Tạp chí Sông Hương - Số 131 (tháng 1)
"Duyên nợ" và "sự cố" quanh tiểu thuyết "Vạn xuân"
14:46 | 03/03/2010
Tiểu thuyết "Vạn Xuân" (Dix mille Printemps) của nữ văn sĩ Pháp Yveline Féray viết về cuộc đời Nguyễn Trãi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn dày trên 1200 trang, do Nguyễn Khắc Dương và một số cộng tác viên dịch, do Nhà xuất bản Văn học in năm 1997 đã được độc giả Việt Nam đón nhận nồng nhiệt.
Bìa cuốn "Vạn xuân" bằng tiếng Pháp - Ảnh: laprocure.com

Nhà thơ Huy Cận, trong lời giới thiệu, đã viết: "...Chị Yveline Féray! Chị hút nhụy từ đâu để có được giọng văn hào khí ấy, để có được sự trực giác lung linh và sâu thẳm ấy, khi viết về cuộc chiến đấu hào hùng của quan khởi nghĩa và của nhân dân, và khi đoán hiểu được tâm hồn Nguyễn Phi Khanh và Trần Thị Thái, tâm hồn Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ qua hai cuộc tình duyên đẹp đẽ mà như có dấu ấn của số mệnh in vào?...Cái bi kịch của Nguyễn Trãi có phải là một tâm hồn lớn phải sống trong một xã hội chật hẹp, ngặt nghèo không? Và vấn đề của thời đại Nguyễn Trãi có phải là vấn đề xây dựng và sử dụng quyền lực sao cho hợp với lòng dân và vận nước? Một tác phẩm nói về những sự kiện và những con người cách đây 5 thế kỷ lại mang tính thời sự không ngờ..."

Dịch giả Nguyễn Khắc Dương

Được biết dịch giả Nguyễn Khắc Dương vừa có dịp gặp tác giả tại Pháp, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông nhằm giúp bạn đọc hiểu thêm tác giả, tác phẩm và đôi chuyện "bếp núc" trong quá trình xuất bản"Vạn Xuân". Xin nói thêm: sau khi rời chiếc ghế Quyền Trưởng Khoa Văn Đại học Đà Lạt, hơn hai chục năm qua, ông Nguyễn Khắc Dương sống như một người ở ẩn, rất ngại tiếp xúc với báo giới. Nhưng chúng tôi đã thuyết phục ông, vì "duyên nợ" và trách nhiệm đối với một tác phẩm lớn, xin ông cứ "biết gì nói nấy".

***

P.V. Xin ông cho biết duyên do cuộc gặp gỡ giữa ông và tác giả "Vạn Xuân" vừa qua ở Pháp?

Nguyễn Khắc Dương (NKD): Tháng 3-4 vừa qua, nhân dịp đi Roma (Ý) dự một cuộc hội thảo tại Trường Đại học San Tommaso D' Aquino, tôi sang Pháp thăm các bạn hữu, rồi đi Nice (miền Đông nước Pháp) gặp nữ văn sĩ Yveline Féray, tác giả cuốn "Vạn Xuân", tại tư gia của hai vợ chồng bà từ 4 đến 6 giờ chiều. Tác giả đã có nhã ý mặc y phục Việt Nam để đón tiếp tôi: một chiếc áo dài màu xanh thêu hoa, rất hợp với dáng người thanh mảnh (rất khác với các phụ nữ Pháp lớn tuổi) của tác giả nay đã trên dưới sáu mươi. Tối đó, hai ông bà mời tôi đi ăn tối tại một nhà hàng Việt Nam. Chúng tôi chuyện trò với nhau mấy tiếng đồng hồ, rất thú vị và hầu như chỉ xoay quanh nhân vật Nguyễn Trãi và quá trình sáng tác cuốn "Vạn Xuân".

