Tạp chí Sông Hương - Số 264 (tháng 2)
Thi sĩ Phùng Quán về đất mẹ
15:41 | 28/01/2011
NGÔ MINH Sau ba tháng kêu gọi, hơn 250 văn nghệ sĩ, trí thức và những người Việt mến mộ Phùng Quán ở Việt Nam, Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Ba Lan, Úc, Thụy Sĩ v.v, đã nhiệt tình góp cát đá xây lăng mộ nhà thơ Phùng Quán - bà Vũ Bội Trâm ở Thủy Dương, Huế.
Thi sĩ Phùng Quán về đất mẹ
Đầu tháng 1 năm 2011, lăng mộ đã được xây dựng xong tại khu nghĩa trang Ngoại Viên Hưng, phía Tây Thủy Dương cách Huế 6 km về phía nam. Trong khu lăng có khắc phần cuối bài thơ Lời mẹ dặn, bút tích bài thơ Thơ đề trên thơ: Có những phút ngã lòng. Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy của Phùng Quán, câu đối chữ Hán của hàn sĩ Hà Sĩ Phu viếng Phùng Quán khi nhà thơ qua đời: Trùng Phùng lưu cốt cách/ Nhất Quán tận can trường. Có bàn ghế để anh em ngồi cùng nâng chén với hương hồn thi sĩ.v.v.. Khu lăng mộ được xây cất không cầu kỳ, thật sự là một địa chỉ văn hoá tâm linh để những người ngưỡng mộ Phùng Quán trong và ngoài nước đến Huế ghé về viếng thăm.

Lễ cải táng, an táng Nhà thơ Phùng Quán và cô giáo Vũ Thị Bội Trâm


Lăng nhà thơ Phùng Quán và bà Vũ Bội Trâm ở vị trí rất thơ mộng. Mộ quay về hướng Tây có núi xa, có đồi thông gần, có hồ nước xanh trong thăm thẳm. Theo thuật phong thuỷ thì đây là nơi đại cát, hợp với người có nhân cách lớn. Người viếng mộ Phùng Quán có thể đi ô tô đến tận nơi. Từ Huế, đi 3 cây số QL1A về phía Nam, đến Nghĩa trang liệt sĩ Thủy Dương rẽ phải theo con đường nhựa thêm 3 cây số nữa là đến nơi.

Phùng Quán là nhà thơ nổi tiếng để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử văn học Việt Nam. Đời anh có quá nhiều nỗi gian truân, nhưng anh vẫn giữ vững bản lĩnh một nhà văn chiến sĩ. Nghĩ về Phùng Quán trong tôi luôn hiện lên một chân dung cốt cách nghĩa khí một chiến sĩ Vệ Quốc đoàn cương trực, quyết liệt, một thi sĩ tài hoa ngất ngưởng và một nhân cách cao cả. Phùng Quán đã để lại hàng chục tác phẩm được nhiều thế hệ bạn đọc mến mộ, được tái bản hàng chục lần. Trong đó những bài thơ Lời mẹ dặn, Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe, tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội, tạp văn Ba phút sự thật... là những tác phẩm để đời. Phùng Quán được tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2007 là ghi nhận của Tổ Quốc và nhân dân đối với tài năng và tâm huyết của anh. Phùng Quán đã phải vượt qua vô vàn đắng cay suốt 30 năm trời bị “treo bút”, anh vẫn viết “ ngay thẳng tột cùng/ sự ngay thẳng thuỷ chung/ của mỗi dòng chữ viết”, giữ được sự đam mê văn chương cho đến ngày cuối đời. Phùng Quán đã thể hiện tuyệt đối chính xác lý tưởng cao cả trong thái độ tôn vinh các yếu tố “chân thật”, “trung thực” trong bài thơ nổi tiếng “Lời mẹ dặn”:

Yêu ai cứ bảo là yêu/ Ghét ai cứ bảo là ghét/ Dù ai ngon ngọt nuông chiều/ Cũng không nói yêu thành ghét/ Dù ai cầm dao dọa giết/ Cũng không nói ghét thành yêu

Bài thơ Lời mẹ dặn được độc giả bình chọn là một trong 100 bài thơ Việt hay nhất thế kỷ XX. Bài thơ là lời tuyên ngôn đanh thép của những nhà văn đi với nhân dân, viết vì nhân dân. Lời mẹ dặn có thể đưa vào sách giáo khoa cho học sinh học, để các em lớn lên trở thành người chân thực, không biết dối trá, xu nịnh.          

