Tạp chí Sông Hương - Số 264 (tháng 2)
Định cư vạn đò: Giấc mơ miên man hòa vào ánh đèn đô thị
14:38 | 05/04/2011
Nếu ai đó nói, con đò là một trong những biểu tượng thi ca và văn hóa Huế, chắc rằng ít người sẽ dám phủ nhận điều đó. Nhắc đến Huế không thể không nói đến dòng Hương thơ mộng, nhưng chỉ là dòng sông lững lờ chảy qua miền đất thần kinh không thôi, e là đơn điệu lắm khi thiếu vắng sự tô điểm của những con đò.  
Định cư vạn đò: Giấc mơ miên man hòa vào ánh đèn đô thị
vạn đò trên sông hương - Ảnh: TG

Nếu ai đó nói, con đò là một trong những biểu tượng thi ca và văn hóa Huế, chắc rằng ít người sẽ dám phủ nhận điều đó. Nhắc đến Huế không thể không nói đến dòng Hương thơ mộng, nhưng chỉ là dòng sông lững lờ chảy qua miền đất thần kinh không thôi, e là đơn điệu lắm khi thiếu vắng sự tô điểm của những con đò. Từ lâu con đò đã là hình ảnh mộng mị, chất chở, biết bao thân phận lay lắt bấy lâu gắn bó với cuộc sống long đong trên mặt nước Hương Giang. Con đò chở thi ca, chở văn hóa Huế và chở cả những cuộc đời ba chìm bảy nổi đi vào lòng cố đô.

Mỗi người dân Huế sinh ra và lớn lên giữa đất thần kinh không ít thì nhiều đều lưu vào trí nhớ của mình những kí ức buồn về một bộ phận dân cư mà tự bao đời gắn với cái tên nghe đến buồn não: “vạn đò”. Hầu hết đều có cảm giác như thế và thay đổi theo từng tình huống dẫn đến thái độ, đôi khi thương hại, khi mỉa mai, khinh miệt, có khi mang đến cả tâm trạng cả sợ, lo lắng nữa. Tâm trạng ấy lây sang cả tôi. Nhà tôi vốn xa thành phố, lại cũng chẳng gần sông nên hình ảnh về những con người mang thân phận vạn đò đối với tôi xa lạ lắm. Năm tôi 12 tuổi, gia đình đưa tôi lên học ở một trường cấp 2 trong thành phố. Nhà tôi trọ ở gần Đập Đá và lần đầu tiên tôi thấy cả một cơ man đò to đò nhỏ và những con người đi lại trên đò bơi lội dưới sông như thể là một cái làng nổi trên sông nước vậy. Tôi đứng lặng trên bờ một hồi chỉ để nhìn cuộc sống của những con người mà đối với tôi là rất lạ lẫm và bấp bênh ấy. Thế rồi những buổi sáng mơ trời đạp xe đi học tôi đã thấy họ thức dậy làm việc trên sông rồi, tối khuya về vẫn thấy đây đó ánh đèn leo lét bủa lưới trên sông. Họ lầm lũi bươn chải để kiếm miếng ăn cho đàn con đung đúc, những đứa trẻ con mình luôn trần truồng, đen nhẻm, tắm sông lúc nào chúng muốn và mồm lúc nào cũng kêu đói. Mấy lần tôi nhảy xuống cồn đất bên Đập để đá bóng với chúng. Tôi hỏi: “Ở dưới đò vậy có buồn không? Có được đi học không?”. Mấy đứa nhìn tôi cười cười, nụ cười lấp sau những nếp da sần sùi, cháy nắng. Rồi mưa lụt về, đò chèo đi bãi khác. Những con đò ngâm mình trong mưa, ngâm cả cuộc đời lê thê buồn tủi, cứ trầm mình như thế qua ngày này tháng nọ rồi mất bặt vào kí ức hồn nhiên của tôi, bên dòng sông mùa lũ