P.V. Qua "Lời phi lộ", được biết tác giả đã bỏ ra gần 10 năm trời để sưu tập cả "núi" tài liệu và viết nên "Vạn Xuân", thể hiện mối cảm tình đặc biệt với dân tộc Việt Nam, bạn đọc rất muốn biết đôi nét cuộc đời của bà; tiếc là suốt 1216 trang cuốn "Vạn Xuân" in ở Việt Nam không có dòng nào giới thiệu tác giả. Nay có lẽ ông sẽ bổ khuyết được điều đó; cũng để hiểu điều mà tác giả đã thốt lên trong "Lời phi lộ": "...định mệnh nào đã liên kết tôi vào số phận đặc biệt của con người ấy..."

NKD: Bà Yveline Féray vốn là giáo sư dạy môn Sử học Đông Á tại Trường Đại học Nice, nay là quản thủ thư viện. (Tôi không hỏi rõ là Thư viện của Trường Đại học hay của thành phố). Ngoài tác phẩm "Vạn Xuân", tác giả còn viết một số truyện cổ tích và dân gian Việt Nam. Chồng bà, người Ấn Độ (mẹ của ông lại là người Việt Nam!) là giáo sư dạy môn Tư tưởng Đông Phương tại Đại học Nice. Gia đình bên chồng thời Pháp thuộc buôn bán tại Sài Gòn, sau chuyển sang Cămpuchia. Trước thời Pôn Pốt, ông bà có dạy học tại Pnom Pênh một thời gian. Nếu tôi không lầm thì chồng tác giả là một trong những giáo sư Đại học Pháp thực hiện việc trao đổi giữa nền Đại học Pháp và Đại học Việt Nam, sớm sủa nhất, sau ngày đất nước thống nhất. Ông bà có 2 con: một trai, một gái, đều thành đạt và đã có gia đình, nay đều ở riêng. Hai ông bà hiện ở với nhau tại một villa nhỏ, xinh xắn, cách trang trí có pha lẫn những đường nét Á Đông.

Lúc tôi nói rằng độc giả Việt Nam đều khâm phục tác giả, vì đã thông cảm sâu sắc chẳng những với nhân vật chính là Nguyễn Trãi, mà còn với cả một giai đoạn lịch sử, cả một nền văn hóa của dân tộc Việt Nam; tác giả chỉ đưa mắt nhìn ông chồng và ông ta đã trả lời thay: "Tôi cho rằng giữa Nguyễn Trãi và nhà tôi có lẽ có một liên quan huyền nhiệm nào đó (xin lưu ý ông ta gốc Ấn Độ). Quả vậy, có nhiều lúc trong đêm khuya, khi viết gặp chỗ khó khăn đến phát khóc, thì nhà tôi đã thắp hương van vái với Nguyễn Trãi. Và tôi nghĩ là có một sự Tương ứng tương cầu nào đó..." Tác giả không nói gì thêm, chỉ mỉm cười với vẻ mặt trầm ngâm...

P.V. Độc giả nước ngoài đã đánh giá "Vạn Xuân" như thế nào? Đã có ai dự định đưa tác phẩm lên màn ảnh chưa?

NKD: Tác giả có cho tôi xem tập sưu tầm các bài giới thiệu và phê bình cuốn "Vạn Xuân" trong các báo chí Pháp. Hầu hết đều đánh giá khá cao tác phẩm ấy. Do đó, tác phẩm đã được in trong loại "Livre de poche" (Ngoài bản in chính), là loại sách in những tác phẩm đã có ít nhiều nổi tiếng và được độc giả hâm mộ. Tác giả cho biết một hãng phim Mỹ (hình như có liên doanh với một hãng phim Pháp?) có ý muốn đưa tác phẩm lên màn ảnh, nhưng chưa tìm được nguồn tài chính (và có lẽ rồi cũng khó, vì phim có tính cách hoành tráng, chi phí sẽ rất cao, nếu thực hiện). Nhân tiện cũng xin cho phóng viên hay rằng: Ngay từ lúc biết tôi đã dịch xong tác phẩm, nữ đạo diễn Bạch Diệp cho tôi hay rằng, bà cũng muốn đưa tác phẩm lên phim. Nhưng từ đó đến nay không thấy bà Bạch Diệp nhắc nhở gì đến nữa, chắc cũng vì khó khăn về tài chính.

