Tạp chí Sông Hương - Số 258 (tháng 8)
Kỷ niệm của tôi và Tô Nhuận Vỹ với nhà thơ Thanh Hải
10:19 | 26/08/2010
VÕ MẠNH LẬPKỷ niệm 30 năm ngày mất nhà thơ Thanh Hải (1980 - 2010)
Kỷ niệm của tôi và Tô Nhuận Vỹ với nhà thơ Thanh Hải
Nhà thơ Thanh Hải - Ảnh: internet
Sau 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội, tôi, nhà thơ Thanh Hải, nhà văn Tô Nhuận Vỹ được điều động trở lại chiến trường lần thứ hai. Tôi và Tô Nhuận Vỹ đang ở vào những ngày cuối của trại viết văn Hội Nhà văn Nghi Tàm, Quảng Bá. Thanh Hải đang ở trung tâm điều dưỡng cán bộ trung cao cấp chính trị Gia Lâm. Ba chúng tôi được Ban tổ chức trung ương quyết định điều vào Khu ủy Trị Thiên để thành lập tờ tạp chí Văn nghệ Trị Thiên Huế.

Rời Hà Nội vào thời điểm chiến trường miền Nam, kể cả Trị Thiên giữa ta và địch đang giằng co chiến lược hình da báo. Hồi đó anh Thanh Hải và chị Thanh Tâm vừa mới cưới nhau chưa được bao lâu phải tạm biệt xa nhau. Ra đi trong người anh vẫn mang bệnh gan dai dẳng, chữa trị tối ưu trong, ngoài nước vẫn không hề thuyên giảm. Anh chia tay chị Tâm với nụ cười thanh thản, tin tưởng không bộc lộ sự băn khoăn bịn rịn nào cả. Vốn dĩ nhà thơ là người ít lời, cho dù nội tâm bộn bề, ngổn ngang trăm thứ nhưng bên ngoài vẫn đủng đỉnh, yên ắng.

Đoàn xe zin khơ màu thiên thanh, chất đầy hàng chi viện miền Nam đang xếp nối đuôi nhau thành hàng dài quanh khu vực Văn Miếu chờ chúng tôi. Ba chúng tôi được xếp ngồi vào ca-bin của ba tài xế dạn dày khói lửa chiến tranh. Đoàn xe đồng loạt nổ máy. Nhà văn Tô Nhuận Vỹ vẫn chưa can đảm bước lên xe. Anh và Phạm Thị Cúc, cô vợ cưới trước Thanh Hải hơn những hai ba năm xem ra vẫn còn xoắn xuýt bịn rịn, khó rời nhau như những đôi tình nhân trong mùa trăng mật. Tay trong tay, sát rạt vào nhau. Tình cảm da diết ấy có lẽ đã nối dài từ hình ảnh cô sinh viên Huế xinh xắn, son trẻ với chàng phóng viên báo Cờ giải phóng quân phục màu lính mạnh khỏe, đẹp trai choáng váng trong tiếng sét ái tình giữa chiến dịch Mậu Thân 1968 rồi bên nhau suốt thời gian chàng phóng viên bị thương trôi dạt về Phú Đa, Hương Thủy. Để rồi cô sinh viên Phạm Thị Cúc trở thành nhân vật chính theo cuộc hành trình dài xuyên suốt qua hàng ngàn trang viết trong ba tập tiểu thuyết Dòng sông phẳng lặng của nhà văn trẻ Tô Nhuận Vỹ. Trước cảnh tượng tuyệt vời của hai con người, nhà thơ Thanh Hải giơ cánh tay lên cao, vẫy gọi chiếc xe đi đầu: “Đợi cho một chút nữa”. Thanh Hải nhìn tôi cười với vẻ mặt thông cảm, độ lượng. Xe lăn bánh, Tô Nhuận Vỹ mới chịu bước lên ca-bin. Một tay anh vịn thành cửa xe, tay kia vẫy vẫy liên hồi trước hai cánh tay dài của chị Cúc chới với như hai cánh chim non đang tập bay trong bóng dáng gầy, cao, xa dần và khuất mờ vào trong những hàng cây bên bức tường dài Văn Miếu.

