Tạp chí Sông Hương - Số 137 (tháng 7)
Bao nhiêu là cát
09:26 | 07/05/2010
HỒNG NHU1.Ngài thủy tổ khai canh dòng họ Âu ở Tường Niêm xuất thân là một người lính trong đạo quân Trung Nghĩa của Chúa Nguyễn Hoàng khi Chúa vào trấn thủ Thuận Quảng.
Bao nhiêu là cát
Minh họa: Lê Quý Long
Ông Âu rời quê gốc Sầm Sơn từ lúc còn tráng niên. Khi được lệnh Chúa cấp tốc lên đường, ông không kịp thu xếp mang theo vợ con cùng đi. Cháu vào đóng dinh ở Ái Tử; một năm sau, ông Âu cũng "đóng" thêm được một bà vợ ở trong vùng. Bà vợ này là con gái út của một ông quan địa phương xứ; nói cho đúng là bà theo riết ông Âu, quyết lấy ông Âu cho được, chứ không phải do Âu tán tỉnh, mặc dù bà biết mười mươi Âu đã có vợ con ở quê nhà và tuổi tác hai người xem ra chênh lệch lắm.

Năm sau, cùng với một tốp bảy người, Âu lại được lệnh vào trấn giữ một vùng duyên hải hẻo lánh và cằn cỗi phía Đông Nam. Âu để vợ hai ở lại Ái Tử, hẹn ngày xum họp sau.

Vào đến nơi, tám vị trong đội dựng lên một ngôi nhà dài phía rìa cửa biển làm nơi đóng đồn trú quân. Rồi chẳng nề đất xấu người khan, các vị ngày đêm vừa canh phòng luyện tập, vừa phá dọn bụi bờ, cày cuốc gieo trồng trên một vùng rặt cát là cát, quanh năm chẳng thấy bóng người, chỉ nghe tiếng gió chạy với sóng gào không lúc nào ngớt.

Mấy năm sau nữa, hết hạn quân ngũ. Cũng là lúc đất đai nương ruộng của các vị hình thành; lúa khoai ngô đậu có mòi tiến triển, đã qua một hai mùa thu hái. Các vị không nỡ rời bỏ mảnh đất mà trên đó đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt của mình, bàn bạc cùng nhau một lòng ở lại sinh cơ lập nghiệp. Tám vị đồng ngũ cũ trở thành tám Ngài thủy tổ tám dòng họ bây giờ ở làng Niêm: Đoàn, Trần, Cái, Cáp, Âu, Nguyễn, Lương, Lê.

Ngày nay, hậu duệ các vị còn truyền nhau kể lại câu chuyện:... "Thoạt tiên, khi tính nước ở hay về, nhiều vị đã ngần ngừ, e ngại. Rằng nơi đây đất đai gầy guộc, người ngợm hiếm hoi, nên về bản quán Đàng Ngoài thì hơn. Rằng ở thì có thể ở, nhưng nên chọn đất đai vùng nào mầu mỡ, vùng nào đã có người đến trước khai phá, mình đến sau sẽ có phần thuận lợi...

Ông Âu ngồi nghe mọi người lời qua tiếng lại, chẳng gật mà cũng chẳng lắc. Trong đám bạn, không ít người nghĩ bụng: "Ông này lừng khừng, "con ốc cũng tròn, con don cũng không méo!".

Hồi lâu, Âu mới đằng hắng một tiếng. Mọi người quay nhìn. Dù sao họ vẫn còn nhớ: Âu từng là đội trưởng của họ. Giọng Âu thong thả, đục trầm, thắt buộc: "Đất tốt, người xấu, cầm bằng không. Đất xấu, người tốt, cầm bằng có. Chư vị ngồi đây, chắc không ai là người xấu?"

Nói xong, Âu đưa mắt nhìn một lượt hết người này sang người khác rồi bật đứng lên. Y hệt một mũi tên bật khỏi dây cung đã trương hết cỡ. Cả đám người cùng bật lên theo. Không ai bảo ai, các vị đều cong ngón tay trỏ chìa ra trước mặt cùng một lúc. Họ ngoắc vào nhau như một sợi chão bện. Vậy là lời thề đã được ghi..."

Nghe nói trong tộc phả họ Âu có chép một đoạn chữ nghĩa rõ ràng mà nghe như truyền thuyết rằng: "Giọng nói khàn khán âm âm của ngài Âu hôm đó không phải của ngài mà là của Thần Đất. Thần Đất nhập vào ngài Âu, bởi thần tiên đoán ngài là kẻ nhân nghĩa trí tín vẹn toàn..."

Thế rồi, cùng với việc mở mang khai phá, các vị dựng lên nhà cửa, chiêu tập vợ con các nơi về, sinh con đẻ cái, quần tụ với nhau ngày thêm đông đúc, lập nên xóm thôn làng mạc, đặt tên là làng Tường Niêm theo tên gốc Đàng Ngoài, nối truyền từ đời này sang đời khác.

