Tạp chí Sông Hương - Số 123 (tháng 5)
Người ngậm dao trong họng
08:49 | 23/12/2009
HOÀNG QUỐC HẢI              Truyện ngắn lịch sửNăm Nhâm Thân (1392) mùa hạ, thượng hoàng Trần Nghệ Tông xuống chiếu “CẦU LỜI NÓI THẲNG”Thường trong nước mỗi khi có đại sự, nhà vua ban chiếu cầu hiền. Mục đích tìm người tài cho nước.
Người ngậm dao trong họng
Minh họa: Ngô Lan Hương

Chiếu “Cầu lời nói thẳng” của Nghệ Tông ban ra khiến kẻ sĩ trong nước nghi hoặc. Bởi lẽ lúc này Hồ Quý Ly đã thâu tóm quyền hành sai khiến thiên hạ. Chi phối hai ban văn võ, đã được Nghệ Tông ban cho Quý Ly tám chữ thêu trên lá cờ tiết: “VĂN VÕ TOÀN TÀI QUẦN THẦN ĐÔNG ĐÚC” và một thanh gươm báu.

Điều đó có nghĩa rằng, từ việc điều động binh nhung, trấn áp phản nghịch, thăng giáng các bậc đại thần đều thuộc quyền Quý Ly. Lại nữa, ông có quyền chém trước tâu sau.

Vậy thời việc cầu lời nói thẳng của nhà vua phỏng còn có ích gì.

Nhận chiếu cầu lời nói thẳng trong tay, các đại thần, các danh sĩ đều hết sức băn khoăn. Thế sự rối nát, kể có hàng ngàn điều muốn nói, muốn tỏ bày. Nhưng nói cho ai nghe? Tỏ bày cho ai hay?

Hữu ty Lang trung, Nhập nội Hành khiển Trạng nguyên Đào Sư Tích biết đây là mưu kế của họ Hồ, núp danh hoàng thượng thăm dò kẻ sĩ. Vì vậy hễ ai đã nhận được chiếu đều phải có hồi âm, nếu không Quý Ly sẽ ghép vào tội khi quân mà xử.

Nhưng hồi âm như thế nào thì thực là một việc nan giải.

Đang lúc rối trí thì gia nhân vào bẩm, có quan Trung thư Thị lang, Tri thẩm hình viện sự, Thám hoa lang Trần Đình Thâm xin được diện kiến..

Đào Sư Tích mừng quýnh chân không kịp xỏ giầy, chạy ra đón khách.

Trần Đình Thâm mỉm cười. Ông giơ tờ chiếu lên vái Đào Sư Tích.

Sư Tích đáp lễ, rồi dẫn người đồng liệt vào nhà tân khách.

Phân ngôi chủ khách, uống chưa xong một tuần trà, Đào Sư Tích liền hắng giọng:

- Quan huynh đã có diệu kế gì đối phó lại cái trò ranh ma của Quý Ly chưa? Đệ bí quá.

Trần Đình Thâm phá ra cười, giọng cười của ông giòn khách khách. Đoạn ông im bặt, tựa như ông nuốt hết tiếng cười vào trong bụng. Rồi với vẻ mặt nghiêm trang, ông nói:

- Thâm này đang bí mới phải đi hỏi trạng chứ!

Đào Sư Tích với vẻ hóm hỉnh cợt lại:

- Quan Tri Thẩm hình viện sự, nắm trong tay mọi điều cơ mật của nước. Xin cho đệ biết, đối sách của quan huynh!

Đào Sư Tích tiếng là Hành khiển nhập nội, một chức quan đứng đầu nội các, nhưng cũng chỉ là thứ hữu danh vô thực.

Mọi quyền hành đều thuộc phủ Thái sư do Quý Ly thâu tóm. Hành khiển đã thế, Thẩm hình viện còn quyền biến gì.

Trần Đình Thâm cùng Đào Sư Tích, Lê Hiến Phủ vốn là bạn đồng khoa, lại làm quan đồng triều. Ba người giành tam khôi, khoa Giáp Dần (1374). Đào Sư Tích đệ nhất giáp đệ nhất danh, Lê Hiến Phủ đệ nhị giáp đệ nhị danh, Trần Đình Thâm đệ tam giáp đệ tam danh. Tức là ba học vị cao nhất đương thời: Trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa.

Vì là chỗ đồng khoa, lại là đồng liệt nên tình bằng hữu giữa họ vừa thân tình vừa gắn bó. Trong nói năng thù tiếp, họ không cần phải giữ gìn, rào đón.

Đặt chén nước xuống mặt kỷ, nhìn sâu vào mắt bạn, Trần Đình Thâm chậm rãi:

- Nếu quan huynh không bận việc, ta cùng ghé thăm Nguyễn Mộng Hoa. Tôi chắc Nguyễn Mộng Hoa đã có đối sách.

Biết Nguyễn Mộng Hoa là người cương trực, khí phách, Đào Sư Tích đã muốn đi tới bảy tám phần. Ông nhớ có dễ cách đây tới gần mười năm. Vào khoảng mùa thu năm Quí Dậu (1383), quân Chiêm Thành do vua nước ấy là Chế Bồng Nga dẫn đầu, đánh theo đường bộ, đã tới trấn Quốc Oai, chỉ cách kinh thành có vài ba chục dặm. Tin dữ bay về kinh sư, thượng hoàng Trần Nghệ Tông hoảng hốt chỉ kịp đem theo vài tên tọa thượng nô, chiếc tráp bạc đựng bản thảo cuốn “ĐẾ CHÂM”, và chục đứa cấm quân chạy bổ xuống bến Đông Bộ Đầu. Tại đây, lúc nào cũng có vài ba chiếc thuyền chắc chắn, phu lái sẵn sàng, để hoàng thượng chạy sang bên Đông Ngàn lánh giặc. Bởi từ mấy năm nay, Chế Bồng Nga đánh vào Thăng Long dễ như cơm bữa.

Quân thủy của Đại Việt với các tướng tài như Hồ Quý Ly, Nguyễn Đa Phương, Phạm Cự Luận đều lần lượt bị Chế Bồng Nga đánh bại. Lần này, ông ta đi đường bộ đem quân vào phía Tây kinh thành, để thử sức quân bộ và quân kỵ Đại Việt.

Nghe được tin cấp báo, thượng hoàng Trần Nghệ Tông chẳng còn hồn vía nào mà chờ được phu kiệu nữa. Ngài ngự dông thẳng ra bến, rồi vọt lên thuyền. Ngài nói líu cả lưỡi, khiến đám phu thuyền chẳng hiểu ngài ban lệnh gì. Bởi vậy, chúng vẫn trùng trình chưa nhổ neo.

