Tạp chí Sông Hương - Số 131 (tháng 1)
Tại sao chúng ta có nền phê bình yếu?
15:38 | 03/02/2010
NGUYỄN HOÀNG ĐỨCKhông có một xã hội nào sống và phát triển được nếu không cậy trông vào khả năng phê bình của chính mình. Nói một cách thật dễ hiểu, như người Pháp khẳng nhận: "Người ta dựa trên những gì chống lại mình".

Một chiếc cột chống nhà chẳng hạn - nhờ việc nó chống thẳng vào nơi dễ đổ nhất của tòa nhà - mà tòa nhà đứng vững. Và tâm hồn con người cũng vậy - điểm tựa lớn nhất của nó chính là sức đề kháng mãnh liệt - trực tiếp - liên tục của khả năng phê bình - mà chúng ta gọi là phản tỉnh.

Mở màn, con người có ý thức là con người biết ý thức về mình. Bởi vậy, phản tỉnh là điều kiện tiên quyết - song sinh cùng ý thức - cái chối bỏ con người phi thức - để xây nên con người ý thức. Hơn thế, trình độ phản tỉnh chính là trình độ danh dự của một con người. Một dân tộc đã nói: "Con người càng biết tự xấu hổ về mình thì càng được người khác tôn trọng".

Con người là thước đo vạn vật. Nhưng trước khi làm việc đó, con người phải đo được chính mình, muốn thế "phải tự biết mình" (connais-toi même). Đó cũng chính là châm ngôn đầu tiên thời tiền Socrate và của chính Socrate, cái mở màn cho khoa học phản tỉnh của nhận thức luận con người. Ông cha ta từ xa xưa cũng đã dạy: hiểu mình chính là phương tiện để đo người khác. Còn người Trung Hoa thì bày tỏ một thái độ hết sức rõ ràng mãnh liệt qua cụm từ đồ "vô sỉ" - đó là hạng người đã mất khả năng ý thức về mình đến mức - chẳng còn gì đáng nói nữa.

Có lẽ, chúng ta đã đặt một nền móng "khá mất công lần về cội nguồn" song thiết nghĩ, căn cứ trên một đời sống nghệ thuật thiếu sức phê bình tràn lan nghiêm trọng - bấy bớt như hiện nay, thì việc quay lại "phản tỉnh" một nền tảng như vậy là rất cần thiết.

Nền phê bình của chúng ta có yếu không? Có một thực chứng mới đây vẫn còn nóng hổi, đông đảo thành viên tại cuộc thảo luận thơ ở báo Văn Nghệ (số 30/1999) xác nhận: chúng ta đang có nền phê bình văn học rất yếu kém. Tại sao yếu kém? Chính cuộc thảo luận này đã chỉ ra: "Về thao tác phê bình: Né tránh rắc rối, trọng tế nhị hơn sự thật và chân lý. Biết sự thật nhưng khôn ngoan, dè dặt khi đặt bút".

Làm sao mà chúng ta có nổi một nền phê bình lành mạnh khi chính phương tiện phản tỉnh duy nhất chứa trong nó lại lảng tránh sự thật và chân lý? Và liệu chúng ta có nổi một nền văn học xán lạn không khi nền văn học đó chứa trong nó "khả năng soi mình" phỉnh phờ và ngụy tín? Hẳn là theo những nguyên lý mỹ học, và đức lý con người, chúng ta buộc phải nói rằng CHƯA. Nhưng tại thời điểm phản tỉnh "chưa" quan trọng này, nếu chúng ta vẫn không dám soi thẳng vào mình để hoán cải và cố gắng thì chữ "chưa" sẽ mãi mãi là chữ KHÔNG - có thể vĩnh viễn KHÔNG. Về mỹ học, lấy kiến trúc làm khởi điểm, Hegel nói: một cái cột bị dựng nghiêng nó sẽ luôn luôn có xu hướng đổ. Bởi vậy, muốn nó vững chãi và tồn tại, người ta phải dựng cho đến khi nào nó đứng thẳng lên. Kinh Thánh có câu: "Kẻ nào không có lòng ngay chính sẽ gục ngã".