Trong thời gian đó, ông Âu có thêm một bà vợ nữa. Đó là bà vợ thứ ba. Một đêm, sau cả tuần ròng rã đi sâu vào mạn trong để kiếm tìm thêm đất đai nguồn sống về, ông Âu không sao ngủ được trong nhà. Ông vùng dậy đắp lại chăn chiếu cho vợ con ngủ say đạp tung ra. Rồi cuộn một điếu thuốc to bằng vẻo măng lồ ô, khêu ngọn đèn dầu trẩu cho tỏ, châm hút. Xong cắp nách một chiếc bao gai lớn dùng làm cái nửa đắp nửa nằm, đi thẳng ra bãi biển. Như có một siêu nhân vô hình nào đó dẫn dắt, ông Âu dừng lại trước một gờ cát mà từ đó phóng tia mắt về phía cửa biển, ông bắt gặp ngôi sao tua rua đang nhấp nháy như cười. Quả nhiên, vừa đặt lưng xuống, ông đã ngáy như sấm. Gần sáng, hơi lạnh của gió biển, của sương trời ngấm qua làn bao gai se siết trên tấm thân trần trùng trục của ông; và cái chính là một giấc mơ quái lạ đã làm đứt giấc say của ông. Ông Âu giật mình tỉnh dậy, đầu rụt lại, co chân lên để toàn thân gói tròn trong chiếc bao gai mà hồi hôm ông chui vào ngang ngực để ngủ. Đầu gối của ông chạm phải một vật gì mềm mềm nhồn nhột. Ông mở mắt nhìn, suýt hú lên thành tiếng. Một cô gái đang nằm bên cạnh ông, cũng gọn gàng trong chiếc bao gai rộng. Ông vô cùng ngạc nhiên, thoắt một cái đã luột ra khỏi bao như một con rắn mối trườn, ông nhổm dậy đưa tay búi lại mái tóc, nhìn lom lom. Cô gái còn quá trẻ, khuôn mặt như hoa vẫn đắm chìm trong giấc ngủ mê mệt. Mái tóc cô dài như chẳng thể dài hơn, đen như chẳng thể đen hơn, còn ướt nhẹp dính bết vào trán vào lưng. Hình như cô vừa dưới biển lên, không biết vì sao mà thân hình trần như nhộng, cát dính lấm tấm, ngó dễ thương và tội nghiệp như một con cá mắc cạn. Mà phải rồi, đây là một nàng cá, hai chân nàng hình như chập làm một, tõe ra đằng cuối như cái đuôi đang quẫy trong bao gai kia! Ông Âu dụi mắt nhìn lại, mặc dù mắt ông vẫn ráo hoảnh như mắt thằn lằn. Giờ thì rõ ràng cô gái là người hẳn hoi, không còn là nàng cá nữa. Ngực cô phồng lên xẹp xuống nhè nhẹ trong hơi thở dịu dàng, hơi thở an nhiên khi tai nạn đã qua, sự tin cậy đã kề cận bên mình. Đôi môi cô bầu bậu, he hé như đang làm nũng. Rồi đôi lông mi cô động đậy, chớp chớp. Cuối cùng là hai hột nhãn cũng đen như chẳng thể đen hơn, hiện ra.

- Nàng là ai?

- Ủa... bà nằm đây đâu rồi?

- Bà nào?

- Bà... thế chàng là ai?

Vẻ bạo dạn pha chút ngây thơ của cô gái làm ông Âu thấy thinh thích. Ông hơi cau mày nhưng mồm lại cười:

- Ta là cư dân vùng này. Nàng từ đâu đến? Yếm áo đâu không mặc? Cớ sao lại chui vào bao gai của ta mà ngủ?

Cô gái bỗng ngồi thót dậy, sực nhớ ra, hoảng hốt cúi xuống thân mình, kéo vành bao gai lên tận cổ, úp mặt vào hai đầu gối, nức nở khóc. Hồi lâu, cô ngẩng mặt lên thẻ thọt:

- Thế mà thiếp cứ tưởng người trong bao là một bà nào... Lúc đêm, thiếp có kịp nhìn gì đâu! Chỉ tại cái mái tóc búi của chàng. Thiếp bắt đền chàng đấy!

Âu phá ra, cười ngất. Đoạn nói:

- Thôi trời sắp sáng rồi. Nhà nàng ở đâu để ta đưa về!

- Trời ơi! Thiếp làm chi có nhà!

- Sao lại thế? Vậy giờ đây nàng đi đâu?

- Còn đi đâu nữa chàng ôi! Thế là cơ duyên trời đã định, xui thiếp đến đây gặp chàng. Thiếp chỉ còn mỗi con đường là theo chàng thôi!

Nghe cô gái nói, Âu thốt thấy lạnh một cái sau xương sống. Ông nhủ thầm trong bụng: "Ông trời xếp đặt cho ta thế này sao?" Như một làn chớp vút qua, giấc mơ vừa nãy bỗng hiện lên mồn một trong đầu, giấc mơ mà khi tỉnh dậy ông không sao nhớ nổi tuần tự nó đã diễn ra như thế nào, đâu là đầu đâu là đuôi... Ông đi trong tầng tầng lớp lớp cát. Bầu trời trên đầu là bầu trời bằng cát. Mặt đất dưới chân là mặt đất cát. Không khí bốn bề chung quanh là không khí cát... Cát đủ màu. Trên cát xanh, dưới cát vàng. Bốn bề cát trắng. Trước mặt nấm cát hồng... Chao ôi, bao nhiêu là cát! Rồi cái nấm cát hồng nọ bỗng nhiên vót dài ra sau thành một lọn đen mượt như tóc, bay lòa xòa trong gió, cứ chờn vờn bên vai Âu. Âu đưa tay vợt. Lọn đen quay một vòng, cuốn Âu quay theo. Âu vấp phải một bìa cát trắng. Bìa cát cũng xoài theo Âu, ngã xuội xuống. Âu nhìn lại cái bìa cát động đậy. Bìa cát lấm tấm tan dần, tan dần và ập vào Âu, biến Âu thành hai người. Một cao lớn một thanh mảnh. Họ ngồi dậy dắt nhau đi trong bốn bề cát. Cát đủ màu. Trên đầu cát xanh. Dưới chân cát vàng. Bốn bề cát trắng... Chao ôi là trắng! Họ đi vào màu trắng. Trong veo. Tinh khiết. Nhẹ bổng. Người thanh mảnh bay lên, người cao to nhún mình hú gọi, nhấc chân... Hơ... hơ... hớ... ớ! Âu rùng mình, mở mắt, sực nhớ là đang nằm trên bãi... Và bên cạnh ông, một cô gái lạ lùng...

Âu dùng răng cắn đứt mấy múi bao gai ở đáy, xé ra một mảng làm chỗ chui đầu, quàng cho cô gái. Chiếc bao biến thành bộ áo quần kỳ lạ, có một không hai. Họ đi về phía làng mới dựng, nơi có ngôi nhà dài của gia đình Âu, vừa đi vừa nói chuyện.

Cô gái họ Mai tên Chằm người mạn trong, làng gọi Mỵ Toàn, bị bố mẹ ép gả bán làm lẽ cho một nhà phú hộ trừ nợ. Về nhà chồng được dăm hôm, chịu không thấu lão chồng già dâm dê, cô bỏ trốn. Nhà phú hộ bắt về. Cô lại trốn lần thứ hai. Nhà phú hộ lại bắt về, lột hết áo quần, giam đói, chỉ cho uống nước cầm hơi để khỏi trốn nữa. Người con trai của phú hộ làm việc ở kẻ dinh phường chợ hôm đó về làng thăm, biết cha mình làm điều trái đạo, bèn bí mật cứu cô gái thoát khỏi gông cùm, đẩy chạy ra bờ cửa lạch trong một đêm tối trời. Anh ta cởi phăng chiếc áo đang mặc trên người vứt cho cô gái:

- Chị quàng tạm, tôi không kịp lấy quần áo cho chị, sợ bị lộ. Bọn tay chân của cha tôi ác hiểm, ranh ma lắm! Chị gắng bơi qua bên kia, có chiếc thuyền thúng tôi đã để sẵn bên bờ lạch. Nhanh nhanh lên!.

