Tạp chí Sông Hương - Số 251 (tháng 01)
Nhân cách văn hóa của nhà văn
10:28 | 29/01/2010
KHÁNH PHƯƠNGNhân cách văn hóa của nhà văn có thể được biểu hiện bằng những hành động, thái độ trong đời sống, nhưng quan trọng hơn, nó chi phối nhân cách sáng tạo của nhà văn.
Nhân cách văn hóa của nhà văn
Nhà thơ - Bác sĩ Nguyễn Đức Tùng (Ảnh: vanchuong.vnweblogs.com)

Trong khi lối sáng tác đương đại đã giải phóng cho tư duy, xem nó là một hoạt động độc lập có thể được cắt rời khỏi hoàn cảnh địa lý, lịch sử, xã hội, đồng thời cắt rời nhân thân của người viết khỏi tác phẩm, tức là trên lý thuyết, một kẻ giết người hoàn toàn có thể là nhà văn nổi tiếng hay ngược lại; thì nhân cách văn hóa của nhà văn vẫn đóng vai trò quyết định để có được những sáng tạo mang ý nghĩa lâu bền, hữu ích với cộng đồng.

Một nhà văn có nhân cách văn hóa đương nhiên phải làu thông tri thức, am hiểu các giá trị của nhiều nền văn hoá Đông Tây, nhưng quan trọng hơn, là phải từ các giá trị “bên ngoài” đó, xây dựng được cho riêng mình một quan niệm, phương châm hành xử cũng như suy nghĩ, xây dựng triết lý của mình về bản thân trong tương quan với thế giới còn lại, và triết lý tư tưởng, “triết lý” nghề nghiệp.

Nhưng cốt lõi của các giá trị văn hoá lại là thẩm mỹ, là cái đẹp, không bị hạn chế trong một hình thái có sẵn nào. Giá trị văn hoá hay thẩm mỹ, tinh hoa của nó chính là những gì được đúc kết còn lại qua bao nhiêu thế hệ, để giúp cho cộng đồng tồn tại tránh được khổ đau, lầm lạc, đồng thời đạt tới hạnh phúc, tới sự thanh lọc thuần khiết của tâm hồn.

Nhân cách văn hoá của nhà văn cũng phải có cốt lõi là lòng yêu thương, nhân hậu, tinh thần hy sinh, cống hiến vì cộng đồng (mặc dầu không phải lúc nào cũng nào cũng nhất thiết phải hy sinh cá nhân), ý nguyện hướng tới một tương lai đẹp đẽ cho cộng đồng dân tộc và những giá trị loài người. Hận thù, vị kỷ, hằn học là những điều xa lạ với nhân cách văn hoá của nhà văn.

Nguyễn Đức Tùng mới quay lại với sáng tác văn chương trong khoảng xa nhất là mười năm gần đây. Những người bạn học cũ có gởi cho tôi vài bài thơ của anh từ hồi học trung học mà họ còn giữ được- những sáng tác ấy nổi bật ở sự ngây thơ, hồn hậu mặc dầu chưa có giọng điệu rõ rệt.

Tôi đọc khá nhiều thơ của Nguyễn Đức Tùng viết trong khoảng những năm gần đây. Thơ của anh thiên về suy nghiệm, sắc bén, giàu tính phát hiện, nhưng những suy nghiệm luôn có khuynh hướng hòa nhập với liên tưởng đột biến, trong một cảm thức tổng hòa, vừa huyền bí lung linh tựa như tinh thần tôn giáo, vừa rành mạch thực tiễn như chính cuộc đời:

Những hôm trở gió/ Anh lại đau/ Ở bắp chân/ Không còn ở đó

Mặc dầu “tác giả đã chết” (Roland Barther), nhưng đọc những bài thơ của Nguyễn Đức Tùng, tôi vẫn nhận thấy một thái độ và một triết lý nhân sinh, triết lý tư tưởng riêng biệt. Thái độ phê phán trực diện những bất công, tàn ác, đi ngược lại nhân tính, nhân quyền. Thái độ cay đắng, đau buồn. Thái độ hài hước châm biếm. Nhưng tất cả đều có chung một điểm xuất phát là sự trung thực, ngay thẳng, phê phán mà không thóa mạ, thù ghét; bất bình mà không điên cuồng, hung bạo, tục tằn.

