Tạp chí Sông Hương - Số 256 (tháng 6)
Người trong trăng
14:15 | 09/07/2010
VÕ THỊ THÚYĐây là tập thơ tôi rất thích, mang tặng em, chỉ mong em giữ nó và dù hoàn cảnh nào cũng hãy giữ hộ tôi.
Người trong trăng
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Khải vừa mấp máy môi, vừa chìa tập thơ chép tay trên xấp giấy A4 được đóng rất cẩn thận. Anh nheo mắt nhìn tôi, chờ bàn tay mềm mại của người con gái đứng trước mặt đưa ra nhận. Và những lời nói gấp gáp cứ vang lên trên khoé môi kia. Tôi đưa mắt liếc nhanh tập sách, dù cẩn thận nhưng kiểu gia công đơn giản, phía trên là bức ký họa nhà thơ Hàn Mặc Tử, bên dưới là bức ảnh chụp mộ ông được cắt từ một tờ báo nào đó, dán lại. Toàn bộ những điều đó cho thấy người chép thơ hâm mộ vị nhà thơ tài hoa đoản mệnh ấy đến nhường nào. Những người xung quanh quan sát chúng tôi. Có lẽ họ chả bao giờ hiểu được vì sao chỉ một tập sách được ghim bằng nhiều tờ giấy lại khiến chúng tôi khó xử với nhau đến vậy. Khải chờ đợi còn tôi vô tình như không nhìn thấy anh và tập thơ kia.

Bàn tay Khải thô ráp, đôi đồng tử mở to, dài dại. Tôi nhìn anh - mặt anh mỗi lúc một cúi xuống. Lúc đó tôi có cảm giác sau khi trao cho tôi tập thơ này anh sẽ đi xa, mãi mãi chăng?

Bên ngoài cửa sổ, nắng bắt đầu tắt, đêm đang chuyển mình. Hoàng hôn ở đây dường như xuống sớm hơn bởi những toà nhà cao tầng. Mấy mươi năm về trước Hàn đi xa, không gian u ám của một bệnh viện đông người nhưng bệnh tật đã làm cho họ có cảm giác xa rời mọi thứ. Những chiếc giường bên cạnh, bệnh nhân cũng nhìn chúng tôi, như xa lạ vì cách biểu hiện rất lạ của Khải. Sẽ có ngày này. Dường như Khải cảm nhận được điều đó qua đôi mắt tôi, qua những giọt nước mắt đang đua nhau rơi nhanh xuống má tôi. Tôi đã cố gắng lắm nhưng không làm cách nào để nó dừng được cả. Lúc đó tôi chỉ muốn chạy ra ngoài nhưng lại sợ lúc trở vào sẽ vĩnh viễn không bao giờ còn gặp lại được anh nữa. Nó mơ hồ, nó xa xôi và có gì đó rất lạ.

Ngập ngừng mãi mà tôi không dám đưa tay ra nhận. Khải cũng không rút lại, hai bàn tay cố vị giữa không trung, tập thơ ở giữa, đôi mắt nhà thơ như đang nhìn hai kẻ yêu thơ mà không dám rút nó về phía mình. Một lúc sau Khải lên tiếng, giọng nói thì thầm vào tai tôi, những câu nói gấp gáp, những lời nói khó hiểu lặp đi lặp lại:

- Cầm đi em. Tôi sắp xa rồi. Em cũng biết bệnh tôi không thể chữa, mà tôi cũng không thể cho gia đình biết bệnh tình của mình. Chẳng biết có giữ được nó không. Đó là tâm huyết cả một đời tôi có, nếu không may tôi rời xa cõi đời này, há chẳng phải làm mất đi bao nhiêu tinh túy chắt lọc cả một đời của một vị thơ trẻ tài hoa ư? Cầm đi. Hãy cầm và hứa với tôi là em sẽ giữ nó… nếu có dịp nào thích hợp em sẽ công bố giúp tôi, không - giúp Hàn. Như vậy là tôi mãn nguyện rồi, ra đi và không phải áy náy điều gì.

