Bình ôxy lớn dựng bên vách tường nối vào người em tiếp cho nhịp thở thanh xuân sung mãn. Suối tóc mây em lâu rồi không còn thấy nữa. Mái tóc phi - dê bồng bềnh kiêu kỳ cũng không. Tóc em mới húi cho việc giải phẫu trước đó sáu tháng lộ ra vết sẹo trên vành tai trái năm phân bóc mất cả mảng da đầu do lần hướng dẫn sinh viên thực tập sơ ý bị máy quấn vào.
Cô em gái út tôi xinh đẹp nhất làng giờ mang mái tóc lún phún của giới tăng ni mà vẫn hiển nét thông tuệ duyên dáng nhờ khuôn mặt trái xoan, mũi thẳng cùng đôi mắt sáng xanh biếc.
Tôi nâng nâng bàn tay em ngón ngón khô gầy. Tôi vuốt từ cổ tay em lên tận bờ vai trần em chồi cây xương xẩu. Em mở mắt. Đôi mắt em mở to rồi sáng dần lên những tia sáng khủng khiếp kỳ lạ mà tôi chưa từng thấy như thế bao giờ… Đoạn, đôi mắt em bỗng tối sầm mờ đục và từ từ hai hàng nước mắt chảy dài. Bảy nói: Phú đã biết anh vô rồi đó! Tôi rút khăn tay thấm khô nước mắt cho em. Nước mắt em khô dưới bàn tay tôi thì nước mắt tôi tuôn trào. Chiếc khăn tay thấm hai dòng nước mắt nhũn đầy nước.
Em ngủ. Đôi mày lá liễu như vẽ trên bờ mi khép. Khuôn mặt thánh thiện đang chán cõi trần?
Em lại mở mắt. Tôi bảo chú Quý thử lại độ thông minh của Phú lần nữa xem sao. Chú Quý làm động tác cầm tay như tôi, nhìn thẳng vào mắt em rồi dùng tay chỉ vào mắt mình và hỏi: Phú có biết ai đây không? Đôi mắt em rướn lên mở rộng và sáng lóng lánh hết sức kỳ diệu. Đôi môi gợn chút mấp máy như muốn nói điều gì đó và đôi mắt em bỗng tối sầm đẫm đầy nước…
Nhiều người sắp chết thì không còn biết gì. Riêng em gái tôi sắp về với thế giới bên kia mà vẫn thấy hết, nghe hết, cảm nhận hết những động thái, những hình ảnh người thân. Bác sĩ chuyên khoa - bạn của Bảy đến nhà săn sóc cho Phú nói: Chị Bảy bị chứng bệnh u não di căn, đã giải phẫu não, đến phút chót cõi đời mà vẫn thông tuệ đến vậy thì giới y học thường xếp bộ não cỡ nầy vào lớp não bộ của hàng ngũ lãnh tụ.
Chuyện mái tóc Phú bị máy quấn, cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy quá lâu rồi khỏi phải nói. Điều cần kể là chuyện em tôi giải phẫu não cách đây sáu tháng. Từ Huế, tôi nhận được cú phôn: anh vào gấp, Phú không còn biết gì nữa. Tôi vào Sài Gòn. Nhìn thấy tôi, em cười cười. Tôi nhìn em, tay chỉ vào mặt mình hỏi: Phú biết ai đây không? Phú chỉ biết cười cười. Đôi môi ngơ ngác lắc đầu… Ơi út ơi sao khổ thế này? Tôi khóc, Bảy khóc: - Việc gì mà khóc - Phú nói lí nhí. Đoạn em rút mùi xoa đưa lên thấm nước mắt cho Bảy.
Bảy gọi taxi. Tôi và Bảy đưa Phú đi chụp Xquang. Bác sĩ chuyên khoa là bạn của Bảy nhìn tấm phim nói: Không xong rồi, khối u che kín màng não. U ác hay lành chưa xác định được. Bảy bấm di động báo cho vài người bạn thân: vợ tớ sắp bỏ tớ mà đi rồi! Bảy khóc òa. Phú đưa mùi xoa chấm nước mắt cho Bảy giọng nhỏ nhẹ âu yếm - việc… gì… mà… khóc… Như vậy, với người thân yêu nhất, em vẫn cảm biết lờ mờ.
