Tạp chí Sông Hương - Số 123 (tháng 5)
Mini hạt thóc làm hóc con gà. một thủ pháp trong lối viết bình văn của Trần Đăng Khoa (nhìn từ góc độ văn bản)
09:20 | 16/12/2009
HỮU ĐẠTKhông phải ngẫu nhiên, Trần Đăng Khoa lại kết thúc bài viết về Phù Thăng một câu văn rất là trăn trở: "Bất giác... Tôi nắm chặt bàn tay gầy guộc của Phù Thăng, lòng mơ hồ rờn rợn. Chỉ sợ ở một xó xỉnh nào đó, sau lùm cây tối sầm kia, lại bất ngờ cất lên một tiếng gà gáy..." Ta thấy, sau cái vẻ tếu táo bên ngoài kia lắng xuống một cái gì. Đó là điểm gợi lên ở suy nghĩ người đọc.

Quả thật Trần Đăng Khoa đã dũng cảm. Anh dám nói thật và viết thật ra những sự kiện, những con người, và những gì có liên quan đến văn học. Trong đó bộc lộ rõ một khát khao cần phải đánh giá lại văn học cho đúng hơn, về các tác giả cho đúng hơn. Những ý kiến được viết ra trong sách chắc chắn không phải chỉ của riêng anh mà còn của nhiều người khác, ít nhất là của một số người hiện nay đang ủng hộ anh. Nó cũng được thể hiện rõ ràng thêm một số tờ báo: Đó là một vấn đề được gợi ra mang tính xã hội, cần phải có sự tham luận ý kiến của đông đảo nhiều người: Các nhà lý luận, nhà giáo, giáo sư và công chúng độc giả. Đây là một dịp để khẳng định lại những giá trị thực sự là giá trị, để cân nhắc những giá trị nào còn gượng ép, mơ hồ có tính áp đặt về lý thuyết hay vì một cái gì đó không thực sự văn học. Mặt khác sẽ góp phần vào việc phát hiện những giá trị mới xuất hiện, những giá trị bị lãng quên... Thiết nghĩ, các tòa báo không nên khép lại sớm vấn đề đang thảo luận. Khép lại như vậy chính là áp đặt và thiếu kiên nhẫn. Thảo luận văn học cũng như uống trà. Trà ngon mới uống nước đầu đã vội súc bỏ mà không tính đến nước thứ hai, thứ ba mới đích thực là chất của trà thì thật là phí. Không những thế còn có tội. Trồng chè phải năm tao ba tuyết mới hái được búp non. Người viết văn, làm thơ phải rút ruột mình ra, nếm trải với đời, đau đớn nhọc nhằn mới có nổi một sự nghiệp. Vứt đi những tác phẩm có giá trị, đề cao những tác phẩm không đúng với tầm cỡ đều mắc phải sai lầm như nhau.

Cho nên, chúng tôi rất đồng ý với anh Vương Trí Nhàn rằng, dù tác phẩm của Trần Đăng Khoa có đặt tên là gì thì "cuốn sách của Trần Đăng Khoa vẫn là một cách suy nghĩ về văn học, bàn về văn học (VN.20/3/1999). Cái tên chẳng có ý nghĩa, nó là cái mác gắn vào thôi. Cô Mận, cô Đào, cô Tuyết, cô Nhung... Anh Dũng, anh Hùng, anh Cò, anh Quốc... Thế nào cũng được. Nhưng cái tên cũng biểu thị sự mong muốn khát vọng của chủ nhân nó. Với văn học cái tên bao giờ cũng thể hiện một ý khái quát, một hướng định phản ảnh ở phần nội dung. Tên sách, tên bài báo, về nguyên lý chính là câu chủ đề, dưới con mắt của phân tích văn bản.

Như vậy, cái tên sách của anh Khoa hoàn toàn phù hợp với hướng đích thông tin mà anh muốn đem đến cho độc giả: Đó là một cách nhìn về các nhà văn và tác phẩm của họ. Vì vậy, thiết nghĩ, nên trao đổi việc hình thành quá trình này ra sao và kết quả của nó thế nào? Có thể mới đánh giá đúng được cuốn sách.

