Tạp chí Sông Hương - Số 263 (tháng 1)
Tìm hiểu phẩm chất đặc trưng của người trí thức Việt Nam tiêu biểu
10:04 | 10/02/2011
PHẠM THƯỜNG KHANH - PHẠM LINH THÀNHTheo tiếng Latinh, thuật ngữ intelligentia - trí thức chỉ những người có hiểu biết, có tri thức, tầng lớp xã hội này bao gồm những người chuyên lao động trí óc, có trình độ chuyên môn cao.
Tìm hiểu phẩm chất đặc trưng của người trí thức Việt Nam tiêu biểu
GS Tạ Quang Bửu - Ảnh: internet
V. I. Lênin viết, “Tôi dịch người trí thức, tầng lớp trí thức theo ngữ nghĩa Đức là Literat, Literatentum bao gồm không chỉ các nhà văn hóa học mà là tất cả những người có văn hoá, những người làm nghề tự do nói chung, những đại biểu của lao động trí óc (brain worker - như người Anh nói) để phân biệt với những đại biểu của lao động chân tay”(1). Trong Bách khoa toàn thư của Pháp, Tập X có giới thiệu khái niệm intellectuel - trí thức, như sau: “Trí thức là một phạm trù lịch sử. Ở mỗi nước khác nhau, khái niệm trí thức có khác nhau. Trong đời sống xã hội, trí thức có vị trí nhất định. Họ có thể có thái độ đơn thuần “trùm chăn”, cũng có thể tích cực dấn thân vào hoạt động chính trị. Người ta có thể nói trí thức là kỹ sư, quan chức, nhà phản biện xã hội tâm lý học, nhà hoạt động chính trị, nhà cách mạng. Trong xã hội ổn định, trí thức có thể là quan chức của chế độ hiện hành, trong xã hội khủng hoảng, họ có thể trở thành nhà lý luận cách mạng, trong xã hội buồn thảm, thậm chí họ bị coi là kẻ bung xung”(2). Từ điển Bách khoa Việt Nam định nghĩa: “Trí thức: tầng lớp xã hội làm nghề lao động trí óc, trong đó bộ phận chủ yếu là những người có học vấn cao, hiểu biết sâu rộng về chuyên môn của mình, có sáng tạo và phát minh”(3).

Ở các nước Phương Tây, người ta hay dùng thuật ngữ “người trí thức” chứ không dùng thuật ngữ “tầng lớp trí thức”. Ở nước ta, thuật ngữ “trí thức”, “tầng lớp trí thức” chỉ mới xuất hiện vào khoảng những năm 1930 cùng với sự xuất hiện thuật ngữ “giai cấp”“đấu tranh giai cấp” và do quan niệm ấu trĩ của thời đó, trí thức bị xếp vào thành phần giai cấp tiểu tư sản, với những thuộc tính trung gian, lừng chừng, dễ ngả nghiêng… Nhưng trên thực tế mấy chục năm qua, ở nước ta đã xuất hiện nhiều trí thức tiêu biểu, bằng tài năng và phẩm chất cao đẹp của mình, họ đã có những đóng góp rất quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và phát triển xã hội, được những người cùng giới và xã hội tôn vinh gọi là “sĩ phu thời nay” (sĩ phu - người trí thức có danh tiếng trong xã hội phong kiến), hoặc gọi là “kẻ sĩ thời nay” (kẻ sĩ - người có học vấn và khí tiết, “sĩ khả lục bất khả nhục”, tức là kẻ sĩ có thể giết được chứ không thể làm nhục được). Chúng tôi cho rằng những thuật ngữ này phản ánh được tài năng và phẩm chất đạo đức của người trí thức hiện đại vì nó không cần phân biệt đâu là người có bằng cấp, học hàm, học vị thực, đâu là những người tuy không có học hàm, học vị hoặc bằng cấp cao nhưng do năng lực tự học phi thường, những người này vẫn có học vấn cao, thậm chí uyên bác, vẫn có sáng kiến, phát minh và đóng góp đáng kể cho xã hội, không những thế những người này còn có khí tiết, tức là chí khí kiên cường trong việc bảo vệ giá trị và danh dự của mình. Tấm gương điển hình về khả năng tự học phi thường để có học vấn uyên bác ở nước ta phải kể đến Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Khắc Viện… Thuật ngữ này cũng nói lên rằng những trí thức tiêu biểu thời nay vẫn giữ được cốt cách, nhân cách cao đẹp của các nho sĩ, chí sĩ, sĩ phu tiêu biểu thuộc các thế hệ cha ông xưa. Tóm lại, “dù là intellectuel ở Phương Tây hay là kẻ sĩ ở Phương Đông, người trí thức ở đâu và bao giờ cũng là người có học vấn cao và có ý thức trách nhiệm sâu sắc đối với sự tiến bộ xã hội mà mình đang sống” (Phan Đình Diệu). Chúng tôi cho đây là một quan niệm đầy đủ nhất, phản ánh được cả tài năng và phẩm chất đạo đức của người trí thức hiện đại. Ở bài viết này chúng tôi chỉ đề cập về phẩm chất đặc trưng của một số trí thức tiêu biểu ở nước ta mà chúng tôi đã có dịp tìm hiểu - những người mà sự nghiệp và cuộc đời của họ đã được xã hội thừa nhận là có học vấn cao và luôn lo nước thương đời, đã cống hiến hết sức mình cho sự phát triển của đất nước. Trong số họ, có người đã từng bị quy chụp, nghi oan, bạc đãi, thiệt thòi nhưng họ vẫn một lòng vì nhân dân, vì đất nước và cuối cùng họ đều đã được phong tặng những danh hiệu cao quý.

