Tạp chí Sông Hương - Số 12 (T.4-1985)
Tiểu thuyết châu Mỹ La tinh và văn học thế giới
14:44 | 24/02/2011
VÊ-RA CU-TÊ-SƠ-CHI-CÔ-VAVê-ra Cu-tê-sơ-chi-cô-va là tiến sĩ ngữ văn, giáo sư nghiên cứu ở Học viện Gorki về văn học thế giới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô.
Tiểu thuyết châu Mỹ La tinh và văn học thế giới
Ảnh: nlv.gov.vn
Tại sao trong phần tư thế kỷ này lại cháy bùng ngọn lửa tiểu thuyết ở châu Mỹ La tinh? Tinh thần cách tân của nó nằm ở đâu, và đâu là sự đóng góp của nó vào văn học thế giới? Đấy là những vấn đề mà các chuyên viên và công chúng rất quan tâm.

Vào năm 1965, một nhà văn nổi tiếng, ông Rô-giê Cai-doa đã nói rằng văn học châu Mỹ La tinh hứa hẹn một tương lai xán lạn; vào năm 1971 nhà phê bình Tây Ban Nha Ăng-đrê A-mô-rốt ghi nhận ảnh hưởng lớn lao của văn xuôi châu Mỹ La tinh trên các nhà văn của nước ông, và đã lưu ý rằng nó có thể dùng làm khuôn mặt mẫu để theo còn hơn cả văn xuôi Pháp hay Anh. Người ta có thể thêm vào rất nhiều lời tuyên bố đại loại như vậy. Không thể chối cãi được rằng văn xuôi châu Mỹ La tinh trước đây bị gạt ra ngoài rìa văn học quốc tế, từ nay là một nhân tố tác động mạnh mẽ và xuất hiện, hàng đầu trên khung cảnh thế giới.

Trước hết chúng ta hãy ghi nhận sự biến đổi này là do đường đi tới khách quan của lịch sử. Thứ nữa chúng tôi bác bỏ từ “bùng nổ” (boum), từ quảng cáo mà báo chí phương Tây dùng quá nhiều khi nói đến sự thành công của tiểu thuyết châu Mỹ La tinh.

Tiểu thuyết mới này là con đẻ của thời kỳ hậu chiến, thời kỳ mà những năng lực Cách mạng của đại lục bao la này được thức tỉnh cùng lúc với sự tan rã của hệ thống thuộc địa. Rô-béc-tô Phéc-năng-đê, nhà thơ và nhà phê bình Cu-Ba viết: “nếu văn học châu Mỹ La tinh hiện thời là nền văn học của cuộc cách mạng vừa bùng nổ tại châu Mỹ La tinh và chỉ mới chiến thắng được trong có một nước duy nhất; tuy nhiên những nguồn gốc và viễn tượng của nó lại vượt khỏi những giới hạn lớn lao”. Liền đó ông bày tỏ sự dè dặt mà chúng ta thấy rất chính đáng: người ta không thể xem ngọn lửa cháy bùng văn học này là hệ quả tự nhiên của cuộc đấu tranh chống Đế quốc của phong trào giải phóng dân tộc.

Tác động hỗ tương ở đây đóng một vai trò phức tạp hơn nhiều, nó phát sinh do những biến thiên sâu sắc mà lịch sử đã tích lũy thầm lặng và những kết quả của chúng bằng cách này hay cách khác sau cùng đã biểu lộ ra trong mọi lĩnh vực của quốc gia, rồi ở tầm cỡ thế giới. Suốt trong thời kỳ hậu chiến, có rất nhiều yếu tố lịch sử và xã hội đã và đang giúp đỡ châu Mỹ La tinh tự giải phóng về mặt tinh thần, thoát khỏi tình trạng lệ thuộc vào những nền văn hoá phát triển hơn, thắng được mặc cảm thua kém mà người ta đã nhồi nhét cho nó. Bằng sự có mặt của những nhà tư tưởng và nhà văn tiến bộ của nó, đại lục này đã ý thức được ưu thế tinh thần và thẩm mỹ của nó. Trào lưu cách mạng đang lên mà cuộc cách mạng thắng lợi ở Cu-Ba và những biến cố xã hội chính trị lớn lao của những năm 60 đã vạch ra hình ảnh rõ ràng nhất, là ngòi kíp nổ đã khởi động sự bùng nổ những năng lực đã tích lũy từ hàng thế kỷ nay. Theo ý kiến chúng tôi, sự biểu hiện sáng chói nhất là sự phát triển của tiểu thuyết, thể loại văn học mà qua đó châu Mỹ La tinh lần đầu tiên học cách tự biết mình một cách toàn diện và sâu sắc, và nhờ nó học cách tìm hiểu thế giới.

