Tạp chí Sông Hương - Số 137 (tháng 7)
Sự nghiệp văn chương Tùng Thiện Vương Miên Thẩm (1819-1870)
16:16 | 27/04/2010
NGÔ THỜI ĐÔNSống một đời không dài lắm và đón nhận quá nhiều nỗi phiền ưu vì đất nước, dân tộc, thời cuộc, gia tộc và bản thân song với lòng yêu đời, thương người sâu sắc, Miên Thẩm đã để lại một sự nghiệp trứ tác đồ sộ, không thua kém các đại gia trong văn chương trung đại của dân tộc.
Sự nghiệp văn chương Tùng Thiện Vương Miên Thẩm (1819-1870)
Tùng Thiện Vương - Ảnh: lieuquanhue.com.vn
Cho đến nay, với 14 bộ sách lớn của đời ông bao gồm các lĩnh vực triết học, lịch sử, âm nhạc, văn chương... chứng minh ông xứng đáng là một nhà lao động trứ thuật hăng say. Và sự nghiệp của ông có thể nói là sự nghiệp của một nhà bách khoa, sự nghiệp của nhà văn hóa Việt Nam thế kỷ 19. Trong sự hạn chế nhiều mặt của người nghiên cứu hiện nay, chưa ai có thể trong một thời gian qui định đã có thể trình bày đầy đủ, tường tận về mọi mặt đóng góp cho lịch sử văn hóa dân tộc của Miên Thẩm. Chỉ nói riêng sự nghiệp văn chương và cũng chỉ giới hạn trong một tác phẩm đồ sộ của ông là Thương Sơn thi tập, Miên Thẩm cũng đã ở vào hàng các nhà thơ chữ Hán tiêu biểu trong hoàng tộc Nguyễn vào thế kỷ XIX.

