Tạp chí Sông Hương - Số 122 (tháng 4)
Đi tìm nguồn gốc chủ nhân văn hóa Cát Tiên chịu ảnh hưởng Ấn Độ giáo
15:25 | 30/12/2009
ĐẶNG VIỆT BÍCHGần đây các nhà khảo cổ học nước ta đã phát hiện ra nhiều di tích quan trọng của một nền văn hóa chịu ảnh hưởng sâu sắc của Ấn Độ giáo tại Cát Tiên, ở cả Bắc Cát Tiên lẫn Nam Cát Tiên trên vùng Đồng Nai Thượng.
Đi tìm nguồn gốc chủ nhân văn hóa Cát Tiên chịu ảnh hưởng Ấn Độ giáo
Di tích Cát Tiên - Ảnh: thethaovanhoa.vn

Như vậy người ta đã tìm ra gạch nối giữa văn hóa Ốc Eo- Ba Thê ở phía Tây Nam (thuộc đồng bằng sông Cửu Long) với nền văn hóa rực rỡ của người Chăm tại duyên hải Trung Bộ, về phương diện địa lý- không gian.

Niên đại của văn hóa Cát Tiên là các thế kỷ VIII- IX- X. Về phương diện thời gian nó là sự nối tiếp của văn hóa Ốc Eo đã tắt trước đó một hai thế kỷ. Văn hóa Cát Tiên tồn tại đồng thời với văn hóa Chămpa tại miền Trung, dù rằng niên đại mở đầu và kết thúc của văn hóa Chămpa dài hơn Cát Tiên. Trần Quốc Vượng cho rằng:

Đó là một thánh địa (Sanctuary) của một tiểu vương quốc Mạ- Xtiêng- Chơro ở lưu vực Đồng Nai” (1)

Ông cũng cho rằng các di tích mới được khai quật ở Cát Tiên vừa chịu ảnh hưởng của văn hóa hậu Ốc Eo- tiền Ăngkor (của Chân Lạp), mặt khác, lại chịu ảnh hưởng của văn hóa Chăm pa giai đoạn Đồng Dương (cuối thế kỷ IX- đầu thế kỷ X).

Điều đáng nói ở đây trong sự suy nghĩ của họ Trần, chính là ở chỗ ông coi chủ nhân văn hóa Cát Tiên có nguồn gốc Mạ, Xtiêng, Chơro là những tộc người thiểu số, hiện còn sinh sống ở khu vực Đồng Nai, Lâm Đồng, có nguồn gốc Môn- Khmer.

Có đúng chủ nhân văn hóa rất phong phú và rực rỡ đó chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Ân, là các tộc người Mạ, Chơro và Xtiêng như Trần Quân quan niệm hay không? Đây là một vấn đề cần bàn luận, cho dù khái niệm Vương quốc Mạ hoặc Vương quốc Chau Mạ (Chiu Mạ) là một cái gì đó có thể hoàn toàn chấp nhận được. Điều đó có nghĩa là, theo ý người viết bài này, Vương quốc Mạ (Vương quốc Chau Mạ) là một cái gì đó có thực, từ vương quốc đó và trong vương quốc đó mà thánh địa Cát Tiên hay văn hóa, văn minh Cát Tiên được tạo lập. Song chủ nhân của vương quốc đó, nghĩa là chủ nhân thánh địa và văn hóa Cát Tiên, có phải là ba tộc người thiểu số Xtiêng, Chơro, và Mạ hiện nay còn hiện diện nơi lưu vực Đồng Nai thì còn phải bàn luận kỹ lưỡng để sáng tỏ vấn đề.

