Tạp chí Sông Hương - Số 13 (T.6-1985)
Chiếc bóng
09:20 | 15/03/2011
TRẦN HỮU LỤCKhi từ biệt làng nổi trên sông, ông Ngự tưởng mình quên được chiếc bóng vật vờ trên sông nước, quên bốn mươi năm gắn bó với những vạn đò. Ông Ngự chỉ mang theo đứa con gái duy nhất và cái máy bơm nước hiệu Yama của Nhật Bản đến vùng đất mới.
Chiếc bóng
Nhà thơ Trần Hữu Lục - Ảnh: internet
Nói là mang theo nhưng kỳ thực Thanh đã mười bảy tuổi, là một đoàn viên thuộc trung đoàn thanh niên xung phong. Thanh theo cha nhưng còn có một lý do riêng nữa. Mấy ngày đầu ông Ngự có tâm trạng vừa quay quắt, tiếc nuối, vừa ray rứt thẫn thờ. Đứng bên hiên nhà mới, bất chợt nhìn xuống triền đồi, thung lũng đang trải mềm rau cải xanh, ông lại bắt gặp bóng dáng của một làng nổi trên sông. Vườn rau, mái nhà, trạm bơm nước, bờ thửa… như trôi đi trong lớp sương mỏng nhẹ. Nhất là những đêm khuya, những ngọn đèn tù mù từ những hộ dân mới tới ở như cũng bềnh bồng trên một dòng sông đêm. Nhưng rồi, ông cũng dần dần nguôi đi. Như bao người khác, ông đã vô tập đoàn sản xuất, đưa luôn cái máy bơm nước hiệu Yama vào để tưới cho vườn rau tập thể. Thanh được bổ sung vào làm thư ký của ban lãnh đội, nơi Việt - người yêu của cô đang phụ trách kỹ thuật. Thanh có thói quen đứng ngắm mình trước gương soi mỗi lần sắp ra khỏi nhà. Còn ông thì mãi hơn mấy tháng sau mới dám nhìn lại hình ảnh của mình trong gương… Ông ngại ngần và khổ sở vì nó sẽ nhắc ông nhớ lại chiếc bóng vật vờ trên sông ngày ấy cùng hình bóng của người vợ thân thiết. Ông muốn quên đi cái gương soi trong nhà, cái gương soi mà Thanh đã lén ông mua mang theo. Ông né tránh cả những lúc bất chợt nhìn thấy chiếc bóng lờ mờ của ông trên mặt nước. Ông càng hốt hoảng hơn dưới ánh trăng, chiếc bóng thầm lặng của ông cứ rề rà theo ông bên hiên nhà, giữa vườn cây, ngoài trạm bơm nước… Chỉ khi tiếng máy bơm nước nổ một cách đều đặn ì ầm rồi, những luồng nước đã tưới tung tóe trên các luống rau cải, ông mới thấy yên tâm và dễ chịu. Vào những lúc ấy ông mới vân vê một điếu thuốc rê rồi bặp bặp giữa hai làn môi thâm và rất say sưa nói cho bất cứ ai đang ở gần bên ông về các cách gieo trồng về thế nào là năng suất và có chất lượng, về cái lợi của cách làm ăn tập thể… Nếu có người nào đó còn nghi ngờ hoặc ngập ngừng thì ông gạt phăng ngay. Ông sẽ cố thuyết phục cho mọi người hãy tin vào điều ông nói, việc ông đang làm, hãy tin vào chính cuộc đời ông, một cuộc đời có bốn mươi năm trôi nổi đói nghèo trên sông nước, ông đã từ bỏ cái quá khứ bấp bênh tối tăm, từ bỏ cái làm ăn riêng lẻ như thế nào… Một hai vụ sản xuất đầu, tập đoàn trúng, lời nói của ông đáng vị nể hơn. Ông Ngự mà nói thì tập đoàn hưởng ứng ngay. Ông Ngự tiên liệu sắp xếp việc thì việc trôi chảy tốt đẹp. Cứ thế ông đã gắn với vườn rau tập thể như hình với bóng, được bà con nông dân mời vào ban cố vấn cho lãnh đội. Công việc làm ăn của tập đoàn ngày càng khấm khá hơn. Ông Ngự đã có quyền tâm đắc với mọi người: “Cứ cái đà này thì trong vòng năm năm, vùng ta sẽ là một vùng trù phú bậc nhất, ta sẽ tiến lên hợp tác xã một cách vững chắc, hãy cứ tin lời tôi nói đi”.

