Tạp chí Sông Hương - Số 13 (T.6-1985)
Qua tập thơ Thương Sơn thử tìm hiểu tư tưởng yêu nước của Miên Thẩm
08:06 | 15/03/2011
LƯƠNG ANMiên Thẩm là một nhà thơ hoàng tộc có tiếng giữa thế kỷ 19. Qua thơ văn ông, chúng ta gặp một con người, tuy bị giai cấp xuất thân hạn chế rất nhiều, song vẫn biểu hiện một ý thức thương dân và một tinh thần lo lắng cho vận mệnh đất nước vốn không phải phổ biến trong tầng lớp nhà nho - trí thức phong kiến lúc bấy giờ.
Qua tập thơ Thương Sơn thử tìm hiểu tư tưởng yêu nước của Miên Thẩm
Nhà thơ Tùng Thiện Vương Miên Thẩm
Ngày ông mất (1), một bạn thơ của ông là Trần Tử Mẫn (2) có một bài thơ khóc, trong đó có hai câu có thể xem như một nhận xét tổng hợp về ông, nội dung cũng na ná như thế:

Ưa thích kẻ sĩ (như) Mạnh Thường Quân rốt cuộc là báo đền nợ nước,

Khéo giỏi về thơ
(ngang) Tào Tử Kiến rất mực lo lắng cho cuộc sống của sinh linh (3)

Tinh thần lo lắng cho vận nước, hoặc, nói như Trần Tử Mẫn, tinh thần báo quốc của Miên Thẩm như thế nào, có thể gọi là tư tưởng yêu nước được không mà người đương thời ca ngợi như thế? Đây là một vấn đề cầm tìm hiểu để góp phần nhận định về ông, một thành viên không thể bỏ qua của nền văn học thế kỷ 19.

 Miên Thẩm mất 51 tuổi, nhưng trong 12 năm cuối đời, ông vẫn chứng kiến đầy đủ một thời kỳ đau thương của lịch sử; thời kỳ thực dân Pháp bắt đầu xâm lược nước ta và sáu tỉnh Nam bộ lần lượt bị chiếm. Sự kiện một phần máu thịt của tổ quốc, lần đầu tiên sau hàng trăm năm độc lập tự chủ, bị cắt rời ra đã làm nhức nhói mọi tâm hồn Việt Nam và đốt bỏng những trái tim Nam bộ. Trước nỗi đau đó, chủ nghĩa yêu nước truyền thống của nhân dân ta lại cháy lên với nhiều biểu hiện cao đẹp tuyệt vời. Những mất mát, nhục nhã quá lớn của dân tộc đã tác động đến mọi tầng lớp xã hội, kể cả một số người trong hoàng tộc và giới quan lại cao cấp, là một người trí thức có tâm huyết và nhậy cảm, Miên Thẩm không thể tự đặt mình ngoài cuộc, mặc dù trước đó, do “tâm tình bách bất nghi” (4), trong ông đã hình thành ít nhiều tư tưởng chán đời, xuất thế. Nhưng với ông, nhận cuộc chủ yếu cũng chỉ bằng sáng tác, bởi vì ông là một ông hoàng, một người trong mình, quanh mình có biết bao sợi dây trói buộc. Như chúng ta biết, các ông hoàng triều Nguyễn đều được nhà vua cho phẩm tước lớn, phủ đệ rộng, bổng lộc cao, tha hồ ăn chơi, chứ không bao giờ cho tham gia chính sự. Miên Thẩm, suốt đời chỉ có một thời gian làm Tả tôn khách phủ Tôn Nhơn, một danh vị nghe rất kêu nhưng thực chất chỉ là một ông phó họ, đối với việc nước hoàn toàn vô quyền. Trong bài thơ “Khiển hoài” (giải khuây nỗi lòng), ông tự gọi mình là “quan nửa mẫu” (bán mẫu chi quan) nghĩa là một ông quan chỉ có thực quyền trên năm sào đất của phủ đệ. Tuy cuộc sống riêng là như thế, không thể có một hoạt động chính trị - xã hội thiết thực nào, song ông không tự buông thả. Ông cố biến cái mà ông gọi là “thân vô dụng” (5) của mình thành hữu dụng, trong lúc tuổi đã muộn, thì sắp đặt giềng mối cho đất nước bằng việc viết sách. “Vãn tuế kinh luân tại trước thư”. Đây là một hướng hành động đúng và ông đã đổ hết tâm huyết vào đó. Bởi vậy, tập thơ Thương Sơn, từ quyển 41 (Bạch bí tục tập 1), sáng tác từ năm 1859 trở đi, đã có không ít bài nói lên những dằn vặt và thương đau, những ước mong và suy nghĩ của ông trước tình hình đất nước đang ngày xấu đi mãi.

