Tạp chí Sông Hương - Số 263 (tháng 1)
Tục pộôc xu (đi sim) của người Pacô xưa
10:04 | 27/01/2011
TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONGTừ trước đến nay, không có lễ tục nào được nhắc đến nhiều trong truyện cổ của người Pacô bằng tục Pộôc xu (Đi sim), đây là một nét văn hóa truyền thống từ xưa của người Pacô. Mặc dầu đến nay do lối sống hiện đại nên nhiều nét văn hóa truyền thống mất đi, song không vì thế mà chúng ta quên nó. Đâu đó trong cuộc sống cộng đồng của người Pacô ngày nay vẫn còn nhiều câu chuyện kể về tục này. Nhân dịp xuân về xin được nêu ra đây nét đẹp trong lễ tục quan trọng đó.
Tục pộôc xu (đi sim) của người Pacô xưa
Thổi sáo Areng tỏ tình trong tục “đi sim” Ảnh: Vĩnh Phúc
Truyện cổ Pacô kể rằng:

“Ngày xưa, có hai anh em sống yêu thương nhau hết lòng. Khi cha mẹ chết đi, người anh trở thành trụ cột gia đình chăm lo tất cả cho người em. Không lâu sau người anh cưới vợ nhưng lại không may lại cưới một cô vợ tham lam ích kỷ. Thời gian đầu người em cũng được chăm sóc chu đáo, cho ăn uống đủ bữa, lâu dần thì bữa ăn của người em cũng bớt dần khi mỗi lần người anh đi làm xa. Người em ở nhà cũng làm quần quật suốt ngày đêm nhưng luôn bị chị dâu đánh đập chửi bới, cho nhịn đói nhưng người em vẫn im lặng không nói cho người anh biết. Một hôm người vợ bảo chồng:

- Anh hãy tìm cách đuổi nó đi. Suốt ngày lười biếng không chịu làm ăn gì cả. Chỉ biết ăn nhiều thôi. Anh mà không đuổi nó thì em sẽ bỏ về nhà cha mẹ.

Mặc dù thương em nhưng vì sợ mất vợ nên người anh nghe lời. Sáng hôm sau người anh gọi em và bảo:

- Em à! Bây giờ em cũng đã lớn rồi, của cải đất đai cha mẹ để lại cũng chẳng bao nhiêu, em hãy đi tìm đất khác mà làm ăn sinh sống nhé, đừng ở lại với anh chị nữa.

Đi mãi đi mãi, người em gặp một bà già ở trong rừng, Kân Tưi kể lại tất cả hoàn cảnh của mình cho bà lão nghe. Thương cho tình cảnh của Kân Tưi bà lão nói:

- Bà cũng chỉ sống có một mình thôi. Thôi bà cháu ta cùng nương tựa sống với nhau có được không?

Kân Tưi mừng rỡ:

- Được, ở với bà cháu vui lắm. Cháu sẽ cố gắng nghe lời dạy dỗ của bà.

Kân Tưi yên tâm đi làm nương phát rẫy. Nhờ siêng năng cần cù của Kân Tưi nên hai bà cháu thức ăn luôn đầy đủ. Một hôm khi mùa màng đã thu hoạch xong, Kân Tưi đi bắt cá một mình ở một con sông xa. Đang hì hục bắt cá, trời lại gần tối thì thấy một tốp chàng trai đang lội sông đi đâu đó cười nói rất vui vẻ, thấy Kân Tưi tốp chàng trai bảo:

- Kân Tưi à! Đi với bọn tao.

Kân Tưi hỏi lại:

- Đi đâu vậy?

Đám con trai đáp:

- Đi sim, đi tìm người yêu, chứ đi đâu nữa.

Kân Tưi ngậm ngùi:

- Người em rách rưới thế này thì làm sao đi được.

Đám con trai nói:

- Trời ơi! Lo gì. Bọn tao có nhiều bộ khố áo đẹp lắm, cho mày mượn để mặc.

Kân Tưi nói:

- Không! Không! Em không đi đâu, các anh cứ đi đi.

Kân Tưi lặng lẽ đứng nhìn họ đi vui vẻ, chàng cũng muốn đi nhưng vì không có khố áo đàng hoàng nên đành chịu. Tối hôm đó Kân Tưi buồn không nói, không rằng, bà liền hỏi:

- Sao hôm nay cháu buồn vậy?

