Trong khi đó, lối tư duy ẩn dụ tràn ngập trong sáng tác văn chương khắp Đông và Tây phương suốt thời kỳ Trung- Cận đại, từ Kinh thi… (được xem là sáng tác dân gian?) cho đến Phaust (J. W. Von Goethe) vĩ đại hay Thần Ca… (Danté Alighieri) đều ít nhiều vay mượn cái nhìn ước lệ từ những giá trị khuôn mẫu, hoặc của tôn giáo linh ảo, hoặc của tri thức phong kiến. Hành trình thoát khỏi những giới định về nhận thức của thi ca, để trở về với thế giới vô hạn những bí mật của tâm trí con người cũng như sự kiến tạo một ngoại cảnh, một thực tại không hề bị ngăn cản bởi những ranh giới vật chất sẵn có, cũng đồng thời là con đường tìm đến ngôn ngữ thi ca hiện đại và đương đại. Từ lối sáng tác siêu thực, tượng trưng cho đến sự “ly khai” của ngôn ngữ hậu - hiện đại, lối viết huyền ảo hay tân - cổ điển, tất cả là những vũ khí của nhà thơ đương thời để chống lại sự sáo mòn, hạn hẹp, chống lại cách thức ước lệ biến toàn thể thế giới thành một hình ảnh ẩn dụ lớn. Với các nhà thơ Việt, từ thế hệ sau tiền chiến đến thế hệ sau này đã có những nỗ lực đột biến về ngôn ngữ thi ca hiện đại và đương đại. Tất cả là một hành trình vô cùng khó nhọc đau thương nhưng đầy niềm vui sáng tạo để thoát khỏi những ảo tưởng hạn hẹp của cá nhân, của thời cuộc, đi tới chân trời khám phá. Theo dấu chân những người trước tiên làm mới ngôn ngữ thi ca bắt đầu từ thời kỳ sau tiền chiến, Khánh Phương muốn tìm lại những biến đổi về thi pháp và cố gắng chỉ ra ảnh hưởng của những biến đổi ấy trong dòng chảy thơ ca tiếng Việt nói chung. Sông Hương giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài phê bình tiểu luận về những nhà thơ có đóng góp quan trọng trong hành trình xóa bỏ ẩn dụ trong tư duy thi ca Việt thế kỷ XX. Khởi đầu là cái nhìn từ hiện tượng thơ Lưu Quang Vũ. TỪ HIỆN TƯỢNG LƯU QUANG VŨ Lưu Quang Vũ là trường hợp đặc biệt, khi những chuyển dịch trong sáng tạo ngôn ngữ thơ của ông đến từ biến chuyển tự nhiên của tâm thức, chứ ít có liên quan trực tiếp đến những ảnh hưởng từ sách vở**. Tiếp sau thế hệ vàng, Trần Dần, Quang Dũng, Hữu Loan, Hoàng Cầm, Đặng Đình Hưng, Văn Cao… với những cách tân âm thầm, nhẫn nại xói mòn thứ cảm thức chiếu lệ và kiểu ngôn từ sáo rỗng, áp đặt cùng thời, Lưu Quang Vũ là nhà thơ duy nhất của miền Bắc tự tìm đến những phạm vi hiện thực khác biệt sâu sắc của thơ ca, làm phát lộ những đường biên mới mẻ trong con người sáng tạo, và bước đầu khơi mở một dòng ngôn ngữ vừa mang tính siêu thực - tượng trưng, vừa tiềm ẩn những lối phá vỡ kiểu trữ tình truyền thống, đạt tới lối biểu tượng hiện đại và đương đại. Xét trên toàn bộ văn bản thơ, mật độ dùng lại những ẩn dụ truyền thống của Lưu Quang Vũ khá nhiều, liên tục và rộng khắp. Tuy nhiên, ngay cả trong những lối dùng ẩn dụ này, cũng đã hình thành một trường giao tiếp ngôn từ đặc biệt, mà chúng ta sẽ trở lại ý tưởng này sau đây. Những biến chuyển quan trọng nhất của ngôn ngữ thơ Lưu Quang Vũ tập trung ở thời kỳ sáng tác 1970 - 1975, và đó là phạm vi khảo sát căn bản của bài viết này. * Bi kịch của Lưu Quang Vũ, trên góc độ con người lịch sử, là bi kịch của lý tưởng làm người bị bội phản và xúc phạm. Tuy nhiên, điều chúng ta quan tâm hơn là con người sáng tạo của ông, chi phối mọi nhân cách khác. Lưu Quang Vũ viết thơ xuất phát từ tư duy lý tưởng hóa, nhưng không có gì liên quan đến những hình mẫu áp đặt duy