỹ, huyện Duy Xuyên (nay thuộc Lộc Hoà, Đại Lộc), tỉnh Quảng Nam, con ông Hồ Lệ - đại thần triều Nguyễn (một người chống đối Nguyễn Thân rất quyết liệt), em ruột Cử nhân Hồ Mậu, đâu Cử nhân Hán học khoa Mậu ngọ (1918), làm Bố chánh tỉnh Bình Định (đầu năm 1945), tỉnh trưởng Quảng Nam sau ngày thực dân Pháp tái chiếm Quảng Nam (1947), bị Việt Minh đưa đi an trí trong vùng tự do, sau năm 1954 mới được về lại Hội An rồi được cử làm dân biểu Quốc Hội Sài Gòn trước khi về hưu trí. Ông rất tự hào mình là người dân Quảng Nam. Noi gương ngưòi xưa ông đã dành những năm tháng cuối đời viết lại những gì mình biết về quê hương để lưu truyền cho con cháu. Ông soạn cuốn Quảng Nam Xưa và Nay(9), dày 268 trang đánh máy. Khi viết tiểu sử của Phan Thành Tài - lãnh tụ cuộc Duy Tân khởi nghĩa năm 1916 tại Quảng Nam, ông Hồ Ngận đã viết:

“Năm 1916, ông (Phan Thành Tài) cùng các ông Trần Cao Vân Thái Phiên.v.v.mưu đồ khởi nghĩa, tôn vua Duy Tân làm minh chủ để chống Pháp, vua phong ông làm Kinh lược Nam Nghĩa.

Ông phụ trách tổ chức quân đội bí mật tại Quảng Nam. Theo lệnh của ông hễ ai mộ được một trăm nghĩa dũng thì được làm suất đội coi trăm người ấy.

Lúc ấy người ta âm thầm ủng hộ rất đông, ông tự xuất tiền để may quân trang, cấp mỗi người một cái áo cụt đen và một cái dao hay cái mác.

Ông Tú Trương Kinh ở làng Phú Bông làm thủ quỹ và cũng có góp tiền chi phí.

Theo như chương trình khởi nghĩa đã định thì đồng thời cử sự vào trưa ngày mồng hai tháng tư năm Bính thìn (3.5.1916). Trước đó một ngày thì các lính ủng mộ đến tại nhà ông Tú Kinh lãnh mỗi người một cái áo đen và 10$.

Rồi bí mật đi rãi rác đến khuya nhất tề tụ tập chung quanh tỉnh thành tỉnh Quảng Nam, chờ hiệu lịnh phát hoả của y sĩ Lê Đình Dương ở Hội An thì tức thời công hãm tỉnh thành.

Khi vào được tỉnh thành, thì bắt giết hết quan lại trong ấy chỉ trừ người nào nói: ”Xuân đây” (mật khẩu của đảng) thì khỏi giết.Công việc (khởi nghĩa tại Quảng Nam) sắp đặt xong, thang đã bắt sẵn ở thành (tỉnh Quảng Nam) chờ thấy lửa (ám hiệu) cháy ở Hội An (do Lê Đình Dương đốt) là leo vô thành, không ngờ cơ mưu bị lộ vì có tên Quản Trí ở Hội An bội phản, đồng thời ở Quảng Nghĩa có tên Võ Huệ tiết lậu, nên Pháp biết đề phòng trước.

Y sĩ Lê Đình Dương bị bắt trong đêm ấy nên không có ai phát hiệu cử hoả. Đến gần sáng biết sự thất bại, quân của ông Tài tức thờì giải tán, mạnh ai nấy chạy, hoặc đào đất chôn dáo mác, hoặc liệng xuống sông.

Còn một bó sắc bằng của Nghĩa Hội có ấn vua đóng nhưng chưa điền tên ai thì Tú Kinh đem về gởi tại nhà bà con bên vợ là Trần Lực. Trần Lực lại sợ, đem bó ấy giao cho Ấm Thạc (sau là Đề Thạc) con ông Tuần Dĩnh làng An Quán cất. Bất đồ Ấm Thạc lựa những tên con nhà giàu trong tỉnh điền vào trong bằng, rồi đem đến nhà doạ lấy tiền, cho chuộc cái bằng ấy
”(10).

Những người nộp tiền cho cha con ông Nguyễn Hiển Dĩnh thì thoát được tù đày tra tấn của thực dân Pháp. Những người có tham gia thật sự vào cuộc khởi nghĩa Duy tân 1916 và những người bị tống tiền mà không có tiền nộp thì đều bị bắt sạch. Theo trích dẫn ở trên, ông Tống Phước Phổ cho biết ông Nguyễn Hiển Dĩnh đã “xé bớt đi ít tờ để cứu một sô người thôi”. Những tờ được xé bớt có thể hiểu là những tờ có tên những người đã nộp tiền cho cha con Nguyễn Hiển Dĩnh-Nguyễn Hiển Thạc. Gần đây còn có người còn xem thường lịch sử bảo rằng: “nhưng người không bị bắt là nhờ sự che chở của Nguyễn Hiển Dĩnh”.