Trần Quốc Vượng nổi tiếng với mô hình văn hóa Champa tại miền Trung do ông đưa ra, gồm 3 phần: Thánh địa (núi, cao nguyên)- Thành (kinh đô)- Cảng (trung tâm buôn bán, thương mại). Điều này ông tỏ ra hoàn toàn có lý. Suốt từ vùng Nam sông Gianh, qua sông Thương, qua vùng Cửa Đại, Thu Bồn, qua Thị Nại (Qui Nhơn) và Phan Rang (Panduranga), người ta đều thấy mô hình mà Trần Quân khái quát tỏ ra có sức thuyết phục. Văn hóa khảo cổ Cát Tiên vừa mới được phát hiện, mô hình ấy vẫn tỏ ra có lý và có sức thuyết phục. Thuyết phục ngay cả ý kiến của ông cho rằng Cát Tiên là nơi thánh địa của một vương quốc cổ, Biên Hòa là thành cổ, kinh đô của vương quốc đó, còn Cần Giờ vốn là hải cảng. Điểm duy nhất cần bàn cãi là chủ nhân văn hóa Cát Tiên. Chia sẻ quan niệm với Trần Quốc Vượng là Phan Xuân Biên. Họ Phan có vẻ dè dặt hơn khi viết rằng:

“... Tuy vậy vẫn chưa thật đầy đủ để chứng minh cho sự tồn tại của vương quốc Mạ trong lịch sử” (2)

Tuy nhiên ông vẫn cho rằng chủ nhân của vương quốc Mạ, nếu có vương quốc đó, là các tộc người Mạ, Chơro, Xtiêng...

Có thể họ là chủ nhân của “Vương quốc Mạ” được nhắc đến trong sử sách, cùng thời với các vương quốc cổ đại trong vùng như Chămpa ở miền Nam và Trung Trung Bộ, Chân Lạp ở phía Tây của xứ Đồng Nai xưa kia sau khi nước Phú Nam sụp đổ. Ngày ấy họ chưa chia ra theo từng cộng đồng như ngày nay (Mạ, Chơro, Stiêng...), mà là một khối cư dân dựa trên nền tảng nông nghiệp rẫy (mir) là chủ yếu, kết hợp với săn bắt, hái lượm. Có thể nhóm người Mạ và người Chơro và một bộ phận của người Stiêng (Stiêng Bù Deh) bây giờ, lúc đó là hạt nhân cơ bản của vương quốc Mạ kéo dài từ vùng trung lưu đến hạ lưu sông Đồng Nai” (4)

Phan Xuân Biên còn cho rằng do áp lực của nhiều luồng di dân trong thời gian từ TK XVII đến TK XIX mà họ (người Mạ, người Stiêng) đã lui dần về vùng núi và thượng lưu sông Đồng Nai, những đất đai vùng đồng bằng cư dân mới đến...

Khi khai quật được các di tích văn hóa theo Hindu giáo (Ấn giáo) tại vùng Cát Tiên có niên đại từ TK VIII tới TK X thì ta thấy sự hiện diện của một vương quốc tại vùng này trong vòng 3 thế kỷ đó là điều hiển nhiên, khỏi cần bàn cãi. Vì một vương quốc mới cần tới một tôn giáo tầm cỡ lớn như Hindu giáo. Trong một số bài viết trước đây tôi đã có dịp khẳng định rằng các tộc người ở miền Đông, miền Nam và miền Tây của vùng cao nguyên miền Thượng (Tây Nguyên) đã chấp nhận Ấn Độ giáo và Phật giáo vì họ đã xây dựng được những vương quốc, dù họ là người nhóm Môn- Khmer, (Nam Á) như Khmer hoặc nhóm Nam Đảo (Malaya- Polynesien) như Chămpa, trong khi đó đồng tộc của họ ở cao nguyên vẫn chỉ tồn tại như những tộc người chưa đạt tới trình độ tổ chức ra được những vương quốc, chỉ là những dân tộc rời rạc.

Theo cách quan niệm của tôi một vương quốc cần tới một tôn giáo lớn, làm cái trụ tâm linh cho vương quốc của mình. Còn những dân tộc thiểu số ít phát triển, chiếm cứ vùng rừng núi, chưa xây dựng được vương quốc, thì chưa cần tới những tôn giáo lớn cỡ như Phật giáo, Bà La Môn giáo (hoặc Ấn giáo)

Một điểm quan trọng nữa cần thấy là tại các vùng đồng bằng và trung châu, địa hình tương đối bằng phẳng, mới hình thành ra được những vương quốc cho dù là tiểu vương quốc. Và như vậy cư dân chủ thể của một vương quốc đã phải đủ trình độ chiếm cứ những đồng bằng, canh tác nông nghiệp trồng lúa và đã đạt tới kỹ thuật trồng lúa tương đối cao như người Khmer ở Campuchia (Lục Chân Lạp), người Chăm ở Champa (Lâm Ấp) và người Việt ở châu thổ sông Hồng.

