Tạp chí Sông Hương - Số 263 (tháng 1)
Trang thơ Bruce Weigl
10:19 | 25/01/2011
LTS: Bruce Weigl nhà thơ Mỹ từng là cựu chiến binh tham chiến tại Quảng Trị những năm 1967-1968. Là người chứng kiến những sự thật kinh hoàng trong chiến tranh Việt Nam, ông tìm đến với thơ ca như một sự cứu rỗi linh hồn. Năm 1987, Bruce Weigl lần đầu tiên trở lại Việt Nam và “Tôi không bao giờ tưởng tượng được người Việt Nam lại tiếp đãi mình ân cần như thế”.
Trang thơ Bruce Weigl
Tập thơ và hồi ký "Sau mưa thôi nã đạn" - Ảnh: internet
Năm 1995, ông nhận bé Nguyễn Thị Hạnh làm con nuôi. Và đó là một câu chuyện rất đẹp trong cuộc đời ông.
Bruce được xem là một hiện tượng đặc biệt, một trong những gương mặt xuất sắc nhất của nền văn học đương đại Mỹ. Đến nay, ông đã là tác giả của 25 cuốn sách, Tập thơ
Bài hát bom na-pan gồm những bài thơ viết về chiến tranh Việt Nam của ông đã được đề cử cho Giải thưởng Pulitzer. Ông cũng đã nhận được nhiều giải thưởng văn chương uy tín nhưng với ông, tình cảm của bạn đọc Việt Nam dành cho thơ ông là phần thưởng cao quý nhất. Mới đây, ông vừa xuất bản tập thơ và hồi ký “Sau mưa thôi nã đạn”, song ngữ Anh - Việt (12.2010)
Ông vừa có một hành trình trở lại Việt Nam từ 10/12 đến 20/12, với người bạn đồng hành là nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai. Ngày 15/12, Bruce và Nguyễn Phan Quế Mai đã có một buổi gặp mặt anh em văn nghệ sỹ Huế tại Tạp chí Sông Hương. Cuộc gặp đã diễn ra rất cảm động, với nhiều bài thơ được đọc cho nhau nghe.
Sông Hương xin giới thiệu một số bài thơ do chính Bruce đọc trong hôm giao lưu ấy, qua phần chuyển ngữ của Nguyễn Phan Quế Mai.
S.H


Nhà thơ, giáo sư Bruce Weigl và nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai trong buổi giao lưu ở Tạp chí Sông Hương



BRUCE WEIGL



Bài hát bom Na-pan

                                                (Tặng vợ tôi)

Sau cơn bão, sau cơn mưa thôi ào ạt
chúng mình đứng ở cửa nhìn đàn ngựa thong thả trên đồi cỏ
Qua tấm rèm đen, tầm nhìn bị khoảng cách thay đổi
vì thế dường như anh thấy màn sương vó ngựa khuấy lên
khi chúng chìm dần
như những con ngựa
bị cắt rời khỏi thân thể chúng ta
Cỏ chưa bao giờ xanh màu da trời như trong ánh sáng đó
cỏ cũng chưa bao giờ tím đến thế
Đằng sau thảm cỏ, cây cối đập vụn giọng nói của chúng vào gió
Những cành cây đan chằng chịt vào bầu trời dây kẽm gai
Nhưng em nói chúng chỉ là những cành cây
Ừ, cũng được. Cơn bão đã thôi dồn dập
Anh đang cố gắng nói ra sự thật
đó là lần duy nhất lý trí tạm dừng
và lấy lại hơi thở sau những kế hoạch điên rồ của chính mình
Sau trận mưa to đó
anh đã quay lưng lại với những lời nguyền cũ
Anh tin rằng những lời nguyền cuối cùng
rồi cũng buông tha anh…

Nhưng những cành cây vẫn là dây kẽm gai
Tiếng sấm vẫn là tiếng súng cối nã đạn
Cả bây giờ cả khi nhắm mắt
Anh vẫn nhìn thấy bé gái chạy ra từ ngôi làng
bom na-pan dính chặt cô vào máu
đôi bàn tay cô với ra phía trước
nhưng không ai đón cô trong biển lửa trước mặt