Bảy bàn với tôi: hay là em bán nhà đưa Phú đi Thái Lan mổ? Tôi nói: máy móc bây giờ và các thầy thuốc Sài Gòn có kém gì Thái. Nếu u ác thì thế giới cũng bó tay thôi. Bệnh Phú ở giai đoạn cuối. Đi Thái nhỡ Phú mất bên đó lại rách việc. Hai gia đình ta cũng không khá giả gì.
Bảy ký giấy cam đoan cho vợ khoan não ở Bệnh viện Chợ Rẫy.
Sau một tuần chờ đợi, tôi vào thăm. Phú đang mệt nhưng đôi mắt chim câu xanh biếc như cười. Em thốt lên tên tôi yếu ớt: anh Vinh! Thế anh Quý đâu? Tôi trả lời em: anh Quý sắp vào. Nghe tin em mổ thành công. Cả nhà ai cũng mừng. Các cháu tranh nhau muốn vào thăm cô. Các cháu trên Đà Lạt sẽ xuống thăm dì, thăm bà. Em yên tâm nghỉ dưỡng.
Tôi trở ra quê thông báo với hai chị: nếu Út Phú lành bệnh, tháng tới dám chắc vợ chồng cô chú sẽ ra thăm nhà. Đã lâu cô em tham công tiếc việc không phép phiếc thăm gia đình, giờ lấy chồng đã lâu cũng chưa một lần đưa chồng về thăm anh chị, quê hương, họ mạc. Luôn thể tổ chức cho cô chú thăm thú Phong Nha - Kẻ Bàng di sản thiên nhiên thế giới.
Nhưng, mảnh đất Biên Hòa níu chặt em tôi vĩnh viễn. Em hết cơ hội về thăm quê, thăm động Phong Nha. Em tỉnh táo có dư mấy ngày sau sáu tháng thì bệnh trở. Em bị u ác.
Trong thời gian này vợ chồng cô chú làm được một việc tốt có ý nghĩa. Bảy kịp đưa Phú đến chùa Bát Nhã quy y Tam Bảo, đệ tử pháp danh Liễu Hương nguyện suốt đời phụng trì.
Tôi lại ra quê bàn với hai chị và các anh rể, vợ chồng chú Quý là nếu Phú mất thì nên chôn hay hỏa táng. (Bên nội thích hỏa táng, đưa bình tro cốt Phú vào tịnh xá Ngọc Hòa, quận 6 cùng với bố và hai anh trai của Bảy). Cả nhà tôi khóc lóc ầm lên: Sao nói cô mổ thành công, minh mẫn trở lại rồi giờ đòi hỏa táng? Thì bệnh hiểm nghèo mà - Tôi nói, Phú sẽ ra đi trong gang tấc. Tôi báo để nhà ta nên chọn phương án nào, chuyển lời vào trao đổi với má Bảy để khỏi lúng túng về sau. Sống có nhà có cửa - chết có mả có mồ. Đó là sự chọn lựa phía gia đình tôi.
Hai anh em tôi nói với Bảy ngắt bình ôxy cho Phú ra đi. Em tôi bạo bệnh vào đoạn cuối. Bảy và gia đình Bảy vất vả với em quá nhiều rồi. Em sống thêm quá sáu tháng là thêm một tuổi thọ rồi.
Và Bảy tháo dây khỏi người Phú.
Em đi! Không! Nhịp thở em vẫn phập phồng đều đặn dưới làn áo mỏng. Trên trán, trên má trái Phú có núm đồng tiền đang sưng tấy hai cái u đỏ. Tôi sờ tay lên đó. Bảy nói: Không chỉ trên mặt đâu anh. Dưới lưng và bụng mới nổi hai u nữa. Tôi phanh áo ra coi thì đúng y như vậy. Bảy học chuyên khoa cao cấp đông y, nói: bệnh u di căn độc lắm anh. Khi nó chạy lên não, người đang minh mẫn bỗng hóa ngây ngô. Tim đang còn đập là những cái u cứ theo mạch máu lần tìm…
* * *
Bình ôxy ngắt rời em. Các bác sĩ chào vĩnh biệt. Các tăng đoàn Phật tử Phú Nhuận, Quận Ba (nơi Bảy công tác), Quận Sáu, Quận Gò Vấp, đến lễ siêu độ cho em tôi. Cầu chúc linh hồn cô Liễu Hương siêu thoát. Phút lâm chung trong ngôi nhà 373/3 gia đình má Bảy anh chị em còn khá đông đúc. Phía sui gia bên này chỉ có tôi và chú Quý, chú em nhưng quen biết việc hương đèn, cúng bái hơn tôi. Tăng đoàn Phật tử nào đến, chú châm đèn thắp hương, đặt quả nhịp nhàng giúp họ lễ nghi bài bản....