Các tộc người thiểu số như Mạ, Chơro và Stiêng thuộc dòng nói các ngôn ngữ Nam Á (Môn- Khmer) hiện đang sinh sống bằng làm rẫy tại các vùng tương đối hẻo lánh, chưa đạt tới trình độ kỹ thuật canh nông cao như người Kinh (Việt), người Khmer, người Chăm. Họ không thể là chủ nhân của vương quốc mà Biên Hòa là kinh đô, Cát Tiên là thánh địa và Cần Giờ là cảng thị của vương quốc đó.

Cái tên của vương quốc này là Mạ hay Chau Mạ, Chiu Mạ... hay Bà Lị (Bà Ry-a) hoặc gì đi nữa thì điều đó cũng chưa quan trọng. Điều quan trọng là đã từng có một vương quốc hiện diện nơi đây. Điều quan trọng thứ hai là ba tộc người Mạ, Chơro và Stiêng gốc Môn- Khmer không hề từng là chủ nhân của vương quốc mà trên đó (hay trong đó) Cát Tiên là thánh địa, nghĩa là họ không phải từng là kẻ sở hữu văn hóa và văn minh Cát Tiên rực rỡ như Trần Quốc Vượng khẳng định. Nếu quả họ là chủ nhân văn hóa Cát Tiên thì ngày nay hẳn họ vẫn phải theo Ấn Độ giáo hoặc Phật giáo (chịu ảnh hưởng văn hóa Ân). Lẽ nào ngày nay, ba tộc người đã tưởng làm chủ một vương quốc văn minh rực rỡ như Cát Tiên lại tồn tại trong hoàn cảnh chỉ tin theo tự nhiên thần giáo hay vật linh luận. Lẽ nào nhân vật chủ thể của cái vương quốc đã từng xây dựng văn hóa Cát Tiên lại có thể chịu cảnh sống qua ngày bằng nương rẫy. Vương quốc đó cũng đã biết tới một nền kinh tế biển, có hải cảng Cần Giờ, vậy sao nay người Mạ, Stiêng, Chơro.. lại chỉ hoàn toàn sống bằng làm nương phát rẫy, với trình độ canh tác không cao, tự nhiên, tự cấp, tự túc. Trần Quốc Vượng đã có những phát hiện quan trọng về văn hóa và lịch sử văn hóa khu vực miền Trung, trong vùng vốn là lãnh địa của văn hóa Champa. Ông có cái nhìn sáng rõ về địa- văn hóa. Điều mà thiên hạ khâm phục ông chính là ở chỗ đã ngót nghét tới tuổi cổ lai hy song ông vẫn tiếp tục phát sáng, vẫn liên tục hoạt động tư duy, có ý kiến mới và ý kiến độc đáo. Đây là điều có lẽ ông hơn hẳn các vị đồng nghiệp nổi tiếng, những bậc trưởng lão trong làng sử học- cùng trang lứa với ông. Song dường như ở ông thiếu hẳn một sự nhạy cảm về mối quan hệ giữa trình độ phát triển của một tộc người đã đạt tới trình độ phong kiến hóa với đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của tộc người ấy. Hoàn toàn có thể khẳng định sự phát triển của đời sống tinh thần và vật chất của ba dân tộc Mạ, Chơro, và Stiêng gốc Nam Á không hề minh chứng điều gì cho ý kiến quả quyết của Trần Quốc Vượng, hay sự khẳng định rụt rè của Phan Xuân Biên rằng các dân tộc đó đã từng là chủ nhân của văn hóa Cát Tiên, hay chủ nhân của vương quốc trong đó có văn hóa Cát Tiên. Phan Xuân Biên viết:

Sống trong môi trường rừng núi bao quanh, sản xuất nông nghiệp mang tính chất tự cung tự cấp, dựa vào thiên nhiên là nền tảng cơ bản của nền kinh tế truyền thống của các cư dân bản địa Mạ, Stiêng, Chơro ở Đồng Nai.Trong đó phát rừng làm rẫy hoặc khai thác các vùng gò đồi để làm nương là phương thức canh tác chủ yếu. Ở một số nơi, nhất là ở bộ phận người Mạ và người Chơro, cũng từ khá lâu họ đã biết khai thác những thung lũng đầm lầy, những dải đất thấp ven sông, suối để trồng lúa nước bằng kỹ thuật thô sơ, nguyên thủy theo kiểu: “Hòa canh, thủy nậu”, dùng trâu đầm, chứ chưa biết cày bừa” (4).

