Tạp chí Sông Hương - Số 264 (tháng 2)
Văn chương Việt hết năm 2010, một thập kỷ vẫn... “chờ” thành tựu
14:58 | 27/01/2011
KHÁNH PHƯƠNGNăm 2010 khép lại một thập kỷ văn học mang theo những kỳ vọng hơi bị… “lãng mạn”, về biến chuyển và tác phẩm lớn. Nhiều giải thưởng của nhiều cuộc thi kéo dài một vài năm đã có chủ, các giải thưởng thường niên cũng đã… thường như giải thưởng, nhà văn và bạn đọc thân thiết hồ hởi mãn nguyện tái ngộ nhau trên những đầu sách in ra đều đặn… và người thực sự quan tâm đến khía cạnh nghề nghiệp trong đời sống văn chương lại tự hỏi, những sự kiện đang được hoạt náo kia có mang theo trong nó thông tin gì đích thực về thể trạng nghề viết hay không? Nếu có, thì nó là hiện trạng gì? Nếu ngược lại, thì phải tìm và biết những thông tin căn bản ấy ở đâu?
Văn chương Việt hết năm 2010, một thập kỷ vẫn... “chờ” thành tựu
Ảnh: Internet
Khuynh hướng đại chúng và ích dụng

Quan niệm văn chương như một cuộc chơi nghệ thuật hay thú vui tao nhã đã lùi bước trước nhu cầu cấp thiết của đa số công chúng thông thường, được chăm sóc và “tái sản xuất” sức khoẻ tinh thần trong một đời sống đã xuất hiện nhiều sức ép cả về cơm áo lẫn tri thức và văn hoá. Một tầng lớp công chúng trẻ về tuổi đời, khác biệt về thẩm mỹ đòi hỏi những sản phẩm tinh thần nhất thời và kịp thời của họ. Nắm bắt điều này không ai khác ngoài những nhà xuất bản năng động và chính tầng lớp người viết trẻ tuổi. Họ viết cho nhu cầu ích dụng và đại chúng của thế hệ mình. Có thể xem những tác phẩm văn học đáp ứng nhu cầu này là một dạng “hàng hoá” đặc biệt, sẵn có khía cạnh cao cấp và tinh tế, chính vì vậy nó cũng rất cần những tiêu chí nghiêm khắc và đảm bảo hữu ích tối đa cho người đọc.

Nguyễn Nhật Ánh không chỉ là nhà văn thành công nhất của năm 2010, mà còn là nhà văn thành công nhất trong 10 năm qua. Tất cả những đầu sách của ông đều được đón mừng nhiệt liệt và trở thành “hiện tượng” thậm chí ngay cả khi nó chưa có ấn bản: Tớ là Bê tô, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh,… Óc quan sát và ghi nhớ tường tận, tỉ mỉ, năng lực dè sẻn và bố trí các tình tiết sao cho hợp thức và tiết giảm tối đa, khả năng lưu giữ và dẫn dắt cảm xúc của chính bản thân đến đều khắp các tình huống, sự từng trải lịch lãm để gây dựng được hiệu quả cân bằng giữa tính cảm xúc bay bổng và logic duy vật của hiện thực, tính hài hước, tất cả là “bí quyết” để nhà văn xây dựng hệ thống tác phẩm dài hơi về đề tài tâm hồn và cuộc sống đời thường của trẻ em, thanh thiếu niên.

Nếu so sánh với các loạt truyện dài hơi khác từng mê hoặc độc giả nhí và cả nhiều tầng lớp người lớn, như Doraemon, Harry Potter, Chúa tể của nhẫn, cũng có thể rút ra cách thức gần tương tự.

Như vậy sáng tạo của nhà văn được ghi nhận ở khâu nào của dòng văn chương này? Đối với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, có lẽ điều đó nằm ở khả năng kéo gần lại, dung hoà những ý tưởng mang tính giáo dục với thoả mãn nhu cầu được xoa dịu, nâng đỡ, thậm chí là nhu cầu hưởng thụ về mặt cảm xúc, của cả trẻ em và đứa trẻ trong những người đã lớn. Vấn đề còn lại là chủ yếu mang tính kỹ thuật, tất nhiên, nhuần nhuyễn.