Tôi giận mình vì chẳng hiểu gì họ và cuộc sống sông nước chất chứa vô số lớp trầm tích văn hóa một phần gắn với văn hóa cố đô. Ít ai biết rằng, vạn đò, cái tên nghe quen chữ lạ nghĩa kia lại hàm chứa một huyền sử và văn hóa chưa ai khám phá hết. Nguyên nghĩa của vạn đò nghĩa là làng của những người ở trên sông. Vạn là một đơn vị hành chính cho các cư dân sống trên sông nước quanh kinh thành Huế vào thời đầu triều Nguyễn. Cho đến nay, chưa một công trình khoa học nào chứng minh được sự xuất hiện của dân vạn đò trên sông nước kinh thành bắt đầu từ khi nào. Nhà nghiên cứu Phan Hoàng Quý vốn chuyên sâu về vấn đề này với công trình về đời sống và văn hóa vạn đò trước năm 1975 vẫn chưa tìm được căn cứ xác đáng để đưa ra một thời điểm năm cụ thể xuất hiện kiểu cư trú đó ở Huế. Nhưng lối tổ chức cư dân sống trên đò theo kiểu vạn thì lại được khẳng định là có từ thời vua Minh Mạng (1820-1840). Dưới triều vua này, một cuộc cải cách hành chính có hệ thống đã diễn ra khắp cả nước và đương nhiên bao gồm cả nội hạt kinh thành trong đó có một bộ phận dân cư vạn đò cư trú trên sông.

                          Cuộc sống vạn đò trên sông Hương    Ảnh: TG


Thời đó, việc di chuyển phụ thuộc rất lớn đến hệ thống thủy lộ bao bọc cả kinh thành, hệ thống này đóng vai trò là những huyết mạch giao thông cũng như bố phòng quân sự. Ngoài đạo thủy quân thường trực ở kinh thành thì dân vạn đò được xem là yếu tố quan trọng trong vấn đề giao thông  đường thủy để có thể trưng dụng khi cần thiết trong các hoạt động giao thông, chuyên chở hàng hóa, binh lương. Dân cư được tổ chức từ 25-30 thuyền gọi là một vạn đò. Kể từ đó cho đến nay, với thời gian tồn tại gần 200 năm, vạn đò được xem là nền văn minh thứ hai của Huế, một nền văn minh sơ khai của những cư dân sinh sống trên mặt nước”([1]).

Nói đến quy mô của cư dân vạn đò thì là một con số biến thiên tăng giảm liên tục. Trước năm 1975, Huế có gần 200.000 dân, trong đó chỉ riêng 11 vạn đò thuộc phạm vi thị xã đã có 18.921 người, chiếm 10% dân số cư trú trên 2000 chiếc đò trong phạm vi khúc sông Hương từ Kim Long tới Bao Vinh[2].Phan Hoàng Quý trong bài đã trình bày khá chi tiết và cụ thể về đời sống của những người dân vạn đò với nhiều tình tiết sống động về sinh hoạt của họ.

         Theo số liệu của Ủy ban nhân dân thành phố Huế, năm 1993 có 723 hộ vạn đò với 5477 nhân khẩu. Trước năm 2010, thành phố có hơn 1.000 hộ dân vạn đò với khoảng 7.000 nhân khẩu đang sống trên các hệ thống sông của thành phố bao gồm sông Hương và các nhánh sông An Cựu, Đông Ba, Kẻ Vạn, Bạch Yến…
Xóm vạn đò nào cũng giống nhau, là những gia đình khốn khổ quanh năm. Nhà là những con đò rách nát, che bởi những tấm phên, tấm cót. Mọi sinh hoạt đều diễn ra trong không gian chật hẹp ấy. Họ phải đối mặt với các vấn đề kinh tế eo hẹp, sinh đẻ không có kế hoạch, ô nhiễm môi trường, trẻ em thất học, công việc không ổn định, bệnh tật, tệ nạn xã hội…

Cư dân vạn đò ở Huế có một nền văn hóa riêng, đó là nền văn hóa sông nước kết hợp với các tín ngưỡng bản địa. Đa số dân vạn đò theo Thiên Tiên Thánh Giáo. Đây là một tôn giáo của cư dân sông nước, thờ nữ thần của người Chàm là bà Thiên Y A Na, kết hợp với tục thờ mẫu Liễu Hạnh của người Việt. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân thì đây là: “một tôn giáo nhuốm một chút Phật, một chút Lão, một chút mê tín dị đoan rất thích hợp với đời sống vạn đò([3]). Cuộc sống long đong trôi nổi như thế, chỉ có thể trụ vững khi họ tin vào những đấng thần linh phù trợ cho mình. Những bà mẹ “đạo Mẫu”, êm đềm như dòng sông trong mát, lững lờ, cưu mang mảnh đời bé mọn, cơ cực.

