Tạp chí Sông Hương - Số 12 (T.4-1985)
Gương mặt ban mai bên sông Hương
16:22 | 15/08/2023

NGUYỄN KHẮC PHÊ

Tôi tỉnh giấc khi trời còn tối, nhưng không sao ngủ được nữa. Không phải vì tiếng động của những guồng máy quay, tiếng những vành thép nghiền vỡ vụn đá và cờ-lanh-ke.

Gương mặt ban mai bên sông Hương
Minh họa: Phạm Đại

Trên vùng đồi Long Thọ, những âm thanh náo động ấy hầu như không dứt trong suốt 365 ngày của một năm, suốt 24 giờ của một ngày. Chỉ vì tiếng chuông chùa Linh Mụ thong thả binh bong chuyền ngân qua dòng sông Hương tĩnh lặng. Những tiếng chuông buông rơi trong đêm gợi nghĩ đến những giọt nước, rất êm mà cũng có thể ngấm rất sâu.

- Bòng!... Bòng!...

Tôi lắng đợi tiếng chuông kế tiếp và chợt nhận ra tiếng gà gáy từ phía khu nhà tập thể của công nhân vọng tới.

- Ò ò o ò..

Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Linh Mụ canh Thọ Cương

Câu ca xưa tả cảnh đời hai bên dòng sông Hương ấy cùng tiếng chuông và tiếng gà gáy - những âm thanh có thực đang còn ngân sóng trong bầu không gian quanh tôi, đều gợi nghĩ đến thời gian, lịch sử...

Tiếng chuông lại ngân. Tôi bỗng đưa mắt nhìn qua khung cửa sổ. Bên kia sông, chùa Thiên Mụ chìm trong màn sương trắng, nhưng lịch sử của nó đã được khắc ghi trên những tấm bia đá lớn.

... Nguyễn Phúc Chu đúc chuông lớn năm Canh Dần (1710) sửa sang chùa vào năm Giáp Ngọ (1714) dựng bia năm Ất Vị (1715)...

Bên này sông, trên đồi Long Thọ, cạnh chỗ tôi nằm, cũng có bia đá. Nhưng tấm bia chỉ mang ba chữ “Long Thọ Cương”. Đó chỉ là ước mong của người xưa cầu cho vùng đất này thịnh vượng lâu dài. Còn lịch sử “chủ thể” ở đây - khu nhà máy vôi xi măng sống đã gần một thế kỷ chưa được ai ghi lại. Nhưng liệu nó có đáng ghi lại không?

Bây giờ, khi Xí nghiệp liên hiệp sản xuất vật liệu Long Thọ đã trở thành một đơn vị nổi tiếng ở Huế - BìnhTrị Thiên, nghe câu hỏi ngỗ ngược kia, hẳn nhiều người phải sôi máu. Nhưng tuy bia đá chưa kịp ghi, bia miệng còn đó. Cũng chưa phải lâu la gì. Mới đó, những năm đầu sau ngày thành phố Huế được giải phóng, đã có những người tỏ ý muốn ngăn cản việc phát triển nhà máy vôi Long Thọ. Những nguyên cớ nghe ra đều như có lý: Huế là thành phố văn hóa - du lịch, cần gì phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; rồi e ngại môi trường xung quanh bị ô nhiễm mà xi măng thì trung ương đã có Bỉm Sơn, Hoàng Thạch tha hồ...

Đến bây giờ thì đã rõ chân lý thuộc về ai. Và chuyện chép sử khu nhà máy này đã được bắt đầu. Bên cạnh giường tôi, Thiên - anh bạn sinh viên khoa Sử Trường Đại học Tổng hợp Huế đang ngáy ngon lành. Công việc sưu tầm tài liệu để viết cuốn lịch sử nhà máy Long Thọ đã hoàn thành. Phải nói là Thiên đã gặp may. Trước ngày anh về nhà máy, đồng chí Hoàng Lanh, Bí thư Thành ủy Huế đã khuyến khích bác Mã Dung - người thợ lò vôi Long Thọ từ hơn 50 năm trước nay là cán bộ về hưu, ghi chép lại những sự kiện đáng ghi nhớ của nhà máy. Trong căn nhà nhỏ dựng bên hồ Voi Ré, bác Mã Dung với nụ cười mở rộng trẻ trung đón người bạn chép sử, sung sướng trao bản thảo lược sử nhà máy vôi Long Thọ cho anh.

