Tạp chí Sông Hương - Số 131 (tháng 1)
Vài điều về tư tưởng nghệ thuật trong “Cơ hội của Chúa”
15:26 | 25/02/2010
ĐÔNG LA.     (Tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà, Nxb Văn Học")
Vài điều về tư tưởng nghệ thuật trong “Cơ hội của Chúa”
Ảnh: Internet

Trong thời gian qua, tiểu thuyết “Cơ hội của Chúa” cũng giống như một số tác phẩm khác đã tạo ra hai luồng định giá trái ngược nhau. Trong thời buổi này, trong mênh mông sách vở và các phương tiện giải trí khác, mà người ta, từ già đến trẻ, từ trong Nam đến ngoài Bắc, vẫn kháo nhau tìm đọc một quyển sách gần 500 trang, của một tên tuổi xa lạ, lại còn bàn luận xôn xao..., không có "văn tài", không thể tạo ra được một hiệu ứng như vậy, nhất đó lại là tác phẩm sáng tác chứ không phải loại chuyện giật gân, hoặc kiểu viết lách thóc mách, tọc mạch. Chính cái văn phong chững chạc, biến hóa, đầy ấn tượng, mạch văn gọn, ý tưởng nhiều, những mảng hiện thực được phản ánh đúng... của cuốn tiểu thuyết đã tạo ra được như vậy.

Đã có những tác giả phê phán “Cơ hội của Chúa” triết lý quá nhiều. Tôi thấy việc triết lý nhiều hay ít trong tác phẩm không có lỗi, bởi một tác phẩm có tầm khái quát và tầm cao triết lý luôn là sự phấn đấu và mơ ước của nhiều người viết. Chỉ có điều cần phải xem là sự đúng sai, cũ mới, cao thấp của những vấn đề đó. Có tác giả phê phán “Cơ hội của Chúa” như một sân chơi của nhóm trí thức lưu manh. Tôi cũng không đồng tình cho lắm, ở chỗ, việc viết về những nhân vật tốt hay xấu đâu có là vấn đề phải bàn đối với người viết. Người viết chỉ đáng bị chê trách khi xây dựng một nhân vật xấu lại không thành một nhân vật xấu mà thôi. Về mặt nào đó, một số nhân vật trong “Cơ hội của Chúa” đã được xây dựng khá thành công, có thể còn là hình mẫu cho khá đông một lớp người trong cuộc sống hiện nay. Đó là những con đẻ của chủ nghĩa thực dụng, những thị dân lọc lõi, bon chen, giành giật, chơi trội... Nhưng họ chưa phải là những kẻ lưu manh thực sự. Họ vẫn giữ được những đức tính tốt cơ bản như: tình mẹ cha, anh em, bạn bè, sự trung thực, sòng phẳng trong đối xử cá nhân, sự căm ghét cái giả trá, lươn lẹo... Chỉ có điều quan niệm của họ về đạo đức, tình yêu, tình dục, về cách thức làm ăn... Có "thoáng" hơn lớp cha anh xưa. Về tên cuốn tiểu thuyết, có người khuyên Hà không nên đặt là “Cơ hội của Chúa”.

Theo tôi, với điều mà tác giả muốn gửi gắm, cái tầng ý tưởng sâu nhất mà tác giả muốn thể hiện, thì không tên nào phù hợp bằng cái tên đó, cũng như hai màu giai thoại, hai câu chuyện cổ cũng được tác giả cài đặt khéo léo, chúng có một ý nghĩa thống nhất với các ý tưởng tác giả muốn gửi gắm ở cái tên sách kia. Khi đặt mình vào vị trí của người sáng tác, khi vò đầu bứt trán mà vẫn không viết nổi một câu văn của riêng mình, thì để đạt được những điều như Nguyễn Việt Hà vừa kể trên cũng không dễ. Một người ít học ít đọc không có tài văn không thể viết được một cuốn sách như “Cơ hội của Chúa”. Mặc dù vậy, ai cũng biết, giá trị của một tác phẩm không chỉ ở chỗ khéo viết, văn hay chữ tốt, mà còn ở tư tưởng của tác phẩm, khả năng tái hiện cuộc sống sống động như thế nào. Tiếc là ở mặt này, Nguyễn Việt Hà vừa có điểm mạnh lại vừa có điểm yếu. Mạnh vì anh có tri thức, nhưng cũng yếu vì tri thức ấy vẫn chưa đủ cao, đủ sâu để giải quyết thỏa đáng những bài toán về tư tưởng mà anh đặt ra vào thời điểm hiện nay.