Có một điều là, không hẳn người dân vạn đò chỉ là những kẻ cầu cạnh để được ban phát ân điển, họ còn là những người sáng tạo, duy trì và phát triển tín ngưỡng mang màu sắc văn hóa đó cho nhiều bộ phận dân chúng cố đô. Khi đi khảo sát về mối quan hệ giữa Thiên Tiên Thánh Giáo và cư dân vạn đò, tôi băn khoăn một điều mà đến nay vẫn còn chưa có lời giải đáp. Hầu hết các vạn đò cả xưa lẫn nay trên sông Hương đều tập trung cư trú ở mạn bờ bắc, rất ít khi ở bờ nam; các cơ sở miếu, điện của Thiên Tiên Thánh Giáo như Tổng hội Thiên Tiên Thánh Giáo (354 Chi Lăng), miếu Long Thuyền (bên trái Phu Văn Lâu), điện Hòn Chén… tất cả cũng đều ở bờ bắc. Phải chăng tín ngưỡng này và tập tục cư trú của dân vạn đó có một mối liên kết nào đó hay chỉ là thói quen cư trú cho hợp với thủy lưu của nước sông Hương. Nhưng điều chắc chắn rằng, không có cư dân vạn đò thì tín ngưỡng thờ mẫu ở Huế sẽ ít có sắc thái nổi bật so với cả nước. Chính họ là bộ phận làm cho các lễ tế rước ở điện Hòn Chén vào hai dịp xuân thu nhị kỳ (tháng 3 và tháng 7) được rôm rả và quy mô. Giả dụ như những đám rước đó không có sự góp mặt của các vạn đò thì chẳng thể diễn ra như ý muốn, vì khó có thể đi bộ trên địa hình nối các miếu điện của Thiên Tiên Thánh Giáo. Đó là chưa kể đến sự vắng bóng của một lượng lớn các tín đồ là cư dân vạn đò, khiến lễ hội kém phần linh đình.

 Cư dân vạn đò có đóng góp rất lớn trong việc sáng tạo các giá trị văn hóa cả vật thể và phi vật thể. Họ chính là tác giả của những bài ca dao đậm chất sông nước kinh kì vừa hồn nhiên vừa sâu sắc:
Chàng về thiếp ở sao yên
Chẳng tha ta trẩy một thuyền cùng nhau
.”
Hay những câu ca trữ tình:
Là đà bóng ngã trăng chênh
Giọng hò xa vọng, nhắn tình nước non


Đã để lại trong kho tàng văn học dân gian xứ Huế nhiều giá trị tinh thần phong phú, vang vọng mãi theo tiếng dầm khua mặt nước Hương Giang .

Nền văn hóa này còn cho ra đời một loại nhạc dân gian chỉ có duy nhất ở Huế là hát chầu văn, loại nhạc chỉ sử dụng trong các lễ hội của Thiên Tiên Thánh giáo. Họ cũng chính là những người đi đầu trong việc tổ chức các lễ hội đua ghe trên dòng Hương, đấu vật trên các bãi bồi, cồn nổi. Ngay đến việc làm nên các thuyền rồng du lịch cũng là sáng kiến của cư dân vạn đò. Họ kết bằng các chiếc đò lại với nhau để tạo không gian đủ rộng để cúng bái. Sau này ứng dụng để làm thuyền du lịch. Cho đến nay, các sáng tạo văn hóa của cư dân vạn đò được sử dụng nhiều trong các lễ hội, sinh hoạt tín ngưỡng, dịch vụ du lịch, đó là đóng góp không nhỏ làm nên bản sắc văn hóa cố đô.

Trong bản sắc ấy đồng thời còn có thêm một hình tượng mà tôi đã luyến lưu nhắc đến trong phần mở đầu, đó chính là con đò…đò mộng. Một sớm mai thức dậy trên đất thôn Vỹ, lòng tôi chợt xuyến xao. Dòng sông không có bóng con đò nào, lịch sử đã quay về buổi hoang sơ…tôi đi tìm con đò mộng. Ánh trăng, con đò, dòng Hương là ba thực thể cộng sinh làm nên sự lãng mạn của thi ca khi viết về đề tài này. Nhà thơ Hàn Mạc Tử có câu “Thuyền ai đậu trước bến sông trăng đó / Có chở trăng về kịp tối nay” (Đây thôn Vỹ Dạ) đã mang con đò trôi vào dòng thi ca bất hủ.
Nhà thơ Tố Hữu cũng đã từng viết trong một bài thơ về Huế rằng: “Ven bờ sông phẳng con đò mộng/ Lả lướt đi về trong nắng mai...”. Con đò, nơi sinh sống của cư dân vạn đò đã sản sinh ra một loạt giá trị văn hóa tinh thần hiếm có hay ít ra nó đã tạo nên cảm hứng cho thi ca một thời đại.

