Tạp chí Sông Hương - Số 11 (T.1&2-1985)
Câu chuyện ở một ngã ba
14:45 | 21/01/2011
THÁI NGỌC SANSau khi trở về quê cũ một thời gian bà Phán trở thành trung tâm chú ý của mọi người. Trước hết là bọn con nít. Chúng cứ hô váng lên “mệ Phán muôn năm” mỗi khi bà mua kẹo vung vãi cho chúng.
Câu chuyện ở một ngã ba
Minh họa: Bửu Chỉ
Dân kẻ chợ, hàng quán thì lại khoái bà cái khoản nói vè, chưởi đổng - những bài vè phần lớn do bà ứng tác. Còn một số người khác nói chung cũng rất bằng lòng với những mâm cổ kỵ linh đình như tế làng bà thường tổ chức mỗi khi đi nhận hàng của con cái gởi về.

Câu chuyện mới nhất được truyền tụng là chuyến đi bốc mộ ông Phán từ thành phố Hồ Chí Minh về. Chuyến đi ấy bà nhờ ông bạn tôi, người cùng quê, nhân dịp nghỉ hè, đi tháp tùng. Ông bạn của tôi nhận lời vì vừa có một chuyến đi không mất tiền, vừa có một khoản “thù lao” cải thiện cho vợ con. Chuyện bốc hài cốt cũng khá rắc rối, tuy vậy, vì bà có tiền nên đâu cũng vào đó, người tháp tùng của bà chỉ làm mỗi một việc là cặp kè cái túi xách du lịch một cách hết sức cẩn thận. Nhưng chuyện người ta kháo nhau không phải là chuyện ấy mà là chuyện bên lề của nó. Ông bạn của tôi kể rằng, không hiểu vì sao trong chuyến đi vào, khi qua Nha Trang, bà già đùng đùng tuyên bố nghỉ lại tắm biển. Một bà già gần tám mươi tuổi mà đi tắm biển thì đã là lạ lắm rồi. Thế nhưng, chẳng những bà tắm thật, mà còn kéo theo cả một thợ chụp ảnh chụp cho bà đủ các kiểu. Những tấm ảnh trông giống như những trích đoạn quảng cáo của một cuốn phim trào lộng châm biếm thế kỷ trước. Trong số ảnh trên chỉ có một tấm khá nghiêm túc. Bức ảnh này chụp bà già đứng bên chiếc xích lô, mặc áo dài gấm, tay đưa cao theo kiểu chào của các vị nguyên thủ quốc gia chào quốc dân đồng bào. Sau lưng là bãi biển Nha Trang nhộn nhịp mùa hè. Dưới tấm ảnh này có ghi một câu phụ đề của ông bạn tôi nhại lời một bài hát: “Biển một bên và … mệ một bên”. Những tấm ảnh đó hiện còn lưu trữ trong bộ sưu tập lưu động của các hàng quán ở ngã ba. Riêng ông bạn thân mến của tôi anh sao y một bộ, không biết để làm kỷ niệm chuyến đi hay là để phòng hờ về sau ngã giá với con cái bà? Điều này tôi không rõ lắm.

Chỉ có những lúc trở trời hoặc chợt nổi cơn buồn phiền nào đó bà Phán mới trông đến tàn tạ héo hắt. Bấy giờ dấu vết của tuổi tám mươi mới in hằn lên khuôn mặt luôn luôn quết phấn trắng bong kiểu các bà đồng cốt. Những lúc ấy bà thường đến ngồi ở mái hiên sau nhà ông bạn tôi nhìn vào làng, nơi đó có căn nhà cũ của bà, nay là cửa hàng hợp tác, ngâm những câu kiều chắp đoạn với cái giọng khàn khàn đục đục buồn thê thiết.

Bây giờ bèo dạt mây tan

Biết đâu hạc nội chim ngàn là đâu


Bao giờ bà cũng bắt đầu hoặc kết thúc bằng hai câu đó. Mẹ của ông bạn tôi nói rằng những lúc ấy bà cũng muốn khóc theo bà Phán.