Khải cứ thều thào mấy câu cuối cùng. Bất đắc dĩ tôi phải cầm tập thơ. Thơ Hàn tôi cũng thích nhưng không đến mức cuồng si như Khải. Trên đời có nhiều kiểu hâm mộ, nhưng người ta chỉ hâm mộ Hàn qua thơ, hâm mộ những vần thơ tài hoa của ông chứ không như Khải. Anh hâm mộ cả người đứng sau thơ và sẵn sàng làm tất cả vì nó, tôi chưa bao giờ hiểu anh, những cảm giác lạ lùng của anh khi bên cạnh hay thốt những câu rất khó hiểu. Đôi lần tôi tự hỏi phải chăng ở Khải có chút gì đó của Hàn dù tôi chỉ cảm nhận Hàn qua thơ và một số bài viết về ông mà tôi đọc được trong cái mớ tư liệu hỗn độn của Khải ở phòng trọ. Và hơn thế nữa tôi sợ, một cảm giác sợ không nói thành lời, không thể giải thích. Chẳng hiểu vì sao!

Nhưng tôi vẫn lo nếu tôi cầm của anh khác nào chính bản thân mình lấy hết tinh hoa anh chắt lọc cả một đời về nhà thơ trẻ ra đi khi hành trình thơ vừa độ chín. Tài năng ấy nếu có vinh hạnh được ở lại dương thế, có thể bây giờ “con đẻ” chất ngút ngàn nhân gian. Là tôi cứ suy nghĩ vậy dù có người bảo nếu sống đến giờ chắc gì Hàn đã nổi như lần ra đi của mấy mươi năm về trước. Cả một đời tài hoa nhưng không được hưởng những gì mình đáng được hưởng. Như vậy há chẳng phải thiệt thòi cho ông sao? Có lẽ trời rất ghét người tài - đã có lúc tôi tự hỏi mình.

Khải rất thích mỗi khi có ai đó hỏi về Hàn. Anh yêu những vần “thơ điên” đến cuồng si. Anh đã bỏ khá nhiều công sức để đi tìm những bài thơ chưa được nhiều người biết đến. Trong số đó có nhiều bài đã được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Anh hiểu Hàn đến từng chân tơ kẽ tóc. Nhưng khi ai đó hỏi anh có phải là nhà nghiên cứu về Hàn không thì anh lại chối từ. Điều đó cũng dễ hiểu. Anh chỉ tìm hiểu về cuộc sống của Hàn, về đời thơ, về nỗi đau đời, về những mối tình éo le mà lẽ ra một người lãng mạn như Hàn đáng được hưởng. Cuộc đời không công bằng đối với Hàn. Cũng như bây giờ không công bằng với Khải. Căn bệnh ấy cả nhân loại đầu hàng chứ đâu riêng gì Khải. Mẹ anh ngày trước cũng mắc bệnh ấy và ra đi khi anh còn nhỏ, nhưng hồi ấy người ta chỉ gọi đấy là căn bệnh lạ, hồi ấy người ta chưa gọi thành tên cho nó. Anh những tưởng hạnh phúc sẽ mỉm cười với mình nhưng rồi một ngày kia, nhận tờ giấy xét nghiệm bị hoại huyết - đó là một dạng bệnh mà các tế bào bị viêm và ăn vào máu, anh bàng hoàng. Chao ơi, mọi thứ dường như sụp đổ, anh giấu mọi người trong gia đình, không muốn ba an hưởng tuổi già bằng căn bệnh hiểm nghèo của đứa con trai duy nhất. Và anh cũng không muốn mẹ Cả và các chị thương hại mình. Anh chết dần với căn bệnh của mình - một phần vì tự trọng và một phần vì biết bệnh không thể chữa trị. Những người mắc bệnh này khó ai sống qua một năm - bác sỹ bảo thế. Anh nhắc đi nhắc lại lời ông mỗi khi ngồi một mình, tiền không thể đánh đổi được bệnh này. Người ta có thể lấy tiền mua được nhân phẩm, học vị và chức tước và có thể đổi trắng thay đen nhưng lại không thể dùng nó để mua mạng sống của mình khi cần thiết nhất - bi kịch có lẽ ở đó.