Điều lý thú trong thơ Nguyễn Đức Tùng không chỉ có vậy. Nhiều người đồng cảm với thơ anh ở một tâm thái cảm thông, bi mẫn, yên ủi, không nhuốm màu tôn giáo mà lại rất gần tôn giáo, dành cho những bất hạnh, đau thương ở đời, dù do ngẫu nhiên hay những oan khuất của thế cuộc mang lại:

“Quê Hương

Anh bỏ nhà đi năm mười bảy tuổi/ Cầm tay em gái dặn dò/ Săn sóc mẹ cha/ Chăm lo vườn tược cửa nhà/ Đừng quên con chó nhỏ/ Anh đi một mạch ba mươi năm/ Khi về mẹ cha đã mất/ Em gái không còn/ Con chó nằm ở góc vườn/ Cà đang ra nụ, hoa khế rụng đầy sân/ Anh ngạc nhiên/ Thấy nhà sạch sẽ/ Bàn thờ ngát thơm hương khói/ Ngồi ở cửa sau/ Một con khỉ lông vàng/ Đang ăn chuối”

Một thế giới thơ Nguyễn Đức Tùng còn đôi phần lưu luyến với cảm quan siêu thực, tượng trưng, nhưng đã thoát sang cái rành mạch, khách thể hóa của ý niệm, lại tiếp tục trở về với ranh giới hư hoặc của tâm linh, như thể tiếng nói của một định mệnh nào cất lên từ vô thức.

Và một trong số những bài thơ hay nhất của Nguyễn Đức Tùng, cũng như trong số bài hay của thơ Việt đương thời, viết tặng một nhà thơ:

hãy để chim chóc làm đầy bầu trời/ hãy để muối/ làm đầy môi chúng ta/ hãy để bông hoa/ đứng thẳng lên/ khi trên màn hình/ một thường dân bị bắn hạ/ hãy để chiều rơi/ xuống mí mắt mệt mỏi, hãy hỏi/ đường ở rễ cây, hãy để mưa bôi/ xoá khuôn mặt anh ngoài cửa kính/ hãy để kẻ tử tù/ trốn thoát qua mái nhà hãy để hắn/ nhảy xuống một sân ga, khi tàu vừa chuyển bánh/ hãy săn đuổi cái chết như phóng viên nhiếp ảnh/ hãy để mắt em hiu quạnh trong/ mắt anh, hãy để ong bay/ trên váy hoa goá bụa/ hãy để bữa ăn sáng dọn ra như bữa/ ăn cuối cùng của bạn/ hãy để những gì bạn để lại phía sau là tất cả/ những gì bạn có thể mang theo/ được, hãy bay đi thật xa/ nếu chúng ta còn nhớ đường về/ hãy chờ anh/ ở chỗ dòng sông nước chảy chậm/ hãy để chiếc lá/ chẻ đôi/ sự giận dữ của chúng ta/ trước cuộc đời/ hung/ hãn / này/ hãy/ gõ cửa/ chiều mưa/ như người láng giềng/ để mất/ chiếc bật lửa.

Một ước vọng xưa cũ, vĩnh viễn, được biểu đạt bằng tâm thế can đảm và quyết liệt của ngày hôm nay, bằng sự an nhiên thông tuệ của con người đã dấn thân cùng tận, cả về tư tưởng lẫn đời thực.

Trao đổi trên mạng với một nhà thơ trẻ tuổi, cô bảo bài thơ này gợi nhớ đến “I’m Dreaming” của Kelly Roger, nhưng tôi lại thấy nó gần gũi với One day in the heaven của Phil Collins. (đây là 2 bài hát ra đời từ những thập niên 80- 90, được giới trẻ VN ưa thích)

Tất nhiên, trong thơ người ta vẫn có thể giả dối, tỏ ra những điều không phải của mình. Nhưng cái giả dối đó không thuyết phục được ai.