Anh có thể cứ tiếp tục sống
Anh có thể cứ ở đây bên em
Nhưng trong tâm trí anh, bé gái vẫn chạy trên đường
Đôi cánh đập trong cô đến khi cô bay lên
trên cánh rừng khét lẹt
Để nỗi đau của cô vơi đi
cùng nỗi đau của em và anh
Nhưng lời nói dối lại lao trở lại
Lời nói dối chỉ có hiệu lực trong khoảnh khắc nó được thốt lên
Cô bé chỉ có thể chạy tới khi
bom na-pan cho phép cô
Đến khi ruột gan cô cháy khét
da thịt nứt nẻ tạc cô vào vị trí cuối cùng
vị trí hoàn hảo của cái chết

Cô bé bị đốt cháy sau võng mạc của anh
Không gì có thể thay đổi được điều đó
kể cả tình yêu dịu ngọt của em
cả không khí mát lành sau mưa
và cả rừng cỏ xanh đang trải trước mặt chúng ta

Không điều gì có thể chối bỏ được sự thật đó.



Lời thơ tặng Mẹ Nguyễn Thị Vẻ

                                   
Viết thay cho Nguyễn Thị Hạnh Weigl

Được sinh ra trong văn hoá lúa Hà Nam
đầu tiên là đất
thứ hai là nước
thứ ba là những ngày dài còng lưng dưới mặt trời
thứ tư là thóc giống
như cuộc đời Mẹ đã bắt đầu
dưới bầu trời vần vũ của chiến tranh

Rồi Mẹ như cây mạ
sẵn sàng cho số phận bứng lên
từ mảnh ruộng Mẹ đã được gieo
để lại được cấy xuống
trong hàng hàng những người sống sót
Mẹ vươn lên từ bùn, Mẹ vươn lên trong bão táp
Dậy thì khi lúa trổ đòng
bóng tối hậm hực muốn nhấn chìm vẻ đẹp
Mẹ vẫn rì rào xanh mướt xanh
tự do chảy qua những cánh đồng
rễ bám đất cưu mang đòng nặng hạt

Khi lúa chín, Mẹ hái gặt điều thiêng liêng nhất
của đời mình bằng tiếng hát
bằng yêu thương sâu thẳm trong tim
bằng nước mắt, tiếng cười ngày làm mẹ

Nhưng - số phận chia lìa hai ngả
Mẹ lặng lẽ gặt mình thành gốc rạ
cô liêu trên đồng trống tái màu

Giờ đây Mẹ trở về thóc giống
để chúng con cùng nâng niu, cất giữ, gieo trồng
để những hạt-gạo-Mẹ chúng con ăn vào cơ thể
lại trổ đòng
lại xanh mướt xanh.



Kỷ niệm ngày được tha thứ


Mưa và mây thấp thổi qua thung lũng
Mưa xuống bờ biển, dâng lên những con sông đen kịt
Thủy triều cao, mực nước quá cao
Sông và bầu trời đen vì chúng ta đã đến

Không tuyệt vời cũng không công bằng
tôi thức dậy từ đêm trăn trở mơ về nàng
người tôi chẳng bao giờ có nữa
cùng mỗi giây phút trôi qua
hạnh phúc mong manh rời xa
chỉ còn thoang thoảng một nụ hôn trong trí tưởng
nụ hôn ước ao về lại, hôn lên mặt tôi

Chiến tranh đã ăn ruỗng tôi
tôi không thể chạm vào ai được nữa
Ngọn gió thổi xuyên qua tôi đến nơi xanh thẳm
nơi họ vẫn ngã xuống trong biển máu
Tôi vẫn nghe tiếng họ, đêm đêm
tôi không thể trút bỏ quần áo trong ánh sáng
Tôi có thể giữ những con rồng ngoài cửa
Tôi có thể vẽ lên mặt và trốn
như cái bóng trong rừng rậm ba tầng
Tôi không thể ăn hoặc ngủ rồi đi bộ cả ngày
và cả đêm canh chừng con đường trăng sáng
Tôi có thể dứt những con vắt khỏi da mình
với đầu điếu thuốc lá
đào một cái huyệt đủ sâu tự cứu mình
trước khi mặt trời trút máu xuống những quả đồi
Cho đến khi chúng ta không thể chịu đựng được nữa
bằng chính cuộc sống chúng ta

Nhưng trong đêm đầu tiên tôi được thứ tha
Tôi không thể mở vòng tay đón nàng
Tôi không thể chạm vào ai khác
vì ý nghĩ thân thể tôi sẽ bốc cháy.

(263/01-11)







Các bài mới
Tình gửi cho ai (25/02/2011)
Các bài đã đăng
Cội nguồn (24/01/2011)