Anh Lại Nguyên Ân đã đúng khi nói tới "cảm tưởng chúng ta có một công chúng nhẹ dạ và cả tin" (VN 20/3). Không phải chỉ công chúng mà ngay cả một số nhà văn cũng bị anh làm cho lóa mắt bởi trận đồ bát quái mà Khổng Minh vẫn dùng. Đó là cách phủ lên cái mạch tư duy rất nhất quán của anh bằng rất nhiều câu chuyện bông phèng, nhiều câu văn nước đôi ý nghĩa, khi tỏ khi mờ như những dải sương khói quanh bát quái trận đồ làm cho người ta cứ loanh quanh ở đó, còn anh thì vác cây thánh giá đi thẳng tới Thiên đàng. Đã tới đó, anh bắt đầu phán xét, xếp đặt lại cái trật tự bấy lâu nay anh cho là vô lý. Có thể nói anh đã giơ ra được cái túi hồ lô tóm được không ít người vào đó. Cái túi này có tên gọi rất ngắn gọn: Tầm thường. Anh bắt đầu vác cái hồ lô này tung tẩy đi khắp bầu trời, mà bụng cười thầm "Làm một hai chuyến nữa là hết. Bùa phép mình đã yểm rồi, yên trí". Bùa phép ấy tên gì? Nó là Mini hạt thóc làm hóc con gà. Hạt thóc là ai? Là chính là anh, như anh đã phân tích. Còn con gà là ai? ở đâu? Trong "lùm cây tối sẫm" kia! Lùm cây ở đâu? Không ai biết được. Con gà hình dáng ra sao? Cũng vô hình vô ảnh. Đó chính là lối viết rất mờ ảo của Trần Đăng Khoa, đúng ra là "của Phù Thăng", nhưng nguồn gốc lại là từ một câu chuyện ngụ ngôn mini của nước ngoài... được anh tái tạo lại để tạo thành cái bùa yểm thần kỳ. Thời bây giờ ai thích làm con gà để mổ hạt thóc? Cái bùa này làm anh Khoa lọt lưới đúng như cách nói của anh Vương Trí Nhàn. Nó cũng tạo nên sự rộng lượng rất lớn thậm chí rất dễ dãi về những điều hệ trọng trong cuốn sách này đến nổi anh Lại Nguyên Ân phải thốt lên "Đối với những điều gọi là lỗi lầm trong sự viết lách, cả các bậc cha chú lẫn các vị quản lý thường có những cách đối xử kỳ lạ; khi thì quyết đánh đập đầu, khi thì cưng chiều che chở" (VN 20/3/1999). Lời anh Ân nói có một thực tế rất khó chối cãi được! Bởi vì, ngay như nhà thơ Tố Hữu, thi thể thơ ca bị cắt xén méo mó như thế, lồ lộ đến mức rất dễ nhận thấy ở nhiều bạn đọc, ông vẫn phải cười. Ở tuổi 80, kinh nghiệm đầy mình, dải sương mờ của trận đồ bát quái có chăng chỉ che được một góc chứ không che nổi mắt ông. Trong bài phỏng vấn, ông đã chỉ ra một loạt cái sai mà Trần Đăng Khoa mắc phải với các nhà văn, nhưng lại ít nhắc đến mình. Cả Nguyễn Khải và Nguyễn Quang sáng, đều thấy rất khó chịu khi Trần Đăng Khoa viết về chân dung các anh nhưng lặng lẽ buồn. Nhà văn Nguyễn Khải thì thốt lên "xưa nay... chưa có ai làm thế bao giờ". Nguyễn Quang sáng thì ý nhị nói xa xôi đến một tiệc rượu. Ở bữa tiệc ấy mọi người thì vui vẻ tạc thù, chỉ có Trần Đăng Khoa là thừa ra một mình... Đủ thấy việc nhìn tác phẩm "chỉ có những hạt sạn" cũng là có nguyên do vậy!