(Về triết lý tư tưởng của Nguyễn Đức Tùng, xin được bàn đến trong một bài viết khác)

Tất cả những bài thơ của anh mà tôi đã đọc, cho thấy một nhân cách văn hoá đáng quý trọng. Dành những gì nghiêm cẩn, quý báu nhất của trải nghiệm đời sống và kết tinh tư tưởng mà mình đạt được cho thơ, cho người đọc. Dành những gì gượng nhẹ dịu hiền nhất cho nỗi đau chung của dân tộc, nỗi mất mát của từng người mà anh được biết. Không theo Thiên chúa hay quy y cửa Phật, nhưng tự sâu xa anh là con người có đạo, bởi vì đạo đức lớn nhất mà mọi tôn giáo cũng như lương tri đều khuyên nhủ, đó là không làm tổn thương, không xâm phạm kẻ ngoài mình.

Biết về anh như một nhà thơ, tôi lại tìm đọc loạt bài phỏng vấn của anh, “Thơ đến từ đâu”(*), loạt bài “đọc một bài thơ như thế nào”(**), “Những kỷ niệm của tôi về văn học miền Nam”(***), những bài viết lẻ của Nguyễn Đức Tùng trên Hội luận về mối quan hệ giữa nhà thơ, thơ ca và cuộc sống.

Anh xuất phát từ góc độ “con người nhỏ bé”, con người thành thực để đến với những điều phổ quát, rộng lớn của thơ. Từ tâm sự của những công chức lén bớt giờ công sở, những phụ nữ chịu tiếng thiếu chu toàn bếp núc, cửa nhà để dành đam mê cho thơ (nếu xét theo đạo đức một cách cứng nhắc thì những điều trên chẳng phải hay ho), để thấy được ý nghĩa mà thơ mang lại cho con người - “không chịu sống một đời sống tầm thường, hời hợt và vị kỷ”. Dù trước hết xuất phát từ “ những kỷ niệm” mang nặng dấu ấn cảm xúc cá nhân, nhưng Nguyễn Đức Tùng đã làm được công việc của người viết lịch sử văn học, đó là ghi nhận thành tựu đóng góp về mặt ngôn ngữ văn chương - ngôn ngữ với tư cách “chủ thể” bắn phá, khơi sâu, làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt có sẵn của đời sống trong sự định danh, định tính, mô tả của thứ ngôn ngữ khái niệm thông thường - cũng như tư tưởng về con người, tư tưởng triết học, của dòng văn học miền Nam. Dùng chính những chứng nghiệm về đời sống và tri thức của bản thân một cách chủ động, kết hợp với mỹ cảm và những liên tưởng sáng tạo riêng biệt của cá nhân để khám phá thế giới sáng tạo của bài thơ, nhà thơ, dòng văn học khác, Nguyễn Đức Tùng là tác giả hiếm hoi ở ngoài nước sớm đi vào con đường phê bình văn chương cảm xúc và nhấn mạnh tính chủ thể sáng tạo của nhà phê bình. Theo quan sát của tôi, đây là khuynh hướng hiếm hoi kể cả ở trong nước, mới chỉ thấy thấp thoáng trong phong cách của nhà phê bình nghệ thuật Thái Bá Vân, được nâng thành “trường phái Nguyễn Quân” và tiếp nối bởi nhà phê bình Phan Cẩm Thượng, trong lĩnh vực lịch sử nghệ thuật.