Về cách viết của Hà cũng vậy. Hà sử dụng phương pháp ấn tượng, chỉ nhấn những nét chính (Hà coi tiểu thuyết là bản nháp của cuộc sống), khắc phục được sự kể lể dài dòng, mạch văn đi nhanh, cầm chân được độc giả, nhưng những nét nhấn, những nét vẽ phác ấy vẫn chưa đủ độc đáo, nên những nhân vật cũng như hiện thực được tái hiện không sống động, còn sơ lược. Muốn đạt được điều này, tức là vẽ phác thôi mà vẫn sống động, tác giả cần phải có sự am tường hoặc vốn sống về tất cả những lĩnh vực mà mình muốn thể hiện. Hà rất đạt khi khắc họa tâm trạng, tình cảm, cá tính, những sinh hoạt thông thường (như ở nhà, quán ăn...) của nhân vật. Nhưng những việc chính như nghề nghiệp, chuyện làm ăn, khả năng... thì, theo kiểu con hát mẹ khen hay, những nhân vật Hà dựng lên: nào là tài năng, nào là thông minh, rồi chí lớn... lại chỉ như đứa bé hát không hay kia, đã không đủ thuyết phục. Từ nhân vật chính là Hoàng, chỉ hiện lên qua một cơ quan cũng chẳng rõ cơ quan nào, một người ngoài tài đánh đàn nghiệp dư, viết vài truyện ngắn, bàn luận được vài tư tưởng của người xưa, có đức tin Thiên Chúa... là hết. Vậy Hoàng đã hiện lên không phải theo ý tác giả: là một con người xuất chúng, một công dân mà trình độ và những cơ chế của thế kỷ này còn quá chật chội đối với tài năng, một con người của thế kỷ tương lai, mà thực chất chỉ là một con người bất đắc chí, yếm thế, quẫn trí, và đặc biệt, một người nát rượu. Tác giả đã rất thành công trong việc dựng được một người nát rượu, tất cả đều rất chi tiết và sống động: từ không gian quán xá đến thời gian, từ cách thức uống đến lượng uống, nhìn chai rượu là để ý nó còn bao nhiêu, nhìn những loại rượu là nhẩm tính xem thành tích của mình đã uống được mấy loại, hành động đầu tiên khi gặp nhau là rót rượu.

Với những nhân vật khác cũng vậy: người này làm ăn lớn, người kia là nhà khoa học tài năng, người là con ông cháu cha thế lực mạnh... tất cả cũng chỉ hiện lên bằng những nét vẽ phác, tác giả cũng không đủ sự am tường, nên sự xuất hiện của họ cũng chỉ như một sự gán ghép, luôn muốn chơi trội của những kẻ sĩ hãnh tiến hơn là những người vật lộn kiếm sống, ham làm giàu, ham quyền lực. Bởi những người thiên về hành động như vậy thường không quá nhạy cảm, không quá suy tư triết luận như những nhân vật trong “Cơ hội của Chúa”. Có thể lấy ví dụ về việc Hà không đủ sức tạo dựng một nhân vật như nhân vật Thắng, một tài năng không gặp thời. Một nhà nghiên cứu tài năng gì đâu mà chưa làm đã đốt cháy phòng thí nghiệm, công việc nghiên cứu triển khai ghế ghớm gì đâu mà chỉ là tái chế nhựa phế thải... Có những điều, chỉ một vài chi tiết nhỏ nhưng nó lại chứng tỏ người viết không hiểu một chút nào về cái lĩnh vực muốn tái hiện, như trong đoạn viết về Thắng, Hà viết: những hạt nhựa"tinh thể nhựa", Nhựa là hợp chất cao phân tử, vô định hình, không kết tinh, nên không thể có tinh thể được. Nói chung, vốn sống, sự từng trải, sự am tường các lĩnh vực... luôn là gánh nặng với mỗi người viết. Nhưng muốn tạo dựng được một tác phẩm chân thực, sống động, người viết buộc phải học hỏi. Một diễn viên đóng vai võ sĩ không nhất thiết phải chính là võ sĩ, nhưng không thể không biết múa võ.