Đến ngày thứ sáu, lúc tang mõ dập dồn, trưởng tăng đoàn ra dấu hiệu cho tôi là cô Liễu Hương sắp ra đi. Anh là cả, anh chuẩn bị vuốt mắt cho cô ấy.
Chuông mõ ngưng. Lễ siêu độ ngưng. Trái tim em tôi vẫn đều đều nhịp đập. Má Bảy thanh toán tiền xăng xe. Chúng tôi cám ơn tiễn tăng đoàn ra về, vội quay lên gác túc trực bên nhịp tim của Phú.
Gác hai ngôi nhà khói hương nồng nặc. Anh em chúng tôi thu dọn, lau chùi hương đèn, giấy má rơi tung tóe. Bảy thay thỏi nước đá mới quạt mát cho Phú, màn sương phả lên dịu dịu căn phòng. Sài Gòn vào mùa nắng oi, ngày cũng như đêm bức bối khó chịu. Mặc áo vào lại muốn cởi ra liền. Bảy nâng hai chân Phú lên thay tã mới: cổ vừa bĩnh ra, Bảy nói. Hôm nay là ngày thứ sáu tính từ ngày tháo bình ôxy, Phú bĩnh mỗi ngày hai lần. Người ta nói, người sắp chết thường biết tự dọn sạch mình dẫu khi ấy đã trở nên vô thức. Biết đùn đẩy hết chất uế tạp trong mình là một cách để ra đi thanh thản.
Bốn bóng đèn nê - ông gắn trên bốn vách tường sáng trưng hơn cả ban ngày. Phú nằm thở ở giữa. Anh em chúng tôi túc trực ở ba phía. Ba cặp mắt lâu lâu lại “bắt” nhau: ai buồn ngủ thì cứ ngủ. Ngủ ngồi hoặc mệt quá thì nằm xuống luôn cho người khác biết mà thức chong cùng những bóng đèn. Ngày mai, có tăng đoàn Phật tử đăng ký đến làm lễ sớm.
Tôi pha ấm trà mới.
Tôi tự rót, tự uống. Tôi nhìn đồng hồ. Thời gian dần trôi sang ngày thứ bảy. Nhịp tim em tôi vẫn như thi cùng nhịp kim đồng hồ. Ôi em tôi! Giá chi em không mắc bệnh hiểm nghèo chắc em phải sống đến trăm tuổi?
Gia đình tôi có bảy anh chị em, mất hai còn năm. Phú là em gái út - Út Phú. Thầy tôi trụ trì nhiều ngôi chùa lớn thị xã Đồng Hới. Ông còn là thầy thuốc nổi tiếng (thường gọi là Thầy Ốm) bắt mạch kê đơn giúp đỡ người nghèo quanh vùng không lấy tiền. Một mình vú (mẹ) tôi cai quản ba mẫu ruộng, sáu sào rẫy, hai sào ruộng nhất đẳng điền hương hỏa chùa làng, với hơn mẫu vườn (rộng nhất làng) vị chi gần đến năm mẫu. Vú tôi thuê người cày bừa cấy hái. Đến mùa gặt, ngôi nhà năm gian hai chái, năm gian đố trên tra lúa chất đầy cót đầy bồ. Lúa nhiều còn đóng bao xếp tạm một góc trên ngôi Bảo Thiên tự là ngôi chùa thầy vú tôi xây năm Tân Tỵ (1941) trước năm tôi ra đời. Cải cách ruộng đất (1957) gia đình tôi thuộc thành phần trung nông lớp trên. Gia đình vào hợp tác xã. Hai chị gái lấy chồng. Hai anh em chúng tôi về thị xã học. Út Phú học trường xã rồi trường huyện cho gần nhà. Vào hợp tác xã, gia đình tôi không có người làm nên không có công điểm gì sất. Gần bốn mẫu ruộng và rẫy tự nhiên hiến cho hợp tác xã, cho Nhà nước mà không có giấy tờ gì để lại. Vú tôi được quyền giữ mẫu khu vườn xưa nuôi anh em chúng tôi ăn học. Kinh tế gia đình tôi sa sút dần.