Kân Tưi nói:

- Không, cháu có buồn đâu! Bà đừng lo, cháu chỉ hơi mệt thôi.

Dù không nói ra nhưng bà hiểu ở với bà đã biết bao nhiêu mùa rẫy nay Kân Tưi đã trở thành một chàng trai khôn lớn, đã đến tuổi tìm cặp yêu đương. Tối hôm đó, khi chàng vừa mới chợp mắt thì ông lão xuất hiện, ông xoa đầu Kân Tưi và bảo:

- Cháu muốn đi sim không?

Trong mơ Kân Tưi trả lời:

- Dạ có.

Ông già hỏi:

- Sao cháu không đi?

Kân Tưi nói:

- Khố áo cháu thế này thì làm sao đi được hở ông.

Ông già nói:

- Không sao. Đừng ngại, cháu cứ đi đi, mỗi buổi đi sim cháu nhớ mang theo hai cục đá vàng đi nhé.

Sáng hôm sau tỉnh dậy, Kân Tưi nói với bà:

- Bà ơi, tối nay bà cho cháu đi chơi nhé.

Bà xoa đầu Kân Tưi mà nước mắt rưng rưng nói:

- Ừm, cháu cứ đi đi. Nhưng khố áo cháu thế này thì...!

Kân Tưi biết ý bà nên nói:

- Không sao đâu bà ạ, các bạn cháu sẽ cho cháu mượn.

Cả ngày hôm đó, Kân Tưi vui vẻ hẳn lên. Tối đến cơm nước xong chàng xin phép bà đi chơi và mang theo hai cục đá vàng nhỏ chờ ở bến sông hôm nọ. Một lát sau, tốp chàng trai hôm qua lại đi chơi, thấy Kân Tưi họ gọi:

- Tối nay Kân Tưi có đi sim không?

Kân Tưi nói:

- Dạ em muốn đi nhưng áo khố thế này thì làm sao mà đi được.

Bọn họ nói:

- Được rồi, bọn ta rất nhiều áo khố đẹp. Mày tha hồ mà mặc nhưng với điều kiện.

Kân Tưi nói:

- Các anh cứ nói đi, điều kiện gì em sẽ làm được hết.

Bọn họ vừa cười vừa hỏi:

- Mày hãy mang tất cả đồ đạc của bọn ta, đến đó rồi ta cho mượn.

Nói xong, bọn họ dồn hết đồ đạc cho Kân Tưi rồi chạy đi trước, còn chàng Kân Tưi tội nghiệp lẽo đẽo theo sau cùng đồ đạc nặng trĩu đầy mình. Gần đến làng của ông Koonh tao pân nha thì họ dừng lại chờ chàng và đòi:

- Đồ của bọn tao đâu? Đồ của ta đâu?

Họ vừa hỏi vừa lần lượt lôi hết đồ đạc ra, đó là những chiếc áo, chiếc khố của mình. Cuối cùng không những không cho chàng mượn mà còn ruồng rẫy chàng:

- Nghèo mà còn đòi đi sim. Thật không biết xấu hổ. Mày cứ đứng đây mà đợi rồi chờ bọn tao ra hãy về.

Nói xong bọn họ thay áo, khố đẹp và lễ vật quý rồi tranh nhau vào chòi của các cô gái. Chàng Kân Tưi đành lặng lẽ đứng chờ bên bụi chuối gần chòi của một cô gái có tên là A Nang. A Nang là con gái út của ông Koonh tao pân nha người giàu có nhất vùng. Rất nhiều chàng trai vừa đẹp vừa giàu có đến cầu hôn nhưng nàng không ưng ý. A Nang một mình ở trên chòi. Lúc này Kân Tưi đứng chờ đã lâu vừa mỏi, vừa bị muỗi đốt sực nhớ tới hai cục vàng mang theo, chàng liền lấy ra và cọ vào nhau cho ánh sáng phát ra để đuổi ruồi muỗi. A Nang đang ngồi ở trong chòi thì nghe tiếng va đập keng kéc ở bên ngoài. Nàng ló mặt ra xem thì thấy có ánh sáng đang phát ra từ bụi chuối. Nàng lẳng lặng đi ra thì thấy một chàng trai khôi ngô tuấn tú, dáng vẻ hiền lành tốt bụng nhưng áo khố thì rách tả tơi, A Nang nhẹ nhàng hỏi:

- Amiêng(1) là ai? Từ đâu tới? Đứng đây để làm gì?