Có một số người cho là Trần Đăng Khoa sàm sỡ, bỡn cợt tất cả các bậc đàn anh, không biết sợ là gì. Hiểu thế chưa đúng về Trần Đăng Khoa. Anh cũng biết sợ đấy. Câu chuyện ngụ ngôn về mini hạt thóc chính là tiếng nói tuyên ngôn: Tôi chỉ là hạt thóc thôi... tôi sợ lắm. Phận bé nhỏ, vô tích sự... đừng để ý đến tôi! Anh cũng biết có những đối tượng anh đụng vào sẽ rất khó khăn, không chừng vỡ mặt. Những đối tượng ấy anh cứ thăm dò, phủ định bằng cách phù phép ngôn từ và phủ định từng bộ phận một. Đối tượng nào anh hạ ngục được thì anh cũng chẳng ngần ngại mà nện cho một gậy để chết thẳng cẳng. Đây chính là một thủ pháp rất tinh quái được sử dụng trong cuốn sách của anh. Cho nên có người bị đòn gián tiếp rồi vẫn đinh ninh mình không bị đụng tới. Có người được anh Khoa tạm để đấy lại cứ ung dung yên trí về mình. Chỉ có điều người viết bài này muốn nhấn mạnh, chắc chắn sẽ có một ngày Trần Đăng Khoa đem nốt cái túi hồ lô kia "đúc rọ" tất cả. Lúc ấy mọi người sẽ tha hồ mà ngơ ngác.

Đúng là không nên trách việc anh Khoa bỗng nhiên lại nhảy sang phê bình. Một nhà thơ mà viết được phê bình thì quí hóa quá. Ví như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, và gần đây là Trần Mạnh Hảo... chẳng hạn. Trong buổi thảo luận anh Bùi Bình Thi lại có sự bênh vực anh Khoa bằng một phát biểu rất mơ hồ "Có dư luận cho rằng nhà phê bình không được phép đặt nhà sáng tác vào ghế nào đó. Như vậy là ngạo mạn v.v... Tôi nghĩ ngay cả điều này chẳng có gì quan trọng cả" (VN 20/3/1999). Bênh vực như vậy thì lẫn lộn quá. Chúng tôi đồng ý với anh Thi rằng, nhà phê bình hoàn toàn được phép làm như vậy, nhưng đó phải là nhà phê bình đứng đắn và nghiêm túc, có thái độ trân trọng với nhà văn và tác phẩm của họ. Nếu anh nghiêm túc như vậy thì dù anh có xếp sai chắc không ai chê trách. Nhưng đằng này anh Khoa xếp chỗ các nhà văn theo cách Mẹ Đốp. Với các bậc từ tiên chỉ đến cụ đồ... rồi đến lý trưởng "Bà mà chưa ra thì... làng chửa được ngồi" (Quan âm Thị Kính). Khi vả vào mặt các nhà văn, anh Khoa đã áp dụng theo đúng cách Mẹ Đốp bốc... váy bỏ vào mồm Xã trưởng. Những cái vả ấy giống như mỗi lần Thị bốc từ váy ra. Ngọt ngào như không. Tự nhiên như không. Nhẹ nhàng như không... và dưới động tác múa mới thật là ngoạn mục. Những con chữ có lúc cứ "bay lả rập rờn" mềm mại chẳng kém gì cánh cò của Nguyễn Đình Thi, có lúc lại "phân vân" như cánh cò Xuân Diệu và không phải không có lúc lại "lặng lẽ" như cánh cò của Vương Bột ngàn xưa. Nhưng nếu chỉ thế thôi thì nó lại là một cuốn sách trầm lắng. Có nhiều lúc con chữ lại sôi lên, nhảy tưng tưng qua mặt các già làng theo kiểu của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Nó chòng ghẹo. Nó bỡn cợt. Nó sàm sỡ... Thật đủ kiểu. Kể cả tục nữa. Các cụ cứ ngây ra mà nhìn. Đau mà vẫn phải cười. Thế mới tài! Còn thiên hạ thì được một mẻ cười vỡ bụng. Đây chính là cái được nhất trong cuốn sách của anh với tư cách nó là một thủ pháp nhằm thực hiện các ý tưởng trong chiều sâu suy nghĩ của mình. Và anh khoái chí vì chẳng mấy ai chỉ ra điều đó!