Phan Việt cũng là một tác giả nhanh chóng gặt hái thành công ấn tượng trong các truyện ngắn, tiểu thuyết về tình yêu, đời sống của giới trẻ, cuốn sách mới nhất của chị, Nước Mỹ nước Mỹ (NXB Trẻ, 2010). Vốn là người nghiên cứu khoa học xã hội, chị nắm vững những biến chuyển tâm lý của lớp trẻ trong một đời sống đã hoặc đang phát triển, như ở Mỹ, ở Việt Nam. Đó là tâm thế không ổn định, hoang mang về xác tín trong tương quan với những ổn định và xác tín của giá trị đã có. Biết tạo nên những cốt truyện hấp dẫn, không sa vào sự hình dung dễ dãi nhợt nhạt về tình yêu và cảm nhận, với những hình ảnh tưởng tượng khá sinh động, đặc biệt là năng lực tiết giảm tối đa và sắp đặt tình tiết chặt chẽ, Phan Việt kể với bạn đọc những câu chuyện cuốn hút, bước đầu mang ý nghĩa tâm lý. Tuy nhiên, bản thân sự ly kỳ, chặt chẽ, lắt léo một cách cao trào mới chỉ hiện ra như một kỹ thuật trong tổ chức tác phẩm. Người đọc chưa nhận thấy sự sáng tạo về mặt ý tưởng hay diễn biến của nó trong những câu chuyện mà chị đưa ra, cũng như chưa nhận thấy rung động và thái độ sống đích thực của người viết, đằng sau thế giới hư cấu của các nhân vật. Văn phong cầu kỳ, chi tiết cũng là một điểm mạnh của Phan Việt, nhưng nhiều lúc lại giống như một sự cố ý, gây cảm giác nhàm chán.

Điều kiện trước tiên, quan trọng của viết văn là những rung động và thái độ sống đích thực chỉ của riêng người viết, sẽ quyết định việc sáng tạo ý tưởng, quan niệm hiện thực cũng như quan niệm nghệ thuật, dần hình thành trong quá trình theo đuổi nghề viết sau đó. Điều kiện này có thể không cần viện đến trong lĩnh vực văn chương giải trí và ích dụng, tuy nhiên quan niệm loại thể phải được rạch ròi.

Năm 2010, nhà văn Trang Hạ trình làng 2 cuốn sách mới, Đàn bà ba mươi (NXB Văn học, 2010) và Chuyện kể dưới ngọn đèn đường (NXB Phụ nữ, 2010). Vẫn tiếp tục mạch hình dung về hiện thực có phần đơn giản, sáng tỏ, thiên về ý nghĩa nhân sinh, Trang Hạ là cây bút được yêu mến vì lối thông tin sòng phẳng, hữu ích, thái độ nhập cuộc các vấn đề của đời sống khá can đảm và rành mạch.

Nhà văn Ngô Phan Lưu, mỗi năm liên tiếp ra mắt 1 tập truyện ngắn, năm 2010 là Con lươn chép miệng, (NXB Văn học) với những câu chuyện dung lượng xinh xắn, khơi gợi hiếu kỳ có dụng ý, có khuynh hướng kiếm tìm cái quái lạ về thẩm mỹ, cũng thể hiện rõ rệt mục tiêu giải trí và thư giãn “trị liệu” tinh thần cho độc giả ngày nay.

Tác giả Nguyễn Đình Tú “công khai” Kín (NXB Văn học, 2010), sau những Phiên bản, Nháp, tiếp tục tạo những best-seller nho nhỏ, cục bộ, có lẽ cũng là một điều đáng mừng cho người viết. Chú ý hơn tới việc kiếm tìm những chi tiết mang thông tin phản tỉnh, đặc biệt và dị biệt, Nguyễn Đình Tú cho người đọc cảm giác về một người viết trẻ tuổi đã trở nên riêng biệt và sâu sắc hơn là bị định hình theo những ý niệm đạo đức xã hội sẵn có. Dương Thụy sau loạt truyện du ký, tiếp tục với Nhắm mắt thấy Paris (NXB Trẻ, 2010), Dương Bình Nguyên kể Chuyện tình Paris (NXB Hội Nhà văn, 2010), DiLi theo đuổi mảng trinh thám kinh dị, Hồng Sakura bắt đầu được biết đến với Susu đừng khóc (NXB Hội Nhà văn, 2010)… văn học giải trí và ích dụng đã thực sự trở thành khuynh hướng rõ rệt, lấn át không chỉ trong người viết và độc giả trẻ.