Đò của vạn đò dưới nước đồng nghĩa với nhà ở trên cạn. Con đò là cả một gia tài đối với mỗi gia đình vạn đò. Đò trên sông Hương
ngày xưa là loại đò năm thân ba mui, kích cỡ tùy yêu cầu của từng nhà. Đò thường đóng bằng các loại gỗ quý, dẻo dai, chịu nước tốt, thường là gỗ kiền. Con đò được thiết kế hai bên hai tấm mạn, hai tấm tè và ván tiếp hay đáy thuyền. Nói thì dễ nhưng đóng được những con đò cổ như thế không phải người dân vạn đò nào cũng đóng được mà phải nhờ đến đội ngũ đóng thuyền chuyên nghiệp. Người thợ đóng giỏi nghề là người có thể phân lỗ làu, cái lỗ xoi trên ba bộ phận chính cấu thành con đò là thanh ván mạn, ván đóng tè và thanh ván tiếp để xỏ dây mây cột chặt những bộ phận ấy lại với nhau. Nếu phân vị trí để khoan lỗ làu không chính xác thì sẽ ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của đò, không phân định được tỉ lệ chìm nổi: mũi nổi bao nhiêu, lái nổi bao nhiêu và ảnh hưởng đến tốc độ của đò. Con đò đóng đúng kỹ thuật thì chèo nhẹ, xoay trở lẹ làng. Tất cả những kỹ thuật đóng thuyền ấy giờ đây rất hiếm người biết được mà gìn giữ. Ông Nguyễn Văn Lựu
(sinh năm 1935) trú tại phường Phú Bình –Tp Huế là một trong ít ỏi những người thợ có tuổi nghề đóng thuyền trên 60 năm vẫn còn lưu giữ một “bí truyền” làm nên những con đò mộng ảnh, tạo nhiều cảm hứng cho văn nhân, lãng khách khi đến với không gian thi cảnh của Huế xưa. Ngày nay, những con đò như thế đã vắng bóng đi nhiều, thay vào đó là những con đò làm bằng hợp kim chắc chắn, chạy bằng máy phát điện, chân vịt ồn ã trên sông, đánh rối đi nét duyên thơ mộng, bãng lãng đương yên giấc sau những màn sương.

Nhắc đến con đò phải kể đến các lễ tục và sinh hoạt văn hóa rất thú vị diễn ra trong không gian nhỏ bé, chật chội của con đò. Tôi cảm thấy ấn tượng nhất là thú ngủ đò. Mới nghe đến từ này ai cũng hiểu theo nghĩa tối, nhưng thật ra ngủ đò là một sinh hoạt văn hóa rất thú vị, độc đáo của đất thần kinh xưa. Ngủ đò là một thú thưởng ngoạn thanh tao, một kiểu sinh hoạt mang tính thư giản của giới thượng lưu, tao nhân mặc khách. Thường thì sinh hoạt này diễn ra vào những ngày rằm, trăng chín tròn, dòng Hương trở nên lấp lánh như dát bạc. Giữa chốn mênh mông, thẳm diệu đó, thuê một chiếc đò ngao du sông nước, nâng chén rượu cùng bạn hiền, vui hưởng cái thú chở trăng về thôn Vỹ, đưa trăng lượn lờ khắp kinh thành rồi ngủ cùng trăng trên chiếc đò sương khói thật không còn gì sướng cho bằng một tâm hồn lãng tử phiêu bồng như thế. Sông, trăng, đò luyến lưu những lời ca, điệu hát say đắm lòng người, đàn tỳ bà tích tịch tình tang, ai hò mái đẩy quá giang đất trời. Có những lúc, khách đi thưởng lãm cái thú đó khiến đò rực đèn đỏ cả một khúc sông, cảnh tượng huy hoàng của những con đò mộng lướt chèo dưới trăng đêm. Ngủ đò không chỉ là một thú vui nữa mà nó đã trở thành một nét đẹp văn hóa của xứ Huế xưa. Tiếc một điều là thời bình không được bao lâu, chiến loạn liên miên xảy ra khiến kẻ tao nhân chẳng còn tâm trí để tiếp tục duy trì sinh hoạt đó. Thời tao loạn ngủ đò biến tướng thành kiểu ngủ mặn cho đám đàn ông khuây khõa cái ham muốn trần tục oái oăm của mình. Ngủ đò với các cô gái mang dáng hình ngư nữ đã trở thành cái mốt thời thượng của dân chơi, của đám đàn ông võ biền, phàm phu. Dưới chế độ cũ, đò đi khách chiếm 15% số đò có mặt trên sông, nghĩa là cứ 100 con đò thì có 15 chiếc biến thành nhà thổ trên sông. Dần dà, tệ nạn này giảm dần và rồi ngày nay đã lùi vào dĩ vãng.