Phùng Quán trốn mẹ đi theo đội trinh sát thiếu niên của Trung Đoàn 101 Trần Cao Vân ở Huế năm 14 tuổi, cho đến khi qua đời ở tuổi 64 (1995), anh xa quê tới 50 năm. 16 năm từ sau khi bị trọng bệnh qua đời, vì còn vợ con, nên mộ Phùng Quán vẫn an tọa ở nghĩa trang quê vợ là làng Kiều Mai, xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Như vậy, Phùng Quán đã xa quê tới 66 năm. Sinh thời anh luôn khao khát được trở về quê hương. Anh mơ sở hữu một chiếc đò nhỏ để trong những ngày cuối đời, được đêm ngày câu cá uống rượu đọc thơ với bạn bè dọc sông Hương. Nhưng ước nguyện của anh đã không thực hiện được. Năm 1994, trước khi qua đời một năm, về quê xây mộ ba mẹ (là ông Phùng Nguyện và bà Tôn Nữ Thị Tứ) ở trên vùng đồi ở phía Tây Thuỷ Dương, nhà thơ đã tự đắp cho mình cái mộ gió cạnh mộ ba mẹ. Anh bảo với Phùng Quý Giáp, người em họ Phùng: Đây là chỗ mình nằm! Cái mộ gió ấy đến nay vẫn còn. Trong những ngày cuối đời, nhà thơ cũng bày tỏ nguyện vọng được cùng vợ về nằm giữa lòng đất mẹ Thủy Dương. Sau khi chị Vũ Thị Bội Trâm, người vợ sắt son chung thuỷ của nhà thơ Phùng Quán tạ thế (15-8-2010), nguyện vọng ‘về quê mẹ’ của nhà thơ được con gái Phùng Đỗ Quyên thực hiện rất sốt sắng. Bình tro hài cốt bà Vũ Bội Trâm hiện đang gửi ở Nghĩa trang Văn Điển, Hà Nội, chờ ngày cùng về quê với chồng. Cháu Phùng Đỗ Quyên, con gái nhà thơ đã thực hiện nhiều bước để đưa bố mẹ về quê nội. Đầu tiên là xin ý kiến và được hai họ, nhất là họ Vũ ở Hà Nội đồng ý. Tiếp theo, ngày 11/9/2010, họ Phùng Thuỷ Dương cùng cháu Phùng Đỗ Quyên đã tổ chức Lễ cầu siêu và An vị hương linh vợ chồng Phùng Quán - Bội Trâm tại nhà thờ gia đình. Sau đó mới đến việc xin đất, kêu gọi góp cát đá và xây mộ. Vì khu vực nghĩa trang mà Phùng Quán làm cái mộ gió bên cạnh mộ ba mẹ nằm trong diện quy hoạch giải toả, nên UBND phường Thuỷ Dương đã cấp đất an táng tại Khu nghĩa trang Ngoại Viên Hưng.


Cảm động nhất là việc góp cát đá xây lăng mộ Phùng Quán - Bội Trâm. Trong Lễ an vị hương linh vợ chồng nhà thơ Phùng Quán ngày 11/9/2010, tôi đã xin phép ông Trưởng họ Phùng cho anh em văn nghệ sĩ được góp một phần kinh phí xây lăng mộ Phùng Quán - Bội Trâm khi về đất mẹ. Ông trưởng họ Phùng đã hoan nghênh ý kiến của tôi. Ông bảo:” Ồ, Phùng Quán là của họ Phùng, của Thủy Dương, nhưng Phùng Quán cũng là nhân vật của Thừa Thiên Huế, của Việt Nam”. Tôi nghĩ, muốn góp phải có ít nhất vài chục triệu. Thế là tôi nghĩ ngay đến mạng Internet. Và sau hai tháng mọi người tự nguyện góp “cát đá”, số “cát đá” thu được gấp gần chục lần mong ước của tôi. Điều tôi vô cùng thấm thía là: Phùng Quán, sau 16 năm rời cõi tạm, vẫn sống mãnh liệt trong lòng bạn đọc người Việt từ khắp nơi trên thế giới!