Chàng Kân Tưi xấu hổ cúi mặt trả lời:

- Ta là Kân Tưi ở làng bên đứng đây chờ các bạn đi sim về.

A Nang hỏi lại:

- Sao chàng không lên chòi?

Kân Tưi nói:

- Ta thế này thì làm sao dám lên.

Đang nói chuyện thì lại bị muỗi đốt chàng Kân Tưi lại lấy hai cục vàng chạm vào nhau để đuổi muỗi. Thấy lạ, nàng A Nang hỏi:

- Chàng cầm cái gì thế?

Kân Tưi thật thà trả lời:

- Cục đá vàng gì đó ta không biết.

A Nang nói:

- Cho ta xem được không?

Kân Tưi hiền lành trả lời:

- Được chứ.

Cầm hai cục đá vàng trên tay nàng A Nang sửng sốt:

- Trời ơi! Đẹp quá. Chàng lấy ở đâu vậy?

Kân Tưi nói:

- Ở nhà bà cháu ta. Nàng ưng thì ta tặng cho.

A Nang ngạc nhiên không tin hỏi lại:

- Thật không? Có thật là tặng cho ta không? Thế bà của anh có mắng anh không?

Kân Tưi nói:

- Bà không mắng đâu, đá đó ở nhà bà ta nhiều lắm.

A Nang mừng rỡ nhận lấy quà tặng của chàng Kân Tưi và mời chàng vào nhà chòi nhưng chàng từ chối. Hai người đang bối rối thì có tiếng gọi của Pirieu pân kooi(2).

- Kân Tưi ơi! Về thôi.

A Nang vội dặn:

- Mai chàng lại đi nhé. Nhớ mang theo cái này. Đừng mang nhiều chỉ hai cục nhỏ thế này thôi.

Ngày hôm sau, khi làm xong mọi việc tối đến Kân Tưi lại xin phép bà đi chơi, chàng lại mang theo hai cục đá vàng nhỏ dấu trong mình đến điểm hẹn dù biết bọn Pirieu pân kooi lừa mình nhưng chàng vẫn ngoan ngoãn nghe lời sai bảo của họ. Đợi họ đi hết chàng lại đứng chờ bên gốc chuối, A Nang xuống mời chàng lên chòi nhưng chàng không lên chòi đó mà chỉ đứng ở phía dưới thôi. Lần này A Nang đã chuẩn bị sẵn thịt gà, cơm nếp đủ cho hai bà cháu ăn và một gùi nhỏ a choói zèng. Sợ Kân Tưi không nhận nên A Nang khôn khéo xếp dzèng khố áo mới ở phía dưới gùi, còn ít đồ cũ ở phía trên đưa cho chàng và nói:

- Chàng hãy mang về đồ áo váy cũ của ta cho bà nhé.

Kân Tưi rụt rè không dám nhận:

- Không, không. Ta không nhận đâu.

A Nang nói:

- Chàng cứ nhận đi. Chỉ là đồ cũ thôi mà. Chàng không nhận là ta buồn lắm đấy.

Sợ A Nang buồn nên Kân Tưi đành nhận nhưng trong bụng không vui. Trên đường về, thấy chàng gùi theo áo váy đã cũ kĩ bọn Pirieu pân koo chọc ghẹo:

- Sao mày lại mang về đồ cũ vậy? Xem của bọn ta này toàn là đồ mới.

Kân Tưi im lặng không nói gì, về đến nhà thấy trên lưng Kân Tưi có chiếc gùi bà lo lắng hỏi:

- Cháu gùi cái gì thế?

Kân Tưi trả lời:

- Dạ, áo váy của A Nang cho bà.

Bà nói:

- Trời ơi, A Nang là con gái của ông giàu có sao cháu lại làm quen với nó. Ông bà ấy mà biết thì bà cháu ta chết thôi. Cháu trả lại đi.

