Trong khi đó giới phê bình văn chương lại bày tỏ sự khinh thị ra mặt đối với việc thẩm giá phê bình bằng cách cáo thị rằng một nền phê bình như vậy chỉ khích lệ dẫn dắt bạn đọc tìm đến những tác phẩm vĩ đại. Hơn cả thế, họ cho rằng giá trị tác phẩm không thể được nối mạch từ sự chấp nhận của giới phê bình đến bạn đọc, vì vậy phải từ bỏ ngay lập tức những giá trị phán đoán.
Lịch sử phát triển nghệ thuật gắn liền với phê bình - đó là cặp nguyên lý song hành với nhau. Tuy vậy, việc lảng tránh một nền phê bình chỉ bao gồm tiểu sử tác giả, miêu tả, và những loại hình thông tin thuần túy chất thể, như một số người chủ trương là hết sức cần thiết. Bởi lẽ có thể đó là một nền phê bình có giá trị và mang tính thực tiễn lớn, nhưng cái chúng ta cần nhất là một nền phê bình mở ra những câu hỏi hệ trọng. Đối với khung thẩm giá phê bình, nếu nó bày tỏ dù chỉ là thấp thoáng cái “thiên bẩm” võ đoán, phi lý, và kết án tác phẩm nghệ thuật thì đó là thú phê bình vô ích, thậm chí tai hại - nó phải bị khước từ.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực lý thuyết và thực hành, nếu trao tặng hoàn toàn hý trường nghệ thuật cho những cây bút, thì họ lại làm giảm giá những tác phẩm. Đại đa số giới phê bình thấy rằng việc thẩm giá, phán đoán, và phê bình chiếm một tầm vóc cực kỳ quan trọng. Họ thiết định những giá trị làm chức năng nền tảng cho nghệ thuật phê bình, diễn giải lý do chính yếu của phán đoán làm nòng cốt cho nền phê bình tồn tại. họ nói rằng, giống như cuốn cataloge không chỉ đơn giản là bệ lấy tất cả những mẫu hình bằng chất dẻo - mà có chọn lọc, nhà phê bình cũng vậy, bằng quá trình thẩm định, anh phải phân biệt và chọn ra những tác phẩm có giá trị giữa hằng hà sa số các tác phẩm. Những đánh giá có được một tầm vóc lớn lao thường liên quan đến những nhà phê bình nghệ thuật nổi tiếng. Ngài Joshua Reynold thỉnh cầu rằng trong cả hai khuynh hướng “sáng tạo” và “thể hiện” người nghệ sĩ phải liên quan đến toàn thể, chứ không phải cái riêng rẽ, bởi lý do đó, ông loan báo một tiêu chuẩn, với tin tưởng rằng nó không chỉ có ý nghĩa với ông mà với toàn thể những ai nhắm đến một thẩm mỹ đúng đắn.
Vào thế kỷ XIX, John Ruskin đã không ngừng chỉ ra thế nào là thứ hội họa tồi, tầm thường, đẹp, xuất sắc, hay kiệt tác, và loan báo rằng những chuẩn mực khép khung “hình phạt” của ông sẽ chẳng bao giờ trồi sụt.
Và đến Roger Fry, mặc dù đã bày tỏ tính cách ít võ đoán hơn Reynold và Ruskin, cũng đã tìm cách khẳng định tính ưu thế của nền văn hoá cổ Hy Lạp so với văn hoá Hy Lạp thời tiền khai, và nghệ thuật của người Ý so với người Flamand.
Mặc dù, cho đến nay, vẫn còn những bất đồng với một vài phán đoán của những nhà phê bình nổi tiếng này - và cũng hiển nhiên rằng sẽ luôn luôn còn những bất đồng - nhưng những khung “hình phạt thuế” của họ vẫn luôn còn giá trị, bởi vì những lý do xây lên chúng mang cả hai diện mạo hàm chứa và minh nhiên.
Cũng vậy, những phân tích của Berenson về giá trị trực giác, vận động, không gian trong tranh của Ý là những lý do chủ đạo trong sự thẩm định của ông. Sự phân tích mang tính diễn giải lĩnh hội của ông không chỉ nhắm tới từng nghệ phẩm, mà chúng nhắm tới việc xây dựng một tiêu chuẩn cốt yếu của nghệ thuật được gọi là “Tôn vinh cuộc sống”.