Ai cũng biết tác phẩm văn học không phải là sách truyền bá tư tưởng và dạy đạo đức. Nhưng để là một tác phẩm có giá trị cao, không phải là một tác phẩm phản ánh thô sơ, câu chuyện trần thuật trần trụi, một mớ ngôn ngữ được xào xáo trống rỗng... nó phải chuyên chở những tư tưởng, phải hướng người ta đến những điều cao đẹp hơn về lương tri và đạo lý. Người ta gọi đó là tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm, tức là tư tưởng được tạo ra, được cài đặt bằng nghệ thuật viết văn. Một nét đáng quý là Nguyễn Việt Hà đã cố gắng tạo ra một tác phẩm có tính chất như vậy. Có điều, cách giải quyết những bài toán về tư tưởng mà anh đặt ra lại không thỏa đáng, chúng rất cũ và đầy tính siêu hình, yếm thế. Nếu văn phong của Nguyễn Việt Hà có nhiều sáng tạo về ngôn ngữ và hình ảnh thì về mặt tư tưởng nghệ thuật, Hà không có một ý nào mới có giá trị, nếu có lại chỉ là nói ngược.

Nguyễn Việt Hà đã dựng lên những con người, với hoàn cảnh và lối sống khác nhau, và cho tất cả các nẻo đường đời của họ đều "cụt ngõ". "Thiên tài" Hoàng, có "khả năng" như một nhà tư tưởng lớn nhưng chỉ được xếp làm một nhân viên trực điện thoại, yêu nhưng bị chiếm đoạt tình yêu, thì không tìm được chỗ dung thân nơi nền văn minh kỹ trị. Nhã, người đàn bà xinh đẹp và tháo vát, lao vào làm giàu như để giải thoát khỏi nỗi khao khát tình yêu nhưng không được, và cũng không bao giờ có được một tình yêu đích thực, bởi người đời luôn đặt hoặc "lợi" hoặc "danh" lên trên nó. Tâm, em Hoàng, một người có chí lớn, đã đặt sự nghiệp làm giàu lên trên hết, trên cả tình yêu, trên cả học vấn (bỏ học đại học, bỏ người yêu đi xuất khẩu lao động), ước mơ là một triệu phú đô la đầu tiên, cũng không thể đạt được ước vọng đó, bởi cơ chế xã hội không cho phép, còn Bình, con ông cháu cha, thông minh đẹp trai, có địa vị để đạt được tất cả, nhưng thực chất vẫn không đạt được gì, bởi cái địa vị ấy là nguyên nhân của sức mạnh cũng đồng thời là nguyên nhân của sự tha hóa (Hai bố con loạn luân quan hệ cùng một cô gái, muốn có tình yêu phải đi chiếm đoạt người yêu của anh ruột bạn mình)... Sự cùng quẫn có thể tóm gọn trong suy tư dằn vặt của nhân vật Hoàng: "Mình là cái gì. Một con zero tròn trĩnh", "Mình hiểu chậm quá... Làm gì có sự đổi thay... Mọi thứ từ từ mủn", "Đã nhiều lần tôi không biết ngày mai tôi làm gì", "Mọi người loay hoay trong sự lờ đờ"...