Một nét nổi bật, rất dễ nhận thấy trong thơ ca và cũng là nét chủ đạo trong tư tưởng của Miên Thẩm đối với thời cuộc là khuynh hướng không thành việc hòa nghị của triều đình. Đã có lần ông nói thẳng:

Khen ngợi Ngụy giảng hòa với Nhung

Bàn luận như vậy thật là không đúng
” (6)

Theo ông, nên đánh, vì “đánh thì thắng” (chiếm tất khắc) và mới thu hồi được đất đai đã mất. Khi tiễn Nguyễn Tri Phương vào Nam, ông viết: “ Nghe nói bọn quỷ (Pháp) cuối cùng ắt sẽ bị đánh bại” (Văn đạo quỷ phương chung tất khắc - Vong tiệp ứng chế). Nói “nghe nói” là để tránh căng thẳng với chủ trương của triều đình lúc họa thơ mà thôi, thực tình, với ông “đường đường quân qua đánh ắt thắng” (7), vì ông tin rằng quân và dân ta có đủ quyết tâm và sức mạnh cần thiết. Một số bài thơ đã cụ thể hóa niềm tin này, đồng thời cũng biểu lộ một quan điểm nhân dân đến mức độ nào đó của ông. Chẳng hạn, bài “Người lính sống sót” (Tàn tốt):

Từ bụi cây giữa bãi xác ngổn ngang đứng dậy trở về
Một tấm áo mỏng loang lỗ máu chiến trận
Chống gậy một mình vào quán nút mua rượu
Nói rằng còn sống thì nhập vào đồn lính Hải Vân


(Loạn thi từng lý bạt thân hoàn
Nhất lãnh đơn y chiến huyết ban
Ỷ trượng độc cô sơn điếm tửu
Tự ngôn sinh nhập Hải vân quan).

Trong bài “Phiên An” (8) viết ngay sau lúc thành Gia Định thất thủ, trước sự thụt lùi, tránh né đụng độ của quân tướng triều đình, ông quả quyết: “Thấy nói hay mà chậm thì thà vụng mà nhanh” (Kiến thuyết xảo trì ninh chuyết tốc). Rồi lại nhấn mạnh: “Đất Đồng Nai (9) há lẽ không có những tay kiện thủ, bọn Khuyển Nhung sao còn có cái tâm đầy mưu mẹo (xảo trá) được (10)?” (Lộc Dã Khởi ưng vô kiện thủ, Khuyển Nhung hà tất hữu cơ tâm). Có lẽ ông cũng có phần nào sốt ruột chủ quan, nhưng phương hướng tư tưởng căn bản là đúng. Đến lúc Phạm Xuân Quế được cử vào làm Tán tương quân vụ, ông lại tiễn đưa bằng chính lòng tin vững chắc ở chiến thắng của mình:

Các chư hầu (11) vâng theo lời hịch
Sáu trạm cùng phát triển phương pháp đánh giữ
Cuốn hết khí yêu ở biển Cần Giờ
Đạp bằng lũy giặc ở Gò Mai (12)

(Chư hầu thừa vũ hịch
Lục truyện phát Sơn thành
Cần hải yêu khí quyển
Mai khâu tặc lũy bình

(Tống Hình bộ Phạm Bạch Niên thị lang sung Tán Tương Gia Định quân vụ)