... Năm 1902, Bò-ghè, tên lính viễn chinh Pháp có công trèo lên treo cờ Pháp trước Ngọ môn năm 1885, sau khi trở về Pháp, được đặc ân sang Huế thăm dò mỏ đá ngầm Long Thọ xây lò nung vôi... Năm 1917; sập hầm đá, chết 16 culy... Ngày 10 tháng 12 năm 1930, chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Long Thọ được thành lập... Ngày 1 tháng 7 năm 1975, Tỉnh quyết định khôi phục nhà máy vôi Long Thọ... ngày 19 Tháng 8 năm 1975 ra mẻ vôi đầu tiên... ngày 1, Tháng 5 năm 1977, Long Thọ có thêm sản phẩm mới: xi măng...

Những sự kiện ấy đã hiện rõ bằng giấy trắng mực đen trong cuốn sổ của người chép sử trẻ tuổi. Ngày mai, anh sẽ về nạp tài liệu cho nhà trường. Còn đêm nay, anh tự thưởng công cho mình bằng một giấc ngủ say. Nhưng tôi thì trăn trở không yên. Tiếng chuông đã lặng. Những guồng máy quay gầm gào bỗng như dội to khác thường. Giờ này, những người thợ ca ba hẳn đang phải đem hết nghị lực chống chọi lại cơn buồn ngủ. Tiếng máy gọi tôi trở dậy với những con người đang lao động.

Tôi bước nhẹ chân qua giường người bạn chép sử trẻ tuổi, mở cửa bước ra sân. Chợt có tiếng xe nổ máy. Chiếc xe ca đưa đón công nhân vừa buông phanh trượt xuống dốc ra đường. Tôi bỗng muốn được một lần theo xe vòng quanh thành phố, qua An Cựu, Tràng Tiền, ra An Hòa... đón những người công nhân đến nhà máy trong sáng tinh mơ này. Tôi chạy dấn lên, vẫy tay, gọi. Nhưng không kịp rồi. Chiếc xe đón những người thợ cũng phải quay vòng chính xác như một guồng máy, thường chẳng đợi chờ ai.

Giữa đường phố Long Thọ chỉ còn mình tôi. Những căn nhà hai bên đường đều đang đóng cửa ngủ yên. Dãy phố nối dài ra hai phía cổng nhà máy, trong những năm qua, mỗi ngày một trở nên đông đúc. Những quán chè, cà phê, quà bánh, hiệu may, rồi dây buộc và bao bì đựng vôi, xi măng... Có những căn nhà chỉ để cho người ta thuê gửi tạm xi măng. Những căn phòng giữ yên giấc ngủ cho những người thợ cần cù làm ăn lương thiện, bên ổ chứa hạng “anh chị” săn đón buôn xi măng và có khi khách hàng sơ hở, leo vụt lên xe đang chạy, lật xi măng xuống đường... Hẳn là còn những điều bí ẩn và phức tạp nữa tôi chưa kịp biết, nhưng trên dãy phố lao động này, họ chỉ là loại tầm gửi mà thôi.

Dọc theo dãy phố vắng một quãng, tôi đang định quay lại để lên lò nung xi măng thì phía trước bỗng xuất hiện một bóng người. Tôi thoáng giật mình, nhưng rồi trấn tĩnh ngay. Người đang đi lại gần phía tôi là giám đốc Lê Bá Lan. Cuộc gặp gỡ bất ngờ, nhưng tôi không mấy ngạc nhiên. Tôi vừa được nghe kể: Một đêm mưa, đồng chí cán bộ trực ca đêm đó cũng đã buồn ngủ ríu mắt, nhưng vướng người giám đốc bên cạnh, không tranh thủ chợp mắt được nên đã sốt sắng lấy hon-đa cho thủ trưởng về nhà riêng. Vậy là yên chí, người cán bộ trực tạm khép cửa phòng chợp mắt. Không ngờ, thật như sét đánh, giám đốc Lê Bá Lan đã lại hiện bên giường với giọng nói vang to: “Quý hóa thật! Không lừa được thằng Lan đâu! Trực thế này thì còn biết trời đất gì nữa. Lò số 3 bị dính đã biết chưa?”