Cô chỉ kịp thấy người ân nhân của mình cao gầy, dáng vẻ thư sinh, với chiếc mũi thẳng hơi gồ gồ phía sống. Không có gì để làm chèo, cô lắc thúng, cô khoát tay thay chèo. Một luồng gió thốc bất ngờ đã lật úp thuyền thúng của cô, sóng cửa lạch cuốn đi mất tăm, cả chiếc áo che thân duy nhất ân nhân vừa quăng cho. Cô đành bơi tay không, cũng may là cô sinh ra ở vùng ven sông nước. Cô cứ nhằm cái vệt cát bên kia sang sáng nhờ nhờ mà sải. Mệt, đói, rã rời, mắt đổ hoa cà hoa cải. Chạm đất, cô lết, cô bò trên cát, cho đến khi đụng phải cái bao gai trên bãi. Thấy một mái tóc dài thò ra ngoài bao gai, cô chỉ còn đủ sức luồn người vào bao để chống lại cái lạnh gớm ghê của gần suốt một đêm dầm mình trong gió và nước...

Ông Âu nghe, cười ngất ngưởng, quay nhìn "chiếc bao" đang đi:

- Thế mà thoạt đầu ta cứ tưởng nàng là tiên cá cơ đất! Ôi chao...

2.
Từ ngày chồng vào Đàng Trong, bà nhất Sầm Sơn ở lại quê nhà làm lụng nuôi hai đứa con gái. Đàn bà xứ Thanh "mồm oanh mắt sáo", lời dân gian tả cái nết vừa chịu khó tảo tần, biết học ăn học nói, biết bọc gói bọc mở dành dụm của người nội tướng trong nhà, vừa như một vế răn đe cái láo liêng ngang dọc, mỗi khi muốn bay là sẵn sàng đạp sổ lồng, vượt núi băng sông cũng chẳng ngán. Về sau này thế nào chưa biết, còn giờ đây bà nhất Sầm Sơn ứng vào vế đầu của câu phương ngữ. Từ khi lấy ông Âu cho đến bây giờ hai con gái đã bước vào tuổi cập kê, tính ra thời gian ở bên chồng của bà có thể đếm trên đầu ngón tay. Thế nên khi ông Âu trở ra bốc cả gia đình vào Đàng Trong sinh sống, bà nhất Sầm Sơn hớn hở như được một đặc ân, mặc dù ông Âu đã hồn nhiên báo cho bà biết, ông đã cưới thêm bà nhì ở Ái Tử rồi. Bà nhì Ái Tử tên cúng cơm là Lới thua bà nhất Sầm Sơn đến gần hai chục tuổi, lúc theo ông Âu mới chỉ là một cô bé vú vừa nở gai vông. Gái nòi Đàng Trong có khác, được hơi trai Đàng Ngoài, Lới lớn phổng ngày một, ngực quả hồng, mông trứng cuốc; rồi ngó lui ngó tới, lúc năm một, lúc năm rưỡi hai, cô sòn sòn cho ông Âu một bầy bốn trai liên tiếp. Bà nhất Sầm Sơn mừng hú, xem như của trời cho gia đình bà. Bà chăm bẵm săn sóc bà nhì Ái Tử quá hơn em gái út. Vợ cả vợ hai, đi đá thúng về đụng nia, cái thói đời thông thường đó không hề diễn ra trong nhà ông Âu. Bà nhất Sầm Sơn biết cái tướng số chồng mình là đào hoa, cao ráo như thế, mặt mày phương phi như thế, lại điểm hàm râu ba chòm hùng mạnh như thế, lực lưỡng như thế, đàn bà con gái không bu tới, không vây quanh thì họa chăng có bọn ngu dại! Bà chẳng hơi đâu mà ghen, vả có ghen cũng không ngăn được họ hút theo chồng bà. Lại nữa, vào lúc này là tuổi hồi xuân của bà. Tuổi bốn mươi, người đàn bà có một sức quyến rũ vô hình mà bất khả kháng, nhiều khi đánh gục ngã cả trái tim của những gã trai tơ. Ông Âu vừa phục tấm lòng của bà vừa say mê bà hơn những ngày mới cưới. Quái lạ thay cho cái tình của con người đàn ông, trong nhà có hai người vợ, cô trẻ, mới thì ít ưa, lại ưa nhiều đến bà già, cũ. Ông Âu là vậy. Nói ít nhiều thì hơi rạch ròi và cũng không chuẩn xác nhưng quả thật ông Âu "phân phối" tình cảm đối với hai bà khó có thể chê trách chỗ nào. Bà lớn không hề thấy mình bị hơi lãng xao, bà bé không hề thấy mình được quá chiều chuộng. Dù vậy, tự sâu trong đáy lòng, ông Âu hơi thiên về bà nhất Sầm Sơn. Những lúc đó, ông nghĩ bụng rồi ra còn nhiều thì giờ hơn đối với bà nhì Ái Tử, không đi đâu mà vội. Đến nỗi có đôi lần sợ bà nhì tủi thân, bà nhất đã khôn khéo đẩy chồng sang phía bà nhì.

- Mình ạ, hôm nay đầu tôi hơi váng vất. Có lẽ gió mùa sắp chuyển thì phải.

- Thế ư? Để tôi bóp trán cho mình. Lọ dầu mình để đâu nhỉ?

- Tôi đã xoa rồi, không cần bóp nữa mình ạ. Chẳng qua do thời tiết. Mình để yên, tôi nằm ngủ một giấc, khỏi ngay thôi!.