Tìm được một con đò mộng để ngủ đò bây giờ thật khó, chỉ còn có thể vớt vát tâm hồn trên những chiếc thuyền du lịch để nghe ca Huế đêm trăng giữa không gian nhôm kính và tiếng máy nổ rầm rù. Tôi chỉ ước một lần thả hồn mình trong khung cảnh nên thơ kia để tìm lại bóng Huế cổ thi vị trong những đêm trăng quyến rũ lòng người.

Cũng trên chiếc đò bé nhỏ ấy, biết bao sinh hoạt văn hóa mang đậm dấu ấn sông nước khác đã diễn ra hết sức đặc sắc và li kì. Ngay như các lễ tục đời người như tang ma, cưới hỏi không cũng đã là một bản sắc riêng của cư dân vạn đò. Ở trên cạn, việc tang ma, cưới hỏi có phần thuận tiện hơn, phô trương hơn nhưng chưa chắc đã… bằng ở dưới đò. Đám cưới được tổ chức giản lược nhưng rất thấm tình nghĩa người. Mỗi khi có dịp đám cưới của ai đó, các đò ở gần nhau sẽ dùng dây buộc chặt với nhau lại, rồi dùng gỗ đóng bằng lên tạo thành một không gian nổi dưới sông có thể cho nhiều người ngồi quây quần quanh mâm cỗ. Nếu số đò nhiều, không gian tổ chức đám cưới sẽ rộng ra, có thể đặt cả bàn tiệc lên trên. Ở dưới nước cũng có cái hay của nó, nhất là màn rước dâu từ đò nhà gái sang đò nhà trai, đám rước linh đình, bà con vạn đò chèo đò ra xem và thế là mỗi dịp đám cưới là một dịp lễ hội, một dịp vui vầy xóa đi nỗi cực nhọc, muộn phiền đang đeo bám những con người sông nước. Không phải lúc nào đám cưới cũng ồn ào, vui nhộn như thế, thay vào đó là sự lo toan nợ nần, nhọc nhằn thêm tấm thân lam lũ. Có những đám cưới đơn giản là làm một mâm cúng trời đất sông nước rồi hai gia đình ngồi lại với nhau ăn uống, chuyện trò, có khi chỉ mâm cau trầu không cũng có thể rước dâu rồi. Ông Nguyễn Thanh Hùng (65 tuổi) hiện sống tại khu chung cư B vạn đò Phú Hậu từ tốn kể cho chúng tôi nghe về đám cưới của ông hơn 40 năm trước. Một lễ thành hôn buồn tẻ không tiệc tùng, không pháo cưới mà chỉ là một mâm cau trầu kính dâng ông bà tổ tiên mong cho đôi vợ chồng trọn nghĩa trăm năm. Giờ đây, khi điều kiện kinh tế đã khá lên, nhiều hộ khá giả thuê nhà hàng tổ chức đám cưới ngay trên bờ, nhưng xem ra rất hiếm hoi. Từ khi định cư đến nay, nhiều đám cưới tổ chức ngay trong khuôn viên chung cư, được mọi người đến dự và ủng hộ khá nhiệt thành.

