Tạp chí Sông Hương - Số 12 (T.4-1985)
Với nữ sử Đạm Phương
14:23 | 07/03/2011
TRẦN THỊ NHƯ MÂNTrong số những phụ nữ ở Huế mà tôi được gặp lúc thiếu thời, có một khuôn mặt tôi nhớ mãi, không những vì có nhiều quan hệ gần gũi với tôi, mà một lúc nào đó đã có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời tôi. Đó là bà Đạm Phương.
Với nữ sử Đạm Phương
Nữ sử Đạm Phương - Ảnh TL (nguồn: Tuyển tập Đạm Phương Nữ Sử - NXB Văn học 2010)
Ra đời năm 1881 trong một gia đình hoàng tộc, thân sinh là Hoằng Hóa quân vương (con Minh Mạng). Tên hồi trẻ của bà là Công nữ Đồng Canh, sau này khi viết báo mới lấy hiệu là Đạm Phương nữ sử, và từ đó trở thành tên gọi quen thuộc của bà. Thời trẻ được tiếp thu một nền học vấn gồm cả Hán học lẫn chữ quốc ngữ, về sau có học thêm tiếng Pháp, bà Đạm Phương sớm có khiếu về thơ văn. Thành gia thất với ông Nguyễn Khoa Tùng, con trai thứ bảy của cụ Nguyễn Khoa Luận, bà Đạm Phương vẫn không từ bỏ sự mê say văn học của mình.


Về làm dâu trong một gia đình quan lại đã suy tàn, cuộc sống vật chất của bà Đạm Phương không được dư dật lắm. Vì vậy bà phải học làm nhiều nghề để góp phần chi tiêu trong nhà như nuôi tằm, dệt vải… Không ngờ sau này những hiểu biết đó đã giúp cho bà rất nhiều trong các hoạt động xã hội. Thời đó tư tưởng coi thường lao động chân tay còn rất nặng nề, nhất là đối với những gia đình trung lưu ở thành thị. Sinh trưởng trong một hoàn cảnh như bà Đạm Phương, lại biết tự mình tham gia lao động thủ công, phải nói là một việc làm hiếm có. Vì trong xã hội bấy giờ, thiếu chi người gặp khó khăn thực sự, nhưng vẫn không chịu lao động, chỉ quen sống đài các bằng sự dựa dẫm vào bà con xung quanh.

Bà Đạm Phương có ba người con gái và ba người con trai. Người con đầu là chị Nguyễn Khoa Diệu Nhơn, là một trong những phụ nữ đậu cao đẳng tiểu học đầu tiên ở Huế, được bổ đi dạy học, kết hôn với bác sĩ Bửu Du. Người con trai lớn là anh Nguyễn Khoa Tú, về sau trở thành anh rể tôi. Người con trai thứ hai là anh Nguyễn Khoa Văn (tức Hải Triều) cùng trạc tuổi tôi, và sẽ là người gần tôi nhiều hơn trong các công việc xã hội sau này.


Khi những người con đã lớn, học hành thành đạt, bà Đạm Phương mới bắt đầu dành nhiều thời gian để làm những việc hợp với chí hướng của mình. Là một người thích làm thơ, bà thường xướng họa với những người thuộc thế hệ đã theo đuổi nho học. Đặc biệt đối với sư Viên Thành, trụ trì chùa Trà Am. Sư Viên Thành cũng thuộc dòng dõi hoàng tộc, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, gia đình sa sút, được sư Viên Giác dìu dắt và cho thọ giới. Khi trở thành một nhà sư nổi tiếng về học vấn và làm thơ sư Viên Thành vẫn giữ nhiều quan hệ với những người trong dòng họ Nguyễn Khoa. Những bài thơ xướng họa giữa sư Viên Thành với bà Đạm Phương chủ yếu bằng chữ Hán, được nhiều người biết tới, tiếc rằng sau này bị thất lạc gần hết, bà Đạm Phương còn gửi thơ đến các báo Nam Phong, Trung Bắc Tân Văn, Hữu Thanh ở Hà Nội. Qua các bài thơ đó, giới trí thức Huế và ở các nơi khác bắt đầu biết đến tên Đạm Phương nữ sử. Hồi đó nhiều người khen thơ bà là chải chuốt phong nhã, ví như bài “Nhớ cảnh núi” đăng trên báo Nam Phong năm 1918:

Phất phất mành Tương gió quạt lầu,

Thềm hoa… xem đã bóng trăng thâu.