Chúng ta có một nền văn học thế nào? Vì từ chối chỗ đứng chân lý, nên nó vô cùng ngả nghiêng và xiêu vẹo. Cũng chính vì sự xiêu vẹo đó mà nền phê bình cảm tính mới nhõng nhẽo xuất hiện, đi đâu, làm gì, phê bình ai, người ta đều phải bìu díu nhau, vòng vo những lời tế nhị. Còn giới sáng tác thì sao? Ôi không thiếu nhà văn, nhà thơ, khen thì sợ cho người, chê thì sợ không nhận được "lại quả", tự bao cấp và rưới "đường sữa" tài năng và danh dự cho nhau, nhiều đến mức biến chặng đường chông gai hiện thực cuộc đời thành cuộc hành hương ảo mộng lát toàn bánh ngọt.

Phê bình ít nhất là mặt trái của tấm huân chương sáng tạo. Không có mặt trái không thành tấm huân chương. Nghệ thuật cũng như mọi cuộc tạo tác ở đời, giống một chiếc áo nếu lột trái ra ta sẽ thấy những đường cắt may dù thô thiển lại chính là cuộc hành trình làm nên chiếc áo. Những đường cắt - may đó phải chính xác - mạch lạc - chi li trong từng tấc - và chắc chắn. Toàn bộ những thứ đó là "nhà nghề" - lý trí - và khoa học. Từ chối những đường cắt - may, thì chỉ có những tấm vải khoác lên người. Cũng vậy, nếu từ chối những "đường cắt tọc mạch" của phê bình sẽ không có tấm áo sáng tạo của nghệ thuật. Sáng tạo và phê bình chắc chắn là cặp đẻ sinh đôi, nếu có khác: chỉ là sáng tạo được đỡ thai trước phê bình; và chắc chắn là sáng tạo cùng phê bình bước nọ nối bước kia kế tiếp song hành. Không thể thấy mảnh đất ưu tiên nào từng có ở trần gian rằng: phê bình thì còi cọc, sáng tạo lại hùng vĩ. Hô - me vĩ đại thì đã du đẩy chiếc nôi I-li-át và Ô-đi-xê giữa một nền văn hóa Hy Lạp thao thức khả năng tư duy phán xét trong từng hơi thở. Và nền nghệ thuật Hy Lạp còn tiến xa bởi sáng tạo của Hô-me còn chưa ráo mực đã được Aristote rút thành nguyên lý - làm lẽ sống cốt tử của thi ca. Nền văn học Pháp, nền văn học Đức hùng mạnh, cũng chỉ vì nó được ươm trồng trên một mảnh đất "đá sỏi" của lý trí.

Vậy để góp sức cải thiện đời sống lý trí của nền văn học chúng ta, tôi xin đề cập đến ba mảng yếu căn bản của nó:

1. Cây phê bình không biết cắm rễ vào đâu - hoặc - không gian phê bình không có một nổi một ô cửa mở đón dưỡng khí để nuôi trí tuệ.

Tất nhiên có một ô cửa mà chúng ta thường xuyên nhắc đến, đó là tập "Thi nhân Việt " của Hoài Thanh. Tuy nhiên, ngoài ưu điểm thổi luồng gió phán định mới làm khởi điểm cho nền thơ Việt Nam ra, nói một cách thật nghiêm túc, đó mới chỉ dừng ở cấp độ BÌNH dựa trên tiêu chí thưởng thức nhiều, chứ chưa đạt đến thẩm giá PHÊ BÌNH đặt căn bản trên những nguyên do mỹ học. Cấu trúc của cuốn sách là: bàn về 40 tác giả với khoảng hơn 40 trang (tỉ lệ 1/1) còn lại là lấy "Mỡ nó rán nó" - "thơ người tự vẽ người".