lý. Lý tưởng hoá của ông gần gụi với bản năng tôn giáo, xuất phát từ nhu cầu nội tại, là sự hòa nhập trong sáng của kính ngưỡng và ham muốn, vừa kiếm tìm vừa chiếm hữu, vừa từ bỏ vừa khao khát. Đêm tối đen chiều hoang buồn tủi/ người đàn bà ấy đến bên tôi/ mắt mênh mông lặng lẽ ngón tay gầy/ giọt mưa lạnh chảy dài trên má/ ngọn đèn vàng ô kính vỡ/ con ngựa gầy phiêu bạt thảo nguyên xa/ Tôi lớn lên trong ngọn gió nhà ga/ ngọn gió dữ của rừng già khắc nghiệt/ bao giấc mộng gió đuổi về dĩ vãng/ chỉ thổi bùng nỗi nhớ về em/ bao lưỡi lê đỏ sẫm máu hoàng hôn/ tường gạch đổ bao tờ lịch nát/ tôi bôi xóa rất nhiều thề ước đẹp/ riêng với em tôi chẳng phản bao giờ/ Người đàn bà chơ vơ/ đi vòng quanh chiếc đĩa hát khổng lồ/ trong bản nhạc đợi chờ của Grich/ gương mặt đẹp chập chờn sau lọ mực/ khi âm thầm tôi viết những dòng thơ… Điều dễ hiểu là lý tưởng làm người của Lưu Quang Vũ xuất phát từ sự lý tưởng hoá sáng tạo này, trở thành một phần sống động, không thể thiếu, trở lại lay động và thôi thúc con người sáng tạo. “Đạo đức” với Lưu Quang Vũ là sự thuần khiết của lý tưởng, là dâng hiến, nó là vấn đề của tâm hồn chứ không liên quan đến giáo lý. Chính vì thế, chưa bao giờ ông thoả hiệp*** và cũng chưa bao giờ có tiếng nói đạo đức chung với môi trường bên ngoài. Thơ Lưu Quang Vũ tráng lệ bởi thẩm mỹ lý tưởng: Những ban mai xanh biếc tiếng đàn bầu Nhưng điều quan trọng nhất là không còn một dấu vết nào của thế giới luận lý, của lối hình dung mang tính luận lý. Dòng thơ trữ tình Việt truyền thống vốn là một kiểu biến tướng qua lại giữa cảm xúc và logic luận lý, nên chưa bao giờ đi được tới những lãnh địa xa xôi của tâm thức, chưa vỡ vạc những dòng chảy hình ảnh lạ lùng, cảm hứng luôn bị bó hẹp trong những mô thức trữ tình đã mòn mỏi, xơ xác, kể cả với những tên tuổi Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên thời kỳ Thơ Mới****. Chỉ riêng đặc điểm kể trên đã đủ để xếp Lưu Quang Vũ là một trong những nhà cách tân hiện đại và đương đại sớm nhất của thơ miền Bắc. Dòng thơ miền Bắc đương thời, tiếp nối truyền thống “thi dĩ ngôn chí” cổ văn, thừa kế rất ít những biến chuyển tư duy của Thơ Mới, coi lãnh vực đạo đức xã hội và quan hệ giữa con người là nội dung hiện thực cơ bản*****. Trong khi đó Lưu Quang Vũ, bằng tâm hồn nhạy cảm mãnh liệt đã tạo ra một thế giới thơ gây chấn động, với xáo trộn, dằn vặt, âu lo, run rẩy, sợ hãi, khao khát, mặc dầu chưa tới mức cuồng nộ, nhưng là sự vượt thoát khỏi trạng thái cân bằng tâm lý và cảm xúc thông thường. Chính sự dao động khỏi cái ổn định mà nhận thức thông thường bị khép vào, bị buộc thừa nhận như kiểu bản thể phổ biến trong trật tự trì trệ; hé lộ cái nhìn về phần bất an, nghịch dị, nổi loạn và phóng túng trong bản chất thiên phú của con người, mà thơ Lưu Quang Vũ trở nên hấp dẫn, quyến rũ với người đọc tại nhiều thời điểm. Ham muốn thuần khiết, sự đổ vỡ của con người đạo đức, nỗi đau đớn âm thầm là những động lực chính yếu mạnh mẽ nhất thúc đẩy Lưu Quang Vũ xóa bỏ cái thực tại vật chất, cái gọi là “hiện tại” với số đông, phiêu dạt và hành hương tới những ranh giới của tiềm thức và vô thức, hút lấy cái vô biên kỳ diệu của những biểu tượng nguyên khối, và trở về trong lối biểu đạt thơ mới mẻ. Cũng chính nỗi dằn vặt thường xuyên của một tâm hồn chỉ được nương nhờ vào sự mênh mông và khao khát, tự ý thức của