Chúng tôi cho rằng phẩm chất đặc trưng của người trí thức tiêu biểu hiện nay là sự trung thực và dấn thân vì sự tiến bộ của xã hội. Bởi vì trong tính cách đạo đức của con người, tính trung thực và lòng dũng cảm là phẩm chất quan trọng nhất, thường được chú ý trước nhất vì nó thể hiện được tình yêu chân lý, thái độ khách quan đối với bất cứ tình thế nào, nó là biểu hiện của việc nói sự thật và là thái độ có ý thức đối với những hậu quả của sự thật, không biết sợ, tóm lại, nó gắn liền với lương tâm và là yếu tố cơ bản của nhân cách. Nói một cách cụ thể hơn, người trí thức tiêu biểu, do có học vấn cao nên họ hiểu sâu sắc quy luật của tự nhiên và xã hội, hiểu rõ những bài học của quá khứ, thấy rõ những sai lầm đương thời có thể sớm muộn dẫn đến nguy cơ cho tương lai đất nước, nên họ tự thấy phải phát biểu ý kiến và dù biết trước rằng ý kiến của mình có thể bị coi là “phạm thượng” hoặc bị quy cho là chống đối, có thể đem đến tai hoạ thì họ vẫn không thể không bộc lộ ý kiến của mình, đồng thời họ dám dấn thân, coi dấn thân là phương thức để bảo vệ lẽ phải. Họ luôn luôn có trách nhiệm cao trước cuộc đời. “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, người nho sĩ, chí sĩ, sĩ phu hay kẻ sĩ xưa và người trí thức - kẻ sĩ thời nay đều thấy mình có trách nhiệm lớn đối với sự hưng vong của dân tộc, do đó phải dấn thân vào đại cuộc, không thể đứng ngoài.

Trước đây, nhiều nho sĩ chân chính đã luôn luôn có mặt bên cạnh những người anh hùng trong các sự nghiệp giải phóng dân tộc, như Nguyễn Trãi bên cạnh Lê Lợi, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp bên cạnh Quang Trung… và một Nguyễn Hữu Huân đầy bi kịch nhưng vẫn tự giác dấn thân vì đại cuộc: “Việc lớn không thành, báo chúa cũng đành liều một chết/ Lòng ngay khó tỏ, miệng đời luống để luận trăm năm”… Thời kỳ chống thực dân Pháp, đất nước ta có Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Hữu Tước, Đặng Văn Chung, Nguyễn Văn Huyên, Lê Văn Thiêm… sẵn sàng từ bỏ cuộc sống giàu sang ở nước ngoài, theo Hồ Chí Minh về nước, dấn thân vào con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Ở Miền Nam, thời kỳ trước năm 1975 có Nguyễn An Ninh, Dương Bạch Mai, Ung Văn Khiêm, Bùi Công Trừng, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ…, những người hoàn toàn có thể có địa vị cao sang trong chính quyền thuộc địa nhưng họ đã tình nguyện từ bỏ để dấn thân vào cuộc đấu tranh chung của dân tộc. Như vậy là cái ý thức “xem mọi việc trong trời đất cũng là việc của mình” khiến cho người trí thức luôn luôn mong muốn tìm hiểu sự thật, nói lên sự thật, chỉ ra được những khiếm khuyết, sai lầm trong thực tế và họ thường có ý kiến phản biện, phê bình đồng thời dấn thân vào đại cuộc nhằm góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Nghiên cứu thân thế và sự nghiệp của một số trí thức tiêu biểu ở nước ta thấy rất rõ những phẩm chất đặc trưng này.

