Tạp chí Sông Hương - Số 123 (tháng 5)
Ghi chép tọa đàm giữa văn nghệ sĩ trí thức Huế với điện ảnh
09:54 | 21/12/2009
NGUYỄN KHẮC THẠCHTrong buổi tọa đàm giữa các nghệ sĩ Điện ảnh Việt Nam với văn nghệ sĩ trí thức Huế vừa rồi, nhà văn Nguyễn Khắc Phê đã chuẩn bị sẵn một tham luận có tiêu đề rất "gây sự" là Khoảng cách giữa điện ảnh Việt Nam với khán giả nhưng điều đó lại được "giải tỏa" ngay khi anh nhấn mạnh - trừ cuộc liên hoan lần này.
Ghi chép tọa đàm giữa văn nghệ sĩ trí thức Huế với điện ảnh
Nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch

Như vậy là từ khoảng cách giữa điện ảnh Việt Nam với khán giả, nhà văn Nguyễn Khắc Phê lại mở thêm một khoảng cách nữa giữa phim với phim ở hai thì đã đang. Không biết nhà văn đã thực lòng hay chưa hay chỉ là cách ứng xử tình thế trong huống cảnh vuốt mặt phải nể mũi? Bởi lẽ bấy nay ở xứ ta, khi cần nhận định về một vấn đề "tế nhị" nào đó, ở mỗi người đều có "chính kiến nước đôi" trước mặt khác, sau lưng khác, diễn đàn khác, vỉa hè khác...

Từ chỗ chỉ cần nói một lại phải nói thành hai. Rồi từ chỗ một sang hai cũng phải lòng vòng chuyển đoạn nên nó ra ba, ra bốn. Vậy mới thành ra sự lắm lời. Khi sự lắm lời của cuộc sống được "hiện thực hóa" vào nghệ thuật thì nó trở nên hàm hồ và có lẽ đây chính là nguyên nhân làm cho nền lí luận phải thất nghiệp hoặc không còn gì để nói. Nghệ thuật thứ bảy ra đời sau, nó có thể "truy cập" những yếu tố "đồng đẳng" của các nghệ thuật khác để làm nổi trội đặc trưng riêng của mình là ngôn ngữ điện ảnh. Vậy nhưng giờ đây, đặc trưng đó dường như bị "tráo lộn văn chương với chả cả" và thế là "bản sắc dân tộc" của điện ảnh không còn đậm đà nữa. Nghĩa là hiệu ứng thẩm mĩ riêng của nó trở nên nhòe nhoẹt, mù mờ trước khán giả. Bởi vậy khán giả chẳng dại gì vào rạp xem phim cho mất công, tốn tiền. Cứ ở nhà xem phim ti vi (FTV) thì cũng đủ dư vị, màu mè của sản phẩm này. Mặt khác, cũng do vậy, phim đã đẩy khán giả vào tâm thế tò mò là xem nó nói cái gì chứ không phải xem nó nói như thế nào. Nói cái gì là chính trị, nói như thế nào mới là nghệ thuật. Khi đã không còn hình ảnh nghệ thuật trước mắt nữa thì người xem phim cũng không nhất thiết phải song hóng cả hai chức năng nghe - nhìn mà chỉ cần nghe là đủ rồi. Hậu quả của nó lại thật êm dịu là người ta có thể vừa nằm lim dim vừa nghe phim ti vi. Không biết ai đó đã châm biếm một cách khôi hài, chua chát rằng ngành điện ảnh nước ta đã "có công" đảo ngược mô thức người xem phim thành phim xem người.

Khi người ta đã quá mệt mỏi, quá căng thẳng về tiếng ồn, về sự dạy dỗ nhau mà phim ảnh lại tiếp tục "tra tấn" thêm một lần nữa thì làm sao họ chịu nổi. Họ thích phim nước ngoài vì trước hết nó ít lời. Có phim ít lời gần đây như Titanic hoặc thậm chí có phim không cần thuyết minh từ thập kỉ trước như Chiếc sừng dê nhưng chúng lại nói được rất nhiều bởi ở đó ngôn ngữ điện ảnh được hiện lên  một cách tròn đầy, trinh bạch. Sự so le đẳng cấp giữa phim ta với thế giới điện ảnh tuy do nhiều yếu tố nhưng chung qui lại cũng chỉ có hai vấn đề đầu tư kịch bản.