Rồi một ngày Khải bảo đi xa, anh muốn tôi đi cùng. Tôi đã không nghi ngại và cùng anh vào đây. Lúc đó tôi chỉ nghĩ có lẽ cuộc ra đi này sẽ kéo chúng tôi xích lại gần nhau hơn. Cái thứ tình cảm mà chúng tôi có bấy lâu chẳng hiểu như thế nào, mơ hồ, không thực hoặc cũng có thể đó là sự thay đổi quá lớn của một thời thơ dại mang vào. Tôi chưa bao giờ được biết nhiều về Khải, dù cuộc sống suốt thời tuổi thơ chúng tôi luôn bên cạnh nhau, những trận đòn hai đứa thường chịu chung và bao giờ Khải cũng che chở cho tôi. Có lần đi học xong chúng tôi rủ nhau đi hái hoa cải làm vòng nơ trên đầu giả cô dâu. Hôm ấy về nhà rất muộn, mẹ lôi tôi ra, trên tay bà là chiếc roi mây uốn lượn, tôi run như cầy sấy khi mẹ tiến lại gần. Những ngọn roi bắt đầu vụt xuống đôi chân hay đi thì Khải xô tôi ra và chịu đòn thay tôi. Anh đã quỳ dưới đất xin lỗi mẹ tôi và hứa sẽ không bao giờ làm điều gì dại dột nữa. Lúc đó chúng tôi mới học lớp ba. Sau vụ đó, bạn bè chọc tôi và anh để sau này mỗi khi ngồi cùng nhau tôi vẫn nhắc cho anh nghe và anh chỉ cười - ước gì tuổi thơ cứ kéo dài mãi, chúng tôi không bao giờ lớn, và như vậy biết đâu bây giờ Khải không mắc phải căn bệnh hiểm nghèo này. Anh lo cho tôi rất nhiều nhưng cũng chẳng bao giờ nói gì về bệnh tật hay nỗi đau của mình với tôi. Mãi đến khi hấp hối Khải mới cho tôi biết những gì giấu bấy lâu, những suy nghĩ về bản thân, về mẹ anh và những người còn lại trong gia đình. Cũng chẳng lâu lắm từ lúc phát bệnh cho đến khi anh đi xa - khoảng hơn một năm.


Tôi không nhớ rõ bao giờ, nhưng có lẽ cách đây vài ba năm gì đó. Trong một đêm cuối thu. Đã sắp về sáng. Trên trời, vành trăng đi ngủ muộn, tròn vành vạnh, sáng lấp lánh. Không gian mơ màng, lòng người cũng mơ màng - ngồi bên anh tôi thường có cảm giác này mà không hiểu vì sao? Khải chỉ vành trăng và nói:

- Có thể Hàn trên kia!

- Trên nào cơ?

- À. Không!

Khải cười mơ màng, lẩm bẩm một mình: “Kẻ ngoài ngắm người trong trăng”. Tôi không hiểu hết những câu nói nửa vời của Khải. Những câu nói lúc nào cũng lấp lửng. Những câu nói không đầu không cuối. Chỉ biết ngồi nghe, nghe để mà nghe cho có người ngồi cạnh khi Khải tâm sự để người ta không bảo anh bị hâm, cứ hay ngồi nói chuyện một mình. Suốt nửa đời dương thế đi bên Khải mà tôi chưa bao giờ hiểu nổi anh. Khải bảo trong đời này chưa ai hiểu anh. Kể cả tôi. Người bạn sống với anh từ khi tóc còn để chỏm, sống với anh bao nhiêu năm từ quê cho đến khi cùng nhau vào đây, anh vẫn bảo tôi lúc nào cũng vờ hiểu anh nhưng thực ra chẳng hiểu gì cả. Những lúc như thế tôi chỉ lặng im. Chỉ thấy lúc nào anh cũng khác lạ, từ ánh nhìn, lời nói như của người từ nơi nao!

Khải đẹp, nét đẹp con gái, thừa hưởng từ người mẹ quá cố của anh. Một làn da trắng, môi đỏ như son, ai cũng bảo nét đẹp ấy chỉ nên dành cho con gái. Anh không quan tâm đến điều đó, với anh cuộc đời chỉ có những vần thơ lạ của thi sỹ họ Hàn - Người thi sỹ ra đi khi tuổi chưa đến đầu ba, nghĩa là cũng ngang Khải bây giờ.