GS Hoàng Tụy - Ảnh: internet


1. Giáo sư, tiến sĩ Hoàng Tụy, nhà toán học lớn nhất của nước ta, một nhà toán học có tên tuổi trên thế giới, đã có những đóng góp quan trọng trong nhiều lĩnh vực toán học hiện đại và được giới toán học thế giới coi là “cha đẻ của ngành Tối ưu toàn cục”; ông không chỉ là “nhà toán học từng trải mà còn là nhà khoa học có tầm nhìn toàn cầu”, “một trong những nhà toán học xuất sắc của thời đại chúng ta”, “đang tiếp tục ảnh hưởng đến Việt Nam, châu Á và thế giới thông qua khả năng xuất chúng cũng như nhân cách nồng hậu của mình”. Có thể nói trong cuộc đời và sự nghiệp của nhà trí thức lớn này, ngoài những tài năng mà ông cống hiến cho nền toán học nước nhà và nền toán học thế giới, ta có thể thấy được thật rõ nét nhân cách cao đẹp của ông.

Vào năm 1963, trong khi ông cùng nhà toán học Lê Văn Thiêm triển khai và thực hiện hàng loạt chủ trương bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ giảng dạy, thành lập Hội Toán, chấn chỉnh thi cử, tổ chức các hội nghị khoa học, mở lớp toán đặc biệt cho những học sinh có năng khiếu... ở Khoa Toán Đại học Tổng hợp, đang thu được những kết quả (mà chuyên gia nước ngoài ngạc nhiên), thì một số người, do ghen ghét đố kỵ đã tố cáo các ông là “chèn ép công nông”, “thiên tài chủ nghĩa”, “coi nhẹ chính trị”. Thời kỳ này, trong nhóm lãnh đạo đại học, có ông Tạ Quang Bửu là người ủng hộ các ông về những việc làm đó nhưng ông Bửu bị cô lập. Trong 5 năm liền, Hoàng Tụy và nhà toán học Lê Văn Thiêm phải sống trong bầu không khí ngột ngạt, căng thẳng, ban ngày dạy học còn ban đêm chong đèn ngồi viết hết bản kiểm điểm này đến bản kiểm điểm khác. Hàng trăm buổi kiểm điểm nặng nề làm cho các ông kiệt quệ, không thể nghiên cứu khoa học và không thể ở lại Đại học Tổng hợp, phải chuyển qua Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước. Mặc dù bị đối xử như vậy song Giáo sư Hoàng Tụy vẫn một nỗi niềm đau đáu về sự tiến bộ xã hội, vì sự phát triển của đất nước. “Món nợ lớn nhất tôi chưa trả được có liên quan đến việc ứng dụng lý thuyết tối ưu là ngành tôi đã góp sức xây dựng và đang có nhiều ứng dụng quan trọng trên thế giới” (Trò chuyện với Tiến sĩ khoa học Nguyễn Xuân Xanh). Ông còn quan tâm đến chính trị, xã hội và giáo dục. Vào giữa những năm 1980, ông đã bắt đầu lên tiếng về sự khủng hoảng toàn diện của đất nước và đến giữa những năm 1990 trở đi ông mới có nhiều cơ hội phát biểu và dấn thân tích cực hơn vào cuộc đấu tranh chấn hưng nền giáo dục nước nhà. Ông viết với tất cả trái tim và với sự hiểu biết uyên bác về giáo dục thế giới mà ông thu thập được từ những chuyến làm việc ở nước ngoài. Tiếng nói của ông ngày càng quyết liệt mạnh mẽ mà cao điểm nỗ lực của ông là “Bản kiến nghị về chấn hưng, cải cách và hiện đại hoá giáo dục” của ông và 23 trí thức Việt Nam trong và ngoài nước, ngày 5/7/2004. Có thể nói, ông là nhà trí thức tiêu biểu, “một bậc sĩ phu thời nay”.

