Tạp chí Sông Hương - Số 134 (tháng 4)
Giáo sư Lê Khả Kế, người lao động không ngừng nghỉ
09:02 | 29/03/2010
PHONG LÊTết Dần năm 1998, vào tuổi 80, bác Kế yếu đi nhiều lắm. Sự thay đổi quá chóng khiến tôi bất ngờ.
Giáo sư Lê Khả Kế, người lao động không ngừng nghỉ
GS Lê Khả Kế - Ảnh: cpd.vn

Đi đứng chậm chạp, đầu tóc càng thưa, dẫu đã rất lơ thơ, giọng nói có phần run run, không còn rành rõ, và nhất là quên nhiều, chuyện vừa nói xong đã lại quên, cái mà chính ông cũng thừa nhận là lẫn. Cả ông và bà đều lẫn - ông nói vui. Lẫn là quên, là có thể bỏ qua cho nhau các khuyết điểm, các va chạm của tuổi già. Cũng tốt! Vợ chồng tôi chúc Tết hai bác và dặn đi dặn lại: Có bất cứ việc gì cần, bác cho gọi tôi ngay (ngầm hiểu về sức khỏe), tôi - dẫu có bận rộn đến đâu vẫn có thể giúp bác mọi việc ngay lập tức ở cả ba tư cách: học trò kiêm đồng nghiệp, láng giềng và đồng hương. Tôi nhắc đi nhắc lại điều đó đến dăm bảy lần cho đến khi ông bà tiễn chúng tôi ra ngoài cửa.

Thế mà cuối tháng ba 1998 lại bất ngờ gặp giáo sư Lê Khả Kế ở bệnh viện. Tôi có việc phải ở viện, bỗng thấy một người mặc chiếc áo bộ đội cũ, đầu đội chiếc mũ cối sờn rách hết các mép chậm chạp đi vào. Không thể ngờ đó là giáo sư Lê Khả Kế! Vậy là bác đã vào bệnh viện lúc nào mà không báo cho tôi biết? Lại còn biết chúng tôi ở đây mà sang thăm. Mà đường từ khu A sang khoa ngoại không ngắn, lại phải leo ngược tầng hai, phải dò dẫm hỏi han nhiều người... Tôi ái ngại quá, cảm thấy mình có lỗi!

Bác Kế cùng ở một chung cư với tôi, tôi tầng ba, bác tầng hai, trên mười năm nay. Tôi nghe tên bác từ bé, làng tôi và làng bác cách nhau mấy quãng đồng. Đến 1963 tôi và bác ở cũng cơ quan mẹ là Ủy ban Khoa học Nhà nước, rồi gần nhau hơn khi bác về Viện Ngôn ngữ. Từ nhiều chục năm nay bác đã là người nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực, và càng nổi tiếng ở tư cách chủ biên nhiều từ điển hai thứ tiếng cỡ lớn: Pháp- Việt- Việt- Pháp, Anh Việt- Việt Anh. Trung- Việt- Việt Trung (còn chưa xong). Biết bác làm từ điển đã nhiều chục năm nay, lại là láng giềng chẵn 10 năm, tôi quen với cách nghĩ đại khái đó là việc bác thường làm với một tập thể lớn nhỏ. Thế nhưng ngồi buồn mở ra hai bộ trong số các bộ có sẵn ở nhà thì thấy đây còn là công trình của cá nhân chứ không là tập thể. Cuốn Từ điển Việt- Anh, Nhà Khoa học xã hội in năm 1987, 797 trang là do bác và Đặng Chấn Liêu (đã mất) cùng làm. Cuốn Từ điển Anh- Việt (bản mới), Nhà Khoa học xã hội in cuối 1997, 2205 trang, gồm 350.000 mục từ đứng riêng tên bác biên soạn. Và đây là bản mới, sau nhiều lần tái bản. Nhìn khối chữ đồ sộ như cả một cái gối lớn trong tay, càng thấy việc bác ngồi như dính vào bàn và một mình, hàng chục năm là có lý. Tôi tự nhận có chút ít quen biết với độc giả, nhưng không thể so với bác được, vì từ điển là mối bận tâm của toàn xã hội, của mọi tầng lớp, mọi nghề nghiệp, mọi thời gian, mọi lứa tuổi, từ trẻ đến già. Thế mà người có khối công chúng cực kỳ rộng rãi ấy, láng giềng của tôi, lại sống hết sức thầm lặng. Cả hai vợ chồng bác đều rất ít khi ra ngoài. Có thể nói suốt ngày, và ngày này sang ngày khác, bác chỉ ngồi ở bàn, với chung quanh là mọi loại từ điển... Còn bác gái thường chỉ ra khỏi nhà hai lần mỗi ngày, vào sáng và chiều, sáng, mua cái ăn sáng và đi chợ, và chiều, đi đổ rác. Những khi bác gái mệt hoặc đi vắng thì hai loại việc đó bác trai thay.

