Ngô Thời Nhiệm phò giúp Nguyễn Huệ còn Đặng Trần Thường đi theo Nguyễn Ánh. Hai con đường tiến thân đối nghịch, nhưng kẻ trước người sau đều làm nên quan lớn. Có điều, hậu vận ai cũng chết thê lương. Khi Tây Sơn thua Nguyễn Ánh, thì Nhiệm cùng một số cựu thần Tây Sơn bị tân triều lăng nhục ở Văn Miếu Hà Nội, đều phải đánh bằng trượng do Thường làm chủ toạ. Đến Nhiệm thọ hình, Thường ra vế đối mỉa mai bạn cũ đang úp mặt dưới chân mình: - Ai công hầu? Ai khanh tướng, Trong trần ai, ai dễ biết ai? Nhiệm ứng khẩu đáp: - Thế chiến quốc, thế xuân thu! Gặp thời thế, thế thời phải thế! Thường cười khẩy, truyền đổi trượng khác lớn hơn. Nguyên lắm kẻ trước giúp việc Nhiệm, nay tìm đến xu nịnh Thường để kiếm chút bổng lộc tân triều. Chúng quá biết Thường vốn thù oán Nhiệm do từng bị coi khinh bản chất luồn cúi... Bọn tiểu nhân ấy hiến kế tẩm nọc rắn vào trượng để dành riêng đánh Nhiệm. Lẽ ấy, nhiều cựu thần Tây Sơn cùng bị đánh tơi tả song vẫn sống như Phan Huy Ích... Chỉ Nhiệm cố lết về nhà mà chết. Dân đến xem lớp trong lớp ngoài đều được Thường cho giấy bút gọi là làm gương cho kẻ sĩ. Xong việc, Thường vuốt râu ngồi uống trà trước án. Buổi chiều quân sĩ lo thu hồi hình cụ, chùi dọn máu me. Văn Miếu lại trở về uy nghi thanh vắng. Gió lùa qua, bốc lên tờ giấy không biết ai đã làm rơi sót lại. Tuồng như có chữ viết bằng đất vàng theo lối thảo. Một đôi vế đối theo cách y như Nhiệm và Thường đã ứng đối với nhau: - Quân gian tặc, quân vô đạo! Toàn hôn quân, quân mấy là quân... - Khổ ác bá, khổ tham quan! Rập khuôn khổ, khổ đâu hết khổ... Kẻ tả hữu xu phụ đón ý Thường, quyết một hai do người nhà Nhiệm làm ra cốt nhục mạ triều đình. Thường căm tức liệng xuống đất, nạt tràn: - Ngu thế? Chả cứ một tân triều, trước sau triều nào đều chửi tất... Sao ghép tội nhà Nhiệm được? Đây đích thị thằng dân đen láo xược. Quân hầu hùng hổ nhảy ra xin gông ngay thằng ấy về tra khảo. Thường nổi điên hắt tách trà vào mặt hắn: - Dân đen mấy vạn đứa mầy gông hết cả chăng? Về sau, Thường đang đắc thời từ một công thần bỗng trở thành tội đồ nhà Nguyễn, bị tống ngục và - thay vì chém - được đặc ân thắt cổ.
2. Câu hỏi cho trâu Cu Cườm nghỉ hè về quê chơi mấy hôm, suốt ngày ra đồng theo trâu không biết chán. Khi trở về thành phố, nó hí hửng: - Trâu lớn sừng nhọn mà hiền ghê ba nhỉ! Cưỡi sướng lắm ai cũng chả sao, ưa bao nhiêu lần được hết. - Cô giáo đã giảng nay tận mắt chứ gì. Chưa ăn thua trâu còn nhiều tính tốt hơn nữa thử nhớ lại coi. - Siêng năng, cần cù này. Giúp con người cày bừa trồng ra lúa gạo nấu cơm hàng ngày. Còn nữa, cho phân bón cây, trét vào phên che gió máy. Khi cần kéo gì nặng trên núi thì là nhất. Trâu rất vâng lời nữa đấy. Phải không ba? - Đúng phóc, nhưng nó ăn uống sao đây? - Trâu ăn cỏ ngoài đồng, uống nước ao chả tốn kém gì. Nó vào chuồng nằm là xong. Ừ nhỉ, đói không kêu ồn ào như heo và chó. Tốt nhiều thật. Thằng cu chợt bặm môi không nói nữa. Nó lấm lét như đang giấu điều gì không hài lòng. Ba khuyến khích: - Sao? Có gì lạ không nói ra. Cu Cườm đỏ mắt gần khóc. Không chịu được uất ức, nó chưa bao giờ hầm hừ như thế: - Có lần... Có