Cứ tương tự như thế, bằng cái đức tính hiếm có, cái tài "chiến lược" không đánh mà thắng đó, bà nhất Sầm Sơn thu xếp vào ra đâu đấy, không hề có điều tiếng gì, tháo gỡ hết các ngòi có thể gây nổ. Bà cáng đáng mọi việc nặng nhọc trong nhà ngoài đồng, cùng chồng cuốc cày gieo cấy hái thu, để lại việc nhẹ mua bán chợ búa nấu nướng cho bà nhì. Và vì vậy, bà nhất lấy cớ đó, giao luôn tiền nong, tay hòm chìa khóa cho bà nhì. Lòng tin cậy đến mức ấy phải nói là tột cùng, thôi khỏi bàn luận. Tự bao giờ chẳng biết, bà nhì Ái Tử tôn sùng bà nhất Sầm Sơn như chủ soái, xem bà là mẹ cả, là chị lớn, bà đã nói đã nghĩ là nhất nhất đúng, nhất nhất phải nghe.

- Này em, ông Âu nhà mình ấy, chị đồ rằng đến năm sáu bảy chục tuổi vẫn muốn cưới thêm vợ trẻ! Chừng đó có lẽ số các bà chúng ta đủ để lập một cơ đội đấy!.

Hai người cười rinh rích, cảm thấy lời vui đó có thể thành sự thật. Thế cho nên khi ông Âu ngoài bãi về, theo sau là cô gái Mỵ Toàn, thì hai bà chẳng lấy gì làm ngạc nhiên. Có ngạc nhiên chăng là bộ "đồng phục" thùng thình, thẳng đuột vốn là cái nửa đắp nửa nằm của ông Âu mỗi khi đi ngủ bãi. Mọi người thản nhiên đón tiếp thành viên mới của ngôi nhà dài họ Âu: Bà ba.

Âu gióng giả, trống không nhưng ấm áp:

- Lấy quần áo cho em Chằm mặc! Chỉ nơi cho em tắm rửa sạch sẽ! Sắp mâm trầu cau xin ông bà tiên tổ! Các đứa sửa soạn!.

Ông vừa dứt lời, bà nhì Ái Tử liền đứng dậy, một tay ôm đứa nhỏ đang bú chùn chụt, một tay đẩy cửa buồng, kéo ra chiếc rương chuông, mở nắp, mắt liếc xéo cô gái để ước lượng phải chọn bộ quần áo nào cho vừa. Bà dắt tay cô gái ra sau lu nước, nhẹ nhàng âu yếm như dắt tay người tình của mình vậy. Trong lúc đó, bà nhất Sầm Sơn vào nhà trong, lo việc chọn cau, têm trầu. Ông Âu đứng nghiêng ở đầu thềm, một chân ghếch lên chiếc cối đá, quay lưng về phía các bà vợ, nhìn lưng lẻo đâu đó mé ngoài động cát, có vẻ suy tư. Tuồng như ông có mắt ở đằng sau, chỉ nghe tiếng động của mọi người mà biết diễn biến của sự việc, kể cả thái độ của họ. Ông đập hai tay vào với nhau một cách bằng lòng, quay lại bước vào nhà, chít khăn mặc áo đến trước gian thờ, sẵn sàng làm lễ.

Lát sau, ba người đàn bà đi vào. Họ bước thong thả như kiểu dẫn rượu. Đi đầu là bà nhất bưng mâm cúng, thứ đến là bà nhì ôm khay rượu, cô gái Mỵ Toàn đi sau bà Nhì, dáng khép nép, có vẻ hơi lo lo. Sau cùng là bầy con sáu đứa, đứa lớn dắt bồng hoặc cõng đứa nhỏ. Chỉ trong giây lát nữa thôi, chúng chính thức có thêm một người mà chúng sẽ gọi là mẹ ba.

Ông Âu đứng trước bàn thờ khói hương nghi ngút. Lạy bốn lạy xong, ông quì xuống, khuỳnh hai tay ngang trán, lầm rầm khấn.Đoạn đứng lên, dịch qua trái một bước. Chỉ chờ lúc ấy, bà nhất Sầm Sơn và bà nhì Ái Tử mỗi người một bên tay, dắt "bà ba Mỵ Toàn" bước tới. Họ ẩy nhẹ vào lưng cô gái để cô gái bước lên đứng bên phải ông Âu. Xong bà nhất rẽ bên phải, bà nhì rẽ bên trái đứng lên ngang hàng. Đôi tân hôn lạy trước một lạy, vái sau ba vái. Họ bước lui. Hai bà đứng tách ra, trước mặt đàn con, vuông góc với bàn thờ nơi đôi tân hôn vừa lễ ra mắt ông bà tổ tiên. Bây giờ bà ba Mỵ Toàn mới bước lên đứng trước hai bà cúi đầu:

- Em trình chị nhất! Em trình chị nhì!

Đàn con lúc này mới được phép lên tiếng. Thằng lớn - tức trưởng nam, con trai đầu bà nhì - mới năm sáu tuổi, ngọng líu hô:

- Các... con... chào... mẹ... ba!

Sáu đứa rập ràng, tiếng vống lên là của hai con chị đã lớn:

- Dạ chào!!! Dạ chào!!!.

Ông Âu đưa hai tay nắm lại lên đầu sau khi vỗ bộp một cái. Cuộc lễ hoàn tất. Tôn ti trật tự, nề nếp trên dưới, trước sau đàng hoàng. Đó là cái gia phong của gia đình Âu, cũng là tục lệ của các ngôi nhà dài nơi xóm mới lập nên của tốp đồng ngũ cũ trên vùng đất vừa khai phá, đang vào thời kỳ mở mang, tấn tới.


3.
Làng Niêm nằm dọc bãi nhưng cách bãi khá xa.

Từ biển vào, phải trèo qua những dãy đồi cát dày hai ba lớp, nhấp nhô hòn thấp hòn cao và đổi thay hình dáng liên tục bởi những ngọn gió phóng túng và đa tình đã bóp nặn chúng. Dưới chân dãy động cát trong cùng, đất bỗng nhiên như uống phải thuốc nhuộm, trở màu xam xám đen đen. Dải đất khác lạ đó kéo một vệt thăm thẳm ra hai đầu, liền với hai ngọn núi thấp lúc nào cũng cứ chồm chồm như muốn nổi loạn nhảy đại ra ngoài khơi, thành một bìa rừng miệt biển, nom vừa bít bưng vừa cởi mở. Cái màu cát đen anh ánh của nền rừng chẳng biết vì sao lại gây cảm giác nửa thực nửa ảo, khó lường...