Đang giữa mùa khô, cơn bão dữ dội ập đến. Cơn bão trái mùa ít có ai nghĩ đến. Rau cải chưa đến kỳ thu hoạch bị dập nát và hư hại nặng, tập đoàn sản xuất như người bệnh, lảo đảo. Vụ mùa coi như thất bát, bà con chao đảo và chạy vạy. Ông Năm vườn rau lại đột nhiên ngã bệnh nặng. Ông Thu, tập đoàn phó lên thay. Ông Thu trông còn trẻ, tính tình dễ dãi và thiếu cương quyết nên nhiều buổi họp của tập đoàn không giải quyết được gì cả.

Trong một buổi họp khá căng thẳng, ông Ngự đã bỏ ngang về. Bước chân ông nặng nề như cuốc bổ trên con đường đỏ. Chỉ một lát sau, Thanh cũng về theo. Ông nhìn con gái giọng chì chiết:

- Bây coi tau ra gì! Vừa lòng hả dạ bây chưa? Đến nước này thì đi cho khuất mắt tau đi! Cuốn gói theo nó luôn! Tau không còn là cha mày nữa.

 Thanh chết lặng, chỉ kêu lên một tiếng “cha”, nước mắt trào ra tức tưởi. Ông Ngự đưa mắt hậm hực nhìn quanh. Nghe tiếng khóc rấm rức của con gái, ông quay phắt lại:

- Có khổ là khổ cái thân già này. Ai làm chi mà khóc. Nuôi cho bây khôn lớn rồi bây sổ lồng…

Ông Ngự giận quá không nói thêm được. Mặt ông đỏ rần một lát rồi tai tái dần. Căn nhà im ắng đến nặng nề. Từ dưới vườn rau cải, tiếng máy bơm nước vọng lên ỉ âm mệt mỏi, từng chặp lại tắt, rồi lại nổ một cách khó nhọc. Ông Ngự bỗng cười gằn, tiếng cười như một mũi kim chích vào trái tim của Thanh đau nhói. Lòng Thanh nặng trĩu, cô không nói được một lời nào. Ông ngồi lặng như thế cho đến khi gục đầu xuống bàn, thở hắt ra từng hơi khó nhọc. Gió ầm ào qua đỉnh cây, Thanh bước khẽ đến khép chặt cánh cửa, ngồi thu mình trong chiếc ghế mây, hai tay ôm mặt, khóc rấm rức. Hình ảnh buổi họp và thái độ của Việt đối với cha cô hiện ra trong trí như một cái gai: “Tại anh cả. Người chi mà vô tâm và nông nổi đến ghét”.

***

Tuần trước, sau khi làm cỏ vườn rau trở về, Thanh thấy cha mình có vẻ lầm lì khang khác. Lúc cô đang loay hoay dưới bếp thổi cơm, ông tất bật đi ra cổng nhà, bước được mấy bước mới đằng hắng dặn lại:

- Cha sang nhà họp của tập đoàn có chút việc. Ăn cơm trước, đừng chờ cha.