riêng nó, đã dẫn ông tới những cửa ngõ vô biên. Tâm hồn anh dằn vặt cuộc đời anh/ Thắp một ngọn đèn hồng như ánh lửa Cho đến thời điểm hiện tại, ít có nhà thơ Việt nào, dù đạt tới những đổi mới đáng nể về ngôn ngữ, thi pháp, có được một trực cảm mãnh liệt, phá huỷ, và nội tâm huyền ảo như Lưu Quang Vũ. * Cho đến thời đại Thơ Mới, những yếu tố siêu thực - tượng trưng đã xuất hiện khá rõ nét trong tư duy thơ của Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Vũ Hoàng Chương… nhưng chưa đảo lộn được nền móng ngôn ngữ cổ điển. Tương quan trung tâm của con người trong phối cảnh với thế giới khách thể, nhất là với các hình ảnh thiên nhiên, cho phép tạo ra những ẩn dụ tương đồng, một chiều, như “lệ liễu”, “nét thu”, “áo mơ phai”, “màu quan tái”, “bến nước, con đò”, “vầng trăng sẻ nửa”, “gió mây”, “bóng chim tăm cá”, “bầu rượu túi thơ”, “dặm trường”, “sóng lòng”, “hoa tường liễu ngõ”, “đài gương dấu bèo”, “con cá lá rau”… Lối ẩn dụ tương đồng này trói chặt cảm thức thi ca trong khuôn mẫu tương tác “tức cảnh sinh tình” và “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, thế giới khách thể mãi mãi là đối tượng tham chiếu một cách buồn tẻ với nội tâm con người, trong những vui buồn kiểu cảm thán, là hệ quả trực tiếp của sự kiện vật thể trong đời sống (ví dụ, đói nghèo hay chiến tranh, hay bất mãn với văn minh vật chất…). Lặn sâu vào những giấc mơ của tiềm thức, hay tìm đến mối tương hợp của các cảm giác, làm hiển hiện thế giới trước hết ở những hình ảnh giấc mơ hay cảm giác dịch chuyển, là một cách xóa bỏ ẩn dụ đơn nhất, xóa bỏ mối tương quan đối ảnh chán ngấy giữa con người và thế giới bên ngoài, đồng thời làm hiện hình một thế giới mà hình bóng, cảm giác từ “cái bên ngoài” đang chuyển hóa thành “cái bên trong”, thành nội tâm sâu, cao, rộng thăm thẳm của con người. Tư duy siêu thực - tượng trưng làm nhòe những vùng đơn nghĩa của ngôn từ và hình ảnh, tạo ra những trường nghĩa, trường biểu cảm mạnh mẽ, lay động. Khách thể hóa, hay thơ khách thể, cực đoan và ở cấp độ cao nhất, xóa bỏ ẩn dụ đơn nghĩa. Không còn dấu vết của đối ảnh hay sự chuyển hóa giữa “bên ngoài” - “ bên trong”, mà cái khách quan không kịp lý giải, không qua “nhận thức”, tràn vào xâm lấn chủ thể; chủ thể trữ tình theo cách gọi quen thuộc, biến thành cái liên - chủ thể, bao gồm nhiều thực tại, nhiều mối tương tác mà kinh nghiệm cá thể cũng như hoạt động tinh thần đơn lẻ của một con người (cảm xúc, trực giác, lý tính) không thể thâu tóm, định hình và trao cho các thực tại ấy một bản sắc đơn nhất. Thơ khách quan triệt để xóa bỏ “con đường vòng” ẩn dụ, đẩy ngôn ngữ thơ trở về hình thái biểu tượng ban đầu vốn tràn đầy của nó, nén chặt trong nội hàm các cấp độ thông tin khác nhau. Thơ Lưu Quang Vũ xuất hiện cả hai yếu tố siêu thực - tượng trưng và khách thể hóa một cách dễ nhận biết, đậm đặc. … Những ban mai xanh biếc tiếng đàn bầu Bà hiền hậu têm trầu bên chõng nước Em đi gặt trên cánh đồng cổ tích Lúa bàng hoàng chín rực cả triền sông… Hay: Chúng ta ăn một quả dưa vàng vào lúc mười hai giờ trưa mùa hạ nắng nở bàng hoàng hoa tím khắp đường đi… …Em tới làm gì có phải đúng em không Cảng đã thêm những con tàu mới những manh buồm con còng gió đã về với biển hàng dương xanh lóa mắt chiếc dù mở đến mênh mông màu da nâu lấp loáng không trung vầng trán bàng hoàng xa thẳm… Dòng chảy tâm thức