Nhà riêng của giám đốc Lê Bá Lan cách Xí nghiệp chừng hai ki-lô-mét, nhưng hàng ngày anh thường đi bộ đến công sở. Ít nhất cũng bốn lượt một ngày. Những hôm buổi tối có họp hành, hoặc anh đi kiểm tra ca đêm thì phải sáu lượt. Anh coi đó là cách tập thể dục của mình.

Khi đã sóng đôi cùng người giám đốc quay trở lại nhà máy, tôi hỏi:

- Những năm qua, có lẽ anh là người qua lại nhiều nhất trên đoạn phố này, anh thấy có thay đổi gì đáng kể?

Anh Lan không trả lời thẳng vào câu hỏi. Có lẽ anh biết là điều đó tôi có thể đoán nhận được. Thay cho câu trả lời, anh kể lại lượt đầu tiên anh đặt chân lên vùng Long Thọ. Đã gần mười năm qua. Ngày ấy, Huế vừa giải phóng, anh được giao nhiệm vụ góp sức khôi phục nhà máy vôi Long Thọ. Một đồng chí cán bộ phụ trách Ty Công thương Thừa Thiên dặn dò anh hãy cẩn thận. “Mới giải phóng, vùng Thủy Xuân, Thủy Biều tình hình khá phức tạp đó!”. Và cho anh mượn một khẩu súng. Lúc ấy, anh chưa biết Long Thọ ở đâu, nhưng nghe nói quanh nhà máy có dân có những người thợ đang trông chờ nhà máy hoạt động trở lại, anh đã gửi lại khẩu súng, khoác ba lô lên đường...

Tôi đã hiểu ý người giám đốc. Kỷ niệm cũ ấy, theo anh cũng là một bài học: Cần phải biết tin, biết dựa vào nhân dân. Bài học này anh đã thu được từ mấy chục năm trước, khi huyện ủy Phú Lộc giao anh nhiệm vụ xây dựng cơ sở một xã trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhưng chắc là cũng có người cho việc anh không nhận súng là mất cảnh giác. Sự suy diễn không phải vô cớ. Cũng vào những năm đầu khôi phục nhà máy, một cán bộ - một cộng sự gần gũi của anh, muốn chứng tỏ trước cấp trên mình là một người có lập trường giai cấp kiên định, đã làm đơn tố cáo Lê Bá Lan hữu khuynh, mất cảnh giác, nhận nhiều người liên quan đến ngụy, cả lính ngụy nữa, vào làm trong nhà máy. Lá đơn chỉ làm một số người thêm mất thì giờ lên xuống Long Thọ lật dò hồ sơ điều tra chất vấn. Còn người giám đốc vẫn kiên định quan điểm của mình. Anh không nhằm tuyển “ngụy” vào nhà máy, nhưng chính là với tinh thần trách nhiệm trước Đảng, anh đã tìm mọi cách mở rộng nhà máy, tận dụng lớp đất bóc ra trên mỏ đá lập thêm xưởng sản xuất gạch ngói (đến nỗi đã có người cho anh có mưu đồ bành trướng), nhưng anh thì muốn nhiều người có sức lao động được làm việc. Trong lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội rồi sẽ rõ ai là tiến bộ, ai là phản động. Mà hơn ai hết, chính là người cộng sản phải biết quý những con người mà chúng ta đã phải đổ máu suốt 30 năm mới giành lại được từ tay kẻ thù. Có đến gần 400 con người liên quan đến ngụy vào làm ở Long Thọ trong những năm qua. (Tôi được biết, trong số đó có con trai một cán bộ cách mạng, anh Lan từng quen biết ở Phú Lộc hồi chống Pháp). Không phải tất cả đều đứng vững được đến hôm nay. Ấy cũng là lẽ thường. Ở Long Thọ, cũng có đồng chí theo cách mạng quá nửa đời người rồi mà vẫn bị ngã. Cũng như phối liệu qua lò nung nóng đến 1350 độ, xen lẫn với cờ-lanh-ke đông rắn tạo nên xi măng, có cả thứ bt t rơi rụng qua sàng.