Sau khi kể lại đầu đuôi câu chuyện, hai bà cháu quyết định mở gùi ra. Thì hỡi ôi, đồ cũ chỉ là lớp mỏng bên ngoài thôi. Còn ở bên trong toàn là đồ mới quý giá lại thêm gói cơm nếp, thịt gà thơm lừng nữa. Hai bà cháu ngồi ăn nhưng lòng đầy trắc ẩn. Đã có áo khố A Nang tặng từ đó tối nào Kân Tưi cũng mạnh dạn theo các bạn đi sim. Thấy Kân Tưi có áo, khố mới bọn Pirieu Pân koo giở trò:

- Chà, hôm nay mày có áo khố đẹp quá, cho bọn ta sờ xem với.

Kân Tưi thật thà tới gần thì bị bọn chúng xúm lại cởi hết áo khố của chàng và đôi vào người chàng áo khố đã cũ của họ, vừa nói:

- Đồ Kân Tưi
akọ kụt mà đòi mặc đồ đẹp. Như bọn ta đây mới xứng đáng mặc đồ này.

Kân Tưi đành mặc vào đồ của họ và lặng lẽ đi sau cùng. Đến nơi thấy chàng mặc đồ cũ A Nang vội hỏi:

- Bộ áo khố ta cho hôm qua sao chàng không mặc.

Sợ nàng buồn, chàng nói dối:

- Đồ của nàng cho ta vẫn còn cất ở nhà mà.

Nàng lại mời chàng lên chòi chàng không chịu lên mà chỉ thích đứng dưới mấy bậc thang mà thôi. Và các tối sau đó dần dần đến tối thứ bảy chàng Kân Tưi mới chịu lên chòi của nàng A Nang. Nhưng chỉ ngồi nói chuyện khác chứ không dám ngỏ lời. Khi thấy đá vàng mà Kân Tưi mang theo tặng nàng đã đầy chiếc cà rìa. A Nang dặn Kân Tưi:

- Từ nay chàng đi chơi đừng mang theo đá vàng nữa nhé.

Kân Tưi vui vẻ đồng ý và thế là qua thời gian, họ quý mến nhau. Rồi mùa đi sim của các đôi trai gái cũng đã hết.

Một hôm ông Koonh tao pân nha(3) cho gọi mười cô con gái đến và hỏi:

- Các con đi sim đứa nào được nhận lễ vật nhiều và quý giá nhất đem đến cho cha xem.

Từ cô gái thứ nhất đến cô gái thứ chín tranh nhau đưa và khoe cho cha xem. Đứa thì vòng bạc, đứa thì chuỗi cườm, đứa thì hạt mã não và rất nhiều lễ vật quý hiếm khác nữa. Ông Tao pân nha hí hửng khen:

- Được, các con của ta giỏi lắm. Có giá lắm.

A Nang - cô gái út ngoan hiền xinh đẹp ngồi nhìn các chị mà không dám nói gì. Thấy vậy ông Tao pân nha hỏi:

- Cô gái cưng của ta. Pân nệê(4) đi sim của con là gì? Cho cha xem nào.

A Nang nhẹ nhàng lấy cà rìa đá vàng đưa cho cha và nói:

- Thưa cha, của của con đây ạ.

Ông Tao pân nha tuy giàu có nhưng không biết giá trị của vàng nên ông nghĩ rằng con gái mình cố tình che giấu của cải và chọc tức ông đây. Người ông run bắn lên quát cô gái út:

- Cái gì đây? Sao lại là đá. Đồ hư đốn. Giá của mày chỉ thế này thôi sao?

A Nang vội vàng thưa:

- Cha ơi! Đây là vàng. Một cục của nó trị giá hơn cả chục con trâu, con bò đó cha ạ.

Ông Koonh tao pân nha quát tháo ầm ĩ cả lên:

- Mày đừng nói láo. Cục đá đó thì giá trị gì. Ai đã cho mày. Thằng nào? Nói cho ta nghe.

A Nang vội nói:

- Dạ! Của chàng Kân Tưi ở làng bên cha ạ.

Nghe đến tên Kân Tưi ông lại càng tức điên tiết lên:

- Mày điên hay sao? Bao nhiêu thằng đàng hoàng giàu có mày không thích. Lại đi thích đi với thằng Kân Tưi nghèo đó. Mày không muốn bôi nhọ vào mặt cha mẹ mày à.

A Nang chỉ biết khóc lóc và van xin:

- Cha ơi. Con yêu chàng không phải vì chàng giàu có. Nhưng chàng là người hiền lành tốt bụng. Nếu không lấy được chàng thì con sẽ chết.

