Tạp chí Sông Hương - Số 136 (tháng 6)
Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp
09:47 | 19/04/2010
ĐỖ ĐỨC HIỂU Trong hành trình "Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp", tôi thấy một giọt vàng rơi vào lòng mình, giọt vàng ròng ngời sáng. Đó là truyện ngắn của anh. Anh tái tạo truyện ngắn ở Việt Nam vào những năm cuối thế kỷ XX này và nâng nó lên một tầm cao mới: thơ ca và triết lý, nó truyền thống và hiện đại, phương Đông và toàn nhân loại.
Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - Ảnh: vietimes.com.vn
TỪ CHUYỆN đến TRUYỆN NGẮN

"Từ chuyện (conte) đến "truyện ngắn (nouvelle); Trước hết, tôi đề nghị với bạn đọc một quy ước: tôi gọi là chuyện (conte) những chuyện dân gian, chuyện hoang đường, kể một cách hồn nhiên, chuyện cổ tích, chuyện truyền thuyết, chuyện truyền kỳ, chuyện tiếu lâm vân vân. Và tôi gọi là truyện ngắn (nouvelle) những truyện đã được mã hóa, mang đậm dấu ấn cá tính người kể truyện, cụ thể và hiện thực, mang tính " hiện sinh", tức là con người xuất hiện như một cá tính có ý thức về bản thân mình và về người khác; nó luôn luôn xa lạ với trật tự đã hình thành, với những giá trị đã được thiết lập. Vì vậy, truyện ngắn chỉ ra đời khi con người và xã hội đã trải qua một khủng hoảng ý thức (crise de conscience), biết thế nào là tự do và dân chủ. Truyện ngắn ra đời ở thời kỳ hiện đại như một cá tính có ý thức, có mầm mống, ở phương Tây, từ thời kỳ phục hưng, và đạt tới đỉnh điểm, tức là đã được hoàn chỉnh về phương diện thi pháp, ở thế kỷ XIX, với những tên tuổi lừng lẫy: Mérimée, Daudet, Maupassant, Tchékhov... và ở thế kỷ XX với Woolf, Palerm, Kafka, Duras...

Tất nhiên, có những liên hệ mật thiết giữa chuyện (chuyện dân gian, chuyện hoang đường, hồn nhiên) và truyện ngắn. Chuyện và truyện ngắn đều kể một câu chuyện (histore, fable) và thường đều ngắn. Chuyện là mầm mống của truyện ngắn. Chuyện chứa đựng những yếu tố tiềm tàng của truyện ngắn, truyện ngắn là đỉnh cao của quá trình phát triển của chuyện (có khi qua nhiều thế kỷ), nó luôn luôn gợi nhớ chuyện, đến một thời điểm lịch sử nhất định, chuyện "lột xác" thành truyện ngắn. Thời điểm đó, chính là sự tự ý thức của con người về bản thân nó, về cá nhân và xã hôi. Một nhà nghiên cứu Pháp hình dung chuyện (conte) như những vòng tròn đồng tâm, bao vây lấy nhân vật, những đạo lý, trật tự xã hội, dư luận, pháp luật v. v... Còn nhân vật của truyện ngắn làm "nổ tung" những thiết chế ấy; nó dữ dội, nó đau khổ, nó vùng vẫy, nó phiêu lưu, nó cô đơn. Xét về bình diện thi pháp, cấu trúc chuyện là bất biến, ngưng đọng; không gian chuyện là mơ hồ, thời gian chuyện không xác định, nhân vật chuyện không có cá tính ("Ngày xửa, ngày xưa", ở một khu rừng nọ", "một lão tiều phu"...) Chuyện dù có biến động thế nào, cuối cùng Lọ Lem trở thành vợ của Hoàng tử và hai cô chị lấy hai vị đại thần. Còn Mèo đi ủng (Le Chat botté) với trí tinh khôn, giúp ông chủ nghèo và hiền lành của mình lấy được công chúa, lên ngôi vua.

Tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp - Ảnh: phongdiep.net


Chuyện thường kết thúc vui vẻ, có hậu, tức là chuyện không ra ngoài trật tự hiện hành, không ra ngoài tư duy thống trị lúc đương thời. Trái lại, truyện ngắn luôn phá vỡ những vòng vây bao quanh nó. Nó động, nó có thể trải qua bi kịch. Thế giới truyện ngắn là thế giới lộn xộn, xáo động, đỗ vỡ, có thể là thế giới của cái ác, " thế giới hiện thực" - có thể nói vậy. Nó không ổn định, không "hoang đường" (ở đây, mọi điều tốt đẹp). Bởi vậy, truyện ngắn đầy sức sống, chứa đầy khát vọng. Người kể truyện ngắn có cá tính cao độ, có nhiều tiếng nói, những tiếng nói này khám phá thế giới, khám phá con người. Nhân vật chuyện thường đơn giản, một chiều, hay nhất phiến, còn nhân vật truyện ngắn có nhiều tầng lớp tâm lý, kể cả tiềm thức, vô thức.

Qua những nhận định bên trên, có thể nói, ở Việt Nam, truyện ngắn chỉ ra đời và phát triển trong giao lưu văn hóa Đông - Tây, cụ thể hơn, Việt Nam - Pháp, nhất là từ đầu thế kỷ XX, với những nhà văn như Phạm Duy Tốn, Nguyễn Công Hoan, Khái Hưng, Nhất Linh, Nam Cao, Thạch Lam, và trong hơn thập niên cuối cùng của thế kỷ XX này, với Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Phan Thị Vàng Anh, Trần Trung Chánh...

Có thể nói tóm tắt: Truyện ngắn là sự đổi mới của chuyện. Để hiểu rõ thêm truyện ngắn, tôi sẽ phân biệt nó với tiểu thuyết (trước đây, có người gọi là truyện dài).

Thierry Ozwald nhận định một cách xác đáng rằng chuyện, truyện ngắn và tiểu thuyết thuộc chung "một không gian văn chương"- kể chuyện hoặc tự sự. So sánh với tiểu thuyết, truyện ngắn - nhưu tên gọi của nó, có đặc trưng là nó ngắn, vì nó ngắn nên hành động của nó đơn giản, nó kể một sự kiện; nó chỉ là một đoạn, một mẩu của cuộc đời nhân vật, nó ngắn đến mức nào? có nhà nghiên cứu cho rằng nó ngắn khoảng mười trang, hoặc năm mươi trang; nó được đọc một mạch, khoảng nửa giờ hoặc một giờ (không kể truyện cức ngắn hay còn gọi là truyện ngắn mini, khoảng mười dòng). Do đặc điểm ngắn, thường nó rất căng thẳng. Còn tiểu thuyết thường kể chuyện một cuộc đời, một quá trình biến đổi với nhiều sự kiện, nhiều nhân vật, với những thăng trầm, xẩy ra ở nhiều nơi chốn, trong một thời gian dài, nhiều khúc gãy - Nó mở.

Như vậy, có thể thấy một số đặc trưng cơ bản của truyện ngắn: Truyện ngắn kể một sự khủng hoảng trong cuộc đời nhân vật; với độ căng thẳng và cô đọng khác thường (so với tiểu thuyết); nó khởi đầu như một sự đánh đố và kết thúc bằng những sự bất ngờ, gây ngạc nhiên. Có thể nói sự việc xảy ra trong truyện ngắn giống như một " việc vặt" đăng trên báo hàng ngày: một vụ tự tử, một tai nạn, một sự ngộ nhận, một sự lầm lẫn... Từ đó, nhà văn hư cấu một nhân vật sống động, những hoàn cảnh đặc biệt, không gian, thời gian thích hợp v. v... Tài năng của nhà viết truyện ngắn là lựa chọn một tình thế gay gắt, "bước ngoặt", căng thẳng trong cuộc đời nhân vật; sau đó, xây dựng một "không khí" kỳ ảo - cả hư ảo nữa - gây đột biến, bất ngờ, ngạc nhiên. Một số truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp được xây dựng như vậy, chẳng hạn Trái tim hổ, Đất quên (trong Những ngọn gió Hua Tát), Sang sông, Truyện tình kể trong đêm mưa...

