Tạp chí Sông Hương - Số 138 (tháng 8)
Từ bức tượng Phật trong chiến tranh
16:16 | 29/04/2010
THANH TÙNGLarry Rottmann sinh ngày 20-12-1942 ở tiểu bang Missourri. Ông thường nói: tôi sinh khác năm nhưng cùng ngày với ngày thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Larry Rottmann hay để ý tìm kiến những điều mà cuộc đời ông gắn bó, liên quan đến Việt Nam.
Từ bức tượng Phật trong chiến tranh
Một bức ảnh của Larry Rottmann - Ảnh: 25thida.org
Gặp nhau ở Mỹ ông đưa cho nhà văn Nguyễn Quang Sáng tấm danh thiếp in bằng tiếng Việt: Larry Rottmann - giáo sư Anh văn. Những người Việt Nam in danh thiếp bằng chữ nước ngoài chủ yếu là do nhu cầu giao tiếp trong hoạt động kinh doanh, đối ngoại còn Larry Rottmann in danh thiếp bằng chữ Việt nhằm bảy tỏ tình cảm của mình với Việt Nam.

Larry Rottmann sang Việt Nam tháng 3-1967. Tháng 2-1968, trong chiến dịch Mậu Thân (1968) ông tham gia một trận càn dọc quốc lộ, đoạn từ Củ Chi đến đến sân bay Tân Sơn Nhất. Trên đường hành quân ông nhìn thấy một pho tượng Phật, bức tượng Di Lặc tạc bằng gỗ mít. Ông nói: "Giữa sự chết chóc và tàn phá ghê gớm, không còn một ai ở xung quanh trừ những người lính Mỹ. Tôi không muốn nhìn thấy tượng Phật bị hư hỏng hay bị phá hủy, vì tượng Phật là tượng trưng, là sứ giả thiêng liêng của hòa bình. Thế là tôi nhặt lấy pho tượng, giữ suốt trận đánh". Ba ngày sau tượng Di Lặc vẫn ở trên lưng Larry Rottmann. Trong một trận pháo kích của quân giải phóng ông bị một vết thương trên đầu rồi bất tỉnh đến hai tuần lễ. Người ta nghĩ Larry Rottmann đã chết nên gửi tất cả tư trang của ông về cho gia đình, trong đó có cả bức tượng Di Lặc.

Hết thời hạn quân dịch Larry Rottmann trở về Mỹ tiếp tục giảng dạy ở trường đại học Missourri. Khi mở hòm tư trang, được gửi về từ Việt Nam, Larry Rottmann thấy: "Di Lặc cười với tôi. Nhìn tượng Phật, nghĩ lại, chiến tranh ở Việt Nam, tôi nghĩ ngợi nhiều điều". Rồi bức tượng được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong nhà Larry Rottmann. Mỗi ngày nhìn tượng Phật ông nghĩ rằng Đức Phật đã phù hộ cuộc đời, cho ông cuộc sống may mắn, tốt lành. Tượng Phật không bao giờ là của riêng ông và ông trân trọng, gìn giữ. Trong một bài báo ông viết: "Đường mòn Hồ Chí Minh là biểu tượng chiến thắng của Việt cộng. Dù người Mỹ có huy động hết sức mạnh của không lực đem bom rải thảm, hủy diệt, thì con đường ấy vẫn tồn tại vì được đức Phật phù hộ".

Năm 1989, sau 21 năm gìn giữ, Larry Rottmann đã trở lại Việt Nam và trao lại bức tượng Phật cho UBND huyện Củ Chi. Khi trao bức tượng cho ông quyền Chủ tịch UBND huyện, Larry Rotttmann nói: "Tôi xin lỗi đã mang tượng Phật đi quá xa và đã giữ quá lâu. Nhưng trong tất cả các vận may mà tượng Phật Di Lặc đã đem lại cho tôi, nhiều hơn và tốt hơn cuối cùng là đã đưa tôi trở lại đất nước tươi đẹp của các bạn, tạo cơ hội cho chúng ta gặp gỡ, không phải cuộc gặp gỡ của chiến tranh mà gặp gỡ trong hòa bình, hữu nghị. Tôi hy vọng và cầu nguyện cho sự may mắn của các bạn đã mang lại cho tôi giờ đây sẽ về lại với nhân dân Hóc Môn, về với niềm hy vọng và ước mơ cho những em bé của các bạn. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Qua nỗi đớn đau là niềm vui sẽ đến". Việt Nam đã trải qua muôn vàn khó khăn trong quá khứ. Bây giờ là lúc dành cho Việt Nam niềm vui trong tương lai".