Tuy nhiên, với loại sáng tác này, nguy cơ sa vào cách thức mua vui thuần tuý, hoặc vay mượn những tình cảm hời hợt giả tạo, có thể xảy đến với bất kỳ tác giả nào.

Đây là bước đi ngắn nhưng quan trọng của văn chương Việt trong mười năm qua. Công nhận chức năng thực dụng của văn chương, bên cạnh ý nghĩa như một công việc đòi hỏi giá trị nghệ thuật cao, chính là bước đầu chuyên biệt hoá đối với cả độc giả và người viết, để loại bỏ tình trạng dở sáng dở tối, câu nệ vào định kiến (văn chương chỉ là thứ cao sang, để tạo ra nó rất nhiêu khê - lý sự của những người thiếu tài và lười làm việc), khu biệt lĩnh vực để đi tới sàng lọc và tìm ra tài năng cũng như những giá trị văn chương đích thực.

Nếu như ở các nước Tây phương, thể loại văn chương ích dụng được rạch ròi hiển nhiên, có nhãn mác quy định đàng hoàng: chick lit, pre school, romance, bên cạnh các thể loại phiêu lưu, kinh dị, giả tưởng thì ở Việt Nam mới chỉ có một cách gọi chung chung là “văn học”. Vì là “hàng hoá”, được thị trường chấp nhận là một tiêu chí cơ bản. Nhưng để làm được trọn vẹn ý nghĩa “ích dụng” khá tinh tế của nó, cũng cần những nhà phê bình thẩm định tương đối khó tính và đòi hỏi người viết phải cực kỳ nghiêm khắc với chính mình. Những sản phẩm hời hợt dễ dãi là nguy cơ để vuột mất ý nghĩa văn học thích đáng trong dòng viết này, hoà tan và dần xoá sổ nó trong làng giải trí.

Khuynh hướng “nghiệp dư hoá”

Việc viết văn đúng nghĩa, nghiêm cẩn, luôn cảnh giác, xa lánh sự “làm hàng” thuần tuý kỹ thuật, nó gần gũi với thú chơi ở chỗ không làm ra thành công, tiền bạc, danh vọng nhưng lại là một nghề khắc nghiệt đến nỗi có thể lấy mất toàn tâm toàn trí và tất cả cuộc đời của người viết, mà có khi hoàn toàn không mang lại thậm chí cả giá trị nào cho văn chương, nếu người viết không có tài.

Người viết văn đích thực không chuyên nghiệp cũng không “nghiệp dư”, mà chỉ đơn giản dành cả cuộc đời cho nó, ngoài việc tự kiếm sống bằng bất kỳ cách gì. Nói khuynh hướng “nghiệp dư” hoá là nói đến tình trạng một số quan niệm đang làm cho đời sống văn học trở nên thiếu độ tin cậy, ý nghĩa văn học bị “lạm dụng”.

Đã từ lâu, không mấy ai còn bàn đến tác dụng ghi nhận hay kích thích sáng tạo ở các giải thưởng văn học chính thống trong nước. Những giải thưởng này đương nhiên chỉ là một cách đánh giá của một bộ phận công chúng, được tư duy theo cách thức còn sơ giản, mang tính “mặt trận” nhiều hơn tính nghề nghiệp. Ví dụ đề tài một cuộc thi được phát động “về lịch sử, chiến tranh cách mạng, và công cuộc đổi mới đất nước”, đã cho thấy chỉ những tác phẩm nào thì mới đủ tư cách tham gia. Tại sao không có cuộc thi nào ra điều lệ cho những tác phẩm “mang đậm dấu ấn sáng tạo nghề nghiệp, khắc hoạ chân thực, sâu sắc đời sống và con người Việt Nam”?