Trước cổng xí nghiệp, tôi dừng bước đáp lời chào hỏi của anh Quân, tổ trưởng tổ bảo vệ xí nghiệp. Anh Quân cùng các đồng chí Du, Đào, Hiệu, Tặng, Tụng, Hiến, Chương… là lớp bộ đội phục viên sau bảy lăm - những rường cột ban đầu của Long Thọ. Ngày 26 tháng 3 năm 1975, anh là người có mặt trong binh đoàn tiến vào giải phóng thành phố Huế.

Đằng trước, anh Lan đang cúi xem bộ bàn quay trên đường goòng chuyển đá. “Chắc là rồi sẽ có việc phải bổ khuyết với quản đốc xưởng vôi”. Tôi thầm đoán vậy. Anh Quân cũng đưa mắt nhìn mái đầu bạc của người giám đốc, nhưng lại gợi nhắc những kỷ niệm đã qua. Anh nói:

- Chịu cụ!. Không biết cụ lấy sức mô mà đi cả ngày cả đêm. Ấy là dạo này anh Luyến đã đỡ cho cụ được nhiều việc. Xí nghiệp thì rộng mênh mông, đi một vòng đã hết hơi mà không gì lọt khỏi mắt cụ... Anh biết không, giữa trận lũ lịch sử năm 83, nước ngập hết đường đi thì cụ bò trên tường!...

Tôi không định viết nhiều về người giám đốc ở đây. Nhưng ở Long Thọ, trò chuyện với ai, hình ảnh Lê Bá Lan cũng được gợi nhắc đến. Không phải ai cũng cất lời ngợi ca. Có người đã phải hạ giọng nói nhỏ với tôi: “Em nói với anh, nhưng anh đừng kể lại với ai. Tài quản lý thì không ai bằng được ông Lan, nhưng ông ấy độc đoán quá.” Tôi cũng đã có lần chứng kiến cái tính “độc đoán” của giám đốc Lê Bá Lan. Hôm ấy, trong cuộc họp giao ban, một cán bộ vừa đứng dậy nói: “Báo cáo với ban giám đốc...” thì anh Lan liền ngắt lời:

- Ở Long Thọ không có ban-giám-đốc, chỉ có tôi là giám đốc!

Và sau đó mấy lần, tôi nghe anh công bố: “Tôi quyết định thưởng...” “Tôi quyết định điều máy xúc...”. Anh quyết định tức thì, dứt khoát, không phải hội ý bàn bạc gì với các phó giám đốc cũng như các bí thư Đảng ủy, Thư ký Công đoàn, Bí thư Thanh niên đang có đủ mặt trong phòng họp. Có điều khá thú vị là trước người giám đốc quyết đoán, nghiêm nghị đến mức “dễ sợ” ấy, cũng chính trong buổi họp ấy, Cao Xuân Dũng, kỹ sư cơ khí học ở Tiệp về, đã ba lần đứng lên cao giọng cãi lại giám đốc về việc cải tiến một chi tiết máy. Và kết quả là cuối năm 1984 với một số sáng kiến, cải tiến thực hiện thành công, Dũng đã được bầu là chiến sĩ thi đua! Nhưng cũng có người lại trách giám đốc Lê Bá Lan cứng quá thẳng quá, không biết thông cảm anh em cán bộ, có chút khuyết điểm là cách chức liền. Có những người lại kể giám đốc Lê Bá Lan từng rơi nước mắt trước những người thợ. Ấy là lúc Bình Trị Thiên còn thiếu gạo, xí nghiệp thì bị gò bó bởi những thể chế cũ kỹ, sản xuất không lên, người giám đốc đã khóc khi thấy công nhân phải khuấy cháo bột mì chống đói trong giờ làm. Và lần thứ hai, trước thi hài ba cô gái trẻ đã hy sinh trong trận lũ lịch sử năm 1983, người giám đốc đã khóc họ như đó là những đứa con của mình...