Đúng lúc ấy, Nguyễn Mộng Hoa, giám sinh Quốc Tử Giám áo mũ chỉnh tề, cùng một số bạn bè trong trường Giám, nhảy ào xuống nước, giữ mạn thuyền ngự lại. Nguyễn Mộng Hoa chắp tay cung kính:

- “Hoàng thượng anh minh. Ngài là linh hồn của cả dân tộc. Xin Hoàng thượng cứ vững tâm ở lại Thăng Long cho trăm họ trông vào. Bọn tiểu sinh thề cùng chúng dân trăm họ quyết lấy máu xương mình cản giặc, bảo vệ xã tắc, bảo vệ hoàng thượng”.

Theo lời nói của Nguyễn Mộng Hoa, đám nho sinh lội cả xuống bến đồng thanh hô:

- “Xin Hoàng thượng ở lại! - Xin Hoàng thượng ở lại!”.

Thượng hoàng Trần Nghệ Tông mặt xám như chì, ngài không nói được lời nào, chỉ xua tay như đuổi mọi người tránh ra cho thuyền ngược.

Đám lính hổ bôn trong đội quân thiên thuộc đã đuổi kịp nhà vua. Chúng lao thẳng xuống bến kéo áo, nắm tóc, túm tay đám nho sinh đẩy hết lên bờ.

Thuyền ngự vút đi, để lại sau ngài nỗi thất vọng cho cả kinh thành.

Ôi cũng là một sự đi khỏi kinh thành, như cuộc ra đi của đức Trần Nhân Tông vào những ngày áp Tết năm Ất Dậu (1285), ngài khuyến cáo trước chư tướng rằng: “Ta cho giặc ngủ trọ ở Thăng Long ít đêm, rồi lại thu hồi!”

Cuộc rút khỏi Thăng Long ngày ấy, đã khích lệ muôn dân, xả thân vì nước. Và chỉ vài ba tháng sau, quân dân Đại Việt quét sạch lũ giặc Nguyên - Mông tàn bạo ra khỏi đất nước.

Ôi, tổ phụ thì hào hùng dường ấy, mà con cháu lại hèn yếu dường này!

Gần chục năm trước, Nguyễn Mộng Hoa đã tỏ ra là một người có nhân cách kẻ sĩ, chắc hẳn vụ “Cầu lời nói thẳng” này biết đâu ông chẳng có nhiều cao ý. Nghĩ vậy, Đào Sư Tích bèn nhận lời.

Hai người vào tới nhà Nguyễn Mộng Hoa đã thấy có Quốc Tử Giám trợ giáo Đoàn Xuân Lôi, bảng nhãn Lê Hiến Phủ đang ngồi uống trà.

Nguyễn Mộng Hoa cư ngụ trong một ngôi nhà tranh đơn sơ, xung quanh nhà xếp đầy các kệ sách. Gian đầu kê bộ tràng kỷ bằng tre cật, dùng lâu ngày, nan tre đen bóng. Gian đối diện là thư phòng của chủ nhân, sách vở bày lộn xộn. Một bài văn đang soạn dở chừng, chiếc bút lông nhỏ gác trên nghiên mực vừa mài. Chắc là tiên sinh đang viết thì có khách tới thăm.

Gian giữa kê một chiếc hương án làm bàn thờ gia tiên. Phía trên treo bức đại tự “HỮU ĐỨC TẤT HỮU LÂN”, chữ lấy trong sách Luận Ngữ (1). Bức đại tự này dòng họ Nguyễn đã lưu giữ tới bảy đời. Vì vậy, con cháu tuy sống thanh bạch, nhưng chữ nghĩa thì không thiếu, bè bạn không thiếu, mà xóm giềng thì thân thiết như tình máu mủ, ruột rà.

Nguyễn Mộng Hoa từ nhỏ chỉ biết lấy bụng thực đãi khách, chứ không chuộng sự giả phú giả quí để khoe mẽ.

Ở kinh thành, ông nổi tiếng là người tiết tháo, cao thượng. Chán thế sự nên ông không bước vào con đường cử nghiệp, chỉ ở nhà đọc sách và gõ đầu trẻ. Nhưng chữ nghĩa mà ông thâu nhận thì đến các bậc túc nho cũng phải nể trọng. Nhà ông lúc nào cũng đầy ắp khách thơ văn. Hết luận bàn từ chương, trứ tác, lại tới chuyện thế sự. Đã sa vào chuyện thế sự, như sa vào mê lộ. Vừa thú vị, vừa bực giận, lại vừa chán ngắt nữa.

Nguyễn Mộng Hoa thật sự như một cái túi để các bạn giốc bầu tâm sự. Từ việc tư riêng trong gia cảnh, đến sự bỉ lậu chốn quan trường. Từ việc buồng the trong cung cấm đến việc giặc giã ngoài biên ải, không việc gì ông không được nghe, không phải nghe.

Đến với ông để được thổ lộ, để được an ủi, để được khuyên răn, mà không bao giờ sợ chủ nhân coi thường mình, hoặc đem chuyện mình tiết lậu nơi cơ mật, để lập chút công thừa. Với nhân cách cao thượng và tấm lòng độ lượng, dường như Nguyễn Mộng Hoa là nơi không chỉ có khách văn nhân, mà cho tất cả những bậc chính nhân quân tử lui tới, tâm tình.

Trong nhà có đủ ba vị tam khôi khoa Giáp Dần (1374), lại thêm một vị đại khoa năm Giáp Tí (1384), tất cả đều thuộc hàng nhất nhị phẩm của triều đình, Nguyễn Mộng Hoa vừa rót trà mời khách vừa mỉm cười nói:

- Mấy khi được các bậc đại khoa cùng lúc đến thăm một kẻ hàn sĩ như Hoa này. Chẳng hay các đại huynh có điều gì dạy bảo đây.

Hỏi vậy thôi chứ trong bụng Nguyễn Mộng Hoa thừa biết, quí tôn ông đến đây có việc gì rồi.

Bê bát trà nóng trên tay, nhìn màu nước xanh như ngọc, Trần Đình Thâm chợt nghĩ đến tấm lòng băng tuyết của Nguyễn Mộng Hoa. Uống vài ngụm, khẽ đặt bát nước xuống kỷ, nhìn thẳng vào đôi mắt đen lánh của Nguyễn Mộng Hoa, ông hỏi:

- Chắc tiên sinh đã nhận được “Chiếu” của hoàng thượng?

Nguyễn Mộng Hoa gật đầu và quay hỏi lại:

- Chư huynh đều nhận “Chiếu” cả rồi chứ?

- Đã! Mọi người đáp.

- Việc này theo ý chư vị là do Thượng hoàng chủ trương hay do âm mưu của cha con họ Hồ? - Nguyễn Mộng Hoa hỏi tiếp.