Đám ma thì có phần giản lược. Đa số các hộ vạn đò đều nghèo nên quan tài của người vừa nhỏ, vừa mỏng, không được như người dân ở trên cạn. Có lẽ vì thế mà đám tang được đưa nhanh, thường thì vài ngày. Mộ phần an táng dọc theo các chân đồi, núi gần bờ sông, có khi an táng cả trên các cồn nổi. Một vài trường hợp bà con còn nhớ gốc gác thì được đưa về quê an táng. Dân vạn đò có thể sinh ở nước, sống ở nước và mãi như thế cho đến khi họ thác xuống thì ước mơ được ở trên cạn mới thành hiện thực. Đã bao đời phận mọn đã sống và nghĩ như thế nhưng rồi mấy ai hoàn thành được cái ý nguyện tưởng chừng như đơn giản đó.

                         Một khu tái đinh cư vạn đò                 Ảnh: TG

Cách đây 2 năm, tôi tham gia khảo sát khúc sông Hương đi qua cồn Hến là điểm tụ cư của nhiều hộ gia đình sống chủ yếu trên các con đò có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Khu 7 thuộc phường Vĩ Dạ là một khu dân cư như thế bao gồm hơn 300 hộ dân và hiện nằm trong diện giải tỏa, tái định cư trên bờ theo chính sách của UBND thành phố Huế. Đa số các hộ dân ở đây sinh sống bằng nghề đánh bắt cá, mò hến, khai thác cát sạn, cuộc sống của các hộ ở đây còn gặp nhiều khó khăn. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe không đảm bảo, đặc biệt việc giáo dục ở đây còn nhiều bất cập. Hiện tại, cả khu không có cháu nào vào đại học, dăm ba cháu tốt nghiệp 12, còn đại đa số học độ lớp 6,7 thì nghỉ học vì gia đình không có khả năng lo học cho con em mình. Số lượng người đến độ tuổi lao động thất nghiệp khá nhiều, nếu có đi nữa chỉ là các công việc vặt, hoặc là tiếp tục theo đuổi nghề nghiệp muôn đời của các cư dân vạn đò.

Mọi sinh hoạt của người dân ở đây đều diễn ra trên chiếc đò nhỏ, không gian cư trú ấy chỉ chứa tối đa là một gia đình 4 người. Ấy vậy mà ở đây hầu như chiếc nào cũng quá tải. Gia đình nào cũng đầy trẻ nhỏ, nhân khẩu hầu như vượt quá con số 5. Con đò chật hẹp như thế, dân vạn đò lại ít có phương tiện vui chơi giải trí. Quanh đi quẩn lại chỉ có hai vợ chồng cùng mấy đứa nhỏ. Có lẽ vì thế mà đời sống chăn gối của vợ chồng có phần tấp cập hơn, họ lại ít kiến thức về việc kế hoạch hóa. Thế là chuyện đứa này chưa đủ lớn, đứa khác đã vội ra là vấn đề bình thường trên những chiếc đò. Có gia đình lên tới mười mấy người, đò không có sức chứa, đành làm thêm một chiếc bè nhỏ có mái che để ở tạm. Ốm đau, bệnh tật thi thoảng kéo đến hành hạ những gia đình đã nghèo mà còn gặp eo này.  Khó khăn của các gia đình dân vạn đò là chăm sóc trẻ nhỏ. Trẻ ở đây sinh ra đã sống cùng sông nước, ngày ngày theo cha mẹ trên những con đò, chẳng biết nhà trẻ là gì, nhiều cháu mới chỉ có 3 tuổi đã lặn ngụp giữa dòng sông, mình mẩy đen nhẻm. Có trường hợp, gia đình con đông, cha mẹ đi làm , anh em ở nhà tự trông nhau, trẻ nhỏ nghịch nước sẩy chân mất tích để lại nỗi đau đớn, ân hận cho nhiều gia đình.

Dòng sông là nguồn sống, là nơi dung dưỡng những số kiếp trôi nổi trên những con đò và cũng là nơi hứng chịu những thiệt thòi do những kẻ mà nó dung dưỡng mang lại. Dân vạn đò lấy nước sông để sinh hoạt, tắm giặt, nấu ăn và cũng thải rác rưởi xuống lòng sông. Chưa kể là trên đò không có nhà vệ sinh nên ngay cả vấn đề đi vệ sinh không cũng đã làm cho dân vạn đò khó xử. Vì thế họ ít khi sống một chỗ, cứ cho đò nay neo chỗ này mai đậu chỗ kia. Nhiều du khách du lịch trên sông ngán ngẫm trước cảnh “nổi lềnh bềnh” của những “vật thể lạ” quanh các con đò.  