Hồi còn khỏe, bác Kế hết sức tránh gây mọi phiền hà cho người khác. Cho đến khi yếu, ngay cả lúc ốm mệt, bác cũng tự lực giải quyết mọi việc cho mình.

Như thường lệ, tôi hỏi bác đến bệnh viện bằng gì? Bác chỉ cười, và tôi hiểu bác đã đến đây bằng xích lô. Tôi nhăn nhó “ Tôi đi xe máy đến bệnh viện mất gần nửa giờ, vậy xích lô phải hằng giờ...”

Những lần trước, vào hoàn cảnh này, tôi thường hỏi bác với giọng gay gắt “ Sao bác không gọi Viện Ngôn ngữ hoặc Uy ban (nay là Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn) cho ô tô đón bác? Hoặc bác bảo tôi để tôi gọi” Thì đều bị bác vưa xua tay, vừa lắc đầu... Tôi không nói gì thêm, càng không tranh luận, mà chỉ buồn!

Về thói quen không thích sự phiền lụy đến cố chấp này, tôi cũng đã từng thấy ở nhiều người, nhất là những người xứ Nghệ, nhưng không ai đến mức quyết liệt như bác Kế. Cứ nghiệm qua tôi, và qua quan hệ giữa tôi và bác cũng đủ hiểu.

Toàn bộ cuộc đời giáo sư Lê Khả Kế cho đến tuổi 80 vẫn chỉ là sự làm việc, không phân biệt trước và sau nghỉ hưu. Và làm việc, đối với bác, có nghĩa là ngồi vào bàn, và một mình. Làm cho đến khi không thể làm, có nghĩa là phải ngừng, và ngừng có nghĩa là để vào bệnh viện, và vào viện có nghĩa là thôi không làm được gì nữa. Không có khoảng đệm nào ở giữa. Tôi cùng bác bỗng dưng đi đến cùng một tổng kết rất lôgic như thế, và thấy cần sớm rút ra kinh nghiệm: Phải chi nên có sự ngừng nghỉ dần dần và sớm hơn, ở tuổi 75 hoặc 70... Nhưng khi nhận ra điều này thì đã muộn - bác cười buồn với tôi. Còn tôi, vẫn hết lòng khích lệ “ Bây giờ thì dứt khoát phải nghỉ ngơi thôi. Vẫn cứ kịp. Ra viện kỳ này bác phải có một phương thức sinh hoạt khác”

Nhìn bác, rồi ngẫm nghĩ cho cái tuổi của tôi: “ thể thao đã qua, thể dục chưa tới” mà vừa vui, vừa lo. Kinh nghiệm, có chắc ai cũng rút được không? Bác đã vậy, còn thế hệ tôi?