Trong đám các quan có trợ giáo Quốc Tử Giám Đoàn Xuân Lôi, là người ít tuổi nhất. Đoàn Xuân Lôi cùng theo học trường Giám với Nguyễn Mộng Hoa, biết rõ phẩm hạnh của bạn ngay từ hồi còn học ở trường. Và biểu hiện cao nhất, là việc ông níu giữ thuyền ngự năm Quí Dậu tại bến Đông Bộ Đầu, sau đó là bỏ cuộc thi đình năm Giáp Tí (1384), mà với tài văn chương, nghị luận, ai cũng bảo khoa ấy nếu Nguyễn Mộng Hoa ứng thí, hẳn phải chiếm đệ nhất giáp đệ nhất danh. Trong thâm tâm, Đoàn Xuân Lôi thường tôn Nguyễn Mộng Hoa luôn ở trên mình một bậc. Vừa nghe chủ nhân hỏi, Đoàn Xuân Lôi nhanh nhảu đáp:

- Cao ý của các quan huynh thế nào đệ chưa rõ. Nhưng cứ theo thiển ý của đệ thì đây là âm mưu của cha con Hồ Quý Ly, chứ thực Thượng hoàng chẳng có chủ kiến gì, chẳng có cao kiến gì đâu.

- Hiển nhiên là vậy rồi. Bảng nhãn Lê Hiến Phủ đáp. Nhưng chủ đích của Hồ Quý Ly qua “Chiếu cầu lời nói thẳng” này y muốn dò hỏi tìm cái gì?

- Chư huynh chẳng thấy dã tâm của cha con họ Hồ sao? - Trần Đình Thâm cao giọng nói - Tới lúc này quyền hành y đã nắm trọn, Thượng hoàng chỉ là một thứ bung xung, để y nhân danh mà sai khiến hoặc trừng trị thiên hạ. Nhưng y còn băn khoăn và lo sợ điều gì nữa?

Trần Đình Thâm đặt câu hỏi rồi bỏ lửng. Các đồng liệt đều chăm chú điều ông sắp nói ra. Một lát sau, ông tiếp:

- Cái mà cha con Hồ Quí Ly còn băn khoăn, lo sợ lúc này chính là giới sĩ phu Bắc Hà. Vì sao y sợ giới sĩ phu? Là bởi lời từ miệng kẻ sĩ nói ra thường hợp lòng người. Mà đã hợp lòng người thì một truyền mười, mười truyền trăm vạn như một làn sóng ngầm, không thể nói là không gây nguy họa. Ít lâu nay, thơ văn của họ, lời nói của họ có ý ngầm tố giác âm mưu soán đoạt của cha con y ở khắp mọi nơi, không thể nói là y không biết.

- Biết sao y không diệt? Lê Hiến Phủ hỏi.

Đào Sư Tích đỡ lời:

- Diệt là hạ sách, mà hậu quả của nó chưa biết sẽ ra sao. Có thể đấy lại là cái cớ cho giới sĩ phu phát hịch cưú vong. Hồ Quý Ly là một con cáo đã thành tinh. Hồ Hán Thương là một con chó sói săn mồi thuần thục, không thể không biết đến điều đó. Vả lại cha con y thừa biết lòng dân Bắc Hà vẫn còn hướng về nhà Trần, căm ghét sự lộng hành của cha con y. Nếu giới sĩ phu lại biểu hiện sự căm giận của dân chúng bằng lời hịch nữa, thử hỏi sự thể sẽ kết cục ra sao, không phải cha con y không tính đến.- Đào Sư Tích hạ giọng, và đưa mắt nhìn các bạn hữu như là một sự khích lệ.

Lê Hiến Phủ tiếp lời ngay:

- Vậy tại sao giới sĩ phu không phát hịch?

- Chưa! Tình thế chưa đến hồi kết cục như vậy.- Trần Đình Thâm nói.- Cái khó là ở chỗ phe phái ở đây không rõ rang. Cha con Hồ Quý Ly chưa lộ mặt. Tất cả mọi việc y điều mượn danh Thượng hoàng để ra tay. Mà Thượng hoàng thì tin cẩn y một cách u mê. Các vị cứ bảo tôi là người trong hoàng tộc, sao không khuyên giải. Khuyên giải sao được khi mà Thượng hoàng nghe Quý Ly xúi giục, đang tâm giết cháu ruột của mình là đương kim hoàng đế tại vị. Vụ giết Hoàng đế Nghiễn tháng chạp năm Mậu Thìn (1388) khiến trăm họ kinh hoàng, thử hỏi còn ai dám can gián ngài nữa. Đến bậc tể thần và là anh em gần gũi như quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, lời nói còn chẳng lọt tai Thượng hoàng, tới lúc hồi hưu còn phải gửi thư nhờ bạn bè can gián:

Kim cổ hưng vong chân khả giám
Chư công hà nhẫn gián thư hy”(2).


Trần Đình Thâm buông tiếng thở dài ngao ngán. Mọi người nhìn ông với vẻ cổ xúy. Ông tiếp:

- Thượng hoàng Trần Nghệ Tông có đức lớn là không tin bất cứ ai trong hoàng thân quốc thích, không tin bất cứ một người tài đức trung thực nào. Ngay con đích của ngài, Thái úy Trang Định vương Ngạc là một người có trí lự, kiến thức dồi dào, có đức cảm hóa lòng người, có tài qui tụ nhân tâm, có thể đặt lên ngôi quân trưởng; chỉ vì không hợp với Quý Ly, y ra vào ton hót gièm pha với Thượng hoàng, nên ngài bỏ không dùng. Nhất là từ khi quan Tư đồ Nguyên Đán hồi hưu, thì Thái úy tỏ ra thối chí. Ông tự bạch: “Ngã thị đương niên khí vật”(3). Và ông đã nghĩ đến cái nhàn của Lão Trang: “Điền viên tảo biện qui lai”(4). Hỏng! Đất nước thế thì hỏng to rồi. Thượng hoàng thuần chọn những người bất tài, hèn kém đặt lên ngôi quân trưởng để làm đẹp lòng Quý Ly. Và để y dễ bề thao túng bộ máy quốc gia.

- Chư huynh! - Lê Hiến Phủ chen lời Trần Đình Thâm.- Những điều Trung thư Thị lang là người trong hoàng tộc nói, tưởng như mỗi lời của ông là mỗi giọt máu rỉ từ tim óc ông ra. Nhưng cái khó của chúng ta là bảo vệ ai đây. Thượng hoàng không cần chúng ta. Ngài vẫn điều hành đất nước, nói cho đúng là Quý ly vẫn điều hành đất nước thông qua ngài. Còn Hoàng thượng ư? Hoàng thượng chỉ là con bù nhìn để ký các chế, cáo và sắc dụ theo ý của Quý Ly.

