Tạp chí Sông Hương - Số 259 (tháng 9)
Sự trở về tưởng tượng
08:24 | 15/10/2010
Atiq Rahimi sinh năm 1962 tại Afghanistan, nhưng đến sống ở Pháp vào năm 1984. Tại Pháp ông trở thành một nhà văn, nhà làm phim tài liệu và phim truyện nổi tiếng. Tiểu thuyết của ông “The Patience Stone - “Nhẫn thạch” được giải thưởng danh giá Prix Goncourt năm 2008. Phim dựa trên tiểu thuyết của ông “Earth and Ashes - Đất và Tro” được tuyển chọn chính thức tại liên hoan phim Cannes năm 2004 và được một số giải thưởng.
Sự trở về tưởng tượng
Nhà văn Atiq Rahimi - Ảnh: internet
Hiện ông đang biên tập lại một tiểu thuyết khác của ông “A Thousand Rooms of Dreams and Fear - Một ngàn căn phòng dành cho những Giấc Mơ và Sợ Hãi” để dựng thành phim. Từ 2001 Rahimi đã trở về Afghanistan để tổ chức một Nhà Sáng Tác ở thủ đô Kabul để giúp đỡ và đào tạo các nhà làm phim và nhà văn trẻ Afghanistan.
Ông sống tại Paris, Pháp.
Truyện ngắn dưới đây nguyên bản tiếng Pháp, được Edward Gauvin dịch sang Anh ngữ và tạp chí WordsWithoutBorders số tháng 4/2010 giới thiệu. Bản dịch tiếng Việt theo Edward Gauvin. “Sự trở về tưởng tượng” gắn với cảm hứng từ lưu đày và quê nhà với nghiệp văn chương. Mô típ “ra đi” và “trở về” , kiểu kể chuyện phân thân song trùng giữa người kể chuyện tôi và nhân vật, chất thơ trong ngôn ngữ tạo nên vẻ đẹp đặc biệt của thiên truyện trong việc phơi tả một khía cạnh của đất nước Afghanistan giữa áp bức, chiến tranh và giấc mơ hòa bình, tự do.



ATIQ RAHIMI


Sự trở về tưởng tượng


Năm 1984

Đêm. Đêm thứ chín. Đêm tịch lặng nhất, ngột ngạt nhất. Dưới màu trắng của tuyết, trong cái tăm tối của thời gian, tứ bề không thể nhận định được.

Đêm. Đêm thứ chín. Tay buôn lậu đã nói:

- Vào đêm thứ chín, mình sẽ vượt biên giới.

Bí mật, lặng thầm, chúng tôi đến gần biên giới. Tất cả những người tị nạn, đang rời đất mẹ. Mỗi người vì một người, một việc, một lời…

Đêm. Đêm thứ chín.

Chúng tôi đến vị trí cửa ngõ. Tay buôn lậu kêu lên:

- Dừng lại. Hãy nhìn lại. 

Mọi người dừng lại. Mọi người nhìn lại.

- Đây là cái nhìn quê hương lần cuối cùng.

Đất mẹ, dưới màu trắng của tuyết, trong cái tăm tối của thời gian, đã trở nên không thể nhìn thấy. Không có gì ngoài những bước chân của chúng tôi. Mọi người khóc. Chúng tôi chạy tới biên giới. 

Một người trong số chúng tôi bị chậm lại. Anh ta dừng lại. Anh là một người nhỏ con. Anh không có túi xách và đã luôn luôn đi chậm hơn, với nhiều khó khăn hơn những người khác. Người đàn ông ngồi dưới chân một tảng đá. Tôi đến giúp anh đứng dậy và chạy theo những người khác đến biên giới. Anh thản nhiên nói:

- Để đi tới đâu?

- Vượt biên giới!

- Để làm gì?

- Vậy sao anh còn đi tới đây?

- Vì chữ nghĩa. Tôi mang tất cả chữ nghĩa đi cùng tôi trong chuyến này, để mang chúng vượt qua biên giới.

Chữ nghĩa? Những chữ nghĩa gì? Tôi đang suy nghĩ thì người đàn ông đáp lại sự hoang mang của tôi.

- Đối với thơ ca, tôi giấu sự kinh hoàng và áp bức vô nghĩa trong chiều sâu của cái nhìn của tôi. Như bây giờ, khi người buôn lậu bảo chúng ta nhìn lại - chúng ta nhìn lại và khóc - từ ngữ rớt lại cùng nước mắt của tôi. Chúng chuồi trên đất. Chúng biến trong tuyết. Không có chúng, tôi sẽ là một người nước ngoài ở bất kỳ nơi đâu tôi đến, nước ngoài còn hơn những người nước ngoài.

Tôi trở lại chỗ người đàn ông đã khóc. Nước mắt của anh làm tan tuyết và mềm đất. Tôi bốc một nắm đất và trở lại với người đàn ông, anh ta cho tôi một nụ cười cay đắng. Anh nói:

- Từ ngữ có thể không còn bị chia rẽ với đất đai.