Nếu xem xét sẽ thấy, giải thưởng Nobel văn học hàng năm đều trao cho những tác phẩm viết về nỗi khổ đau, bất hạnh, về nhân tính bị đày ải ở những “xó xỉnh” mà thông tin đại chúng dù tân tiến đến đâu cũng chưa bao giờ đề cập tới đầy đủ, chính xác, sinh động, sâu sắc. Còn các tiểu thuyết hay tập thơ được giải, kể cả giải “xã hội hóa” ở Việt Nam, thường dừng ở một thứ hiện thực phải chăng, một chút hạnh phúc trộn lẫn một chút buồn buồn, một chút sexy trộn lẫn một chút đạo đức, một chút giáo điều hoà với một chút “cách tân”. Tóm lại là một thứ hiện thực và nghệ thuật an toàn cho cả người trao giải lẫn người nhận, xa lạ với tinh thần độc lập, chói sáng và duy nhất của hoạt động sáng tạo.

Một số giải thưởng được xem là có chủ kiến, có sự dũng cảm trước công luận và nhấn mạnh giá trị nghề nghiệp, cũng đang dừng ở mức khôi phục và ghi nhận (lại) thành tựu với các tác giả có ảnh hưởng sâu rộng trong văn chương và xã hội, ở thời điểm quan trọng, cần thiết, chứ chưa đủ năng lực nhận định và tuyên dương những sáng tạo mới.

Năm nay, thể tài tiểu thuyết lịch sử, thơ về Hà Nội, trở thành tâm điểm được quảng bá rầm rộ “ăn theo” đại lễ ngàn năm Thăng Long. Công bằng mà nói, nếu những cuộc thi mang tính chất “văn nghệ quần chúng” chỉ là dịp giao lưu vui vẻ, thì thời điểm Thăng Long ngàn tuổi lại thực sự tạo cơ hội và “cú hích” gần để một số nhà văn công bố công trình mang ý nghĩa quan trọng của mình. Hai bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ, Tám triều vua Lý và Bão táp triều Trần của nhà văn Hoàng Quốc Hải, (NXB Phụ nữ, 2010) là kết quả nghiên cứu dày công, phục dựng trên tinh thần khoa học, chi tiết, diện mạo và những vận động hình thành lịch sử hai triều đại phong kiến lừng lẫy của nước ta. Cái nhìn “lịch sử theo chiều ngược lại”, xuất phát từ hiện tại là tất yếu, đương nhiên, nhưng nếu nhà văn không ở tầm có thể đưa ra những quan niệm có hệ thống, đảo ngược tương quan có trước của chính sử một cách khoa học, thuyết phục, thì cũng không nên “hư cấu” ra những trang dã sử với kiểu hình dung thời thượng, tình ái, sexy, đấu đá cá nhân… tùy tiện về lịch sử.

Kịch bản phim lịch sử, một dạng tác phẩm văn học ích dụng, càng phải tôn trọng tính chất khách quan, tổng hoà của lịch sử, không thể tùy ý bịa đặt những cốt truyện vô lối, không có cơ sở về tâm lý cũng như logic sự kiện, đó là hành động xuyên tạc, dù vô tình.

Nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu ở các lĩnh vực khác cũng đã có sự “lấn sân” sang văn chương, như một cách chia sẻ niềm vui hay nhọc nhằn của nghề viết. Tính chất “nghiệp dư” khi nói về họ chỉ có hàm ý về một công việc sáng tạo đến muộn hơn, với ngôn ngữ và chất liệu còn có phần chưa quen thuộc so với nghề “tay phải”. Cà phê… Mưa của nhạc sĩ Dương Thụ, Thị Dân của nhạc sĩ Quốc Bảo còn cần khó tính hơn nữa khi nhìn nhận ý nghĩa văn học của những tâm tình cá nhân, câu chuyện thời cuộc và văn hoá. Tiểu thuyết Vắng mặt (NXB Hội Nhà văn 2010) và các tập truyện ngắn của hoạ sĩ Đỗ Phấn cần con mắt biên tập và kỹ năng sử dụng chi tiết văn học đích đáng hơn, cũng như sự tập trung và rõ rệt hơn về mặt tư tưởng. Tuyển truyện ngắn và cực ngắn của nhà sử học Nguyễn Thị Hậu (in chung với Nguyễn Thị Minh Thái, NXB Văn hoá Sài gòn) bộc lộ tâm hồn phụ nữ dịu dàng, thuần hậu, mỹ cảm chân phương, khoát đạt mà cũng… của người nghiên cứu.