Nền triết học nhân loại đã xác định: "Cái gì không là phán xét thì không phải là lí trí". Lẽ ra sau những viên gạch đặt móng thẩm giá của Hoài Thanh, nền văn học phải tiếp tục lớn - xây tường mái cho tòa lâu đài phê bình của mình, vậy tiếc thay nó chỉ có đủ sức vóc để đang ngắm nghía "bài học vỡ hoang" đó thành tất cả: nền tảng - quá trình - và dự phóng đáng chiêm ngưỡng của lý trí phán xét. Một con người không lớn, một nền văn không mở mang nổi bất cứ chu vi tầm vóc nào lớn hơn chỗ đứng vừa khít đôi giày của nó, như vậy có đáng hãi hùng không? (!) có đáng được tôn trọng không? (!)

Chúng ta có một nền văn không những không có sinh hoạt trí tuệ, hơn thế, còn lảng tránh, từ chối, hay cố tình dè bỉu trí tuệ. Không chỉ nói đến hội nghị những cây bút trẻ vừa qua 160 người viết không có nổi một con người đủ tu dưỡng trí tuệ và mỹ học cần thiết để dám vác thập giá phê bình (trong hội nghị có 5 tác giả phê bình miễn cưỡng có được bằng cách nâng thang tuổi). Mà ngay đến cả một tác giả có cả một sức vóc lớn về danh tài - trình độ kiến thức như Xuân Diệu, mà cũng dạy dỗ đàn em Trần Đăng Khoa rằng: Đừng làm mất lòng người khác. Cái gì đáng khen thì nói. Cái gì đáng chê thì im lặng "chân dung và đối thoại" của Trần Đăng Khoa). Than ôi, "sợ mất lòng người" đó không phải là tinh thần công chính của chân lý, sự công bằng của pháp lý, cũng như khát vọng "gạn đục khơi trong" của lề luật con người. Đó hoàn toàn là một tình cảm, tâm lý tiểu nông, cũng như chủ nghĩa Mác - Lênin đã xác thực - không thể làm được cách mạng. Nếu vậy liệu có thể trở thành một nhà thơ hiện đại hay không? (!)

Một con người không sống trí tuệ, một nền văn không có nổi sinh hoạt trí tuệ, hẳn sẽ có một kết quả tồi tệ vượt quá sức tưởng tượng của chúng ta! Và những bạn đọc thao thức lương tri hẳn phải có một thái độ bao dung khôn tả để không thốt lên những lời xúc phạm! (?) chúng ta có một nền văn yếu đến mức: Không dám bàn về tác phẩm của nhau, nếu có thì chỉ bàn lưng chừng rồi khép lại. Và thước đo của lý trí văn học không dài - rộng hơn số đo của đôi giày văn học như: "Văn là văn", "thơ là thơ", hay là hay", "ừ thì cứ" đọc đi, đừng phán định gì cả, thơ - văn khó lắm, chỉ nên cảm giác thôi"...

"Con hơn cha là nhà có phúc", các cụ ta đã dạy, và còn dạy tiếp: "Muốn tròn thì phải có khuôn, muốn vuông thì phải có thước". Nếu chúng ta không chịu dùng các thước đo mỹ học để thẩm định giá trị của nhau, mà chỉ dùng các loại thước cảm tính "cong ăn cong - thẳng ăn thẳng" thì quả là chúng ta đã thua xa các thế hệ ông cha, và phải chịu trách nhiệm về ngôi nhà vô phúc của văn chương - Con thua cha chắc là nhà vô phúc? (!)

Tình trạng thực của chúng ta rất tồi tệ, thấy quá nhiều những nhà văn tự tuyên dương, các nhà thơ tự đấm ngực đội vương miện cho mình, co cụm nhau thành từng "cánh hẩu", thỏa hiệp móc ngoặc các giải thưởng, và kiếm visa xuất cảnh, tác phẩm và tác giả "dịch" ra nước ngoài đã khá nhiều nhưng chưa thấy vọng về một nhà văn hóa hay một tác giả biết viết sạch sẽ về mỹ học... Liệu có một nhà văn nào đã một lần tự hỏi "nếu ta không mượn sức ỷ dốc của hệ mậu dịch thì chắc gì đã có sức phóng để vượt ra ngoài biên giới". Căn bệnh trí tuệ của nền văn học chúng ta rất trầm kha, và nó chỉ có thể được chữa chạy bằng cuộc phẫu thuật đầu tiên phản tỉnh chính mình. Nhà tư tưởng Adam Smith có nói: "Một con người không sử dụng thỏa đáng khả năng trí óc của mình có thể nói là một người đáng khinh bỉ hơn cả một người hèn nhát. Họ như kẻ tàn tật bị méo mó về nhân tính". Chúng ta hãy chắc chắn để quả quyết với nhau rằng: không có một tác giả lớn nào trên thế giới mà chỉ cần viết bằng sự yếu kém của trí tuệ, yếu kém của danh dự, yếu kém đức tu dưỡng mỹ học, yếu kém về văn hóa, và hèn nhát trong cuộc dấn thân vì tất cả mọi người! (?)