Trong khi đó thiên tai, bão lụt liền năm, mất mùa mấy vụ liền mà triều đình vẫn nhắm mắt làm ngơ, không tha, không giảm tô thuế, bớt sưu dịch. Dân chết đói đầy đường. Trộm cướp xảy ra giữa ban ngày chức dịch không ngăn cản. Nhiều nơi các quan châu, huyện, phủ còn bao che để chia phần với kẻ cướp. Người dân bị mất của, hại người đi kêu cầu, quan trên không xét. Kêu cầu quá còn bị tống giam nơi ngục thất. Do vậy, dân biết kẻ ác, kẻ có tội cũng không dám tố cáo. Xã hội gì mà người ngay sợ kẻ gian. Người trung thực, có tài thì bị ruồng bỏ, kể bất lương khéo nịnh, khéo bợ đỡ thì được tin dùng, cân nhắc. Đi về bất cứ phương nào, bất cứ nơi nào từ kinh thành tới nơi thôn cùng xóm vắng, đều nghe thấy tiếng hờn oán rủa nguyền của bách tính.- Lê Hiến Phủ càng nói sắc mặt ông càng tái đi. Dường như ông cố ghìm nén bớt đi lòng căm giận, ông ráng nuốt bớt đi sự căm giận vào trong đáy dạ. Dằn từng tiếng, ông tiếp. - Một xã hội như thế, một triều đình như thế mà chúng ta còn ngu tối giữ mãi lòng trung sao? Nguyễn tiên sinh! - Lê Hiến Phủ quay về phía Nguyễn Mộng Hoa nói. - Chúng tôi muốn được nghe cao ý của tiên sinh.

- Thưa chư huynh, - Nguyễn Mộng Hoa lên tiếng. - Chư huynh là những người gắn bó mật thiết với triều đình, phẩm tước triều đình ban, bổng lộc triều đình chi cấp, mà nghe trong giọng nói của chư huynh như có cả tiếng rên xiết của muôn dân, huống hồ kẻ hàn sĩ này đang sống chung lẫn với họ. Song đây mới là chuyện xót đau trong nội tình Đại Việt ta, chứ chuyện ngoài biên ải còn đáng lo ngại hơn nhiều. Người Minh dòm ngó dữ lắm. Cách đây ít lâu tôi có lên thăm một người bạn trên Lạng Châu, thấy lính tráng bê tha nơi chợ búa, mua bán, cướp bóc như một lũ ăn mày, lũ cướp chẳng còn biết giữ thể diện quốc gia gì hết. Hỏi mọi người, họ bảo khẩu phần của lính, bị cấp trên ăn chặn, lại phải làm việc cật lực cho gia đình các quan binh. Vì vậy, hở ra lúc nào là họ lẻn trốn ra chợ, ra phố để kiếm thêm miếng ăn, miếng uống. Xin được thì xin, không xin được thì cướp. Dùng một đội quân như thế để trấn giữ biên thùy, thì làm sao mà bảo toàn được cương vực. Tình thế cấp bách lắm rồi! - Nguyễn Mộng Hoa nói như là một sự thúc giục. - Nếu bên ngoài quân nhà Minh không xâm lấn, thì bên trong thế nào cũng xảy ra nội loạn. Vậy thời theo thiển nghĩ của kẻ học trò, tương kế tựu kế, nhân dịp này ta nói toạc âm mưu soán đoạt của Hồ Quý Ly, và các tội ác của cha con ông. Sự vạch tội ấy, nếu lẻ tẻ ở một vài người, ắt bị trả thù. Nhưng tất cả mọi người đều nói, thì y không dám ra tay. Nếu ta bảo nhau làm được điều đó, thì không những chặn đứng được âm mưu của Quý Ly, mà còn cảnh tỉnh được cả Thượng hoàng. Đó là thiển nghĩ của kẻ bạch diện thư sinh này, còn cao kiến xin nhường các bậc đại khoa, các bậc đại quan.

Nguyễn Mộng Hoa dứt lời, không khí im phăng phắc. Văng vẳng tiếng chim cu gáy từ bụi tre phía sau nhà. Ai đó rít thuốc lào kêu sòng sọc, khói phả xanh mờ khung cửa sổ có vạt nắng dọi vàng hoe. Nắng hanh tháng chạp tươi trong mà sao vẫn giá buốt.

Nhập nội Hành khiển Đào Sư Tích nhấp thêm một hụm nước rồi thong thả nối lời:

- Có nhẽ tiên sinh Nguyễn Mộng Hoa nói đúng. Các phe phái hiện còn đang tranh giành chưa ngã ngũ. Chơi nước cờ này, Hồ Quý Ly muốn thăm dò xem ông ta có được lòng giới sĩ phu Bắc Hà không. Bởi ông ta thừa biết, kẻ sĩ ngả về phe nào, phe ấy thắng. Tương kế tựu kế, “Cầu lời nói thẳng”, thì ta nói thẳng, như cao kiến của Nguyễn tiên sinh. Ý các đại nhân thế nào?

- Không chỉ nói thẳng, - Lê Hiến Phủ tiếp, - mà phải nhân cơ hội này vạch tội bè lũ phe cánh họ đã làm cho đất nước rối bời, dân tình điêu háo. Dân thì đói rét, lính như một lũ cướp ngày, quan thì tham nhũng bất lương, đẩy đất nước lâm vào cảnh nhu nhược, yếu hèn. Đến nỗi một giọt nước nhỏ yếu như Champa, trước đây chỉ nghe hai tiếng Đại Việt đã rụng rời. Thế mà nay quan quân của nó ra vào Thăng Long như đi chợ. Nhưng cái họa Champa chưa phải là lớn so với cái họa phương Bắc. Nhà Minh đối với nước ta, tựa như cú dòm nhà bệnh, hễ thấy ta suy yếu là chúng xua binh sang xâm lấn tức thì. Nay nguy cơ ngoại xâm đã rõ mà nội tình cứ xâu xé nhau, tự làm yếu mình đi thì có khác gì sửa soạn để dâng nước cho giặc. Hóa nên thừa cơ cảnh tỉnh cả Thượng hoàng cùng Quý Ly là việc nên lắm.

Các quan ai cũng cho cao ý của Nguyễn Mộng Hoa, Lê Hiến Phủ là phải, không cần bàn thảo gì thêm nữa. Chủ nhân sai đem rượu kim cúc ra đãi khách. Sau một tuần rượu, các quan đều cáo lui.


Độ nửa tuần trăng sau khi gởi chiếu “Cầu lời nói thẳng”, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông đã tới tấp nhận được hàng trăm các sớ, tấu của quan lại và giới sĩ phu gởi về triều.