Khi đã tạo ra được thủ pháp ấy thì anh tha hồ chửi. Chửi tứ tung... Nhưng không phải theo kiểu Chí Phèo mà chửi theo đúng cách Mẹ Đốp. Anh chửi từ người sáng tác sang anh làm lý luận, chửi từ thầy đến bạn... chẳng từ một ai. nhưng thú vị nhất là ai cũng tưởng anh chửi người khác chứ không phải chửi mình. Nếu không có các thủ pháp ấy thì sao anh dám táo tợn thế? Anh bảo Trần Mạnh Hảo là một người "dữ tợn quá" thế mà anh vẫn phủ định thẳng thừng, coi như anh Trần Mạnh Hảo là cái thùng rỗng kêu to. Anh viết về Trần Mạnh Hảo "đôi khi anh chặt phéng cả cây hay đập nát cả căn nhà mà rốt cuộc chỉ để phá đi một cái tấm biển quảng cáo con con treo hờ trên đó" (vì một tấm biển con con mà lại treo hờ... mà phá đi cả căn nhà hay chặt phéng cả cái cây thì chẳng phải là quá bậy sao). Như thế cái sự phê bình của Trần Mạnh Hảo chỉ ùng oàng chẳng khác gì tiếng phèng tiếng la, trống phách trong đám rước linh đình của Thơ Tố Hữu như anh viết ở đầu sách. Còn các nhà phê bình khác đương nhiên chẳng ai được coi là đối thủ của anh. Anh cho tất cả nhóm này vào cái túi hồ lô nhỏ gọn gàng, xinh xắn hơn. Đó là đoạn văn anh bàn lại Làng Cuội. Một cách gián tiếp anh bảo "Các chú mày láo toét cả. Phê bình như cái con...". Anh chẳng dại gì lý sự dài dòng mà mượn ngay cụ Nguyễn Khuyến ra chơi. chỉ cần hai câu trong bài thơ đó đã đủ tải đi cái điều cần nói ở anh "Không không mi chẳng tội tình gì. Chỉ tội làm ông cứng con...". Anh khoái chí thì thầm vào cái hồ lô: "Các chú chớ có cụng cựa. Vớ vẩn, cái bóng của cụ Tam Nguyên mà Đổ xuống thì toi mạng đấy". Như vậy, thẹo Trần Đăng Khoa cái "Làng Cuội" của Lê Lựu "ý tưởng rất tốt". Còn văn chương thì "Đây là cái giọng rất quý, rất hiếm trong văn học của ta, tiếc rằng chất giọng vàng rất hiếm hoi này không cứu được cuốn sách dở (Tr.94). Về phương diện phê bình, biện hộ cho một cuốn sách như thế quả thật là tài. Nhưng tài là tài theo cái cách dân gian. Còn ở góc độ lý luận thì tính lôgích có nhiều chỗ mâu thuẫn. Thế nhưng tại sao chỉ có một số nhà phê bình phản ứng với điều đó? Thực chất cái mới lạ về mặt thông tin trong cuốn sách chính là Phủ định. nhưng biện pháp phủ định không dùng qua tư duy lôgích như các nhà lý luận vẫn làm mà trộn nó vào món Lẩu rất dân gian nên có vị hương khá dậy mùi. Muốn giải mã thông tin ở cuốn sách này phải chú ý xem xét tới các phép phủ định và nghệ thuật bác bỏ đã từng được LaKof và nhiều người nghiên cứu (biết anh Khoa rất ngán mấy ông ốp, ép nên người viết bài này không tiếp tục dẫn ra). Nhưng ở Việt Nam cũng có người nghiên cứu khá sâu, đó là Giáo sư Nguyễn Đức Dân. Bởi vì cuốn sách này đã dùng tới phép biến ảo ngôn ngữ và phong cách dân gian, để hợp lý hơn, ta nên dùng nguyên tắc cấu trúc của nghệ thuật dân gian trong con mắt hiện đại để phân tích.

Khi kéo cái quả kinh khí cầu to đoành từ thế kỷ trước về tới Làng Cuội cứu người bạn cố tri họ Lê trong cái vùng chiêm trũng đầy nước, Trần Đăng Khoa cũng rất Cuội. Để tỏ cho thiên hạ biết mình khách quan, trước khi cho ông bạn vàng này bay lên theo khinh khí cầu, Trần Đăng Khoa không quên làm cái động tác ảo thuật quen thuộc, dìm cho ông nhà văn họ Lê một cú sặc nước ở chốn sình lầy. Bạn đọc khoái trí vì một phát hiện mới, rằng văn của Lê Lưu không những luộm thuộm mà còn "mất vệ sinh" (Tr.95). Người đọc cứ ôm bụng mà cười, mà lăn lóc ra. Lúc tỉnh lại thì cả ông tác giả và cái Làng Cuội kia được quả khinh khí cầu ấy đem bay xa về chốn mù trời. Đây chính là chỗ làm cho người ta cãi nhau. Người thì bảo Trần Đăng Khoa xỏ Lê Lựu. Người lại cãi Trần Đăng Khoa tốt với Lê Lựu lắm!