Từ bài thơ Tuyệt bút do nhà thơ lấy tay viết lên không vào phút “bỏ giày” mà về với Đạo rồi nhìn ngược lên những ngày tháng ấu thơ non dại tập tểnh làm thơ trước sự chỉ bảo của các vị thầy khả kính, trước sự chăm sóc của người mẹ hiền từ ái và phụ hoàng nghiêm nghị... ta mới thấy Miên Thẩm là người đã gắn bó với thơ như thế nào. Một đời yêu trọng cái nghề “cuốc xáo chữ nghĩa”, “cày mây câu trăng” đủ cho Miên Thẩm mãi mãi xứng đáng với nàng thơ Phương Đông đầy vẻ thanh nhã, phong vận, ảo huyền và cả sự nghiêm nghị, lạnh lùng, đầy câu thúc nữa! (Chả thế mà Miên Thẩm từng có câu thơ “Tiếu sát vương tôn khẩn thạch điền” (Cười ngất vương tôn cày ruộng đá). Sức lao động hăng say ấy như một niềm an ủi sau cùng của một con người đầy tài năng, đức hạnh mà suốt đời chỉ có thể nghĩ đến sự vô nghĩa, vô vị của cuộc đời mình vì chẳng ai cho mình làm, chẳng ai cho mình cống hiến! Miên Thẩm không muốn làm một hoàng tử, một vương tôn theo kiểu xênh xang áo mão rong chơi cho hết một đời vinh hoa phú quí. Lắm khi tự ngắm mình trong những đêm say, cô độc giữa bốn bề vận nước ngả nghiêng, lòng người điêu trá, mà hừng hực trong tâm trí một nỗi thương lớn lao, đau xót cho đời, cho người và cả cho mình! Phi hồng ảnh đoạn chung vô tích, Bất cập Côn Minh hữu kiếp hôi ( Hồng bay đứt bóng không còn dấu, ý nghĩa nào bằng tro Côn Minh) Miên Thẩm đã cười lại vẻ cười của Đông Phương Sóc để chiêm nghiệm sự vô vị của kiếp người vô vị, không giá trị như những lớp tro ở đáy hồ Côn Minh vì chúng còn ý nghĩa ghi dấu đời người. Trong sự trở về tận cùng của bản thể, bản tính, bản tâm, Miên Thẩm đã làm thơ và Thương Sơn thi tập là tập thơ một đời của một người đau nỗi đau không khác Nguyễn Du. Khi Tố Như buồn nỗi Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như, thì bậc thi nhân Miên Thẩm cũng bật ra tiếng thở dài Thiên thu chi hạ, thùy tri ngã ưu? ( Ngàn thu về sau, Ai biết ta sầu?). Tiếng vọng của hai thế kỷ đau thương mà hào hùng ấy của lịch sử dân tộc ( thế kỷ 18-19) đã in dấu trong thơ Miên Thẩm làm nên các chủ đề bất diệt của tập thơ. Lòng yêu thiên nhiên quê hương đất nước, nỗi ngậm ngùi vì thân thế không đâu vào đâu, vẻ trầm tư tỉnh thức vì lịch sử và cổ nhân, nỗi hoài vọng vì đất nước không thể canh tân mà đang bị giày xéo vì lũ quỉ trắng, tiếng khóc không thôi vì nỗi đau đớn tận cùng của phụ nữ, những cuộc làm ăn sinh sống giãy giụa của từng kiếp người dân nghèo lao động chịu nhiều áp bức bất công... Tất cả ánh lên một lòng thương người, thương đời, thương nước, thương thân hiếm có. Nó như một vẻ sáng lạ chiếu rọi nhiều lần trong thơ văn trung đại tính từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Cao Bá Quát... cho đến Miên Thẩm. Là những tài năng của xứ sở thơ ca, những con người đồng thời với Miên Thẩm từ không gian Trung Quốc như Lê Tân, Hà Nhược Dao, Lao Sùng Quang cũng đã có những lời ngợi ca rất mực. Tụng đáo “Bạch âu”, “Hoàng diệp” cú, Cổ hoài tiêu sắc đới thu hàn (Đọc đến câu “Cò trắng”, “Lá vàng”, Trời thu thấm lạnh nỗi xưa sầu... ) Hu ta Công hồ thùy dữ trù? Hu ta Công hồ vô dữ trù! (Ông ơi, ai làm bạn được cùng ông, Ông ơi, chẳng thể ai làm bạn được cùng ông!). Tưởng như họ đã nói lại cái điều mà vào thời Đường một thi sĩ lừng danh cũng đã nói Tương khan lưỡng bất yếm, Duy hữu kính Đình san, tưởng như họ đã nói trước cái điều mà nhà thơ Xuân Diệu sẽ nói vào thế kỷ XX, Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất, Không có chi bè bạn nổi cùng ta! Sự kính yêu ấy có thể là lời đối đãi song nó cũng xuất phát từ thực tế nội dung và nghệ thuật thơ Miên Thẩm mà người đương thời đã nhận ra. Nhìn vào chỉ mảng thơ ông viết từng cảnh đời lao động khổ nhọc của người dân cũng đủ thấy “ những điều trông thấy” của Miên Thẩm mà người nhiều hơn hẳn hai nhà thơ lớn đời Đường là Đỗ Phủ và Bạch Cư Dị, còn nói riêng về bút pháp và phong cách thì Miên Thẩm dù chung lối thơ Đường song cũng không nằm trong lối đi của Đô, Bạch bao giờ! Còn nói đến lòng trong trắng vô tư thì những rung động của ông đã trở về vẻ hồn nhiên của vũ trụ, mượn trong đó ít nhiều chất hài hòa bản thiện mà yêu lấy cuộc sống làm người Nhân sinh kết giao, Khởi tại hoàng câm, Nam nhi trụy dịa, Thùy vô xích tâm ( Người đời giao du, Đâu phải tại vàng? Trẻ con chào đời, Bé nào chẳng son?) . Cho đến khi trời đất âm u, lòng ác con người cũng đã chất ngất như núi, thì Miên Thẫm bỗng không nguôi nỗi băn khoăn về bản thể thánh thiện của con người Trí xảo danh dự, Đa cốt ngô chân ( Trí xảo danh dự, Hại chân tính ta!). Không còn gì để nói nữa, Miên Thẩm buông một lời kết như nghìn hòn núi đổ xuống, lạnh lùng và nghiêm nghị: Đố mộc tín hữu tội, Hà như bĩ bang đố ( Mọt cây thật có tội, Sao bằng mọt nước kia!).

Cứ như thế, thơ Miên Thẩm tràn đầy cung bậc, tiếng sắc tiếng vàng chen nhau cũng có mà tiếng trong như suối chảy, dáng nhẹ thướt tha như mây khói cũng tràn ngập cả lòng yêu, chứa đầy thơ của Nhất đại thi ông.

Trong phút giây của năm cuối thế kỷ XX, năm cuối thiên niên kỷ thứ hai sau công nguyên, kỷ niệm 130 năm ngày “ bỏ giày”, lúc “ biết đường đi” của Miên Thẩm, nói lại đôi nét về sự nghiệp văn chương của nhà thơ, kẻ hậu nhân khó mà quên được cái kỳ vọng lớn lao của nhà thơ về chân trời nơi thơ ra đi và nơi thơ trở về để thơ được tôn vinh mà nhà thơ dù như thế nào, dù có ra sao cũng suốt đời ngưỡng vọng vẻ đẹp thiêng liêng bất diệt của thơ.

Ôi, có thể nào quên khi người thơ Miên Thẩm đã dặn lại:

            Hảo cú hốt tòng thiên ngoại đắc,
            Kỳ thư đa tại mộng trung khan!
            (
Thơ hay bỗng đến ngoài trời,
            Sách kỳ nhiều lúc giữa vời mộng xem!)

N.T.Đ
(137-07-00)




Các bài mới
Chuyện nghề (10/05/2010)
Cảm nhận Huế (10/05/2010)
Bao nhiêu là cát (07/05/2010)
Chiều muộn (06/05/2010)
Các bài đã đăng