Ở đây cũng là ổ ký sinh của những tệ nạn xã hội. Hình ảnh những con đò lẻ loi lạt dạt ở những bãi rậm rạp ven sông, phục vụ nhu cầu cho những khách làng chơi đêm đêm lại xuất hiện trên dòng Hương. Rồi những số phận bèo nổi của những người già cô đơn, không nơi nương tựa, bơ vơ giữa khoảng trời nước mênh mông. Hàng trăm trẻ em vì gia đình quá nghèo phải rủ nhau từng đoàn lên bờ đi ăn xin để mong góp sức nhỏ cho đời sống gia đình thoát khỏi khó khăn. Đó cũng là chỗ dung thân của nhiều số phận vì cùng đường phải làm kẻ cướp giật, móc túi, đêm về ngủ tạm trên con đò cũ nát.

Lúc đó, chúng tôi ghé thăm gia đình chị Nguyễn Thị Hiền (35 tuổi), cư trú trên một con đò neo đậu ở khu vực giữa cồn Hến và đập Đá. Gia đình chị có tám nhân khẩu, hai vợ chồng và sáu đứa con cùng sống trên một chiếc đò lớn, ngoài ra còn có thêm một chiếc ghe nhỏ là phương tiện để làm ăn. Chiếc đò mà cả gia đình chị ở chỉ có kích thước khá khiêm tốn 10 x 2,5m đã cũ, dột nát, phần mái hư hại. Cuộc sống gia đình khá bấp bênh, 6 miệng ăn mà chỉ trông chờ vào một nghề duy nhất là đánh bắt cá. Thu nhập một ngày của nghề này độ 20-40 nghìn đồng. Nghề này lại phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết. Ngày bình thường đã phải đi xa nhà có khi lên tận cầu Tuần, về cả Phú Thứ (Phú Vang) để đánh bắt. Còn những ngày mưa gió thì chẳng đánh bắt được gì, có khi chỉ về tay không.


Gần đó, gia đình ông Phan Văn Xâu (53 tuổi) và bà Nguyễn Thị Tẹc (49 tuổi) lại có một cuộc sống bấp bênh, đói khổ. Gia đình có 9 miệng ăn, hai và chồng và 7 cháu gái nhưng chỉ có một cháu đến độ tuổi lao động. Ông Sâu bị tai biến, mất sức lao động, chỉ có bà Tẹc buôn bán ở chợ ngày kiếm được từ 10- 30 nghìn đồng. Hai cháu gái lớn phải nghỉ học để đi làm thuê kiếm tiền chữa bệnh cho ba và phụ giúp gia đình. Số tiền các cháu kiếm được cũng chỉ trang trải được phần nào cho cuộc sống còn nhiều khó khăn ấy. Tất cả họ dường như có chung ước mơ là được sống trên bờ để cải thiện cuộc sống lam lũ trên sông nước, nay đây mai đó này.

        Từ lâu, việc giải quyết vấn đề đưa cư dân vạn đò lên bờ là bài toán nan giải cho chính quyền thành phố. Công cuộc thực hiện vấn đề này đã được chú ý từ những năm 90 của thế kỉ trước. Đến nay, vấn đề này đã được thực hiện theo một lộ trình dài hạn và dự án tái định cư cơ bản hoàn thành cho thấy nhiều dấu hiệu khả quan trong việc cải thiện môi trường sống của cư dân vạn đò. Chương trình tái định cư (TĐC) và ổn định cuộc sống dân vạn đò ở TP Huế được thực hiện từ năm 2008 - 2010, có tổng mức đầu tư khoảng 240 tỷ đồng, với mục tiêu đưa hết toàn bộ 1.069 hộ với hơn 7.000 nhân khẩu sống lênh đênh trên các con sông trong thành phố lên bờ.