Trong làng phê bình, Trần Đăng Khoa có cách nhìn tương đối ưu ái với ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế. Dù sao đây cũng là nơi cư ngụ cả đời thực lẫn đời văn của anh. Anh không nỡ giễu cợt quá đáng theo kiểu sân chiếu đình làng. Nhưng anh cũng chỉ rõ cho thiên hạ biết rằng, đây một pháo đài cỡ lớn (Tr.173) song cũng chẳng nên trông mong gì ở nơi đây cả. Đó là một pháo đài... nhưng là pháo đài không chiến đấu. Nó cứ "im thin thít" vì "Các ông cứ mũ nỉ che tai. Bao nhiêu sự kiện sôi động các ông chẳng động tý gì" (Tr.173). Chỗ này, dù là ý kiến độc giả hay của anh Khoa cũng là một tư tưởng được thể hiện rất nghiêm túc. Nó là lời nhắn gửi nhắc những người có trách nhiệm ở đây đã tỏ ra thờ ơ trước cái sự kiện có tính vấn đề của văn học đương thời trong việc cho ra mắt những ý kiến có tính khách quan và nghiêm túc thực sự?

Nếu người đọc muốn tìm cái mới ở "Chân dung và Đối Thoại" về mặt lý luận thì sẽ không bao giờ có cả. Trong cuốn sách này chỉ có những cái mới về tư tưởng. Đó là phủ định một số mặt, một số vấn đề hay tư tưởng mà trước đó đã được khẳng định. nhưng cách phủ định, như đã nói, không tuân thủ theo bài bản của lý luận mà được biến hóa dưới thủ pháp cấu trúc nghệ thuật dân gian, một kiểu diễn kịch cương ở thời chưa có kịch tác giả. Ở kiểu này người diễn cho phép mình phóng túng tùy theo phản ứng tâm lý ở khán giả. Từ một cái tích có thể dịch thành các trò (có tích mới dịch nên trò). Trò càng vui thì người xem càng đông. Cho nên, mở đầu cuốn sách Trần Đăng Khoa đã khua lên những tiếng trống phách, thanh la, tưng bừng mượn trong thơ Tố Hữu ra để làm cho người ta đổ đến. Anh rải chiếc chiếu cạp điều lộng lẫy ra giữa sân đình để rước các bô lão làng văn bước vào. Khi đón bất cứ cụ nào vào đấy, anh vẫn là một Trần Đăng Khoa, tay cứ xoa xoa xoắn xuýt, đầu cúi gập xuống rất là trịnh trọng. Ôi chao! Cái chú bé "Thần đồng" này ngoan lắm, tốt lắm. Sao cứ cúi thấp để bé tý tỵ thế kia... Bỗng chốc tất cả các cụ đều hóa thành khổng lồ. Người là biên niên sử, từ điển sống của cách mạng. Người là ông thiên tài. Người là ông diễn viên tầm cỡ thế giới... Nghe giới thiệu thế khán giả háo hức lắm. Thôi nào! Mời cụ kể hộ con cái chuyện Điện Biên... chuyện năm xưa ấy mà. Không ngại gì đâu cụ ạ. Ở chỗ này, chỉ vui vui một tí thôi... Đấy. Thấy chưa, các quí vị khán giả? Đây mới là tác giả thật của Điện Biên. Vỗ tay thật to lên. Lát nữa tôi mời các cụ đến, còn ối điều bí mật khác... Đến lúc các cụ đến đông rồi thì có cụ chẳng còn được đón rước như ban đầu nữa. Đang còn hư hư thực thực chưa biết ra sao đã bị Trần Đăng Khoa lôi tuột vào trong chiếu mất rồi. Ngồi vào chiếu xong, tất cả quay lại đã thấy Trần Đăng Khoa biến mất. Chỉ thấy có một Mẹ Đốp xuất hiện. Mẹ Đốp đã xuất hiện, không muốn cũng cứ phải chấp nhận trò chơi chứ còn biết làm sao?

Đã nói là diễn ở chiếu sân đình theo phép kịch cương mà ly! Mẹ Đốp tha hồ giở trò ma quái mà tròng nghẹo. Lúc thì vặt râu cụ này, lúc lại túm tóc cụ kia. Cứ tha hồ mà đấm bóp... đủ mọi chỗ. Hứng chí, còn bốc cứt người này bỏ vào mồm người khác. Lối chơi này lộ rõ nhất ở đoạn viết về Xuân Diệu.

