Tạp chí Sông Hương - Số 124 (tháng 6)
Cảm xúc về một câu thơ
14:44 | 10/12/2009
VĂN HÁCHĐã bốn thập kỷ qua, nhiều thế hệ học sinh, nhiều thế hệ người Việt ta và cũng nhiều người trên thế giới đã từng quen, từng biết câu thơ:Mường Thanh, Hồng Cúm Him LamHoa mơ lại trắng vườn cam lại vàng…
Cảm xúc về một câu thơ
Đoàn 304 bắt sống quân địch ở phân khu Nam Hồng Cúm đêm 7/5/1954 - Ảnh: quandoan1.org.vn

Sắc màu câu chữ đã cho ta thấy một cảnh thanh bình trở lại sau “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm mưa dầm cơm vắt…” và “mơ trắng, cam vàng” này là hoa trái của cuộc đấu tranh  gian khổ, hy sinh chấm dứt trăm năm đô hộ của bọn sài lang xâm lược.

“MƯỜNG THANH” Cách gọi chệch đi của “Mường Then” tức là “Mường trời” theo tộc ngữ. Cũng tương tự như vậy “Him Lam” tức là “Hin Đăm” tức “Đá đen” mà người Thái đen nói lẫn “lờ, đờ” (L và Đ) “Hin Đăm” thành “Hin Lăm”.

Còn Hồng Cúm?

Một hòn gò không lớn lắm nằm cuối một con rạch chạy dài từ vùng Pú Tỉu xuống. Sau ngày 20 tháng 11 năm 1953 theo “Kế hoạch Na va” địch nhảy dù xuống Điện Biên để lập ra tập đoàn cứ điểm quân sự. Sau mười ngày tức đầu tháng 12 chúng dồn dân thành bốn khu tập trung là: Ta Pô - Cò Mị - Hoong Quái Tai - Noong Nhai để chúng lấy đất làm khu quân sự.

Với tầm nhìn “thao lược” của tướng Na Va: Trong lòng chảo Mường Thanh Na Va thấy Hồng Cúm là trung tâm. Cho nên nơi đây có một sân bay quân sự và một cụm pháo - ngay nơi rốn chảo.

Ngày nay, về thăm di tịch lịch sử Điện Biên Phủ ít ai chú ý tới Hồng Cúm. Nơi ấy nay đã thành bình địa chỉ có một vùng lúa xanh om quanh bãi trống. Nên chăng trong một chuyến du lịch lịch sử, nơi biên ải xa xăm này, với du lịch sinh thái, bạn cũng nên biết tên các địa danh bằng nghĩa tiếng Thái. Thí dụ: Ta Pô tức là bản Bồ đề, Cò Mị: bản Cây mít, Hoong Quái Tai: Rạch trâu chết (Nơi đây xưa kia có trận mưa đá lớn trâu rúc vào rạch này mà chết), Noong Nhai: Ao vỡ. Khi đến Điện Biên người ta cũng thường được đến viếng nơi ghi hận thù của trận tàn sát 444 người dân vô tội nơi đây. Đúng là “ao vỡ”.

Còn Hồng Cúm - Hồng Cúm trong câu thơ mà ông Tố Hữu viết ấy. Thật ra tên là Hoong Cúm: Hoong là cái rạch, Cúm là cái bem, cái “va ly” bằng nan người ta đan để đựng quần áo, của cải. Bên trên Hoong Cúm là Hoong Khom nghĩa là cái rạch người ta vứt của cải xuống.

Chuyện kể rằng: Ngày xưa có lần giặc Phẻ tràn đến. Bọn giặc này hung hãn lắm. Chúng đốt nhà, giết người, cướp của. Chúng vừa la hét vừa cướp bóc tàn phá (Phẻ có nghĩa là “thét”). Đồng bào chạy giặc đem vứt bem, cúm ở quãng dưới, còn của nả vứt ở quãng trên con rạch.

Chiến thắng giặc rồi, và khi nhà thơ Tố Hữu viết:

Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng.


Thì Hồng Cúm đã đi vào lịch sử rồi.

V.H
(124/06-99)


Các bài mới
Cha tôi (10/12/2009)
Các bài đã đăng