Ngôi nhà dài họ Âu nằm sát dải cát đen ngoảnh mặt về phía trong đồng, sau lưng là một gờ cây dại xen với mù u, găng, trẩu...

Giờ đây ngôi nhà dài không còn giữ được hình dáng như thuở mới dựng mà đã biến đổi theo thời gian năm tháng cùng với sự phát triển đông đảo của cộng đồng. Thay vì chín gian xưa là ba gian một, ba gian một cho hai bà nhì và tam; còn bà nhất cùng ông Âu xây thêm một ngôi vuông góc với ba gian đầu vốn là nơi dành riêng cho bọn trẻ con nô đùa, chạy nhảy... mỗi khi trời mưa gió. Hai con gái lớn bà nhất đã xuất giá tòng phu, một làm dâu nhà họ Cáp, một nhà họ Lê.

Đầu năm chúng lấy chồng thì cuối năm mẹ chúng lâm bệnh nằm trên giường không dậy được. Không biết là bệnh gì, chỉ nghe bà nói là xốn xang trong ruột không lúc nào ngớt. Ông Âu chạy thầy lo thuốc, hai bà vợ trẻ đôn đáo cháo cơm, đến ngày thứ mười thì bà nhất ngồi dậy. Bà kêu Chằm, nói muốn ăn chè khoai mài. Nấu xong nồi chè, cả bầy con xúm tới, mọi người cùng ăn vui vẻ chuyện trò. Bà nhất nhìn bầy trai phổng phao, mới đó thằng anh đã cao gần bằng cây nạng chồng rèm, thằng em đã biết chạy chơi một mình ngoài bãi bắt còng đuổi cáy. Bà nói chuyện làm ăn, chuyện thu vén gia đình, nuôi dạy con cái. Rằng em nhì con nhà, kẻ chợ, cần tính đường buôn bán; em ba dân vùng cửa vốn thạo nghề thuyền lưới, nên bỏ vốn kêu thợ đóng thuyền, mướn trai bạn đi biển. Nghề nông gốc, nhưng chẳng thể một mình ông Âu làm nên mọi chuyện, các em mau bắt tay vào đi...

- Lới, Chằm à! Con người ta không ai nằm ngoài cái vòng sinh lão bệnh tử. Âu đó cũng là lẽ trời!.

Nói xong bà nằm xuống thẳng thớm, ngay ngắn, mắt nhắm lại như giấc ngủ chợt đến. Và thế là bà đi luôn...

Ông Âu ngoài ruộng về, vào nâng giấc vợ, sờ vào tay bà, giật thót. Chằm nhào tới, áp tai vào ngực bà, nước mắt nước mũi giầm giề:

- Chị ơi là chị ơi! Chị mới vừa bảo ban em, vậy mà...!

... Đắp mộ cho bà xong, trời bỗng đổ một trận mưa lớn. Mưa nước chảy không kịp nhưng tịnh không có chút gió nào. Lới nói với Chằm:

- Điềm tốt rồi! Phúc chị nhất để lại cho gia đình ta đấy! Trời gọi chị về đấy!.

Âu ngửa mặt, than:

- Phúc lộc đâu chửa thấy, chỉ thấy ta mất một người vợ hiền! Ông cao xanh ơi hỡi!.

Đau đớn đã làm khuôn mặt ông hơi bạnh ra, hàm râu ba chòm hàng ngày đen như than giờ đã lốm đốm vài sợi bạc sáng.

... Mùa đông năm đó, một người đàn ông đặt chân tới làng quê hẻo lánh của ông Âu. Đó là người chủ một tốp thuyền buôn ba chiếc từ xứ Quảng ra. Anh ta nom có vẻ học trò, da trắng, mắt dài, mũi hơi gồ, ăn mặc ra người kẻ chợ. Hàng hóa chở theo thuyền mành gồm vải vóc, kim chỉ, thuốc diêm, nước mắm, cá khô, vân vân... Chợ xứ Niêm vừa mới dựng lên không lâu, một tay bà nhì Ái Tử đứng ra cùng phường chị em làm nên sầm uất đông vui, lôi cuốn người bán kẻ mua, thượng từ Trường Hà đổ xuống, hạ từ Thúy Hòa, Mỹ Ấm đổ lên, hai bên từ Hàm Trưng, Ái Loan đổ lại... Trong nhà họ Âu, nàng Lới là bà nhì, sau khi bà nhất về cõi, mặc dầu ông Âu cấm mọi người gọi nàng với cái danh xưng như bà nhất, nhưng đương nhiên người làm kẻ ở trong nhà đều xem nàng như chính thất. Lại nữa tiền nong của cải vào như nước, họ Âu trở thành phú hộ làng Niêm kể từ ngày ấy cũng do nàng Lới phần nhiều. Mặt khác lúc sinh thời, bà nhất đã giao quyền tay hòm chìa khóa cho nàng; giờ đây nàng có vẻ muốn chứng tỏ rằng nàng là người hệ trọng trong nhà. Ngày một ngày hai, Lới không còn như Lới ngày xưa; nàng nhủ thầm trong bụng "Chằm tuy nhiều tuổi hơn ta nhưng ta vẫn là chị!". Cũng từ khi vắng bóng người vợ hiền mà ông hết lòng yêu quý, Âu buồn bực, ít quan tâm đến người vợ trẻ. Dường như ông cất kỹ rồi sự hăng hái yêu đương vào một góc nào đó trong lòng, không còn như thuở hàn vi, cho dù sức lực ông vẫn dư thừa. May mà còn có Chằm bên cạnh; nàng đến sau nhưng như là kiếp trước đã kết, là hiện thân của những đức tính tuyệt vời nơi bà nhất, là nguồn an ủi cuối cùng của ông. Nếu không, những khi lòng ông không yên ổn vì chuyện này chuyện nọ trong gia đình, ông đã đạp tung bới tung lên, không còn giữ được cốt cách Âu thuở nào, Âu vẹn toàn nhân nghĩa nữa... Có một điều ông day dứt là đã ba năm chung sống, Chằm vẫn không đậu thai lần nào. Điều đó làm ông hối hận, thấy như có lỗi với nàng, người vợ mà ông đinh ninh rằng thần phật vẽ đường cho tới...