Vì đâu một ông hoàng lại có tư tưởng khác - nếu không nói là trái - với nhà vua và các triều thần chóp bu như vậy? Có thể cắt nghĩa, một phần là do lòng thương yêu đối với đất quê ngoại (13). Một số bài thơ xác nhận điều này. Nhưng đây đâu phải là nguyên nhân bao trùm. Vậy thì phải chăng bởi ông mang cách suy nghĩ chủ quan của một người không nắm được tương quan lực lượng giữa ta và địch và không có trách nhiệm nắm giữ vận mệnh đất nước? Không, vì ông đâu phải là một người tư duy hời hợt bản năng. Theo chúng tôi, tư tưởng này của ông không phải đợi đến lúc giặc đánh mới nảy nở, mà nó đã hình thành từ trước, khi ông đối diện với các nhân vật lịch sử của ta cũng như của phương Bắc (14). Đến lúc ông ra ở phủ, nó càng được bồi dưỡng, khẳng định thêm với việc, do bản chất trung thực, phóng khoáng, ông gần gũi và tiếp thu được tư tưởng lành mạnh, trong sáng của quần chúng nhân dân. Một nguyên do nên nói đến nữa, là với tư cách chủ Súy thi xã Mặc Vân, ông còn trực tiếp hoặc gián tiếp chịu ảnh hưởng một số danh sĩ đương thời như Doãn Uẩn, Phạm Bành, nhất là Cao Bá Quát.

Nhìn lại lịch sử và quá trình nước ta bị mất vào tay thực dân Pháp, không thể phủ nhận rằng, chống - hay là không tán thành - hòa nghị là một thái độ chính trị đúng đắn, hợp lý. Về hành động, đó là hành động giữ nước thực sự, về tư tưởng đó là tư tưởng yêu nước chân chính. Điều đáng quý ở Miên Thẩm là, mặc dù trong khi phái chủ hòa bao gồm không những quan lại cao cấp nhất mà cả nhà vua, có quyền lực áp đảo, có tiếng nói quyết định, ông vẫn giữ vững tư tưởng của mình. Sống và quan hệ thường xuyên với những người thân cận luôn luôn cho rằng “chiến không bằng hòa” như ông anh ruột Miên Định, ông bố vợ Trương Đăng Quê, ông bạn chí cốt Phan Thanh Giản, thế nhưng ông không thay đổi ý kiến. Kiên trì một chủ trương như vậy, mặc nhiên, giữa tư tưởng, ước vọng của ông với thực tế khách quan đã phát sinh một “bất nghi”, một mâu thuẫn thường trực. Bao nhiêu thương cảm, xót xa, day dứt đến chảy máu trong tâm hồn và thơ ca ông đều bắt nguồn từ mối mâu thuẫn không thể giải quyết được ấy. Nghe gió thu thổi, ông bỗng nghĩ đến “lũ sói lang chiếm cứ ải Bắc, vó ngựa Hồ ngang dọc cửa Đông (15) (Lang Phong kiêm tái Bắc, Hồ mã hoành quan Đông - Kim Thương). Nhìn cửa biển, thấy thuyền giặc đậu, ông chảy nước mắt: “Cột buồm lố nhố, thuyền của bọn quỷ… Chống gậy đi ven bờ cát, không nói được, nước mắt tuôn như suối” (Tường thốc quỷ phương thuyền… Trụ cùng sa chữ bạn, bất ngữ lệ như tuyền - Hải Thượng). Nghe kể lại hiện tình đất Gia Định, mắt ông rưng rưng: “Đường bên cầu ông Tả (16), chỉ tới lệ trào rơi” (Tả công Kiều bạn lộ, chỉ điểm lệ tung hoành - Văn Gia Định cận trạng). Với một người bạn vừa trở về, ông đặt câu hỏi: “Lửa hiện đang đỏ khắp Bến Nghé Núi Rồng (17), đến bao giờ (đất nước) mới thông suốt và tan hết bóng tối nặng nề?” (Ngưu Chữ Long sơn phong hỏa tại, kỷ thời phi hoát tán tằng âm? - Trùng lai). Từ những nỗi đau đó, ông cảm thấy mình luôn luôn như bị một cái gì ngăn cản, luôn luôn có một chỗ hẩng trong lòng:

Tim gan muốn báo đền nợ nước nhưng hoàn toàn không có đất thi thố… (Tâm cam báo quốc toàn vô địa) và một nỗi cô đơn cứ đến với ông, có lúc thành một tiếng thở dài não nuột:

Không biết vì sao khó nên nói lời
Trước ngọn gió tây, dựa lưng vào ghế, một mình đau xót

(Bất tri để sự nan ngôn thuyết
Ẩn kỷ tây phong độc sảng thần)
                                    (Đối tửu)

Có thể xem bài “Thương tâm” (Đau lòng) là tiếng nói trọn vẹn nhất của tâm tư ông lúc này:

Thương tâm phiền nhẫn lệ
Dục ngữ bất ưng ngôn
Hữu điểm chung tri sỉ
Vô công nãi thọ ân
Quán viên cầu vì toại
Phụ thạch giới không tồn
Ngụy Giáng hòa Nhung thưởng
Thù phi tự thử luân


Tạm dịch:

Lòng xót đau cầm nước mắt rơi
Bao lần muốn nói chẳng nên lời
Không công lao lại dày ân thưởng
Có mặt mày nên biết hổ ngươi
Ý ước về vườn xin chửa được
Chí lắm đội đá uổng khôn lời
Ngợi khen Ngụy Giáng hòa Nhung dịch

Bàn thế là sai trái quá thôi.

