Tạp chí Sông Hương - Số 251 (tháng 01)
Chơi với người tử tế
09:55 | 25/01/2010
TRẦN KIÊM ĐOÀNMùa Hè năm 2007, từ Huế chúng tôi chuẩn bị ra thăm Hà Nội lần đầu. Trên ga Huế, chờ chuyến Tàu Đỏ xuyên Việt buổi chiều, nghe một người bạn chưa bao giờ gặp là anh Văn Thành nói trong điện thoại: “Cậu hên quá! Hà Nội đang nắng gắt bỗng dưng hôm qua lại có gió mùa Đông Bắc. Bây giờ Hà Nội như mùa Thu”.
Chơi với người tử tế
Nhà văn Trần Kiêm Đoàn - Ảnh: phusaonline.free.fr

Nhìn mái tóc trắng phau của Trần Hoài, bạn cùng lớp thời sư phạm, vẫy tay trên sân ga khi tàu chuyển bánh, chưa bao giờ tôi cảm nhận một hình ảnh mùa Thu quê hương đầy quyến luyến đến như thế. Mùa Thu tuổi đời, mùa Thu trong lòng người và mùa Thu Hà Nội. Gần ba chục năm sống ở xứ người, đã tới khá nhiều thành phố thủ đô loanh quanh thế giới. Nhưng mãi đến tuổi về hưu mới được viếng một cố đô Thăng Long của nước mình mà mình đã được học và đọc từ khi còn nhỏ.

Sau một đêm thức trắng, nói chuyện mưa nắng và kinh nghiệm du lịch đó đây với cặp vợ chồng người Anh cùng ở chung khoang tàu tới du lịch Việt Nam lần đầu, tôi không nghe mệt mỏi khi tàu tới bến ở ga Hàng Cỏ mà cảm thấy vui vui vì có người xứ khác nói những điều ưu ái về đất nước của mình. Tới Cửa Bắc, ăn tô phở Hà Nội đầu tiên nơi quán phở đầu hẻm, tôi có cảm tưởng Hà Nội trông nhạt mà nếm đậm như ly rượu trắng. Tô phở trong, không rau, không giá, không rình rang tiêu hành ớt tỏi. Tô phở nhỏ xíu so với tô phở xe lửa Bolsa ở Cali to gấp bốn năm lần. Hương vị vô danh mà vẫn thơm, ngọt và tươi tắn. Tôi cười một mình khi cô hàng phở, chìa tô phở đầu nước nhỏ nhắn cho khách, răn đe một cách dễ mến với giọng Bắc Hà Nội dẻo mềm luyến láy, nghe nói như ca: “Các bác đừng ham của lớn Hà Nội. Nhỏ như cháu thế mới ngon!” Tự xét mình, tôi chẳng ham “của to” bao giờ, nên cũng tạm yên tâm.

Đêm đầu tiên, gặp người bạn Hà Nội đầu tiên là Văn Thành. Anh là thư ký tòa soạn báo Tia Sáng. Chúng tôi ghé một quán nước bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Hai chàng cùng tuổi Tuất nhâm nhi chai Heneiken bên dĩa đậu phụng. Mới mỗi người một chai mà khí phách nam tử hán đã lâng lâng. Nắng vừa tắt, mặt hồ đã chờn vờn sương khói. Hỏi ý kiến riêng của Văn Thành về những gì mà anh thích nhất khi giới thiệu về Hà Nội, câu trả lời bất ngờ của anh làm tôi ngạc nhiên. Anh nói, điều anh thích nhất là màn sương mù buổi sớm và buổi chiều quanh hồ Hoàn Kiếm. Điều anh thích thứ hai là Hà Nội nhỏ; khi cần, bạn bè hú nhau một tiếng, cỡi xe máy loanh quanh tìm nhau năm mười phút là gặp được nhau liền.

Sau đó, Văn Thành chở tôi đến thăm một tác giả nổi tiếng từ thời tôi còn đang đi học trường làng. Nhưng mấy năm gần đây, tôi có được chút duyên văn nghệ với anh vì cùng viết chung trên báo Tia Sáng. Anh là thi sĩ Lê Đạt. Khi chưa gặp, tôi hình dung nhà thơ Lê Đạt có một dáng người khắc khổ, một cung cách ngang tàng, một ngôn ngữ bạo liệt như thơ của anh. Đến nơi, mở cửa căn lầu thứ ba ngôi nhà riêng khá đồ sộ, tôi gặp một ông cụ chưa già, dáng vẻ phương phi đẹp lão và cười vui dễ dãi, tươi mát như một thiền sư. Đó là nhà thơ Lê Đạt. Cả buổi tối, nói chuyện văn chương, nhắc lại chuyện làm báo đầy sóng gió một thời trong lịch sử văn học cận đại; những hương hoa và gai góc về tình bạn văn nghệ; cuối cùng tôi hỏi anh về một lời khuyên cho thế hệ văn bút đàn em. Anh nói: “Nên chơi với người tử tế!”