Nói thế nào A Nang cũng không chịu. Ông Koonh tao pân nha đành chịu. Rồi ông dặn bà vợ và chín cô con gái của mình rằng hãy lấy váy áo đã cũ rách đôi vào mặt A Nang và nói:

- Từ nay mày không còn là con gái của ta nữa. Đồ của mày đó, mày hãy cút đi. Hãy đi theo thằng Kân Tưi, đừng bao giờ quay trở lại ngôi làng này nữa. Ta không cần cục đá của mày, mang về đi để hưởng sung sướng, để rồi xem có hơn ta không?

A Nang vừa khóc vừa dọn áo váy bỏ vào gùi đã rách rồi lặng lẽ đi ra chòi. Tối hôm đó Kân Tưi lại đến. A Nang giả vờ vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra. Chờ đến giờ tan sim nàng lặng lẽ bí mật đi theo sau Kân Tưi về đến nhà của chàng. Kân Tưi bỗng nhiên quay lại để đóng cửa hang thì thấy nàng đứng trước cửa.

Kân Tưi bất ngờ kêu lên:

- Trời ơi. Sao nàng lại theo ta? Cha mẹ nàng sẽ giết chết bà cháu ta mất.

A Nang nói:

- Chàng cho ta vào nhà đi. Nếu không ta ngủ ở ngoài vậy.

Sáng hôm sau thức dậy, bà ngạc nhiên khi thấy một cô gái xinh đẹp đang ngủ với mình. Đợi khi nàng tỉnh giấc bà già giục Kân Tưi:

- Kân Tưi sao cháu lại đưa về cô gái này vậy? Cháu hãy đưa cô gái này trở về lại nhà cha mẹ cô ấy đi.

Nghe vậy A Nang liền khóc lóc:

- Bà ơi. Hãy cho cháu ở lại đây.

Bà nói:

- Cháu là con gái nhà giàu có. Cha mẹ cháu sẽ giết chết bà cháu ta ngay.

A Nang nói:

- Cha mẹ cháu và người thân đã đuổi cháu ra khỏi nhà rồi bà ạ. Từ nay....!

A Nang khóc nhiều hơn nói. Thấy thế bà lo lắng:

- Bà cháu ta nghèo thế này làm sao cháu chịu được.

A Nang nói:

- Cháu thương chàng Kân Tưi thật lòng, khổ cực bao nhiêu cháu vẫn chịu được cả bà ạ. Bà đừng lo.

Từ đó, chàng Kân Tưi và nàng A Nang thành vợ thành chồng sống yêu thương nhau hết lòng”...(5).

Qua câu chuyện này cho chúng ta thấy tục đi sim là nét văn hóa đẹp, trong sáng của người Pacô xưa. Pộôc xu là một tập tục đã có từ lâu đời của người Pacô, các chàng trai cô gái đã đến tuổi trăng tròn sau một ngày lên nương làm rẫy, đêm đêm vào mùa trăng sáng đẹp trời, họ lại nô nức rủ nhau đi sim. Đi sim để đi tìm bạn tình, đi sim tìm lời thương lời nhớ. Nơi đi sim cách làng khoảng chừng một dặm đường, ở đó có phong cảnh hữu tình, có hoa cỏ rực rỡ, ngát hương, có cây cao rợp bóng sum suê. Có con suối trong xanh chảy qua róc rách và giữa phong cảnh tuyệt diệu đó được cha mẹ của các cô gái dựng lên từng cái chòi nhỏ cao ráo, cái chòi này được người Pacô dành cho cái tên riêng biệt: Chòi A Tiêng.

Chòi A Tiêng vừa để tránh thú dữ vừa để cách âm lời tâm tình của đôi lứa ở trên cao với người ở dưới đất và Chòi A Tiêng vừa đủ cho hai người ở mà thôi.

Đi sim, thường các cô gái đi trước, họ mang theo đầy chiếc Tựp cơm nếp, thịt gà, cá nướng làm vật nhận lời. Các chàng trai theo sau mang theo chuỗi cườm, hạt ba não hay vòng bạc đồng tiền làm vật ngỏ lời. Khi các chàng trai đến nơi thì các cô gái đã ngủ trên chòi rồi nhưng họ chỉ ngủ giả vờ thôi. Các chàng trai tới không lên thẳng trên chòi mà đứng dưới chân cầu thang hát gọi:

Kăn aun ơi kăn aun

Kô tạ imo ichom tôông

Tệêt dệêt te pôông Anaang

Tệêt dệêt te pôông Anaang.