Có lần Khải vào Quy Hòa, chỉ để một lần xem lại nơi Hàn đã từng sống những ngày cuối trước khi tạ thế, anh đã khóc khi từ nơi đó trở về. Có người bảo anh điên nhưng không đâu. Anh thương Hàn cô đơn ngay khi cần người thân yêu nhất thì không có. Những ngày tháng bơ vơ một mình chỉ có người cháu nhỏ đi đi lại lại mang cơm. Anh luôn thắc mắc: “Tại sao Hàn không đi du học. Tại sao Hàn lại gặp cụ Phan vào thời điểm đó. Giá như sau khi đi du học về Hàn gặp cụ Phan có thể lịch sử đã sang trang và cuộc đời Hàn đã đổi khác. Có lẽ Hàn sẽ không bị phong, có thể Hàn sẽ không chết và sẽ không có một Hoàng Cúc dịu dàng chờ Hàn nơi chốn kinh kỳ xa xôi khi anh chuyển vào Quy Nhơn rồi tạ thế ở trại phong Quy Hòa trong cô đơn. Và cũng có lẽ sẽ không có những vần thơ kinh điển - một lời trách xa xôi gửi thôn Vĩ. Có nhiều cái “nếu” thiết tha ôm Khải vào lòng, thao thiết nhớ trong những đêm trăng suông, lại lẩm bẩm một mình: “Kẻ ngoài ngắm người trong trăng”. Thơ Hàn có quá nhiều trăng, hình ảnh ấy cứ lặp đi lặp lại trong những vần thơ điên, buồn man mác.

Nhà Khải có bốn chị em. Ba chị đầu con bà Cả. Khải con bà Hai. Đấy là tôi gọi thế cho dễ chứ thực ra mẹ Khải là sự ngả lòng của ba khi ông có phút giây ngoài chồng vợ. Bà có một nét đẹp rất Huế. Khải tự hào về mẹ, người cùng quê với nàng Hoàng Cúc xưa, đẹp dịu dàng và không bao giờ nghĩ đến chuyện thiệt hơn. Sau này khi bà Hai mất, Khải được ba và bà Cả đón về nhưng trong nhà anh không có danh phận gì. Anh lớn lên trong vòng tay của người thân mà như xa lạ, sự hời hợt của các chị, vẻ lạnh lùng của ba cộng với sự cay nghiệt của bà Cả khiến anh sống mặc cảm với bản thân. Suốt ngày ngồi trong buồng, tựa cột nghĩ những bài thơ, đọc những vần thơ Hàn làm khi cuối đời rồi tự ví số phận mình cũng chẳng khác gì Hàn khi sắp lìa cõi thế.

Chúng tôi hứa hẹn với nhau khi chưa hiểu gì về tình yêu nhưng vẫn đi về cùng nhau mỗi lần tan học. Đó là những lần Khải giơ tay cho tôi xem những vết bầm tím do ba đánh, rồi ngồi nhìn ra xa mà tự nghĩ đến người mẹ quá cố của anh. Không buồn, không khóc, không ca cẩm, chỉ thương thân bơ vơ ngay trong nhà. Cái kiếp con kẻ không giá thú nó cay nghiệt đến mức này ư? Tôi đã từng nghĩ như vậy nhưng chỉ là nghĩ mà thôi.

Nhận xong bằng cử nhân chúng tôi cùng nhau vào Sài Gòn. Mẹ buồn khi tôi đồng ý đi cùng Khải. Mẹ vẫn nghĩ giữa chúng tôi có một cái gì đó ràng buộc, một sợi dây tình cảm. Nhưng không. Giữa chúng tôi chỉ có một tình bạn đẹp, một tình bạn sâu nặng đến mức không thể yêu hoặc có thể yêu mà vì thân nên cả hai đều không nhận ra. Nhưng tôi thì hiểu Khải chỉ yêu mỗi Hàn thi sĩ mà thôi. Khải đã hứa hẹn cùng tôi ngày còn rất nhỏ, để sau này không bao giờ anh nói điều ấy ra, cứ bên nhau như vậy suốt một thời tuổi thơ cho đến khi vô Sài Gòn lập nghiệp. Nếu có cơ hội biết đâu chúng tôi đã chẳng vào Sài Gòn - Khải thích Quy Nhơn.