Chiến tranh. Xếp bút nghiên, tôi vào bộ đội Hải quân. Tiếp theo em trai tôi cũng bỏ dở trung học phổ thông vào bộ đội Đặc công. Chỉ có Út Phú là học hành tử tế tuy vất vả gian nan.
Là bởi thầy tôi mất tiếp vú tôi mất (cách nhau hai năm). Hai anh trai đi học xa. Một mình Út Phú bơ vơ phải trông coi một ngôi chùa lớn, một ngôi nhà lớn giữ khu vườn rộng mênh mông hoa trái rụng đầy thềm. Đến mùa nhãn biết thuê ai lồng? Chuối, cam, mít, ổi... ai người đi chợ bán? Những công việc nặng nhọc nầy ngày trước dồn hết lên đôi vai vú tôi... Cũng nhờ hai chị lấy chồng gần. Nhất là chị Lợi (chị thứ) lấy chồng nhưng vú tôi cho làm nhà trên một góc vườn xưa. Nhờ anh chị Quang Lợi lo cho đủ bề, Phú mới học tập không phải đứt đoạn.
Nhưng, ở chiến trường Đông Bắc tôi điên tiết khi nghe tin Phú bỏ kỳ thi cấp ba, chẳng biết mô tê gì, tôi thư về trách cứ các anh chị nào thế này, nào thế nọ không biết thương xót một đứa em út côi cút? Lá thứ “nổi giận” của tôi, Phú phúc đáp liền: anh ơi, anh nói gì dữ dằn vậy mà tội cho các chị. Em có đi thi mà. Em thi hai môn ngày đầu khả quan lắm. Em vui lắm! Nhưng chuẩn bị thi ngày thứ hai thì đầu em bỗng choáng. Choáng đến một tuần mới khỏi. Em bỏ thi là do em bị đau đầu chớ!
Nhiều bệnh án, các thầy thuốc thường tra tìm nguồn cơn dòng máu di truyền người thân. Bệnh của Phú biết đâu nó bắt đầu chớm từ kỳ thi trung học?
Chú Quý ngái ngủ ngáp. Bảy ngái ngủ ngáp. Ba cặp mắt chiếu nan hoa bắt nhau mà trục là khuôn ngực Phú đang thoi thóp thở.
Tôi lại nhấp một ngụm trà nóng...
Hồi chiến tranh chống Mỹ ác liệt trên miền Bắc, Phú là “đường dây nóng” nối tiền tuyến hậu phương cho tôi qua những bức thư. Chưa bao giờ tôi thấy tinh thần em hào khởi như lá thư nầy: Anh ơi! Quê mình đồng dưới đồng trên giờ quy hoạch bờ thửa bờ vùng thẳng tắp. Máy cày đã về rồi! Nó có đến bốn lưỡi lật rãnh sâu đằm tăm tắp như trên phim Liên Xô ấy anh! Nói công nghiệp có khác. Với cung cách làm ăn như vầy, hai cánh đồng làng ta nó chỉ lật trong hai ngày là xong tất tần tật. Mấy ông trong Ban chủ nhiệm thật tài tình ra tận đâu Bắc Ninh quá thủ đô Hà Nội gì đó mới mua được máy. Rồi họ thuê xe tải chở máy cày về tận quê mình lận. Đương nhiên, hai kho lúa của hợp tác xã đã vét sạch.
Và, tôi cứ mường tượng cô em tôi cùng lũ choai choai gái làng tung tẩy sau những sá cày, hai cánh đuôi sam tóc tết đập nhịp sau lưng mồ hôi đẫm ướt áo nâu sồng...