BS Nguyễn Khắc Viện - Ảnh: internet

2. Một trí thức tiêu biểu của nước ta là Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, từng làm Giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn (nay là Nhà xuất bản Thế giới), kiêm Tổng biên tập hai tờ báo ngoại văn lớn của nước ta; người từng dịch Truyện Kiều ra tiếng Pháp thành công nhất, được Nhà nước Pháp công nhận là dịch giả lỗi lạc, cũng là người có đời sống giản dị, liêm khiết. Có thể nói, giới trí thức nước ta ở lĩnh vực văn hoá, khoa học xã hội nhân văn đều kính trọng ông về học vấn uyên bác và đức tính dũng cảm kiên cường, coi ông như một sĩ phu, một kẻ sĩ thời nay. Ông từng viết thư cho Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh yêu cầu Đảng trọng dụng một số cán bộ được nhân dân mến mộ và rộng lượng đối với một số cán bộ khác đã công khai và thẳng thắn vì đất nước mà đã từng trình bày ý kiến của mình trái với ý kiến của lãnh đạo. Ông là người trí thức đầu tiên ở nước ta dám nói thẳng rằng nước ta chưa có truyền thống dân chủ, rằng muốn đổi mới một cách thực sự thì phải đề cao dân chủ và khoa học, rằng phải tập sống dân chủ. Ông là người đọc bản tham luận nổi tiếng tại cuộc gặp mặt giữa Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh với 100 văn nghệ sĩ ngày 6 và 7/10/1987, yêu cầu cởi trói cho văn nghệ, yêu cầu xem xét lại các vụ án văn học và thường viết thư, viết báo góp ý cho Đảng một số vấn đề về tổ chức, về phương thức lãnh đạo, về cách quản lý. Đặc biệt là trong thời gian chuẩn bị Đại hội VII, ông đã viết thư gởi ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, góp ý cho Đảng về các văn kiện dự thảo và gửi lên Quốc Hội một bản kiến nghị (bản điều trần 7 điểm) nhằm cải thiện tình hình đất nước lúc đó có dấu hiệu khủng hoảng. Không ngờ rằng có người lãnh đạo đã đáp lại bằng cách phê phán ông trong một số hội nghị học tập nghị quyết và xếp ông vào loại “trí thức có vấn đề cần phải cảnh giác”, tuy nhiên, ông không hề nao núng.

Nguyễn Khắc Viện còn là một trí thức có trái tim thương nước lo đời Năm 1992, khi nhận Giải thưởng lớn của Chính phủ Pháp khoảng 80.000 USD, ông đã tặng hết số tiền này cho Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em. Có thể nói, suốt đời Nguyễn Khắc Viện phải trả giá cho sự dấn thân quyết liệt của mình. Với kẻ thù thực dân Pháp thì ông bị chúng truy lùng, nên nhiều năm phải sống chui lủi rồi bị trục xuất ra khỏi Pháp do những hoạt động chống lại nhà cầm quyền; trong nội bộ, trong hàng ngũ của mình thì ông bị một số người bảo thủ, cơ hội nghi kỵ, đả kích vì chính kiến của ông trái với quan niệm và mong muốn của họ. Có thể nói thái độ trung thực, dũng cảm dám nói thẳng những suy nghĩ, những chính kiến độc đáo của mình trước những vấn đề trọng đại có liên quan đến vận mệnh đất nước trong nhiều năm dài của một thời kỳ đầy biến động gay gắt của dân tộc, là sự dấn thân quyết liệt của Nguyễn Khắc Viện. Nhưng cuối cùng thì sự đả kích, bôi xấu dạo ấy cũng như những đám mây đen trôi qua. Tổng bí thư Đỗ Mười đã đến thăm ông, hoan nghênh những đóng góp của ông và hứa giải toả những dư luận sai lầm về ông; Chủ tịch nước cũng đã trao tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học nghệ thuật và Huân chương Độc lập hạng nhất cho ông. Dấn thân vào sự nghiệp chung dù phải chịu oan khuất, thiệt thòi, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã tiếp nối một cách xứng đáng truyền thống cương trực “trung quân ái quốc”, lo nước thương đời của các kẻ sĩ, sĩ phu trong lịch sử nước ta.