Đến rừng. Có lẽ hình ảnh đậm đà giờ phút tạm chia tay ấy như đang chập chờn trong không gian chật hẹp nên nhà văn nằm dài và không một chút giấu giếm: “Tội nghiệp cho Cúc quá!” Một nhà thơ và một nhà văn. Hai con người ra đi mà chưa gởi gắm lại một chút của quý nào cho hai người vợ nhưng tình cảm của hai con người biểu hiện hoàn toàn khác nhau.

Dọc đường Chín từ thị xã Đông Hà ngược lên, rẽ trái theo đường 14, đến Sa Trầm, nơi đóng quân của đội xe khu ủy, ba chúng tôi phải mang vác tư trang, tài liệu lội suối, băng rừng lần lượt ngang qua cơ quan bộ đội Biên phòng, Y tế, Bệnh viện, An ninh, trường Đảng, Dân vận và cuối cùng là cơ quan Ban tuyên huấn khu ủy Trị Thiên. Dỡ tháo đồ đạc trên người, thở phào. Mồ hôi ròng ròng ướt sũng. Có lẽ sức mạnh của cơ quan này là ngôn từ, tiếng nói thao thao, chân cò tay nhện nên xếp tít trong cùng, lội bộ, sái cả đôi giò hơn hai giờ liền mới tới nơi.

Phó ban Trần Hoàn, thủ trưởng, con người chính trị nhưng tâm hồn là một nhạc sĩ, nhà thơ nên ông sắp xếp cho ba chúng tôi một chỗ ở khá lý thú. Nhiều bộ môn phải dồn ghép lên các nhà phía trên đồi. Ngôi nhà chúng tôi ở cũng là tranh tre, lá rừng nhưng được tọa lạc cạnh bờ suối. Gần sát mép nước lại có một ghế tựa dài, bằng tre và gỗ được buộc chặt vào các gốc cây làm giá đỡ. Phía trên ghế tựa được che phủ một dàn cây dây leo phủ một màu xanh mát mắt. Thỉnh thoảng lại có những bầy chim nho nhỏ đủ màu sắc râm ran, ríu rít hòa trong tiếng suối róc rách xa xa. Lâu lâu lại phảng phất hương thơm của các loại hoa rừng cuốn theo những giây phút bầy chim cất tiếng liu riu. Sau những giờ viết lách thư giãn một chút sau những bữa cơm sáng, cơm trưa nếu đặt lưng vào ghế tựa để nhìn ngắm bầy chim chao cành chíp chíp hắt bóng dáng xuống dòng suối trong veo thì thú vị biết nhường nào. Giờ phút ấy cứ ngỡ như diễm phúc ngự quảng ở thiên đường, thần tiên của núi non.

Nắm được đường đi lối lại, nơi in ấn tờ tạp chí, nhà thơ Thanh Hải hăng hái “xung phong - xuất trận” thực tế A Lưới. Tô Nhuận Vỹ trực tòa soạn. Tôi về lại đường Chín, thực tế các chốt da báo dọc sông Thạch Hãn, Quảng Trị.

Tô Nhuận Vỹ viết đứng. Anh sáng tạo bàn viết bằng bốn thùng gỗ chồng lên nhau cao ngang khuỷu tay. Mỗi lần sáng tác anh lại nhìn ra bờ suối, ngắm ngược lên dàn cây trên ghế tựa để lấy cảm hứng. Thanh Hải thì xếp bằng viết ngồi trên sạp nằm.