Phần bên trên phác họa sự ra đời của truyện ngắn từ chuyện: nó được quy chế hóa, thi pháp hóa, mã hóa do sự xuất hiện của cái Tôi có ý thức, như một thực thể tự do; cái Tôi ấy bất an, không ổn định, nó vùng vẫy, đau khổ, cô đơn, luôn luôn di chuyển (như Chương trong Con gái Thủy thần).

Nó đi tìm bản thân nó. Đó là truyện ngắn "cổ điển", ở phương Tây thế kỷ XIX.

Sang thế kỷ XX, truyện ngắn có những biến đổi cần ghi nhớ. Cũng như văn học, nghệ thuật thế kỷ này nhẹ về sự kiện bên ngoài, và hướng vào "thế giới bên trong" con người, truyện ngắn thường là sự kết hợp những tình cảm tâm tư ở một thời điểm mạnh (temps fort) trong trái tim nhân vật. Thế kỷ XX đánh dấu sự "trừu tượng hóa" văn học, nghệ thuật. Chẳng hạn, hội họa không còn là hội họa tượng hình (peinture figurative), mà hội họa trừu tượng. Tiểu thuyết mới phát hiện những "hướng động" tinh tế, li ti, khó nhận biết trong con người. "Kịch phi lý" của Beckett, Ionesco là những văn bản nhiều khi bí hiểm, nó khai thác những bất cập của ngôn ngữ loài người. Một bộ phận của văn học, nghệ thuật thế kỷ XX rất khó đọc, khó hiểu. Bởi vậy Claude Maurice và Ricardore nói đến Alittérature (tạm dịch phi văn học): Người đọc không còn thụ động thưởng thức tác phẩm văn học, mà trở thành người đọc tích cực: đọc là một cuộc phiêu lưu giữa văn bản ngôn từ. Cho nên, theo các nhà lý luận trên, người đọc phải từ bỏ lối đọc "truyền thống" và phải rèn luyện cách đọc tích cực, tức là phải khám phá, phải cùng nhà văn sáng tạo (tôi nghĩ đến thơ Lê Đạt hiện nay). Song, đây là một vấn đề phức tạp, khó trình bày trong bài viết này.

Nhiều truyện ngắn thế kỷ XX, ở phương Tây có xu hướng "kể" những biến động trong tâm tư nhân vật, nó thiên về những ấn tượng hơn là về những hiện tượng. Nó mang tính thơ ca, cốt truyện đơn giản, văn chương tinh tế, có khi giống như một bản nhạc dìu dặt, nhẹ nhàng; Thường nó đi tới một nhịp mạnh, biểu đạt bằng một câu văn đầy rung động; ở một số nhà văn phương Tây, có thể nói đến "truyện ngắn thuần túy": Woolf, Duras, Le Clézis... Ở Việt Nam, trong nửa đầu thế kỷ này, có thể kể đến Thạch Lam; nhiều truyện của ông là những bản nhạc êm dịu. Ở nửa sau thế kỷ, phải kể đến Nguyễn Huy Thiệp; anh là tác giả những truyện ngắn "cổ điển" hoàn chỉnh; và anh cũng là tác giả nhiều truyện ngắn hiện đại: Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt, Không khóc ở California, Chút thoáng Xuân Hương (truyện thứ ba). Truyện ngắn hiện đại hay sử dụng độc thoại nội tâm, hoặc xây dựng những "robot", hoặc hình bóng mờ ảo của nhân vật, con người xa lạ với thế giới, con người lạc lõng trong những mê cung đầy bí ẩn của thế giới.
 