khái hoạt xô vỡ hoàn toàn những đập chắn của trật tự vật lý và quan sát lý tính, từ không gian, sự vật, màu sắc, đường nét, hương vị, để câu thơ trở thành cảm giác và giấc mơ thuần túy. Sự đảo lộn cảm giác về không gian là một trong những yếu tố quan trọng để sắp đặt kiểu ngôn ngữ siêu thực - tượng trưng cũng như ngôn ngữ biểu tượng trong thơ Lưu Quang Vũ. Không còn cảm giác của con người đứng trên mặt đất nhìn không gian cao hơn đang mở ra, mà là con người hiện hữu ở những độ cao khác nhau, thu hết mênh mông từ nhiều chiều Sao em chẳng cùng anh ra cửa biển Mùa thu cao mây trắng xóa mênh mông Những hình dung từ, trạng từ thông thường, trong không gian thơ Lưu Quang Vũ trở thành những kết hợp đa hướng, miêu tả đồng thời tâm thức và cảm giác “ngoại giới”, mà quan trọng hơn là tạo thành một trường - cảm giác trung gian, ở đó cái “bên ngoài” và “ bên trong” cùng chia sẻ, cùng trở thành kiểu chủ thể đa dạng thức. Cảm giác không gian của Lưu Quang Vũ, ngoại trừ với những bài thơ “phóng sự”, “ghi vội” năm 1972, và một vài trường hợp đặc biệt, cũng hạn chế tối đa miêu tả âm thanh, tiếng động, những bài còn lại gần như hoàn toàn triệt tiêu mô tả tiếng động bên ngoài cũng như cảm giác về tiếng động đó. Chỉ tồn tại âm nhạc của nội tâm vừa xô đẩy dồn nén, vừa mênh mông, mỗi lúc thêm trùng điệp, tỏa ra vô tận nhờ sự cắt đứt với âm thanh bên ngoài. Nhịp thơ Lưu Quang Vũ chưa hoàn toàn thoát khỏi vần điệu, nhưng một phần nhờ vần điệu, lại bao hàm cung cách tự do vô tận, nén chặt nội tâm, một thứ âm nhạc vô biên, “nhạc trắng” (như cách nói của A. Baricco). Gắn liền với yếu tố không gian, lối xây dựng hình ảnh trong thơ Lưu Quang Vũ mang những đột biến về tư duy, mà phía sau nó chính là sự bí ẩn của dòng biểu tượng mà chúng ta đang quan tâm. Sự chiếm lĩnh của những yếu tố khách thể “bất tri” vào dòng tâm thức diễn ra trên nhiều cấp độ. Yếu tố tự sự, như một cách phá vỡ dòng trữ tình cảm thán quen thuộc của thơ Việt, tràn vào thơ Lưu Quang Vũ không phải như một thực hành cố ý, mà giống như trạng thái “quá tải” của tâm thức Nửa đêm tới thành phố lạ gặp mưa những vòm cây cao và tối chúng ta đã gặp nhau chúng ta đã tới đây tất cả điều này có vẻ gì không thực đến bây giờ anh vẫn còn kinh ngạc Em con tàu về cảng mưa đêm ngã tư ngô đồng rụng lá con sông mờ thân cầu đổ dãy nhà hoang ống khói âm thầm Hay: Anh lên xứ Đoài xưa/ Ba Vì mây trắng/ nhớ mặt em gầy sau lá mưa/ Lênh đênh bến nước Trung Hà/ những chị buôn chè ngủ hè phố cũ/ con bò gầy đói cỏ/ đi trên đồng mê man/ Những pho tượng gỗ chùa Phùng/ thiêm thiếp dưới tầng lá mục/ còm cõi bà già chợ huyện/ khóc thời con gái thuốc lào say/ ông tiến sĩ giấy ngồi chắp tay/ ham rượu nên vua bỏ/ hia rách áo hồng ủ rũ/ Em mua về cho anh khuôn tượng dân gian/ anh treo lên tường/ nhìn mà thương em/ thắp một tuần nhang/ lau lại bức sơn dầu lấm bụi/ cô Kiều đàn nguyệt tặng chàng Kim/ Người họa sĩ nay giả điên/ mặc áo mưa đi lang thang/ giấy vụn lông chim dính đầy tóc bạc/ Tranh đẹp chẳng ai mua/ căn gác xép gió lùa/ họa sĩ già nằm dưới pho tượng cổ/ nghe trong đầu sóng vỗ/ tiếng trẻ con thì thào/ bàng hoàng thức dậy/ ôm phích nước hát nghêu ngao/ “người đẹp trong tranh chẳng có đâu/ mong gì kỳ ngộ”/ Em đừng thương anh nữa/ anh đi lủi thủi trên đường/ đánh mất lòng tin/ tìm về bếp lửa/ xem trẻ mục đồng múa trong tượng gỗ/ những