Tạp chí Sông Hương - Số DB (tháng 3)
Tri kỷ Huế
15:47 | 24/06/2010
NGUYỄN BỘI NHIÊNNhững người bạn ở Huế đã đôi ba lần nhắn tôi về chơi vào mỗi dịp lễ, tết trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Thế là cái khoảng thời gian chưa được xác định ấy bỗng trở thành một niềm mong chờ xao xuyến lặng lẽ lan tỏa trong tôi sự thôi thúc.
Tri kỷ Huế
Ảnh: huefestival.com

Và, trong một ban mai đang lên thanh thản, tôi nhận ra tôi đã ra đi từ phía có dòng sông Hồng chở nặng phù sa của đời người để có thể đếm bước chân mình trên những con đường ở cái thành phố luôn mang sẵn trong tâm hồn một mélodie của riêng mình từ thuở có tên gọi Thuận Hóa cho đến lúc trở thành di sản văn hóa chung của nhân loại. Bắt đầu từ đấy, tôi sống trong nỗi mê cuồng được chạm vào một vẻ đẹp có sức lay động ý thức giữa cõi thực và cõi mộng đang có nơi trần thế mang cái tên rất đỗi gần gũi với niềm yêu thương và ngưỡng vọng của bao người: Huế.

Khi những chấm bụi nước li ti đọng trên hoa lá của những lùm cổ cò thân mỏng ven bờ thành Nội bắt đầu đón nhận những tia nắng mặt trời mới mẻ, khắp các ngả đường trong thành phố như được nhuộm trắng bởi màu áo học trò. Tôi đã gặp và ghi nhớ cho mình rất nhiều buổi tựu trường và tan trường đây đó trên quê hương trăm mến ngàn yêu, nhưng chưa ở đâu tôi được thấy tà áo dài nữ sinh lại đơn sơ, đoan trang, trắng trong và quá đỗi dịu dàng như ở Huế. Những tà áo ấy hợp với những mái tóc thề mượt mà, những chiếc nón bài thơ óng ả, những dáng guốc thanh tân nhu mì, những nhịp Trường Tiền cong mềm làm nên một nét duyên dưới ánh sáng nhật nguyệt đã hóa thành niềm hoài vọng khôn nguôi trong biết bao người tự mình thấm vào cái tâm Huế không hề khác đi theo ngày, tháng. Và, cái dịu dàng ấy luôn đưa những ai đến Huế gặp lại một không gian vừa trang nghiêm quý phái, vừa gụi gần thân thiết. Ở đây, bên dòng Hương vẫn mải miết tự chảy vào lòng mình, hàn huyên với mấy người bạn có từ những ngày vừa bắt đầu tuổi trẻ của mình, tôi hiểu rằng trong mỗi tâm hồn người, Huế là một góc nhỏ bình yên và dịu dàng, là nơi chốn đi về của bao nỗi nhớ nhung, hoài vọng giữa cuồn cuộn thăng trầm trong dâu bể cõi đời. Vào lúc bất chợt ngồi thật yên nghe tiếng chim hót trong các khu vườn mướt xanh như ngọc ở thôn Vỹ và nhìn nắng hàng cau nắng mới lên, lòng lữ khách quên hết chuyện mưa nắng trần ai và thấm thía một niềm biết ơn đối với vẻ trầm mặc, cổ kính của thành quách lâu đài, cỏ cây, sông núi, lăng tẩm, chùa chiền...

Trong nỗi hoài vọng về một vẻ đẹp đã từng đạt tới ở đời, những nghệ sĩ dân gian thấu hiểu bản chất của cố đô đang trả lại cho Huế nét vàng son, độc đáo trên những công trình kiến trúc qua từng phút từng giờ bằng tất cả tâm thức của người núi Ngự sông Hương. Quanh những bàn tay tài hoa và khéo léo của họ, người từ muôn phương vẫn cung kính thể nhận sâu sắc không khí trang nghiêm của Đại Nội, vẻ uy nghi tráng lệ của lăng Khải Định, sự linh thiêng của chùa Thiên Mụ, sức tâm cảm của sông Hương núi Ngự... Những con đường chữ công lát gạch Bát Tràng nơi trái tim Hoàng thành với hào sen quanh co, cô tịch trải qua bao sóng gió phế hưng vẫn dội vào lòng người những âm vang da diết của một quá khứ đài các, kiêu sa. Huế hòa nhập vào cảm xúc của con người với những đền đài lăng tẩm, những nhà vườn cổ kính, nhiều món ăn thanh tao. Đứng giữa chiếc vườn cổ An Hiên ở ngôi làng Kim Long bình yên với những cây vông đồng rợp tán, trước Từ đường Ngọc Sơn công chúa, Lạc Tịnh viên,... bao giờ người thưởng ngoạn cũng nhận ra mình đang suy tư về các ý nghĩa nhân sinh triết học, các yếu tố sơn thủy, nghệ thuật phụng sự cái đẹp lẫn phong cách sống của người dân xứ Huế. Trên những nếp nhà ấy, mọi chiều của không gian và thời gian đã vĩnh viễn ngưng đọng từ rất lâu và mọi thứ hầu như không thay đổi, không đến không đi để mỗi khi con người bước chân vào đấy sẽ tao ngộ với những tâm hồn hài hòa tươi sáng, nhạy cảm và mơ mộng, sẽ gặp lại những bóng hình quen thuộc, những ký ức và kỷ niệm bao giờ cùng thanh thoát, hồn nhiên. Cảm giác ấy đã theo tôi rong ruổi trên cả tầm sông băng qua những làng vườn đầy tre trúc, hoa trái và khói sương ở Vỹ Dạ, cồn Hến, tần ngần bên hương sen hồ Tịnh Tâm rồi đi vào bên trong những thành quách rêu phong cho tới lúc đọc trên tấm đá hoa cương trước lăng mộ vua Tự Đức câu văn bia: “Ta trồng nơi đây thật nhiều cây để gọi chim về, chim nào thấy vui thì cứ đến ở”...