Cách đây hơn mười năm, sự xuất hiện của Nguyễn Huy Thiệp gây một chấn động lớn trong giới văn chương và người đọc, và càng ngày anh càng chinh phục trái tim mọi người. Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp khuấy động tâm can chúng ta, về nhiều phương diện, đời sống, suy tư, văn học nghệ thuật, triết lý, thân phận con người. Từ một thế giới văn chương ổn định, mang nhiều tính chất hồn nhiên của Conte, lạc quan và lòng tin, chúng ta bước vào một thế giới bất ổn của đời sống thật, hàng ngày, đau khổ, và của những day dứt bất tận của nhân loại, đầy bi kịch: "Tôi đói như một con hắc tinh tinh. Tôi đói như một con lợn rừng. Tôi đói như một con vật ở địa ngục. Tôi đói đã nửa năm nay" (Con gái Thủy thần). Và "Tôi cứ đi... Nàng ở đâu, con gái Thủy thần? Nàng ở đâu, con gái Thủy thần? " Những câu hỏi, những chấm lửng thường để ngỏ truyện của Nguyễn Huy Thiệp: "Đò ơi... Ơi đò..." vang động chất thơ chưa dứt.

Thơ ca và triết lý là những đặc trưng cơ bản của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Đó là "tinh thần dân tộc" hay"tính phương Đông " của phong cách nhà văn. Đồng thời truyện Nguyễn Huy Thiệp rất hiện đại về cấu trúc, ngôn từ, về chính "cái viết" của nó: nó tự viết, tự hình thành, nó vừa đơn giản vừa sâu sắc, vừa trực giác vừa lý trí; nó lôi cuốn người đọc, mọi người đọc, từ " người đọc giải trí" đến " người đọc chuyên nghiệp" (hay siêu độc giả - người phê bình, người giảng dạy văn học). Tôi nghĩ đó là một kiểu mẫu đẹp về sự kết hợp tính truyền thống với tính hiện đại. Con người bất ổn, luôn luôn di động, đi tìm tự do, dân chủ, đi tìm cái đẹp, đi tìm bản thân nó; đó là nhân vật đa chiều, nhiều tầm vóc, không đơn điệu, không nhất phiến. Nhân vật ấy, dù là Chương, là Nhâm, là "Tôi" hay Bạc Kỳ Sinh... chỉ là một, con người cô đơn, đầy lo âu và đầy khát vọng. Nhịp mạnh trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là tình yêu. Tình yêu con người, tình yêu loài người là tinh thần bao trùm các tác phẩm của anh.
 

Cách đây ít hôm, tôi trò chuyện với một nhà báo trẻ. Nhà báo hỏi tôi: "Tại sao ông "Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp? " Tôi đáp: "Tôi đi tìm cái đẹp... Ngày nhỏ, tôi hay tìm bắt chuồn chuồn kim, ve sầu kim, cả đom đóm nữa, những màu xanh nhạt, ánh lửa lập lòe... và hoa tầm xuân. Gần đây, là Nguyễn Huy Thiệp... rồi Phạm Thị Hoài, Phan Thị Vàng Anh, Phan Triều Hải... tức là nhiều vẻ đẹp mà tôi ước mơ". Nhà báo: " Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, ông thấy gì? ". Tôi đáp: "Nói cho cùng, mỗi người có suy nghĩ, đều đi những hành trình, những phiêu lưu, luôn luôn day dứt đi tìm... tìm ai? Đi tìm bản thân mình. Khi đã lớn (và cho đến tận bây giờ) tôi luôn luôn bị ám ảnh bởi câu nói bất hủ của nhà triết học Hy Lạp cổ đại Socrate: "Bạn hãy tự biết bản thân mình" (Connais - toi toi - même). Người ta đi tìm vàng, tôi nghĩ: Vàng là ở trong trái tim mình, trong trái tim mỗi người chúng ta. Chương đi tìm con gái Thủy thần; Mẹ cả mấy lần xuất hiện, rồi biến mất, Gianna Đoàn Thị Phượng và cô Phượng, con gái ông trùm đạo..." con gái Thủy thần, nàng ở đâu? Câu hỏi khuấy động cuộc đời Chương. Chàng đi tìm con gái Thủy thần, tôi hiểu là chàng đi tìm chính bản thân mình. Và, cũng vậy, người đọc truyện Nguyễn Huy Thiệp, đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, là đi tìm bản thân mình.

Nhà báo trẻ - Vâng, tôi hiểu ông... Thế trong hành trình " Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp", ông thấy gì?