Có thể những người yêu thơ Hàn đều nao nao giống nhau - là tôi nghĩ vậy (lại chỉ nghĩ thôi). Tôi không biết. Nhưng tôi lại thương anh, một tình thương ngay cả ba mẹ cũng không hiểu nổi. Đấy là lúc tôi biết rõ bệnh của Khải đến lúc nguy cấp rồi. Anh muốn cùng tôi đi Quy Nhơn lần cuối, để một lần nữa được ngắm nơi Hàn yên nghỉ. Và lần nào vào thăm mộ Hàn, Khải cũng mang một bó hoa cúc trắng thật to. Tại sao không là Hồng, là Lan hay Huệ mà là Cúc. Đơn giản đấy là loài hoa dù khô cũng không bao giờ rụng lá - Anh giải thích. Lời giải thích ngắn gọn, để sau này mỗi khi ra thăm lại nơi anh yên nghỉ, tôi vẫn mang một bó cúc trắng - dẫu gió mưa vùi dập hay nắng nóng kéo dài, loài hoa ấy vẫn không hề rụng lá.

Chúng tôi gặp một người trạc tuổi Khải đang cặm cụi ngồi cạnh mộ Hàn, vẽ những bức chân dung vội vàng tặng khách mỗi khi người ta đến gần Hàn, sau này tôi biết tên anh là Khang. Khang bảo trong đời anh chỉ vẽ mỗi khách một bức ký họa nhưng riêng Khải thì đến bốn bức liền. Khải cười buồn, gật đầu rồi bảo còn đến nữa nhưng tôi biết sẽ không có bức ký họa thứ năm. Khang vẫn nói cười hồn nhiên. Hỏi tôi có cần ảnh Hàn không? Tôi đứng im. Khang loay hoay một lúc đưa cho tôi bức chân dung Hàn, đôi mắt lãng tử, buồn heo hút. Khang giải thích đôi mắt Hàn đẹp và mơ mộng hơn, nhưng Khang vẽ mắt Hàn theo cảm nhận của riêng Khang nên nhiều nét hơi khác. Từ mấy chục năm nay anh vẽ Hàn theo trí tưởng tượng, bởi hình ảnh Hàn in đậm trong lòng Khang, anh không cần nhìn. Hình như Khang cũng giống Khải, giống ở sự hâm mộ, sự hâm mộ đến cuồng si nên quanh năm cứ ngồi đó và mỗi lần có khách thập phương đến thăm Hàn, anh lại vẽ một bức ký họa tặng người ta. Bao nhiêu năm ngồi cạnh mộ Hàn và vẽ những bức chân dung vội vàng gửi khách thập phương, khác gì Khải vẫn mỗi ngày đến những nơi Hàn từng đến để tìm những bài thơ la. Những bài thơ vô tình hoặc hữu ý mà Hàn chưa công bố hoặc chưa kịp đọc ra cho mọi người nghe. Cuộc sống vật lộn ngoài kia không bao giờ cho Khải ngưng nghỉ cũng giống như người ta vẫn đến thăm Hàn để Khang vẽ những bức chân dung vội. Khang vẽ nhanh và rất nhiều, có khi không giống lắm nhưng rất có hồn. Anh giải thích chỉ có thể bắt hồn của người ta và gửi cho họ những gì mình cảm nhận. Tôi hiểu tình cảm ấy. Tôi nâng bức chân dung Hàn do Khang vẽ. Theo yêu cầu của Khải, Khang vẽ tôi đang ngước mắt nhìn Hàn. Hàn xa xa, mờ ảo và không có gì rõ nét ngoài đôi mắt thấp thoáng buồn.

Chúng tôi chia tay Khang và hẹn ngày tái ngộ. Khang tiễn chúng tôi và hy vọng có bức ký họa thứ năm dành cho Khải. Anh vui vì ngoài anh còn nhiều người nữa cũng yêu Hàn đến đau lòng.