Nhà thơ Lê Đạt - Ảnh: internet

3. Nhà thơ Lê Đạt - một trong những chủ soái của Nhân văn Giai phẩm, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật - cũng được giới trí thức nước ta suy tôn là một kẻ sĩ hiện đại.Trong quá trình tìm hiểu nhà trí thức này, tôi thật sự bất ngờ vì được biết ông đã từng là phái viên của cố Tổng Bí thư Trường Chinh từ năm 1949, khi ông 20 tuổi, từng được phái từ Ban Tuyên huấn sang Hội Văn nghệ làm trợ lý cho nhà thơ Tố Hữu và là người khởi xướng ra cuộc tranh luận về thơ không vần của Nguyễn Đình Thi... Nhưng sau vụ “Nhân văn - Giai phẩm”, ông bị đưa ra khỏi biên chế, không còn bất cứ một chế độ gì, phải sống bằng nghề dịch sách nhưng phải giấu tên tuổi; nhà riêng phải đóng cửa im ỉm suốt ngày. Ông phải sống như người xa xứ trên quê hương mình: “Làm sao có thể tưởng tượng được mình đang là người tử tế thế này, một buổi sáng thức dậy, bỗng nhiên trở thành thằng hủi, bạn bè hôm qua tay bắt mặt mừng, hôm nay nhìn thấy mình đi bên này là phải đổi sang vỉa hè bên kia. Kinh khủng lắm...” (Trả lời phỏng vấn các phương tiện truyền thông nhân dịp nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật). Vậy mà người trí thức này đã nhẫn chịu và trong tâm ông vẫn một nỗi niềm đau đáu với sự nghiệp cách tân thơ, với văn hoá dân tộc.

Trong mấy chục năm bị ngờ vực và phong tỏa, ông đã tìm đến sách như tìm đến những người bạn tử tế, trường kỳ và tận tụy. Ông đắm mình trong kho tàng trí tuệ lớn của nhân loại, chiếm lĩnh nó, phát hiện và chuyển tải đến chúng ta tư duy tươi mới của vật lý học hiện đại “Một trong những tiến bộ đáng nể nhất của tư duy hiện đại là đã vượt qua thời nguyên lý loại trừ bước sang kỷ nguyên của nguyên lý bổ sung. Nguyên lý loại trừ có một sức ỳ thâm căn cố đế vì nó đã chế ngự tư duy nhân loại đằng đẵng hàng nghìn năm trời. Nguyên lý bổ sung của Bohr và đôi bạn đồng hành nguyên lý bất định của Heisenberg và nguyên lý bất toàn của Godel hoạt động như bộ ba “ngự lâm quân pháo thủ” của tư duy hiện đại, vận hành vế thứ ba: cái khác. Cách xử sự của nó là đối thoại. Phong thái của nó là cởi mở, dung nhận, thực sự cầu thị, bình đẳng và đoàn kết. Nó phủ - nhận mọi chân lý độc tôn, tất định. Xây dựng một nền văn hóa đối thoại hết sức bức thiết nhưng cũng trường kỳ khó khăn vì loài người sống quá lâu năm trong thói quen độc thoại. Nó như một bóng ma bất đắc kỳ tử luôn luôn ám ảnh hành trình đối thoại của loài người” (Đối thoại với đời và thơ, tr.83). Có thể nói, sự nhẫn chịu của ông, như một số nhà văn hoá đã đánh giá, là sự nhẫn chịu một cách hiền triết, có bóng dáng như sự nhẫn chịu của Ức Trai tiên sinh khi xưa. Gần nửa thế kỷ phải chịu đựng nhiều khốn khó, đầy tai ương và sự ghẻ lạnh, bạc đãi của cuộc đời vẫn không thể làm mất đi chất trí tuệ, trữ tình, uyên bác của ông. Ông lấy lại được sự thăng bằng qua giông bão để luôn luôn tỉnh táo sáng suốt, học tập và tu luyện, suốt đời không tiếc sức cho sự nghiệp cách tân thơ, và vẫn tiếp tục cống hiến trí tuệ cho xã hội cho đến khi mất.