Tôi đáp: Tôi xin lỗi, cô cho tôi nói thêm. Người đọc làm những cuộc phiêu lưu trong văn bản ngôn từ, phức hợp, tuyệt vời ấy, và cũng nhiều cạm bẫy. Đồng thời, người đọc khám phá những hạt vàng lấp lánh trong trái tim mình. Hai động thái ấy tác động đến đáy sâu tâm hồn người đọc, nó rung lên, nó tạo nên những lớp sóng lan tỏa xung quanh. Một thế giới mới hình thành trong lòng người đọc. Thưa cô, nhà văn, nghệ sĩ cũng vậy. Nghệ sĩ phiêu lưu trong cái "mạng lưới" xã hội xô bồ, hỗn độn ấy, nó lọc qua tâm hồn nghệ sĩ, tức là cái nhìn, cái nghe, cái cảm nhận, trực giác và ý thức, tiềm thức và vô thức, siêu mẫu cộng đồng và siêu mẫu cá nhân đã hình thành từ ngàn đời, trong con người nghệ sĩ. Và nghệ sĩ thấy những giọt vàng thánh thót rơi vào trái tim mình. Xưa nay vẫn thế. Ở Shakespeare, là những giọt vàng Roméo, Juliette, ở Bernardin de Saint - Pierre, là Paul và Virginie; ở Balzac: Eugénie Grandet, ở V. Hugo: Jean Valjean, Quasimodo..., ở Nhất Linh là Loan và Dũng. Và ở Nguyễn Huy Thiệp, là thầy giáo Triệu, là ông Pành, là anh chàng Khó, là Bạc Kỳ Sinh... Tất cả các "nhân vật vàng ròng" ấy có tên chung là Tình yêu. Hãy nghe Bạc Kỳ Sinh "con hoang của rừng" hát về tình yêu:

Pò mệ ơi... Bố mẹ ơi
Pò mệ sinh con từ hang núi
Nơi ấy nhiều gió lạnh lắm
...
Con mình trần thân trụi
Và sờ soạng trong bóng đêm
Con nhặt được một vật mềm, ướt át
Con sợ hãi không biết vật gì
Nó phập phồng trong tay con
Đau quá, đau nhói ở đây
Con ngửa mặt lên trời và hỏi:
Đâu tình yêu? Đâu tự do? Đâu quê hương?
Pò mệ ơi
Pò mệ sinh con từ hang núi...

Là ca sĩ của Tình yêu, Nguyễn Huy Thiệp viết: "Tôi chưa thấy ai hát như thế bao giờ; người hát không lấy hơi, không ráng sức, khi nhấn lời hoặc ngâm nga thì dịu dàng không sao kể xiết: ngậm ngùi, tê tái mà không mủi lòng, tâm trạng cô đơn lạnh buốt lẫn lộn với những khát khao nồng nàn. Tiếng hát sóng sánh, đặc như những giọt mật ong. Mỗi từ là một giọt mật. Tôi nghe hát mà nước mắt cứ thế chảy ra dàn dụa, tự nhiên, không sao kìm lại được". Và hãy nghe Bạc Kỳ Sinh nói về tình yêu: "Không ai mang nhiều hạnh phúc và nhiều đau khổ cho tôi như Muôn. Ông đã yêu bao giờ chưa? Tình yêu dạy cho ta bước đi của hổ, của báo, dạy cho ta sức mạnh của mãnh thú. Nó dạy cho ta sự giảo quyệt của cáo, của rắn độc. Nó khiến ta nhân đạo hơn, hoặc độc ác hơn. Những kẻ hèn hạ không có tình yêu", và: "Tin tôi đi: Đấy là một hung thần" - một tình yêu dữ dội, "tình yêu to lớn... không trật tự nào dung được nó", như Nguyễn Huy Thiệp viết - Và bên cạnh nó, có những mối tình thoáng qua, nhẹ như hơi thở, như làn gió thoảng. Đó là mối tình cảm bến Tầm xuân, của cô Hương, trên chuyến đò sang sông, với một nhà thơ. "Sông nước sao mà đẹp thế. - Dòng sông êm ả tuyệt vời", - một không khí thơ mộng - Truyện tâm trạng, kiểu Woolf, Paoutovsky. " Cao trào" hay điểm chốt là lúc cô Hương "òa khóc", còn "anh thấy lòng mình đắng ngắt, nỗi buồn tràn ngập". Đò cặp bến, nhà thơ lên bờ, bước lên đê. Anh nghe thấy tiếng gọi vang trên mặt sông, từ rất xa, "Ơi... ". Anh chụm tay lại, hướng xuống dòng sông, nồng nhiệt gọi: "Ơ... ơi". Truyện chỉ có thế, cấu trúc một bài thơ, như nhiều truyện ngắn hiện đại trên thế giới.