Kăn kliẹk ơi kăn klaang

Tệêt dệêt te tua Târ Đin

Tệêt dệêt te tua Târ Đin

Nghĩa là:

Kăn aun hỡi nàng ơi

Làm sao anh với được

Em như chim kakliẹc

Vời vợi trên đỉnh A Nang

Em như chim kalang

Vời vợi trên ngọn Târ Đin

               (Ta Dưr Tư viết lời và dịch)

Ở trên cao các cô gái đáp lại:

Koonh aheel ơi a moih ơi

Năm da dêệt ađơ pôông Anaang

Năm ađah ađâ tua Târ Đin

Kô patăm tâm môông ân alaang đâng xieng Tulung

Pa tieng kaàng ân zặp đâng klưưng klaang

Nghĩa là:

Koonh aheel hỡi chàng ơi

Chàng sợ đỉnh A Nang cao

Chàng ngại ngọn Târ Đin vợi

Nhắn lời yêu cùng gió

Gửi lời thương cùng trăng.

         (Ta Dưr Tư viết lời và dịch)

Cách tỏ tình của các chàng trai với các cô gái không nhất thiết phải hát mà tùy theo năng khiếu sở trường của mỗi chàng. Có chàng thì sử dụng bằng tiếng đàn abeel - âng krao, âng koái, tireel, khền, tâm preh. Có chàng thì thể hiện bằng giọng hát ngọt ngào tha thiết đến xao xuyến lòng người bằng giai điệu: Cha chấp, Xiềng, Ba bói, Phỉ ku moor và những câu đáp lại của các cô gái cũng tùy theo ý thích, sở trường của mỗi nàng. Để chiếm được cảm tình của các cô gái, các chàng trai không chỉ hát, đàn cho thật hay mà còn cố gắng thể hiện dáng vẻ, nét mặt cho thật đáng thương làm sao cho các cô gái chịu mở cửa mời chàng lên. Khi đã lên chòi rồi, chàng ngồi bên này, nàng ngồi bên kia, chính giữa là bếp lửa hồng cháy đều vừa đủ soi mặt hai người, điều này thể hiện giữa hai người vẫn còn xa lạ, họ trò chuyện nhìn nhau trong e thẹn, họ ngồi với nhau như vậy cho đến khi gần nửa đêm, cô gái mới mời chàng trai thưởng thức món cỗ mà nàng mang theo, nếu nàng cảm thấy ưng ý. Ngược lại, đến quá giờ này mà cô gái không chịu trao món cỗ tình yêu này thì đồng nghĩa với câu nói “Từ chối lời cầu hôn của chàng”. Qua bao lần thuyết phục mà trái tim của cô gái vẫn như sương lạnh thì chàng trai kém may mắn đó đành phải bỏ cuộc, lại đi sim đi tìm bạn tình mới. Còn các chàng trai được các cô gái trao cho chiếc “Tựp” từ đêm đầu tiên thì hạnh phúc vô bờ bến, tim gan của họ như muốn nhảy ra ngoài, họ như muốn kéo dài mùa trăng ra, rút ngắn mùa tối trời để sớm gặp mặt Târ Roonh (người yêu).

Từ khi họ biết nhau, hiểu nhau, tháng qua tháng, mùa tiếp mùa đi sim vẫn đều đặn. Màn đêm vừa buông xuống, ánh trăng chưa hé cười là trống tim lại rộn lên, chân vó ngựa như muốn bay thật nhanh đến nơi thung lũng có cái chòi tình yêu đang đợi, họ vẫn mang theo quà đều đặn, cùng thưởng thức món ăn mà chính tay nàng nấu nướng. Cùng ngắm nhìn những vật niệm mà chàng đeo cho nàng, cứ thế tình yêu của họ lớn dần theo mùa trăng, mỗi mùa thêm sâu nặng. Nếu như người yêu của nàng hay chàng là người giàu có khá giả, nhiều trâu bò, lắm cồng, chiêng, chum, ché, bạc tiền thì mối tình của họ dễ được cha mẹ đôi bên chấp thuận. Họ được hạnh phúc bên nhau suốt đời. Nhiều khi chàng trai hay cô gái kia là người nghèo hèn thì trái tim tình yêu của họ bị hai nhà cắt làm đôi, bao yêu thương, bao ước vọng biến thành khói bụi bay theo mây, gió chỉ còn lại giai điệu “Ba bói” nhớ thương, đau đớn da diết.