Nếu những nhà phê bình lảng tránh những phán đoán đặc trưng thì việc thẩm định nghệ thuật vẫn tiềm tàng nằm trong tính phê bình và ham muốn lựa chọn của mỗi người - và vậy là mọi người vẫn cứ tranh luận. Chẳng hạn, thực tế, khi ông Kenneth Clark viết cuốn “Tranh phong cảnh” (Landscape painting) thì tức là ông đã bày tỏ tình yêu của mình với loại hình nghệ thuật này.
CHUẨN MỰC PHÊ BÌNH
Một số nhà phê bình coi việc thiết định những quan niệm về chuẩn mực nền tảng cho sự hoàn hảo, tính hoành tráng và chân lý của nghệ thuật là hết sức cần thiết. Quan niệm về chân lý nghệ thuật thường lấp ló hiện diện như một giá trị KHẢ VẤN trong phê bình nghệ thuật. Gay cấn hơn, sự phân biệt giữa tính hoàn hảo và hoành tráng của nghệ thuật thì luôn bị kẹt giữa những hiểu lầm hay ngộ nhận, thậm chí chối từ lẫn nhau - nhưng sự xung đột đó cũng đem lại nhiều hữu ích. Chẳng hạn, nếu nhà phê bình đứng giữa hai tác phẩm nghệ thuật, “cái hoàn hảo” hơn thường là cái tinh lọc tối đa tất cả những khiếm khuyết thuộc “khuôn viên mỹ học” về hình thức cũng như nội dung, cho dù có thể nó không hẳn đã chứa đựng tính đa phức trong cấu trúc hoặc tính thể hiện trên qui mô lớn. Còn lại, “cái hoành tráng” phải tùy thuộc vào một cấp độ nhất định, sự phong phú của cấu tạo hình thức, chiều sâu và tỉ lệ vĩ mô của nội dung.
Đó là cách giúp mọi người có thể so sánh giữa tranh “hoàn hảo” thuốc nước của Delaeroix với tranh “hoành tráng” sơn dầu của ông; cũng vậy giữa tranh khắc và tranh vẽ của Daumier.
Một số nhà phê bình khác lại coi sở thích dị biệt là một phân biệt chuẩn mực có ích, đó là lời đáp mãnh liệt của trực giác tức thời, sau đó là sự chấp thuận của giác quan: cái sẽ làm nền tảng cho lý tính xem xét cũng như phản tỉnh. Ở đây sự phân biệt cũng có thể được miêu tả nhờ sự đối ảnh giữa những cảm xúc tự phát trong sự trải nghiệm “sở thích” (taste hoặc gout) với những phán đoán mang mầu sắc trí năng và suy ngẫm hơn. Như vậy, theo đó thì vấn đề nan giải thường nổi lên là làm sao một nhà phê bình có thể tự thân phân biệt rõ ràng cái thiên chức nhà nghề của mình với sở thích cá nhân. Rút cục, những nhà phê bình này coi trọng việc trải nghiệm cái hiện tượng “sở thích” những tác phẩm nghệ thuật hơn là ngắm nghía chúng bằng tài năng, và họ cũng không thích những ai quan sát tác phẩm bằng tài năng. Và hiển nhiên, đối với một nhà phê bình thuộc loại này, thì sự đánh giá một tác phẩm mà anh ta chấp thuận sẽ là ủng hộ tối đa đối với tác giả của nó.
Chuẩn mực phê bình là một vấn đề nan giải trong việc thẩm giá nghệ thuật đương thời. Không còn nghi ngờ gì nữa, việc đánh giá nghệ thuật hiện đại là thật cần thiết, nhưng những chính kiến ủng hộ hay phản bác lại xung khắc nhau một cách đầy quyết liệt khiến việc tiệm cận đến một phán đoán khách quan khả dĩ chẳng đạt được bất kỳ tiến triển nào. Luận điểm của phái Tiền phong (Avant guard) trong thế kỷ XX thật om sòm năm bè bảy mối. Sự trục xuất cái trừu tượng khỏi tác phẩm nghệ thuật để khai quang cho nhãn quan khả tri nhắm vào đối tượng đã lôi kéo đông đảo các nhà phê bình lớn tiếng tuyên xưng rằng, chỉ những tác phẩm thuộc dòng suy lý mới đáng được coi là lời mời gọi thống thiết của cái đẹp hoàn hảo phóng khoáng. Những nhà phê bình này không chỉ tán dương giá trị mỹ học của nghệ thuật hiện đại mà còn tôn sùng nó như là “người hùng sáng tạo” vì đã gặt hái được những thành quả trong việc biểu đạt tính đa sắc của nên văn hoá thời thượng đặc biệt là trong lĩnh vực xã hội và khoa học.