Nghệ Tông đã già, từ gần chục năm nay đầu óc của ngài chỉ tập trung vào có hai việc. Một là trước tác tập “Đế châm”. Ở đây ngài ban những lời dạy ngọt ngào. Theo như lời dẫn nhập của ngài: “Hễ ai ở ngôi quân trưởng mà toa rập đúng lời răn này, tự khắc trở thành bậc minh vương, thánh đế. Ví như: “Thưởng phạt phải công minh. Không nghe lời dèm pha. Phải lo cho dân đủ ăn đủ mặc. Để dân đói, rét, dân ắt làm loạn. Binh là việc quan yếu. Lơ là việc binh, nước địch ắt dòm ngó. Vân vân...”.

Hai là ngài đang trứ tác một tập thơ mang tính giáo huấn có tựa đề “Bảo hòa di bút”. Theo ngài, nếu con cháu sau này nghiêm chỉnh tuân theo lời huấn hỗ của ngài, thì chỉ nội hai tập sách ấy, đủ bảo đảm cho ngôi báu họ Trần được muôn năm trường trị.

Bởi hai lẽ trên, nên các sớ tấu hưởng ứng chiếu “Cầu lời nói thẳng” do chính ngài ban ra (nói cho đúng là do Lê Thái sư tức Thái sư Hồ Quý Ly thảo cho ngài ký), nay tới kỳ hồi âm, thì ngài lại không thèm ngự lãm. Tức là ngài không đọc. Thật ra ngài có đọc vài ba bản, bản nào cũng chỉ nói đến đất nước rối ren, Quý Ly thao túng. Theo ngài, đây là lời lẽ của bọn cuồng chữ, bới lông tìm vết, chứ đất nước do ngài trị vì bốn phương vẫn âu ca thái bình. Bọn giặc cỏ Champa hỗn hào xâm lấn, ta sai viên tướng trẻ Trần Khát Chân chỉ một trận ra tay là đã chém đầu vua nước nó. Đất nước thanh bình, thế mà lũ nhát gan cứ lo hão về cái họa phương Bắc. Bọn cuồng ngôn loạn ngữ này còn vu cho thái sư đủ thứ âm mưu. Chúng biết đâu mọi trọng trách đều do ta ủy thác cho thái sư điều hành.

Nghĩ vậy, Nghệ Tông sai đem tất cả sớ, tấu, biểu hồi âm “Cầu lời nói thẳng” sang phủ Thái sư. Cho tùy nghi xử lý.

Quý Ly đóng cửa thư phòng cấm không cho ai vào ra, không được phép tâu báo để ông chuyên đọc những tấu biểu hồi âm kia trong ba ngày.

Xem tờ công văn khám hợp thấy phát đi bao nhiêu, thư về bấy nhiêu. Ông tự nhủ, thế là giới quan lại, giới sĩ phu đã biết trọng cái uy của ta. Chắc họ sẽ có nhiều điều tâm đắc với việc ta làm.

Vẻ khoan khoái, ông sai tên trà nô hãm một bình trà thơm. Vừa hít hà mùi thơm thanh khiết của hương sen, ông vừa nghĩ tới vẻ huy hoàng trong giấc mơ bình thiên hạ, mà ông hằng ấp ủ từ thời tráng niên, khi được Nghệ hoàng gọi vào triều ban cho chức quan nhỏ vào hàng ngũ phẩm. Thật ra việc ông được gọi vào triều cũng là nhờ có hai bà cô ruột vào làm phi của thượng hoàng Minh Tông. Hai bà đó, một bà sinh ra Duệ Tông, một bà sinh ra Nghệ Tông. Về quan hệ họ tộc, ông là anh em con cô con cậu ruột với Nghệ Tông. Ông đang ôn nhớ lại những chuyện xưa thì có tiếng con sơn tước đang cao giọng hót. Tiếp đó là con bạch yến, con hồng yến song ca. Đâu đó con cu gáy có giọng thổ đồng ném ra một tiếng gáy với lèo ba. Tiếng chim gáy cận kề, mà sao nghe các âm hưởng nó len lách tới xa xăm. Cứ nghe giọng chim cu gáy, ông lại có cái cảm giác thanh bình. Ông nghiệm ra rằng cái lũ chim cảnh nuôi nhốt lồng kia, dường như nó biết tâm trạng ông. Cứ lúc nào ông vui thì chúng hót, và lúc nào ông buồn, chúng lại im re. Và hễ có một con cất tiếng hót, thì lần lượt các con kia sẽ hót theo. Ông đang nghĩ về “con mi”. Một con chim già rừng, tiếng hót vang như tiếng chuông ngân, có nhẽ nó sắp lên tiếng rồi đây.

Đúng vậy, con họa mi đã lên tiếng. Một mình nó làm cả một dàn đồng ca. Giọng nó trong trẻo, thánh thót mà âm vang. Giọng nó át tất cả các giọng hót khác. Vì vậy, khi con mi đã lên tiếng hót thì các con khác im bặt. Nghe con mi hót, lòng ông như bồi hồi xốn xang, như có sự thôi thúc. Uống xong ly trà nóng, nghe tiếng chim hót vui tai, thái sư tỏ vẻ hài lòng, ông với tay cầm lấy một bản tấu đọc. Ông không còn tin ở mắt mình nữa. Hồ Quý Ly phải đọc to thành lời:

“Thánh triều ta từ khi được Thái sư Hồ Quý Ly giúp rập. Đất nước trở nên thanh bình, thịnh vượng. Phía Bắc được nhà Minh trọng thị, phía Nam nhà nước Champa phải thần phục, triều cống. Giặc giã, trộm cướp tự tan. Dân lành no ấm. Tưởng thời Nghiêu, Thuấn cũng không thể hơn được”.

Đọc xong, Hồ Quý Ly lật trang sau xem tên tuổi người viết. Với vẻ bực dọc, ông phê vào góc tờ sớ: “Thật là một kẻ nhân cách bỉ lậu”.

Với kẻ khác thì lối nói này là lối nói xỏ xiên. Bởi đất nước đang rối bời. Bốn phương, phương nào cũng có giặc giã, trộm cướp. Dân tình đói khổ, ta oán. Phía bắc, nhà Minh rập rình thôn tính. Phía nam, Champa liền năm quấy phá, nhiều phen ra vào tàn phá Thăng Long. Ấy vậy mà y lại nói: “Đất nước thanh bình, thịnh vượng, Champa triều cống. Tưởng thời Nghiêu, Thuấn cũng không hơn được...”. Thế nhưng với viên Đông các điện Đại học sĩ này thì văn chương cũng như nhân cách của hắn ta, chỉ chuyên dùng vào việc xu nịnh, những mong vinh thân phì gia.

Quý Ly ném tờ biểu vừa đọc xuống mặt kỷ. Ông đọc bản tiếp theo.

“... Nhà Trần ta khởi nghiệp nhờ một tay Thái sư Trần Thủ Độ gây dựng. Ba lần đánh thắng giặc Mông - Thát là một đệ nhất chiến công trong hoàn vũ. Nay vận mệnh nước nhà đang hồi chao đảo. Giặc Champa hỗn hào xâm phạm. May nhờ có Hành hải Tây đô Nguyên súy Thái sư Hồ Quý Ly, chỉ một lần ra tay đã quét sạch quân xâm lược Champa, chặt đầu vua nước nó là Chế Bồng Nga. Đất nước trở lại thanh bình, bốn phương no ấm. Ôi, người tài thì thời nào chẳng có, đời nào cũng có. Nhưng được người anh minh lỗi lạc như Thái sư ta thì hiếm lắm. Đến như Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành, Trần Thủ Độ cũng không thể bén gót ngài...”.

Lại tên chó má nào đây! Hồ Quý Ly buột miệng nói. Nó ca ngợi ta hơn cả đức vua. Nó coi người đẻ ra triều đại này không bén gót ta. Thật là đồ chó ngựa. Không, chúng đâu bằng được chó ngựa. Chó ngựa là các vật nuôi hết mực trung thành với chủ. Bọn này đang ăn lộc vua, mà coi ta hơn vua, thì phải xếp chúng vào hàng cầm thú nào đây.

Thái sư chán nản đọc thông tới hai chục tờ sớ, thuần một giọng nịnh hót không tiếc lời. Hồ Quý Ly chợt nghĩ: “Từ trước ta vẫn gờm đám sĩ phu Bắc Hà. Tưởng bọn họ thế nào chứ, như vầy thì chỉ là một phường giá áo túi cơm thôi. Ta sẽ sai khiến chúng cũng như trừ bỏ chúng, bất quá không hơn mấy tên “quan trung khách” (5).

Suy nghĩ giây lâu ông lại đọc tiếp: “...Kiến thức một gang mà dám chê bai Khổng Tử. Lại ngờ ba việc: - Khổng Tử ra mắt nàng Nam Tử - Khổng Tử hết lương ở nước Trần - Khổng Tử muốn đến khi Công Sơn Phất bật gọi... Đây chỉ là những việc vụn vặt trong cuộc đời hành xử của thánh nhân, chỉ những kẻ tiểu nhân mới moi tìm bắt bẻ; người trí giả, người quân tử chỉ xét người, xét việc bằng đại đạo. Còn như sách “Minh Đạo” kia do Quý Ly soạn, thì nó không phải là “con đường sáng” đâu. Nó chính là “con đường tối” đó. Thương thay!”.

Hồ Quý Ly đọc mà cảm thấy toàn thân có kim châm, lửa đốt. Chỉ còn thiếu nước thét lên và rút kiếm ra khỏi bao.

“Tên vô lại nào mà dám ngông cuồng, chê bai, bắt bẻ, sỉ nhục ta”. Ông vừa chửi rủa vừa xem tên tuổi ở phía sau - Đó là Trợ giáo Quốc Tử Giám Tư nghiệp Đoàn Xuân Lôi. “Để rồi xem gươm của ta có chém nát được gan tên cuồng ngôn này không” - Hồ Quý Ly thầm đe. Và ông ghi vào góc tờ biểu: “Trảm”.

Ông giằn lòng đọc tiếp: “... Nhà vua bỏ ra hàng chục năm soạn thảo cuốn “Đế châm”. Biết bao gương sáng, bao sự nghiệp huy hoàng của bao triều đại được kết đúc lại thành lời châm, để răn dạy các bậc vua nối. Thế nhưng hàng chục năm qua, nhà vua đã để cho việc triều chính rối nát. Xa người thân, gần người sơ. Bỏ hiền tài, dùng gian nịnh. Chính lệnh phiền hà. Sưu cao thuế nặng. Lòng dân hờn oán. Giặc ngoài xâm lấn. Thế nước yếu suy... Nhà vua chỉ cần làm đúng như những lời răn bỏ mà ngài viết trong sách, lập tức nước nguy hóa an; nước nghèo hóa giàu; người hiền tài ở chức, kẻ bất tài xu nịnh đều không có đất nương thân... Ô hô! Ai tai!”.

“Lại tên phản nghịch nào đây. To gan thật, chúng dám đụng đến cả Thượng hoàng”.

Thì ra người viết những lời trên không ai khác, mà là Hữu ty Lang trung Hành khiển Nhập nội Trạng nguyên Đào Sư Tích. “To gan!” Hồ Quý Ly phê chữ son vào góc tờ biểu của Sư Tích.

Và nữa, tờ biểu khác: “Quý Ly xiểm nịnh lừa dối Thượng hoàng làm nhiều điều xằng bậy. Công thì cướp lấy, tội đổ cho người khác. Trận thua ở thành Chà Bàn năm Đinh Tỵ (1377) nướng hết 12 vạn quân, vua Duệ Tông tử trận, thái tử Vương Húc bị giặc bắt cầm tù, đều do Quý Ly đốc quân tải lương tới trễ. Quân vừa tiến vừa chờ lương nên Chiêm Thành có đủ thời cơ phòng bị. Khi vua bị tử nạn, Quý Ly ở hậu quân không lo tiếp hỗ mà thừa cơ trốn chạy, tót về kinh sư, bèn đổ tội cho Đỗ Tử Bình, Đỗ Tử Bình bị đóng cũi đem về triều trị tội, còn Quý Ly thăng “Hành hải tây đô nguyên súy”...

            “Thâm tai Quý Ly!
            “Thâm tai Quý Ly!”.

Không chịu nổi kẻ dám hỗn xược vạch đúng âm mưu và tội trạng, Quý Ly ném tờ biểu xuống đất. Ông đã toan xé nát nó ra, đốt bỏ nó đi. Nhưng như thế lại không biết kẻ kia là ai. Quý Ly bèn nhặt tập biểu đọc mặt sau thấy dòng lạc khoản đầy kiêu mạn:

“Kẻ hủ nho nơi thôn dã: Nguyễn Mộng Hoa”.

Thằng này gan cóc tía! Chính y đã giữ thuyền ngự không cho vua bỏ kinh thành chạy giặc.

Nén lòng, Quý Ly đọc hết sớ biểu hồi âm đó, ông lạnh toát sống lưng, bởi những kẻ dám dùng lời nói thẳng vạch mặt chỉ tên ông không chỉ có Nguyễn Mộng Hoa, Đào Sư Tích, Đoàn Xuân Lôi mà là hằng trăm, hàng trăm người.

Vậy là kẻ xun xoe nịnh hót ông cũng có. Nhưng kẻ ngang nhiên dám vạch tội ông, dám chống lại ông còn nhiều gấp bội. Chính cái số đông sĩ phu còn trung thành với nhà Trần này khiến ông lo lắng. Lo lắng tới bối rối, Quý Ly sai gọi Hồ Nguyên Trừng, Hồ Hán Thương tới hội kiến.