Theo Nguyễn Việt Hà, cái nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên cũng nằm gọn trong đoạn văn sau: "Ở đâu có sự thô bạo của kiến thức ở đó có đông đạo đức giả. Rời vòng tay của Chúa, con người ta loay hoay tìm cách hoàn thiện bản thân mình... Chúng ta đã gay gắt chối bỏ ân sủng của Thiên chúa bằng nhiều lý do nghe có vẻ hữu lý. Một nhà Thần học đã phải đau đớn nói "Con người ta đã mất đất Mẹ và đã phải lang thang đi tìm đất hứa". Cái miền đất hứa được thế tục hóa bằng sự giàu sang tiện lợi của nền văn minh... Camus cho rằng sự dốt nát dẫn đến độc ác. Vậy giải thích thế nào về những người có học hình như đã làm điều ác... Phải chăng họ đã coi những giá trị tư tưởng vĩnh cửu của các bậc minh triết tiền bối là lạc hậu... Với cách hiểu ăm ắp đầy sách vở, họ coi mọi phương thức đối thoại với im lặng đều là vô nghĩa. Hình như, tất cả nỗ lực của bọn họ sẽ tạo ra được một điều khó tránh, con người đi vào thế kỷ hai mươi mốt bằng tư thế ngã ngửa, bởi cú hích bạo tàn của nền văn minh kỹ trị... "

Trước hết tôi muốn nói, những ý tưởng chính trong cuốn sách này vừa dẫn ở trên, thực chất Nguyễn Việt Hà cũng nói theo người khác. Husserl từng lo ngại nền khoa học đã coi thế giới chỉ còn như một đối tượng khảo sát của kỹ thuật, càng hiểu biết con người lại càng mất đi cái nhìn tổng thể về thế giới và về chính bản thân mình. Heidegger gọi đó là: "Sự quên mất con người". Có điều, đây chỉ là sự nhạy cảm quá đáng đầy tính bi quan yếm thế của những cha đẻ chủ nghĩa hiện sinh, nhưng họ suy nghĩ như vậy dù sao cũng phần nào có lý do bởi ở vào cái thời điểm thế giới khủng hoảng, chuẩn bị xảy ra đại chiến. Còn ở thời điểm hiện nay vẫn nghĩ như vậy là không đúng với thực tế.

Nhưng nếu căn cứ vào nội dung “Cơ hội của Chúa”, sự cùng quẫn của những nhân vật nói trên thực chất chẳng phải do tri thức theo ý tác giả, mà ngược lại, không ai trong số họ có đủ tri thức để làm việc và sống đứng đắn. Sự cùng quẫn của họ chủ yếu do sự bất tài yếm thế, do làm ăn phi pháp, do buôn lậu móc ngoặc, do thủ đoạn chộp giật... chứ có ai thực sự sử dụng tri thức đâu mà là nạn nhân của tri thức văn minh? Nếu cho họ là nạn nhân của nền văn minh nói chung cũng không ổn.