Ngoại trừ ý định “làm dáng”, đánh bóng bản thân, trừ trường hợp “viết sách” để công bố và sử dụng bóp méo một cách nhếch nhác như Sợi xích… các nghệ sĩ và trí thức khác khi lấn sân văn học đều xuất phát từ nhu cầu tự nhiên, được bộc lộ con người sáng tạo bằng ngôn từ của họ, như một cuộc chơi, cuộc thám hiểm mới mẻ và đem lại cho văn chương những giọng điệu lạ lẫm tưởng như tình cờ. Bên cạnh sự hồn nhiên, họ vẫn phải biết luật chơi để “chơi cho đẹp”, cho thú vị. Ít thấy nghệ sĩ, trí thức nào đóng góp cho lĩnh vực văn chương thành tựu lớn hơn sự nghiệp chính của họ, và đây cũng không phải hiện tượng chưa từng phổ biến trong đời sống văn học nói chung. Nhưng chính sự cởi mở hơn của thị trường đọc và in ấn, một quan niệm đời thường hơn về việc viết văn, coi viết cũng là một dạng thông tin đời sống bổ sung cho nghệ thuật, và chấp nhận những nội dung khác biệt như các vấn đề nghệ thuật và cái liên quan tới nó như một hàm nghĩa mới của văn chương, đã và sẽ thúc đẩy một tầng lớp “không chuyên” trong văn học với những bất ngờ chưa đoán trước.

Ước mong một thế hệ nhà văn đa văn hóa

Cuộc gặp gỡ của nhà văn Pháp gốc Việt Linda Lê với độc giả Việt Nam ở cả Hà Nội, Huế, Sài Gòn hồi trung tuần tháng 10 năm 2010 là sự kiện quan trọng, cho thấy mối quan tâm đặc biệt của chính nhà văn và độc giả trong nước tới tương quan giữa bản sắc cá nhân, riêng lẻ, khác biệt, với cái “xa lạ kỳ lạ” của những nền văn hóa khác, cũng như cái rộng lớn mênh mông của tri thức. Để thâm nhập và “đồng hóa” người xa lạ kỳ lạ và tự mình trở thành một bản sắc của tri thức rộng lớn, điều cần thiết là rũ bỏ định kiến bị áp đặt từ những lực lượng lấn át trong đời sống của toàn thể nhân loại cũng như rũ bỏ định kiến về cái nhược tiểu, “lạc lõng” và bé mọn.

Càng ngày, các vị trí quan trọng của nền văn chương thế giới càng được gánh vác bởi những nhà văn đa văn hóa: J. Brodsky, Philip Roth, S. Naipaul, Samal Ruddie, Cao Hành Kiện, Orhan Pamuk, A. M. Llosa…

Các nhà văn gốc Việt như Linda Lê, Nam Le, đã tạo ra tiếng nói văn chương mang giá trị của nhiều nền văn hóa, và đó là cách đáng kể nhất để chinh phục thế giới rộng lớn bằng bản sắc của họ.

Cùng với việc lựa chọn một ngôn ngữ lớn mạnh như Anh, Pháp, Latin, các nhà văn đa văn hóa luôn thừa nhận ý nghĩa hai mặt của một bản thể hay gốc tích: một mặt, là những di truyền quý giá về tinh thần, mặt còn lại, những định kiến bảo thủ, sự áp chế mà họ luôn nhận thấy cần phải phê phán một cách trực diện và quyết liệt.

Việt Nam có nhiều thế hệ sinh sống và làm việc trong các quốc gia có những nền văn hóa lớn, thế hệ vì những biến cố lịch sử xã hội, thế hệ du học sinh thời điểm hiện tại, thế hệ những người sinh ra và lớn lên, tiếp thu hoàn toàn nền giáo dục “bản ngữ” Anh, Pháp… Trong số đó, từng và sẽ có nhiều người chọn viết văn làm sự nghiệp để cống hiến về mặt tư tưởng nhân sinh, triết lý văn chương cũng như nghệ thuật, dù họ có chọn tiếng Việt hay không.