Chỉ đơn giản thế thôi sao? Tôi tự hỏi mình và đưa mắt ngầm hỏi người đối diện. Anh quàng vai tôi, cười hề hề và kể rằng, có một một người nữ phóng viên nổi tiếng (mà anh quên tên) gặp Henry Miller phỏng vấn. Miller chỉ trả lời đơn giản: “Cô đã gặp tôi rồi. Cô muốn viết gì thì viết”. Sau đó, đọc lại nội dung bài phỏng vấn, Miller phải kêu là ý nghĩ của cô phóng viên còn hay hơn là điều ông nghĩ được. Tiếc thay, tôi không có tài để “đối diện đàm tâm!” Nhưng sau khi gặp nhà thơ Lê Đạt, chẳng biết vì đâu tôi liên tưởng đến thiền sư Huyền Giác trong Chứng Đạo Ca (Bài ca của người đã được chứng đạo). Tư tưởng mà tôi cho là nổi bật nhất của Huyền Giác là thổi nâng ý nghĩa sâu thẳm của đờì người bay bổng nhẹ nhàng trong khái niệm về “chơi”: Sống chơi, tu chơi, làm thơ chơi và đến một ngày nào đó: Cũng “chết chơi” luôn! Phải chăng đó cũng là ý nghĩ “chơi với người tử tế” của Lê Đạt?! Thiền sư chứng đạo và thi sĩ thành danh có một điểm đứng và điểm nhìn tương tự là nhìn đời từ chân tâm rỗng lặng. Không dính mắc hay dính mà không mắc mới mong còn được một không gian nội tâm để thiền định và làm thơ.

Chiều hôm sau, anh Văn Thành mời vợ chồng tôi đến quán chả cá Lã Vọng dùng bữa chiều với hai anh Lê Đạt và Nguyên Ngọc. Tuy cùng thế hệ, nhưng trong dòng văn học trải dài theo cuộc chiến dài 30 năm, nhà thơ Lê Đạt nổi tiếng giữa thập niên 50 và nhà văn Nguyên Ngọc (còn có bút danh khác là Nguyễn Trung Thành) nổi tiếng trong những bút ký chiến trường đầy bi tráng giữa thập niên 60.

Trong bữa ăn, nhìn quanh, thấy nhiều khách da trắng chẳng rõ là gốc Tây hay Mỹ, không chấm cuốn gỏi cá vào chén mắm nêm điệu nghệ như dân ta mà húp những chén mắm nêm đã pha ấy với vẻ mặt hân hoan đầy khoái trá. Tôi nắm hai tay mình lại. Mấy anh em đưa mắt dò hỏi. Tôi trả lời: “Cầu cho mắm ruốc đừng dính vào mấy chùm râu rậm rạp của những người bạn dễ thương ấy!” Suốt bữa ăn, các anh nhắc chuyện những tâm hồn ăn uống sành điệu đã đến quán nầy trong những thời điểm quá khác nhau của mảng lịch sử hơn trăm năm sau cùng của Hà Nội. Dĩ nhiên Nguyễn Tuân vẫn đứng đầu sổ về nghệ thuật ăn uống. Khi nói đến các loại thịt cá làm gỏi chả ở Lã Vọng, người thì nói cá anh vũ, người nói cá lăng, cá nheo, cá ngạnh, cá quả… nhưng không ai quyết đoán được loại cá nào là ngon nhất. Anh Lê Đạt kết luận: “Cái này thì phải tìm hỏi Nguyễn Tuân mới được.” Tưởng nói chơi, thế mà năm sau, Lê Đạt đã bươn bả đi tìm Nguyễn Tuân thật, quên mất lời hứa đãi người anh em phương xa tô phở Bát Đàn.

Năm sau, chưa quên lời của nhà thơ Lê Đạt hứa đãi ăn tô phở Bát Đàn cho biết miếng ngon Hà Nội, chúng tôi trở lại nơi nầy. Thực lòng, vợ chồng tôi chưa đủ lãng mạn… bạt mạng kiểu Hollywood để đi từ San Francisco về Hà Nội mất 17 giờ bay mà ăn một tô phở Bát Đàn. Lần nầy, chúng tôi về xem Lễ Phật Đản Vesak là chính, nhưng vẫn nao nức gặp lại các anh Văn Thành, Lê Đạt, Nguyên Ngọc. Khi vừa ra khỏi phi trường Nội Bài thì nghe tin nhà thơ Lê Đạt vừa mất. Chúng tôi lặng người trước cảnh vô thường và chẳng còn muốn gọi ai. Sớm từ giã Hà Nội, chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa là đến giờ bay, tôi giục người lái taxi: “Anh cho chúng tôi đến quán phở Bát Đàn càng nhanh càng tốt. Vui lòng đợi cho chúng tôi ăn xong tô phở rồi chở ngay lên phi trường cho kịp giờ.”

Trước quán phở số 49 phố Bát Đàn, sau chuyến xếp hàng mồ hôi nhễ nhại, chúng tôi mới tới được bếp phở lửa nóng rần rật. Khi bưng tô phở Bát Đàn trên tay, mùi thơm lạ lùng mà thân quen bốc khói. Nhưng cảm giác thèm ăn lắng xuống khi nỗi nhớ về một người bạn quý vừa mất dâng lên.

Silverton, Thu 2009
T.K.Đ
(251/01-2010)




 

Các bài mới
Hành trình (29/01/2010)
Chinh phục (25/01/2010)
Các bài đã đăng
Lời nói dối (22/01/2010)