Ăn cơm xong, Thanh tìm mãi không thấy cái khăn lau bàn, cô giật mình thấy mấy giọt dầu nhớt đọng lại trên mặt bàn. Mở hộc bàn, cô thấy thêm mấy con ốc còn dính đầy dầu mỡ. Chẳng lẽ… Một ý nghĩ bất chợt đến nhanh như tia chớp. Thanh lặng lẽ khóa trái cửa lại, cầm chiếc nón và cây đèn pin, chạy ào xuống vườn rau cải của tập đoàn. Dốc đồi làm cô suýt té mấy lần. Cô chạy qua các bờ thửa những ô đất vuông vừa mới thu hoạch, cô đã nhìn thấy cái máy bơm nước hiệu Yama hai ngựa lờ mờ trong màn sương. Cỏ dưới chân nghe lào xào. Gần đến trạm bơm, bỗng cô đứng sững lại, cửa khóa của trạm bơm nước bị ai cạy ra, khoan sắt bị cắt đứt rất ngọt. Cái ổ khóa lún sâu một nửa trong lớp đất bùn nhão nhoét còn đọng những vệt sương phía dưới chân cô. Thanh rọi cây đèn pin vào cỗ máy. Trời! Còn heo dầu! Giọng cô hốt hoảng trong đêm thanh vắng. Cô đứng chết lặng, cây đèn pin cứ xoáy mãi vào chỗ hổng trên cỗ máy, run rẩy. Cô cúi xuống nhặt cái ổ khóa và lặng lẽ trở về nhà. Ông Ngự cũng vừa mới về được một lát, cô bước rén rén, chiếc nón cầm nghiêng che cây đèn pin, nói như van vỉ:

- Cha ơi! Cái Yama của mình sao vậy cha?

Ông Ngự không nói gì, thủng thẳng rót một cốc chè nguội, hớp một hớp. Giọng của Thanh òa vỡ:

- Con heo dầu mất tiêu rồi, cha ơi!

Cô nghẹn lại, nước mắt trào ra. Ông Ngự đưa tay run run rò rẫm trên cằm, khẽ lắc đầu và thở dài như tiếc nuối một cái gì vừa đánh mất. Thanh ngập ngừng hỏi:

- Có phải cha…

- Không!

- Cái máy của tập đoàn sao cha làm vậy?

Ông Ngự tròn xoe mắt nhìn con gái rồi bỗng nổi nóng lên:

- Nhưng họ không biết điều.

- Thì người ta đã cấp phiếu cho mình rồi. Vài vụ nữa tập đoàn có đủ vốn thì họ trả lại. Ai cũng vậy chứ phải một nhà mình đâu?

- Hử, chỉ được nói cái miệng. Tau cũng không cần họ trả nữa. Vụ mùa rồi tập đoàn mất trắng, mày mù không thấy sao? Thằng Thu không biết điều. Cách mạng đã trải chiếu cho hắn ngồi nhưng hắn không biết điều với tao.

 Thanh không muốn khóc mà sao nước mắt cứ trào ra “Phải rồi. Vụ mùa đã mất trắng, tập đoàn đang như người bị ốm dậy. Bão mưa trái mùa tàn phá rau cải. Nhưng đó là do thiên tai, cha không công bằng, sao cứ gắn khuyết điểm cho tập đoàn. Hơn nữa chú Thu chưa quen lèo lái…”

Ông Ngự đã thấy một chút bướng bỉnh, cương quyết của con gái càng đâm bực mình hơn. Vầng trán ông hằn rõ những nếp nhăn. Chiếc bóng của ông in trên tường nhà như rung lên theo từng cơn gió thổi ầm ào qua mái nhà. Rồi ông quay lại nhìn con gái đang ngồi ủ rũ trước mặt. Giọng ngọt ngào và ấm áp:

- Cha đã tính nước rồi. Cha chung chẳng ai khóc. Ban lãnh đội chỉ biết lo vun quén cho riêng mình. Cả một lũ ăn cắp và dối trá. Lúc thì phân tro thiếu hụt, lúc thì xăng dầu khô ráo. Chấm công chấm điểm thì thiên lệch lếu láo. Quyết thì không dám quyết, quyết rồi thì không chịu làm. Bày đặt ra cái ban cố vấn rồi để ngồi chơi xơi nước. Hắn có coi tau ra gì. Cả thằng Thu, thằng Việt, ai đã trải chiếu cho chúng ngồi hưởng? Ai vậy con?