“Người ta bảo yêu thơ là yêu nghệ thuật tạo chữ chứ không nên yêu người sau nó” - Khải thì thào - “Nhưng anh lại yêu luôn người sau con chữ kia, người đã tạo nên những dòng thơ buồn và những câu chuyện bi thương. Chao ôi!”…

Khải đưa tôi một tập tài liệu dày. Đó là những tư liệu đáng giá mà có thể chỉ anh có. Anh muốn tôi bằng sự hiểu biết về Hàn mà anh từng kể, bằng tình yêu thương của một người hậu thế hãy viết một kịch bản hoàn thiện về Hàn. Tôi cầm những tư liệu quý giá đó, đọc kỹ càng từng câu từng chữ. Hình ảnh Hàn ẩn hiện trong đầu thấp thoáng, xa mờ chợt nhòa chợt hiện, không rõ lắm nhưng những gì Khải nói cứ luôn ám ảnh tôi ngay cả vào giấc ngủ. Chợt cũng muốn làm một cuốn phim về Hàn nhưng hổ vì tài năng không đủ sức.


Khải nằm trên giường, queo quắp, chỉ còn da bọc xương. Đôi đồng tử trắng dã. Đã mấy hôm rồi anh không ăn được miếng cơm nào. Mỗi lần tôi đút vòi sữa vào miệng, anh nhăn nhó bảo đau cổ lắm, cố mãi cũng chỉ hút được một phần tư ống. Khải nhìn lên trần nhà. Nhắc hoài tên mẹ anh - người mẹ quá cố mà anh chưa bao giờ tưởng tượng được. Mẹ mất quá sớm lúc cái tuổi của anh chưa hiểu được mất mát đó lớn lao như thế nào, cái tuổi quá bé để hiểu lần ra đi ấy của mẹ là vĩnh viễn và không có sự trở lại. Tôi muốn điện cho ba và mẹ Cả nhưng anh không cho, hãy cho anh đi thanh thản rồi báo sau, anh không muốn họ bận lòng về mình. Khi một đứa con cảm giác cô đơn trong gia đình thì đến lúc đi nó cũng chỉ muốn một mình. Khải bảo tôi hát cho anh nghe bài “Hàn Mặc Tử”. Tôi cất tiếng hát mà lòng đau nhói. Có lẽ đó là bài hát buồn nhất mà tôi từng biết. Giai điệu ngọt nhưng buồn tái tê, buồn đến nao lòng. Khải tỉ tê: - “Anh may mắn hơn Hàn, trước lúc đi xa luôn có em bên cạnh làm tất cả những gì anh muốn”.

Những từ mào đầu bài hát sao buồn đến thế, cô đơn thế! Tôi cất giọng lên. Những người trong phòng khóc theo tôi. Cũng buồn, cũng khóc, cũng mơ màng hát để Khải vui lòng nghe. Khải bảo thích nhất đoạn điệp khúc. Đấy là đoạn hay nhất và cũng buồn nhất. “Hàn Mặc Tử xuôi về quê cũ dấu thân nơi nhà hoang, Mộng Cầm hỡi thôi đừng thương tiếc tủi cho nhau mà thôi. Tình đã lỡ xin một câu hứa kiếp sau ta trọn đôi. Còn gì nữa thân này xin để một mình mình đơn côi…” Bài hát dứt thì tay Khải hạ xuống thành giường. Và anh đi xa. Những người bên cạnh cũng cất tiếng nấc. Nếu như ngày xưa Hàn chết trong cô đơn, bệnh tật giữa trại phong Quy Hòa không có người thân thì bây giờ Khải cũng cô đơn như Hàn dù cạnh Khải có tôi và vài người bệnh giường bên. Họ có gia đình, đông đủ và không cô đơn. Khải chỉ một mình. Bàn tay anh còn để trên thành giường, bàn chân thẳng giữa giường. Khuôn mặt xương xẩu khắc khổ. Tôi giơ tay đến mấy lần mới dám vuốt mắt cho anh. Mắt anh nhắm nhưng sao ám ảnh tôi đến thế.