Về người giám đốc Long Thọ thì còn nhiều chuyện để nói. Vậy mà tôi cảm thấy rất khó viết về anh. Có lẽ vì cái ý muốn “xây dựng” anh thành một giám đốc hoàn thiện, hoàn mỹ. Rất may là tôi chưa viết những dòng như thế, vì như thế thì chẳng ai nhận ra Lê Bá Lan, một cột trụ của Long Thọ trong mười năm qua nữa. Và hơn ai hết, chính người giám đốc hiểu rõ mình cũng như xí nghiệp mình chưa hoàn thiện. Anh đang muốn có nhiều sản phẩm đạt chất lượng cao đóng góp cho việc trùng tu các di tích văn hóa Huế. Ngày ngày, anh muốn đổi mới, muốn đưa xí nghiệp mình vượt lên. Có điều phải trách anh; hình như anh không được tế nhị và thiếu kiên nhẫn. Cũng như bây giờ, anh đã không nán chờ tôi, vượt lên trước.

Vừa đặt chân vào dãy nhà dài tít tắp mù mịt bụi đá, ồn ào tiếng những băng chuyền, những guồng máy quay, tôi đã cảm thấy mình không có quyền trách người giám đốc. Một dây chuyền công nghiệp khẩn trương chặt chẽ như thế, không cho phép một ai rụt rè chậm bước.

Theo những bậc thang hẹp và dốc đứng, tôi trèo lên lò nung cờ-lanh-ke. Lò rực lửa hồng trong đêm thực là một hình ảnh đẹp, đầy sức hấp dẫn. Khác hẳn những cô gái trộn tam hợp, cả thân mình giấu kín trong khăn áo, những chàng thợ lò phơi trần mình để lộ những bắp thịt cuồn cuộn. Đặc biệt, hôm nay trên mặt lò có một cô gái: Nguyễn Thị Hồng Oanh. Cô thế chân một thợ lò đến phiên “nghỉ chủ nhật”, Hồng Oanh là chiến sĩ thi đua 4 năm liền, lại là vợ của đội trưởng Hồ Ngọc Trinh. Làm quen với vợ chồng cô, mới biết mối tình giữa hai người cũng là một tấn kịch. Gia đình cô là đạo ròng, nhà ở ngay trong địa phận nhà thờ phường Đúc. Anh bên lương, quê Thủy Biều. Xưa nay, bao đôi lứa trong cảnh ngộ ấy đã phải ngậm ngùi chia tay. Trinh và Oanh cũng đã phải nhiều đêm rơi nước mắt. Nhưng may mắn hơn những đôi lứa khác, cả hai cùng là thợ xi măng, cùng chung nỗi lo cho lượng cờ-lanh-ke ra lò đạt tiêu chuẩn. Và họ cũng đã liên kết vững chắc như cờ-lanh-ke.

Hồ Ngọc Trinh đi kiểm tra công việc trong phạm vi mình phụ trách trước lúc giao ca, trở lên mặt lò sau tôi mấy phút. Mặc tôi can ngăn, Trinh vẫn bảo anh em chạy tìm ấm chén nấu nước pha trà đón khách. Cảnh uống trà của những người thợ lò thật đặc biệt. Một xẻng than đỏ rực - những viên liệu được đốt nóng gần 500 độ, được xúc lên thành lò. Đặt ca nước lên, chỉ chốc lát là sôi, thật sôi. Tôi có cảm giác như nước sôi ở đây phải trên một trăm độ, nên dù ấm trà vỡ nắp, trà vẫn chiết ra nước đặc thật nhanh. Chén trà thiếu, Trinh mời tôi uống trước. Nhưng tôi chỉ là người ngắm cảnh, đâu có đáng ưu tiên uống chén trà ngon trước những người thợ tuôn mồ hôi như tắm suốt trong đêm. Tôi nâng chén nước lại bên người thợ lò vừa hắt gọn một gòong liệu vào lò, thân mình đầm đìa mồ hôi.