Quả là một nỗi buồn riêng ông mới có được nhà vua ân thưởng mà thẹn đỏ mặt, bởi vì nghĩ mình không có công lao gì với đất nước (18). Thêm một sự tiếc rẻ cũng khác người: Sẵn sàng làm mọi việc khó khăn, nguy hiểm nhưng bầu máu nóng ấy có ai cần đến mà cứ mang mãi cho uổng. Đó là gì nếu không là một tấm lòng trung thực và một ý nghĩ yêu nước bị dồn nén đến cao độ.

Nhưng khi đau thương cứ tiếp tục đè nặng lên trái tim thì vẫn có nhiều lúc ông thấy lòng mình tin tưởng, phấn chấn hẳn lên, bởi vì trên đất nước này không phải ai cũng sợ giặc và muốn cầu hòa với chúng cả. Đó là lúc ông tiễn đưa Nguyễn Trực, Trần Đình Hanh và Nguyễn Khắc Mại đi mộ lính đánh Pháp. Mỗi câu thơ mở ra cho mỗi người một niềm tin ở chính nghĩa của công việc đang làm:

Ba vị cầm đầu chỉnh đốn binh sĩ
Giúp đỡ đội quân mới theo đường riêng
Người làm tướng thấu hiểu công việc
Công lao, nhà vua (sẽ) ghi sâu

(Tam ty thu chiến sĩ
Biệt đạo tá tân quân
Ngọc trưởng cùng thám diệu
Kim thành viễn sách huân)

(Tống Nguyễn Trực, Trần Đình Hanh, Tùy Phương Bá, Khắc Mại, Nguyễn Công mộ sĩ chỉnh di)

Đó cũng là lúc ông đọc bài văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu, vừa ca ngợi câu văn và tác giả, vừa biểu dương tinh thần chiến đấu của nhân dân Nam bộ. Lòng cảm phục tràn lên mỗi câu chữ:

Tiếng giỏi văn nôm ngang với nhà viết sử mù Tả Khâu Minh
Khúc ca những người dũng cảm vì nước hy sinh đạt đến cái thống thiết (trong sở tứ) của Khuất Nguyên
Giương gậy làm cờ, chặt cây làm kiếm (tinh thần) so tày ngàn xưa
Tiếng tướng sĩ bỏ mình kêu oán (bi thương như) đã bao lần
Cuối cùng đến người thư sinh cũng đánh giặc bằng ngòi bút
Báo đáp ân vua, chỉ chừng ấy cũng đáng thương biết bao!


(Quốc ngữ danh tề Manh Tả sử
Quỉ hùng ca đáo Khuất Bình ai
Yết can thảm mộc kham thiên cổ
Cán hạc đề viên tính kỷ hồi
Chí cánh thư sinh không bút trận
Báo quân chỉ thử diệc bi tai!)

(Đọc Nguyễn Đình Chiểu điếu nghĩa dân tử trận quốc ngữ văn)

Đến một bài thơ khóc - Khóc Nguyễn Duy, Tán lý Định Biên, hy sinh trong trận chống giữ đồn Kỳ Hòa - cũng không có nước mắt, mà chỉ là những lời tôn vinh một cuộc sống trung dũng: “từ khi bọn Hồ trở nên ngạo mạn, triều đình cùng nhau ban (cách đối phó), người bầy tôi lẻ loi đã viết biểu tấu bày tỏ bầu máu nóng của mình” (Nhất tự kiêu Hồ mã, tương khan nghị Hán đình… nhiệt huyết cô thần biểu); một tinh thần quên mình vì nghĩa lớn: “đến với nghĩa cả, coi nhẹ thân mình, giữ trọn lòng trung, đôi mắt nhắm lại không luyến tiếc gì cả” (phó nghĩa thân hoàng cố, toàn trung mục tự minh); một cái chết quang vinh: “phổi gan đỏ như lửa mặt trời, hồn bay tựa ngôi sao sáng rực” (phế can hồng nhật chúng, phi hồn tỉ liệt tinh)

(Khóc Nguyễn Cửu Tư Tán lý Công nhị thập vận).