đôi vợ chồng cởi áo cho nhau/ Bài thơ không đề/ chép trên giấy bản/ em cần gì giếng lạnh/ tâm hồn anh cô quạnh dưới lòng sâu/ Ngẩng lên biền biệt mây cao/ cuộc đời thăm thẳm/ tình anh như cỏ lau/ tìm nhau trên đất vắng/ nơi ấy em về mưa sẽ tạnh/ hoa cúc vàng nở trên cánh tay Câu thơ được lược bỏ hầu hết các tính từ, từ cảm thán, thay thế bằng những hình dung từ đa hướng, gia tăng các yếu tố thông báo, những chi tiết tự sự tỉ mỉ, tưởng như có thể kể lại theo lối văn xuôi, hoặc làm thành những sence, trường đoạn liền mạch trong điện ảnh, với đủ cả cận, trung, viễn, toàn cảnh, traveling, lia, chúc, hất… Ở đây có thể nghĩ tới khả năng tái tạo hình ảnh rất mạnh của tưởng tượng hồi tưởng Lưu Quang Vũ, nhưng cũng có thể cả quyết hơn, hay mạo hiểm hơn, đặt vấn đề điểm nhìn khách quan (như của máy quay phim) tự quan sát những gì xảy ra bên ngoài bản thân, nhưng lại bao gồm cả chính mình tham gia, như một nhân vật trong “phim”. (Nó tương tự câu chuyện xảy ra trong giấc mơ, nhưng khác ở chỗ người nằm mộng tách ra, quan sát câu chuyện của giấc mơ, chứ không phải đang bị giam trong đó). Thực tại nhiều chiều của Lưu Quang Vũ thường được hiển hiện, hoặc nhờ ánh sáng lóa mắt, hoặc từ bóng tối bao trùm hiện dần các mảng khối, tương tự như thủ pháp hội hoạ của Rembrant Những mái nhà lụp xụp/ những hàng cây đắm mình vào bóng tối/ chiều sương leo lét đèn dầu/ lũ trẻ ngồi quanh mâm gỗ/ lèo tèo mì luộc canh rau/ Mấy mươi năm vẫn mái tranh này/ dòng sông đen nước cạn/ tiếng loa đầu dốc lạnh/ tin chiến trận miền xa… Nửa đêm tới thành phố lạ gặp mưa… Có thể xem đó là thứ ánh sáng rất mạnh có sự tham gia của tiềm thức và vô thức, là lãnh địa bao hàm vùng ngoài ý thức, ý đồ cá nhân. Tự sự khách thể hóa hoàn toàn khác với mượn hồi tưởng trữ tình để kể chuyện, theo lối của Nguyễn Nhược Pháp hay xa hơn là Nguyễn Du, Đặng Trần Côn… và về mặt tư duy, bỏ xa kiểu ghi những cảm hứng ngắn theo lối tức cảnh sinh tình, mặc dầu có thể về miêu tả văn bản thì không quá khác nhau. Tự sự khách thể hóa trong thơ không mô tả thế giới “khách quan” theo định hướng tâm lý, cảm xúc, mà chỉ thông báo, nhiều lúc khô khan, cộc lốc, nhằm loại bỏ khả năng biểu cảm thông thường, xác định (vui, buồn, hờn giận, nhớ nhung, luyến tiếc, phẫn nộ…); hướng tới chiều kích “biểu cảm” mới của cái “chủ thể”- không- xác- định, mông lung, không tham vọng nắm bắt, diễn giải, định hướng. Nó là sự chối từ đối với thực tại được nhìn bằng con mắt luận lý của trật tự sẵn có, đòi hỏi một thực tại văn chương mới. Quan trọng hơn, trần thuật khách thể trả lại cho ngôn từ tính chất biểu tượng nguyên sơ, một thời gian quá dài bị biến thành phương tiện để mô tả thông qua tu từ, mà ẩn dụ là nguyên lý căn bản. Khác với lối tư duy ẩn dụ, biểu tượng là ý nghĩa nguyên phiến, cái không thể bị xuyên tạc, đưa đẩy, thổi phồng, nén chứa nhiều nội hàm, trong đó những ẩn dụ chỉ là một phần nhỏ. Mỗi từ nguyên đều có thể trở lại là một đơn vị biểu tượng, mà tài năng của người thực hiện ngôn ngữ ở đây không còn căn cứ trên việc tạo ra những ẩn dụ mới từ cái nền những phóng chiếu sẵn có, mà dựa trên việc làm sống dậy những chiều kích khác của mỗi từ. Chưa nói tới thực hành những trò chơi ngôn ngữ, chỉ riêng việc thông báo khô khan thuần tuý, cũng là một cánh cửa Mở đối với khả năng biểu đạt vô hạn được cung cấp cho từng từ. Ví dụ, từ “biển”, khi vượt thoát khỏi ý nghĩa ẩn dụ quen thuộc, sáo mòn của “biển khổ” hay “bể ái”, tức khắc xuất hiện năng lực hàm chứa muôn vàn khả năng ngữ nghĩa khác nhau. Sự tuôn chảy của hình ảnh thơ theo lối tự sự khách thể trong thơ Lưu Quang Vũ, tuy chưa ở mức độ hoàn toàn trả lại cho mỗi đơn vị từ tính chất biểu tượng đậm đặc, nhưng là sự bùng nổ những khả thể mới của tâm thức. Thường xuyên trở lại trong thơ ông là trạng thái kinh hoàng, điên rồ, bất ổn và không thể lý giải, của cả cái “bên ngoài” và “bên trong”. Các hình dung từ xuất hiện với mật độ dày đặc đều biểu đạt trạng thái bất thường, nhiễu loạn, mê hoặc. Biểu tượng người điên trở đi trở lại với nhiều dạng thức: …Thời gian như bà điên ngoài chợ Sắt tóc trắng ôm hoa tê tái mỉm cười đám người bán máu xanh gầy co ro chờ ngoài cổng viện những sự thật buồn cười mà khủng khiếp Hay: …Cái tuổi trẻ ồn ào mà cay cực của ta trước ngưỡng cửa cuộc đời mênh mông khu rừng tối vừa quyến rũ vừa phập phồng lo ngại như anh điên trước quán tóc bù xù cứ mỉm cười bí hiểm dõi nhìn ta… …Chỉ anh điên vẫn đứng sững ngoài đường Thân tiều tụỵ ôm mặt cười lặng lẽ …Lão bán chim lưng gù râu bạc thếch Anh kẹo bông rách rưới ngô nghê cười… …Hồn em bé chết đuối hồn Ophelia điên dại… Biểu tượng người điên không còn đơn thuần là sự quy chiếu cho tính vô nghĩa của cuộc đời hay trạng thái chủ quan trượt khỏi sự kiểm soát, cân bằng. “Người điên” có thể mang nội hàm thức tỉnh hay bí mật... Sự xuất hiện mang ý nghĩa quan trọng trong tư duy thơ của Lưu Quang Vũ thời kỳ này, biểu tượng “em”, có khi được gọi là “người đàn bà không có tên”. “Em” khác xa với đối tượng trữ tình phiếm định trong thơ truyền thống, một đối tượng giả định cho những ký thác của kiểu chủ thể truyền thống. Cũng không đơn giản là một phân thân của chính “cái tôi” nhà thơ, từ quan hệ phóng chiếu, hay còn được gọi máy móc là sự “lưỡng phân”. “Em” là một tồn tại khác, vừa được hiển hiện theo lối khách quan (Em mua về cho anh khuôn tượng dân gian), vừa đại diện cho sự hồ nghi về nhận thức (Em tới làm gì có phải đúng em không), “em” gần gũi với điều mà “cái tôi” không thể ngay lập tức nhận biết, định hình; vừa cần được nâng niu yên ủi, vừa dửng dưng thoái thác, vừa bao bọc cứu rỗi vừa hắt hủi phũ phàng. “Em” vừa thế chỗ cho sự nhận thức khách quan về “cái tôi”, còn gọi cái tôi nhìn từ một chiều kích đối lập khác, vừa là điều không thể nào nhận biết rõ ràng. “Em” hiện trong (và bao hàm) bí ẩn và hỗn độn của nhiều không gian, thời gian, nhiều kiểu thực tại khác nhau (Em/ con tàu về cảng mưa đêm/ ngã tư ngô đồng rụng lá/ con sông mờ thân cầu đổ/ dẫy nhà hoang ống khói âm thầm…/…những bài thơ ngày chưa có em/ Ngày đó em đâu mùa đông ấy mưa phùn/ hắn không có vẻ gì là thuỷ thủ nhưng hắn gợi cho người ta nhớ đến biển/ câu văn trong một cuốn sách cũ/ quán rượu Đô đốc Billbouve/ Vị chúa tàu ngồi cô đơn/ trong tuổi nhỏ… Tương tự như vậy, mỗi biểu tượng khách thể hoá, dù không được nhắc lại nhiều lần, cũng là một chiều kích khách quan của trải nghiệm “chủ quan”: …người hoạ sĩ nay giả điên hay Người thiếu phụ đợi ai trên bậc cửa đen ngòm/ cái miệng lạnh lẽo của con quỷ nào/ đã thổi tắt nến của cô ta/ làm sao người lính biết đường về/ ăn tối trên chiếc bàn quen thuộc/ vứt súng đạn ngoài hành lang lăn lóc/ Người thiếu phụ già nua… Trạng thái oà vỡ cảm giác khách thể, xuất phát