Anh tựa lưng vào tảng đá và ra hiệu anh muốn ở một mình. Nhưng tôi vẫn đứng trước anh, bất động. Người đàn ông vẫn cười. Nụ cười của anh lấn chiếm tôi. Tôi sắp bắt đầu chạy về phía biên giới thì anh nói:

- Tên tôi là Atiq.

- Atiq! Anh trùng tên với tôi hay là anh em sinh đôi của tôi?

- Không trùng tên mà cũng không sinh đôi. Anh chỉ mang tên tôi.

Tôi sợ. Tôi bỏ anh ta ở đó và bắt đầu chạy.

Vượt qua biên giới tôi thấy một dải đất phủ tuyết, trắng như một tờ giấy.

Không một dấu vết.

Không một từ ngữ.

Lề của nó lạc trong bóng tối của thời gian.


Năm 2002

Ngày. Ngày thứ tám mươi mốt.

Đất vẫn còn đông cứng. Đất rạn dưới những bước chân của chúng tôi.

Ngày. Ngày thứ tám mươi mốt từ khi Đội Quân của Bóng tối - quân Taliban - đã rút khỏi Kabul.

Và mỗi ngày, tôi đến phi trường để đón mừng những người trở lại quê hương.

Mỗi ngày, chờ đợi một người, một cái nhìn, một lời nói…

Ngày. Ngày thứ tám mươi mốt, thì anh ta xuống máy bay. Với vẻ buồn đau anh ta nhìn tất cả những khuôn mặt bất thường, buồn. Tôi đến bên anh.

- Mừng anh về, người anh em.

Một nụ cười run run trên môi anh. Cái nhìn tò mò của anh chìm trong những túm râu dày sợi đen sợi trắng của tôi, như thể đánh giá tôi. Tôi đỡ túi xách của anh:

- Nặng quá!

- Đó là đồ nghề nhiếp ảnh.

- Anh là nhà báo?

- Không. Còn anh?

- Tôi giúp đỡ các du khách có hành lý cồng kềnh.

Một chiếc xe trung chuyển nhỏ đến đón khách ở chân cầu thang và đưa họ vào ga. Mọi người lên xe. Người lái xe mở một bài ca của Ahmad Zahir.

Hãy đến xem, vườn hồng đang nở
Hãy đến xem, người tôi yêu đã đến.

Đó là một bài thơ của Mawlana và giọng của Ahmad Zahir quyện lấy tiếng thổn thức của người đàn bà bên cạnh tôi.

Thành phố sẽ đứng lên khi tiếng đồn lan rộng
Rằng con người điên đã bức xích xiềng một lần nữa.

Người khách của tôi, buồn hơn bao giờ hết, nhìn những tàn tích phi cơ hoen rỉ rải rác trên mặt đất chung quanh phi trường.

Xe trung chuyển dừng. Chúng tôi đang xuống xe thì người khách của tôi dừng ngay cửa xe, bị thu hút bởi câu gì đó viết trên kính chắn gió phía người tài xế.

Điều này rồi cũng sẽ trôi qua.

Tôi đọc lớn câu đó. Người khách rời những từ ngữ và quay lại tìm cái nhìn của tôi. Tôi tiếp tục:

- Ngày xưa có một ông vua. Một ngày nọ, vua ra lệnh cho một nghệ sĩ của vương triều sáng tạo một tác phẩm sẽ làm cho ngài vui khi ngài buồn và buồn khi ngài vui. Người nghệ sĩ làm một chiếc nhẫn trên đó có khắc những từ ngữ này.

Điều này rồi cũng sẽ trôi qua.

Chúng tôi rời xe trung chuyển.

Bối rối hơn bao giờ hết, người khách đăm đăm nhìn tôi tìm một manh mối. Tôi tiếp tục:

- Câu này đã đi cùng chúng ta suốt hai mươi ba năm chiến tranh. Niềm vui và nỗi buồn của chúng ta cùng nó đã còn lại.

Chúng tôi đến trạm hải quan. Người khách lấy sổ thông hành ra đưa cho người phụ trách, anh ta hỏi:

- Tên?

- Atiq.

- Quốc tịch?

- Pháp.

Anh ta cho tôi một nụ cười cay đắng. Tôi nói nhỏ vào tai anh:

- Tên tôi cũng là Atiq.

Khuôn mặt thất sắc của anh ta chợt sáng lên. Anh sắp nói điều gì đó, nhưng tôi chận lại:

- Không, anh không trùng tên mà cũng không là anh em sinh đôi của tôi. Anh chỉ mang tên tôi, người ra đi để bị lạc ở bên kia biên giới, trên lề của thời gian.

VÕ HOÀNG MINH dịch
(Imaginary Return)

(259/9-10)






Các bài mới
Các bài đã đăng
Hoa mặt trời (30/09/2010)