***

Tôi nghiệm rằng những ngã ba thường là tụ điểm của những xung đột mang tính chất thời sự, những biến đổi xã hội thường trực. Ở đây, vì có một lối bị tắc, khác với ngã tư, nên thường phát sinh những sự bung phá. Bởi vậy tên của các ngã ba thường gợi cho người ta những kích thích tò mò. Thí dụ “ngã ba chú Ía” chẳng hạn. Tóm lại ở đó thường xuất hiện những nhân vật “thời danh” đủ các loại. Ngã ba, làng của ông bạn tôi cũng vậy, dù nó có một cái tên rất hay ho là Thanh Bình, nó cũng mang đầy đủ tính cách đặc thù của phong thổ. Ở đây, ngoài bà Phán còn có cả hàng loạt “danh nhân” kiểu khác, trong đó phải kể đến bác Năm hớt tóc, kẻ - thù - truyền - kiếp của bà Phán, nguyên là một danh thủ bóng đá. Người ta nói rằng, sở dĩ bà Phán ít vào trong làng một phần vì phải sợ đi qua quán hớt tóc của bác Năm án ngữ ngay đầu cửa ngõ. Mối xung khắc hằn thù có đâu từ mấy chục năm về trước.

Nơi đây trước kia rất hiu quạnh, tre mọc um tùm hai bên đường che kín thành một cái vòm hun hút. Từ khi chiến tranh bộc phát, Mỹ xây dựng các căn cứ quân sự chiến lược chung quanh, vùng ngã ba bắt đầu sầm uất. Đầu tiên là một trạm gác quân sự được cắm ngay ở ngã rẽ với một cái ba-ri-e chắn ngang đường quốc lộ. Sau đó người trong làng đổ ra và dân tứ xứ tấp đến dựng lên các hàng quán như một thị trấn nhỏ bao kín mặt tiền của làng. Những vòm tre um tùm được phát quang như những đầu tóc mới được cắt phía trên chụp cái mũ lục lăng trái ấu. Một thời gian ngắn sau ngày giải phóng vùng ngã ba trở lại tiêu điều do một số chủ nhân cũ của nó bỏ đi. Rồi cuộc sống dần dần bắt nhịp trở lại với những chủ nhân mới. Cái ba-ri-e vẫn được giữ lại, nhưng trạm gác quân sự được thay bằng trạm thuế công thương nghiệp. Hàng quán lại hoạt động. Có lúc nó giống như một cái thị trấn đồ nhôm - với những soong nồi, thau chậu chất từng chồng cao ngất san sát dọc lề đường. Có thời đồ nhựa, rồi khung xe đạp, cau khô… Tóm lại, nó giống như một cái túi chứa những chất pha tạp thường xuyên đấu vật nhau để tồn tại. Bây giờ đây mọi thứ đã lắng xuống với những trật tự mới của nó.

Từ điểm nối của ngã ba có một con đường đất nhỏ chạy vào làng: Đó vừa là cửa ngõ vừa là con đường chính. Cách cửa ngõ vài chục thước là căn nhà cũ của bà Phán, nay là cửa hàng hợp tác xã mua bán. Căn nhà cũ như một cái phủ đã được tu sửa lại theo kiểu mới vừa rộng vừa khang trang, với cái sân gạch vừa đủ cho bọn trẻ làm sân banh. Đi sâu hơn nữa là cánh đồng; ở đó nổi lên khu nghĩa địa với phần mộ gia tộc ông Phán nằm ở trung tâm, được tách biệt bằng một bức tường thành kiên cố, có cái cổng vòm được hai con kỳ lân trợn mắt phun lửa canh giữ.