- Tại vì chú Thu, anh Việt còn lúng túng trong cách chỉ đạo, lấy con heo dầu đi, cái máy chỉ còn lại một đống sắt thôi. Sao cha lại làm vậy? Lỡ có ai biết…

- Ai biết? Máy để ngoài trạm bơm chẳng ai chăm lo bảo quản, canh giữ thì mất cắp là lẽ thường. Gần đây tập đoàn nào cũng kêu ca là mất cắp cái này cái nọ. Lấy xăng dầu về rồi đem bán chợ đen cho bọn con buôn rồi kêu thiếu dầu, có để con heo dầu trong máy cũng vậy. Vả lại, họ đã coi tau như một đống sắt rỉ rồi, cái ông già ưa lý sự làm cha thiên hạ, lúc nào cũng kinh nghiệm chủ nghĩa kiểu gia đình… Vậy đó. Tập đoàn đâu còn cần tau nữa. Để rồi coi.

 Thanh bàng hoàng, gian nhà như rộng ra. Cô nghĩ đến mối quan hệ giữa cô và Việt đang ở một khúc quanh đen tối. “Ở vào hoàn cảnh của mình thì thật khổ tâm? Việt sẽ nghĩ sao về cha mình? Dù rất yêu mình và kính trọng cha, nhưng còn trách nhiệm của anh ấy nữa. Còn nếu mình cứ dấu nhẹm… thì mình sẽ đồng lõa với những sai trái của cha. Dù có thể sẽ không ai biết nhưng chắc mình sẽ không dám nhìn thẳng mọi người, nơm nớp lo sợ tưởng như đang có ai đang nhìn mình với con mắt dò xét…”. Cô day dứt với ý nghĩ ấy. Cô đứng lặng lẽ trước gương soi: một khuôn mặt phờ phạc hiện ra đôi mắt thao thức và trong sáng “Ôi, nếu chuyện vỡ lở, mọi người còn coi gia đình ra gì. Sẽ có người độc địa kêu lên: Trời, ông làm cái chuyện động trời vậy mà con gái im ru vậy hà? Người ta là đoàn viên tích cực lắm mà. Và cô cố nhớ lại từng chi tiết buổi họp, từng lời, từng ý kiến của bà con trong tập đoàn về vụ mất cắp con heo dầu. Hình như Việt có phát biểu về ý thức làm chủ tập thể, rằng mất con heo dầu này ta có thể thay con heo dầu khác nhưng điều quan trọng là tấm lòng, niềm tin và sự hiểu biết, rằng trong trường hợp này thì chỉ có kẻ có tay nghề mới biết cách tháo gỡ đi con heo dầu. Việt đã lén nhìn sự biến đổi trên nét mặt của ông Ngự sau khi nói xong. Nghi vấn của Việt đã như quả bom nổ giữa phòng họp. Mọi người nhao nhao tán đồng. Và thế là ông Ngự đã tự ái bỏ ngang buổi họp ra về.

Trong gương soi, đôi mắt của cô như đang nói với cô là Việt quả thật nông nổi, không biết điều với gia đình cô. Thanh nhắm mắt lại để khỏi phải thấy hai dòng nước mắt nóng ấm đang từ từ lăn trên má, trên môi của cô.

***

Từ buổi tối đã nói hết nỗi cay cú của mình với con gái về tập đoàn, ông Ngự đã trở nên thầm lặng đến khó chịu. Không khí nặng nề trùm lên gia đình. Ông ít nói, ít cười, lầm lũi trong vườn nhà, không đặt chân xuống vườn rau cải của tập đoàn. Ông lại thấy chiếc bóng của ông càng gần gũi, đeo đẳng bên ông. Nhưng tuyệt nhiên ông không dám nhìn thật nét mặt đăm chiêu, buồn bả của ông trong cái gương soi. Chiếc bóng vẫn quấn quít bên ông khi đêm về. ông cố dấu nỗi chán nản thất vọng và bế tắc của ông cho đến khi phải từ bỏ một lần nữa vùng đất mà ông từng chọn làm quê hương thứ hai. Nhưng ông đã trút lên đầu Việt tất cả sự nóng giận đau khổ của ông khi Việt đến thăm ông. Mắt ông như dựng mí nhìn anh sòng sọc, tay đấm thình thịch vào ngực ông:

- Ì, tau vậy đó. Thằng già này tháo gỡ con heo dầu đó. Máy của hắn thì hắn gỡ. Tập đoàn cứ bắt hắn đi. Hắn thấy làm ăn không tốt, hắn làm vậy đó. Tau sẽ ra khỏi tập đoàn.

 Việt nói như năn nỉ:

- Thưa bác, bữa đó cháu nói là nói chung thế thôi. Nếu như bác…

Như không muốn nghe anh nói hết lời, ông xua tay nói:

Tau vậy đó. Mầy có giỏi thì mày đi tố cáo tau đi. Tố cáo thằng già này đi!

Mặt Việt nhăn lại, lộ vẻ khó nghĩ. Anh đưa mắt cầu cứu Thanh:

- Thanh!

 Thanh nhìn lại anh nghiêm khắc, ánh mắt như đang nói với anh rằng: “Anh thấy chưa? Nông nổi này tại anh cả”. Việt càng lúng túng hơn, anh lặng lẽ chào ông và bước ra khỏi nhà như chạy trốn. Ông quay mặt đi chỗ khác, tránh nhìn con gái. Việt đi rồi. Thanh thấy giận anh hơn, tức muốn khóc được”. Phải chi anh bình tĩnh một chút, biết điều với cha em một chút, dù sao cha cũng đổ nhiều công sức, tiền của nhiều cho tập đoàn. Phải chi anh và em cùng bàn cách giải quyết êm đẹp. Anh vô tâm quá, anh có hiểu cho tâm trạng và sỉ diện của em không?”. Cô nghĩ đã đến lúc lánh mặt Việt thì tốt hơn. Còn ông Ngự thấy rằng với Việt như thế là đủ rồi, ông quyết sẽ bỏ ra ngoài tai bất cứ một lời khuyên răn nào. Sau vụ Đông Xuân này thì ông sẽ ra khỏi tập đoàn. Có ông hay vắng ông, cái máy Yama vẫn nằm lù lù vô bổ ngoài trạm bơm. Vậy thì lý do gì mà bắt bẻ; xỏ xiên và thắc mắc nhau mãi? Ông nghĩ như thế. Quả thực hơn cả tháng sau, ban lãnh đội cũng mới chỉ nghĩ đến việc mua một con heo dầu khác lắp vào, sau vụ mùa này sẽ hoàn trả lại tiền trị giá ngang với các máy bơm khác ngoài thị trường. Chỉ thế thôi. Một tháng trôi qua, hai tháng trôi qua rất mau. Có xăng dầu rồi máy bơm vẫn còn nằm lù lù một đống. Nước tưới mấy mẫu vườn của tập thể vẫn do bà con nông dân gánh lấy bằng chính đôi vai của họ.