Xin kể vài chuyện cảm động trong hai tháng góp cát đá để bạn đọc hiểu thêm cái thương hiệu Phùng Quán trong lòng độc giả như thế nào. Nhà thơ Võ Quê ở Huế, vợ là chị Tiểu Kiều, đau thận phải chạy thận nhân tạo rất tốn kém suốt năm trời (chị Tiểu Kiều đã qua đời hôm 6/12/2010), thế mà anh cũng góp tiền xây lăng Phùng Quán. Thật cảm động. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường nằm một chỗ, bảo tôi: “Cho mình góp với”. Tôi bảo Lâm Mỹ Dạ đã góp rồi. Thế mà từ đó mỗi lần tôi đến nhà, anh đều hỏi: “Góp cát đá xây lăng Phùng Quán đến mô rồi?”. Ở Huế có anh Hoàng Trọng Định, một người làm thơ, bị bọn xấu tạt a-xít đến cong queo tay chân, hàng ngày người nhà phải nuôi, thế mà Định vẫn tìm đến góp “cho bác Quán” 50 ngàn đồng. Tôi cầm đồng tiền mà ứa nước mắt. Nhà văn Cao Duy Thảo ở Nhà Trang, lương hưu ba cọc ba đồng vẫn trích 1/3 lương tháng 10 để góp cát đá. Một người phụ nữ Huế ở Mỹ nhờ đứa cháu ở Huế tìm đến nhà tôi gửi 2 triệu đồng để tỏ tấm lòng đối với nhà văn Phùng Quán, nhưng không nói tên thật, chỉ đề nghị ghi trong danh sách là Hoa Bèo. Nhà văn Nguyễn Gia Nùng không chỉ gửi tiền mà còn viết cả lá thư dài rất tâm đắc động viên việc làm tình nghĩa này. Anh Tạ Duy Hinh, chỉ mấy ngày đầu tháng 10 đã hô hào bạn bè góp được 15 triệu, ngày 7/10/2010 đã gửi tiền vào TK. Tôi không biết anh ấy ở Hà Nội hay Sài Gòn, thậm chí anh chẳng điện thoại bao giờ. Nhà văn Nguyễn Quang Lập và nhà báo Huy Đức thì quá vất vả. Tiền chuyển vào tài khoản nhưng không hiện tên lên, chỉ hiện số tiền 2,5 triệu. Điện thoại qua về liên tục. Tôi ra ngân hàng sao cả danh sách gửi tiền, bắt họ ký đóng dấu, gửi thư EMS vào để Lập đến ngân hàng hỏi. Đến năm bảy ngày người ta mới phát hiện ra là gửi tiền không thuộc hệ thống cùng ngân hàng thì ít khi hiện tên và nội dung gửi. Thế là phải nhờ mấy o nhân viên BIDV Huế ở Bến Ngự lên BIDV trung tâm tra cứu, mới tìm ra. Chị Khánh Trâm ở Phân viện VHNT Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh cũng vậy. Tìm không ra tên. Chị phải gửi cả bản phô tô phiếu gửi tiền ra để đi tra cứu. Thế mà hai tuần sau chị lại gửi tiền góp cát đá một lần nữa. Chị điện cho tôi:” Đây là tiền góp của anh Trần Hải, chồng em!”. Vợ chồng anh Tôn Gia Khai - chị Minh, chỗ quen biết của vợ tôi ở Ba Lan đọc mạng biết có cuộc góp cát đá, cũng nhiệt tình điện đi điện lại nhiều lần mới biết được địa chỉ để gửi tiền qua dịch vụ Western Union. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã góp cát đá trong cuộc họp BCH Hội Nhà văn VN khóa VIII, còn gửi riêng 5 triệu nữa với tin nhắn: “Với Phùng Quán bao nhiêu cũng không đủ”. Cô gái trẻ Lê Xuân Quỳnh ở Hà Nội, một người yêu thơ, sưu tập nhiều thơ hay, thơ thiền, đã rất sốt sắng với việc góp cát đá. Sốt sắng đến nỗi bận đi công tác ở Quảng Ninh cũng ra phố Hạ Long tìm ngân hàng để gửi tiền. Có cô giáo trẻ ở Quảng Trị có cái tên rất đẹp, gửi thư thường cho tôi, trong thư bỏ một triệu đồng bọc trong tờ giấy trắng ghi mấy chữ: “Đề nghị chú lên danh sách thì ghi “Cô giáo Quảng Trị mến mộ Phùng Quán, đừng ghi tên thật”. Anh Hà Dương Tường ở Pháp cũng email cho tôi anh sẽ vận động anh em nhóm thân hữu báo Diễn Đàn ở Pháp, Mỹ, Thụy Sĩ “góp cát đá” vì rất nhiều người mến mộ Phùng Quán. Có nhiều người không muốn ghi danh tính, coi như người đọc vô danh mến mộ Phùng Quán. Nhóm “đồng môn” với chị Bội Trâm ở Sài Gòn gồm 7 người như anh Lê Văn Bài, chị Ngô Thị Hà Châu, Nguyễn Thị Dư Khánh (em gái nhà văn Nguyễn Khắc Phê)... dự kiến gửi tiền từ tháng trước, nhưng vì anh Lê Văn Bài ốm đi viện cấp cứu. Thế mà tỉnh lại anh Bài liền nhắc gửi cát đá xây lăng mộ Phùng Quán. Người góp số tiền cao nhất là anh Lê Văn Hải, người Quảng Trị, sống ở Sài Gòn. Năm 1992, hồi Lê văn Hải làm ở Công ty mì Vifon anh tuyên bố sẽ cung cấp mì ăn liền để Phùng Quán ăn đến cuối đời. Thế là cứ một tuần lại có người ở đại lý mì Vifon ở Hà Nội chở một thùng mì ăn liền đến “chòi ngắm sóng” của Phùng Quán. Trong danh sách góp cát đá có nhiều người nổi tiếng như NSND-đạo diễn Đặng Nhật Minh, đạo diễn Vinh Sơn người làm phim Tuổi thơ dữ dội, hoặc con của những người nổi tiếng như các con cụ Tôn Quang Phiệt, con cụ Trần Duy Hưng…