Cái hay, cái đẹp và độc đáo nhất ở tục đi sim của người Pacô xa xưa là ở chỗ, từng đôi trai gái mới lớn lên, nhựa tình yêu tràn trề sức sống, họ sống bên nhau, cùng ăn, cùng ở, cùng đắp tấm dzèng ấm cúng qua đêm trong cái chòi hoàn toàn cách biệt bên ngoài cùng với khung cảnh đầy lãng mạn trong thời gian dài như vậy. Nhưng họ chỉ trao nhau nụ hôn cháy bỏng, vòng tay êm ấm, giữ nguyên tình yêu trong sáng chứ không bao giờ vi phạm chuyện “chăn gối”. Bởi người Pacô quan niệm rằng, chuyện “chăn gối” là chuyện thiêng liêng nhất của đời người, chỉ khi nào thành vợ thành chồng họ mới dâng hiến cho nhau. Còn khi yêu nhau mà phạm chuyện đó thì thật xấu hổ, nhơ bẩn, nhục nhã, kiêng cự. Yàng sẽ trừng phạt bằng cách gây ra đau ốm, chết chóc cho gia đình, làng bản. Già làng mà biết cha mẹ, gia đình, họ tộc sẽ bị trừng phạt rất nặng, thậm chí gom hết tài sản của cả họ tộc vẫn không đủ nộp phạt. Vì thế các chàng trai cô gái đã đến tuổi vẫn đi sim thoải mái không cha mẹ nào ngăn cấm nhưng tuyệt đối không phạm tục đi sim.

Khung cảnh đi sim của ngày xa xưa ấy thật đẹp và đầy lãng mạn, từng đôi bạn tình trên từng cái chòi nhỏ họ ngồi với nhau bên ánh lửa hồng, cùng nếm vị ngọt thơm của nắm nếp, miếng cá, luồn cho nhau những chiếc vòng hẹn ước, rót cho nhau những lời ca điệu nhạc vào trái tim của nhau. Ngoài kia ánh trăng vằng vặc rọi xuống chiếu sáng bạc cả khu thung lũng tình yêu, chốc chốc lại có làn gió Tulung Tavai từ đâu bay về, chạm nhẹ vào lá cây xào xạc, vẳng từ xa là con nước đua nhau luồn qua khe đá róc rách cười đùa. Tất cả những hình ảnh, âm thanh hoang sơ tuyệt mĩ đó như muốn vỗ về, ru ngủ, nuôi dưỡng cho trái tình yêu nhanh đến độ chín muồi, cho đôi trai gái nên vợ thành chồng mãi mãi bên nhau.

Ngày nay, tục đi sim không còn nữa, nó mất dần đi bởi không còn phù hợp với lối yêu đương của thời hiện đại, nhưng những nét đẹp, thơ mộng, lãng mạn, kín đáo và đầy trong sáng ấy sẽ là một ký ức đọng mãi cho những ai đã từng nếm trải, đã từng đi qua, đã từng được nghe qua lời kể của các bậc lão làng đi qua thời con trai con gái, như muốn ôn và nhắc lại cho con cháu nghe, biết về kỷ niệm, về cuộc hành trình đi tìm bạn tình, về tục đi sim tuyệt đẹp của người Pacô xa xưa ấy.

T.N.K.P
(263/01-11)



-------------
(1) A miêng: Kiểu xưng hô là anh trong gia đình.
(2) Pirieu pân kooi: Tên của một loài chim.
(3) Koonh Tao pâr nha: Lão nhà giàu.
(4) Pân nệc: Quà của người con trai đem tặng cho người con gái khi đang yêu.
(5) Trần Nguyễn Khánh Phong, Ta Dưr Tư:
Truyện cổ Pacô. NXB Thuận Hóa, Huế, 2010, trang 81 - 103.


Các bài mới
Tình gửi cho ai (25/02/2011)
Các bài đã đăng
Xuân không mùa (25/01/2011)
Cội nguồn (24/01/2011)