Tôi thường hay tưởng tượng, rồi vẽ viền theo. Lần này, dấu tay là khuôn mặt thiếu nữ. Chỉ nói sao giống Vy. Tường Vy, người con gái nhỏ nhắn, hiền lành ở phía trên chùa Từ Đàm, sau này thành vợ Chỉ, cho đến nay, có ba người con trai đã trưởng thành. Chúng tôi thân với nhau từ đó. Thỉnh thoảng tôi về thăm Bửu Chỉ ở Vỹ Dạ. Chỉ ở phòng sau, bên trái, ngôi biệt thự kiến trúc kiểu Pháp nằm giữa khu vườn rộng, phía sau là bờ sông Hương, của cha mẹ (thân phụ Chỉ là cụ Ưng Thuyên, cháu nội Tuy Lý Vương, cùng với Tùng Thiện Vương nổi tiếng là thi bá trong hoàng tộc Huế. Ba Chỉ cũng vẽ tài tử, tranh không thua kém những họa sĩ trường ốc mỹ thuật, mẹ Chỉ là người đã từng dịch truyện Kiều ra Pháp văn, thương nhất Chỉ vì là con út). Thời gian đầu tiên, Chỉ nghiên cứu nhiều về hội họa qua sách báo Tây Phương. Tôi còn nhớ, trên cánh cửa phòng, Chỉ cắt dán những tranh in của Cézanne vẽ tĩnh vật, người, lấy từ báo Paris Match... Tôi vẫn nghĩ, về căn bản màu dầu, Chỉ đã suy nghiệm từ ông tổ của hội họa hiện đại Châu Âu này. Với những gam màu xám, vàng đất chắc nịch, cả những touches màu choàng lên nhau trên toile... Bửu Chỉ đã đến và ở lại với hội họa bằng ý thức và một sự chọn lựa rõ rệt. Lúc đó, Chỉ đã tốt nghiệp đại học luật khoa Huế (1971). Giai đoạn này là thời điểm phong trào chống chiến tranh lên cao, để tiến đến hiệp định Paris. Và ngay sau hiệp định ký kết, năm 1973, chúng tôi đau đớn mất một người bạn - nhà thơ Ngô Kha. Bửu Chỉ đã vẽ “Nhà Thơ Nằm Chết, Trái Tim Trổ Bông” thật là bi thiết. Sang Pháp, Chỉ đã vẽ lại bức ấy giữa đêm Tết dương lịch 1989, và một số tranh khác hoài niệm Ngô Kha.
Với chiếc mũ bê rê đội nghiêng như Ché Guevara, áo ka ki màu xanh rêu, dáng gầy nhỏ, giọng nói sang sảng, Bửu Chỉ là khuôn mặt actif trong những ngày xuống đường, những đêm không ngủ của sinh viên Huế ở Tổng Hội. Những bức tranh nhỏ mực đen, bút sắt của Chỉ đã gây xúc động và ấn tượng, như lời nói cuả Chỉ: “Khi bạo lực còn tồn tại thì đấu tranh chống bạo lực vẫn còn tiếp diễn.” Năm 1972, Bửu Chỉ bị chính quyền Sài Gòn bắt giam cùng với nhiều sinh viên tranh đấu khác. Nhưng chính thời gian trong tù, thời ở Khám Chí Hòa, 1973-1974, là thời sung mãn nhất cho những bức vẽ bút sắt của Chỉ. Đã gây một không khí lan rộng ra nước ngoài (anh vừa sưu tầm lại một số làm thành tập Mặt Trời Tự Do). Đến ngày 30/4/1975 Bửu Chỉ mới từ lục tỉnh về Sài Gòn. Anh được ra khỏi tù từ ngày đáng ghi nhớ ấy. Thời gian sau 75 Chỉ vẽ nhiều tranh sơn dầu, một số vẽ trên bố gai bao tải. Và tôi bị ám ảnh ngay bởi những tĩnh vật Ly Cà Phê. Chỉ đã tạo được cho mình một ngôn ngữ nghệ thuật, hay nói như Picasso: “nghệ thuật là ngôn ngữ của các tín hiệu.” Ly cà phê, một hay nhiều ly, với bố cục lạ, đơn giản, có ly bị ngã đổ... cà phê loang ra như máu đọng. Có phải đó là thời gian mà chúng ta thường ngồi bên quán cóc lề đường, cùng trầm ngâm về những đổi thay, thăng trầm của cuộc sống. Những năm tháng khó khăn sau khi Huế giải phóng, thời Bửu Chỉ, Trịnh Công Sơn bên Hội văn nghệ Bình Trị Thiên, tôi ở trường Cao Đẳng Mỹ Thuật. Thời của “Nhà máy không khói” (Bửu Chỉ vẽ bìa tạp chí Văn nghệ Bình Trị Thiên, số 1, năm 1976, bị đem ra mổ xẻ, phê bình: vẽ nhà máy vôi Long Thọ mà không có khói, ám chỉ nhà máy của xã hội chủ nghĩa?). Chúng tôi phải cam chịu sự thô bạo về những cái nhìn nghệ thuật như vậy... Cho đến hơn mười năm sau, không khí mới cởi mở hơn. Từ những bức xúc, Bửu Chỉ bắt đầu lên tiếng: “... Khởi đi từ nhận thức rằng: nghệ thuật chỉ có trong tự do, nên làm nghệ thuật đó là công việc của cá thể. Vì vậy đòi hỏi sự trung thực và dũng cảm ở người sáng tạo... Người ta hay đặt vấn đề làm thế nào để có đỉnh cao nghệ thuật. Theo tôi nghĩ, thì hãy sống hết mình và làm việc hết mình. Trong một phút xuất hứng, xuất thần nào đó sẽ đạt đến đỉnh cao. Đừng bao giờ tự đặt trước mình những đỉnh cao trừu tượng để rồi leo trèo một cách mệt mỏi. Nhưng trong bất kỳ tình huống nào, hoàn cảnh nào, muốn làm nghệ thuật thật sự thì phải bằng chính mình đến với cuộc đời.” (Bửu Chỉ: “Bằng chính tôi, tôi đến với cuộc đời”, Tạp chí Sông Hương, xuân Mậu Thìn, 1988).