Bâng khuâng chạnh nhớ niềm lâm hác,

Vắng mặt Lư sơn những mấy lâu.

Giậu trúc bơ thờ ráo hột mưa,

Tiếng chim dìu dặt gió hương đưa

Hồ sen nắng hạ đà phai thắm,

Ngành cúc rừng thu tuyết điểm chưa.

Bà còn viết những bài về giáo dục gia đình đăng trên báo Hữu ThanhNam Phong năm 1922, 1923.

Năm 1926, tin cụ Phan Bội Châu bị Pháp bắt, rồi tiếp đấy bị tòa đề hình Hà Nội kết án tử hình, đã khiến không khí chính trị ở Huế mấy lâu nay tưởng chừng như lặng lẽ, đột nhiên bùng lên sôi nổi. Hầu hết lớp tuổi trẻ chúng tôi, nam cũng như nữ, đều muốn mình phải làm một cái gì chứ không thể khoanh tay ngồi yên. Phong trào lấy chữ ký, làm đơn xin ân xá cho nhà cách mạng tiêu biểu của đất nước, đã lôi cuốn một số lớn chị em chúng tôi, những người mấy lâu nay chỉ biết sống trong gia đình, hoặc làm một viên chức mẫu mực. Cuộc đấu tranh của đồng bào cả nước đã buộc nhà cầm quyền Pháp phải giảm án tử hình và đưa cụ Phan về quản thúc tại Huế.

Sự có mặt của cụ Phan Bội Châu ở Huế đã đem lại cho người dân ở đây một sức sống mới. Huế bấy giờ còn là kinh đô của Nam triều, là trung tâm văn hoá của miền Trung, vì vậy số viên chức, học sinh tập trung về đây khá đông. Vừa được thức tỉnh qua cuộc vận động đòi ân xá cho nhà chí sĩ yêu nước, chúng tôi đều cảm thấy háo hức, muốn làm một công việc gì khác hơn cuộc sống hàng ngày để góp phần vào công cuộc cứu nước. Nhưng bấy giờ chị em chúng tôi đều mới ra đời, kinh nghiệm cuộc sống còn non nớt, nên không biết phải làm gì. Ngoài việc chờ đợi đến ngày chủ nhật, rủ nhau lên Bến Ngự nghe cụ Phan nói chuyện, để tỏ lòng ngưỡng mộ của mình, chúng tôi chưa nghĩ đến việc tổ chức một cái gì cả.


Chính trong thời gian đó bà Đạm Phương nhiều lần đến thăm cụ Phan, và có lẽ giữa hai người đã có nhiều cuộc trao đổi về phong trào phụ nữ. Sau đó bà Đạm Phương gặp một số chị em chúng tôi, đưa ra chủ trương thành lập “Nữ công học hội”. Mục đích của Hội là dạy công việc gia chánh, đồng thời lấy đó làm nơi gặp gỡ của chị em phụ nữ. Chủ trương đó được hầu hết chị em trẻ chúng tôi tán thành và hết lòng tham gia. Hồi đó phụ nữ chúng tôi có biết chuyện hội họp là cái gì. Ngoài những khi tiếp xúc ở lớp học hay tại nơi làm việc ra, chúng tôi chỉ biết sống trong gia đình. Việc nữ công được hiểu là công việc bếp núc, may vá thêu thùa mà bất cứ người con gái nào cũng phải biết để phụng dưỡng cha mẹ, chăm lo cho chồng con. Với việc thành lập Nữ công học hội, khái niệm về nữ công cũng được mở rộng hơn. Chị em phụ nữ tham gia Hội là để học lấy một nghề. Công việc gia chánh không phải chỉ là việc trong gia đình, mà còn nhằm mục đích nuôi sống bản thân mình. Muốn tham gia công việc xã hội, người phụ nữ trước hết phải biết sống tự lập về mặt kinh tế. Nhưng điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là từ nay có một nơi để thường xuyên lui tới, gặp nhau cùng trao đổi những băn khoăn về thời cuộc, nói lên những hoài vọng của mình, được thoát ly phần nào khỏi cuộc sống chật hẹp của gia đình.