P.V. Được biết "Vạn Xuân" (bản in tại Việt Nam, NXB Văn học & Sudestasie - 1997) thiếu mất ba chương. Với một tác phẩm quan trọng như "Vạn Xuân", thiết nghĩ thiếu sót này không nên giữ "bí mật". Vậy "sự cố" này thực hư ra sao, thưa ông?

NKD: Một việc thật là đáng tiếc; tuy vậy dù sao cũng là chuyện đã qua và cũng có cách để sửa chữa; hơn nữa, quá trình xuất bản "Vạn xuân" khá "vòng vèo", nên lâu nay tôi rất ngại công khai chuyện này. Nhưng đã 2 năm rồi, không thấy ai lo "sửa chữa" gì, giấy trắng mực đen" thì còn đó, và trong dịp diện kiến tác giả vừa qua, tôi không thể che giấu thiếu sót đó, nay đành phải nói rõ sự thật.

Tôi nhận dịch tác phẩm là do tòa báo "Công giáo dân tộc" (TBCGDT) đặt hàng. Làm xong, tôi giao "hàng" cho TBCGDT, lãnh tiền công, xem như xong phận sự! Xuất bản hay không? Bao giờ? do đâu? Đó là việc của chủ đặt hàng. Kẻ làm công không can dự gì! Hơn 3 năm sau, "Vạn xuân" mới được xuất bản; tôi biết một cách tình cờ: em gái tôi thấy tác phẩm bày bán ở nhà sách, mua một cuốn tặng tôi!...

P.V. Xin phép được ngắt lời ông; nói "lý" theo kiểu thị trường "tiền trao cháo múc" thì người làm công khi đã lãnh tiền là "kết thúc" mọi quan hệ, nhưng "hàng "ở đây là một công trình văn hóa quan trọng, không lẽ trong quá trình chuẩn bị xuất bản, không một ai gặp gỡ, trao đổi với dịch giả sao? Đó là chưa nói chuyện người biên tập nhiều khi còn phải bàn bạc với dịch giả từng câu, từng chữ, nếu thấy chưa ổn. Hay là ông "phóng đại" và hài hước?

NKD: Đó là sự thật 100%, sau khi giao "hàng", giữa Nhà xuất bản và tôi không có bất cứ một liên hệ nào cả! Dù sao, thấy cuốn sách đã được in ra, tôi rất mừng; nhưng khi đọc lại, thấy thiếu 3 chương, tôi thật sự sửng sốt, vội đến TBCGDT hỏi xem sự việc ra sao. Lại một sự ngạc nhiên nữa: Chính TBCGDT cũng không biết tác phẩm đã được xuất bản! (Điều này làm tôi bớt buồn, chủ đặt hàng còn không biết, huống là kẻ làm công!) Kiểm soát lại bản còn lưu ở TBCGDT thì có 3 chương ấy. Vậy thiếu sót do đâu? Bây giờ có lẽ không nên đặt vấn đề quy trách nhiệm nữa. Mà việc đó cũng không dễ, vì bản thảo đưa in chắc là đã qua nhiều tay và mỗi lần trao, chắc là không ai ký nhận. Khó quy trách nhiệm, nhưng thiết nghĩ rất đáng rút kinh nghiệm qua "sự cố"này. Đúng ra là trong việc giao nhận bản thảo cần phải đếm, kiểm soát từng tờ (để phòng của giả mà!) và ký nhận như khi nhận tiền ở ngân hàng! Kẻo rồi như cha ông ta đã dạy "một mất mười ngờ"; mà đã ngờ thì ngờ ai cũng được! Vậy là hòa cả làng, hay đúng hơn, thua cả làng! Phiếm luận với phóng viên cho vui, chứ may sao bản lưu tại TBCGDT còn có 3 chương ấy. Và sợ bị thất lạc lần nữa, tôi đã phô tô 3 chương ấy và mong sớm được sử dụng.