2. Đội ngũ phê bình quá thiếu và quá yếu.

Thiếu ư? Điều đó quá rõ rồi, từ trước cho đến nay, đếm đi đếm lại chỉ thấy vài cái tên làm phê bình. Vậy mà, còn thiếu hơn thế, vài "đầu ngón tay" này, cũng không hẳn chuyên tâm "thâm canh" cho hoa trái phê bình, trái lại, vẫn còn nhấp nhổm trồng cấy ngắn hạn, khi có khi không, làm cho cánh đồng phê bình trông càng hiu hắt. Điều này cũng dễ hiểu, bởi, thi ca là trí tưởng tượng thơ ấu của loài người, còn lý luận là khả năng chín muồi của trí tuệ con người. Theo Hegel thì dân tộc nào mở màn dù có hoang sơ đến bao nhiêu đều có những vần thơ truyền khẩu làm lưng vốn văn hóa; song chỉ có dân tộc nào phát triển đến trình độ cao mới có nền lý luận. Tất nhiên, chúng ta phản tỉnh để không bó tay thất thủ trước công trình tiến bộ của lý trí nhân loại, mà để, dấn bước sâu hơn vào con đường khổ nạn thập giá của phê bình.

Thiếu - thì đã rõ! Còn yếu thì có nổi lên không? Tiếc thay, yếu cũng nổi lên như một bằng chứng không thể nào khước từ. Thứ nhất, nhìn vào tác phẩm là hoa trái của tác giả, thì thấy ngay rằng: số lượng quá ít. Đó là chưa kể, hầu trọn số lượng "quá ít" đó lại dành toàn bộ sức sống để ngầm ca những giá trị đồ cổ của quá khứ. Kinh Thánh có câu: "Lòng có đầy, miệng mới nói ra". Vậy nền phê bình của chúng ta đã phán xét được bao nhiêu giá trị của văn học đương đại? Hay là người ta nhẹ nhàng đùn nó cho thời gian phán quyết? Và có phải toàn bộ đời sống văn học tràn đầy không khí im hơi lặng tiếng? Sự im lặng đó chỉ có thể được giải thích bằng hai lý do:

1. Người ta khôn ngoan "ngậm miệng ăn tiền".
2. Trong lòng người ta trống rỗng đến mức chẳng có gì nổi lên để phát thành tiếng nói.

Và người ta đã "chơi đồ cổ". Nhưng nên nhớ rằng, đồ cổ dù có đắt bao nhiêu song đó không mang giá trị thực của một cuộc đời đang thở. Có triết gia đã nói: "chỉ có hiện tại là hình thức duy nhất của mọi đời sống". Và "chẳng có thiên tài nào ngoài thiên tài thời mình đang sống". Và "kẻ nào không dám sống vì thế giới này, kẻ đó không bao giờ được đón nhận ở thế giới khác". Nếu chúng ta không phán định giá trị hiện thời để trở thành "thiên tài phê bình" ở đời này, thì làm sao có thể hy vọng trúng số độc đắc thành danh ở tương lai? Ngày mai như người ta nói một cách giản dị: phải bắt đầu từ hôm nay.