Vậy ai là nhân vật chủ thể đích thực của văn hóa Cát Tiên và vương quốc ấy. Xác định chính xác điều này, hiện còn là một vấn đề khó khăn và phức tạp. Tuy nhiên, ta vẫn có thể tiến dần tới sự thật.

Miền Đông Nam Bộ hay còn gọi là đất Đồng Nai xưa kia, là một khu vực tiếp giáp với Tây Nguyên và duyên hải Trung Bộ, đồng thời giáp Lục Chân Lạp (Campuchia) và Thủy Chân Lạp (đồng bằng sông Cửu Long). Cư dân của vương quốc Cát Tiên (Hoặc vương quốc Che Mạ, Chiau Mạ, Mạ...) nếu không thuộc về người Chăm gốc Nam Đảo thì cũng thuộc về người Khmer gốc Nam Á, đây là điều có thể phỏng đoán trên đại thể.

Nhưng ta thấy nhiều khả năng chủ nhân vương quốc ấy thuộc về một nhóm Nam Đảo (Malayo- Polysien). Quả thực đây là vùng đất tranh chấp giữa hai thế lực khá phát triển là Champa ở hướng Đông và Lục Chân Lạp ở hướng Tây.

Các bài khảo cứu về văn hóa Cát Tiên và Đồng Nai dẫn của Trần Quốc Vượng và Phan Xuân Biên, Mạc Đường hay Lê Xuân Diệm (Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số11/ 1998) đều khẳng định một điều là văn hóa Cát Tiên có quan hệ mật thiết với văn hóa Ốc Eo hay hậu Ốc Eo, chịu ảnh hưởng khá sâu đậm của phong cách Đồng Dương của Champa, và cũng có liên quan chút ít với văn hóa Angkor.

Riêng Mạc Đường có cho rằng cư dân trước công nguyên ở Đồng Nai (Đông Nam Bộ) vốn là người Malayo- Polynesien theo văn hóa Bà La Môn. Ta hiểu Bà La Môn giáo (Brahmanisme) ra đời rất sớm tại bán đảo Ấn Độ trước Công lịch. Sau này Ấn Độ giáo (đạo Hindu) xuất hiện trên cơ sở Bà La Môn giáo đó là Bà La Môn giáo đã được nâng cao, bổ sung sau khi Phật giáo xuất hiện, Mạc Đường viết:

Những tài liệu dân tộc học hiện nay cho phép chúng ta nghĩ rằng cư dân cổ đại trên đất Đồng Nai cách này từ 2.000 năm đến 3.000 năm có liên quan đến các dân tộc nói tiếng Malayo- Polynesien ở quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt với người Chăm theo đạo Bà La Môn ở miền Nam Trung Bộ Việt Nam... Đồng Nai khoảng 2.000 năm trước là một vùng đất thổ cư tập trung của những lớp dân cư cổ, nơi đây có những đền đài và thánh quách, làng xóm ven sông, hoàn toàn không phải là nơi hoang vu...” (5).

Mạc Đường cho rằng nguyên nhân của sự hoang vu trước 1650 chính là dịch tả và chiến tranh. Những cư dân theo đạo Bà La Môn đã bị dịch tả sát hại. Còn các cư dân theo tín ngưỡng vật linh thường sống xa cách trên địa bàn rộng nên tránh khỏi bị giết hại hàng loạt, và chính họ là tổ tiên của những cư dân thiểu số trên vùng Đồng Nai.

Như vậy, trên cùng một số tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (11/ 1998) về văn hóa Đồng Nai đã có hai loại ý kiến khác nhau về người Mạ, Chơro và Stiêng.