Chính lúc này, uy tín của bà Đạm Phương đã tạo nhiều thuận lợi cho sự tập hợp của phụ nữ ở Huế. Có những bậc cha mẹ khó tính, không muốn cho con gái đi ra ngoài. Nhưng khi biết đây là một tổ chức do bà Đạm Phương chủ trương thì không ai dám ngăn cản. Không hiểu hồi đó bà Đạm Phương nghĩ về công việc của mình như thế nào, nhưng ngày nay nhìn lại những việc làm đó, tôi thấy quả là một hành động có tính chất cách mạng, dám vượt ra khỏi những trói buộc của thành kiến xã hội cũ, tuy rằng tác dụng của nó cũng chưa phải là nhiều lắm.


Nữ công học hội do bà Đạm Phương làm hội trưởng, tôi được cử làm thư ký. Chúng tôi thuê một gian nhà rộng để làm hội quán. Sau này quyên góp được tiền chúng tôi mua hẳn một sở nhà kiểu xưa gồm ba gian hai chái trên đường Nguyễn Huệ ngày nay, gần nhà dòng Chúa cứu thế. Đến khi được ông Trần Bá Vinh ủng hộ một nghìn đồng thì chúng tôi mới xây thêm một ngôi nhà nữa làm hội quán. Lễ khánh thành cử hành ngày 13 tháng 9-1926, trước đó bà Đạm Phương định mời cụ Phan Bội Châu đến dự, nhưng cụ sợ sự có mặt của mình sẽ làm cho Hội khó hoạt động. Nhưng cụ hẹn sẽ đến thăm vào một dịp khác. Vả lại trong buổi lễ khánh thành đó còn có mặt ông giám đốc Sở học chính Huế và một số thầy giáo người Pháp dạy ở trường Đồng Khánh, nên cụ Phan không muốn xuất hiện. Bà Đạm Phương đọc bài diễn văn, nói rõ tôn chỉ mục đích của Hội và kêu gọi sự ủng hộ của mọi người. Tôi được cử ra đọc bài dịch sang tiếng Pháp. Trong bài có đoạn viết như sau:

“… Cái thói quen ỷ lại của bọn nữ lưu chúng ta đã gần như một cái bệnh căn thâm niên rồi. Ỷ lại tức là cái nguồn gốc nô lệ đó vậy. Nếu muốn kéo lại nữ quyền thì trước hết phải tìm nhân cách cho nữ giới, muốn tìm nhân cách cho nữ giới thì trước phải tảo trừ cái bệnh ỷ lại đó.

Thuốc chi bây giờ?

Cái bài thuốc ấy chính là cái mục đích quan trọng thứ nhất của bản hội. Cái bài thuốc ấy là: gây cho bọn quần thoa một cái tinh thần tự lập bằng các nghề nghiệp của mình, trong cái phạm vi đạo đức tri thức Đông phương với Tây phương hòa hợp với nhau đó. Sau hết là kết một cái dây đoàn thể để bênh vực lợi quyền cho nhau”.

Hội hoạt động bằng sự đóng góp nhỏ nhoi của hội viên và sự giúp đỡ của những người hảo tâm. Hàng tuần vào ngày chủ nhật, chúng tôi họp nhau, mời các bà hội viên lớn tuổi hoặc người ngoài hội có nghề giỏi đến dạy. Hồi đó có mợ Tôn là người đàn bà góa, có tiếng về nấu nướng thêu thùa giỏi, được chúng tôi mời đến ở luôn tại hội quán, vừa là người dạy học, vừa là người trông nom nhà cửa. Ngày thường thỉnh thoảng vẫn có lớp học thêu đan tại hội quán, bà Đạm Phương thỉnh thoảng cũng đến dạy thêu. Còn ngày chủ nhật thì bao giờ bà và tôi cũng có mặt. Bánh trái làm ra, người nào muốn lấy về nhà dùng thì chỉ phải trả đủ tiền mua nguyên liệu mà thôi, vì vậy bao giờ cũng rẻ hơn giá mua ở chợ. Những bài dạy về làm bánh, nấu các món ăn, tôi đều ghi chép lại, sau xuất bản thành hai cuốn Nữ công thường thức. Hội hoạt động được một thời gian thì được đón cụ Phan tới thăm và nói chuyện về tình hình phụ nữ thế giới, vai trò của phụ nữ đối với sự tiến bộ xã hội hiện nay. Cụ còn tặng Hội quyển Nữ quốc dân tự trị, được Hội xuất bản năm 1929.