Trong khi những người viết xuất phát tầng lớp du học sinh đa số dừng lại ở tâm trạng hồ hởi, niềm vui thích khi được tiếp xúc với những nét độc đáo, ý nghĩa thụ hưởng từ văn hóa “lạ” mang tới, thì những nhà văn đã có cuộc sống gắn bó với đất nước bao bọc họ, dù là từ những nguyên do sâu xa về tâm lý hay đơn giản chỉ vì được sinh ra và nuôi dưỡng bằng ngôn ngữ, văn hóa “bản địa”, có quan niệm sâu sắc hơn về hành trình của cá nhân đến với thế giới.

Những nhà văn có thể đồng thời thực hiện nhiều ngôn ngữ, nhưng vẫn tự nuôi dưỡng nhờ tiếng Việt: Diễm Châu (đã mất), Nguyễn Đăng Thường, Đinh Linh, Nguyễn Đức Tùng, Phạm Thị Hoài, Đỗ Kh., McAmmond Nguyen Thi Tu, Mai Ninh, Đặng Thơ Thơ, Phan Nhiên Hạo, Trần Thiện Huy, Lưu Diệu Vân…

Tiếng Việt của họ giàu phức cảm, lạc quan, trẻ trung, gia tăng ý nghĩa khoa học và được làm trong sáng gọt giũa hơn nhờ kết hợp kỹ năng của ngôn ngữ khác. (Phần cống hiến cho ngôn ngữ khác của các nhà văn này là một vấn đề liên quan nhưng chưa đủ điều kiện đề cập trong bài viết này).

Trở ngại đối với họ, có lẽ là để chuyển từ tâm thức của một ngôn ngữ hẻo lánh như tiếng Việt, hoàn toàn bước sang tâm thức của một thứ ngôn ngữ bao trùm hơn hẳn, mà vẫn giữ gần trọn vẹn những độc đáo dị biệt di truyền từ nguyên bản. (Thế hệ nhà văn hoàn toàn sinh ra và lớn lên ở nước ngoài có lẽ sẽ không gặp phải khó khăn này, nhưng vấn đề của họ hoàn toàn khác).

Không sống trong bầu sinh quyển đa văn hóa, nhưng một số nhà văn, nhà thơ tích cực và năng động nhất sống trong nước vẫn gắng sức một cách cảm động để thấm hút, cập nhật những biến chuyển về tư duy nghệ thuật của văn chương thế giới. Có những người vẫn liên tục mới mẻ suốt nhiều năm trở lại đây như Trần Tiến Dũng, Nguyễn Nguyên Phước (ở mức độ nghề nghiệp khác nhau)… Những người tự làm mới mình bằng nhiều cách thức, làm mới tiếng Việt bằng những giá trị kể cả từ bề dày quá khứ lẫn đương đại: Trần Hữu Dũng, Lê Vĩnh Tài, Bùi Chát, Đỗ Quyên, Mai Văn Phấn, Đinh Thị Như Thúy, Phạm Tường Vân, Nguyễn Thúy Hằng, Nhã Thuyên… Dù ở nhiều cấp độ khác nhau trong nghề nghiệp, mức độ tài năng khác nhau, nhưng họ cùng hướng tới ý thức về một thứ văn chương rộng lớn bao gồm những ý nghĩa sâu sắc về con người và kiếm tìm giá trị cao của nghề nghiệp.

Một nhà văn nào đó có viết về sự tiến bộ, đó là tiến bộ không chỉ chạy theo cái đã vượt trước, (hàm ý văn hóa Tây phương) mà còn bao hàm cả những giá trị theo nhiều chiều hướng khác, sự tiến bộ bao hàm nhiều bản sắc và khuynh hướng của nhiều không gian văn hóa khác nhau.

Thành tựu mà văn chương Việt đang chờ đợi, có lẽ nên hy vọng gửi gắm ở bản lĩnh văn hóa xuất phát từ sự trung thực và sòng phẳng của tâm thức Việt, để đến với những gì rộng lớn hơn…

Ngày 31 tháng 12 năm 2010
K.P
(264/2-11)







Các bài mới
Ghi ta đen (28/02/2011)
Các bài đã đăng