Bửu Chỉ luôn tìm những tín hiệu mới cho tranh, đó là thời gian và phận người. Những mặt nạ đầy kịch tính, em bé xiếc trên lưng ngựa với những màu sắc dân gian của Huế. Đặc biệt là cái mặt đồng hồ tròn trên tranh của Chỉ, con số bằng chữ La Mã, kim dài, kim ngắn... mà sao như gợi lại cái không gian, thời gian nào đầy ẩn mật. Cũng siêu thực nhưng không lạnh lùng như chiếc đồng hồ trên lưng ngựa của Dali, mà đôi khi là thông điệp của hy vọng: “Vì trái tim như một quả đồng hồ treo Em nhớ mỗi ngày lên giây Sự sống đã bắt đầu từ đó...” (Ngô Kha) Có khi là kim chỉ giờ khi nhà văn Nguyễn Tuân qua đời, thời điểm rất ít người đứng bên thi hài Nguyễn Tuân, Bửu Chỉ đã có mặt và ghi lại những xúc động... Chỉ nhớ không, có lần chúng ta đã cùng ngồi trên chiếc cyclo thật thấp đi giữa phố phường Hà Nội, về tận Ô Chợ Dừa thăm Thái Bá Vân... Anh ấy cũng không còn nữa.
Không gian tranh Bửu Chỉ thường là khoảng không xám sậm và đôi vầng nhật nguyệt. Nhân vật là hình người gầy trơ xương, một thứ tượng đồng của Alberto Giacometti, mang tính bi thảm, như chực rơi xuống vực thẳm. Mà vực thẳm trong tranh Bửu Chỉ cũng chính là hy vọng hạnh phúc. Bởi những loé sáng bất ngờ ở cạnh dưới cùng bức tranh giữa cái không gian mù tăm đó. Và chính bởi hành trình của nghệ thuật mà Bửu Chỉ đã già dặn, chín muồi. Bửu Chỉ ít vẽ phong cảnh, nhưng bức Chỉ vẽ những cây platanes với chiếc cầu trắng bắc ngang dòng sông Loiret, từ nhà Đặng Tiến ở Orléans nhìn ra, vào mùa đông năm 1989 là một bức phong cảnh tuyệt đẹp. Chỉ đã ghi sổ tay câu của Tagore: “... hôm nay một con chim đã vạch cho tôi con đường, dẫn tôi ra khỏi khu rừng đến những bến bờ của đại dương niềm vui...Bỗng nhiên tấm lòng tôi rộng mở.” Thật vậy, những bức tranh Chỉ vẽ năm 1989 khi qua Paris sáng tác và triển lãm là những bức thật phóng khoáng...
Kỷ niệm đáng ghi nhớ nhất của chúng tôi là cuộc chơi của ba người bạn bước vào thế kỷ 21: Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ và tôi bày tranh chung tại gallery Tự Do, Sài Gòn (từ 20.8 đến 7.9.2000). Bảy tháng sau đó thì Sơn mất. Không còn gì buồn bã hơn, đau đớn hơn cho chúng tôi. Chỉ và tôi đã chia sẻ trước sự mất mát, mà sao như cứ còn quanh đây khuôn mặt của Sơn, tiếng nói cười của Sơn... cho đến tận bây giờ. Bửu Chỉ nghiên cứu nhiều về Phật giáo, trao đổi cùng tôi bao điều hay của Phật. Chỉ còn tặng tôi tượng Phật nhỏ bằng ngọc xanh, đeo vào cổ như một kỷ niệm quý và thấy yên lành, như được chở che...Chúng tôi luôn tin vào đời sống tâm linh. Đó cũng là mạch nguồn của sáng tạo nghệ thuật.
Dấu tay lấm màu rất nhẹ của Bửu Chỉ tôi giữ trên ba mươi năm vẫn không phai mờ, dấu tay mà thời gian cho thấy người bạn tài hoa và chân thật. Một tâm hồn lãng mạn, nhân bản. Đã tự khẳng định mình trên con đường chông gai của nghệ thuật, Bửu Chỉ là một tên tuổi của hội họa hiện đại Việt Nam. Là một giọt máu Việt Nam, và trong một chừng mực nào đó - cũng như Trịnh Công Sơn - Bửu Chỉ là giọt máu của Huế (mượn chữ Cao Huy Thuần). Bửu Chỉ còn dồi dào sức lực cho những thể nghiệm mới trên những tác phẩm hội họa. Có khi nào Nhật, Nguyệt đổi ngôi. (SDB 10-2010) |