lần... Nói... Lũ ngu như trâu. Ba nó ngạc nhiên, cố nín cười: - Ai nói ai? Mà có nói con không? Khi nào cà... Nó trợn mắt cố quyết: - Trâu không ngu. Trâu nhiều tính tốt hơn kẻ gian. Nhiều người nói lắm đó ba không nhớ à? Ba cũng có. Trâu mà chậm thì... Thì... Thằng nhóc chợt nhớ ra sắp nói hỗn liền dừng ngay, gằm mặt xuống đất hậm hực. Ba cu Cườm dở cười dở khóc, ngó nó một chặp rồi cũng trợn mắt đứng dậy, đập tay xuống bàn nói như quát: - Sai thật. Đúng là trâu không những quá tốt mà còn có đức nữa đấy. Đem trâu ra so những kẻ ngu xuẩn, gian manh là mạo phạm quá rồi. Bọn tồi bại ấy thì ngay với chỉ cục phân trâu cũng chưa sánh được. Cu Cườm dịu hẳn, nó không cười vì biết ba chẳng phải làm trò. 3. Ăn trộm truyền nghề Ông già bà lão thế hệ trước vào lúc nông nhàn thường kể những mánh khoé của hạng “Ăn trộm thầy”, trước đề phòng sau vui quên giá rét. Gọi “thầy” vì chúng suốt đời chuyên ăn trộm, chả có chữ nghĩa hoặc nghề nghiệp cày bừa gì mà toàn gia đều ăn sướng mặc sang, thái độ ngông nghênh hoách lác. Dân không dám hó hé sợ đốt nhà báo thù, đêm hôm liệng đồ quốc cấm vu hoạ. Chúng đón thầy học võ. Lại cúng tổ, truyền nghề đời nầy qua đời khác. Nghe rằng... Đêm nọ, có tay trộm già khét tiếng lễ tổ xong bảo đứa học trò sắp sửa được chính thức hành nghề: - Tốt. Từ nay trở đi cho phép vẫy vùng đừng làm tao mất mặt. Cứ theo lệ, trong vòng 3 ngày đầu phải trộm thứ quý đem về trả ơn tổ. Bỏ ra càng ít công sức, lại giảm thiểu nguy hiểm là càng xứng câu “Con hơn cha, nhà có phúc. Trò hơn thầy, cây sây quả”. Đi đi, 3 ngày sau đem trình tao xem thử. Thằng học trò sáng mai đã ngồi trước cửa nhà thầy, tay ôm theo chiếc chiếu cạp điều mới. Thầy đang nằm trong màn nói vọng ra: - Tốt, nhanh thế. Kể ra mày trộm được cái chỗ ngồi của nhà quyền quý không khó khăn gì. Ra vào cứ như không, tao lúc ra nghề nhiều phen mới làm được đấy. Ừ, cho đem trải sập gụ thầy ngồi cứ gọi là trả nghĩa. Thằng học trò vâng dạ, vào trải lên xong cáo thoái ra về. Lão trộm già đắc ý bảo vợ: - Chiếu nhà mình cũng đang còn mới nhỉ? Một mình ngồi hai ba chiếu chồng lên nhau được đấy chứ. Hà hà, chưa có đứa nào tôn thầy lên cao như thằng nầy bà ạ. Vợ lão vội lên nhà trên xem, chạy vào vẻ mặt lạnh ngắt như tiền: - Rành rành chiếu nhà mình. - Thế chiếu nó để ở đâu? Không phải thành hai chiếc với nhau là gì. Vợ lão đay nghiến: - Hai ba nào đâu? Cũng vẫn chỉ một chiếc nầy ông ạ. Học trò giỏi thật! Nó trộm của thầy biếu lại thầy, không tin ra mà xem cho biết. Hôm qua phơi chưa kịp lấy vô. Quả thật... Lão ngớ ra, dạy sao nó làm vậy. Áp dụng ngay với thầy quá là xuất sắc còn kêu ca gì. Thế mới gọi chân truyền, lão nói vớt thành ra tán thưởng thằng học trò mà ngay chính lão cũng không dám ngờ: - Chậc, lọt vào tay ai của nấy. Chiếu nầy trước ở nhà người ta, tôi lấy về thành của tôi. Nay nó lấy được của tôi thì là thành của nó. Bà xem, xưa nay nghề ăn trộm lấy rồi cho lại ai chưa hở? Tôi thầy mà cũng thua luôn đấy. Dù có là học trò thì nó chỉ lo học nghề ăn trộm, vả lại tôi có chuyên dạy đạo đức gì đâu mà trách nó phản phúc? Thành Nội Huế - 12/2010 T.H.T (264/2-11) |