Tạp chí Sông Hương - Số 134 (tháng 4)
Quê hương của tượng Nữ thần tự do
08:39 | 24/03/2010
VŨ LÊ THÁI HOÀNGTrong ánh nắng vàng rực tuyệt đẹp, giữa một New York hối hả, tấp nập, tua tủa nhà chọc trời, kiêu hãnh hiện ra bóng hình một phụ nữ khổng lồ tay cầm ngọn đuốc cháy sáng soi đường vào Tân Thế Giới.
Quê hương của tượng Nữ thần tự do
Ảnh: Internet

Đó là tượng Nữ thần Tự do - biểu tượng và niềm tự hào của nước Mỹ nhưng lại chính là hiện thân của những lý tưởng cộng hòa của nước Pháp. Ý tưởng xây dựng một bức tượng đài như thế được đưa ra đầu tiên vào năm 1865 ở quê hương Paris của Edouard René Lefebvre de Laboulaye, một nhà nghiên cứu về luật và là một chuyên gia về Mỹ. Những phần tử cộng hòa như Laboulaye bất mãn với chế độ hà khắc của Napoleon đệ tam và nhìn nước Mỹ bằng một thái độ ngưỡng mộ và khâm phục - một nước Mỹ cộng hòa thịnh vượng vừa trải qua một cuộc nội chiến và đang trên con đường trở thành một nước công nghiệp phát triển. Nước Mỹ đã giành được một sự cân bằng mong manh giữa tự do và ổn định, điều mà từ lâu nước Pháp không có được. Laboulaye đã hình dung ra một tượng đài sẽ làm sống mãi lý tưởng cộng hòa ở Pháp và thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị giữa hai dân tộc có cùng lý tưởng đó. Nhận thức được giá trị biểu cảm kỳ diệu của con người làm biểu tượng tự do trong bức họa "Tự do soi đường cho nhân loại" của Eugene Delacroix, Laboulaye đã bàn bạc ý tưởng của mình với nhà điêu khắc Auguste Bartholdi. Năm 1871, Bartholdi đến Mỹ để đề xuất ý tưởng này và chọn địa điểm thích hợp để dựng tượng. Bức tượng là một món quà mang ý nghĩa đích thực dành cho nước Mỹ nhưng Bartholdi cũng biết rằng một biểu tượng mãnh liệt cho tự do như vậy sẽ là một ý tưởng đầy khiêu khích và không thể dung thứ đối với Napoléon ngay trên đất Pháp. Bartholdi cho rằng cảng New York - một cửa ngõ trọng yếu của nước Mỹ - sẽ là địa điểm thích hợp giúp bức tượng có được giá trị biểu trưng đúng nghĩa của nó.