Dân ở đây ai cũng biết bà, có người gọi là bà Phán, có người gọi mệ Phán, cô Phán hoặc mụ Phán … Cách gọi có thể do thói quen, cũng có thể xuất phát từ các mối quan hệ xã hội. Chỉ có bác Năm hớt tóc, con của ông Trùm Khâu, anh em chú bác với ông Phán, luôn luôn thêm loại từ “cái” ở đàng đầu: cái-con-mụ-Phán. Dĩ nhiên những cách gọi này mới có công khai từ mấy chục năm nay, nhất là từ sau ngày giải phóng. Thời ông Phán còn sống, lúc chiếc xe kéo của ông còn vô ra cổng Tam Tòa ít có người dám công khai xúc phạm vợ chồng ông. Ngoại trừ ông Trùm Khâu. Ông Trùm gọi ông Phán là “thằng bợ đít Tây”. Còn ông Phán chỉ thiếu điều là dí ông Trùm Khâu xuống dưới ba thước đất thôi. Nghiệm ra cũng là lẽ thường tình, vì giữa một người giàu nứt đố đổ vách với một kẻ cùng đinh áo ôm mà lại cùng chung một họ làm sao có sự hòa hợp được. Trong khi cơ ngơi ông Phán mỗi ngày một trương phình ra, thì gia sản ông Trùm mỗi lúc một teo tóp lại, đã khiến cho ông Trùm, một ngày kia, tức khí bán luôn cả ba sào ruộng nằm cạnh cánh đồng mấy mẫu của ông Phán, khoác khăn gói lên một làng xa tít bên kia sông học nghề thợ đúc. Sau đó ông trở thành một thợ đúc giỏi và cũng từ đó gia đình ông vĩnh biệt nghề nông. Đến nay thỉnh thoảng dân làng vẫn còn kể lại hai câu chuyện của ông Trùm Khâu bêu riếu vợ chồng ông Phán. Chuyện thứ nhất xảy ra vào đêm cưới vợ chồng ông Phán. Sở dĩ đám cưới ông Phán, một người quyền thế nhất làng, phải tổ chức vào ban đêm vì bà Phán lỡ mang bầu trước, bụng đã phình ra không thể che dấu được. Đêm đó khi bà con hai họ đã tề tựu đông đủ, bỗng nhiên ngoài cổng vang rộn lên tiếng phèng la inh ỏi như báo động nhà cháy. Cả làng xúm tới đông nghẹt. Thế là hôm sau từ đầu cầu đến cuối chợ người ta chỉ bình luận về mỗi cái bụng của bà Phán. Bà Phán nguyên là một nữ sinh nhan sắc và đa tình nổi tiếng, cũng con nhà gia thế. Sau vụ đó một đêm đống rơm trước nhà ông Trùm Khâu bốc cháy, cũng may là chưa kịp lây lan vào nhà. Tất nhiên là do ông Phán cho người đốt. Chuyện thứ hai xảy ra cách đó chục năm sau, khi ông Phán vừa sắm được chiếc xe kéo - chiếc xe kéo độc nhất trong vùng. Một đêm biết vợ chồng ông Phán đi chơi khuya, ông Trùm Khâu đã đóng cọc và giăng một sợi dây ngang đường chỗ tối nhất ở ngã rẽ. Sợi dây đã làm vợ chồng ông Phán bị hất xuống vũng trâu đằm bùn bê bết từ đầu đến chân. Vụ này làm ông Phán lồng lộn lên như điên. Mấy ngày sau ông kéo cả một trung đội lê dương về làng càn quét bắt đi năm người “tình nghi Việt Minh”, trong đó có ông Trùm Khâu, lên giam ở Mang Cá ba tháng. Sau chuyện này ông Trùm Khâu mang bệnh, phải bỏ nghề thợ đúc. Ông đã chết trước ông Phán một năm.


Bác Năm hớt tóc có vóc dáng của một bức tượng đồng đen. Cuộc đời của bác cũng khá ly kỳ. Năm mười lăm tuổi ông Trùm không thể mang con đi học nghề thợ đúc bèn gởi cho một người bạn hớt tóc bên cầu. Một năm sau con thành nghề, ông Trùm sắm cho con bộ dao kéo và cái thùng gỗ. Thế là chú bé thành anh chàng thợ hớt tóc dạo. Ban đầu chú còn quanh quẩn trong làng, lần hồi mò dần ra thành phố. Ở thành phố mặc dù lúc bấy giờ các tiệm chưa nhiều nhưng cái thùng gỗ của cậu thiếu niên nhà quê thì chẳng thu hút được mấy khách hàng. Nhưng bù lại cậu biết thêm được nhiều điều mà từ cha sinh mẹ đẻ ra cậu chưa biết, trong đó có một sự đặc biệt thu hút cậu một cách mãnh liệt: Đó là trái banh da. Thực ra hồi ở quê cậu cũng có biết nó nhưng chỉ qua những tàu lá chuối khô quấn lại đá xền xệt trong các bãi ruộng. Bởi vậy ngày nào cậu cũng cứ lân la chỗ cột cờ đến tối mịt mới về nhà. Suốt cả mấy tháng trời cậu bé nhút nhát nhà quê cứ ngồi yên một chỗ trên cái thùng gỗ dưới gốc cây xà cừ nhìn say sưa trái bóng lăn giữa sân. Nỗi sung sướng nhất đời của cậu là vào những giờ giải lao ngắn ngủi của các đội bóng. Lúc đó cậu hết cả nhút nhát, bỏ mặc cái thùng gỗ lăn lóc, lao vào sân. Và trái bánh da như thể tìm được người bạn chí cốt cứ dính kết với cái chân hơi vòng kiềng của cậu. Lần hồi một đội bóng phát hiện ra tài năng bẩm sinh của cậu bé, cho cậu tập dợt và đá thử một vài hiệp. Đến khi các đội bóng đầu tiên của thành phố được thành lập cậu bé hớt tóc nghiễm nhiên trở thành một trung phong nổi tiếng mang áo số 10, biệt danh là Năm - vòng kiềng. Đội bóng sau này nổi tiếng một thời có thể đá ngang ngửa với bất cứ một đội nào ở miền Nam. Bây giờ bác Năm là một lao động mẫu mực, thầm lặng với công việc của mình và không từ chối bất cứ công việc gì ở địa phương.