Có lẽ trong thơ tống tiễn của Miên Thẩm, chưa có một cuộc đưa chân nào diễn ra đầy khí thế như khi Trần Tử Mẫn đi vào Hàm Thuận. Phải chăng vì Trần là một nhân vật đã từng khởi binh đánh Pháp, lâu nay bị triều đình đổi ra miền Trung do sợ giặc trách cử, đến bây giờ lại cử vào một địa phương tiếp cận với Nam bộ, ở đó ông có thể thi hành một số biện pháp ngăn chặn được quân giặc tiến ra? Dụng ý của triều đình, chưa rõ, song với Miên Thẩm, chắc hẳn là như thế. Trần lại là một bạn thơ chí thiết từ lâu, vậy thì còn nơi đâu ông bộc lộ được hết ý nghĩ và cảm xúc của mình nhiều hơn nữa? Cho nên đọc bài thơ “Tiễn ông hiệu thục sở văn quy Trần Tử Mẫn đi vào Hàm Thuận” (Trường ca hành tống Văn quy sở hiệu thục Trần Tử Mẫn phó Hàm Thuận), thấy rõ “tâm can báo quốc” của ông được huy động tối đa để trải lên trang giấy những vần thơ sảng khoái, hào hùng. Bài thơ mở đầu bằng một đoạn luận về chí làm trai, tất nhiên là theo quan niệm và công thức của một thời đã xa nhưng dầu sao cũng là một nhân sinh quan, một chủ nghĩa anh hùng cá nhân còn có thể chấp nhận một phần trong chế độ phong kiến thế kỷ 19:

Làm trai sống phải cầm hai ngọn kích
Nhổ cờ vượt lũy, đi trước hàng quân
Bắn tên giết chết năm chúa Hung nô
Xuống ngựa, thấm mực thảo lộ bố
Ném bút cười to, dựng râu nhím lên
Quân kỵ giặc thua chạy đạp lên nhau
Giải biên cương không dám dòm ngó nữa


(Nam chi sinh bất thủ chấp trượng nhị thù
Mi tinh ma lũy vi tiền khu
Yêu tiễn xạ sát ngũ thiền vu
Hạ mã bát mặc thảo lộ bố
Trịch bút đại tiểu trương vị tu
Lỗ kỵ băng bôn tự tiễn đạp
Âu thoát bất cảm tiềm quy du…)

Tất cả những gì cao đẹp đó chỉ để chuẩn bị giới thiệu con người tiết tháo, dám xả thân thủ nghĩa của Trần Tử Mẫn:

Nghe nói lúc thiếu thời ông ở tại Đông Phố
Đem hết của nhà ra mộ lính ngăn quân Hồ
Vốn biết (ông) là cột gỗ đỡ ngôi nhà lớn
Một người tiết tháo yêu và giữ nghĩa hết lòng
Năm ấy ý khí mạnh ngang muôn người
Lòng coi nhẹ tấm thân bảy thước


(Văn quân sinh thiếu Đông Phố cư
Phó gia mộ sĩ lực ngự Hồ
Cổ tri đại hạ chi nhất mộc
Tiết sĩ trượng nghĩa minh khu khu
Đương niêm ý khí hùng vạn phu
Thôn tâm hoàng cổ thất xích khu…)

Với việc Trần vào Hàm Thuận, ông viết không úp mở: “Mừng ông từ nay rời khỏi sự khớp buộc, mang nổi căm giặc của nhà vua mà đem lòng trung và lòng cừu hận của mình ra làm việc” (Hỉ quân tùng kim ly hàm câu, định vương sở khái trung phẩm thư). Nói một cách khác, ông mừng Trần được trở lại là Trần như cũ. Vì vậy, vùng đất này chắc chắn sẽ vững mạnh, ngăn giữ được quân thù:

Đầu ghềnh Trâu Nằm (19) đá chẳng dời chuyển
Trên núi sông Khe Gà (20) gió tự reo
Ngôi tháp sừng sững trên mặt đất trấn áp lũ ma quỷ
Làng xóm che rừng, mũi tên bay ra
Nước nhà có đạo lý, lũ man di chịu phục
Niềm trung tín không mất, thần linh sẽ trợ phò


(Ngọa Ngưu cơ đầu thạch bất chuyển
Kê Khê sơn thượng phong tự hô
Tốt đổ bạt địa trấn si mị
Can lan tệ lâm phi bộc cô
Quốc gia hữu đạo man di thủ
Trung tín bất thất thần linh phù….)