*

Trở lại lịch sử cách mạng nước ta, ngay từ giai đoạn đầu trứng nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã lôi cuốn, thu phục nhiều nhà trí thức làm cách mạng chuyên nghiệp như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Hiến, Trần Văn Giàu, Nguyễn Khánh Toàn, Bùi Công Trừng, Trần Huy Liệu… Khi giành được chính quyền, Hồ Chí Minh đã mời các nhân sĩ trí thức cũ tham gia chính quyền như cụ Huỳnh Thúc Kháng, các ông Phan Anh, Vũ Đình Hoè, Nguyễn Văn Tố… và thu hút, mời gọi các trí thức được đào tạo từ nước ngoài về như Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Hữu Tước, Trần Đức Thảo, Lê Văn Thiêm… Có khá nhiều câu chuyện cảm động về mối quan hệ thân thiết, về sự cầu thị của vị lãnh tụ tối cao đối với các trí thức. Người đã lắng nghe ý kiến phản biện rất thẳng thắn và quyết liệt về chính sách của Đảng và Nhà nước, những dự báo và cảnh báo về nguy cơ suy thoái của một đảng và nhà nước cầm quyền từ phía Gs. Hoàng Xuân Hãn, từ Ts. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường… và các trí thức nổi tiếng này vô cùng nể trọng thái độ thân tình và thật sự cầu thị của Người. Sau này Đảng ta cũng đã ban hành “Chính sách của Đảng Lao động Việt Nam đối với trí thức”, công bố ngày 29/8/1957, nêu rõ: “Trí thức là vốn quý của dân tộc. Không có trí thức hợp tác với công nông thì cách mạng không thể thành công và sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam mới không thể hoàn thành được”. Tuy nhiên, trên thực tế cũng đã có những sự kiện đáng tiếc đối với trí thức nước ta trong điều kiện Đảng cầm quyền, đó là vụ “Nhân văn Giai phẩm” và một số vụ đáng tiếc đối với một số trí thức nổi tiếng khác mà gần đây Đảng và Nhà nước ta đã sửa sai (Trao giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học cho Giáo sư toán học Lê Văn Thiêm và Giáo sư triết học Trần Đức Thảo; trao Giải thưởng Nhà nước về khoa học và tặng Huân chương Độc lập hạng nhất cho bác sĩ Nguyễn Khắc Viện; trao giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho ba vị chủ soái của Nhân Văn Giai Phẩm là nhà thơ Lê Đạt, nhà thơ Trần Dần và nhà thơ Hoàng Cầm cùng với những trí thức nổi tiếng khác, về những đóng góp to lớn của họ cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc).

Như vậy có thể thấy rõ rằng bản chất của trí thức là tính độc lập sáng tạo rất cao. Người trí thức không lệ thuộc vào những hiểu biết cũ, giáo điều mà còn vượt lên cái cũ để sáng tạo nên những tri thức mới, tiên tiến. Ý kiến của trí thức vì vậy có tính phản biện cao và tính trung thực, dũng cảm, luôn dấn thân vì sự tiến bộ xã hội là phẩm chất đặc trưng của họ. Vì vậy trong công tác lãnh đạo, người lãnh đạo phải thực sự cầu thị, phải tôn trọng tính độc lập của trí thức, coi trọng ý kiến đóng góp của trí thức đồng thời phải có tinh thần bao dung, tránh định kiến, hẹp hòi, đố kỵ. Mặt khác những người lãnh đạo cũng phải phấn đấu tự mình trở thành trí thức, như Hồ Chí Minh đã từng nói: “Công nông trí thức hóa”, hoặc nói như nhà chính trị - nhà vănhoá Trần Bạch Đằng, “người cộng sản phải hoá thân thành người trí thức, thành người khoa học” (Khoa học và sự hóa thân của người cộng sản - Tạp chí Tổ quốc) mới có thể gánh vác và hoàn thành tốt sứ mạng của mình trong thời đại tri thức ngày nay. Đảng phải phấn đấu thành một Đảng trí thức, tôn trọng tính độc lập, tôn trọng những cái khác trong những ý kiến của trí thức với thái độ cởi mở, bao dung, cầu thị, bình đẳng. Về phía trí thức, ngoài việc không ngừng nâng cao học vấn, bồi đắp tài năng, phải luôn luôn đề cao tính trung thực, dũng cảm và dám dấn thân vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

10/2010
P.T.K - P.L.T
(263/01-11)


-------------
(1) Lênin toàn tập - Tập 8, tr 39, bản tiếng Nga
(2) Dẫn theo Phạm Tất Dong, Chương trình khoa học – xã hội; Đề tài khoa học xã hội - 03-09, 1999, tr 5
(3) NXB Từ điển Bách khoa. Hà Nội năm 2005, tr 582






Các bài mới
Tình gửi cho ai (25/02/2011)
Các bài đã đăng
Xuân không mùa (25/01/2011)