Tôi gặp bác Năm hớt tóc lần đầu nhân một trận bóng đá chân đất tranh giải của thành phố tại sân vận động ngã ba. Cái vạt ruộng hương khói chỗ có vũng trâu đằm trước nhà bà Phán nay trở thành một sân vận động cơ sở lớn nhất. Trận bóng hôm đó đã làm bác Năm sướng điên người vì cú sút thời danh bằng má chân trái của bác đã được kế tục bởi đứa con bác, cũng là trung phong mang áo số 10 nổi tiếng vì đã ghi một bàn thắng quyết định cho đội nhà. Bóng đá, dầu đã làm cho cái chân trái vòng kiềng của bác bị thương tật cả đời vẫn là niềm say mê tuyệt đối của bác Năm. Bởi vậy buổi chiều hôm đó, sau trận đấu, tôi và anh bạn tôi được khao mấy “xị” mừng thắng lợi. Đang hưng phấn với niềm vui tràn trề như thế bỗng nhiên bác Năm khựng lại, khuôn mặt đồng đen của bác hằn lên những đường nhăn to tướng khi nghe tôi hỏi về bà Phán.

- Cái con mụ trời đánh thánh vật đó à? Quỷ tha ma bắt mụ ta đi mô cho khuất. Tui mà có quyền ở đây tui giăng mụ ta ra giữa chợ mà đánh cho chừa…

Dĩ nhiên tôi không muốn nghe những lời nguyền rủa như thế. Tôi đành nói lãng sang chuyện khác để bớt cơn nộ khí của bác Năm. Hồi ấy tôi chưa gặp bà Phán, chỉ mới nghe kể lại qua ông bạn của tôi.

***

Chuyện trở về quê cũ của bà Phán làm nhiều người ngạc nhiên. Trong khi những người như bà tìm mọi cách ra đi thì bà lại trở lại. Bà chẳng còn gì ở đây. Căn nhà cũ của ông Phán từ hai chục năm trước đã đứng tên người con trưởng. Y là một trung tá hải quân, ngụy, căn nhà chỉ để thỉnh thoảng y tụ tập chè chén chơi bời với đám thuộc hạ. Ngay cả vợ con y cũng ở thành phố, chỉ về làng những khi chạp giỗ. Còn bà Phán cũng rời làng ra đi từ hơn mười năm trước giải phóng, ở với người con gái út. Ngày giải phóng người con trai trưởng và cô gái út đã xuống tàu sang Mỹ. Năm người con nữa, của bà đều là trai đang ở Pháp. Những người này nghe nói học hành đỗ đạt đàng hoàng. Người ta kể rằng khi xuống tàu người con gái út cố kéo bà đi nhưng bà dứt khoát không đi. “Đi làm c. Chi bên ấy”. Bây giờ thỉnh thoảng bà vẫn nhắc lại câu ấy. Như vậy hiện nay ngoài phần mộ gia tộc của ông Phán bà chẳng còn gì ở đây. Vậy vì sao bà trở lại? Chẳng lẽ vì tiếc nuối căn nhà cũ hay là muốn níu kéo lại thời vàng son đã mất? Căn nhà cũ so với gia tài của bà thì đáng là bao, còn thời vàng son thì làm sao bà có thể kéo lại được? Với lại nó đã chấm dứt từ lâu lắm rồi, còn chăng chỉ là cái tên gọi chẳng ai buồn đổi làm gì.

Bà Phán trở lại, và dứt khoát sống với vùng đất cũ. Thời gian đầu bà còn lẫn khuất như cái bóng, sống rày chỗ này, mai chỗ kia, trong những nhà quen biết ở ngã ba. Đặc biệt người ta ít thấy bà vào trong làng và cứ mỗi lần đi qua cửa ngõ con đường đất, nơi quán hớt tóc của bác Năm, bà như thể bị ma đuổi, cái bóng già khọm của bà biến đi thật nhanh. Thời gian này bà như một người già tội nghiệp cho nên dù trước kia có nhiều người căm ghét bà, thậm chí cũng có người khi thấy bà về nghi bà là gián điệp cài lại, dần dần người ta cũng vơi quên.