Trước cái may lắm của bạn, ông chợt nhìn lại mình. Lại vẫn cái việc không thể khác là ngồi “gạt mồ hôi”, “chú thích các loại sâu bọ và cá” (huy hãn, chú trùng ngư), vùi sâu tháng ngày trong đống giấy cũ, chẳng ích lợi gì cho đất nước đang cơn nghiêng nghèo cả. Bài thơ kết thúc trong một tiếng kêu thất vọng: “Than ôi, tóc bạc đợi vào sử xanh chăng?” (Y hu hi, bạch phát đãi hãn thành vô?) Tiếng kêu vang sâu một ước mong được hành động và cất lên từ một tinh thần thiết tha muốn “báo đền nợ nước”, từ một ý thức yêu nước chân thực.

Tuy nhiên, đối với Miên Thẩm, hai chữ “báo quốc” không bao giờ tách rời hai chữ “trung quân”, hai khái niệm gắn liền với nhau. Giáo lý Khổng Mạnh cùng với dòng máu quý tộc luôn luôn giữ chặt ông, không cho suy nghĩ khác được. Bao giờ cũng vậy, ông chỉ ca ngợi những con người, những hành động vì vua vì nước, trước hết là vì vua. Một Nguyễn Trực, một Nguyễn Đình Chiểu, một Nguyễn Duy, một Trần Thiện Chánh, hay ai khác nữa, tất cả đều là những tấm lòng trung thành, tận tụy với nhà vua, không một lần “lỗi đạo quân thần”. Nhà vua quyết định thế nào, phải vâng theo thế ấy. Khi ông nói không tán thành nghị hòa, trong thâm tâm là muốn nói với Trương Đăng Quế, Phan Thanh Giản, Đoàn Thọ, với mình, chứ không phải với Tự Đức. Sách vở của ông Trình ông Chu và chiếc ngai vàng của dòng họ đã hóa một thứ kim cô dính chặt trên đầu, đến nỗi lúc Tự Đức sắp cắt ba tỉnh miền đông Nam bộ cho Pháp, ông còn viết: “Mong nhà vua quyết đoán sớm, hoàn toàn nhờ cậy mưu lược ứng nghiệm của ngài” (Tảo vọng thần trung đoán, toàn bằng miếu toán linh). Rất xa với ông, tư tưởng vì nước trên hết của những người đương thời như Trương Định, Võ Duy Dương. Ông không dám và cũng không thể nghĩ nổi rằng một khi triều đình đã đi ngược lại quyền lợi của đất nước thì “báo quốc” và “trung quân” không còn đi đôi được nữa. Mà điều này có phải khúc mắc hay xa xôi gì đâu, nó biểu hiện ngay bên cạnh ông với người con rể đầu là Đoàn Hữu Trưng. Vì vậy, tâm trạng ông mãi mãi là một bi kịch và tư tưởng yêu nước của ông, cho đến cuối đời, cứ thụ động, chưa một lần dám biến thành một hành vi quyết đoán nào, dù nhỏ.

Bị giam hãm trong một ý thức trung quân cứng nhắc và lỗi thời, hoàn toàn bất lực và mất hết hy vọng ở thực tế, Miên Thẩm không còn cách nào khác là theo gót Lục Du (21) đi tìm niềm an ủi trong ước mơ. Bài thơ “Đêm hai mươi bảy tháng hai, chiêm bao thấy theo nhà vua đi đánh giặc, lấy lại toàn đất Nam Kỳ cũ, quá mừng hóa cuồng say, thấm mực viết bài trường ca mấy chục câu, gõ bút cười lớn, ngã ngựa tỉnh dậy, khêu đèn viết nốt trọn bài” (Nhị nguyệt nhị thập thất nhật chi dạ, mộng tùng đại giá thân chinh, tận phục Nam kỳ cổ địa, hỉ thậm cuồng túy, bát mặc tác trường ca số thập cú, chấn bút đại tiểu, đọa mã kinh ngộ, khiêu đăng túc thành chi) có thể là gì khác hơn, nếu không phải là một bài thơ tự khuây nguôi, hay nói thế này cũng được, một bài thơ tự lừa dối một cách chân thành. Những dòng chữ gọi là viết trong một giấc mộng này, thực ra là viết từ một khát vọng cháy lòng cháy ruột. Các sự việc diễn biến từ khi ra quân cho đến khi chiến thắng, đều y như có thể xảy ra, chi tiết, sống động, lớp lang, chứ tuyệt nhiên không mang dáng huyền ảo, hư hư thực thực gì cả:

Giữa đất Nam, một ngọn đuốc lớn gió thổi khói bay cao
Đốt phá lầu giặc và thuyền giặc
Cháy râu chín thịt không cứu được
Bọn Hồ kêu la rầm trời
Đường đường quân vua đánh là thắng
Tám năm nay mới thực thấy bình Tây
Trước ngực các cụ phụ lão mang giỏ (cơm) và bầu rượu đến đón
Anh hùng sáu trấn đem hết sức ra (cùng diệt thù)


(Nam trung nhất cự phong dương yên
Đôi nhiêu tặc lầu tiên tặc thuyên
Phân tu hưu nhục cứu bất đắc
Quân Hồ suy thần thanh chấn thiên
Đường đường vương sư chiến tất khắc
Bát niên chân kiến bình Tây tặc
Mã tiên phụ lão đan hô nghinh
Lục trấn anh hùng tận trân lực…)

Không thể không nhận thấy trong bài thơ này một điểm tiến bộ về mặt nhận thức của Miên Thẩm mà các nhà nho trí thức đương thời không dễ có được, đó là sự đánh giá của ông về vai trò của nhân dân - mà lực lượng chủ yếu là nông dân - trong cuộc chiến đấu. Từ sự đánh giá đúng đắn đó, ông đã vẽ lên được - dù chưa thật đậm nét - hình ảnh một cuộc tấn công nổi dậy đều khắp, ngoạn mục, đem lại thắng lợi cuối cùng:

Vùng núi liền cùng với vùng biển hưởng ứng lẫn nhau
Không dùng kiếm kích, vung trang vung bừa
Rầm rập từ Bến Nghé Đồng Nai trước mắt
Đến Hòn Rái xa, tít tận bãi Tê


(Liên sơn tịnh hải hỗ hưởng ứng
Bất dụng kiếm kích huy sừ ưu
Lộc Dã Ngưu chữ phân tại nhãn
Viễn kỵ Thát dữ cùng Tê châu… (22)

Một điểm nữa cũng không thể không nói đến là các ông nhìn nhận kẻ thù. Nếu trong hầu hết các bài thơ khác, chúng chỉ hiện ra dưới một cái tên gọi mượn của sách vở cổ Trung Quốc thì ở đây, chúng đã bị kêu đích danh theo cách nói Việt Nam: “giặc Tây” (Tây tặc) kèm theo tội ác lớn nhất: “khi không cất quân, chiếm giữ đất đai của người khác và ngược đãi nhân dân” (vô đoan hưng giáp binh, thủ nhân cương thổ ngược nhân manh). Cho nên dù ông nói đến một thứ “đạo trời báo phục” (thiên đạo hiếu hoàn) hay một “sông Ngân rơi khỏi trời, dịch xa ngàn dặm” (Ngân hà lạc thiên tẩu thiên lý), chúng ta vẫn nghe rõ hơn cả, cái âm vang chính của tâm hồn ông: Rửa sạch nỗi sỉ nhục của đất nước từ trước đến nay (Tẩy tận tùng tiền ưu quốc sỉ).

Nhưng sự việc xảy ra, dù y như thật đến đâu, cuối cùng vẫn là trong một giấc chiêm bao ngắn ngủi. Khi viết xong, bỏ bút xuống, chắc hẳn ông lại đau xót mà nhận ra rằng đó chỉ là những ảo vọng giây lát giữa một thực tế đã bao năm tháng cứ mãi phủ phàng. Song, với chúng ta, những ảo vọng ấy không tan mờ, bởi vì nó chứa đựng một điều rất thật, không xóa được, đó là trái tim, là tấm lòng yêu nước cháy đỏ của Miên Thẩm.

