Thuở nhỏ học ở Quãng Ngãi, khi cha chết, mẹ dọn về Qui Nhơn, ở đây Hàn Mặc Tử tập làm thơ Đường luật (lúc 16 tuổi) lấy bút hiệu là Minh Duệ Thị. Học trường Qui Nhơn đến năm thứ ba, ra Huế học tại trường dòng Pellerin. Hàn Mặc Tử đăng thơ trên báo Phụ Nữ Tân Văn, Sài Gòn với bút hiệu Phong Trần. Thời gian này kinh tế gia đình sa sút. Hàn Mặc Tử đi làm Sở Đạc Điền một độ rồi vào Sài Gòn làm báo. Năm 1936 khi chủ trương tờ phụ trương văn chương báo Sài Gòn, lấy bút hiệu Hàn Mặc Tử (Rèm Lạnh). Nhà thơ Quách Tấn góp ý đổi thành Hàn Mặc Tử (Bút mực) Tập thơ Đường luật mang tên “Lệ Thanh Thi Tập” có 3 bài Thức Khuya, Chùa Hoang, Gái Ở Chùa được Phan Sào Nam họa vận lại. Năm 1936 tập thơ Gái Quê xuất bản là bước chuyển hướng sang Thơ Mới. Cuối năm 1936, Hàn Mặc Tử đi chơi Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết rồi định vào Sài Gòn tiếp tục làm báo thì phát bệnh nên về lại Quy Nhơn. Cuối năm 1937 gom góp khoảng 50 bài thơ làm trên giường bệnh được Hàn Mặc Tử gọi là Thơ Điên (gồm 3 phần: Hương Thơm, Mật Đắng, Máu Cuồng và Hồn Điên) mang chung một nhan đề: Đau Thương. Tiếp đến là Xuân Như Ý (1939), Thượng Thanh Khí (1940). Mùa hạ 1938, thấy bệnh tình khó qua khỏi, gia cảnh càng sa sút, Hàn Mặc Tử sau nhiều lần do dự đã quyết định vào bệnh viện phong Qui Hòa chữa trị và mất tại đó. Hàn Mặc Tử có một vài lần bàn về thơ và người làm thơ. Theo thi sĩ thì “Người thơ là khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo”; “Tôi làm thơ nghĩa là tôi nhấn một cung đàn, bấm một đường tơ, rung rinh một làn ánh sáng”; “Nàng đánh tôi đau quá, tôi bật ra tiếng khóc, tiếng gào, tiếng rú. Có ai ngăn cản được tiếng lòng tôi!” (Tựa Thơ điên); “Thơ là sự ham muốn vô biên những nguồn khoái lạc trong trắng của một cõi trời cách biệt” (Quan niệm về thơ)... Riêng tôi, tôi hết sức tâm đắc với câu: Máu đã khô rồi thơ cũng khô trong bài Trút linh hồn. Hình như linh cảm trước cái chết, một số nhà thơ đã soạn sẵn những lời di chúc. Puskin có Đài kỉ niệm, Êxênin có bài thơ tuyệt mệnh viết bằng máu... Bài Trút linh hồn nằm trong tập Thơ Điên là một trong những tập thơ hay của Hàn Mặc Tử. Thơ Điên ra đời trong hoàn cảnh thi sĩ lâm vào căn bệnh hiểm nghèo cùng lúc mối tình đang nồng thắm, bỗng “chết yểu”. Đau thương chồng chất đau thương! Chính trong những tháng ngày bi đát ấy, Hàn Mặc Tử dường như đã tiên cảm sự ra đi của mình nên đã viết sẵn những lời trăn trối nhắn gửi với người yêu đồng thời bày tỏ quan niệm về thơ của mình với mọi người. Máu đã khô rồi thơ cũng khô! Hàn Mặc Tử khẳng định một chân lí trong lĩnh vực sáng tạo thi ca bằng cách thơ hết sức giản dị. Chân lí ấy được đúc kết vẻn vẹn trong bảy chữ. Tôi đã đọc khá nhiều bài viết trao đổi về thơ gần đây. Ở những bài viết ấy tôi đã học được nhiều điều. Nhưng không hiểu sao tôi cứ ám ảnh bởi cách