Hồ Quý Ly cho các con biết rõ về thái độ gay gắt của giới sĩ phu Bắc Hà, qua chiếu “Cầu lời nói thẳng”.

Đột nhiên ông hỏi Hán Thương:

- Ta muốn biết ý con khu xử việc này ra sao?

Hán Thương giao du rộng, kiến thức hơn đời, thường có những đối sách khôn ngoan, được Quý Ly khen là người trí. Nghe cha thông đạt, Hán Thương đón biết ý cha, nhưng không dám nói thẳng. Chàng đưa mắt nhìn anh như muốn mời Hồ Nguyên Trừng nói trước, song chàng bắt gặp ánh mắt nghiêm lạnh của cha, đành phải khai khẩu:

- Thưa cha! Đám sĩ phu Bắc Hà ngạo mạn, tội đáng xử giảo. Ngặt vì biên thùy phía Bắc, nhà Minh đang rậm rịch động binh. Nếu ở Thăng Long, ta ra tay động thủ đám sĩ phu, sợ rằng đây sẽ là cái cớ cho giới nho lâm nổi dậy. Và rồi trên biên ải, giặc Minh sẽ ào ạt tràn vào. Thế là cùng một lúc, cả thù trong lẫn giặc ngoài đều chống lại cha, sự thể sẽ trở nên muôn khó.

- Ý con như vầy, có nghĩa rằng coi như cha chưa biết đám triều thần nói gì, đám sĩ phu nói gì. Cũng coi như không có việc nhà vua xuống chiếu “Cầu lời nói thẳng”.

- Dạ thưa cha, - Hồ Hán Thương cung kính. - Ý con là cần phải có sự răn đe để bọn họ bớt ngông cuồng. Dạ thưa cha, nên huyền chức, nên lưu đầy cận châu, viễn châu một số người, nhưng sẽ viện ra những cớ khác, những tội danh khác. Còn bề ngoài, cha vẫn cứ nên lấy danh nghĩa Thượng hoàng ban chiếu khen ngợi họ, úy lạo họ; để trên danh chính ngôn thuận không kẻ nào dám mở mồm nói rằng: “Triều đình cầu lời nói thẳng, lại trị tội người dâng lời nói thẳng”.

- Hay! Hay lắm! Quả con không phụ lòng cha. Vẻ hài lòng, Hồ Quý Ly trao trọn số biểu chương, sớ tấu hồi âm cho Hồ Hán Thương, ông nói tiếp, giọng thong thả rành rõ từng lời một. - Cha cho con toàn quyền xử trị lũ cuồng ngôn loạn ngữ này. Song chớ có làm điều gì khiến bọn chúng vin vào đó mà khích động đám nông phu nổi loạn.

Chợt ông quay hỏi Hồ Nguyên Trừng:

- Việc này cha và Hán Thương quyết như vậy, chẳng hay ý con thế nào?

Nghe cha hỏi, Nguyên Trừng giật thột. Chàng đang mãi nghĩ về chế tác một loại vũ khí sao cho hữu hiệu, để bảo vệ xã tắc, như trọng trách cha chàng đã trao cho từ mấy tháng trước đây. Và bữa nay, cha cho gọi, hẳn là thân phụ muốn biết công việc chàng làm đã đến đâu. Nghĩ vậy, Hồ Nguyên Trừng bèn hăm hở nói:

- Thưa cha, cái loại khí giới mà con sắp chế tác đây, nếu thành tựu thì công dụng của nó, con chắc còn lớn hơn cả chiếc nỏ thần của Thục An Dương vương.

Hồ Quý Ly không những không trách phát người con cả, không để tâm tới việc ông và Hán Thương đang bàn. Trái lại, ông vồ lấy ý tưởng của Hồ Nguyên Trừng. Bởi vì có loại võ khí lợi hại đó, mới có thể giúp ông đứng vững. Giúp ông đối phó với thù trong giặc ngoài.

- Vậy chớ Nguyên Trừng, con có thể dẫn cha về nơi con bắt đầu công việc, để tận mắt cha thấy được là bùa hộ mệnh của non sông xã tắc được chớ.

- Dạ thưa cha!

Khắp kinh thành người ta đồn ầm lên rằng, giới sĩ phu đã thẳng thắn vạch mặt Hồ Quý Ly qua chiếu “Cầu lời nói thẳng”. Và người ta còn nói rõ hơn, Hồ Quý Ly sẽ trị tội những ai, những ai....

Lời đồn đại đã đánh trúng vào những đối sách của cha con Hồ Quý Ly, nên Hồ Hán Thương rất lúng túng trong việc trị tội đám triều quan và sĩ phu, dám cao ngạo, dám cáo giác âm mưu và tội lỗi của cha con chàng.

Để tỏ rằng triều đình không phải lũ tiểu nhân, Hồ Hán Thương đã thảo chiếu ủy lạo, nhân danh Thượng hoàng Trần Nghệ Tông. Đại khái: “... Các khanh cũng như các bậc sĩ phu trong nước, thật xứng là tôi trung của trẫm. Nhất là những lời tâm huyết và kế sách của các bậc quốc sĩ, trẫm sẽ lưu tâm xem xét, ngõ hầu chấn chỉnh nền chính trị quốc gia, đặng mau chóng làm cho dân giàu nước mạnh. Các khanh cùng các bậc quốc sĩ hãy ráng hết sức mình phụng sự non sông xã tắc, đừng để phụ lòng trẫm...”.

Bẵng đi độ một hai tháng sau, khi không ai còn bàn thảo gì về chuyện “cầu lời nói thẳng” nữa, thì một số người gai góc trong triều quan, trong giới sĩ phu mới lần lượt bị biếm, truất hoặc lưu đầy.

Thoạt tiên là một người trong hoàng tộc, Thám hoa lang, Trung thư thị lang, Tri thẩm hình viện sự Trần Đình Thâm, bị biếm từ hàng tam phẩm xuống hàng bát phẩm, và bị đầy đi viễn châu với tội trạng: “Tiết lậu cơ mật”.

Người thứ hai là Hữu Ty lang trung, Hành khiển Nhập nội, Trạng nguyên Đào Sư Tích, với tội trạng vẻn vẹn cũng chỉ có bốn chữ: “Bất kính quốc vương”. Sư Tích bị biếm từ hàng nhị phẩm xuống hàng ngũ phẩm, và bị lưu đầy cận châu, tức bị đưa về trấn Quốc Oai.

Người thứ ba, Trung thư Hoàng môn Thị lang trợ giáo Quốc Tử Giám Đoàn Xuân Lôi.

Người thứ tư, An phủ sứ Hoàng Hối Khanh.

Người thứ năm, Hữu Thị lang Lê Hiến Phủ...

Kể có hàng trăm người bị biếm, bị bãi, bị lưu đầy. Một số người khác không bị bắt, bị biếm, lưu thì suốt ngày đêm, trước nhà đều có bọn lính kín lảng vảng, như lũ cú lũ cáo dòm nom, rình rập.