Nhiều người nghi hoặc, hay thở dài... Chả lẽ một nhà thơ lớn của dân tộc là Xuân Diệu lại có thể nói những câu như vậy ư? "Mình không đi vì cái cậu đi mời nó ngu quá! Đã mời nhà thơ Xuân Diệu rồi còn mời hai nhà thơ trẻ nữa" (Tr.50) hoặc "ca ca... là cứt cứt... Đấy, tôi xin mời các ông trẻ, các ông ca đi chứ Xuân Diệu này không có ca đâu nhé". Nói như vậy thì còn đâu là văn hóa? Nhưng có trời mà biết đó có phải của Xuân Diệu hay không? Chỉ biết là trên chiếc chiếu giữa sân đình kia có cái bóng của thi sĩ Xuân Diệu. Từ chỗ sáng tối mờ ảo này đã phát ra những câu trên. Của Xuân Diệu hay của tiếng đế bên trong? Ông thành người âm rồi. Giờ trên chiếu kia ông chỉ là cái bóng u u minh minh. Cái bóng ấy mắng lão giáo của Trường Đại học Sư phạm tên là Trần Đăng Xuyền: làm ông giáo và làm nhà phê bình mà chẳng hiểu cái quái gì cả". (Tr.47). Lão giáo này chớ vội bực bội! Thế là còn được nể chán! Vì may có cái chức là lão giáo đi dạy người không thì chạy ngay đi mà kiếm cái mo che, kẻo cái bóng u u minh minh kia lại vãi cho một tràng ca... ca vào mặt thì khốn nạn. Thì đấy! Cái bóng u u minh minh kia vừa chẳng cho các chú tí tởn đi làm Trường ca một mẻ đấy thôi. Làm Trường ca khó lắm, đâu phải chơi! Các chú làm chỉ như cứt. Vậy có ai viết nổi Trường ca không?

Nếu bạn đọc ai từng quen đi du lịch trên sông sẽ biết, muốn thích thú thời phải đi ngược thác. Đi ngược lên mới thấy được sự kỳ vĩ của thiên nhiên. Và lắm điều kỳ lạ. Dọc theo dòng thác, giữa những hòn cuội trắng có một hòn đá xanh rất non tơ. Hòn đá này là đá tiên từ trên trời rơi xuống. Trên mình nó có cả những "Hạt gạo trắng muốt, và cả bản nhạc kỳ diệu phát ra..." Khúc hát người anh hùng... Đây mới là thứ Trường ca đích thực của nền thi ca Việt Nam vậy! Dòng thác thời gian kia dù chảy ngàn năm quyết không thể làm nó sói mòn và nó sẽ mãi mãi được lịch sử ghi nhận. Vì ông khổng lồ duyệt kỹ rồi. Ông này giờ đang ở cõi âm, được người đời ngày ngày, tháng tháng sì sụp thắp hương vái lạy, đã thành bậc chí thánh đâu có nói giỡn. Mặt khác, ông lại có những nhận xét cụ thể trên giấy trắng mực đen hẳn hoi ai mà chối cãi được? Ông cho nhận xét về Trường ca đó như sau "Có những đoạn thơ, câu thơ hàm súc, có phong cách cổ điển". Các quý vị không biết, ông cũng chê thẳng thừng chứ chẳng vị nể gì chỗ tình quen biết đâu. Ông chê rằng "Thơ viết bằng sự thông minh, khéo quá kỹ sảo quá..." Đời sau, 200 năm nữa các tiến sĩ văn chương của nước Việt ta sẽ trích lại lời nói của ông khổng lồ này như một số ý của Trạng Bùng được trích lại hôm nay... Trời đất ơi, "thơ mà thông minh" thì vứt đi rồi! Khuyết tật này lớn lắm, cũng ngang với khuyết tật của một vị thủ trưởng bị phê bình nảy lửa trong một cuộc họp "thủ trưởng mắc một cái lỗi vô cùng trầm trọng... không một ai có thể tha thứ được đó là thủ trưởng làm việc quá nhiều vì anh em mà không thèm nghĩ gì đến sức khỏe của mình cả".