Còn Lới, những ngày này nàng phây phây sống, phây phây đi lại cùng chị em buôn bạn bán phường trong xứ, làm cho họ phát ghen lên vì nhan sắc trầm ngư lạc nhạn của mình. Nghe nói có thuyền buôn xứ Quảng ra, nàng sai người làm tới gặp, thưa rằng bà chủ tôi mời ghé tệ xá chơi, nhân tiện bàn chuyện buôn bán lâu dài. Người chủ thuyền tên là Dự, bọn đàn em đi thuyền làm công cho anh ta thường kêu là thầy Thơ Dự, có lẽ do anh ta là người có chữ nghĩa, đi đây đi đó nhiều, quen biết lắm. Vừa đặt chân tới làng Niêm, Thơ Dự đã nghe tiếng tăm nổi như cồn về các bà vợ của họ Âu, trong đó có nàng Lới. Nào là nàng con giòng cháu giống từ dinh phủ chúa vào, nào là nàng như bông hoa mâm xôi ngoài trảng cát, nào là nàng gái bốn con còn giòn như bánh tráng... Lẽ thường tình, sức hấp dẫn của lời đồn kéo chàng trai xứ Quảng tìm xem mặt người đàn bà trẻ xứ Thuận. Như người buồn ngủ gặp chiếu manh, Thơ Dự được lời mời của nàng Lới, bèn theo người làm của nhà Âu, đến ngay.

Dạo này, ông Âu, nàng Chằm thường vắng nhà, sáng chưa tỏ mặt người đã ra đồng ra bãi, chiều tối nám bếp trấu mới về đến nhà. Con khe rộng chừng năm sải, dài gần suốt hai phần ba làng, nối từ đầm hoang bìa lùm cát đen chạy qua các vạt ruộng, các khu nương họ Âu đang trồng trọt, ông khởi công động cuốc thuổng từ mấy tháng nay vẫn chưa xong để lấy nước tưới cho lúa má, hoa màu. Phần nàng Chằm là trông coi cái trại đóng ghe mành ngoài bãi biển. Ở đó ngày đêm, thợ các làng trên dưới cũng đang gấp rút làm việc để kịp ngày hạ thủy. Hai việc lớn đó đã bòn rút sức lực và thì giờ của hai người.

Bởi vậy khi Thơ Dự đến nhà chỉ có nàng Lới với bốn đứa con trai lít nhít củ khoai củ đậu.

Lới đang rũ mấy tấm thao đũi mới mua làng bên để sắp sửa may áo cho chồng cho con. Nghe người khách đánh tiếng, nàng ngước lên. Bắt gặp ánh mắt dài có đuôi của Thơ Dự, nàng bất giác rùng mình như chạm phải lửa. Nàng đứng lên mời khách vào nhà, dáng đi vốn uyển chuyển càng uyển chuyển. Thơ Dự bị bất ngờ hoàn toàn.Trời đất! Hóa ra đây là người mà anh ta đã nghe đồn ư? Là bà chủ khét tiếng trong vùng về sự xinh đẹp và tài năng buôn bán tháo vát ư? Một bầy con rồi mà trẻ măng, cứ câng câng, nần nẫn như gái dậy thì thế này sao?...

Mời khách uống nước hút thuốc, người nữ chủ trẻ lên tiếng:

- Ông người đâu ta? Thuyền buôn chi bán chi?

- Tôi người mạn Nam. Bán vải vóc, kim chỉ, thuốc nhuộm... Mua về tơ sợi, cau khô, thuốc lá xâu, cam quýt... có gì mua nấy. Nàng có mối hàng chi không?

- Có chứ. Nhiều mối trong vùng do tay tôi nắm. Sẽ bàn bạc cách thức sau. Ông đến xứ này lần đầu ư?

- Không phải lần đầu. Đã đi nhiều lần trong xứ, mạn trên mạn dưới! Hôm nay mới đến Tường Niêm.

- Vậy chắc đường đi nước bước thông thạo?

- Cũng chưa thuộc lắm! Song lần này chắc tôi không lạc.

- Vì sao nói chắc?

Thơ Dự đặt tay trái lên ngực:

- Vì có tiếng lòng từ nơi đây mách bảo!

Lới đỏ bừng đôi má. Nàng liếc mắt ra con đường mòn băng qua bờ cây dại nơi từ đó ông Âu và Chằm có thể hiện ra trên lối về nhà. Lòng nàng như một chảo dầu đang sôi sùng sục. Nàng vùng chạy ra sau, úp mặt vào gốc cây mù u, xổ mái tóc xuống che rợp, như để vùi kín lò than đang chực bùng cháy.

- Ông đi về đi! Trời ôi, ai nhủ ông đến đây làm chi...!

Thơ Dự vụt hiểu, không nói thêm lời nào, quay gót.

... Một tháng trôi qua. Ba chiếc thuyền lớn của Thơ Dự bán hết hàng, đã chất đầy các thứ mua về, nhổ neo rời bến chợ làng Niêm. Cũng một tháng qua, mối tình vụng trộm của nàng Lới và Thơ Dự diễn ra không cưỡng nổi, đắm đuối, mê cuồng, chao đảo...

4.
Năm sau, một ngày mùa thu. Buổi trưa, làng xóm chìm trong giấc nghỉ sau một buổi làm lụng cật lực. Bốn bề yên ắng. Chỉ có tiếng chim là rộn ràng một cách lặng lẽ. Cu cườm gù gù trên vòm cau tơ, chàng làng lách chách gọi nhau cành khế, giồng giộc ríu rít lùm tre... Có cảm giác như chim cũng đang nương nhẹ để cho người được yên giấc trưa ngắn ngủi mà quý giá.

Âu mặc quần dài bằng thao, thả lá tọa, trần trục nằm trên bộ ván ngựa gỗ gõ lên nước đen bóng, đầu gối trên chiếc gối xếp ba lá khá cao. Ông có thói quen ở trần từ thuở còn nhỏ đến giờ, không sao thay đổi được, mặc dù giờ đây áo quần ông đâu có thiếu.