Ông già mặc cái áo bộ đội cũ và đội chiếc mũ cối tàng ấy ở bệnh viện cũng khác nào ở nhà với bộ bà ba đen và chiếc áo vệ sinh Đông Xuân màu cỏ úa thời chiến tranh, y chang các cụ lão nông quê tôi. Tôi thật không hiểu nổi vì sao mà bác còn giữ được loại áo ấy, loại áo một thời cả đất nước cùng mặc, rất xứng đáng để vào bảo tàng! Không phải ông thiếu tiền. Nhuận bút Từ điển với tia - ra hàng nhiều vạn bản, tái bản đến bảy, tám lần phải nói là rất lớn, khiến ông có thể biếu tặng mỗi lúc hàng chục triệu đồng cho nhiều nơi: Trường Phổ thông Phan Đình Phùng Hà Tĩnh, nơi ông là hiệu trưởng đầu tiên, Công đoàn Cơ quan Viện Ngôn ngữ. Rồi vài triệu đồng cho Quỹ phường... Thế nhưng ông vẫn rất chặt chẽ trong những tính toán để không bao giờ phí phạm chỉ mươi nghìn hoặc chục nghìn. Chẳng hạn đến bệnh viện bằng xích lô chứ không là tắc xi. Chẳng hạn có thứ thuốc chống lão hóa, chống lẫn của Pháp nghe đâu rất hiệu nghiệm, ông đã thử dùng, nhưng mới uống ngót trăm viên thấy không hiệu quả, ông lại thôi. Tôi hỏi ông, ra chiều băn khoăn: “ Sao bác lại ngừng uống sớm thế? Giá cả thuốc ấy ra sao? - “ Bốn đồng rưỡi viên”. Tôi ngờ ngợ vì nghĩ là thuốc ấy phải rất đắt. Hóa ra bốn đồng rưỡi tức bốn nghìn rưỡi, vậy bốn trăm rưỡi nghìn đã có gì làm nhiều!... Căn hộ tập thể ông được cơ quan cấp cùng tôi, ông tuyệt không có sửa chữa hoặc thay đổi gì, mười năm trước đã thế, bây giờ vẫn thế, trong khi tất cả các hộ đều phải bỏ ra nhiều chục triệu để nới rộng thêm chút ít diện tích và thay đổi chút ít tính chất chung cư. Hai ông bà cũng đã già với những đồ đạc cũng cũ kỹ theo lối xưa, từ chiếc phản gụ, cái bàn mộc, đôi guốc gỗ, bộ ấm chén cọc cạch... Nếp sống giản dị, nói vậy cũng là một cách nói sang cho giáo sư Lê Khả Kế, bởi có cái gì đó còn thua cả sự giản dị. Dùng chữ khắc khổ, hoặc khổ hạnh thì e không hẳn đúng, và không phải lẽ với bác, nhưng như thế đấy, gần như cả hai ông bà đều không có bất cứ nhu cầu gì theo mốt của đời sống tiện nghi hiện nay.

Thế là Tết Dần 1998, giáo sư Lê Khả Kế đã phải vào - ra bệnh viện. Và đến giữa 1999, bác đã phải vào ở luôn trong bệnh viện. Đến thăm bác, lần đầu còn có thể cùng bác đi ra cửa. Lần thứ hai, bác còn có thể ngồi dậy tiếp chuyện. Và lần thứ ba, chỉ nằm.

Rồi nằm bất động, từ Tết Thìn này.

Một đời cần lao, ít có niềm vui nào khác ngoài công việc. Loại công việc chỉ có thể thực hiện ở mặt bàn ngổn ngang sách báo, và một mình. Loại công việc cần thiết cho biết bao người, khiến bao người biết ông và kính trọng ông. Còn ông, ông đang vĩnh biệt chúng ta.

P.L
(134/04-00)



 

Các bài mới
Nhận dạng (01/04/2010)
Ở Paris (31/03/2010)
Biển muộn (30/03/2010)
Hoa cỏ (29/03/2010)
Các bài đã đăng