Ông Hồ Ngận cũng như ông Hà Ngại viết sách với tất cả sự thận trọng của những trí thức Quảng Nam. Ông Hồ Ngận lại không phải là người cách mạng, không tham gia các hoạt động chống Pháp, cho nên ông không có ác ý với những người cộng tác với Pháp như ông Nguyễn Hiển Dĩnh. Chuyện hai ông đề cập đến Nguyễn Hiển Dĩnh chỉ là những chi tiết nhỏ trong hai cuốn di cảo lớn ấy. Các thông tin của hai ông cử trung thực, khách quan nên nó đã khớp với sử sách đã ra đời trong vòng 50 năm qua.

Sự kiện Nguyễn Hiển Dĩnh nắm được Bản danh sách những nhà yêu nước Quảng Nam tham gia khởi nghĩa Duy Tân 1916 và đem nộp cho thực dân Pháp được trình bày trên đây không phải là một chuyện bất bình thường, một sự kiện riêng lẻ mà nó chỉ là một mắt xích nằm trong cả một chuỗi sự kiện lịch sử của cuộc đời cộng tác với địch của Nguyễn Hiển Dĩnh từ Phong trào Văn thân - Cần Vương (1885) trải qua cuộc chống thuế năm 1908 đến Duy Tân khởi nghĩa 1916. Với tư cách của một người nghiên cứu, tôi cung cấp sự thật lịch sử cho bạn đọc hôm nay và con cháu sau nầy. Còn như ông Nguyễn Hiển Dĩnh có được tôn vinh là hậu tổ của ngành Hát bội hay không thì tùy các nghệ nhân Hát hội trên toàn quốc, Nguyễn Hiển Dĩnh có xứng đáng là Danh nhân văn hóa Việt Nam hay không là tùy ở Bộ Văn hóa Thông tin, cụ Nguyễn Hiển Dĩnh là một nhân cách lớn, một con người khí phách, thương dân đúng hay không đúng đó là quyền của nhà nghiên cứu tuồng Hoàng Châu Ký và bạn đọc. Nhưng dù gì thì gì, cũng giống như một cán bộ làm việc trong nhà nước phải có một lý lịch rõ ràng, muốn phong một nhân vật lịch sử, một danh nhân văn hóa điều tối thiểu phải biết rõ con người đó là ai. Nếu không thì đôi khi đưa Việt gian vào chỗ miếu đường thiêng liêng để cho nhân dân bái lạy sẽ làm bia miệng cho hậu thế.

Gác Thọ Lộc, 2.6.1999
N.Đ.X.
(125/07-99)


----------------------------------------
(1) Đà Nẵng Cuối Tuần, số ra ngày 4.4.1999 và số ra ngày 25.4.1999 Hoàng Châu Ký, Cụ Nguyễn Hiển Dĩnh là một nhân cách lớn, một con người khí phách thương dân..., tr. 6
(2) Theo ông Chánh Phẩm thì ông nầy ở Mông Nghệ (Quế Sơn). Chú thích của TPP
(3) Tống Phước Phổ,
Nguyễn Hiển Dĩnh, một nhà sáng tác, đạo diễn rất lỗi lạc trong nghệ thuật tuồng, trong sách Nguyễn Hiển Dĩnh nhà hoạt động sân khấu tuồng lỗi lạc, Sở Văn hoá QNĐN, 1987, tr. 64-65
(4) Đại tá phụ trách Quân sử của chế độ Sài Gòn
(5) Phạm Văn Sơn, Sđd, tái bản lần thứ 5, Sg. 1959, tr. 208.
(6) Cao Xuân Dục,
Quốc Triều Hương Khoa Lục, bản dịch Nguyễn Thúy Nga và... Nxb TP HCM, 1993, tr. 632
(7) Lúc đó ông Hà Ngại giúp Nguyễn Văn Xuân nhuận sắc phần dịch chữ Hán và phiên âm phần chữ Nôm
Chinh Phụ Ngâm diễn âm tân khúc của Phan Huy Ích.
(8) Cao Xuân Dục, Sđd. tr. 658
(9) Vào khoảng hai năm 1961 và 1962
(10) Hồ Ngận,
Quảng Nam xưa và Nay, bản đánh máy do con trai của tác giả là Giáo sư Hồ An giữ, tại 184 Trần Cao Vân, Đà Nẵng tr. 145.


 

Các bài mới
Cuội (04/12/2009)
Nhân cách thơ (03/12/2009)
Các bài đã đăng
Dấu vết (30/11/2009)