Bà Chằm từ trong buồng vén màn bước ra. Nhẹ nhàng như một con mèo, bà đến bên chồng, dùng lòng bàn tay vớt mấy lọn tóc dài của chồng xòa ra buông thõng xuống nền nhà, đặt gọn gàng lên ván ngựa. Bà với tay sang phản bên lấy chiếc ấm, cho vào một nắm lá từ bi đã phơi khô, pha nước sôi vào, xong đặt ấm vào giỏ ủ sẵn để chồng tỉnh giấc là có nước uống. Lá từ bi chỉ nhỏ bằng đồng xu, trên xanh dưới trắng, là thứ lá uống ông Âu rất thích. Nước từ bi chát ngọt, pha vị đắng nhân nhẩn, mùi thơm thoảng như mùi hoa trang, uống thường ngày phòng được bệnh tỳ vị, lại săn gân cốt.

Chằm ngồi chải tóc. Mái tóc dày nắm trong tay không hết, đen huyền hạt na, chảy tràn hai bờ vai tròn trịa. Vẫn cái dáng mềm mại ngày nào của cô gái Mỵ Toàn, giờ đã bước vào tuổi ba mươi, nhưng thời gian phôi pha, tàn nhẫn không bén được gót Chằm. Tuy không đẹp rực rỡ, sắc sảo, mê người như vẻ đẹp của Lới, nhưng Chằm vẫn trẻ trung, một vẻ trẻ trung nền nã, trải nghiệm và hơi đượm buồn. Cũng như bao người đàn bà khác, chưa có được đứa con nào với chồng, hỏi sao Chằm không buồn? Lại nữa, trong nhà đang có chuyện. Lâu nay với sự mẫn cảm riêng, Chằm thấy Lới là lạ. Ăn mặc lụa là, nói năng kiểu cách, đi về thất thường hơn trước. Và đối xử với mọi người trong nhà có cái chi đó gờn gợn, ngượng ngập thì không phải rồi, nhưng che giấu thì chưa hẳn là đúng. Đôi ba lần Chằm nghe được của bà con trong làng những lời nói gần xa bóng gió về Lới với một ông chủ thuyền nào đó. Cũng đôi ba lần Chằm muốn nói với chồng nhưng rồi lần lữa, sợ những điều mình phán đoán làm Âu đau lòng. Bà nhất Sầm Sơn mất đi, ông đã đủ tan nát rồi, giờ nếu Lới gây ra chuyện loạn chẳng hạn, ông sẽ gục mất không chừng. Và nếu thật vậy, chắc Chằm cũng sẽ gục theo ông luôn. Ông là cuộc đời của nàng, như cơ duyên ông trời đã định, Âu chẳng đã có lúc nghĩ như vậy là gì? Điều buồn nữa là đã lâu lắm, từ ngày trốn ra ngoài này, Chằm chẳng được tin tức gì về cha mẹ và đứa em gái còn nhỏ của nàng trong quê, giờ không biết lang bạt ở đâu? Nỗi nhớ nhung vò xé lòng nàng. Nhà nàng nghèo lắm, bởi nghèo nên cha mẹ nàng mới phải nhắm mắt bán nàng cho phú hộ họ Hoàng, để đến nỗi...

- Mình ơi! Vào đây ta nói chuyện này!

Chằm ngắt dòng suy nghĩ bộn bề trong đầu. Nàng bước vào:

- Chàng vừa dậy à? Nước từ bi chắc đã ngấm, để thiếp rót cho chàng!

Âu trầm ngâm. Điếu thuốc lá cuộn rất to quen thuộc trên môi đã cháy quá nửa, chứng tỏ ông dậy đã lâu và như đang suy nghĩ lung lắm. Chằm bỗng thấy thương ông đến nhói lòng, tự dưng nước mắt lưng tròng.

- Ơ sao mình lại thế? Thôi đừng! Mình ạ, ta đã nghĩ chín rồi. Giờ công việc đã vãn vãn, ta định nay mai lên đường vào Mỵ Toàn tìm xem cha mẹ mình.Trước, để ta làm trọn đạo người con rể. Sau, ta xin rước ông bà và cả nhà ra ngoài này làm ăn sinh sống. Mình nghĩ sao?

Chằm òa khóc. Điều bấy lâu nay nàng mong đợi đã tới, nàng không sao kìm giữ được nỗi xúc động trào dâng. Nàng ngước mắt nhìn chồng, khuôn mặt ngời ngời hạnh phúc và biết ơn, trong lúc hai dòng nước mắt vẫn tuôn chảy ròng ròng.

Âu thong thả tiếp:

- Còn một chuyện nữa ta muốn hỏi mình. Nàng Lới...

Chằm chưa kịp chớp mắt ngạc nhiên thì từ ngoài sân bà nhì Ái Tử đã bước vào làm câu nói ông Âu bị ngắt nửa chừng. Nom bà hôm nay thật khác lạ. Khuôn mặt xinh đẹp mọi khi giờ choắt lại một cách tội nghiệp. Bao nhiêu dằn vặt đêm ngày in dấu trên những nếp nhăn mờ mờ ở đuôi mắt, ở khóe miệng. Bà mặc váy áo dài phủ gót như sắp làm một việc hệ trọng. Đến trước mặt ông Âu, bà dừng lại, thẳng người, hai tay chắp ngang ngực. Đoạn cúi rạp lưng ngồi bệt xuống, lạy chồng một lạy, rất cung kính, rất chậm rãi. Xong đứng lên, cúi đầu, rành rẽ:

- Lạy chàng! Thiếp về hầu hạ chàng bao năm nay một lòng một dạ không hề suy suyển. Giờ thiếp đắc trọng tội với chàng. Thiếp đã đem lòng yêu thương một người khác. Dạ nhủ rằng: đã lỡ mắc rồi, không sao gỡ ra được nữa! Thiếp xin thú tội cùng chàng. Chàng xử ra sao, hình phạt thế nào, thiếp cũng cam chịu. Lạy chàng!

Bà ngưng lời. Cả nhà im như thóc. Nghe rõ cả tiếng mọt nghiến gỗ kèn kẹt đâu đó trên vì kèo.

Chằm nhìn chồng. Ông Âu ngồi xếp bằng trên ván ngựa, hàm râu ba chòm không hề động đậy. Nét mặt ông bình thản như chẳng có chuyện gì quan trọng xảy ra cả. Phải chăng ông đã biết mọi chuyện, đã lường định mọi điều, đã tính trước được việc gì sẽ tới?

Ông vuốt mặt một cái như thể để chấm dứt sự bão dông trong lòng mọi người. Và như vậy là - Chằm nghĩ - không phải mới hôm nay mà từ trước đó, ông đã tìm ra cách xử sự mà ông cho là đúng nhất hay nhất.