Tòa soạn chúng tôi khách khứa lui tới nhiều. Có lần đoàn văn công Trị Thiên vui chân sà đến râm ran tiếng cười giọng hát của các cô nàng xinh đẹp. Họ nán lại khá lâu và trầm trồ khen nhà văn ăn nói có duyên, đẹp trai. Những cuộc giao lưu như vậy Thanh Hải chỉ ngồi cười, nghe và thỉnh thoảng ai đụng đến thì trả lời vài câu góp chuyện ngắn gọn.

Ôi chao! Sau lần gặp kỳ lạ đó nhà văn viết ngày, chong đèn dầu viết đêm như thể bắt nguồn cảm hứng bồng bềnh tuôn trào. Không biết từ lúc nào nhà thơ đọc lén được và hớn hở mách chuyện với tôi:

- Cha nội viết hay thiệt!

- Viết chi? Tôi hỏi.

- Hắn tả bầy chim thường lui tới trên giàn cây hay lắm!

- Đầu đề là chi?

- “Khoảng trời màu xanh”.

- Răng anh không lấy cớ ấy để thành thơ?

- Hắn nhanh hơn mình, tài thiệt!

Ôi chà chà! Một nhà thơ nổi tiếng mà nức nở khen một nhà văn có tài viết hay, liệu có ngược quy luật muôn thuở “văn mình vợ người” không? Thanh Hải chân chất là vậy. Từ đó tôi hồi tưởng cảnh Tô Nhuận Vỹ nồng nàn tiếp các cô nàng văn công, rồi nhiệt tình tiễn đưa một chặng dài dọc con suối sang quân khu.

Nhà văn viết loáy hoáy say sưa suốt ngày đêm tôi cứ ngỡ viết nối dài “Dòng sông phẳng lặng” từ duyên cớ hai cánh tay chới với như hai cánh chim non tập bay của Phạm Thị Cúc. Không ngờ đó là chuyện ni. Chuyện cô nàng văn công xao xuyến. Cô nàng ôm gọn chiếc áo len xanh của chàng vào ngực hóng chuyện để mãi bấy giờ vẫn còn hơi nóng chuyền sang. Từ đó mới nhận ra rằng nghệ sĩ luôn luôn tìm đến cái mới. Cái nghiệp đeo đẳng nhà văn éo le đến khó lường. Nếu không có như vậy thì đâu còn sáng tạo, đâu còn nổi danh tài hoa. Được cái này mất cái khác để rồi “oan gia” cái tội không chung thủy. Để rồi song hành nổi tiếng cả hai.

So với nhà văn, nhà thơ Thanh Hải ngược chiều trăm phần trăm. Nhà thơ lấy vợ muộn, chị Thanh Tâm cảm nhận chồng mình cũng trên hai khía cạnh nhưng lại là chính trị và nhà thơ.

Ở chung với nhau, mỗi lần đi về, Thanh Hải đều có quà cho chúng tôi và cất lời nhẹ nhàng: “Có khỏe không? Vỹ mô rồi?”

Một hôm, trời sang hè, rừng vẫn lạnh, Tô Nhuận Vỹ nằm lỳ không chịu dậy ăn sáng. Anh nằm đắp tấm ra trùm lên cả đầu. Thanh Hải vừa dỡ tấm ra vừa hốt hoảng: “Vỹ sốt rồi!” Hai ngày liền Vỹ bỏ cơm, cháo húp qua loa vài thìa. Thanh Hải xuống tận bếp bày vẽ cô cấp dưỡng tên là Hương cách thức nấu cháo, ruốc thịt băm, muối hầm nên bỏ riêng tùy thích lựa chọn của người bệnh. Chiều hôm sau Vỹ vẫn sốt, nhiệt kế cao vút. Thanh Hải lục túi cá nhân tìm thuốc. Anh còn điện thoại xin ý kiến tư vấn người thân ở bệnh viện cách điều trị. Anh đi lên, xuống nhà bếp với vẻ mặt băn khoăn lo lắng. Lúc này anh đã quên hẳn động tác đưa bàn tay xoa xoa ở vùng mép sườn dưới bên phải, vùng bệnh gan âm ỉ quấy rầy sự bình an của anh. Anh đề xuất sáng mai đi Quân khu.