Bẵng đi mấy tháng, tôi lại có thư em. Tinh thần thư nầy ngược lá thư trước, uất hận, buồn thảm, thất vọng ê chề: anh ơi, người ta mua về một cục sắt gỉ anh ơi! Trước em ngu quá, lại còn đi khen người ta. Em nghĩ đơn giản. Có máy cày thì có nhiều lúa gạo, dân no, cuộc sống sẽ khá lên. Em làm công việc lặt vặt trong vườn, trông coi nhà cửa, hương khói cho thầy vú, sống gần các anh chị, các cháu, chờ ngày thắng giặc, các anh trở về. Nhưng bây giờ thì ngán lắm! Cái cục sắt đang nằm vạ anh ơi! Cày chưa xong đồng dưới nó đã đứng im. Ba cái lưỡi văng ra. Còn một lưỡi lung lay sắp văng ra nữa. Người thì nói do nó làm việc suốt ngày đêm mới kiệt sức? Người thì nói do máy cũ quá, người ta thải đi mình lại mua về? Nhưng bây giờ mấy cái lưỡi bung ra là do hàng bu-lon đinh vít biến đâu mất. Thì đi tìm. Nhiều người hăng hái đi lật lại các sá cày. Cũng nhặt được mấy cái nhưng vặn vào nó cứ long quèng quẹt. Một người nói: nhà tôi còn có mấy cái bu-lon tà vẹt đường tàu ngày xưa. Khi ông mang bu-lon tà vẹt ra thì nó lỡ cỡ không ra môn ra khoai gì... Đoạn họp bàn: đội cơ giới của huyện đóng trên Long Đại. Ta cho người lên mời kỹ thuật họ về kiểm tra cho. Anh kỹ thuật cày máy Long Đại về. Mọi người chẳng biết anh tên gì cứ gọi đại anh Long Đại. Bởi trên đó có làng Long Đại, có cầu Long Đại, có sông Long Đại. Đội cơ giới của huyện sơ tán đang đóng ở trên đó. Anh Long Đại tháo mấy bộ phận máy ra săm soi, nhận xét: máy cũ quá rồi. Nó còn cũ hơn một số máy cày của đội chúng tôi đang cày cho các xã vùng trên ấy. Răng Vĩnh Tuy không liên hệ với huyện để các ông nhượng bớt lại cho một cái. Việc gì phải ra tận Bắc Ninh cho nhiêu khê, tốn kém? Anh Long Đại còn chỉ, đây này, dầu máy đã khô rang, pích-tông đen thui sắp cháy!
Anh thấy có ngán không? Mấy cha lúc nào cũng oách: ta đây đã du hành tham quan thủ đô! Còn dân làng thì méo mặt kêu đói! Thôi chào anh! Hẹn anh thư khác. Em đang tập trung ôn tập đây. Em quyết tâm lắm rồi. Em sẽ thi đậu đại học cho anh coi nhớ!
Em gái tôi đậu đại học thật. Lại đại học bách khoa, ngành chế tạo máy kia đấy! Ghê chưa? Tôi viết thư chức mừng em còn trêu chọc: con gái mà chọn bách khoa, ngành chế tạo máy, chắc em mãi uất hận mấy con bu-lon máy cày ngày xưa? Thư em trả lời còn đe tôi: này anh, đi ngành chế tạo máy em còn biết nhiều máy móc tinh vi hơn, sá gì mấy con bu-lon chết tiệt. Em có học nguội. Không cần đúc con bu-lon mới cho mất công, chọn một con bu-lon cũ, thép tốt, em chỉ “doa” hai giây là xong, hết chê!
Tôi báo thủ trưởng đơn vị là em gái tôi đã ra học ngoài này. Trường sơ tán đóng ở
N. Hồi
đó các trường đại học Hà Nội sơ tán cũng phải giữ bí mật. Tiểu đoàn trưởng Thư đồng ý cho tôi phép tranh thủ vài ngày khi nào tàu về Hải Phòng. Lòng mừng khấp khởi tôi vội gói hai cân đường. Tôi tính: tàu cập bến, tôi đi chợ Sắt đóng hai chai nước mắm cốt cực ngon, chèn hai cân đường vào bị cói làm quà mừng em tôi xinh đẹp, học giỏi.
Tôi đi chuyến tàu sớm Hải Phòng - Hà Nội. Theo chỉ dẫn trong thư, từ ga Hàng Cỏ bắt xe chở ra Bến Nứa. Từ Bến Nứa có xe thường xuyên đi N. N là một tỉnh miền trung du phía Tây Hà Nội. Bến xe N là bến xe dã chiến ở ngoại ô tỉnh lỵ ấy. Từ bến N đi bộ vòng con đường đồi đất đỏ bốn cây số nữa rồi hỏi xã X.H. Trường Bách Khoa đóng trong nhà dân. Văn phòng hợp tác xã nông nghiệp thành giảng đường. Riêng khoa chế tạo máy là hai dãy lán tranh tre mới dựng dưới chân đồi, có hồ nước rộng bơi lội thỏa thích, bởi thế mà có sinh viên đã chết đuối...