- Anh Mỹ! Xin mời anh! Anh mới đáng là người uống trước tiên.

Một gòong liệu nữa theo hệ thống thang vận được kéo lên. Oanh và Việt liền đẩy nó tới trước lò số 1. Mặt lò lửa cháy sáng trắng. Cần phải cho liệu vào gấp. Võ Bá Quang, người thợ lò trẻ nhất - một anh chàng rất đẹp trai, vừa mặc áo thợ năm 1983, tới tấp hất những xẻng liệu vào lò. Tôi bước lại, tiếp sức cho anh. Bây giờ tôi mới thực biết “sức hấp dẫn” của ngọn lửa lò. Hơi nóng tỏa rát mặt, đến mức những sợi tóc xòa trước trán cháy quăn, làm đôi chân chỉ muốn thụt về sau. Hai bàn tay cầm cán xẻng cũng bỏng rát. Nhưng tôi không thể lùi và chỉ sau mười nhát xẻng đã rút được bài học bổ ích. Càng nóng, càng phải nhanh tay dần tới. Lớp liệu mới rải trên mặt lò sẽ làm giảm độ nóng.

Trở lại bên “bàn trà”, không nỡ phụ lòng hiếu khách của những người thợ, tôi nâng chén nước. Chà! Trà thật ngon! Khi ta đã đổ mồ hôi mới thật thấm vị ngon của chén nước trà. Và có lẽ cũng nhờ nước đun sôi bằng ngọn lửa lò trên trăm độ.

Hồ Ngọc Trinh ghi chép những con số cần thiết vào sổ giao ca, rồi đứng dậy bước tới gõ kẻng và giơ hai ngón tay ra. Ấy là hiệu lệnh cho người thợ đứng phía dưới cho lò số 2 ra cờ-lanh-ke. Tiếp theo, lò số 3, lò số 1...

Mãi dõi theo những vừng hồng - bốn mặt lò cháy đỏ luân phiên nhau đổi màu sau mỗi lần vào liệu hay cho ra cờ-lanh-ke, tôi như không để ý đến vùng chân trời phía đông ửng sáng từ lúc nào nữa. Đã vào những phút cuối của ca ba, nhưng nhịp điệu lao động vẫn không hề thuyên giảm. Trinh thì đã bắt đầu một ca làm việc nữa. Anh thoăn thoắt xuống thang, đón đội quân vào ca một. Hôm nay, người đội trưởng phụ trách ca một bận học văn hóa.

Trong những giờ phút bắt đầu của một ngày mới, đứng trên tầng lò cao, nhìn toàn cảnh xí nghiệp - từ khu hầm đá đang được mở rộng phạm vi khai thác, đến xưởng sản xuất gạch ngói. Trạm bảo dưỡng xe máy “28 tháng 7” vừa hoàn thành, rồi hội trường, nhà trẻ, lớp mẫu giáo, phòng thí nghiệm, trạm xá... chiếm một vùng đất rộng có sông Hương và núi Kim Phụng, động Bồ Hồ, đồi Vọng Cảnh bao quanh, tôi chợt nhớ lại thuở ban đầu khôi phục xí nghiệp mà Trinh vừa kể cho tôi nghe chiều qua.

Ngày ấy, Xưởng vôi Long thọ chết lặng đã mấy năm, chìm ngập giữa một rừng cây dại. Vùng đất xây nhà máy xi măng - nơi tôi đang đứng, ngay giữa ban ngày, người yếu bóng vía cũng không dám đặt chân tới. Người ta bảo chỗ cái giếng có ma Tây đen!...

Những ngày ấy, Trinh mới là cậu thanh niên mười bảy tuổi. Trong làn sóng di tản hỗn loạn trước sức tấn công ào ạt của cách mạng vào Huế, người mẹ muốn bảo toàn tính mạng cho cậu con trai vừa lớn và vẫn nghĩ vùng đất phía nam là phía sau mặt trận sẽ được an toàn, nên đã sắp xếp cho Trinh chạy vào Đà Nẵng. Trải qua những giây phút kinh hãi khi chen lấn nhau. Trèo lên tàu thủy, Trinh khỏi chết chìm ở biển, nhưng trôi dạt đến tận Cam Ranh. Rồi những ngày lê bước trở lại quê nhà, không một đồng xu dính túi, tóc trùm kín tai, người đen nhẻm. Bà mẹ tưởng là Trinh đã chết, không nhận ra con nữa.