Huế vẫn thường lôi cuốn, rủ rê con người đi tới những chốn cao lâu sơn thủy lẫn nơi dân dã bình thường mà chỗ nào cũng được một sắc màu lung linh của văn hóa phương Đông phủ lên không gian của nó. Bên mái vàng mái xanh Ngọ Môn thấp thoáng sau những tán cây xà cừ là những con đường nhỏ yên tĩnh bao quanh các nếp nhà hiền lành, bình lặng. Giữa không gian ấy thỉnh thoảng vang lên những lời hát và giai điệu quấn quýt nhịp múa của nhã nhạc cung đình Huế đang triệu hồi cảm xúc của con người tại nhà hát Duyệt Thị Đường. Con sông Hương từ nguồn xuôi chảy về Đông nhưng tưởng như chưa bao giờ ra tới biển cứ mãi dẫn dụ con người quay lại huyền thoại của nó với Huyền Trân công chúa, với sương mù huyền ảo, với chén rượu đưa tiễn khách trần của người tiên thuở xưa chìm xuống đáy sông làm nên trái núi Ngọc Trản đẹp muôn đời. Ngồi trên con thuyền xuôi từ Hòn Chén về bến Văn Lâu, qua Đông Ba, Đập Đá, tầm mắt dừng lại ở đỉnh Ngự Bình trầm mặc nổi bật trên nền trời, thấy hư thực bóng dáng thi sĩ Tuy Lý với triết học thiên nhiên sâu thẳm của ông: “Sáng mai quất ngựa lên đầu núi/ Nghe thông reo nằm nhớ ta sầu”. Bây giờ, chẳng biết còn có văn nhân nào lên ngọn núi muôn năm đứng bên sông Hương mà xem huyền hóa, nhưng rõ ràng hòn núi vẫn là một thực thể làm chứng cho những cuộc thề nguyền vĩnh cửu rất thiêng liêng của những người yêu nhau ở Huế. Bởi vẫn vang vọng đó thôi trên núi trên sông và trong lòng người đất Thuận Hóa xưa câu thơ gói trọn giọng điệu nhỏ nhẹ “Dạ thưa, xứ Huế bây giờ. Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương” mà sự tài hoa của thi nhân Bùi Giáng đã vui chọn làm một hồn thơ. Bên niềm vui đó, tôi sống những ngày với Huế giữa những người bạn vẫn luôn tâm đắc với nhau một điều tựa như niềm tâm giao với sông Hương của Ông già Bến Ngự: “Hương ơi, e phải mày không. Sông nọ hóa ra mình có”, rằng Huế là thành phố không của riêng ai mà bất cứ ai sau lần đến với nó cũng có thể thấy Huế là của riêng mình. Họ kéo tôi về cầu ngói Thanh Toàn trong niềm tin không gì lay chuyển được là vẫn còn người con gái mặc áo màu tím Huế nhẹ nhàng thưa: “Cho em về với một đoàn cho vui”. Ở đó, nở đầy bên bến sông quê là hoa cải, hoa mướp vàng tươi, hoa khế tim tím e ấp gợi những nỗi niềm man mác, bâng khuâng.

Tiếng chuông thu không từ chùa Thiên Mụ rơi thánh thót, những đám mây theo gió về phía Thiên An vừa đi vừa ngắm mình dưới làn nước sông Hương đang đổi sắc trong sương sa, Huế trở nên giống một bức tranh siêu thực với gam màu tím thẫm hoang đường. Trong đêm, trên chiếc thuyền đã dừng neo giữa muôn vàn nhịp sóng dùng dằng, cảm nhận được một thoáng thiên thu trong những làn điệu dân ca thấm đượm ân tình, con người cảm thấy mình đang tràn đầy mùi vị Huế, càng hiểu thêm khát vọng thăng hoa của tâm hồn Huế trong tầm vóc của một di sản văn hóa thế giới. Cúi mặt xuống dòng sông kinh kỳ thơm ngát bóng thời gian, với niềm xúc động lặng lẽ, tôi thầm cảm ơn những người bạn đã và đang cho tôi hạnh phúc có Huế làm tri kỷ, cảm ơn những giọng ca đang dìu Huế vào lòng...


(SDB – 3-2010)




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Thanh xuất vu lam (24/06/2010)
Hương còn mãi (22/06/2010)