Tạp chí Sông Hương - Số 131 (tháng 1)
Nhìn thẳng vào thực trạng trí thức Thừa Thiên Huế
15:04 | 24/02/2010
NGUYỄN NGỌC MINHNằm trong nội dung một đề tài nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn của Tỉnh về: khảo sát thực trạng, đề xuất chủ trương giải pháp, xây dựng đội ngũ công nhân- nông dân- trí thức, tăng cường khối liên minh công- nông- trí thức ở TT- Huế.

Và nhằm đóng góp vào chuyên đề “ Một vấn đề xây dựng và phát huy vai trò của trí thức ở TT- Huế hiện nay”; tôi thấy cần bày tỏ một số suy nghĩ và giải pháp với tinh thần nói thẳng, nói thật, nhằm phục vụ cho lợi ích chung:

Cách đặt vấn đề tổng thể của đề tài rất có ý nghĩa và đi sâu vào chủ đề trí thức cũng có tầm quan trọng của nó đối với Tỉnh ta, và chính đó cũng là nét đặc trưng, đồng thời cũng là thế mạnh của trung tâm văn hóa- du lịch- khoa học và xã hội của Huế. Tôi nghĩ không phải là vấn đề đi quá xa, nhưng muốn hoạch định các chính sách lớn cho vấn đề xây dựng và phát huy vai trò của các thành phần xã hội nào đó thì trước hết phải khảo sát điều tra những số liệu cơ bản và phân tích đặc điểm cơ cấu của thành phần xã hội đó trước khi bàn đến mối quan hệ liên kết. Ví dụ: điều tra về nguồn lực:

- Công nhân: hiện có, dự kiến sự phát triển đến năm 2000 (phải tính đến các doanh nghiệp tư nhân, liên doanh, cổ phần hóa)

- Nông dân: cơ cấu hiện nay và sự chuyển biến của quá trình đô thị hóa với công nghiệp hóa.

- Trí thức: hiện tại và tương lai- cơ cấu nguồn lực trí tuệ, tài nguyên tri thức (hiện nay một số người muốn dùng một cụm từ bao quát hơn là tài nguyên tri thức và trí tuệ thay vì chỉ tầng lớp trí thức)

Hai chủ đề trên (công nhân và nông dân) có lẽ sẽ dành cho các đơn vị và tổ chức khác tiến hành và nghiên cứu sâu hơn. Những vấn đề trí thức có thể đi sâu hơn về các khía cạnh:

- Cơ cấu đội ngũ trí thức có sẵn hiện nay, đội ngũ cán bộ thuộc khoa học công nghệ, đội ngũ cán bộ khoa học xã hội và nhân văn (trong đó bao gồm lực lượng văn nghệ sĩ). Đã có nhiều cuộc điều tra, song không hiểu hiện nay chúng ta đã có được những số liệu tương đối chính xác và những chủ đề cụ thể hay chưa? Ví dụ: số cán bộ đại học, trên đại học thuộc khoa học công nghệ (KHCN) hay khoa học xã hội nhân văn (KHXHNV). Các lĩnh vực này cũng bao gồm nhiều đối tượng và cơ cấu khác nhau, ngay lĩnh vực KHCN cũng có những đội ngũ thuộc khoa học tự nhiên (KHTN), thuộc những lĩnh vực lý thuyết cơ bản, có đội ngũ hoạt động trong các lĩnh vực khoa học ứng dụng với nhiều chuyên ngành khác nhau. Các cơ cấu của KHXHNV cũng vậy. Cần phân tích tháp tuổi, giới, xuất xứ của các cơ cấu đó (đào tạo ở đâu, trong nước, ngoài nước). Họ hoạt động ở môi trường ra sao: đúng chuyên ngành hay trái ngành đào tạo, hoạt động lãnh đạo, quản lý, hay hoạt động chuyên môn kỹ thuật. Hoàn cảnh kinh tế và mức sống của họ hiện nay ra sao, sản phẩm trí tuệ thu được: bao nhiêu công trình nghiên cứu, bao nhiêu vấn đề được ứng dụng, tầm cỡ địa phương, quốc gia hay quốc tế trước khi xác định là KHCN mạnh hay KHXHNV mạnh để đầu tư, cân đối...

- Cần khảo sát số sinh viên là con em TT- Huế hiện đang theo học các trường Đại học trong và ngoài nước, ngành nghề? (hiện đang tự phát, chưa có khả năng điều phối, định hướng, điều chỉnh cơ cấu trước mắt và lâu dài) số thợ lành nghề được đào tạo, khả năng thu hút chuyển nhượng chất xám từ ngoài về (lực lượng kiều bào trí thức quê hương TT- Huế) và từ các vùng trong nước đã và sẽ có quan hệ trao đổi- chuyển giao... (chủ yếu Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh)...