- Chấm bài xong, vài ngày nữa mới có tạp chí! Tôi băn khoăn.

- Đi xin gà. Thanh Hải trả lời gọn lỏn.

- Nuôi à?

- Nấu cháo. Vỹ ăn ít quá!

Ban tuyên huấn không có nhà in. Chúng tôi in nhờ tạp chí ở nhà in Quân khu. Mọi chi phí cánh nhà báo quân khu Trị Thiên lo trọn gói. Hai chúng tôi thả những bước chân dài trên suối vừa nhắc lại cảnh các cô nàng văn công xinh đẹp chao liệng gót son trên dòng suối trong veo đang còn “hành quân” trên mặt bàn viết của Tô Nhuận Vỹ. Giá như các cô nàng lội suối cùng chúng tôi lần nữa để có dịp so sánh chất văn hoa có tài của Tô Nhuận Vỹ trong “Khoảng trời màu xanh” định vị khoảng này hay khoảng mô?

Bạn hữu báo Quân khu thấy nhà thơ Thanh Hải xuất hiện liền hồ hởi òa ra như thể lâu ngày mới gặp nhau. Họ bắt tay, quàng lưng, nhìn ngắm dung nhan như thể tìm kiếm, giãi bày thêm sự nổi tiếng của nhà thơ mà mọi người dân Việt Nam, một số bạn bè thế giới chiêm ngưỡng cái tên Thanh Hải lừng danh từ chiến tranh ác liệt ở miền Nam Việt Nam.

- Hai anh đi nhận tạp chí à?

- Tuần nữa mới có. Tôi trả lời.

- Vỹ sốt! Xin gà nấu cháo. Thanh Hải bộc bạch gọn lỏn.

Các nhà báo Quân khu: Huyền Dân, Vũ Thuộc, Vũ Huế, Nguyễn Trọng Bính, Bùi Kim... có vẻ bối rối khi nghe Tô Nhuận Vỹ ốm. Họ vặn hỏi cặn kẽ sốt cao không? Có thuốc gì uống chưa? Mới gặp còn khỏe mạnh sao ốm nhanh thế? Mọi người chia cụm ra vây bắt gà. Nguyễn Trọng Bính còn hăng hái chuẩn bị các loại thuốc đi cùng chúng tôi sang thăm Vỹ.

Gà hầm với gạo, tí muối, thêm chút bột ngọt thơm lừng, nóng hổi còn kèm theo vài quả ớt rừng chống đắng miệng cho người ốm. Ngon thế mà Vỹ chỉ nuốt nổi lưng bát và vài miếng thịt gà xé nhỏ. Thanh Hải nài nỉ hoài, Vỹ vẫn lắc đầu. Hớp vài ngụm nước lá rừng, Vỹ lại trùm chăn thở dốc. Thanh Hải bưng soong cháo xuống bếp nhờ nhà bếp cất đặt cẩn thận để ép Vỹ ăn thêm vào buổi chiều.

Năm hôm sau Vỹ mới cắt được cơn sốt. Thanh Hải và tôi lội suối sang Quân khu nhận tạp chí. Ba lô Thanh Hải cộm lên một cái thùng cộm trì nặng sau lưng.

- Chi rứa? Tôi hỏi.

- Xin thêm một thùng lương khô. Thanh Hải cười.

Thường xuyên buổi ăn sáng cơ quan chúng tôi mỗi người vỏn vẹn một bát cơm với muối hoặc nước ruốc pha loãng. Người ốm như Vỹ khó bề nuốt trôi. Thanh Hải giải thích là để cho Vỹ ăn sáng hoặc ăn dặm khi đói.