Trong thời gian Bartholdi đang ở Mỹ, tình hình chính trị của Pháp đã góp phần giúp ý tưởng xây dựng bức tượng trở thành hiện thực. Sau khi Napoléon đệ tam bị phế truất khi Pháp thất bại trong cuộc chiến tranh Pháp - Phổ năm 1871, những người ủng hộ phái quân chủ và những người ủng hộ phái cộng hòa đấu tranh rất gay gắt. Laboulaye và những phần tử cộng hòa nhận thấy rằng bức tượng sẽ là phương thức tốt nhất để thiết lập nên ý tưởng một nước Pháp cộng hòa. Kế hoạch xây dựng tượng được đưa ra cuối năm 1874, vài tháng trước khi nước Pháp lại trở thành một nước cộng hòa. Vào thời điểm đó, tự do vẫn rất mong manh và phe cộng hòa hiểu rằng ý tưởng đó cần phải được thể hiện qua một hình ảnh tạo ấn tượng mạnh mẽ trong nhận thức của nhân dân. Người được giao nhiệm vụ này là Bartholdi, một nhà điêu khắc chịu ảnh hưởng của hai ý tưởng là tự do và sự khoáng đạt. Với cảm hứng từ những bức tượng khổng lồ đặc biệt là ở Ai Cập, Bartholdi muốn bức tượng thần Tự do phải tạo ra một cảm giác uy nghi, choáng ngợp. Sau khi dựng nên bức tượng mẫu bằng đất sét cao 1,25 mét, Bartholdi bắt đầu dựng tượng thật năm 1875. Ông nhân rộng mẫu nhiều lần cho đến khi ông có được 300 bộ phận của tượng với kích cỡ hoàn chỉnh. Da của tượng được làm theo quy trình ép với những tấm đồng dày 2,5 milimét được tán ra nối các đường viền của các bộ phận tượng bằng thạch cao. Vấn đề kỹ thuật do Gustave Eiffel phụ trách, một người vốn rất nổi tiếng về những kiến trúc cầu táo bạo. Một giàn giáo bằng sắt lớn đỡ một khung phụ để gắn các tấm sắt tạo da cho tượng. Da của tượng do đó sẽ "nổi" trên giàn giáo và chịu được gió to và cũng co giãn theo sự thay đổi của nhiệt độ. Sau khi được hoàn thành tháng 6 năm 1884, tượng đứng ở Paris cho đến khi được dỡ và đưa đến Mỹ đầu năm 1885.

Pháp chỉ đưa ra một điều kiện đối với Mỹ về món quà của mình, Mỹ phải chịu trách nhiệm xây dựng phần móng về bệ tượng do kiến trúc sư Richard M. Hunt thiết kế. Việc quyên góp tài chính bắt đầu năm 1877 và phần móng với khối lượng bê tông khổng lồ được khởi công năm 1883. Công việc này hoàn thành năm 1884 nhưng do không đủ kinh phí nên phần bệ tượng không thể hoàn thành được. Những người đóng góp khoản tiền lớn thì chê tượng về mặt thẩm mỹ trong khi dân chúng thì coi bức tượng là nỗi lo ngại và sự bông đùa đối với New York . Một người di cư từ là Joseph Pulitzer đứng ra đảm nhiệm việc gây quỹ. Thông qua tờ báo của mình "The World", ông lên tiếng chỉ trích việc người giàu không góp tiền và nhấn mạnh tầm quan trọng mang tính biểu tượng của tượng nhằm kêu gọi dân chúng đóng góp. Rốt cuộc, mội việc vẫn được hoàn tất vào ngày 28 tháng 10 năm 1886.

Tuy bức tượng rất vững chãi và dãi dầu mưa nắng nhưng vẫn cần được sửa chữa vào dịp kỷ niệm 100 năm vào năm 1986. Một nhóm các nghệ nhân Mỹ và Pháp đã tiến hành công việc trong hai năm, thay các đinh rivê và các thanh sắt mòn bằng thép không rỉ. Cánh tay của tượng vốn không được lắp đúng năm 1886 cũng được sửa lại. Ngọn đuốc được thắp sáng từ bên trong được thay bằng những tấm đồng phản sáng và vẫn giữ được ý tưởng nguyên thủy của nhà điêu khắc sản sinh ra nó.

Nhìn từ sóng nước lênh đênh cảng New York trên chuyến phà từ đảo Eilis, tượng Nữ thần Tự do kiêu hãnh đứng tách biệt là một bằng chứng vĩnh cửu về những giá trị cao đẹp của nhân loại và của tình hữu nghị Pháp, Mỹ nói riêng và xu hướng hòa bình, hữu nghị, hợp tác ngày nay trong quan hệ quốc tế nói chung.

New York , 8 - 1999
(Theo tài liệu của Cục công viên quốc gia Mỹ)

V.L.T.H
(134/04-00)






 

 

Các bài mới
Nhận dạng (01/04/2010)
Ở Paris (31/03/2010)
Biển muộn (30/03/2010)
Hoa cỏ (29/03/2010)