1. Dù ở lĩnh vực nào thì quyền lực đồng tiền cũng tỏ ra kẻ cả, tỏ ra đỏng đảnh và nó can thiệp bằng được vào mọi quan hệ nhân quả, không loại trừ hoạt động văn học nghệ thuật. Hệ lụy nhãn tiền của nó trong điện ảnh là "qui trình" sản xuất phim của người nước ngoài ngược lại với qui trình ở nước ta. Ho dùng tiền làm nghệ thuật, ta dùng nghệ thuật làm tiền. Khi các nghệ sĩ phải "chạy sô" để kiếm tiền thì coi như họ đã bán đứng linh hồn cho quỷ rồi. Cái còn lại cho nghệ thuật chẳng qua chỉ là cái bã. Ngược về nguồn cội người ta thấy nghệ thuật được ra đời nhờ những năng lượng sống dư thừa. Con chim chỉ hót khi nó không phải kiếm mồi. Con công chỉ múa khi nó không bị săn đuổi.Và hành vi nghệ thuật đầu tiên của con người cũng vậy. Nếu chưa được đầu tư theo nhu cầu "ăn chơi" thì ngành nghệ thuật thứ bảy của chúng ta cũng chỉ có thể luẩn quẩn bước qua chiều chủ nhật với FTV.

2. Khi "Trong tay sẵn có đồng tiền" thì mua kịch bản làm phim khó gì. Viết kịch bản đương nhiên là việc của các nhà văn. Mặc dầu tiền thù lao cho một kịch bản phim chưa phải là cao nhưng so với mặt bằng nhuận bút báo chí, xuất bản hiện hành thì nó đã khá hấp dẫn với không ít nhà văn. Trên thực tế, có một số nhà văn thối chí văn chương mà chạy qua viết kịch bản phim. Ở đó họ dễ dàng gặt hái được cả danh lẫn lợi. Giọng điệu kịch bản của họ cũng tầm tầm giọng cải lương hoặc chuyện trong nhà ngoài phố. Nghĩ cũng ngộ. Văn chương là đơn độc. Nhỡ viết sai ngữ pháp là nó trơ trơ ra như bia miệng. Đằng này phim ảnh còn có biên kịch, có đạo diễn, có diễn viên... mỗi người che một phía. Dù những nhà làm phim có tài bao biện đến đâu nhưng khi nghe giới thiệu tên tuổi các tác giả kịch bản ấy thì những người xem yếu bóng vía cũng hãi và đành phải kính nhi viễn chi.

Từ thực trạng đó, có lẽ cũng nên nghĩ đến chuyện táo bạo hơn là phải tạo ra một bước ngoặt mang ý nghĩa cách mạng về kịch bản phim. Đội ngũ nhà văn nước nhà đông đảo, nhiều người có tài, tiềm năng kịch bản đang ẩn náu trong họ. Đương nhiên, không phải nhà văn nào cũng sẵn sàng "ngoại tình" nhưng nếu họ có tác phẩm hay thì những tác phẩm hay ấy đều có thể mua và làm phim hay được.

Xem ra, khoảng cách giữa điện ảnh Việt Nam với khán giả là có thật. Song, dường như khoảng cách đó đã được "thông cảm" và khuất lấp trong cuộc liên hoan phim vừa rồi. Thành công của nó đã được các Ban giám khảo, Ban tổ chức phim và báo chí minh định. Dù vậy, thiết nghĩ cũng cần ghi nhận thêm một "chỉ số phụ" rằng, giải thưởng của liên hoan phim điện ảnh lần này có uy tín hơn, "thiêng hơn" giải liên hoan phim truyền hình lần trước (cũng diễn ra tại Huế cách đây gần 6 tháng). Giải phim truyền hình "vô tư" và nhiều đến nỗi người ta không tài nào nhớ nổi, nhớ hết những phim được giải mà trí nhớ những phim không được giải! Riêng Huế dự 18 phim thì trúng giải cả 18. Nó ỡm ờ theo kiểu thưởng trong chương trình "vườn cổ tích" trên ti vi. Đội thắng được phát 4 hạt dẻ thì đội thua cũng được an ủi 2 hạt vậy. May thay, giải liên hoan phim điện ảnh lần chót thế kỉ này nó đã khác. Nó thực sự là một giải nghệ thuật cho người lớn.

N.K.T
(123/05-99)



 

Các bài mới
Đêm bơ vơ (21/12/2009)
Các bài đã đăng
Tản mạn Balzac (17/12/2009)