Ý kiến của Mạc Đường tỏ ra có cơ sở. Chủ nhân của văn hóa Ốc Eo thuộc về nhóm Nam Đảo. Văn hóa Ốc Eo cùng nhà nước của nó bị triệt tiêu một cách bí hiểm. Nhưng bóng dáng của nó còn hiện diện nơi Cát Tiên, dù Cát Tiên không chỉ tiếp thu ảnh hưởng của Ốc Eo mà còn tiếp thu cả ảnh hưởng của văn hóa Champa tại miền Trung, đồng thời phô diễn những nét riêng của Cát Tiên. Ngay tại miền Đông Nam Bộ, tại Đồng Nai đã từng khai quật được nhiều hiện vật của văn hóa đồng thau thời cổ đại. Vùng đất này cũng đã biết văn minh đồ sắt. Thời kỳ văn hóa Cát Tiên là sự tiếp tục văn hóa kim khí văn hóa trước đó tại Đồng Nai, đồng thời là sự tiếp thu Ốc Eo và Đông Dương. Chủ nhân của Cát Tiên hay vương quốc trên đó Cát Tiên xuất hiện có thể thấy là người Nam Đảo.

Trần Quốc Vượng đã khẳng định đúng đắn rằng:

Champa là một sự tập hợp hàng loạt các tiểu quốc trải dài theo dọc duyên hải Trung Bộ, từ Amaravati (Nam- Ngãi), Vijaya (Bình Định), Kanthara (Khánh Hòa- Nha Trang), Panduranga (Phan Rang- Phan Thiết) và phía Bắc là Ratna (Quảng Bình- Quảng Trị) (6).

Ta lại có thể bổ sung thêm tiểu quốc thứ sáu, tạm gọi là Vương quốc Cát Tiên (theo cách gọi của tôi) hay vương quốc Mạ, Che Mạ, Chau Mạ, Chiau Mạ... (theo cách dùng từ của giáo sư họ Trần). Trong hệ thống các tiểu quốc của Chiêm Thành.

Vương quốc Champa (Lâm Ấp- Chiêm Thành- Chiêm Bà- Hoàn Vương):

1) Ranna (Quảng Trị)

2) Amaravati (Quảng Nam- Quảng Ngãi)

3) Vijaya (Bình Định)

4) Kanthara (Khánh Hòa)

5) Panduranga (Phan Rang- Phan Thiết)

6) Cát Tiên (Bà Rịa- Đồng Nai)

Chắc chắn vùng Đồng Nai (theo quan niệm rộng là Đông Nam Bộ) là khu vực tranh chấp giữa Champa (Chiêm Thành) và Chân Lạp (Campuchia). Mạc Đường có nói tới nguyên nhân chiến tranh đã góp phần tiêu diệt dân cư xung quanh các thành quách ở đây, nhưng ông nghiêng nhiều hơn về lý do dịch tả.

Trong khi đó Lê Xuân Diệm lại khẳng định rõ rệt nguyên do chiến tranh, xung đột giữa Champa và Campuchia. Ông cho rằng từ sau TK XIV: “Cả vùng đất Nam Bộ trở nên hoang sơ (ghi chép của Châu Đạt Quan) hoặc là địa bàn tranh chấp giữa các tộc người Chăm, người Khmer (Chân Lạp) (7)

Lý do mà văn hóa Cát Tiên chỉ tồn tại trong quãng thời gian không lâu, chỉ ba thế kỷ, từ thế kỷ VIII đến thế TK X hãy còn chưa sáng tỏ. Vì lý do dịch bệnh (tả) hoặc vì xung đột liên miên giữa người Khmer ở Chân Lạp và người Chăm ở Chiêm Thành? Hoặc bởi cả hai nguyên do?! Điều này còn chờ công khảo cứu của giới khoa học. Tuy nhiên những nét đại thể thì ta có thể thấy hai lý do đó là điều có thể.

Song có một điều mà chính Lê Xuân Diệm đã khẳng định rõ ràng là ảnh hưởng của văn hóa Champa ở đây trong một thời gian.