Mặc dù các nhà phê bình nghệ thuật đương đại nói chung là đồng tình nhất trí với “biểu thuế” cho nghệ thuật thế kỷ XX, song có những chính kiến bản lĩnh khác đã nổi lên phản kháng. Chẳng hạn, nghệ thuật lập thể đã bị tố giác là nó không những chẳng đẹp mà còn hoàn toàn khuyết hãm một khả năng mang lại khoái cảm cho người thưởng thức. Chưa hết, nó còn bị “vạch áo” rằng, mặc dù hình thức nghệ thuật của nó là chắc chắn, song nghệ thuật phi khách quan không thể coi như một nghệ thuật toàn diện, bởi vì sự chắc chắn cục mịch của nó không thể chứa đựng mối tương quan với thế giới vẫn hằng tồn trong kinh nghiệm thị giác. Một ý kiến trái ngược thì lại cho rằng những bức tranh trừu tượng bậc nhất chỉ là thứ trang trí.
Tóm lại, ai đó có thể nói, anh ta tìm thấy ở nền phê bình hiện đại một cách thức sống động tột đỉnh của một nền nghệ thuật đổi mới cấp tiến nhất nhằm phản kháng lại cái cũ. Nhưng trong thực tế, những nhà phê bình đã tự mình lựa chọn vị trí bên này hay bên kia và trở nên giới tuyến khua múa bút chiến lẫn nhau. Tuy vậy, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng, những nhà phê bình thế hệ sau sẽ tìm đến một phán đoán cân bằng hơn cho nghệ thuật hiện đại, vào lúc mà cơn sốt của phong trào Tiền phong nguội lạnh để nhường chỗ cho tâm khí bình thản của phê bình “truyền thống” tái chiến lại khung thẩm giá của mình.
GIẢI NGHĨA PHÊ BÌNH
Ở bất kỳ cấp độ nào, cái quan trọng mà nhà phê bình cần đạt được để đưa ra phán xét là anh ta phải nhận biết giá trị của một chức năng phê bình lớn hơn cái anh ta nhắm tới phê bình, chức năng đó gọi là “lý giải” (interpretive). Cho dù từ lý giải có thể ị các nhà phê bình khác thay thế bằng từ “miêu tả” (description) hay từ “diễn giải” (elucidation), thì hầu hết các nhà phê bình đều đồng ý nhau về cái chính yếu nhất của công việc phê bình là: miêu tả, giải thích và lý giải. Meyer Schapiro và D.C.Rich là những người đưa ra hình mẫu phê bình sáng giá mang tính phân tích đầy lý giải, nhạy cảm và trí tưởng tượng.
Mỗi trường phái, thể loại và cách thức phê bình nghệ thuật nhắm đến những cách đánh giá và lý giải khác nhau. Nhưng dù ở cách thức nào đi nữa, chúng ta cần nắm được hai ý tưởng nền tảng sau:
- Thứ nhất: Một nhà phê bình nghệ thuật xuất sắc cần biết kết hợp những cách tiếp cận cũng như những phương pháp khác nung và bởi vậy anh cần phải tránh cái mà nhà triết học Dewey gọi là “sự giản lược sai lầm” của phê bình. Để loại trừ sự quyến rũ thiên vị vào đó, nhà phê bình phải biết chấp nhận một cái nhìn đa chiều cạnh - và điều đó khiến anh được tự do lựa chọn phương pháp của mình. Cái anh lựa chọn sẽ đáp ứng bao quát hơn cả qui mô thể loại nghệ thuật mà anh xem xét.