Vì tư tưởng còn nhiều hạn chế do trình độ có hạn như vậy, trước các tình huống "cùng quẫn" được tạo ra trong tiểu thuyết, cái thông điệp mà Nguyễn Việt Hà đưa ra đã không thỏa đáng. Theo tác giả, chỉ có một lối thoát: "Sự cùng quẫn cuối cùng của con người đấy là cơ hội của Chúa". Chỉ đến với Chúa, người ta sẽ "chấp nhận" tất cả, "tha thứ" tất cả, bởi tất cả "mọi sự đều là ý Chúa", càng bất hạnh trong cuộc đời trần tục bao nhiêu, người ta càng có được tình yêu nơi Thiên chúa bấy nhiêu, và cái thông điệp tối thượng của Chúa chính là "phải chết mới được phục sinh"... Với chính sách tự do tín ngưỡng, chắc không ai quy kết Nguyễn Việt Hà truyền bá tư tưởng sai lầm, nhưng những điều anh nói ra đây đều rất cũ, chúng là những tư tưởng yếm thế, bị động, có thể phần nào phù hợp và cứu rỗi được người ta khi sống trong thời đại lạc hậu mông muội xưa, còn hôm nay, khi mà trình độ con người muốn giải thích cả chính Thượng Đế, muốn sống như chính Thượng Đế (Khách hàng là Thượng Đế), thì không còn phù hợp nữa. Bây giờ liệu có ai còn tin, chỉ bằng đến với Chúa, không làm gì cả, con người sẽ đạt được hạnh phúc không? Liệu ai còn muốn có một loại hạnh phúc "suông", một sự "tự kỷ ám thị", thực chất không phải hạnh phúc mà chỉ là một sự tự đày đọa không? Con người hiện đại nhiều người có thể còn tin vào một thế giới siêu hình, nhưng người ta cũng còn biết tin hơn, yêu quý hơn cuộc sống trần tục này.

Vì vậy, chỉ có cách duy nhất thoát khỏi những tình trạng cùng quẫn trong cuộc sống là phải làm việc. Mà để làm việc có hiệu quả, người ta buộc phải cần đến tri thức. Tất nhiên, đó là tri thức đúng đắn ở trong những cái đầu thông minh, đủ sức tiếp nhận và sử dụng chúng, chứ không phải ở những cái đầu sính chữ, cuồng chữ, thu lượm tri thức không phải để làm việc mà để làm dáng, không đủ sức hiểu đến nơi đến chốn lại hay cao ngạo chê bai vô lối. Trong “Cơ hội của Chúa”, tác giả cũng phê phán diễu cợt những trí thức loại này, tiếc là anh còn phê phán luôn cả tri thức của loài người nói chung, và còn coi nó chính là nguyên nhân gây ra sự khốn cùng của cuộc sống. Qua suy tư của nhân vật Hoàng, tác giả còn cho là: "Thực ra vô nghĩa nhất là đọc sách".

Trong thời gian gần đây, tôi thấy có một khuynh hướng đề cao những sáng tác phản ánh mảng tối của cuộc sống, có điều không phải những tác phẩm có ý nghĩa "báo động", "cảnh tỉnh" mà lại là những tác phẩm gióng lên một "nghịch âm", một "cách nói ngược". Hình như họ cho rằng, đổi mới văn chương là phải chuyển cách viết từ: tốt sang xấu, từ ý nghĩa sang không ý nghĩa, từ thực sang không thực, từ logic sang phi logic, từ cụ thể sang không cụ thể... Mà lẽ ra, tôi nghĩ, người viết không phải chỉ viết thế này hoặc thế kia mà phải viết về tất cả, như chính diện mạo của cuộc sống. Vì thích cách nhìn ngược, nên họ đã có những thái độ sai lầm: khi nền khoa học kỹ thuật của chúng ta con lạc hậu, đã vội chê bai kỹ thuật, khi chúng ta còn ở trong nhóm nước nghèo nhất, chưa có vật chất bao nhiêu, đã vội chê bai vật chất... Tất cả chỉ vì tri thức hạn hẹp, người ta đã không đủ sức khâm phục hoặc chê bai một điều gì cho đúng đắn. Với phương tiện thông tin hiện nay, người ta không khó khăn khi tìm kiếm tri thức, nhưng để hiểu cho chính xác rồi còn biết vận dụng nữa thì không phải ai cũng làm được.

Bình Thạnh 20/10/1999
Đ.L
(131/01-2000)





 

Các bài mới
Rửa tội (05/03/2010)
Báu vật (05/03/2010)
Tượng đá (04/03/2010)
Củ và hạt (03/03/2010)
Lèn Voi (03/03/2010)
Các bài đã đăng