từ chấn động nội tâm, rõ rệt, mãnh liệt, loang xa: …Anh đi bên dòng Tam Bạc/ Thuỷ triều lên thao thức/ con sông giống cuộc đời anh/ Anh là chú bé nhặt than/ là ông già buông câu im lặng/ là quả dưa tròn trên khoang nắng/ là lá sú vàng trôi ở cửa sông… Người ta có thể có cách lý giải khác yếu tố tự sự trong thơ Lưu Quang Vũ, ví dụ đó là sự “rập khuôn” bi kịch của chiến tranh hay những đổ vỡ, bất bình của đời sống, hoặc tình yêu không thoả nguyện. Tuy nhiên, dòng tâm tưởng siêu thực - tượng trưng của Lưu Quang Vũ bộc lộ ở dạng thức tràn đầy, rất khó có thể được tiếp nối bởi cảm quan “tả thực” ấu trĩ. Loạt thơ sáng tác trong vòng những năm 1970 - 1975 của Lưu Quang Vũ ít sử dụng những ẩn dụ phổ biến với thơ ca miền Bắc đương thời. Sự dồn nén, xô lệch của nội tâm khiến nhà thơ trước hết nhìn ra mối bất hoà giữa những quy chiếu nền tảng sẵn có với thực tại - “ bên ngoài” và nội tâm Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa/ xoá nhoà hết những điều em hứa… …Ngã tư mưa/ oà lên vài gương mặt đẹp/ nhà cửa như quần áo rách/ xích lô lầm lụi lên cầu… …Xứ sở mưa rào gai ngút mắt/ vải dù rách dưới máu đen Có khi nhà thơ dùng lại hình thức của một ẩn dụ quen thuộc: Nơi ấy em về mưa sẽ tạnh/ hoa cúc vàng nở trên cánh tay, nhưng trong tương quan với dòng cảm thức siêu thực, nó không còn là ẩn dụ đơn nghĩa quy chiếu về một kết thúc tốt lành, mà mở ra vùng cảm giác xa rộng. * Với thơ Lưu Quang Vũ, có thể xoá bỏ đơn vị “bài thơ”, bởi nó không còn là phạm vi cảm hứng ngắn được bộc phát khơi lên từ tác động trực tiếp nào đó tới tâm thức. Toàn bộ là một dòng liền mạch của cảm giác, liên tưởng, tương hợp, khách thể hoá, trong thế giới - tâm thức mênh mông bí ẩn, đầy sự bùng nổ. Mặc dầu những loạt bài kiểu Thơ tình viết về người đàn bà không có tên hay Giờ anh như con thuyền, không phải là hiện tượng lấn át trên toàn thể văn bản, nhưng hoàn toàn có thể rút hết những nhan đề thơ trong, ví dụ, tập Bầy ong trong đêm sâu, hay phần III của Tuyển thơ Lưu Quang Vũ, Viết cho em từ cửa biển, biến nó thành một trường ca. Không thể chối từ âm vang của cuộc đời lịch sử trong những trang viết này của Lưu Quang Vũ, nhưng nếu như có một gương mặt lịch sử của một thời nào đó hiện lên, thì nó cũng không đơn thuần và dễ dãi được cảm nhận như hiện tượng đổ vỡ, chán chường, tiêu cực (một cách riêng lẻ, lạc điệu (!)).Điều mà Lưu Quang Vũ làm hiển hiện cao lớn hơn nhiều lần một trạng thái đau. Những điều mà nhà thơ bận tâm, cũng không có gì quá xa lạ, phi phàm - Giấc mơ người tù/ trên đá lạnh gặp bầy chim cánh trắng/ kẻ tăm tối suốt đời không ngẩng mặt/ bỗng thảnh thơi đứng dưới mặt trời/ Arlequin khổ nghèo/ thổi ống sáo dưới màn nhung đỏ thắm…, chiếm lấy quan tâm của ông là giấc mộng lớn của tâm hồn, lãnh địa mênh mông đã cho người đọc những kinh nghiệm lạ lùng đến thế, chỉ từ việc viết thơ… KHÁNH PHƯƠNG (261/11-10) ---------- * Ẩn dụ: Có nhiều định nghĩa về ẩn dụ, bản thân người viết bài này cũng có sự phân tích về quá trình thao tác ẩn dụ trong thơ Việt truyền thống. Chỉ xin giới thiệu một trong những định nghĩa ẩn dụ được thừa nhận phổ biến, có rút gọn, từ góc độ thực hành ngôn ngữ. Ẩn dụ là sự di chuyển của ý nghĩa. Đó là một phương pháp của ngôn ngữ, dùng thay thế cái này bằng cái khác, tạo ra nghĩa mới hoặc làm cho ta thấy rõ hơn một sự vật ở hai mặt khác nhau. Sự chuyển