Phải có những điều tra như vậy thì mới có được cái gọi là xây dựng và phát huy vai trò của trí thức với một cái nhìn lớn và một ý đồ lớn, kế hoạch hóa và chương trình hóa khi chuẩn bị bước vào một thế kỷ mới, một thế kỷ với những đặc điểm là có sự chuyển biến sâu sắc nằm trong dòng biến chuyển chung của thế giới, của đất nước đang bước sang một giai đoạn mới của nền văn minh nhân loại, của đời sống kinh tế, xã hội, mang tính toàn cầu. Sự chuyển biến này đòi hỏi sự thích ứng đổi mới rất nhiều trong tư duy và nhận thức của mỗi người, mỗi tổ chức...

Gần đây có các bài phát biểu của một số trí thức trong nước, cũng đã có đề cập và nhấn mạnh: cuộc sống hiện nay luôn luôn biến động, nảy sinh nhiều vấn đề chưa có sẵn lời giải đáp. Ngày nay một chuyển biến nổi bật của thế giới là vai trò rộng lớn của tri thức và trí tuệ con người, tri thức và trí tuệ của mọi người trong mọi lĩnh vực đều có thể tham gia làm nên sự giàu có của xã hội. Trong một thế giới mà tính cạnh tranh ngày càng quyết liệt, ưu thế sẽ thuộc về những ai (những địa phương) có khả năng tư duy mới, năng động, sáng tạo, có khả năng phản ứng nhanh, chuyển hướng nhanh trước những biến động của cuộc sống đòi hỏi. Chính vì thế phải đổi mới tư duy một cách sâu sắc, phải có khả năng khái quát cao, những cũng phải có một cái nhìn thực tế và một cách làm thực tế, không kêu gọi chung chung, không duy ý chí, không hình thức và vô hiệu quả. Có được những thay đổi như vậy thì mới khơi dậy được và phát huy được mọi tiềm năng tri thức trong dân tộc, tạo cho đất nước một sức sống năng động rộng lớn có khả năng vượt qua mọi thử thách để phát triển bền vững. Chúng tôi đồng tình trong cách đặt vấn đề như vậy.

Vấn đề là làm sao để tập hợp, phát huy nguồn tài nguyên tri thức, để hội nhập và phát triển vững chắc, để tạo ra một kết quả cuối cùng là sự giàu mạnh của đất nước và quê hương.

Tôi có may mắn được đi ra bên ngoài nhiều, hàng năm đều có giao lưu, tiếp xúc, làm việc và học hỏi kinh nghiệm của các nước, tạo cho mình một suy nghĩ có cân nhắc, có tiếp thu kế thừa và biết cách phân tích phê phán, nói một cách khác là theo cách “ Đãi cái thô lấy cái tinh”, học tập kinh nghiệm và những tinh hoa của họ. Thực ra không có một mẫu mực và một nền văn minh nào là tuyệt hảo, một quốc gia giàu có đầy tiềm lực cũng có những cái dở, cái tồn tại, cái bế tắc khá hiểm hóc, dù là các nước công nghiệp hàng đầu (G7). Cách đây một tháng tôi được tới thuyết trình tại một Trường Đại học ở Nhật Bản, dấu ấn rõ nét nhất của tôi là so với các nước công nghiệp có hàng trăm năm không bị tàn phá thì Nhật phải tính sự phát triển mới sau năm 1945. Các giáo sư Nhật Bản nói với tôi là sau 1945 nước Nhật đã không còn gì là nền văn hiến và họ phải làm lại tất cả. Trong lĩnh vực đại học, chỉ có một cái đáng giá là một thư viện mà Mỹ giúp và cho tới nay họ vẫn ghi nhận là có ý nghĩa vì đó là chìa khóa của trí tuệ. Họ đã phát huy nội lực cao độ, làm việc không biết mệt,làm việc không phải chỉ cho chính mình mà cho một Nhật Bản phát triển và phồn thịnh, một diện mạo của một Nhật Bản hoàn toàn khác, sánh vai và vượt lên phía trước. Họ đã làm được những điều họ mong muốn, kể cả cải tạo môi trường nòi giống, sức khỏe, tuổi thọ, những vấn đề dân sinh và xã hội. Tôi muốn nói đến những người làm việc cần cù (hoặc được gọi là “ hội chứng làm việc quá sức”) sự tiêu dùng xã hội so với mức sản xuất phát triển. Ở đây có một sự tương phản với sự quản lý và điều hành nhân lực và xã hội ở ta: rõ ràng ở các nước phát triển giờ chính quyền mọi người đều lao động, không có nhiều người rỗi rãi, vào các quán cà phê, ăn uống, nhậu nhẹt, mọc nhan nhản ở bất cứ thành phố nào và có vì vậy nên UBND TP. Hồ Chí Minh đã không cấp tiếp giấy phép cho các dịch vụ ăn uống? Tôi cho đó là một dấu hiệu tốt của sự quản lý và điều hành xã hội...