Tất nhiên, tiểu thuyết mới không phải phát sinh từ hư không. Chúng ta hãy nhớ lại là từ thời kỳ trước, trong văn xuôi đã xuất hiện khuynh hướng độc đáo và giàu hứa hẹn mà người ta thường gọi là “tiểu thuyết về đất đai”, nó đánh dấu một thời kỳ quan trọng trong ý thức thẩm mỹ của những dân tộc châu Mỹ La tinh và đã thể hiện những cuộc tranh chấp dữ dội do uy thế của phong kiến và Đế quốc gây ra, cũng như do những nét đặc thù của đời sống và triết lý bình dân. Tuy nhiên vào thời kỳ ấy (những năm 20 và 30), thế giới nghệ thuật của “tiểu thuyết về đất đai” đã xuất hiện như một hệ thống tĩnh tại trong đó hình như chỉ có thời gian ghi dấu còn thế giới nội tâm của các nhân vật không có một mối tiếp xúc nào với cuộc sống bên ngoài. Điểm mới mẻ mà những nhà tiểu thuyết của những năm 50 và 60 mang lại là ý muốn nắm bắt thực tại của đại lục họ trong tất cả sức năng động của dòng lịch sử. Trong khi dò tìm những chiều sâu của đời sống con người và khám phá ra những tầng vỉa chưa hề biết của nó, cái nhìn của họ hướng mở ra ngoài vũ trụ. Họ hình như cảm thấy số phận của quốc gia họ không thể tách rời với số phận của toàn thể nhân loại. Chính vì vậy mà tiểu thuyết mới nảy sinh ở châu Mỹ La tinh có thể trở thành biểu hiện của ý thức thẩm mỹ tinh thần của nó và là phương tiện tự khẳng định chủ yếu của dân tộc họ ở giữa lòng cộng đồng nhân loại.

Theo định nghĩa mà chúng tôi mượn của Ô-guyt-xtô Roa-Ba-xtốt (Pa-ra-goay), ý thức này là nhãn quan độc đáo của các nhà văn châu Mỹ La tinh về vũ trụ, trụ cột nội tại của nhân cách họ, cái nhìn dứt khoát của họ về thế giới chung quanh.

Đấy chính là tầm cỡ xác định ý thức thẩm mỹ tinh thần của châu Mỹ La tinh, thể hiện trong tiểu thuyết mới của nó. Nó tự tạo ra hình ảnh về thực tại của một đại lục nơi đó mọi thời đại đều hẹn gặp như lời của A-lê-hô Các-pen-chi-ê.

Thêm vào đấy còn có một yếu tố khác đó là sự lai chủng tộc đã xác định phần lớn đặc tính của gia sản lịch sử văn hoá của châu Mỹ La tinh, ở đó người ta thấy lẫn lộn các truyền thống của thổ dân, tức là các dân tộc bản địa với những truyền thống của văn hoá châu Âu mà nó là kẻ kế thừa chính đáng. Tiểu thuyết của nó bao gồm sự dị biệt của những tầng lớp văn hoá - lịch sử - xã hội biểu hiện trong toàn thể như một hiện hữu cố kết chặt chẽ, mặc dù có những phức biệt bên trong.

Do đó nảy sinh tính cách đặc thù hiển nhiên nhất của tiểu thuyết mới châu Mỹ La tinh: tác động hỗ tương của những hình thái sinh hoạt và những loại nhận thức khác biệt mang tính chất cổ đại và tân thời, văn minh và gia trưởng. Bên trong hệ thống duy nhất của tiểu thuyết còn thấy kết hợp hai phương thức tư duy, một có tính chất trí tuệ và một có tính chất huyền thoại, đối xứng nhưng tương đẳng với nhau dưới góc độ thẩm mỹ. Người ta biết rằng ý tưởng về sự liên kết, về mối ảnh hưởng hỗ tương của hai cực đối nghịch của ý thức đã chín muồi từ những năm 30 nơi Xéc-gây Ây-danh-Xtanh nhà điện ảnh Xô-viết nổi tiếng, nhà đạo diễn và lý thuyết gia về nghệ thuật. Trong khi đưa ra luận điểm về “tính tổng xưng” (biunivocité) biện chứng giữa tiến trình đi lên những cấp độ cao hơn, mang tính chất ý niệm của ý thức với sự thâm nhập qua những cấp độ của tư tưởng cảm giác sâu đậm nhất cấp) thì ông đã tiên đoán rằng tiến trình này sẽ cống hiến những khả năng bất ngờ. Tính tổng xưng mà ông nói tới đó xác định tính chất của tiểu thuyết mới châu Mỹ La tinh rất đúng. Tác động hỗ tương biện chứng của hai nguyên lý đối cực nhau đã quy kết vào trong bản chất của nó một môi trường căng thẳng cao độ, xác định được tính chất độc đáo cách tân và mang đến một sự đóng góp không gì sánh được cho sự phát triển của toàn bộ tiến trình văn học.