Trong Thơ đến từ đâu (NXB Lao động, 2009), Nguyễn Đức Tùng đã bước đầu làm được công việc vô cùng ý nghĩa cho nền lý luận thơ Việt hầu như còn chưa có một lý thuyết nào, cũng như đem lại những kinh nghiệm đầy sinh khí cho bản thân việc viết thơ. Đó là, mô tả, nhận diện, chỉ ra những biểu hiện và phạm vi xác định, xác tín của những lĩnh vực vốn mông lung, mà quan hệ giữa chúng lại càng mơ hồ, khó định nội hàm, xưa nay: giá trị đời sống, giá trị thơ ca, và nhân cách sáng tạo của nhà thơ, trong tổng hòa của cả ba yếu tố. Anh không ngần ngại đặt câu hỏi, liệu có thể rạch ròi, cắt rời nội dung chính kiến với thông điệp nghệ thuật của một bài thơ, và tiếp nhận riêng rẽ từng thứ một hay không? Mặc dầu “cái chết của tác giả” là điều hoàn toàn khả tín, thì có thể thông qua tác phẩm nhận biết được những vấn đề tư tưởng và nghệ thuật mà tác giả đó đặt ra hay không... Say đắm trong thế giới nghệ thuật của Hoàng Cầm với không gian, thời gian, hình ảnh thơ đều bất thường, bí ẩn, kỳ vĩ, xúc cảm bộc trực với những câu thơ quyết liệt đến kinh hoàng mà phảng phất như lời tiên sấm của Hoàng Vũ Thuật, dí dỏm với Đỗ Quyên trong tranh luận về tính bất ổn định của tâm lý tiếp thu ngôn ngữ, hào hiệp mà nghiêm cẩn với Khải Minh trong ý tưởng, sự thay đổi về bản chất khi chuyển loại từ thơ tới trường ca, đòi hỏi phá vỡ cấu trúc lẫn hình thức văn bản, thoát xác khỏi đề tài và tâm thức trước, khỏi quan hệ người đọc và người sáng tác trước; tha thiết, thiện tâm, ngay thẳng trong tự tình dân tộc với các nhà thơ “ người đi chưa đủ về quanh chiếu ngồi”. Tất cả đều bộc lộ nhân cách văn hóa của người viết, đó là dốc lòng theo đuổi một cách nghiêm cẩn và say đắm giá trị nghề nghiệp cũng như giá trị làm người.

Nhân cách chính trị cũng là một phần tạo nên nhân cách con người.

Tấm lòng yêu thương, muốn chữa lành, hàn gắn nỗi đau chung của dân tộc dựa trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử, ngồi lại bên nhau với rất nhiều can đảm và tha thứ của Nguyễn Đức Tùng chính là bộc lộ nhân cách văn hóa của anh, của một nhà thơ.

Cuốn sách Thơ đến từ đâu là của tác giả Nguyễn Đức Tùng, do tác giả chịu trách nhiệm mọi tư cách nghề nghiệp, con người, cũng như chính trị của nó. Anh có thể xin phép bạn bè, đồng nghiệp sử dụng quan điểm của họ trong cuốn sách của mình, với mức độ mà cá nhân anh phải chịu trách nhiệm được hoàn toàn. Không thể biến cuốn sách của một tác giả thành cái loa, thành công cụ phát ngôn giùm cho những quan niệm xa lạ với chủ kiến, chánh kiến của chính tác giả đó.

Nhà văn lớn Vidiadhar Surajprasad Naipaul, tự nhận mình là người không có Tổ quốc nào cụ thể, không bị chi phối bởi một văn hóa bản địa nào (****), người từng viết nhiều phóng sự và tiểu thuyết trực diện tiết lộ và lên án những bất công, tội ác ở các nước thế giới thứ ba và từng bị nhà cầm quyền một số nơi treo khoản tiền máu cho thủ cấp, tuyên bố: “Tôi không muốn bôi nhọ con người. Điều đó thật vô nghĩa. Không bao giờ tôi muốn hạ nhục ai. Vì đó không phải là văn chương... Phải bắt đầu từ những cảm xúc lớn, chỉ có thể làm như vậy mà thôi”. Dũng khí và nhân cách văn hóa của nhà văn phải được bộc lộ bằng những việc làm cụ thể như Naipaul đã thực hiện, chứ không phải bằng những lời nói suông hay thái độ hằn học, hận thù.

K.P
(251/01-2010)



---------------                                                                                                
(*), (**) Đăng rải rác trên Talawas, Hội luận văn học Việt , 2008.
(***) Tạp chí Sông Hương số tháng 8, 9, 10- 2009.
(****) Thế giới là một cuốn sách mở, Lévai Balázs. Bản tiếng Việt của Giáp Văn Chung, Nhã Nam và NXB Văn Học, 2009.



 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Hành trình (29/01/2010)
Chinh phục (25/01/2010)
Lời nói dối (22/01/2010)