Chiều chiều, ông Ngự ngồi trong nhà mà vẫn nghe được tiếng người cười nói gọi nhau ơi ới đi gánh nước tưới rau từ dưới thung lũng vọng lên. Làm quần quật kiểu ấy chắc chi đủ sống, rồi sẽ có nhiều người xin rút ra như mình. Cuộc sống rồi sẽ trở lại như cũ. Làm ăn tập thể mà như thế sao? Ông Ngự nghĩ thế và bồn chồn chờ đợi… Ngày tháng cứ trôi qua, ông càng tự giận mình, giận đời. Ông cố tránh phải nhìn thấy lại chiếc bóng của ông, chiếc bóng lẻ loi trong những đêm trăng, trên mặt hồ phẳng lặng, trong chiếc gương soi. Thanh cũng có tâm trạng như ông. Trong giận hờn và xa vắng, cô như đẹp hẳn lên. Đôi mắt đen láy đã có một thoáng lo buồn, đôi má hửng hồng thêm và đôi tay hay lam hay làm đã có lúc nhàn rỗi. Cũng như ông, cô đang bồn chồn chờ đợi… nhưng cô vẫn thường soi gương ngắm mình và thân thể. Hình như có ai đã một lần nói với cô: sự chờ đợi sẽ làm cho tình yêu đẹp hơn, rằng đôi mắt là cửa sổ tâm hồn… Bao giờ thì anh ấy sẽ đọc thấy ý nghĩ đó trong mắt mình? Vào lúc cô đang nghĩ như thế thì có người đàn bà lạ đến tìm hai cha con cô. Người đàn bà trùm đầu bằng mảnh nylông màu nâu đậm, hai chéo buộc rút lại trước ngực để lộ búi tóc thật to, mặc áo dài xanh đậm hơi rộng so với thân hình của bà. Ông Ngự ngó chăm chăm người đàn bà xa lạ bỗng mừng rỡ, la lên:

- Trời! Chị Chín.

Người đàn bà tên Chín ấy mới cười chúm chím:

- Còn nhớ tui sao? Coi vậy mà còn khá. Tưởng anh Ngự cũng đã quên rồi. Tui đi họp, tiện đường ghé thăm anh và cháu.

- Nếu có quên, thì cũng phải thôi, chị Chín. Sau chiến tranh ai mà còn nhớ người cũ chi cho cực lòng?

- Coi bộ anh đang có tâm sự phải không?

Ông Ngự nói lẫy như vậy rồi cảm thấy xốn xang, không trả lời câu hỏi của chị Chín. Từ ngày giải phóng đến nay, ông đã nghe khá nhiều người quen thân phàn nàn với ông bằng cái giọng kín đáo, nhẹ nhàng mà cay độc, làm cho người nghe nghĩ tới một sự bội bạc nào đó, dù không phải của mình nhưng cũng cảm thấy có phần trách nhiệm. Chị Chín đến trước bàn thờ của vợ ông, đốt một nén hương, thầm thì khấn khứa với người đã mất. Chị nhìn Thanh với ánh mắt yêu quí và xúc động.

- Con nhỏ này chắc cũng quên luôn dì rồi.

 Thanh mau mắn ôm lấy chị Chín, cảm động.

- Con mà quên dì sao được. Có điều dì bữa nay diện quá trời, con mới gặp lại không kịp nhận ra đó thôi.

- Giỏi, con nhỏ này còn mau miệng hơn cả mẹ nữa. Chắc cũng sắp cho dì ăn trầu rồi.

Chị Chín người miền biển cùng quê với vợ ông. Có một giai đoạn trước ngày ký kết hiệp định Pa-ri, mấy làng nổi vùng ven đều bị dịch dồn dân. Những ngày gay go ác liệt ấy, bà Ngự đã nuôi dấu chị Chín trong một chiếc đò lớn có hai đáy. Đến lúc địch phát hiện ra chỗ ẩn núp kín đáo ấy thì chị Chín đã rút lên khu rồi. Bọn địch đánh đập vợ chồng ông Ngự chết đi sống lại mấy lần. Vợ ông bị trụy thai rồi chết sau đó mấy hôm, còn ông thì bị giam cầm hai năm trời. Cho nên gặp lại chị Chín ở vùng đất mới này vào lúc gia đình ông đang trải qua những ngày nặng nề và thất vọng thì câu chuyện của ông có chút tâm sự bùi ngùi. Hai người đã hỏi nhau qua gia đình, con cái, sinh kế, tình hình địa phương, mùa màng, xe cộ đi đường… Rồi đến những người cùng hoạt động cơ sở hồi ấy, ai còn, ai mất… Ngồi nói chuyện với chị Chín, ông ngần ngại sợ hãi những chuyện không nên hỏi có khi lại vô tình gợi trúng chỗ thương tâm của chị mà không hỏi đến lại sợ chị cho là vô tâm… chị Chín cũng có tâm trạng và suy nghĩ như ông. Chị đang công tác phụ nữ trên tỉnh. Mộ của chồng chị, anh Tư Nghĩa một chiến sĩ đặc công đã hy sinh trong đợt tiến công nổi dậy năm Mậu Thân, đã được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh. Đứa con trai duy nhất của chị đang theo học tại trường Đại học Nông nghiệp 4. Lúc chị ngừng kể, vết thẹo trên má lún xuống, năm tháng vẫn không xóa mất cái duyên ngầm của chị. Ông Ngự rơm rớm nước mắt:

- Chị Chín, nói chị đừng buồn nghe. Tôi tuy chưa nói ra nhưng lúc nào cũng nhớ nằm lòng. Trong chiến tranh, ai đổ máu nhiều? Rồi bây giờ xây dựng đất nước ai đổ mồ hôi hở chị?

- Chuyện cũ ngày ấy nó vẫn nhắc mình nhớ tới trách nhiệm đó anh! Anh tính coi sự vô tâm ngoảnh mặt nó làm cho mình giận lắm chứ. Nhưng cũng có cái đáng cho bà con mình gặp lại nhau chớ, tội gì mà quay mặt lại với cuộc sống này.

Mấy tiếng sau cùng chị nói bằng một giọng hơi khác lạ. Chị Chín nghe khóe mắt cay cay. Hai người ngồi im lặng một lát.

- Nhưng anh đang giận ai vậy?

- Giận đời mà chị. Tôi đang nản, muốn rút chân ra khỏi tập đoàn đây chị.

 Thanh đang châm nước vào bình thủy nghe cha nói vậy, hỏi lại giọng nhỏ nhẹ:

- Cha định rút ra khỏi tập đoàn thiệt sao?

- Ừ, cha bây giờ cũng như số phận cái máy bơm nước ấy thôi. Không cần phải suy nghĩ nữa.

 Thanh cầm bình nước mà tay run run. Tưởng lúc trước vì giận lẫy mà ông nói vậy cho đã nư, không ngờ ông đã quyết. Cô muốn kể lại cho ông nghe về vườn rau của tập đoàn, về những chuyển biến mới từ khi có chủ trương khoán sản phẩm đến từng hộ, từng người nhưng cô không nói được. Cô sợ ông Ngự sẽ nổi giận lên. Cô chỉ biết đưa mắt nhìn chị Chín cầu cứu. Chị cười:

- Vậy chứ anh Ngự chưa đến thăm các tập đoàn sản xuất tiên tiến trong tỉnh? Vừa làm vừa học mà đòi đúng, đòi hay ngay sao được. Chớ cái hồi thằng địch bình định đặc biệt rồi bình định cấp tốc, xóa làng xóa xóm, anh cứ một tấc không đi một ly không rời. Còn bây giờ chỉ vì giận đời mà anh làm vậy là không được đâu. Chuyện cũ nó vẫn nhắc mình nhớ tới trách nhiệm mà anh.

- Gần hai tháng nay, tôi chẳng thèm ngó ngàng tới nữa.

- Vì giận đời mà anh làm vậy là không được đâu? Chấp chi lớp trẻ.

- Tôi đâu có muốn kể lể này nọ. Chuyện đời nhắc chừng ấy đủ rồi. Vâng tôi cũng nghĩ, nghĩ gì thì gì chuyện nghĩa tình cách mạng thường nhắc cho mình trách nhiệm. Nhưng còn chuyện của những người đang sống…

Ông Ngự chép miệng rồi bỏ lững câu nói.

Chừng như trời đã chiều. Từ dưới vườn rau cải của tập đoàn vọng lên tiếng người cười nói, gọi nhau ơi ới đi gánh nước tưới rau. Chị Chín ở lại một buổi. Thanh dẫn chị đi thăm vườn rau của tập đoàn.