Chúng ta sẽ khám phá ra khuynh hướng này từ bước đầu của tiểu thuyết mới, trong tác phẩm mở đầu cho văn nghiệp của Mi-gu-en An-gen A-xtu-ri-át mang tên “Ngài tổng thống”. Ở nơi ông, khuynh hướng này cũng đã phát triển trong bộ tiểu thuyết ba tập về công ty hoa quả, giữa nhận thức ngây thơ và ngoại giáo của những người thổ dân Anh-điêng bị áp bức với nhận thức của những tên đại lý cho nền văn minh đế quốc tham lam; mối mâu thuẫn không còn che dấu được nữa đã nổ bùng ra ánh sáng. Trong một truyện vừa của một “người cựu trào” khác, A-lê-hô Các-pen-chi-ê, cuốn “Vương quốc của thế giới này” một người nô lệ da đen trú ẩn vào trong thế giới những huyền thoại của mình, đồng thời đã hiện thân cho những lý tưởng của sự giải phóng con người.

Trong tác phẩm kế tiếp của Các-pen-chi-ê, tiểu thuyết “Những dấu ấn đã mất” gợi hứng từ cuộc du hành của ông về những cội nguồn của xứ Ô-rê-nốc, ông đã nói rằng trong xứ sở này con người thế kỷ XX bắt tay gặp gỡ con người của thời đệ tứ kỷ. Đối tượng nghiên cứu chủ yếu là tư tưởng sơ khai và nghệ thuật ma thuật còn chưa tách biệt khỏi nó. Gút mắt kịch tính của tác phẩm là sự tiếp xúc của nhân vật, một nhà sáng tác âm nhạc đã cảm nhận cuộc khủng hoảng gay gắt của nghệ thuật phương tây hiện đại, với thế giới dã man này. Người ta có thể nói rằng cuốn tiểu thuyết này đối thoại song đôi với cuốn “Bác sĩ Phao-Xtơ” của Tô-mát Man. Định mệnh sóng đôi của hai nhân vật nhạc sĩ có thể là một đề tài nghiên cứu đầy hứng thú và sẽ giúp chúng ta làm sáng tỏ những chức năng mới của tiểu thuyết châu Mỹ La tinh trong bối cảnh của nền văn học thế giới.

Nơi những nhà văn có uy tín vào cuối những năm năm mươi và trong những năm sáu mươi, hai nguyên lý (hay là cực) mà chúng tôi vừa nói đến đã thể hiện ra dưới những hình thức cực kỳ khác biệt. Về điểm này chúng ta hãy kể đến những tiểu thuyết của Hoan-nô Run-phô Các-lốt Phu-en-tốt (Mê-hi-cô), tiểu thuyết của Hô-xê Ma-ri-a Ác-gu-dát, cuốn “Những dòng sông sâu thẳm” (Pê-ru) và của Ô-guyt-xtô Roa-Ba-xtốt, “Đứa con trai của con người” (Pa-ra-goay). Cuốn sau này, truyện kể sử thi về số phận của một dân tộc, bao trùm và đặt đối kháng hai cách nhận thức về lịch sử: Chủ nghĩa tập thể có nguồn gốc huyền thoại và chủ nghĩa cá nhân tinh thần “Trăm năm cô đơn” của Gac-xi-a Mác-két, điều nuôi dưỡng tác giả) không còn là huyền thoại xưa cũ nữa mà là sự hòa lẫn tự nhiên của những huyền thoại và ngụ ngôn mà thực tại sản sinh ra ngày này qua ngày khác. Tác giả đã viết về tác phẩm này như sau: “Tôi đã hiểu rằng thực tại không phải chỉ là bọn cảnh sát giết người này mà còn là tất cả những huyền thoại, những truyền thuyết mà biến cố đã làm nảy sinh và từ đó cuộc đời đã rút tỉa bản chất của nó”. Cuốn tiểu thuyết mới nhất của Mác-két, “Mùa thu của vị trưởng lão”, đã đặc biệt làm nổi bật nét điển hình này của ý thức châu Mỹ La tinh, vốn bắt nguồn từ những nét độc đáo văn hoá lịch sử của sự thành lập các quốc gia thuộc đại lục này. Trong “Xưởng phép lạ” của Gióc-giơ A-ma-đô (Bra-xin) tinh thần hài hước mang tính dân gian do thị hiếu của những nhân vật hâm mộ những nữ thần da đen hòa lẫn với sự thô kệch của một huyền thoại khác được tạo nên một cách giả tạo theo hình ảnh mình của xã hội tiêu thụ ngày nay. Gắn liền với tiểu thuyết châu Mỹ La tinh nói chung, khuynh hướng này cho phép chúng ta nói đến một loại hình tương tự, đưa nó gần lại với văn xuôi hiện đại của những dân tộc khác. Nó bị buộc phải ở trong tình trạng lạc hậu cho tới một thời kỳ gần đây, phải chờ đến thế kỷ XX để đạt được sự sáng tạo nghệ thuật một cách độc lập. Thực vậy, người ta khám phá thấy nơi nó vài mối liên hệ với văn xuôi châu Phi. Người ta cũng sẽ ghi nhận những âm hưởng hỗ tương giữa văn chương châu Mỹ La tinh và văn chương của các dân tộc ở các vùng ngoại biên nước Nga cũ. Đấy là những nước đầu tiên tiến từ giai đoạn gia trưởng sang chủ nghĩa xã hội. Trong nền văn học trẻ trung của Liên Xô, nhất là thời gian gần đây, tác động hỗ tương của hai cực đối nghịch của ý thức con người thường mang lại những kết quả có một giá trị thẩm mỹ vững chắc.