Cho đến một ngày kia, khi cuộc sống đã qua đi những biến động của buổi giao thời, bỗng nhiên bà Phán trở chứng. Bắt đầu từ chuyện Ủy ban xã mời bà đến trụ sở có ý để lại cho bà một góc căn nhà cũ nếu bà đồng ý. Bà già chẳng nói chẳng rằng ngoe nguẩy bỏ đi. Ra đến đường bà cất tiếng chửi đổng: “Nhà mệ, mệ ở! Lấy của mệ, mệ cho! Mệ thèm của bố thí!” Rồi bà cứ đi càm ràm khắp ngã ba.

Lập tức lời tuyên bố trên được truyền đi rất nhanh. Trong các hàng quán người ta khuếch đại nhiều chi tiết thành ra một sự kiện thời sự nóng bỏng.

Kể từ đấy bà Phán bắt đầu xuất hiện trước đám đông. Bà khác hẳn đi như một người khác, giống như một mụ phù thủy sau thời kỳ luyện phép bắt đầu vung vẫy các trò pháp thuật. Thời gian này bà cũng đi luôn, cứ vài tháng vào thành phố Hồ Chí Minh một lần, chắc là đi nhận quà của các con gửi về. Mỗi lần như thế trở về bà vung tiền ra như nước với những trò kỳ quặc.

Chuyện bà Phán gây ồn ào nhất là chuyện cái quán tre bán đũa quạt. Đũa quạt nói trái lại là đoạt của! Không biết do ai xúi hay tự bà nghĩ ra, bà bỏ tiền mua một khoảnh hồ rau muống bên đường, sau lưng trạm thuế, đối diện với Ủy ban xã, thuê người đổ đất và dựng quán. Cái quán chỉ bằng cái quán hớt tóc của bác Năm nhưng bà làm đến cả tháng. Đám thanh niên cứ làm trầy, làm trợt, dựng lên tháo xuống mãi cốt để ăn tiền bà già. Chắc là bà cũng chẳng dại gì, nhưng cứ vờ như không biết bởi cái chính là bà muốn tụ tập đông người để trêu ngươi thiên hạ. Ngày quán dựng xong bà Phán làm một con heo tổ chức lễ khai trương linh đình. Trên cái bàn cúng bà đặt cái đầu heo quay đúng cổng Ủy ban xã giữa một đống đũa và quạt.

Hôm ấy bà mặc áo vàng, bịt khăn vàng, mặt bôi đầy phấn trắng, môi tô đỏ loét, tay cầm bó đũa, tay cầm bó quạt vừa nhảy như các mụ đồng cốt, vừa ứng khẩu một bài vè độc địa, hát theo điệu chầu văn:

Bà bán đũa quạt

Cấm đoạt của bà

Âm binh chẳng tha

Quỷ ma chẳng cứu…


Người ta xúm lại đông nghẹt cả con đường. Bỗng nhiên có người xô dạt đám đông nhảy vào. Đó là bác Năm hớt tóc.

- Cái con mụ trời đánh! Để tao đoạt của cho…

Tức thì cái bàn, cái đầu heo, và đống đũa, quạt bay rào rào xuống hồ rau muống. Bà Phán hét lên như bị bóp cổ. Nếu không có du kích xã ra can thiệp thì đã xảy ra ẩu đả lớn giữa bác Năm và lô la hàng quán vây cánh của bà Phán.

Cái quán tre đó chẳng tồn tại được bao lâu. Cũng chẳng phải vì bị cấm đoán gì. Chẳng qua trò chơi lâu ngày phát nhàm, chẳng còn ai buồn chú ý nữa. Sau đó bà Phán để lại cho một người thợ sửa xe đạp.