L.A.
(13/6-85)




---------------

1. 30-4-1870.

2. Tên thật là Trần Thiện Chánh, người thôn Tân Thới, huyện Bình Long, tỉnh Gia Định, đỗ cử nhân năm 1842. Gia Định thất thủ (17-2-1859), ông tổ chức một đoàn quân Nghĩa dũng đánh Pháp. Khoảng 1862, làm đồng Tri phủ ở An Giang, sau đổi ra Phú Yên rồi ra Huế. Tại đây, ông từng làm biện lý bộ Hộ và hiệp lý Kinh kỳ thủy sư. 1867, đổi vào Hàm Thuận (Bình Thuận) một thời gian rồi lại về Huế làm biện lý Bộ Binh. 1869, được cử làm Tán Tương quân vụ Sơn Tây. Về sau, làm Hộ lý tuần phủ Ninh Bình… Ông sinh năm 1823 và mất năm 1874.

3. Nguyên văn chữ Hán:

Hiếu sĩ Mạnh Thường chung báo quốc

Công thi Tử Kiến tuyệt ưu sinh
.

4. Trăm việc lòng đều không hợp (Bài “Phong vũ ức Khôn Chương”)

5. Sơn tăng tri ngã thân vô dụng - Du Thiên Thọ tự vãn quí.

6. Xem bài “Thương Tâm” trích ở sau. Bài viết năm 1863, sau khi triều đình đã cắt ba tỉnh miền đông Nam bộ và vẫn thấy hòa là có lợi.

7. Đường đường vương sự chiến tất khắc… Xem bài “Nhị nguyệt nhị thập thất nhật chi dạ,…” ở sau.

8. Tên cũ thành Gia Định.

9. Chữ “Đồng Nai” lúc đó còn dùng để chỉ cả vùng Biên Hòa và Gia Định sau này.

10. Chỉ thực dân Pháp, Miên Thẩm khi thì dùng chữ Khuyển Nhung, Hồ Yết, khi thì dùng chữ Tây di, Tây tặc.

11. Ý nói các tướng lãnh đang đóng quân ở các nơi tại lục tỉnh.

12. Ở thôn Phú Giáo, huyện Tân Long, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (theo Đại Nam nhất thống chí).

13. Mẹ ông là người thôn Tân Khánh, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định.

14. Xem các bài thơ của ông: Lục Niên Thành, Khiển Sầu, Tráng Sĩ Hành, Nhạc Phi, Trấn Hải Thành, Di Kiến Mặc vân sào lạc thành hí đề, Hưng Đạo Vương Từ… Cũng có thể xem thêm các bài giới thiệu những nhân vật trung nghĩa trong lịch sử nước ta mà chính ông đã duyệt (Việt Sử Tổng Vịnh của Tự Đức). Tuy duyệt vào những năm cuối đời, nhưng đọc lịch sử thì hẳn là đã lâu trước đó.

15. Đông phố: Gia Định.

16. Ông Tả: Ông ngoại Miên Thẩm nguyên là Tả tham tri Bộ Công, cạnh nhà thờ ông, có xây chiếc cầu, thường gọi “Cầu ông Tả” (tác giả ghi chú).

17. Sông Bến Nghé chảy giữa hai tỉnh Biên Hòa và Gia Định cũ.

Núi Rồng, tức là núi Long Ẩn, ở Biên Hòa (theo Gia Định thành thông chí).

18. Cũng có lần ông viết: Tóc bởi đau lòng mà bạc, mặt vì xấu hổ mà hồng (phát đán thương tâm bạch, nhan ưng phụ quý hồng - Tuế yến độc tọa khiển muộn nhị thủ).

19, 20. Tên một cái ghềnh và một ngọn núi ở Bình Thuận cũ.

21. Một nhà thơ yêu nước đời Nam Tống. Suốt đời ông mong mỏi nhà vua ra quân khôi phục đất Trung nguyên, nhưng không thấy, đành tự an ủi bằng một bài thơ mộng thấy mình được theo vua đi đánh giặc, lấy lại đất cũ.

22. Tác giả ghi chú: Thát dữ (Hòn Rái ở Hà Tiên - Tô Châu (bãi Tê) ở An Giang).




Các bài mới
Một vụ án (18/03/2011)
Chiếc bóng (15/03/2011)
Các bài đã đăng