Cũng vào quãng thời gian ấy, Lê Bá Lan trả lại khẩu súng, trước khi đặt chân đến Long Thọ. Với sự hướng dẫn của bác Huỳnh Ngọc Khuyến, bác Ân - người thợ đá đã bốn đời sống cùng Long Thọ, tập hợp được 36 người, bắt tay khôi phục nhà máy. Những công nhân đầu tiên ấy hàng tháng trời ăn cơm nhà, đem dụng cụ gia đình đến làm việc và chẳng cần biết đến lương bổng ra sao. Trong 36 con người ấy có Trinh. Lớp thanh niên Thủy Xuân, Thủy Biều qua “lò nung” Long Thọ, có người còn tiến bộ hơn Hồ Ngọc Trinh; như Phan Văn Vui, Tống Viết Lập đã được kết nạp vào Đảng...

Tôi xuống đến bãi đá phía trước dãy nhà sửa chữa cơ khí thì chiếc xe ca đi đón công nhân vừa trở về. Anh chị em công nhân làm ca một đã tập họp đông đủ nhận lệnh sản xuất. Những gương mặt trẻ, rất trẻ. Những đôi mắt ngời sáng, tinh nghịch lấp ló dưới những vành nón, mũ.

Trong tốp người từ khu nhà tập thể đi tới, tôi chú ý đến một cặp vợ chồng sóng đôi bên chiếc xe đạp. Trên cái ghế mây là đứa con đầu lòng của họ. Chị là nhân viên một phòng nghiệp vụ. Còn anh là đội trưởng - một người thợ vừa trở nên một đốc công. Nhưng hôm nay anh đưa con đến nhà trẻ rồi lên hội trường học văn hóa. Một tuần anh được nghỉ hai ngày để học cho xong chương trình cấp ba. Phần việc của anh đã có Trinh đảm nhiệm. Tôi cố băn khoăn không biết có nên viết tên anh lên trang giấy này không? Có lẽ không cần. Ở Long Thọ, không ít người có quãng đời cũ như anh. Trước tháng 3 năm 1975, anh còn là một lính ngụy. Khi Trinh hút chết leo được lên tàu thủy ngoài khơi Đà Nẵng, thì trong bờ, anh trút bỏ bộ quần áo rằn ri. Cho đến hôm nay, anh được xếp vào loại “cốt cán” của Long Thọ, được chọn bồi dưỡng thêm văn hóa. Và chính là trong “môi trường” bụi bậm ở đây, anh đã tìm thấy hạnh phúc. Vợ chồng anh không phải cảnh bên lương bên giáo, nhưng cũng có một ranh giới, phải can đảm mới vượt qua nổi. Những ngày đầu, khi biết anh chú ý đến cô, đã có người bảo: “Không được mô! Nhiều anh chàng có hạng cưa không được, mi là công nhân trơn, lại là ngụy, tao đố!”. Anh đã chấp nhận thử thách từ khi viết lá đơn xin vào Long Thọ. Lời thách đố càng giúp anh quyết tâm sống cho đàng hoàng để xứng với tình yêu và lòng can đảm của em. Anh và em tuy chỗ đứng khác nhau, nhưng cùng lo cho những mẻ cờ-lanh-ke ra lò chín đều và cũng như Trinh và Oanh, họ đã là cờ-lanh-ke.

Người vợ đã rẽ vào phòng làm việc. Tôi theo chân anh ra phía cổng xí nghiệp. Anh Quân mỉm cười chào bố con anh. đưa bàn tay nâu sạm rắn rỏi khẽ vuốt những ngón tay nhỏ hồng hồng xinh xinh của bé.