Pho tượng phù điêu thần Visnu phong cách nghệ thuật Champa muộn có khắc minh văn Phạn ngữ cổ là bằng chứng xác thực về quyền lực Chămpa ở vùng này (Biên Hòa- Đồng Nai) vào đầu TK XV (1421) trước lúc người Việt nhập cư mở mang lãnh thổ” (8)

Đồng Nai ở đây, được Lê Xuân Diệm quan niệm chỉ là vùng đất tỉnh Đồng Nai hiện giờ. Tuy nhiên lãnh địa là tỉnh Đồng Nai hiện giờ cũng gắn với Cát Tiên vì Biên Hòa là trung tâm chính trị- hành chính của một vương quốc hay tiểu vương quốc.

Văn hóa Cát Tiên với niên đại từ TK VIII đến TK X thuộc về một tiểu vương quốc của Champa. Sau đó người Chăm còn tiếp tục hiện diện tại khu vực Đông Nam Bộ cho tới khi vương quốc của họ bị tàn phá nặng nề, dẫn tới kiệt sức, sau khi Lê Thánh Tông đại phá Chiêm Thành năm 1471.

Khảo cổ học đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử và lịch sử văn hóa. Việc phát hiện văn hóa đồng thau Đông Sơn (1924) làm đảo lộn cách suy nghĩ của giới khoa học lịch sử về người Việt. Việc tìm ra văn hóa Ốc Eo vào đầu thập kỷ 40 của thế kỷ XX của Malleret đã làm thay đổi hẳn cách suy nghĩ của chúng ta về vùng châu thổ Mê Kông thời cổ.

Với việc phát huy văn hóa khảo cổ Cát Tiên, chúng ta đã thấy vùng sông Đồng Nai, giáp với Tây Nguyên ở phía Nam, không phải là vùng đất trắng về văn hóa trong thời kỳ trung đại.

Hãy cứ xem như ý kiến của Trần Quốc Vượng rằng Cát Tiên vừa chịu ảnh hưởng của hậu Ốc Eo vừa chịu ảnh hưởng của phong cách Đồng Dương (Champa) là đúng thì ta có thể quan niệm được như sau:

Thoạt đầu sau khi văn hóa và nền chính trị của Ốc Eo bị sụp đổ vì những lý do nào đó một nền văn hóa cùng một tiểu quốc mà cư dân gốc Nam Đảo đã được dựng nên tại vùng Đông Nam Bộ, tại Cát Tiên- Cần Giờ- Bà Ryạ. Nó tiếp thu thoạt kỳ thủy ảnh hưởng của Ốc Eo, sau đó tiếp thu ảnh hưởng của phong cách Đồng Dương. Không loại trừ khả năng một bộ phận cư dân của Ốc Eo di tản lên vùng này sau khi văn hóa Ốc Eo và vương quốc Phù Nam (Fou Nan) bị sụp đổ.

Ai là chủ nhân đích thực của các di tích văn hóa Cát Tiên? Vấn đề này đương còn đợi sự trả lời của các nhà khoa học. Tuy nhiên những ý kiến mà tôi đưa ra những mong sẽ góp phần làm sáng tỏ điều này.

Chiều - tối ngày thứ tư 8-12-98
Đ.V.B
(122/04-99)


-------------------------------------------------------------
(1): Trần Quốc Vượng; Vị thế địa văn hóa- chính trị của Biên Hòa trong bối cảnh Đồng Nai. Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 11, 1998, tr. 25.
(2): Phan Xuân Biên,
Về cư dân bản địa Đồng Nai, TC VHNT, số 11, 1998, tr. 29.
(3): Bài đã dẫn, tr. 29.
(4): Bài đã dẫn, tr. 30.
(5): Mạc Đường,
Những đặc điểm sinh thái- nhân văn và cư trú ở Đồng Nai, TC VHNT tr. 34.
(6): Trần Quốc Vượng, bài đã dẫn, tr. 25.
(7): Lê Xuân Diệm,
Biên Hòa- Đồng Nai trước thời khai phá của cộng đồng người Việt, TC VHNT, tr. 41.
(8): Bài đã dẫn, tr.41.




 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Lửa đêm (30/12/2009)
Đêm Trắng (29/12/2009)
Quán quân dân (24/12/2009)