Chàng thủy thủ đội mũ trắng có hai dải gắn mỏ neo theo gió tung ngược lên trời, tay xách cái bị cói xấu xí quê mùa đi thẳng vào lán. Phú ô lên một tiếng chạy tới ôm chầm lấy tôi: chúng mày ơi, anh trai tao đây này! Phú khóc ràn rụa. Tôi đưa bị cói cho em. Em mở ra xách lên hai chai nước mắm đóng đôi tươi cười. Phú có nước mắm Hải Phòng! – Phú có nước mắm Hải Phòng! Nhiều tiếng bạn gái truyền nhau gọi ngọt ngào như câu hát! Lán bên kia có bạn đã cầm bát chạy sang. Ai chìa bát tới, Phú nghiêng chai rót cho vài giọt! Ngoài lán, nhiều tiếng nói, tiếng cười râm ran, tiếng đấm lưng nhau thùm thụp: - Đổ nước mắm bây giờ? Xì, nó như đóc con ho láng lòng bát làm sao đổ? Con ranh! - Mà này! Chàng thủy thủ đẹp trai đến tệ mày nhỉ? Nói nhỏ thôi mày. Công nhận anh trai Phú đẹp cực! Dân Quảng Bình tuyến lửa bom đạn sao anh em nhà họ đẹp đến vậy ta!...
Tội nghiệp em tôi. Giờ em nằm dưới ánh sáng đèn nê-ông, các anh đang ngồi gác từng nhịp thở dần yếu ớt. Đời binh nghiệp tôi chẳng có gì trợ giúp em tôi. Hết binh nghiệp, tôi lao theo con đường văn chương càng thêm nghèo. Năm 1983 vợ đi học Nga về, tôi mới mang vào Biên Hòa tặng em chiếc bàn là Liên Xô thay cái bàn ủi than em vẫn dùng. Lần thay chiếc bàn là cũng là lúc em bỏ cái giường nhỏ sang giường đôi. Em bỏ áo xuống ủi thử bàn là mới trên cái giường đôi mới ấy. Tôi đùa: sắm giường đôi rồi thì cưới chồng chứ em!- Chưa đâu, anh Bảy đang còn học mà anh! - Bảy là tên hay là cách gọi Hai, Ba, Tư trong này? À, như vậy nè, tên tuổi anh em hai gia đình gần như trùng nhau. Ngoài gia đình ta có Quang, Vinh, Quý, Phú, Thắng, Lợi, Lộc, thì trong này gọi anh Tư, anh Năm... nhưng đều trùng tên với ngoài nhà ta. Hay quá nhỉ, vậy gốc gác gia đình Bảy?
Ừ, em tóm tắt vậy nè: Ông nội Bảy quê Triều Châu. Lên sáu tuổi lưu lạc theo đoàn người chạy loạn qua Sài Gòn khi quân Thanh đuổi đánh. Ông nội Bảy lấy vợ sinh ra ông Ngô Thanh (bố Bảy). Ông Ngô Thanh lấy bà Trần Thị Hiếu (má Bảy) sinh hạ đến chín người con trai. Anh Hai, anh Ba mất sớm. Giờ tính từ anh Tư đến Út Mười. Ngoài nhà ta, nếu tính theo cách Nam Bộ thì Phú là Út Tám. - Anh hiểu rồi. Nhưng có yêu nhau sâu sắc thì mới biết tường tận đến vậy. Thế Bảy đang học ngành gì? Đông y cao cấp. Ồ hay quá nhỉ. Ngày xưa thầy mình tu nghiệp ở Huế và trở thành thầy thuốc Đông y nổi tiếng. Như vậy bỗng dưng mà trùng hợp. Tôi gạ: Thôi các em sắp xếp mà cưới nhau đi. Lớn tuổi rồi! - Phải chờ chút, anh Bảy đang học kỳ cuối mà anh!
Sang ngày thứ bảy, tăng đoàn Phật tử đến làm lễ siêu độ như mọi ngày. Đầu gối chân trái của Bảy tự nhiên sưng vồng lên, đau nhức, đi lại rất khó khăn - Lại rách việc nữa rồi? Việc giúp lễ đã có chú Quý đảm trách. Tôi vẫn ngồi canh bên Phú. Bảy nhóm lò than sắc thuốc uống. Bên ngoài Bảy xoa dầu, dán thuốc dán và bó nhiều cây lá thuốc gì nữa. Một chân Bảy thành một cái cột trắng to đùng, nhúc nhắc đi lại khó nhọc. Bao ngày vất vả nuôi vợ bạo bệnh giờ bệnh lại chuyển sang Bảy chăng? Chà chà, lúc này mà tim Phú ngừng đập là rất rối!