Sang Pháp, biết "sự cố" này, tác giả hết sức bất ngờ và hỏi: "Liệu có phải bị kiểm duyệt không?" Điều này tôi làm sao biết được, nhưng căn cứ nội dung 3 chương đó, tôi đã nói với tác giả lý do chỉ là "là ăn bất cẩn" thôi! Tác giả bảo tôi rằng, nếu Nhà xuất bản Julliard (bản Pháp văn) mà biết bản dịch thiếu 3 chương, thì họ lấy làm phiền lắm; vì chính tác giả đã phải dày công vận động để xin được phép dịch tác phẩm mà không phải đóng khoản lệ phí nào (thường là không nhỏ) như thông lệ. Cho nên tác giả có yêu cầu tôi làm sao cho Nhà xuất bản bản dịch biết rằng, nếu tái bản thì phải bổ khuyết 3 chương thiếu sót, kẻo bất tiện lắm đó!

P.V. Như vậy, thưa ông, cho đến nay, Nhà xuất bản đã có "động tác" nào để khắc phục "sự cố" này chưa?

NKD: Như trên đã nói, tôi chỉ là người làm công, chủ đặt hàng mới có quan hệ với Nhà xuất bản. Khi biết thiếu 3 chương, tôi đã nhắc TBCGDT nên hỏi Nhà xuất bản lý do sự thiếu sót ấy. Cũng xin nói thêm, tôi có kể "sự cố" ấy riêng với em tôi là Nguyễn Khắc Phê, như bất cứ "chuyện vui" nào của đời thường! Còn việc Nguyễn Khắc Phê liên lạc với Nhà xuất bản là do tự ý của Nguyễn Khắc Phê có thiện chí đối với một cơ quan đồng nghiệp, chứ tôi không nhờ ông ta làm việc ấy. Được biết, Nguyễn Khắc Phê đã gọi điện trực tiếp cho Giám đốc Nhà xuất bản Văn học lúc đó là ông Lữ Huy Nguyên; ông Nguyên cũng bất ngờ trước "sự cố" này và nói thật là sách do Nhà xuất bản duyệt in, nhưng "người trực tiếp làm sách" lại là ông Thắng (chuyện đã lâu, tên này có thể chưa chính xác). Ông Nguyên lúc đó chắc đã bị đau, nên đã "ủy thác" cho Nguyễn Khắc Phê gọi điện cho ông Thắng; ông Thắng đã hứa sẽ gặp dịch giả để bàn cách khắc phục "sự cố", nhưng cho đến nay thì vẫn bặt tăm! Về cách khắc phục "sự cố", tốt nhất là tái bản đầy đủ; nếu bạn đọc chưa có nhu cầu hoặc chưa có nguồn tài chính để tái bản thì theo tôi, Nhà xuất bản (thực ra là "người trực tiếp làm sách") có thể in riêng 3 chương ấy, rồi gửi đến từng độc giả đã mua sách lần in đầu (tất nhiên là sau khi đã thông báo việc làm này và nhận được thư yêu cầu của từng độc giả). Hơi phiền phức một chút, tốn kém một chút, nhưng nếu trân trọng một công trình văn hóa lớn thì đây là một cử chỉ đẹp, nên làm.

P.V. Chờ "cử chỉ đẹp" ấy được thực hiện hoặc sách tái bản đầy đủ chắc còn lâu, ông có thể tóm tắt cho bạn đọc biết nội dung 3 chương đã in thiếu?