Hoạt động của Hội nữ công Huế đã gây được tiếng vang khắp nước. Nhiều học sinh ở các tỉnh miền Trung và một số nữ sinh ở Nam kỳ đến xin Hội cho ở nội trú để theo học, nhưng bấy giờ chúng tôi chưa tổ chức được. Ở Hà Nội có nhiều người tự động tổ chức thành chi chánh của Hội, quyên tiền mua biếu chúng tôi một máy may Singer.

Năm 1927 cụ Phan Chu Trinh từ trần, lễ truy điệu và để tang nhà chí sĩ nổi tiếng trở thành cuộc vận động biểu dương lòng yêu nước của mọi tầng lớp đồng bào. Trong lễ truy điệu tổ chức tại đàn Nam Giao, cụ Phan Bội Châu không đến được, phải nhờ bà Đạm Phương đọc bài văn tế của mình.

Bà Đạm Phương cũng làm đôi câu đối phúng như sau:

“Mấy mươi năm góc biển ven trời, vằng vặc tấm cô trung, trên vì nước, dưới vì dân, tinh thần vẫn lai láng sông núi Việt.

Đã nhiều thuở khua chuông gióng trống, thiết tha hồn cố quốc, trước hiệp lòng, sau hiệp sức, sự nghiệp đành phó thác cháu con Hồng”.

Tiếp đấy các cuộc bãi khóa của học sinh trường Bách Công, trường Quốc Học và trường Đồng Khánh, lại càng thúc đẩy thêm nhiệt tình yêu nước của chúng tôi. Nhà cầm quyền Pháp đối phó lại bằng thủ đoạn cứng rắn, hàng loạt học sinh bị đuổi học, riêng tôi thì bị bãi chức vì bị nghi là cầm đầu nữ sinh trường Đồng Khánh. Tình hình đó khiến chúng tôi không khỏi hoang mang. Những hoạt động của chúng tôi từ trước đến nay vẫn là những hành động bản năng của một lớp thanh niên có lòng quan hoài đến vận mệnh dân tộc. Ngoài ra chúng tôi chưa hề được chuẩn bị gì về tư tưởng cho một cuộc đấu tranh cách mạng. Bấy giờ, trước những hành động đàn áp của nhà chức trách, chúng tôi không biết mình phải tiếp tục làm gì.

Giữa lúc đó, sự có mặt của Hội nữ công trở thành chỗ dựa về tinh thần cho chúng tôi. Không đi làm, chúng tôi dành hết thời gian cho công việc của Hội. Lúc này, bà Đạm Phương lại càng thêm gần gũi chị em chúng tôi. Chị Nguyễn Thị Giáo (sau này là vợ anh Hà Huy Tập), chị Đào Thị Xuân Yến (sau này là bà Nguyễn Đình Chi), Đào Thị Xuân Nhạn (em chị Yến) và tôi, thường hay có mặt ở Hội quán. Bà Đạm Phương cũng thường dắt theo người con gái út, lúc này còn nhỏ là Nguyễn Khoa Diệu Vân, đến cùng với chúng tôi. Anh Nguyễn Khoa Văn lúc đó đã tham gia hoạt động cách mạng, cũng hay gặp gỡ chúng tôi.