Không khi ảm đạm đè nặng lên giới sĩ phu, khiến phường phố, thôn ấp vốn đã u uất vì nghèo đói, vì sưu cao thuế nặng, vì quan nha nhũng lạm, nay lại càng thêm căng thẳng, xác xơ. Người ta ngại không dám đi lại chơi bời thăm viếng nhau nữa. Các sĩ phu, các nho sinh thôi không quần tụ bình văn, tập văn nữa. Đến như nhà Giám, trước đây cứ ngày rằm hàng tháng các quan văn tại triều, các bậc văn nhã trong kinh thành đều tề tựu để bình văn, nay thì vắng tanh vắng ngắt. Ngay trường Quốc Tử Giám, từ khi quan Trợ giáo Tế tửu Đoàn Xuân Lôi bị lưu đầy, không khí học hành của các giám sinh cũng trở nên hoang mang, trễ nải.

Điều lạ là mặc dù Hồ Quý Ly đe dọa, biếm, bãi, lưu đầy và bao vây căng thẳng, kể cả mơn trớn, mua chuộc, nhưng không một ai trong số những người có sĩ khí đã công nhiên tố giác thái sư, lại tự ý rút lời hoặc nói điều xu nịnh đối với ông. Chính điều đó làm cha con Hồ Quý Ly vừa trọng nể, vừa căm hận giới sĩ phu Bắc Hà. Tuy nhiên, tới lúc này ngoài việc thanh trừng phe cánh, ông vẫn chưa dám vô cớ giết một bậc quốc sĩ nào.

Khinh ghét thế sự, một số người bỏ kinh thành tìm nơi lâm tuyền ẩn dật. Một số khác tá túc nơi chùa chiền, đạo quán.

Quan Hàn lâm Học sĩ phụng chỉ Hồ Tông Xác, người có biệt tài làm cả trăm bài thơ trên bàn tiệc, nhân tiết nguyên tiêu ở nhà đạo nhân Lê Pháp cũng cáo lão về quê. Tiếp đó là quan Tri Thẩm hình viện sự, Ngự sử Trung tán Trần Đình Thâm, tự tay chọc thủng màng tai để không còn phải nghe bất cứ điều gì từ cái xã hội mà ông cho là thối tha nữa.

Nguyễn Mộng Hoa, người không tiếc lời nói thẳng, vạch trần mọi âm mưu quỉ kể của Hồ Quý Ly những tưởng ông phải là người đầu tiên lên đoạn đầu đài. Thế nhưng Quý Ly vẫn chưa đụng đến. Lại biết Quý Ly đang kiếm cớ trả thù, tỉa rút từng người, thì Nguyễn Mộng Hoa cảm thấy thế nước đang lâm vào nguy họa. Không phải không có người tài để vực thế nước đi lên, mà bởi cha con Hồ Quý Ly đã thao túng được cả bộ máy quốc gia, vào mục đích vụ lợi. Và cha con y đã tạo ra được cơ chế để hủy hoại các tài năng chân chính. Vì vậy, người tài đức tản mác đi khắp bốn phương, xa lìa chính thể.

Nguyễn Mộng Hoa tự biết mình không thể làm được gì hơn nữa. Và tiên sinh cũng quyết không rời bỏ nhà mình, không rời bỏ kinh thành. Tiên sinh bèn lấy một lưỡi dao nhỏ mài mòn tới khi chỉ còn nhỏ bản như một chiếc lá lúa, một đầu bằng, một đầu nhọn hoắt và chỉ dài bằng hai đốt ngón tay.

Sửa xong mũi dao, ông tắm gội sạch sẽ rồi gọi vợ con và các học trò vào dặn:

- Từ nay, ta thôi không dạy các trò nữa. Các trò hãy về tìm thầy khác mà học. - Bất chợt tiên sinh đứng lên vái vợ hai vái. - Mọi việc trong nhà từ nay tôi nhờ nàng cáng đáng giùm. Tôi chưa muốn chết không phải vì tôi sợ chết, mà vì tôi muốn chứng kiến tận mắt ngày cha con Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần; lại muốn chứng kiến cảnh cha con y bị giặc bắt hành hình. - Giọng tiên sinh trở nên ngậm ngùi, lời nói như được tưới đẫm bằng nước mắt. - Từ nay hằng ngày ta chỉ xin được ăn có một bữa vào đúng ngọ, và cũng chỉ ăn có một bát cơm thôi. Các việc từ trong nhà tới ngoài đời ta không dòm ngó tới nữa. Vì thế ta không nói năng gì cả. Nếu nàng và các con ép ta phải nói thì lưỡi dao này sẽ trôi vào họng, tính mệnh ta vì thế sẽ tiêu vong. Vậy nhé!

Vợ con tiên sinh chưa kịp mở lời, thì tiên sinh đã há miệng đón lấy lưỡi dao từ nơi kẽ ngón tay. Ông để đầu nhọn xuôi về phía họng, chỉ cần há mồm ra nói là lưỡi dao trôi xuôi xuống. Ngậm dao xong, ông vào giường buông màn, đầu kê trên chiếc gối mây, tay cầm cuốn “Kinh Xuân Thu” mở đọc từng trang.

Việc này lập tức đến tai Hồ Quý Ly. Bối rối chưa tìm ra đối sách trước phản ứng quyết liệt của giới sĩ phu, Hồ Quý Ly cho triệt bỏ đám lính kín bao vây trước nhà những người nói thẳng.

Học trò Nguyễn Mộng Giao vào bẩm, triều đình đã rút hết bọn lính kín đi rồi. Nhưng tiên sinh không để ý đến. Dường như tiên sinh không thèm để ý đến các việc có liên quan tới tên bạo chúa kia nữa.

Và ngày ngày tiên sinh vẫn đọc sách.

Và ngày ngày lưỡi dao vẫn ngậm chặt trong họng tiên sinh.

Láng Thượng 6/12/98(Áp ngày Đại tuyết)
H.Q.H
(123/05-99)


--------------------------
(1) Luận ngữ: 1 cuốn trong bộ Tứ Thư, tương truyền do học trò Khổng Tử soạn theo các bài thuyết giảng của ông sau khi ông mất.
(2) Việc còn mất xưa nay xem đã rõ
   Các ông sao nỡ ít thư can.
(3) Tôi nay vào hàng vứt đi rồi.
(4) Ruộng vườn sớm liệu trở về thôi.
(5) Đời Trần, nô lệ hầu trong nhà quan, thích ba chữ "Quan trung khách" lên trán. Nô lệ trong cung vua thích ba chữ "Tọa thượng nô" lên trán.






 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Đêm bơ vơ (21/12/2009)
Tản mạn Balzac (17/12/2009)