NKD: 3 chương thiếu sót là chương 3,4 và 5 trong tập 7. Tập 7 (bắt đầu từ trang 739) với tiêu đề "Con rồng đất Lam Sơn", tường thuật những sự việc trong thời gian quân khởi nghĩa còn ở chiến khu tại núi rừng Chí Linh. (Bạn đọc tinh ý cũng nhận ra việc để sót, vì tập 7 đã in chỉ gồm 2 chương với 65 trang; các tập khác số trang đều gấp 3 như tập 6 có 171 trang, tập 8 có 198 trang).

+ Chương 3: Lê Lợi và các chiến hữu làm lễ tuyên thệ và chính thức phát động cuộc khởi nghĩa;

+ Chương 4: Quân Minh tàn phá Lam Sơn, giết hại nhân dân và đào bới mồ mả tổ tiên của Lê Lợi;

+ Chương 5: Lê Lai cứu Chúa. Nhân dân đông đảo hưởng ứng lời hiệu triệu của Lê Lợi, gia nhập nghĩa quân, trong đó có em ruột Nguyễn Trãi, sau khi Nguyễn Phi Khanh chết, từ Trung Quốc về Việt Nam, tìm gặp Nguyễn Trãi tại chiến khu Chí Linh.

Xin lưu ý lại điều này: vì phóng viên hỏi, tôi phải kể sự thật và lạm bàn đôi chút, cũng là cách thúc đẩy để mong ước của tác giả về cách khắc phục "sự cố" sớm được thực hiện. Còn mọi việc tếp theo ra sao, xin Nhà xuất bản làm việc với TBCGDT là chủ đặt hàng, tại đó còn một bản có 3 chương in thiếu ấy. Mong là TBCGDT còn giữ bản lưu nguyên vẹn, để tôi được yên.

P.V. Ông nói vậy là hợp cách với "kiểu" làm ăn vừa qua, chứ với một văn bản dịch, lại là một tác phẩm lớn, bạn đọc vẫn muốn "níu kéo" dịch giả. "Vạn xuân" không chỉ lớn về số trang, mà là một tác phẩm khó dịch vì từ ngôn ngữ cho đến vô vàn chi tiết là của 5 thế kỷ trước, nên không dễ có được bản dịch hoàn hảo. Ông vui lòng cho độc giả biết những khó khăn khi dịch và nếu như "Vạn xuân" tái bản, ông có muốn tu sửa, trau chuốt lại bản dịch thêm không?

NKD: Thú thật, lúc trao bản thảo cho TBCGDT, tôi vẫn chưa được hoàn toàn ưng ý về công việc của chúng tôi (tức là của tôi và của các bạn cộng tác). Tuy nhiên, thấy công việc "ngâm" đã khắc lâu, tác giả thì rất mong bản dịch hoàn tất càng sớm càng tốt, tôi đành tạm chấp nhận tính cách tương đối của "sản phẩm". Nếu tái bản, thì đương nhiên việc nhuận sắc lại một lần nữa là điều nên làm. Song, tôi cũng đã lớn tuổi (được biết ông Nguyễn Khắc Dương sinh năm 1925), sức khỏe giảm đi nhiều và cũng bận một vài việc khác. Nếu có ai đó mà Nhà xuất bản thấy có khả năng làm được việc trau chuốt thêm cho bản dịch thì tôi rất hoan hỷ. Tôi chỉ xin nhấn mạnh là trau chuốt về lời văn mà thôi. Chứ còn chỗ nào thấy chúng tôi dịch sai (vì còn kém về Pháp văn) thì xin phép được cho tôi hay để trao đổi kỹ và nếu cần thì phải nhờ đến một vị nào nữa cao minh hơn để phân giải, miễn sao dịch càng đúng, càng hay để phục vụ độc giả là chính.

Quả là trong lúc dịch tác phẩm, chúng tôi gặp không ít khó khăn:

+ Nhiều từ ngữ Hán Việt, tác giả phiên âm lối đọc của Trung Quốc theo quy tắc nào chúng tôi không rõ và không có tài liệu tra cứu, nên việc chuyển thành từ Hán Việt cho thật chính xác là rất vất vả.