***

Những câu chuyện trên tôi đều nghe kể lại, còn tôi chưa gặp bà ấy lần nào. Hễ tôi có dịp ra ngã ba là bà biến đâu mất, như thể bà có ý tránh tôi không bằng. Có khi bà đi chùa - một ngôi chùa xa tít trên núi, có khi bà đi thành phố Hồ Chí Minh, có khi bà lại biến vào trong một ngõ ngách nào đó của các hàng quán. Nhưng tôi tin những chuyện ấy là có thực. Bác Năm hớt tóc và ông bạn của tôi chắc cũng chẳng đơm đặt thêm thắt ra làm gì. Vậy mà suốt gần cả năm nay tôi cứ ngỡ như đã gặp bà ấy ở đâu đó rồi. Thậm chí có khi tôi tưởng như tôi vừa nói chuyện với bà ấy, nghe cái giọng lưỡi vừa kiểu cách đài các, vừa phù thủy của bà. Cái giọng lưỡi ấy như đã nhiễm từ trong máu huyết, bốc thành hơi hám của riêng bà, không thể lẫn lộn với ai khác. Chỉ có điều lúc bấy giờ bà không còn diễn lại những trò phù thủy lố lăng nữa. Tất cả đều trôi tuột như lớp phấn bôi trên da mặt, đối diện với tôi là một bà già gần tám mươi tuổi đang cố vùng vẫy bằng những hơi sức cuối cùng để bám lấy cuộc sống. Và nhiều đêm, tôi rùng mình ớn lạnh, như thấy bà xuất hiện dưới hiên nhà bắt đầu cất tiếng ngâm nga những câu Kiều muôn thuở ; tiếng ngâm như lời than tuyệt vọng của một con người đang ở cạnh kề vực thẳm, như tiếng vỡ tan của một thế giới…

Nỗi ám ảnh cứ đeo đẳng dai dẳng cho đến khi tôi chợt nghĩ ra rằng chắc đã đến lúc phải kết thúc nỗi đau khổ tuyệt vọng ấy đi thôi. Cái chết, thật là đơn giản, nhưng hãy đừng đem nó tặng cho ai, kể cả những người già chỉ còn một chút hơi tàn. Nhưng đối với bà Phán chắc chỉ có cách ấy mới giải thoát cho bà ra khỏi những vòng vây nghiệt ngã càng ngày bà càng quấn chặt nó vào mình. Một phần mộ còn để dành cho bà trong khu lăng mộ và đó phải chăng là chỗ duy nhất còn lại không ai chiếm đoạt. Thế rồi cả một thời gian dài tôi như được cất khỏi gánh nặng và cứ tưởng bà Phán đã chết thật rồi. Tôi cũng còn tưởng tượng ra đám ma của bà ấy. Nếu cuộc sống của bà đã quá ồn ào thì cái chết của bà lại quá lặng lẽ, lặng lẽ đến nỗi đám con nít chẳng buồn đi theo - với chúng một trò chơi coi như đã xong. Nhưng làng xóm cũng làm cho bà đầy đủ thủ tục, đưa bà vào lại trong làng, đi qua trạm gác hớt tóc của bác Năm và chôn bà trong phần mộ gia tộc của ông Phán. Tôi nghĩ rằng chắc bác Năm cũng có mặt trong đám ma ấy, bác sẽ ném xuống huyệt hòn đất vĩnh biệt người chết…

***

Bẵng đi một thời gian. Mới đây tôi có công việc phải ra ngã ba ghé lại chỗ nhà ông bạn tôi. Bỗng nhiên anh ta làm tôi giật mình.

- Này, ông nên xuống tiếp “nhân vật” của ông. Bà ấy mới về đang ngồi dưới nhà ngang.

Tôi liên tưởng ngay tới cái bóng khẳng khiu ngồi ở chỗ chập choạng gian nhà dưới tôi có thoảng thấy khi mới bước vào. Bà Phán! Có phải cái bóng khẳng khiu kia là bà già nổi tiếng tôi tìm kiếm đó sao? Tự nhiên trong tôi mọi thứ đều nguội lạnh, tôi chẳng còn thấy một chút hứng thú gì về việc gặp bà ấy nữa. Bởi vậy tôi cứ lần chần mãi, cho đến khi tôi xuống thì bà ấy đã đi rồi. Có lẽ bà lại ra ngồi ở một quán nào đó ở ngã ba.

Tôi chẳng hề tiếc nuối gì về việc ấy vì, với tôi, cái bà già khi nãy có lẽ chỉ là cái bóng thôi; còn bà Phán, nhân vật của tôi, bà ấy đã chết rồi.

Trại sáng tác văn học BTT 1984
T.N.S.
(11/1&2-85)





Các bài mới
Đêm giao thừa (18/02/2011)
Hương lục bình (14/02/2011)
Các bài đã đăng
Cái bóng nắng (20/01/2011)