              Chính quyền thành phố đã đầu tư xây dựng 3 khu tái định cư tại Hương Sơ, Phú Hậu, Phú Mậu tạo điều kiện sớm đưa dân vạn đò lên bờ định cư. Các TĐC này có đầy đủ hệ thống hạ tầng trường học, trạm y tế, nhằm tạo thuận lợi cho dân vạn đò đến nơi ở mới. Ở khu TĐC Phú Mậu là nơi tập trung các hộ dân tiếp tục theo nghề sông nước nên nơi đây còn xây dựng hệ thống bến đậu thuyền dọc sông Hương để người dân tiếp tục mưu sinh trên sông nước dù đã lên bờ định cư. Nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho các hộ lên bờ, thành phố Huế hỗ trợ giảm 15% giá tiền mua căn hộ chung cư, phần còn lại người dân được trả góp trong vòng 30 năm, không tính lãi trong 10 năm đầu. Trường hợp các hộ dân nhận đất để tự xây dựng nhà thì được thành phố hỗ trợ 15 triệu đồng trong tổng phí cho một căn hộ 80 m2 là 65 triệu đồng, số tiền còn lại người dân phải trả trong 10 năm, không lấy lãi. Đến nay dư án tái định cư vạn đò đã đạt tiến độ khả quan. Đây thật sự là một bước đột phá trong việc ổn định cuộc sống cho các hộ vạn đò, cải thiện mỹ quan, trật tự đô thị.

Khi nghe đến chủ trương chuyển các hộ dân ở đây lên bờ hầu như ai cũng vui mừng. Chị Hiền (29 tuổi) ở vạn đò sông Đông Ba, Phú Bình tâm sự: “cho lên sớm chừng mô thì hay chừng đó, chứ lụt bão ri sống thiệt là cực quá.” Đó không những là tâm nguyện của chị mà hầu hết người dân ở đây ai cũng đồng tình, thiết tha trông chờ ngày được lên bờ định cư.

Nhiều ý kiến khác cho rằng, lên bờ để bà con có điều kiện làm thêm nhiều việc để có thu nhập. Anh Phan Tùng 43 tuổi ở Khu 7, Vỹ Dạ xem “đó là cơ hội để chúng tôi có thể thay đổi nếp sống bao đời, quanh năm chỉ sống vào chài lưới và đãi cát thì không khá lên được”.
Niềm vui đó còn là niềm vui của các em nhỏ đang độ tuổi đi học. Ngày ngày các em phải di chuyển một quãng đường khá xa để đi đến trường, trời mưa gió phải nghỉ học vì đi lại không thuận tiện. Điều kiện học hành được đảm bảo, các em sẽ học tập tốt hơn, sẽ có một tương lai xán lạn hơn. Chúng ta hi vọng vào các em, những thế hệ con cháu của những người dân vạn đò lam lũ xưa đã định cư trên đất liền, thay đổi số phận để biến mình thành những con người mới vượt lên chính mình, hòa nhập với cuộc sống đương đại sôi nổi.

Bài toán vạn đò khó giải đã được giải quyết gần như dứt điểm……. Đó là tín hiệu mừng, một thành công lớn đối với tàn dư, hệ lụy quá khứ. Trong tương lai không xa, dòng Hương sẽ không còn bóng những chiếc đò nhếch nhác, bần khổ với bao số phận chìm nổi thương tâm, vạn đò chỉ còn là hư danh hư tính giữa một thành phố văn minh, giàu đẹp. Con đò trôi giữa dòng sông, chở đầy một kho tàng văn hóa của cư dân sông nước, chở những câu hò, chở những giấc mơ miên man lạc vào ánh đèn đô thị. Chỉ sợ tao nhân mặc khách sẽ cảm hoài nuối tiếc quá khứ vàng son con đò mộng thơm ngát một dòng Hương Giang giữa mùa trăng phủ khắp kinh thành.

Nếu để lại lời nhắn, tôi hẹn rằng tết Nguyên Tiêu năm Tân Mão này xin trùng phùng tri kỷ giữa dòng Hương tìm thú ngủ đò mà ôm trăng. Đò rời bến sớm, xin đừng đến muộn, bỏ lỡ giấc xưa.



[1]  Theo Nguyễn Đắc Xuân, Hỏi đáp về Triều Nguyễn và Huế xưa, NXB Thuận Hóa, năm 2002, trang 102)

[2] Phan Hoàng Quý (1975), "Sinh hoạt những vạn đò trên sông Hương trước năm 1975", Nghiên Cứu Huế (2001).

[3] Theo Nguyễn Đắc Xuân, Hỏi đáp về Triều Nguyễn và Huế xưa, NXB Thuận Hóa, năm 2002, trang 103)

Các bài đã đăng
Ghi ta đen (28/02/2011)