+ Nhiều bài văn thơ Việt Nam , tác giả trích dịch ra tiếng Pháp, chúng tôi phải mất rất nhiều công tìm ra các bản gốc để chép lại cho đúng.

+ Việc hoàn chỉnh bản dịch của các cộng tác viên nhiều lúc khó hơn và mất nhiều thì giờ hơn là chính mình dịch lấy. Những chỗ sai phải dịch lại đã đành, mà muốn toàn tác phẩm có được một văn phong đồng nhất, đôi khi phải viết lại cả từng đoạn dài. Tuy nhiên vẫn còn sót lại một số "bất nhất" khi dịch cùng một từ ở những đoạn khác nhau...

P.V. Cuốn sách có "sự cố" nên cuộc trò chuyện thành ra hơi "căng thẳng". Xin được kết thúc bằng một câu hỏi có phần tò mò và "vui vẻ": Được biết ông sống độc thân, sao nhiều đoạn miêu tả chuyện "chăn gối" trong tác phẩm được ông chuyển dịch một cách "thông thạo" vậy? Lời khen "Vạn xuân" đã nhiều, nên nhân đây cũng xin chuyển ý kiến của một độc giả phê bình tác giả đã để nhiều trang miêu tả "chuyện ấy" ác liệt quá mức cần thiết. Ông nghĩ gì về ý kiến này?

NKD: Về chuyện có tính cách riêng tư thì "Sinh nhi tri chi" mà! Trời sinh ai lại không ggiỏi về "chuyện ấy"! Hơn nữa, lúc học tâm lý học, cũng có đọc được không ít sách vở về "chuyện ấy"; các tư liệu về phương pháp dưỡng sinh của Ấn Độ, của Đạo giáo còn bàn đến cách làm "chuyện ấy" sao cho vừa "giải tỏa" thoải mái mà vừa không hao tổn sinh lực! Về ý kiến của vị đọc giả nọ, tôi không dám bình phẩm; mỗi người có cách nhìn sự việc theo những chuẩn mực riêng. Nhưng xin cung cấp một chi tiết: Trong lúc chuyện trò vui vẻ về "Vạn Xuân" với tác giả, khi nhắc đến vấn đề tương tự mà vị độc giả nọ đã nêu, Yveline Féray đã dẫn ra nhân vật Hương Thầm, nhờ cao tay trong "chuyện ấy" nên đã "phá" được kỹ thuật không đến nỗi kém của Hoàng Phúc, khiến cuối cùng lão tướng Tàu bị tổn lực đến suy kiệt! Tác giả cho tôi hay rằng, việc ấy thêm một dẫn chứng (cũng có thể hiểu là tượng trưng) cho việc một dân tộc nhỏ yếu như Việt Nam lại "phá" được cường lực, làm cho kiệt quệ anh giặc Ngô khổng lồ cường tráng! "Dĩ nhu thắng cương" mà! Cô Hương Thầm Việt nhỏ mềm làm cho chú Hoàng Phúc Tàu lớn cứng phải kiệt lực! Quả là TIỂU, NHU thắng ĐẠI, CƯƠNG! Mà thôi, bàn luận "Vạn xuân" thì còn nhiều điều có ý nghĩa hơn nhiều...

P.V. Đúng vậy; và hẳn đó là đề tài trong một cuộc trao đổi khác. Xin cảm ơn ông.

(NGUYỄN HOÀNG thực hiện)
(131/01-2000)

 

 

Các bài mới
Rửa tội (05/03/2010)
Báu vật (05/03/2010)
Tượng đá (04/03/2010)
Các bài đã đăng
Củ và hạt (03/03/2010)
Lèn Voi (03/03/2010)
Miền gái đẹp (01/03/2010)
Đại Lý hành (26/02/2010)