Thơ và tình yêu trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp hòa quyện với nhau trong cấu trúc, trong ngôn từ, từ những tiêu đề đến những kết thúc. Còn lại tình yêu là tiêu đề vở kịch của anh về Nguyễn Thái Học. Cái xã hội hỗn loạn, vô đạo, bạo lực - gia đình lão Kiền được nhà văn gọi là Không có vua, tôi hiểu là "không có tình yêu", mà chỉ có hằn thù, điêu ngoa, đôi khi loé lên chút hy vọng của tình yêu: Sinh kể lại giấc mơ thuở nhỏ của mình, cô mơ tình yêu của một hoàng tử; còn Tốn " mơ một cái ước mơ", nó mới mong mạnh làm sao, "mơ một cái ước mơ". Trương Chi ca: Ta là Trương Chi / Ta hát cho tình yêu - Tên cướp (hảo hán) trong Sang sông, sau khi đập vỡ chiếc bình cổ của hai tên lưu manh, bảo: " Làm gì cũng phải nhân đức hàng đầu. Thơ là trùng điệp, là " quay trở lại". Trong Truyện tình kể trong đêm mưa, Bạc Kỳ Sinh và Muôn hát và tỏ tình với nhau một đêm mưa, "mưa nhiệt đới", với lời ca trái tim mềm mại rơi xuống đất lạnh; đêm ấy, mưa thấm vào mái nhà, thấm vào vách, vào đất, vào lòng người. Khi Muôn giận dữ bỏ chạy ra ngoài, mưa mù một trời, có tiếng giằng co, rồi tiếng Bạc Kỳ Sinh hú lên một tiếng khủng khiếp như chó sói tru trong dông bão. Kết thúc truyện, cũng một đêm mưa, mưa ở New York, mưa rất to như ở rừng Tây Bắc Việt Nam, " một cơn mưa nhiệt đới", "tưởng như không dứt, tưởng như không thôi, tưởng như không bao giờ hết được". Cũng hai cơn mưa trong truyện kể ông Pành "chết vỡ tim" vì tình yêu. Trong Những người thợ xẻ, hai lần hoa ban trăng xóa xuất hiện, với những câu hỏi day dứt của nhà văn. " Bạt ngàn là hoa ban trắng, màu trắng đến là khắc khoải, nao lòng. Này hoa ban, một nghìn năm trước thì mày có trắng thế không? " Ít trang sau: " Bạt ngàn là hoa ban trắng bên đường, màu trắng đến là khắc khoải, nao lòng. Nay hoa ban, một nghìn năm sau, thì mày có trắng thế không? ". Những băn khoăn triết lý về thời gian như giục giã con người hãy rũ bỏ cái "vô tâm" ("người vô tâm nhiều như bụi đường"), mà sống, và, cũng hai lần, Nguyễn Huy Thiệp viết trong Con gái Thủy thần: " Chỉ ít năm nữa đến năm 2000". Chương dứt áo ra đi, bỏ lại mẹ và các em nhỏ, chàng "cứ đi", chàng không muốn "sống héo mòn... như thể ông Nhiêu, ông Hai Thìn, như những người dân hiền lành, lam lũ vùng quê. Và " Dòng sông thao thiết chảy, thời gian thao thiết trôi". "Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp", tôi thấy "những giọt vàng" thơ ca và triết lý. Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp chứa đựng nhiều bí ẩn. Nó có nhiều bài thơ. Một hôm, tôi hỏi anh: "Có phải những bài thơ trong truyện của anh là tinh túy, là cái thần, tức là "tinh thần" của truyện ngắn ấy? " Anh mỉm một nụ cười hiền lành ("Mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ở "nông thôn") và cũng bí ẩn. Lúc ấy tôi nghĩ đến những câu thơ:

Chảy đi sông ơi
Băn khoăn làm gì
Rồi sông đãi hết
Anh hùng còn chi

A ha không có vua
Sớm đến chiều say sưa
Tháng với ngày thoi đưa
Tớ với mình dây dưa
Tính với tình hay chưa

Gặp như không gặp
Được như không được
Như trăng dưới biển
Người ở trong mộng

Tôi còn nghĩ: Giá có ai tập hợp tất cả các câu thơ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, chúng ta sẽ có một "tập" thơ Nguyễn Huy Thiệp. Những câu thơ không vần ấy vừa gợi mở vừa đóng kín, nó bí ẩn và tiên tri, người đọc nghĩ đến những chân trời khác. Tiên tri, bí ẩn " như những ngọn gió HuaTát": linh hồn những con người Tây Bắc ngày xưa, nay vẫn thấp thoáng bay trong truyện Nguyễn Huy Thiệp ở cuối thế kỷ này, những truyện ngập tràn tính huyền thoại. Sau này, trong Phụ lục tập truyện (tái bản năm 1999), anh viết: Thi sĩ sáng tạo "tức là mơ mộng và ảo mộng"... "Nhà thơ không nghiên cứu, họ bay lên... Bay bổng... Em có hiểu không? ". "Đời sống con người là cứt chó...". Trong một quán ăn, vị giáo sư ăn mười món ăn "hiện thực". Còn nhà thơ gọi món chim hồng, chim hộc, hay chim hạc, tức "con cò chính thống" (dưới con mắt kẻ trần tục chúng ta). Nhà thơ giống như "con hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt".

Tôi ngừng nói, im lặng nghe tiếng hạc kêu trên trời.

- Ông đã tìm thấy Nguyễn Huy Thiệp? Nhà báo đột ngột hỏi. Tôi đáp: Vâng, người tái tạo truyện ngắn ở Việt Nam này, ở nửa sau thế kỷ XX. Cái Tôi ấy đứng dậy, đau khổ, cô đơn, đầy khát vọng. Cái Tôi ấy gieo bão táp trong văn chương Việt Nam, lúc ấy. Còn nữa:

Lần thứ hai, anh Đỗ Lai Thúy dẫn tôi đến nhà Nguyễn Huy Thiệp, xóm Cò, Khương Hạ. Sau độ hai mươi phút, từ những phố ồn ào, đông đúc, chúng tôi qua những con đường nhỏ lát gạch, lượn quanh nhiều ao, hồ, đây, nhà Nguyễn Huy Thiệp, vườn cây rộng bát ngát, một tượng Phật Bà, trắng xoá, cao vời vợi, giữa khu vườn, nắng chảy chan hòa trên hai vai, hai đầu gối Phật. Anh Thiệp tiếp chúng tôi dưới tượng Phật. Vẫn nụ cười hiền lành. Đôi khi, con mắt anh lóng lánh sáng và sắc hẳn lên, như có một ngọn gió HuaTát thổi qua, hoang vắng và man rợ, và đầy tình người. Tôi nghĩ đến những dòng sông huyền thoại, đến Bến Cốc, bến Tầm Xuân,... thơ ca và bí ẩn.

Đ. Đ. H.
(136/06-00)


-----------------------------------------
Tư liệu:
Grojnovski: Lire la nouvelle (Đọc truyện ngắn)
Thierry Ozwald: La nouvelle (Truyện ngắn)    
J. P. Goldeinstein: Pour lire le roman (Để đọc tiểu thuyết)



Các bài mới
Lời dâng (26/04/2010)
Vườn hoang (26/04/2010)
Lời thanh minh (22/04/2010)
Đêm thánh nhân (22/04/2010)
Các bài đã đăng
Tuổi tôi (13/04/2010)
Hương thời gian (13/04/2010)
Mánh bí truyền (08/04/2010)