Điểm xác định chiều sâu và tầm cỡ lớn lao của những khám phá nghệ thuật của Tsin-ghi Ai-ma-tốp (Kiếc-ghi) do chỗ ông đã sử dụng nền văn học dân gian và huyền thoại. Chúng ta cũng phải ghi nhận rằng trong số những nhà văn Xô Viết ông là người đầu tiên đã đánh giá được tính cách độc đáo của tiểu thuyết châu Mỹ La tinh. Ông đã thấy trong đó kiểu mẫu mới lạ của những truyền thống, những phương pháp và yếu tố vô cùng biến đổi và nhất là một hợp đề của cái kỳ diệu và thực tại. Điểm chắc chắn là sự chuyển biến của tiểu thuyết châu Mỹ La tinh thành một yếu tố tác động của tiến trình văn học thế giới cũng phải tuân theo một khuynh hướng khách quan của lịch sử.

Cho tới đầu thế kỷ XX châu Mỹ La tinh chỉ đơn thuần là một đối tượng của nền chính trị thế giới (theo lời Lê-nin). Khi nó dần dần biến chuyển để trở thành một chủ thể, thì văn chương của nó không chỉ thu hẹp trong quyền được nêu tên tuổi trên nền văn chương quốc tế, mà còn gây ảnh hưởng mạnh mẽ ở tầm cỡ quốc tế nữa.

Những nhà văn châu Mỹ La tinh hoàn toàn ý thức được chức năng mới mẻ này của tác phẩm tiểu thuyết của họ.

Tinh thần cách tân của họ là một thể phức tạp nhiều khuynh hướng không thể hạn hẹp trong khuôn khổ một bài báo. Ở đây chúng ta chỉ thu hẹp vào vấn đề liên quan đến tác động hỗ tương giữa một bên là văn chương và bên kia là lịch sử trực tiếp cùng với thực tiễn đấu tranh giải phóng. Văn chương châu Mỹ La tinh đã dành một vai trò đáng kể cho tư liệu và điều này làm giảm bớt những giới hạn thông thường của tiểu thuyết. Nó cũng đem đến một định hướng mới mẻ trong sự phân tích nhân vật nhà cách mạng. Chúng ta hãy lưu ý đặc biệt đến mối bận tâm sống động của các nhà văn đối với thế giới nội tâm phong phú và phức tạp của nhân vật này, và đối với sự minh giải tính cách sáng tạo và đạo đức của hoạt động cách mạng. Những hoạt động cách mạng chói ngời kịch tính đã làm đảo lộn đại lục này trong những năm sáu mươi, rất vang dội đến nỗi nó không thể không ảnh hưởng đến hoạt động sáng tạo nghệ thuật.

(12/4-85)




Các bài mới
Trang thơ Nam Tư (21/03/2011)
Chùm thơ Võ Quê (18/03/2011)
Các bài đã đăng