Phong trào chấn hưng công nghệ, khuyến khích dùng hàng nội hóa, được khởi xướng từ những cuộc vận động duy tân hồi đầu thế kỷ, bây giờ hình như được nhen nhóm trở lại. Không hiểu chủ trương này bắt đầu từ đâu, nhưng bà Đạm Phương cũng là một người hết lòng hưởng ứng chủ trương đó. Thấy rằng ở Huế công nghệ hầu như không phát triển, bà Đạm Phương khuyên chúng tôi nên ra Bắc học nghề dệt, như vậy vừa là một công việc ích nước lợi nhà, mà vừa giải quyết được đời sống của mình. Trong một bài viết trước đây tôi đã nói đến chuyện một số chị em chúng tôi ra Hà Đông học dệt, anh Nguyễn Khoa Văn cũng cùng đi để học cách đóng máy. Sau khi đoàn chúng tôi ra Bắc học dệt không thành, phải quay lại Huế, bà Đạm Phương lại chủ trương mời một bà người Quảng Nam ra dạy cách nuôi tằm. Nhờ những lần học đó, mà sau này tôi trở về quê cách thành phố Huế không xa, nuôi được mấy lứa tằm, bán kén cho Sở Canh nông. Nhưng những cố gắng của bà Đạm Phương cũng như của chúng tôi trong việc xây dựng công nghệ nước nhà không đem lại được kết quả mong muốn. Kinh tế Đông Dương lúc này đang bị cuốn vào cuộc khủng hoảng của nước Pháp, trong khi hàng loạt thợ thủ công và nông dân khắp nước đang phá sản, thì hành động của chúng tôi chỉ là những cố gắng vô vọng. Tuy vậy, đối với chúng tôi, đó là những thử thách đầu tiên trên đường đời mà sở dĩ chúng tôi dám làm những việc đó cũng là do tấm gương cổ súy của bà Đạm Phương.

Thấy ở quê không tiện cho việc liên hệ với chị em cùng chí hướng, tôi lại trở về thành phố. Biết tôi không có vốn, không làm ăn buôn bán gì được, bà Đạm Phương bèn giúp cho mở một cửa hiệu chuyên bán những sản phẩm do Hội nữ công làm ra như bánh kẹo, mứt, đồ thêu đồ ren… Vì là cửa hiệu do mấy chị em chung nhau, vào bà Đạm Phương chọn cho tên là Vân Hòa, ý nói đến sự hòa hợp của những đám mây.


Có lẽ bà Đạm Phương đã tạo được nhiều ảnh hưởng đối với gia đình, nên nói chung hồi đó, hầu hết các con bà đều tham gia hoạt động yêu nước. Anh Nguyễn Khoa Tú trong thời gian dạy học ở Huế, thường xuyên tiếp xúc với một nhóm trí thức yêu nước gồm có các ông Trần Đình Nam, Lê Ấm, Võ Liêm Sơn, Nguyễn Đình Ngân, Lê Đức Kim… Vì những quan hệ đó mà anh rể tôi bị bãi chức, phải đưa gia đình vào Sài Gòn dạy học tư. Anh Nguyễn Khoa Văn lúc này đã tham gia đảng Tân Việt và là người đã giới thiệu tôi vào Đảng về sau nầy. Tiếp đấy anh Văn thoát ly gia đình vào Sài Gòn hoạt động.

Sang năm 1929, đảng Tân Việt bị khủng bố, nhiều cơ sở của Đảng vỡ lỡ. Ở Sài Gòn, nhiều đồng chí của anh Văn bị bắt, anh bèn tìm cách xuất dương. Trước khi đi, anh đến xin anh Tú tiền. Anh Tú ra nhà băng rút tiền nên bị mật thám theo dõi. Chúng bắt anh Tú đánh đập tra khảo để tìm anh Văn. Không có chứng cớ gì để bắt giam anh Tú, chúng phải thả anh về. Anh Tú về đến nhà, theo lời chị tôi kể lại thì rửa mặt ra máu đầy một chậu thau. Đến chiều sốt cao, đưa đến nhà thương thì mất. Lo việc chôn cất cho chồng xong, chị tôi lại đưa con cái từ Sài Gòn trở về Huế. Sau đấy bọn mật thám cũng bắt được anh Văn và kết án tù.