Quan tài đã chuyển về để dưới tầng trệt. Tôi xuống xem. Má Bảy chỉ quan tài nói. Tôi sẽ thua Phú! Sao má nói vậy? - Là bởi tôi thiêu. Thiêu thì không cần cỗ quan tốt đẹp như vậy. Thiêu thì chỉ cần quan tài nhỏ, gỗ xấu. Tôi hiểu. Nhưng, tôi xin nói trước để anh Vinh (tức là tôi, Bảy trùng tên với tôi - Ngô Thành Vinh) và các chị ngoài nhà thông cảm, thằng Bảy đang còn trẻ, rồi nó sẽ lấy vợ. Đúng vậy. Dạ thưa má, chị em chúng con mong chờ điều tốt đẹp ấy đến sớm.
“Đứng gác dưới ánh đèn nê-ông” là tên vở kịch nói nói về những người lính đứng gác cho đất nước Liên Bang Xô Viết rộng lớn. Dưới ánh đèn nê-ông bây giờ, ba anh em chúng tôi đang gác từng nhịp tim yếu ớt cho người em gái nhỏ thân yêu!
Đoạn Bảy đứng lên nói: Anh Vinh, anh Quý ơi! Đời em chỉ có hai người đàn bà thân yêu nhất, nể trọng nhất là má em và Phú. Phú ơi, Phú thương anh thì nhắm mắt đi Phú! Huyệt mộ em, anh đã thuê đào sâu một mét tư ở nghĩa trang thành phố Biên Hòa cho gần nhà máy bao năm em gắn bó. Lúc hạ huyệt sẽ có đầy đủ Ban Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn và toàn thể cán bộ công nhân viên nhà máy tiễn đưa em về nơi an nghỉ cuối cùng…
Hơi thở Phú yếu dần. Phút lâm chung sắp tới.
Đến ngày thứ chín. Cũng như các ngày trước, sáng và chiều đều có hai tăng đoàn Phật tử tới làm lễ siêu độ cho Phú. Chiều, chúng tôi tiễn tăng đoàn Phật tử ra về thì đón một vị sư khoác áo cà sa vàng, vai mang túi vải nâu đến. Bảy nói Bảy mời riêng thầy tụng kinh cầu an vào giờ Dậu.
Má Bảy lên gác thăm cô con dâu yêu quý. Từ lúc Phú bỏ cháo, thở ôxy, lúc này má mới lên. Bởi má bệnh. Má bị tai nạn xe gãy hai xương sườn thay bằng hai thanh inox. Thân thể má béo nặng nề. Má đi, lưng má vẹo xiêu xiêu. Cầu thang sắt rất hẹp. Mỗi lần có việc má lên lầu phải có người đỡ ở bên dưới. Má ít khi lên gác là thế. Thế mà lần này không cần có ai đỡ dưới, má tự vịn cầu thang đu người lên: để tao thăm con Phú cái coi! Má sờ tay, sờ ngực, sờ mắt con dâu, má nói: Chúng bay chuẩn bị đi, ngày mai chưa biết vào giờ nào, nhưng má mà đã nói là như đinh đóng - ngày mai là ngày Phú đi đó!
Đợt trước trở lại Huế, tôi có đi thầy. Tôi nói em gái tôi sinh năm ấy, tuổi ấy, bệnh tình như vậy. Gia đình bên nội tốt trên cả tuyệt vời. Nhưng lấy chồng muộn nên không có con. Nếu chết, em tôi nên an táng ở đâu là tốt, xin thầy cho một quẻ. Thầy nói: Cô Liễu Hương xinh đẹp là cây liễu thơm, con người toàn bích, hiển đạt, cao vọng, sống thác ở đâu cũng được người đời nể phục, nhưng tuổi Kỷ Sửu, nếu mất vào giờ Tuất thì thể xác cũng có thể về được với tổ tiên ông bà.
Tôi thành tâm nói ra điều này với Bảy. Bảy cũng rất chân thành: em rất hiểu tấm thịnh tình của các anh, các chị và bà con dòng tộc ngoài làng, em đã hỏi giá cả hẳn hoi. Liệm xong, xe chở quan tài từ đây ra quê hạ huyệt là 15 triệu đồng. Điều đó quá đơn giản. Nhưng em yêu Phú. Em là chồng Phú. Em hiểu phải có trách nhiệm và bổn phận của một người chồng.
