Tạp chí Sông Hương - Số 123 (tháng 5)
Thư pháp Huế tao nhã và sang trọng
10:16 | 17/12/2009
MAI NGÂN HÀĐó là lời nhận xét của giáo sư Hồ Ngọc Đại khi đến xem các bức thư pháp, tại phòng trưng bày nhân Tuần Văn hóa Huế. Các nhà thư pháp Huế là sư Minh Đức chùa Huyền Không, sư Phước thành chùa Châu Lâm, nhà thơ Nguyệt Đình cùng một số nhà thư pháp ở Huế đã đem giới thiệu 120 bức gồm thư pháp chữ nho, chữ quốc ngữ, chữ Anh, Pháp, Đức...
Thư pháp Huế tao nhã và sang trọng
(Ảnh: hue.vnn.vn)

Nội dung là thơ của những thiền sư như Mãn Giác, Không Lộ, Vạn Hạnh, Đao Hạnh, Hương Hải, Trần Thái Tông, Huyền Quang,Viên Thành v.v... Có thơ của Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Tùng Thiện, Tuy Lý, Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Hàn MặcTử, Nguyễn Khoa Điềm... Lại có thơ của một vài tác giả đời Đường nổi tiếng như Vương Duy, Trương Kế...

Công chúng Hà Nội trong đó có các nhà thơ Lê Xuân Hòa, Tú Sót, nhiều trí thức và rất đông các bạn sinh viên các trường ở Hà Nội đã đến xem thư pháp, trầm trồ, suy ngẫm và ghi vội lại những câu thơ hay, ghi lại những nét chữ để học hỏi.

Có 3 câu chuyện thú vị đã xảy ra tại phòng thư pháp.

Câu chuyện thứ nhất. Hôm tổng duyệt, một người trong ban Tổ chức dẫn nhà thơ Tố Hữu đến trước bản thư pháp viết bốn câu "Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ..." của ông, rồi hỏi anh có nhìn thấy bóng mình trong đó không. Ông quay lại cười rồi trả lời tỉnh bơ: Không! Thế đấy, nhà thơ, nhà văn không lấy tác phẩm của mình để săm soi tự ngắm nghía. Chỉ có người đọc mới cần nhìn thấy bóng dáng tác giả trong tác phẩm của họ.

Câu chuyện 2. Một người hướng dẫn một vị khách ngoại quốc đến bức thư pháp viết câu thơ của Paul Valéry rồi tinh nghịch hỏi: Qui est tu? nghĩa là Ngài là ai? Ông ta liền lấy ngay chữ của câu thư pháp để trả lời: mais rien (mà (tôi) thì cũng chẳng là gì cả) Nguyên cả câu của Valéry là Qui est tu? Mais rien.

Hóa ra vị khách đó là ngài Đại sứ Ý.

Chuyện thứ 3. Có lẽ vợ chồng nhạc sĩ Thuận Yến là người sung sướng nhất. Hai người chọn ngày lành định đến xin một chữ như phước, lộc, tâm đức gì đó cũng được. Sư Phước Thành viết cho một chữ thuận (
) rất to. Thuận vợ, thuận chồng, mà nhạc thì tất nhiên là phải thuận tai rồi.

Hai vị đại sư từ Huế ra mấy ngày trước, nhoài ra bưng, bê, cắt, dán, lồng khung, uốn móc cùng với 3 đồ đệ là nhà thơ Nguyệt Đình, họa sĩ Trọng và giảng viên ngoại ngữ Huế là anh Cử Trị (chúng tôi gọi đùa anh như vậy). Treo thư pháp lên rồi mà thiếu cây cảnh điểm xuyết thì giống như cô gái diện áo dài mà mặc quần đùi. May quá, ông Khang giám đốc Trung tâm sinh vật cảnh Hoàng Hoa đã cho chở đến 2 chuyến xe tải mi-ni những chậu cảnh đẹp. Không lấy một đồng chinh tiền cho thuê, tiền chuyên chở nào cả. Các quí thầy bỏ cả công sức cả tiền bạc để mua giấy, mực, khung kia cả đinh, cả giây thép. Miễn là để có một phòng thư pháp đẹp của Huế tại Hà Nội.

M.N.H
(123/05-99)




 

Các bài mới
Đêm bơ vơ (21/12/2009)
Các bài đã đăng
Nhật ký (15/12/2009)