Cũng trong thời gian đó, tôi bị bắt tại Huế. Trước đó tôi còn giữ tấm séc sở hữu một nghìn đồng của Hội do ông Trần Bá Vinh tặng mà tôi đã nói ở trên. Trước khi vào tù tôi xin được giao lại cho Bà Đạm Phương giữ. Cũng vì vậy mà bà bị mật thám gọi lên chất vấn một tháng trời. Cái chết của một người con và cái tin một người con bị bắt khiến bà Đạm Phương hết sức đau xót. Ở tù một năm, tôi trở về gặp lại bà Đạm Phương, thấy bà già hẳn đi. Tuy vậy bà vẫn cố gắng duy trì Hội nữ công, và vẫn đứng vững trong tang tóc của gia đình.

Hội nữ công vẫn tiếp tục hoạt động, nhưng phong trào phụ nữ Huế lúc này đã chuyển sang một hướng mới tích cực hơn, dưới ảnh hưởng của Đảng Cộng sản.

***

Cách mạng Tháng Tám thành công, rồi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Tôi rời Huế giữa năm 1946. Đầu năm 1947 tôi đưa các con nhỏ tản cư về Thanh Hóa, ở thôn Lạc Lam, huyện Thọ Xuân. Ít lâu sau, anh Nguyễn Khoa Văn, bấy giờ làm giám đốc Nha tuyên truyền Trung bộ, cũng cho gia đình về đấy để tiện giúp nhau trong lúc xa quê hương. Tôi được gặp lại bà Đạm Phương. Lúc này bà đau ốm luôn, bệnh phổi đang phát triển, mà thuốc men thiếu. Tuy vậy bà vẫn vui vẻ chịu đựng những thiếu thốn của cuộc sống nông thôn thời kháng chiến.

Hàng ngày tôi vẫn luộc ống tiêm đến tiêm thuốc cho bà. Thấy tôi ở đầu làng, đến nhà bà tận cuối làng, đi lại bất tiện, chị Nguyễn Khoa Văn bèn nhờ một cô em tôi ở gần nhà đến tiêm thay tôi. Nhưng bà Đạm Phương không bằng lòng, bảo chị Văn phải lên mời cho được “cô trợ Mân” đến tiêm. Khi gặp tôi bà vui vẻ nói: “Cô phải năng đến đây, gặp cô tôi còn trò chuyện cho đỡ nhớ Huế, chứ người khác đến tiêm xong là lo về, tôi buồn lắm”.

Nhưng sức con người có hạn. Ước vọng trở về Huế của bà không thực hiện được. Bà đã qua đời ở Lạc Lam cuối năm 1948. Tôi đã đưa bà đến nơi an nghỉ cuối cùng. Phát biểu tại lễ tang là cô Đào Thị Đính - em chồng tôi - thay mặt cho Hội liên hiệp phụ nữ Trung ương.

Sau này ông Nguyễn Khoa Vy có làm đôi câu đối để nói lên chí hướng của bà lúc sinh thời:

“Văn tài nữ sử, sư phạm nữ công, e khi nữ giới yêu cầu, đi phó hội theo chân bà Trưng nữ.

Khí phách nam nhi, tinh hoa Nam Việt, nhớ thuở Nam Giao truy điệu, lên diễn đàn thay mặt cụ Sào Nam”.

Mộ bà chôn trên một ngọn đồi gần nhà tôi ở. Sau này chính quyền địa phương cải táng và dời về Rừng Thông, gần thị xã Thanh Hóa, cạnh ngôi mộ anh Nguyễn Khoa Văn, cũng qua đời ở Thanh Hóa năm 1954.

Những năm gần đây, trong mỗi dịp trở về Huế, gặp lại sư bà Diệu Không, bà Nguyễn Đình Chi, và những người quen biết cũ, chúng tôi thường nhắc lại những kỷ niệm thời xưa ở Huế. Và mỗi lần nói đến chuyện “đời xưa”, chúng tôi không khỏi bùi ngùi nhắc đến hình ảnh bà Đạm Phương, vì hình ảnh đó đã làm sống lại cả một thời tuổi trẻ sôi nổi của chúng tôi.

T.T.N.M.
(12/4-85)







Các bài mới
Trang thơ Nam Tư (21/03/2011)
Chùm thơ Võ Quê (18/03/2011)
Các bài đã đăng