Trong thời gian trở lại chiến trường Trị Thiên, Larry Rottmann có đến thăm bệnh viện Trung ương Huế. Ông quan tâm nhiều đến các trang thiết bị y tế và các hoạt động từ thiện nhân đạo. Và ông quyết định dành một phần thu nhập của mình để làm học bổng hiếu học. Từ đó Larry Rottmann đã có nhiều đợt chuyển tiền về để bệnh viện chủ động xét cấp học bổng. Sau Larry Rottmann có thêm Jenning Foudation tham gia quỹ học bổng này. Đối tượng được cấp học bổng là những sinh viên y khoa nghèo, học giỏi, phục vụ tốt bệnh nhân ở bệnh viện. Có nhiều đợt quỹ học bổng này được mở rộng để cấp cho hàng chục học sinh các trường phổ thông do báo Thừa Thiên Huế phối hợp với bệnh viện Trung ương Huế thực hiện. Sau này do các hoạt động vì Việt Nam Larry Rottmann bị buộc thôi việc cho nên quỹ học bổng kết thúc vào năm 1995.

Larry Rottmann làm việc không mệt mỏi vì mối quan hệ Việt - Mỹ với hy vọng tìm kiếm những giải pháp và cơ hội hàn gắn vết thương chiến tranh trong khả năng của mình. Ngoài giảng dạy, nghiên cứu ông còn là nhà soạn kịch, viết tiểu thuyết, làm thơ, làm phim tài liệu. Năm 1991 - 1992, với tư cách là giám đốc dự án Ozark Đông Nam Á (dự án phát huy, trao đổi giáo dục giữa Việt Nam và Trung mỹ) Larry Rottmann đã khởi xướng và đứng ra tổ chức triển lãm Những tiếng nói từ đường mòn Hồ Chí Minh - triển lãm chung với nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo Trọng Thanh, phóng viên TTXVN vào chiến trường cùng thời điểm Larry Rottmann đến miền Nam Việt Nam. Triển lãm được tổ chức tại 15 bang của nước Mỹ trong thời gian một năm, chủ yếu là trong các trường đại học. Theo Larry Rottmann triển lãm là nhận xét của tác giả về Việt Nam qua những bức ảnh. Ảnh trong chiến tranh do một cựu binh Việt Nam thể hiện. Ảnh sau chiến tranh do một cựu binh Mỹ thể hiện. Ông muốn sinh viên người Việt ở Mỹ hiểu chiến tranh Việt Nam khác với thế hệ cha anh của mình. Sau triển lãm 140 bức ảnh của Trọng Thanh được lưu giữ tại bảo tàng hòa bình Washington.

Cảm hứng từ cuộc triển lãm này năm 1993 Larry Rottmann in chung với Trọng Thanh tập sách thơ và ảnh mang tựa đề Những tiếng nói từ đường mòn Hồ Chí Minh, do NXB Sự kiện chân trời, Califoocnia, ấn hành. Đây là bộ sưu tập đầu tiên của Larry Rottmann, gồm những sáng tác trong 27 năm và sau 9 lần trở lại Việt Nam. Những tiếng nói từ đường mòn Hồ Chí mInh không chỉ phản ánh sự khốc liệt của chiến tranh mà còn đưa ra cách nhìn mới, giúp độc giả có những nhânj thức và hành động làm ảnh hưởng tích cực đến quan hệ giữa hai dân tộc, hai đất nước từng đối đầu trong quá khứ. Tuyển tập thơ - ảnh của Larry Rottmann và Trọng Thanh được hình thành từ trái tim, khối óc của hai người nghệ sĩ nhằm vào nỗ lực đẩy lùi bóng đêm dai dẳng của cuộc chiến tồi tệ.

Đúng là Đức Di Lặc đã trở thành vị sứ giả của hòa bình, hữu nghị và hạnh phúc. Larry Rottmann đã phấn đấu để gắn bó với Việt Nam bằng những nghĩa cử đẹp. Đó cũng là những hành động thiết thực và rất có ý nghĩa nhằm chuộc lại một phần đời vô nghĩa của ông trước đây ở chiến trường Việt Nam.

T.T
(138/08-00)



Các bài mới
Day dứt (17/05/2010)