nói của Hàn Mặc Tử. Thi sĩ không lí luận dài dòng, không làm ra vẻ cao siêu, uyên bác mà nói một cách thật dễ hiểu, thật ấn tượng: Máu đã khô rồi thơ cũng khô! Có thế thôi, nhưng để đúc kết được bảy chữ ấy, Hàn Mặc Tử đã trải qua bao tìm tòi, suy nghĩ, trăn trở. “Máu” ở đây không chỉ là sự sống mà còn là sức sống, là nhiệt huyết của người làm thơ đối với cuộc đời. Khi người làm thơ không còn nhiệt huyết nữa có nghĩa là anh ta nên gác bút. Vì nếu có gắng gượng viết thì cũng chỉ “đẻ” ra những xác chữ khô cứng mà thôi. Chữ có thể “bầu lên nhà thơ” khi chữ đó đã thấm qua “máu”, chứ không phải là thứ chữ được chế tác bằng một trái tim nguội lạnh. Nếu chữ chỉ được chế tác bằng một trái tim nguội lạnh thì chẳng qua đó là mớ chữ vô hồn. “Máu” đúc nên chữ, rồi chữ tạo ra thơ. Tất nhiên, đã là nhà thơ đúng nghĩa thì không thể coi thường chữ nghĩa. Hàn Mặc Tử nói: “Nàng đánh tôi đau quá, tôi bật ra tiếng khóc, tiếng gào, tiếng rú”. Điều đó có nghĩa là thơ phải xuất phát từ những cảm xúc chân thật. Cái dễ nhận nhất là sự giả tạo trong thơ. Có người chẳng đau đớn gì nhưng thấy thiên hạ rên mình cũng la oai oái. Những tiếng kêu giả, khóc vờ ấy khó lòng qua mắt những độc giả tinh tường. Trong quá trình sáng tạo nhà thơ có thể bịa ra, có thể tưởng tượng ra nhiều thứ. Nhưng phải bịa, phải tưởng tượng trên cơ sở tình cảm chân thực. Lúc đó bịa, tưởng tượng mới “như thật” và còn hơn “như thật” về mặt giá trị thẩm mỹ. Trong bài Trút linh hồn, Hàn Mặc Tử viết: Ta trút linh hồn giữa lúc đây đó là điều thi sĩ tưởng tượng ra. Bởi sự thật thì mãi khi vào nhà thương Quy Hòa đúng ngày 11 tháng 11 năm 1940, Hàn Mặc Tử mới “trút linh hồn”... Thế nhưng người đọc vẫn tin sự tưởng tượng ấy là chân thực. Ở Phan Thiết! Phan Thiết! nhà thơ thả trí tưởng tượng bay bổng lên “chín tầng trời”: Nhớ khi xưa ta là chim phượng hoàng Vỗ cánh bay chín tầng trời cao ngất Bay từ Đao Ly đến trời Đâu Suất Và lùa theo không biết mấy là hương Lúc đằng vân gặp ánh sáng chặn đường Chạm vào nhạc va nhằm thơ thiên cổ Ta lôi đình thấy trăng sao liền mổ Sao tan thành rơi xuống vũng chiêm bao Trăng tan tành rơi xuống một cù lao Hóa đài điện đã rất nên tráng lệ... Cả bài thơ là tiếng rên “xuất phát từ bề sâu của một linh hồn tuyệt vọng” (Hoàng Diệp). Vì thế nó hết sức chân thực. Nỗi đau đớn trước mối tình “chết yểu” với Mộng Cầm đã khiến cho thi sĩ như điên như dại: Người đi, một nửa hồn tôi mất Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ. ... Tôi vẫn còn đây hay ở đâu? Ai đưa tôi bỏ dưới trời sâu? Sao bông phượng nở trong màu huyết Nhỏ xuống lòng tôi giọt lệ châu (Những giọt lệ) Và: Nghệ hỡi Nghệ muôn năm sầu thảm Nhớ thương còn một nắm xương thôi Thân tàn ma dại đi rồi Rầu rầu nước mắt, bời bời ruột gan. (Muôn năm sầu thảm) Hàn Mặc Tử hết sức trân trọng thơ của Mai Đình, chủ yếu cũng