Một dấu ấn khác của nền khoa học và phát triển đại học, ở các nước ASEAN, hẳn không thể không thừa nhận họ có những bước phát triển tốt và có những lĩnh vực chúng ta đã lạc hậu có khi tới vài ba chục năm. Vấn đề phải tìm ra lời giải, sự tháo gỡ, có hiệu quả khi so sánh những lợi thế của ta đối với họ. Chúng ta không hề thua kém về dân trí, truyền thống cần cù, thông minh, hiếu học và sự khéo léo. Nước ta có nguồn tài nguyên phong phú, nguồn tài nguyên văn hóa tinh thần cũng là những vốn liếng to lớn, cộng với thể chế chính trị tiến bộ với một mục đích và định hướng tốt. Rõ ràng vấn đề là ở chỗ phải tạo ra một môi trường thật sự thuận lợi, màu mỡ cho sự phát triển cao độ mọi năng lực tri thức và trí tuệ trong mọi lĩnh vực hoạt động, phải đổi mới dù đó là các lĩnh vực lãnh đạo, quản lý đến các hoạt động sản xuất, dịch vụ, thương mại, kinh doanh, văn hóa, xã hội...

Để đóng góp cụ thể về giải pháp, tôi nghĩ có 2 đầu mối cần được quan tâm đổi mới:

1. Các chế độ, chính sách, công tác quản lý, lãnh đạo của nhà nước, của địa phương, của các đơn vị chủ quản. Phải có chính sách (vĩ mô hay được dùng như một quốc sách) đào tạo, phân phối, sử dụng, đãi ngộ. Phải nhất quán giữa ý tưởng và thực thi, nói với làm, cái nọ liên quan tác động đến cái kia (từ lĩnh vực này có thể nêu ra hàng ngàn thí dụ). Rõ ràng cách giải quyết không tốt đã dẫn đến khó khăn chồng chất, tạo thành một vòng luẩn quẩn, vướng mắc không có lối thoát như: hệ thống giáo dục, chính sách phân phối điều động cán bộ, chính sách lương bổng, chính sách tuyển chọn ưu đãi nhân tài, chính sách đề bạt cán bộ... Tôi thật sự không có ý định so sánh, đề cao không cần thiết hoặc có một ý đồ không lành mạnh nào đó, nhưng thật sự tôi suy nghĩ khi chính mình thấy một đồng nghiệp- một giáo sư y học ở Bệnh viện Đại học Geogetown University- Washington D.C Hoa Kỳ đã khám bệnh quá cẩn thận với một thái độ tâm lý tiếp xúc tuyệt vời với một bệnh nhân sắp sửa vào phòng mổ. Tôi thấy tự tay người thầy thuốc đó chích một ống thuốc an thần cho bệnh nhân và cũng tự tay cùng điều dưỡng đẩy một bệnh nhân vào phòng mổ. Câu hỏi của tôi tại sao có một thái độ chu đáo đến như vậy, câu trả lời hết sức đơn giản và thoải mái: “Tôi không làm như vậy thì không ai thuê tôi làm, tôi có đồng lương cao, vị trí tốt được tín nhiệm và họ mới cần tôi”. Vấn đề ở chỗ là bệnh nhân biết ơn thầy thuốc đã cứu chữa họ. Nhưng thầy thuốc cũng biết ơn bệnh nhân đã cho thầy thuốc một cuộc sống đầy đủ xứng đáng với khả năng của họ (tôi hỏi lương giáo sư đó là 300.000 USD/ năm). Vậy vấn đề đãi ngộ và mối ràng buộc vật chất đã tác động đến việc làm và thái độ đối với công việc, khỏi cần phải hô hào gì cả. Rõ ràng, dẫu cần các yếu tố tinh thần và giáo dục đạo đức nghề nghiệp, nhưng không thể để quá lâu mức lương một bác sĩ ra trường chỉ có 200.000 đ thì họ không đủ sống và dồn hết tâm sức cho nghề nghiệp.