- Thứ hai: Cần có được những điểm mốc chính yếu thuộc phẩm chất phê bình mà nhà phê bình đem vào bài luận của mình. Nói cách khác, phương pháp không thể thay thế nổi sự cần mẫn của trí năng cũng như khả năng nhạy cảm của óc phán đoán.
Phê bình của phái Ấn tượng (Impressionist Criticism)
Những nhà phê bình phái Ấn tượng nói chung là thể hiện cách nhìn chủ quan trong phê bình, do vậy trên bình diện xã hội, nó bị coi là thứ phê bình kém cỏi, bởi chỉ phản ánh lối thưởng thức của riêng cá nhân - và điều đó đã san lấp cái khoảng cách “cách vật trí tri” vẫn từng là nền tảng của công việc phê bình. Những nhà phê bình phái Ấn tượng đạt đến thời kỳ vàng son của mình vào thế kỷ XIX ở nước Anh. Lúc đó, chủ trương “nghệ thuật vị nghệ thuật” của Walter Pater được thể hiện đến tột cùng trong cảm nghĩ chủ quan về tác phẩm nghệ thuật và Ruskin thì cho rằng cái chính yếu của công việc phê bình là phải vừa mang nét sắc sảo vừa mang tính thuyết phục để khích dậy cảm kích mãnh liệt trong bạn đọc. Vào thế kỷ XX, chỉ còn lại vài nhà phê bình xuất sắc khơi lại trường phái Ấn tượng, như Elie Faure và Frank Jewett Mather đã xem xét hội họa Ý như một mẫu hình rõ rệt nhất về tính chủ quan trong sáng tạo. Một tác phẩm nghệ thuật còn tồn tại khi còn được thưởng thức, và cách tốt nhất mà những nhà phê bình phái Ấn tượng có thể làm là khích dậy sự đánh giá về tác phẩm nghệ thuật trong chính mình bằng cách tự mê hoặc mình trong tâm cảm nhiệt thành về tác phẩm đó. Bởi vậy, phê bình phái Ấn tượng bao giờ cũng chỉ là việc thông điệp sự đam mê chứ không phải là cách phê bình tìm tòi để phân thân khỏi sự trải nghiệm thuần túy một chiều của tác phẩm mong xem xét và phán đoán.
Phê bình bối cảnh (Contextual Criticism)
Một thể loại khác trong phê bình được gọi là phê bình lịch sử, hay là bối cảnh. Không giống cách phê bình của phái Ấn tượng chỉ chú mục vào tính chủ quan của cá nhân, phê bình bối cảnh lý giải một tác phẩm nghệ thuật bằng cái xem xét từ điều kiện xuất thân đến điều kiện xã hội và những dữ kiện khác. Giá trị của thể loại phê bình này là mở ra tranh luận. Những nhà phê bình (như Taine và Anold Hauser) đã tìm ra mối liên hệ gắn bó giữa loại hình nghệ thuật và điều kiện văn hoá trong đó người nghệ sĩ sống và sáng tạo - điều đó phản ánh tầm quan trọng đặc thù khi xem xét yếu tố lịch sử trong phê bình. Song điều này lại bị một số người khác phản đối, họ cho rằng qui loại hình cho tác phẩm nghệ thuật là cách lỗi thời trong cả lý giải cũng như đánh giá nó. Cả hai quan điểm đều rơi vào xu hướng thái quá - song lại giúp ích cho chúng ta xem xét vấn đề. Chẳng hạn, các cách xem xét phê bình về tâm lý, văn hoá hay xã hội trong thực tế luôn luôn bị rơi vào hoàn cảnh lỗi thời đi chăng nữa, nhưng dầu vậy vẫn có thể được sử dụng một cách hữu ích để đánh giá các tác phẩm nghệ thuật, nếu biết vận dụng chúng một cách cẩn trọng và sáng suốt. Ngay cả khi, một xem xét phê bình dựa trên bối cảnh có bị những nhà phê bình đối lập phản đối chăng nữa - thì nó vẫn có thể hữu ích cho cuộc kiến giải và đánh giá tác phẩm.