Giọng vẫn ồm ồm như mọi lúc, ông nói với người vợ bé như câu chuyện không phải được công khai từ giờ phút đó:

- Ờ, vậy là nàng đã chọn lựa! Ta cho phép. Hãy đưa ý trung nhân của nàng tới đây. Ta muốn coi mặt người ấy, nghe người ấy nói, trước khi nàng ra đi cùng người ấy!

Nghe dứt lời, Lới sửng sốt, mồm há ra. Nàng không ngờ sự thể lại diễn ra theo chiều hướng êm xuôi như vậy. Vẫn biết ông Âu xưa nay đức độ, nhưng đến như việc này... trời! Nàng bỗng thấy đầu ong ong như tò vò đang xây tổ, rồi mắt hoa lên, hoa mãi... Nàng ngã rụi xuống nền nhà ngất xỉu.

Chằm nhào tới đỡ Lới. Vẫn giọng ồm ồm của ông Âu:

- Không sao đâu! Lấy khăn dấp nước đắp vào trán. Lấy dầu xoa hai bên thái dương. Được rồi! Tỉnh lại rồi!.

Cùng lúc đó Thơ Dự xuất hiện như từ dưới nền cát trồi lên. Chàng ta bước vào, chắp tay vái vợ chồng chủ nhà một vái.

Thoạt trông thấy Thơ Dự, nàng Chằm ngờ ngợ, không biết đã gặp người này ở đâu. Ra anh ta là người tình của Lới! Nàng vắt óc, lục tìm trong ký ức. Mắt nàng lướt nhanh trên khuôn mặt nho nhã của anh ta. Khi chạm phải cái sống mũi thẳng hơi gồ gồ ở phía trên, nàng vụt nhớ ra. Nàng ghé tai chồng thì thầm, mắt vẫn ghé nhìn người đàn ông, nửa tin nửa ngờ. Ông Âu gật gật đầu. Chằm hỏi:

- Có phải ông người bên kia cửa?

- Phải, thưa bà.

- Ông là con trai phú hộ họ Hoàng?

- Phải, bà là...

- Trời! - Chằm kêu lên - Ân nhân ơi! Ân nhân! Tôi là người gái bị cha ông cưỡng bức bắt giam mà ông đã cứu năm nào đây!.

Thơ Dự cũng bị bất ngờ và đột ngột, đứng lặng hồi lâu, quên biến chuyện của chính mình...

... Hôm sau, đoàn thuyền của Thơ Dự lại nhổ neo rời bến làng Niêm. Chuyến về này, anh ta mang theo nàng Lới, kết quả mối tình chớp rẹt, sét đánh của mình một cách yên bình làm náo động cả làng Niêm.

Chuyện ông Âu "gả vợ" cho người chủ thuyền buôn xứ Quảng chẳng mấy chốc đã lan truyền cả dải làng cát dằng dặc chạy dài theo ven biển xứ Thuận. Người ta khen ngợi rằng: ông Âu quả thật nhân đức cao dày, đã không kết tội người vợ trẻ, lại còn chia một phần ba gia tài cho bà ta nữa. Rồi cho phép bà ta tháng tháng năm năm đi lại thăm nom mấy đứa con trai dòng họ Âu tại làng cát. Chao! Người đời mấy ai như vậy? Lại có người chê trách: ông Âu dại khờ, nhu nhược. Con vợ hai đó, dù nó trẻ đẹp đến mấy mà hư thân mất nết, theo trai, đã không gọt đầu bôi vôi thì thôi, lại còn mở đường cho nó chạy. Mà nó chạy đi đâu? Nó chạy đi với cái thằng đã bỏ bùa mê thuốc lú nó; chúng nó sống với nhau hú hí sung sướng trước mặt mình mới tức chứ!... Vân vân và vân vân...

Ông Âu nghe, chỉ im lặng cười. Miệng thế gian như làn sóng bể mà! Ai ngăn được ai, ai xúi được ai!

5.
Bạn đọc kính mến. Trót mở ra nhưng chưa có kết thúc, mặc dù thiên truyện đã khá dài. Chắc hẳn có bạn đọc muốn biết số phận nàng Chằm - người vợ ba - giờ đây là người vợ duy nhất - của họ Âu sau này ra sao. Và, biết được tung tích nàng rồi, ông phú hộ họ Hoàng ác hiểm vô đạo đó, có để cho nàng yên không. Rồi cả nàng Lới, cả Thơ Dự nữa chứ, có liên quan mà! Chuyện này tác giả xin được hạ hồi phân giải bằng một thiên truyện khác sau; nhất định như thế, bởi vì tác giả chính là hậu duệ đời thứ mười chín của Ngài Âu với Bà Chằm.

Chỉ xin nói thêm đôi điều ngắn gọn. Trước khi rời bỏ ngôi nhà dài ra đi, Lới cũng lạy sống nàng Chằm một lạy. Thưa rằng:

- Giờ đây, em xin chị cho em được gọi chị bằng chị. Chị vô vàn xứng đáng là Bà Âu. Các con trai của em mang họ Âu, cũng là con trai của chị, chị là mẹ chúng. Chúng có chị nuôi dạy, lớn lên sẽ nên người tươi tốt. Em ơn chị suốt đời. Lạy chị!

Trong một chuyến ra xứ Thuận sau đó không lâu, Thơ Dự chở theo thuyền hai ông bà thân sinh thân mẫu nàng Chằm mà anh ta đã dò tìm được một cách chẳng dễ dàng gì. Họ ở lại định cư làm ăn sinh sống nơi làng cát, góp mặt họ Mai khai khẩn cùng với tám họ khai canh thành chín.

Ông Âu được cả chín họ tôn làm đại tộc trưởng đầu xứ. Lạ một điều, sau chừng ấy năm làm vợ Âu không đậu thai, từ ngày ấy bà Chằm bỗng sinh nở liên tiếp mười người con, năm trai năm gái vuông tròn.

5-2000
H.N
(137-07-00)



Các bài mới
Chuyện nghề (10/05/2010)
Cảm nhận Huế (10/05/2010)
Các bài đã đăng
Chiều muộn (06/05/2010)
Ngọc trong cát (29/04/2010)
Hoa và rượu (29/04/2010)