Đúng 11 giờ ngày 9 tháng 11 năm 2011, Lễ cải táng, an táng Nhà thơ Phùng Quán và cô giáo Vũ Thị Bội Trâm đã được tổ chức đúng nghi thức truyền thống và nghiêm trang tại khu nghĩa trang Ngoại Viên Hưng. Đông đảo anh em văn nghệ sĩ, trí thức, người hâm mộ Phùng Quán từ Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Huế đã về dự. Bây giờ thì mộ hai vợ chồng nhà thơ đã thỏa nguyện nằm bên nhau đời đời trên đất mẹ Thủy Dương. Viết đế đây tôi bỗng nhớ trong tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán, đoạn kết thúc, chú bé chiến sĩ thiếu nhi trinh sát Trung đoàn Trần Cao Vân tên là Mừng vĩnh biệt người mẹ (tổ trưởng dân công anh hùng) hấp hối: “Mừng nhào xuống dáy huyệt, ôm chặt xác mẹ, nức nở kêu gào: “Con không phải là Việt gian. Con là Vệ Quốc Đoàn mạ ơi!”. Anh Phùng Quán ơi, trong lòng người đọc Việt Nam anh mãi mãi là một nhà văn cách mạng.

N.M
(264/2-11)





Các bài mới
Ghi ta đen (28/02/2011)
Các bài đã đăng
Xuân tinh khôi (28/01/2011)