Rừng cũng lắm chuyện gian nan, khổ cực nhưng rừng cũng nhiều chuyện vui, chuyện đáng nhớ. Tô Nhuận Vỹ lại sốt, lại phải trở về hậu phương miền Bắc chữa bệnh. Gần năm sau Thanh Hải lại ôm bụng với bệnh gan tái phát tiếp tục ra Bắc chữa bệnh lần thứ hai.

Xa nhau cũng chẳng bao lâu, sau 1975 Thanh Hải, Tô Nhuận Vỹ và tôi lại tụ tập nhau cùng ngôi nhà văn nghệ Bình Trị Thiên 26 Lê Lợi - Huế.

Lại một câu chuyện nữa nhưng không phải là hai cánh tay yếu ớt chới với như hai cánh chim tập bay của Phạm Thị Cúc và cũng không phải chuyện lãng mạn của núi rừng râm ran, những gót son chao lượn trên mặt suối trong “khoảng trời màu xanh” mà manh nha cho một đầu đề “Áo trắng” hay “Ngoại ô” sắp diễn ra. Nhà văn Tô Nhuận Vỹ lại lăn lộn thực tế để tiếp tục thai nghén. Thế là tiếng đồn đại của những con người thiếu tiền, thừa miệng, tiếng vặn vẹo nổi cồn cơn ghen đã làm cho nhà văn nổi tiếng lại một phen nổi tiếng tiếp. Hồi đó nhà thơ Lương An làm bí thư chi bộ. Tôi làm phó. Có nhiều vị cấp trên một chút, vài đảng viên có tuổi đảng cao trong chi bộ đề xuất kiểm điểm, kỷ luật. Chúng tôi gặp khó khăn dồn ép nhiều phía. Nhà thơ Thanh Hải lại tỉnh bơ: “Có chuyện chi mà kiểm điểm. Có bắt được tay vày được cánh mô mà kỷ luật. Đang là chuyện đồn thổi, mà nếu có thì khuyên Vỹ khai là đã yêu; đằng sau yêu người ta mần chi kệ họ”. Có lần Thanh Hải nhỏ nhẹ như chỉ bộc lộ với tôi: “Hắn có tài, để cho hắn hót”. Bao nhiêu người xằng bậy trời sợ mà có “hót” được chi mo”. Tôi đồng cảm với Thanh Hải nhưng lắm lúc tự vấn tại sao Thanh Hải hiền lành đôn hậu, đâu có những cuộc tình mớm tài để “hót” thành thơ, để thành tên tuổi nổi cồn như vậy? Đó cũng là những bí ẩn dành riêng cho những nhà nghiên cứu phê bình văn chương.

Thế là mọi chuyện được dàn xếp yên ổn. Tác phẩm mới của nhà văn Tô Nhuận Vỹ ra đời trên văn đàn, trên phim ảnh.

Vào những ngày cuối năm 1980, nhà thơ Thanh Hải gần như đầu hàng với bệnh gan dai dẳng. Thân hình anh ốm o, đôi mắt to, sâu hoắm, thỉnh thoảng anh vẫn cố gượng cười như cố che giấu cơn đau cắn xé ở vùng gan triền miên không dứt. Đôi chân anh tê lạnh dần lên phía trên. Anh nhờ tôi nắn bóp thật mạnh vào hai bàn chân như muốn kéo dài sự sống hiếm hoi quý giá. Bên cạnh anh có chị Thanh Tâm, ba con trai còn nhỏ và nhiều bạn bè xa gần lui tới. Anh kéo tay tôi sát mặt anh: “Vỹ đi mô; thấy vắng? Có viết chi nữa không?”.

Tháng 12 năm 1980 nhà thơ Thanh Hải đã ra đi vĩnh viễn. Một nhà thơ, một con người chân chất, cả cuộc đời luôn luôn quan tâm đến người khác đặc biệt là người có tài nhưng ít khi anh mong muốn người khác phải quan tâm đến với mình. Quả là điều lạ!

V.M.L

(258/8-10)




Các bài mới
Sau ngày mai (24/09/2010)
Các bài đã đăng