Dân tộc Ấn Độ có một phương ngôn "đòi nợ" vô cùng quả quyết: "Kẻ nào không hoàn trả lại những gì mình nhận được, kẻ đó chỉ là một tên ăn cắp". Vậy, kẻ tri thức đã học được bao nhiêu chữ nghĩa của các thiên tài, các nền van minh, các nôi văn hóa, và những lời ru của quê hương, kẻ đó đã làm được gì thêm để bổ sung vào những gì mình nhận được? Hay chỉ đơn thuần như một kẻ hủ nho lọ mọ đi nhặt nhạnh mọi ngăn kéo cũ để xếp chật nhà? Và có phải nếu không có lý trí phán xét thì sẽ không phân biệt nổi giữa ngăn kéo và sọt rác?

3. Thao thức phê bình yếu.

Tất nhiên, không có tư tưởng sẽ không có hành động. Bởi thế, không có thao thức trăn trở để hạ sinh lý luận sẽ không bao giờ có lý luận. Đó là điều hiển nhiên, nhưng tiếc thay cứ phải nhắc đi nhắc lại giữa một bút trường do quá yếu ớt về trí tuệ - chủ trương "viết cho vui" - "đời là cuộc chơi" nên đã tảng lờ sự trau dồi trí tuệ để chọn lấy vài thành công ăn xổi ở thì của bản năng. Socrate nói: "Không có biến cố nào tai hại hơn cho một người bằng thù ghét lý luận". Và Nietzsche thì quả quyết: "Tiến bộ lớn nhất mà loài người học được là học lý luận xác thực".

Bản năng chỉ có thể dậm chân tại chỗ. Tình cảm thì muôn đời vẫn vậy. Chỉ có lý trí mới biết lên đường đi tìm cuộc hành trình tiến bộ. Và cũng chỉ có lý trí mới tìm ra nguyên lý phổ quát làm chân móng - lẽ sống - cũng như giá trị cho tác giả và tác phẩm. Hegel khẳng định: Cảm tính chỉ làm nên sự mô phỏng, chỉ có tinh thần mới làm nên nghệ thuật.

Cảm tính bao giờ cũng thu vén cho mình! Chỉ có lý trí mới đem con người vị kỷ ra hội nhập với các giá trị phổ quát, chân lý, và nhân loại. Bởi vậy, do thiếu sức sống của lý trí, rất nhiều nhà văn nhà thơ, nhà phê bình của chúng ta đành cứ loay hoay co mình trong vỏ bọc ích kỷ: khen - cũng sợ người nổi tiếng, chê - cũng sợ người có danh, im lặng thì sợ mất phần, thế là đành khen vờ chê giả. Và đó cũng là nguyên do chính yếu giải thích tại sao: có quá nhiều những cây bút sẵn sàng làm tác giả, bởi làm tác giả thì chỉ lo viết cho mình, chứ không phải viết để vì ai cả. Trái lại, gần như chẳng có ai muốn làm phê bình vì sợ: Khen - chê thì đều cho người chứ không phải cho ta.

Theo các triết gia, thì một xã hội vị kỷ sẽ chỉ là một xã hội rời rạc và sẵn sàng gẫy vụn bởi những móc nối tình cảm yếu ớt tủn mủn.

Sự yếu kém của nền văn học chúng ta đã bày ra quá rõ ràng, nhưng câu hỏi tôi nên hay không phải làm những nghi vấn mà là cách thức đề cập "trăn trở" hơn để chúng ta cùng ngẫm và xây đắp vì một nền văn học hùng mạnh của dân tộc. Bởi văn học là tiếng thở trí tuệ và nhân cách sống của một dân tộc, và, nếu chính những con người văn học lại không ý thức được điều đó, thì bao giờ dân tộc ta mới có được một giá trị văn học phẩm chất cao làm màng bọc thanh khiết cho cuộc đời thực tại còn đầy u mê trong cuộc truy cầu vật chất lam lũ của trần gian?

Mong được mọi người chia sẻ thịnh tình, để cùng chung xây sự nghiệp tâm hồn văn học vì tất cả mọi người. Cám ơn nhiều!

2/ 9/ 1999
N.H.Đ
(131/01-2000)



 

Các bài mới
Rửa tội (05/03/2010)
Báu vật (05/03/2010)
Tượng đá (04/03/2010)
Củ và hạt (03/03/2010)
Lèn Voi (03/03/2010)