thể này có thể di chuyển từ một ý nghĩa trừu tượng đến một ý nghĩa cụ thể, hay là ngược lại. (Nguyễn Đức Tùng - Đọc một bài thơ như thế nào - Talawas, 2009). **Theo đạo diễn điện ảnh Đào Trọng Khánh (Đào Nguyễn, Nguyễn, một người bạn thân của Lưu Quang Vũ từ khi còn rất trẻ, cũng là người chia sẻ nhiều về sáng tạo với nhà thơ), sau khi có đường sắt lưu thông Bắc - Nam vào năm 1976, Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh tìm kiếm được nhiều tư liệu từ các sách văn học và triết học mang khuynh hướng hiện đại - đương đại của miền Nam, và đây là nguồn ảnh hưởng chính đến tư duy văn học của hai người thời kỳ sau này. Từ 1975 trở về trước, Lưu Quang Vũ chủ yếu nhận được ảnh hưởng từ chủ nghĩa cổ điển. ***Sau năm 1975, Lưu Quang Vũ vẫn tiếp tục viết một số bài thơ, nhưng lúc này dòng thơ siêu thực - tượng trưng và khách thể hoá của thời kỳ 1970 - 1975 không còn được tiếp nối, theo đánh giá của người viết bài này. Những thành công vang dội trên sân khấu kịch là một chiều kích biểu hiện khác của sáng tạo Lưu Quang Vũ, nhưng việc dòng tư duy thơ mới mẻ của ông bỗng nhiên bị cắt đứt, còn cần phải tìm hiểu nghiêm túc, kỹ lưỡng. Một bước chuyển quan trọng trong đời sống cá nhân liên quan đến kinh nghiệm và tư duy thơ, đó là việc Lưu Quang Vũ trở lại một đời sống bình ổn, cân bằng, trong sinh hoạt thông thường. Không thể khẳng định rằng đời sống bình ổn này đã dập tắt “những giấc mơ điên rồ, những ngọn lửa không có thật” trong tâm hồn ông, bởi vì tự sâu xa Lưu Quang Vũ chưa bao giờ là một người chấp nhận thứ trật tự thô bạo của cuộc đời vật chất. Việc “sống như mọi người” chỉ gợi ý cho ta nghĩ về việc Lưu Quang Vũ tìm đến một cách bộc lộ nào gần gũi với mức cảm thụ chung của mọi người mà thôi. ****Nguyệt cầm, bài thơ được cho là giàu yếu tố siêu thực - tượng trưng của Xuân Diệu: Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh/ Trăng thương trăng nhớ hỡi trăng ngần Đàn buồn đàn lạnh ôi đàn chậm/ Từng giọt rơi tàn như lệ ngân … Đêm lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời/ Đàn ghê như nước lạnh trời ơi Long lanh tiếng sỏi vang vang hận/ Trăng nhớ Tầm Dương nhạc nhớ người Hay Huy Cận sầu vũ trụ trong Tràng giang: Nắng xuống trời lên sâu chót vót/ sông dài trời rộng bến cô liêu Chế Lan Viên về với thành Đồ Bàn non nước giống dân Hời, muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi, lấy ra một khúc xương rợn trắng… Tất cả vẫn chỉ dừng ở lối hình dung bị giới hạn bởi khuôn thước vật lý và không gian cảm giác theo trật tự lý tính thông thường. *****Những bài thơ cùng thời với thơ Lưu Quang Vũ: Đồi trung du phơ phất bóng thông già/ Trường sơ tán hồn trong chiều lộng gió Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ/ Như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu Lẵng quả thông trong suối nhạc nhiệm màu/ Hay Chuyến xe đêm thầm thì mê đắm Mùi cỏ dại trên cánh đồng xa thẳm/ Một bầu trời vĩnh viễn ướp hương hoa… (Bằng Việt) Hay Chẳng bao giờ anh ước đâu em/ một ngôi nhà bão dừng sau cánh cửa (Bằng Việt); chỉ là mơ mộng hay quyết liệt trong ranh giới kiểm soát của lý trí cũng như của những ẩn dụ sẵn có. Cho đến những năm giữa thập kỷ 90 người ta vẫn còn viết kiểu Khối buồn đâu dễ nguôi ngoai/ hào khí bên ngoài yếm khí bên trong/ Tỉnh say một búi bong bong/ nào ai chia nửa cõi lòng Bolsa… (Nguyễn Duy). |