Đúng là như một số nhà văn nhận xét, đọc sách của Trần Đăng Khoa nhiều lúc cười đến nôn ra. Mấy chục năm chẳng hiểu "y" đi biểu diễn mãi ở tận đâu nay trở về làng cho bàn con khắp các thôn xóm được một bữa hả hê. Quanh cái chiếu cạp điều giữa sân đình có nhiều chuyện, vui đến là vui. Nhưng vui nhất ở cuộc này xét ra chính là cái ông đồ điếc. Ông này hiền lành chất phác, tốt bụng, mỗi tội là điếc, nghễnh ngãng chẳng hiểu mọi sự ở đời nó ra làm sao. Mọi âm thanh vào tai ông nó cứ lào phào, tai này ra tai kia...

Mẹ Đốp mời ông ra đình ăn khoán vì cái chuyện cô Thị Mầu "có chửa". Ông nghe không ra lại vươn cổ ra hỏi: "Các cụ chửa ra... hử?" Thế thì mới buồn cười!

Khi viết chân dung Lê Lựu, Trần Đăng Khoa đã phù phép để biến anh thành ông đồ điếc này. Người ta hỏi ông "ông có ăn xôi không?", ông lại bảo "nó cho tôi ăn bát phở bò". Người ta hỏi ông "có vui lắm không", ông lại trả lời "nó cho tôi cái đùi gà chứ không cho tôi ăn cơm nắm". Về phương diện này quả là Trần Đăng Khoa cũng ở bậc... đạo diễn tầm cỡ thế giới. Anh phù phép tài quá làm cho ông đồ điếc của anh dù là "anh nông dân ma quái" (Theo TĐK) cũng trở thành điếc ung điếc đặc chứ không còn nghễnh ngãng nữa. Lẽ ra ông đồ điếc cứ việc ung dung chén cái đùi gà mà đạo diễn đã ban cho. Vì lâu lắm rồi, từ thời nảo thời nào... Từ cái Thời xa vắng lắm ông mới được người ta mời ra đình để ăn cỗ. Thế mà, ông lại cứ nhảy phừng phừng ra đám đông để hét "thằng này nó vu tôi... tôi đâu có nói thế?". Thế mới thật buồn cười. Bởi lúc người ta nói đùa ông lại tưởng thật. Người ta nói thật ông lại tưởng đùa. Nhưng bạn đọc không dễ tin đâu vì anh là một nhà văn đâu đến mức có thể để Trần Đăng Khoa phù phép như vậy? Ông đồ điếc trong "Quan âm Thị Kính" thì điếc thật. Còn anh tai lại vẫn thính và con mắt còn tỏ lắm... Người ta bảo "Đi một đoạn đàng học một sàng khôn", mà anh thì lại đi rất nhiều nơi... Anh lại là "Anh nông dân ma quái" như Trần Đăng Khoa đã viết làm sao anh dễ bị Trần Đăng Khoa phù phép được? Anh đã phát biểu trên tivi rất hào hứng hăng hái cổ vũ cuốn sách này. Các anh chẳng những đã cuội mà còn muốn nhốt tất cả bạn đọc vào cái trống như anh Khoa đã nhốt Nguyễn Khắc Trường vào đó để tai chỉ nghe tiếng âm âm u u... chẳng biết gì? Nhưng tiếng u u... này lại làm nao lòng người và vọng xuống lòng đất sâu; làm thức dậy bao linh hồn của những người thân ở mỗi bạn đọc và bao đồng bào, liệt sỹ khác... Rằng, "chỉ có cuộc va chạm cãi nhau của hai ông láng giềng" mà chúng tôi phải trả cái giá đau đớn thế này ư?. Sự thật rõ ràng như ban ngày thế mà anh vẫn muốn lấy cái da trống để bịt miệng những ai phản ứng lại và coi đó là sự ác ý, xấu bụng và chụp mũ! Thế thì cái thước đo chân lý đã thay đổi chẳng còn biết đâu là trắng đen, ù mờ như rất nhiều chỗ trong cuốn sách này? Không phải ngẫu nhiên anh Lại Nguyên Ân nói tới "một công chúng nhẹ dạ cả tin...". Chính là một tiếng chuông của nhà lý luận có sự nhạy bén và tỉnh táo muốn nhắc mọi người?

H.Đ
(123/05-99)





 

Các bài mới
Đêm bơ vơ (21/12/2009)
Các bài đã đăng
Nhật ký (15/12/2009)