Ngày nào, hai người còn ở hai bên chiến tuyến. Hôm nay, họ đã cùng một nỗi lo, cùng chung một nguồn vui. Bất chợt, tôi ngoái lại phía sau. Giá như giám đốc Lê Bá Lan được chứng kiến cảnh này. Có lẽ cũng đáng gọi đó là thành quả của Long Thọ qua mười năm xây dựng, bên những con số hàng chục ngàn tấn vôi, xi măng, hàng vạn viên gạch ngói đã tỏa đi dựng những ngôi nhà mới trên khắp dải đất hẹp từng trải 30 năm bị chiến tranh tàn phá.

Trời đã sáng hẳn. Màn sương mù dăng kín mặt sông bỗng di chuyển, nở bung ra, dần nối liền với những làn khói trắng từ các ống khói nhà máy tỏa ra. Bên kia sông, chùa Thiên Mụ chìm trong sương, dần lộ ra, rồi lại chìm biến đi. Mặt sông Hương phẳng lặng xanh biếc như chỉ còn tồn tại nhờ tiếng thuyền máy ngược xuôi phành phạch gõ nhịp rộ lên từng hồi, lắng xa dần rồi lại rộ lên.

Trên con đường chạy ngang qua trước cổng xí nghiệp, chiếc xe lam chật cứng hành khách và rau quả từ bến Nguyệt Biều lạch bạch xuôi về Bến Ngự, Đông Ba. Đàng sau, một chiếc xe bò thủng thỉnh lăn bánh tới nhà kho nhận xi măng chuyển cho một hợp tác xã xây dựng. Người lái đã đứng tuổi, ngồi trên càng xe ung dung hút thuốc. Anh Quân bảo nhỏ tôi:

- Ông ấy, hồi trước là trung tá ngụy.

Ông ta không phải là người của Long Thọ. Nhưng nhờ có Long Thọ, một người như ông cũng được góp tay xây dựng những căn nhà mới, xây dựng cuộc đời mới...

... Theo chuyến đò ngang mảnh nhỏ vắng khách, tôi sang bên kia sông khi ánh nắng ban mai đã nhuốm vàng cả vùng Long Thọ. Trên bờ sông, bên bức tường cũ đầy rêu trước chùa Từ Ân - ngôi chùa nhỏ phía dưới chùa Thiên Mụ một quãng ngắn, một nhà sư đang ngồi lặng nhìn sang phía Long Thọ. Chừng đoán tôi là khách du lịch ngắm cảnh, nhà sư bảo tôi:

- Ở bên này nhìn sang Long Thọ đẹp hơn...

Một nhận xét thật là thú vị. Bên thắng cảnh Thiên Mụ, khu sản xuất công nghiệp Long Thọ cũng tạo được vẻ đẹp có sức hấp dẫn một nhà sư. Câu ca xưa “Tiếng chuông Linh Mụ, canh gà Thọ Cương” là cảnh tương phản đôi bờ sông Hương; nay bên này, bên kia đã thành đăng đối.

Tiếng chuông đã làm tôi tỉnh giấc và bây giờ tôi đã lần theo đến nơi phát ra âm thanh rất dễ gợi những gì là sâu xa ấy. Trèo lên chùa Thiên Mụ, đứng trước tấm bia đá lớn dựng trên lưng con rùa đường bệ - con vật tượng trưng cho vĩnh cửu - tôi tìm đọc những dòng chữ của người xưa ...dựng bia năm Ất Vị, đúc chuông lớn năm Canh Dần...

Như thế là những tiếng chuông ngân trên dòng sông Hương đã có lịch sử gần ba thế kỷ. Một quãng thời gian cũng đáng gọi là vĩnh cửu. Nhưng có trước tiếng chuông lại là những bàn tay thợ đúc chuông, những bàn tay thợ tài hoa đã xây nên ngôi chùa tuyệt mỹ này.

Những bàn tay thợ - đó mới đích thực là vĩnh cửu và lịch sử.

Huế 12-84
N.K.P.
(TCSH12/04-1985)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Trang thơ Nam Tư (21/03/2011)
Chùm thơ Võ Quê (18/03/2011)