vì cảm xúc chân thực của nàng: Thơ em cũng giống lòng em vậy Là nghĩa thơm tho như ánh trăng Mềm mại như lời tơ liễu rủ Âm thầm trong áng gió băn khoăn. Bởi thế mà thi sĩ: Anh đã ngâm và đã thuộc làu Cả người rung động bởi thương đau Bởi vì mê mẩn vì khoan khoái Anh cắn lời thơ để máu trào. (Lưu Luyến) Nguyễn Du tả tiếng đàn nàng Kiều trong bữa tiệc “mừng công” khi Hồ Tôn Hiến vừa giết Từ Hải: Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay. Máu nhỏ năm đầu ngón tay là Nguyễn Du tưởng tưởng ra, nhưng rất chân thật, vì Nguyễn Du đã nói được nỗi đau đớn tột đỉnh của nàng Kiều. Hàn Mặc Tử làm thơ bằng máu huyết của mình: Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút Mỗi hồn thơ đều dính não cân ta Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt Như mê man chết điếng cả làn da. (Rướm máu) Cả niềm yêu, ý nhớ cả một vùng Hóa thành vũng máu đào trong ác lặn (Trường tương tư) Nên hơn ai hết, thi sĩ hiểu một cách sâu sắc rằng: Máu đã khô rồi thơ cũng khô! Chân lí này không phải được đúc kết qua sách vở mà qua thực tế sáng tác của chính nhà thơ. Trái tim Hàn Mặc Tử chưa bao giờ lãnh cảm trước cuộc đời. Ngay đến giây phút sắp “trút linh hồn”, thi sĩ vẫn yêu cuộc đời đến day dứt. Mặc dù cuộc đời đã đem đến cho Tử bao mùi vị cay đắng. Nói như ca dao: Thương mình lắm lắm nhiều nhiều Còn mình thương lại bao nhiêu mặc lòng. Cuộc đời có cay nghiệt với Hàn Mặc Tử đến mấy thi sĩ vẫn cứ trìu mến, vẫn cứ vấn vương, vẫn cứ luyến tiếc: Ta còn trìu mến biết bao người Vẻ đẹp xa hoa của một thời Đầy lệ, đầy thương, đầy tuyệt vọng Ôi! Giờ hấp hối sắp chia phôi! (Trút linh hồn) Phải hiểu cảnh ngộ, số phận của Hàn Mặc Tử ta mới thấy hết sự “trìu mến” ấy của thi sĩ đáng trân trọng biết chừng nào! Và đây là lời nhắn gửi cuối cùng của thi sĩ: Ta trút linh hồn giữa lúc đây Gió sầu vô hạn nuối trong cây. Còn em, sao chẳng hay gì cả? Xin để tang anh đến vạn ngày. (Trút linh hồn) Có bản chép Gió sầu vô hạn thổi trong cây là vô tình làm tổn hại thơ Hàn Mặc Tử. Gió sầu vô hạn thổi trong cây thì bình thường quá. Câu thơ đã bị tước mất sự sống. Gió sầu vô hạn nuối trong cây mới thể hiện được nuối tiếc hết sức đau đớn của nhà thơ trước giây phút từ giã cõi đời. Phải thật tâm huyết với cuộc đời này thi sĩ mới viết được những câu thơ gan ruột như vậy. Đúng là “Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt”! Mấy năm lại đây chúng ta bàn nhiều về sự đổi mới của thơ. Cuộc sống thay đổi tất yếu thơ cũng phải thay đổi. Nhưng dù đổi mới thế nào đi nữa thì người làm thơ cũng phải có nhiệt huyết. Phải yêu ghét một cách chân thật. Nếu không có nhiệt huyết, nếu sống một cách hời hợt, giả dối thì nói như Hàn Mặc Tử: Máu đã khô rồi thơ cũng khô! Tôi cho đó là một quan niệm hết sức đúng đắn và sâu sắc mà những người làm thơ cần phải ghi nhớ. M.V.H (262/12-10) |