2. Các vấn đề do bản thân đội ngũ cán bộ khoa học, trí thức cần xác lập và thực thi trách nhiệm đối với xã hội bao gồm cả tự giác và bắt buộc theo chính sách, pháp luật. Một thực tế và một câu hỏi được đặt ra là: rõ ràng trong những ngổn ngang về khách quan cũng như chủ quan, những khó khăn từ nhiều phía nhưng sự đóng góp của từng cán bộ khoa học, từ mỗi trí thức đóng góp cho xã hội nhiều khi rất khác nhau: có người vẫn đem hết tâm huyết hoàn thành các công việc được giao phó, biết khắc phục chịu đựng những khó khăn, biết phát huy tính sáng tạo, cách thức phù hợp với hoàn cảnh của đất nước, của cơ quan để hoàn thành nhiều công việc rất có ý nghĩa được tập thể thừa nhận, nhưng cũng không ít cán bộ hữu danh vô thực, ỷ lại cho hoàn cảnh, công việc trì trệ, lo việc riêng nhiều hơn việc chung hoặc hoàn thành ở một mức chung chung, không có gì để khen cũng không có gì để chê, và phải kể đến một số không lớn có những hành vi và sai lầm nghiêm trọng ở một số cương vị nào đó... Đó là một thực tế rất cần suy nghĩ.

Gần đây trong một số cuộc họp trong một số hội thảo, một số bài viết trên báo chí gây cho tôi một sự tâm đắc và những dấn ấn tốt đẹp lẫn cảm phục. Tại đại hội MTTQ khóa V các đại biểu có nghe bài phát biểu của bà Ngô Bá Thành kể rằng: Bà là một trí thức cũ, từ chính quyền cũ trước giải phóng, là một luật sư, là một người ngoài Đảng nhưng được Đảng, Nhà nước giao nhiều chức vụ, trọng trách, được mời tham dự nhiều vị trí xã hội và nghề nghiệp. Rõ ràng các hoạt động của bà cũng gây không ít ngạc nhiên cho một số người nước ngoài là tại sao bà lại có thể phát huy năng lực và trí tuệ của mình trong một chế độ mới mà họ tưởng là có sự mâu thuẫn hay đối kháng? Bà tự khẳng định: chỉ có chế độ XHCN do Đảng Cộng sản lãnh đạo mới tạo cho bà được một vị trí và một môi trường phát huy tốt nhất năng lực của bà (một người vốn thẳng thắn xây dựng và đấu tranh khá gay gắt với những gì khác biệt) và chính nhờ các hoạt động phục vụ cho một nhà nước XHCN, hoạt động ở tổ quốc thân yêu của bà mà tên tuổi của bà được chọn vào hai vinh dự của một phụ nữ có tên tuổi của khu vực và thế giới (người phụ nữ tiêu biểu của năm 1998 tại Luân Đôn và Châu Á), hoặc trong một bài báo viết về Giáo sư- Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo, chính sự thành công và mang lại vinh dự cho tên tuổi của ông là ở chỗ dù trưởng thành và sống ở nước ngoài nhưng trái tim và khối óc của người nhạc sĩ Việt kiều đó luôn ấp ủ, thai nghén để hình thành lên những tác phẩm âm nhạc, mang cốt cách Việt Nam, âm hưởng Việt Nam, như ông nói: “ Khối âm thanh làng Việt đeo đẳng suốt đời tôi” và với 64 tác phẩm viết cho tới năm 1999 đã cho thấy các tiêu đề mang tính dân tộc và cách mạng, với nét độc đáo của bộ gõ dân tộc như các tác phẩm: “ Phù Đổng”, “ Tuyến lửa”, “ Giao hưởng Koskom”, “ Ecouter Mouris” và sắp tới là “ Hồn non nước” (viết cho 300 năm Sài Gòn và 1000 năm Thăng Long) hay Opera “ Mỵ Châu và Trọng Thủy”... Chính cái hồn, cái chất Việt Nam, cái chất Á Đông không pha trộn lại càng tạo nên một sự độc đáo được tôn vinh và ông đã được ghi tên trong tự điển “ Le Petit Larousse” hay “ Le Petit Robert” và chắc còn có một tự điển lớn lao hơn thế nữa là sự ghi nhận và trân trọng đáng khâm phục của tổ quốc và nhân dân dành cho một người con xa xứ về những gì mà ông đã đóng góp, cùng với Trần Văn Khê cũng là những nhạc sĩ, và với khá nhiều những trí thức khác đã làm rạng rỡ cho đất nước.