Từ nay không còn “kẻ ngoài ngắm người trong trăng” - Như anh từng nói. Những câu nói khó hiểu. Những câu nói nửa vời làm người khác luôn phải suy nghĩ.


Đêm Sài Gòn chợt nắng chợt mưa. Chiếc ti vi bật cả buổi nhưng tôi không để ý dù từ ngày Khải mất, nó là bạn thân thiết nhất. Tôi muốn ra Huế thăm gia đình nhưng lại ngại trở về một mình và cũng lo lắng bởi những trách móc từ gia đình Khải. Hai người cùng đi, kẻ trước người sau. Mẹ tôi mấy lần điện vào bảo tôi về còn lo chuyện chồng con. Gần ba mươi tuổi nhưng tôi không còn nghĩ đến chuyện gia đình, tôi chỉ hay nghĩ đến Khải, nghĩ đến Hàn với tập thơ chép tay Khải đưa trước lúc đi xa. Mẹ tôi sẽ rất buồn bởi những quyết định kỳ quặc ấy, nhưng tôi ở quá xa để bà có thể thúc ép tôi làm những gì bà muốn. Tôi hay nghĩ về Hàn, nghĩ đến hình ảnh Khải trước lúc đi xa. Tôi muốn viết một kịch bản phim thật hay, thật cảm động về Hàn để làm yên lòng Khải, nhưng mấy lần cầm bút lên rồi hạ xuống. Giấy trắng rồi đen đặc chữ mà những gì muốn viết không thể hình thành. Tôi cảm thấy mình bất tài. Cảm thấy mình dư thừa ngay cả khi cần nhất mà không có ích.

Có lần ba Khải điện vào cho tôi. Ông muốn hỏi rõ hơn về Khải những ngày sắp đi xa. Tôi gửi cho ông cuốn nhật ký viết sau khi Khải mất. Hy vọng đọc xong ông sẽ hiểu Khải hơn và phần nào không trách móc tôi.

Đêm chuyển mình trong từng tích tắc. Chiếc đồng hồ tí tách trên tường. Tôi nhìn về phía nó chợt nhận ra ngay cả cái đồng hồ cũng có việc làm. Mình là một con người hẳn hoi, suốt ngày nằm dài chờ vận may, suốt ngày gửi những kịch bản dở hơi đi nơi nọ nơi kia với hy vọng được sử dụng. Nhưng tôi quên rằng những thông tin của Hàn đã được các nhà làm phim khai thác triệt để rồi. Tôi đi sau họ thì sự thành công làm sao mà có được. Những kịch bản tôi gửi đi đều không có hồi âm. Tôi ngồi ôm mớ bản thảo cho những kịch bản tiếp theo. Tôi sẽ viết một kịch bản hoàn hảo về Hàn, một kịch bản điện ảnh hẳn hoi, biết đâu tôi sẽ nổi tiếng, dù không bằng Hàn nhưng ít ra có chút danh tiếng khi người ta nhắc đến Hàn. Và tôi lại bắt tay vào, những trang giấy A4 bắt đầu nham nhở chữ mà chẳng rõ cái gì ra cái gì. Chán nản, tôi buông bút và ngồi thần mặt ra nhìn tập tài liệu Khải đưa cho tôi. Nó chẳng có gì khác cả. Vẫn những dòng chữ bình thường, vẫn những dòng chữ viết vội như sợ không đủ thời gian. Lại nghĩ ngợi.

Đang mơ màng với những suy nghĩ, trên ti vi hiện dòng chữ “Hàn Mặc Tử”, làm tôi bừng tỉnh. Phải rồi. Dạo này báo chí rất ca ngợi về bộ phim này. Đó là bộ phim khá hay về Hàn do Hãng phim truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện. Khải không còn để tận hưởng những thông điệp yêu thương của người đời sau dành cho Hàn - vị thi sĩ tài hoa bạc mệnh.

Trên vô tuyến, gió đưa những vần thơ bay bay trong gió chiều trên bãi biển. Trên bàn, tập thơ của Hàn sóng sánh trăng, mơ màng tôi thấy bức ảnh Hàn động đậy.

V.T.T
(256/6-10)





 

 

Các bài mới
Cây kem (13/07/2010)
Các bài đã đăng