Tạp chí Sông Hương - Số 124 (tháng 6)
Văn Lợi - nhà văn của tuổi thơ
15:43 | 18/12/2009
Người xưa có câu "Một đời người hai thời con nít". Nghĩa là người ta, khi tuổi về già, ai cũng phải (hoặc cũng được) "hoàn đồng" như thời con trẻ. Có lẽ yếu tố đặc trưng làm nên sự "đồng dạng nhân cách" phía hai đầu của một đời người là chất Anima cổ tích. Khi một nhà văn dành cả đời để viết và viết được truyện cổ tích cho trẻ con thì tâm hồn của họ hẳn nhiên không chỉ hai thời mà cả đời là "con nít". Nếu không có chất con nít ấy trong mình, trong chủ thể sáng tạo thì cảm xúc sẽ giả, giọng điệu sẽ già, sự viết sẽ trở nên kệch cỡm như kiểu "cưa sừng làm nghé".
Văn Lợi - nhà văn của tuổi thơ
Nhà văn Văn Lợi - Ảnh: hoinhavanvietnam.vn

Nhà văn Văn Lợi đã khởi sự văn nghiệp của mình bằng dấu ấn giải thưởng thơ thiếu nhi khi 14 tuổi để rồi từ đó nó "ám" anh, nó dìm anh trong thế giới hồn nhiên, trong trẻo của tuổi thơ trên từng trang viết. Các tập truyện Chú bé kỵ sĩ va mỏm núi Yên Ngựa (1984), phần thưởng muôn đời (1986), Dòng sông thơm (1995),Hoàng tử chọn hiền tài (1999) của anh viết cho thiếu nhi đều được các độc giả tí hon trong cả nước nồng nhiệt đón nhận và nó đã có tiếng vang trên văn đàn.

Không chỉ thế, nhà văn Văn Lợi còn sáng tác nhiều tập truyện ngụ ngôn, thơ tình, thơ châm biến... nhưng dường như mảnh vườn được anh chăm sóc kỹ càng hơn cả vẫn là mảnh vườn cổ tích, là mảng đề tài viết cho thiếu nhi.

Nhân ngày quốc tế thiếu nhi năm nay, xin trân trọng giới thiệu cùng các em cũng như bạn đọc Sông Hương một tác phẩm mới của nhà văn Văn Lợi.

N.K.T


VĂN LỢI


Hoa mồng gà


Một chú gà Trống Choai rất ngạc nhiên khi thấy bác Tía Cồ có một cái mồng rất đẹp, thắm tươi như ngọn lửa nhỏ. Chú ta muốn mượn bác Tía Cồ cái mồng ấy để đội thử. Bác Tía Cồ cười bảo:

- Không được đâu. Cháu đợi ít lâu nữa tự khắc có.

Trống Choai không tin cho là bác Tía Cồ nói lỡm như vậy để chối từ nó. Trống Choai nghĩ: Mình phải tìm cách giật lấy, may ra mới có được. Không bao giờ bác ấy cho mượn.

Một hôm, nhân Tía Cồ đang mải mê mỏ mồi, nó lao đến mổ một cú thật mạnh vào chiếc mồng đang lấp láy để giật ra. Thế nhưng Trống Choai không giật được, chỉ làm sứt một miếng và hoảng hốt quắp chạy vì sợ bác Tía Cồ đuổi theo trừng trị. Nhưng Tía Cồ chỉ sửng sốt nhìn theo.

Trống Choai chạy đến một góc vườn đứng thở và nhả mẫu mồng xuống đất. Thế nhưng nó ám ảnh là sợ bác Tía Cồ sẽ tóm được nó.

Thế rồi, một hôm Trống Choai vui sướng thấy trên đầu mình đã nhô lên một cái mồng. Nó thích chí chạy tìm bác Tía Cồ để khoe. Nó chạy một mạch đến nhà bác Tía Cồ. Gặp bác Tía Cồ ở sân, cái đầu tiên đập vào mắt nó là cái mồng bị sứt của Bác. Đang vui, nó chợt khựng lại, mặt lấm lét nhìn Bác Tía lí nhí:

- Cháu... chào... Bác... Tía ạ.

Bác Tía Cồ như hiểu ra chuyện, mỉm cười nhìn Trống Choai nói vui vẻ:

- À cháu đến có việc gì thế, vừa nói bác vừa đi đến gần Trống Choai, vỗ vỗ vào cái mồng xinh mới nhú của nó. Trống Choai bẽn lẽn nhìn bác Tía Cồ rồi nói:

- Cháu cũng đã có mồng đẹp như bác.

Bác Tía Cồ cười to hơn: - Ồ bác biết mà, cháu cần phải gìn giữ nó luôn sạch sẽ, cháu nhớ nhé.

Thấy bác Tía Cồ vui vẻ, không còn để ý đến lỗi lầm của nó. Nó mạnh dạn nói:

- Bác Tía ơi! Bác hãy đi cùng cháu đến góc vườn kia xem cái này. Cháu thấy lạ lắm.

Chả là trong khi chạy đến nhà bác Tía để khoe cái mồng mới, Trống Choai đã chạy ngang qua gốc vườn dạo nọ nó đã chôn mẫu mồng của bác Tía Cồ, giờ đây đã mọc lên cây hoa đỏ tươi có hình giống như cái mồng gà.

Đến nơi, bác Tía Cồ ngắm nghía một lúc rồi nói với Trống Choai:

- Đây là mẫu mồng của ta mà chú mày mổ cắp. Nghe bác Tía nói, Trống Choai mặt tái mét, không dám nhìn bác. Nó nói:

- Xin bác thứ lỗi cho cháu.

Bác Tía Cồ vỗ vào vai Trống Choai nói tiếp:

- Mặc dù cái mồng của ta bị mất đi một phần. Nhưng không sao, bù lại cho ta có thêm một loài hoa rất đẹp. Có hình giống cái mồng gà.

Từ đó trở đi, Trống Choai thường xuyên đến chơi với bác Tía Cồ và có điều gì thắc mắc, Trống Choai luôn nhờ bác Tía Cồ chỉ bảo giùm.

(124/06-99)


 

Các bài đã đăng
Cha tôi (10/12/2009)