Từ những cảm nhận trên đây, tôi muốn khu trú lại cách nhìn, cách đặt vấn đề, cách thức cần làm ở một địa phương như chúng ta để xây dựng và phát huy vai trò của trí thức Thừa Thiên Huế vẫn là từ 2 vấn đề:

- Đó là các chủ trương chính sách, các nghị quyết có liên quan đến lãnh đạo và chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh đối với đội ngũ trí thức trên địa bàn, các đồng chí lãnh đạo nên bàn, nên làm và làm một vài điều cụ thể, bởi sự thật là có những vấn đề đã đặt cách đây 5, 7 năm nhưng chưa thấy xúc tiến những chính sách cụ thể. Tôi không có ý định đề xuất khu trú trong các chính sách ưu đãi vật chất mà còn cả về tinh thần, về việc tạo ra các môi trường thuận lợi tạo ra “ đất dụng võ”, dù là tượng trưng cũng tỏ rõ sự quan tâm tới việc “chiêu hiền đãi sĩ”, “ trọng dụng người tài” chăm chút và khích lệ đội ngũ trí thức. Nếu muốn nói rõ ra, thì ở Huế có cái gì để nhiều người muốn đến, muốn về, muốn ở, mà ở thì ở hết mình.

- Đó là những trách nhiệm, những gì cần phải đóng góp ở mỗi cán bộ khoa học kỹ thuật trên từng lãnh vực công tác của mình (đội ngũ rất phong phú, rất rộng, rất nhiều lĩnh vực, khá mạnh (không dùng rất mạnh), một lợi thế chỉ sau Hà Nội- Thành phố Hồ Chí Minh, mà nhiều địa phương không thể có.

Ở địa phương ta, hình thức 3 nhóm trí thức, có lẽ là 3 dòng chảy:

+ Đại học Huế (cần khai thác tiềm năng và thế mạnh của Đại học Huế)

+ Các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn Thừa Thiên Huế (sẽ khai thác thế mạnh của Trung tâm y tế chuyên sâu khu vực Miền Trung, chủ yếu tại BVTW Huế, phối hợp với Đại học Y Huế).

+ Các hoạt động khoa học thuộc các ban ngành của Tỉnh: Giáo dục đào tạo, Văn hóa, Văn học nghệ thuật, Bảo tồn- bảo tàng, Lịch sử, Nông nghiệp- phát triển nông thôn, Công nghiệp, Thủy lợi, các lĩnh vực tôn giáo...)

Khai thác nét đặc trưng của các hoạt động ở Huế, nội dung của Huế, nét độc đáo của Huế trên một địa danh có một nền văn hóa vật thể và phi vật thể vẫn còn chứa đựng nhiều điều chưa được khai thác (có nhiều lĩnh vực vẫn có thể đi đầu, kinh nghiệm ở các nước đã cho thấy không nhất thiết cái gì cũng thủ đô mà có thể các trung tâm vẫn có những cái dẫn đầu mà nơi khác phải đến học). Đó chính là trách nhiệm và nội dung cần bàn bạc để làm sáng tỏ thêm, tìm ra được nhiều nội dung cụ thể và các giải pháp hữu hiệu.

Tôi hy vọng, trước ngưỡng cửa của thế kỷ mới, chúng ta đang bước tới,ở vào giai đoạn có sự cạnh tranh quyết liệt của sự sống còn, hoặc là vươn tới, hoặc là sự thụt lùi, hoặc là một Thừa Thiên Huế- Miền Trung sánh vai được với các vùng đất khác với những niềm tự hào chính đáng, hay là một miền Trung mãi mãi nghèo nàn, đau khổ với thiên tai bão lụt... Điều đó tùy thuộc phần lớn vào sự nỗ lực chung, trong đó có đội ngũ trí thức luôn được Đảng và Nhà nước đánh giá là một lực lượng quan trọng có những vai trò to lớn đối với sự hưng thịnh của đất nước ở mọi thời kỳ.

Trên đây là những tâm tư, nguyện vọng, những đóng góp của chúng tôi tiếp theo các phát biểu trước kia trong các hội thảo bàn về trí thức. Có lẽ những đóng góp nhỏ trên đây sẽ góp thêm tiếng nói cùng với nhiều cán bộ khoa học khác trên địa bàn, với mong muốn chung là phải phát huy vai trò của trí thức TT- Huế trong giai đoạn mới.

N.N.M
(131/01-2000)




 

Các bài mới
Rửa tội (05/03/2010)
Báu vật (05/03/2010)
Tượng đá (04/03/2010)
Củ và hạt (03/03/2010)
Lèn Voi (03/03/2010)
Các bài đã đăng