Bảy đúng. Mọi người tuân theo ý Bảy.
Sinh lão bệnh tử là điều không tránh khỏi. Riêng gia đình tôi rất tự hào về cô em út. Không nói ra thì người ta vẫn biết. Nhưng chuyện đến đây thì cũng nên tỏ hết nỗi niềm. Gia đình má Bảy đến lúc này có bảy người con trai. Mỗi người đều có một cuộc sống riêng. Điều tôi muốn nói là tên gọi má. Bởi bà Trần Thị Hiếu cũng có thể gọi má Tư, má Năm, má Sáu, má Tám, má Chín, má Mười. Nhưng không, trong đại gia đình họ Ngô này và bà con lối xóm ai nấy đều gọi bà Hiếu là má Bảy. Điều đó nó thể hiện dự phần xứng đáng vào người con dâu hiền thảo em gái chúng tôi? Và nếu như thế thì em tôi là một sinh linh quý hiếm, một hạt cát vàng xây Ngôi hạnh phúc trần gian!
Bước sang ngày thứ mười. Chân Bảy bớt sưng. Ai cũng mừng. Bảy vẫn sắc thuốc uống, thay băng, bó lá. Em ra đi vào giờ nào trong ngày hôm nay? Phút giây hồi hộp đợi chờ. Chiều, Bảy kiểm tra dưới lưng Phú - Ủa, Phú vẫn còn bĩnh ra nữa đây nè! Chúng tôi cùng nhìn vào tấm tã lót vừa kéo ra: một hạt huyền lóng lánh!
Một tăng đoàn Phật tử tới làm lễ siêu độ cho em (chắc là lễ cuối cùng?) Tiếng chuông ngân, tiếng tang gõ dòn, tiếng mõ dồn dập thúc hối. Tiếng các vị tăng lữ thiện nam tính nữ niệm chú: yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha (*) theo nhịp nhanh của mõ. Tôi ngồi bên em chăm chú nhịp tim em đập rất chậm rãi mà đều. Khi tim Phú ngừng đập, tôi là người đầu tiên vuốt mắt cho em, đến Quý rồi mới đến Bảy. Bảy quyết định thứ tự như vậy, chúng tôi phải làm theo như vậy. Thật lạ lùng và cũng là lần đầu tôi chính kiến nhịp đập bền bỉ của một con tim. Ôi em tôi, giá chi…
Và tôi mong nhịp tim em vượt qua giờ Tuất. Giờ Tuất đã đến (tức 19 giờ).
Chúng tôi cùng nhìn đồng hồ treo tường, đồng hồ bàn, nhìn vào đồng hồ tay tôi đang đeo. Kim phút nhích dần qua con số 5 rồi số 10 rồi con số 15. Em há miệng thở hắt một tiếng rồi khép lại. Nhịp tim ngưng hẳn. Chúng tôi cùng thốt “em ơi” rồi cùng khóc òa. Em ra đi lúc 19h15 giờ Tuất, ngày 13 tháng 4 (Quý Mùi) Phật lịch năm 2247 (2003 Tây lịch).
Khép lòng hai bàn tay tôi vuốt lên đôi mắt em ba vuốt. Chú Quý vuốt ba vuốt. Rồi đến chú Bảy vuốt mắt cho Phú. Hình như Bảy vuốt đến bảy lần. Nhưng lạ chưa, đôi mắt em vẫn còn he hé mở? Chú Quý bình: chắc là Phú chưa thấy có hai chị vào nên đôi mắt em vẫn còn trông ngóng xa xăm?
Thay bằng tiếng khóc, Bảy mở máy cát sét gắn băng niệm Phật cầu an cho linh hồn em Nguyễn Thị Phú pháp danh Liễu Hương siêu thoát miền cực lạc quốc.
Đoạn, anh Năm cùng nhiều người Bảy thuê thực thi công việc tắm rửa và thay áo mới cho em. Em bận bộ đồ lụa vàng - thỏi vàng ròng bóng hình giai nhân yên giấc ngàn thu.
Em ra đi trong tuần lễ Phật Đản - tuần lễ mà giới tăng ni Phật tử trên toàn thế giới đang tập trung tinh lực hồi hướng Đức Phật Nhiệm Mầu!
Nhà sáng tác Đại Lải 24.7 V.N (253/03-10)
----------- (*) Đi qua, đi qua, đi qua bờ bên kia, đi qua bến bờ bên kia, bến bờ giác ngộ.
|