Erwin Panofsky với cuốn “Nghiên cứu hình tượng” và cuốn phân tích các Titian “Ngụ ngôn về Thượng Đế” đã là nguồn tài liệu đáng kể để hình dung về những tác phẩm nghệ thuật. Panofsky nhấn mạnh đến việc lý giải kỹ sảo và thị hiếu của những tác phẩm cổ giúp cho việc xem xét chất liệu lịch sử trong phê bình. Kenneth Clark thì quan sát “những điểm nút của thông tin” nhằm không chỉ nâng cao sự hiểu biết về tác phẩm nghệ thuật mà còn đưa ra những ý nghĩa quan trọng nhằm trải nghiệm tốt hơn yếu tố lịch sử trong tác phẩm.
Phê bình hình thức (Formal Criticism)
Phê bình hình thức đã có từ lâu, và bây giờ nó tương tự với cách phê bình mới trong văn chương. Đó là cách tập trung cao độ xem xét cấu trúc về hình thái của một tác phẩm nghệ thuật. Nhà phê bình quan tâm đến việc xem xét tương quan từng phần những thành tố khác nhau tạo nên tác phẩm trong cấu trúc toàn thể. Bởi vậy, cái mà anh coi trọng hơn tất cả là xem xét hình thức của sự qui tụ những giá trị mỹ học trong tác phẩm của mình. Sự xuất hiện của phê bình hình thức có thể đã phản ánh sự bài bác của nó chống lại lối phê bình cảm tính của các nhà phê bình ấn tượng, và bảy tỏ sự coi trọng yếu tố hoàn cảnh của phái phê bình Bối cảnh. Heinrich Wolfflin và Roger Fry cả hai đều đề cao lối phân tích hình thức, tuy nhiên họ lại không viết một tác phẩm phê bình cỡ lớn nào, bởi lẽ, họ nhận thức rằng chỉ hướng vào phê bình hình thức thuần túy là bị bó hẹp. Wolfflin thú nhận rằng nghệ thuật không thể bị tách rời khỏi hoàn cảnh lịch sử toàn thể, dẫu vậy, ông tin rằng phê bình hình thức chỉ là một đường viền cho tác phẩm nghệ thuật, bởi vậy nếu chỉ hướng phê bình vào chủ nghĩa hình thức thuần túy thì sẽ làm lệch lạc giá trị của tác phẩm.
Kết luận: Quan điểm của nhà phê bình cũng như nghệ sĩ về giá trị của nghệ thuật phê bình là rất khác nhau. Có người thì lớn tiếng chê bai phê bình, người thì đề cao phê bình, số khác thì chẳng chê bai cũng chẳng khen.
Một số người cho rằng, phê bình là ngành bổ trợ thiết yếu cho nghệ thuật, không có nó nghệ thuật sẽ không được hiểu biết dù chỉ ở mức độ tối thiểu. Nhiều hơn cả thế, không ít người còn cho rằng phê bình chiếm giữ vị trí quan trọng nhất trong xã hội - bởi nó gìn giữ những phẩm chất để một xã hội tích tụ tinh hoa chắc chắn cho sự tăng trưởng văn hoá của mình; và nhà phê bình là người đem đến cho nền văn minh những lời khen tặng về những tác phẩm nghệ thuật. Nhiều người thì lại cho rằng, việc đề cao chức năng của nền phê bình một cách thái quá như vậy làm xuất hiện xu hướng tảng lờ đi những giá trị đích thực của nghệ thuật. Và như vẫn thường xảy ra, những nghệ sĩ đặc biệt là không tin tưởng các nhà phê bình và đánh giá thấp tầm quan trọng của họ. Vì thế nên có một quan điểm cân bằng hơn là, những cái nhìn của phê bình nhằm thẩm giá một tác phẩm thường chỉ ra sự hiểu biết cũng như kinh nghiệm thưởng thức một tác phẩm. Vậy thì, không phải nền phê bình tính điểm chung kết cho tác phẩm, mà nó chỉ làm tăng trưởng nhận thức - một khả năng có thể phân biệt sắc sảo, hay là cách đào luyện tri giác về tác phẩm. Sau nữa, nó mang chức năng phục vụ đắc lực cho việc nhìn nhận cũng như phủ nhận giá trị một tác phẩm. Mathew Arnold nói: “Một nền phê bình nghệ thuật cao cả là kéo giá trị của tác phẩm ra ngoài để cho nhân loại quyết định”.
NGUYỄN HOÀNG ĐỨC dịch (122/04-99)
|