Sau khi chị đi rồi, ông Ngự lại ngồi trước hiên nhà, cứ chiều chiều nhìn lên những đỉnh núi xanh mờ, cái trạm bơm tráng chỉ còn là một khối lờ nhờ. Thanh thương cha hơn. Ông Ngự đã tự khoét sâu vết thương trên thân thể mình khi đó vừa kéo lớp da non. Cô nghĩ vết thương rồi cũng lành, sẽ có lúc cha nghĩ tới chuyện những người đang sống trong đó có chuyện của mình. Bỗng nhiên, trên khóe mắt sâu thẳm, hai dòng nước mắt ứa ra. Cô khóc vì mong ước giản dị ấy.

***

Trăng non đầu tháng nhàn nhạt. Từng mái nhà cũng như ẩm đục trong màu trăng đó. Gió từng chặp chạy rùng rùng trên mái tôn, ầm ào qua các tảng lá rậm. Ông Ngự không ngủ được với những đêm như thế. Cảm giác lạnh lẽo đang xâm chiếm người ông. Giữa khuya, ông nằm nghe những giọt sương rơi trên tàu lá chuối. Càng gần sáng, cái mùi sương ngai ngái, lạnh giá lan dần và tỏa khắp. Ông ngồi dậy. Nghe ngóng. Đúng là sương muối rồi. Ông vội quay lại gọi con gái và với một giọng khẩn khoản: Đi mà báo cho thằng Thu, thằng Việt ngay! Sương muối đổ xuống đầy trời rồi. Đi ngay thôi không kịp!

Ông quàng trên vai đôi thùng gánh nước, lần đầu còn bước, về sau thì ông chạy đến bên cái trạm bơm. Ông loay hoay lắp lại con heo dầu vô đầu xăng và khởi động máy. Máy để lâu ngày không chịu nổ ngay. Ông cặm cụi chữa máy, lau chùi máy. Sương muối rơi đầy trời. Phút chốc trên vườn đồi của tập đoàn, tiếng người gọi nhau, tiếng thùng gánh nước va nhau rồi tiếng nổ của máy bơm nước ì ầm tạo thành một âm thanh hỗn loạn. Những ngọn đèn đủ loại chập chờn. Rồi những tia nước bắn tung tóe, đan vào nhau. Bà con tập đoàn đang cố tưới rau cải rửa sạch những giọt sương muối trước khi mặt trời mọc. Ông Ngự, anh Việt, ông Thu, Thanh … đang cùng với bà con tưới sạch sương muối trên những luống rau xanh, bóng họ lờ mờ trong màn sương và ánh đèn chập chờn.

Trời sáng dần, mọi người có thể nhìn rõ được nhau. Tiếng máy Yama nổ ì ầm. Chính vào lúc ấy, ông Ngự quay vội về nhà, lấy cái xắc áo quần và các thứ cần thiết khác, lặng lẽ rời khỏi vùng quê mới. Ông dự định trở lại với cái làng nổi ngoài Trung một thời gian rồi hãy tính lại sau. Ông cũng không muốn phải chia tay với con gái. Ông cắm cúi đi dưới trời rựng sáng rơi đầy sương muối. Ông tới bên một hồ nước. Những tia nắng đầu tiên của một ngày xòe ra như những cánh quạt màu đỏ hồng. Ông cúi xuống vốc từng ngụm nước rửa mặt và tóc tai, lát sau ông nhúng luôn cả đầu xuống mặt hồ. Và khi ông ngẩng lên, nước rẽ thành từng dòng, xao động một lát rồi yên lặng trở lại. Bất chợt, ông thoáng thấy khuôn mặt của ông, cả bóng người ông vật vờ và xao động. Ông giật mình nhìn quanh và thẩn thờ… trời sáng hẳn. Ông biết sẽ không bao giờ ông có thể chạy trốn khỏi chiếc bóng của mình. Ông đi trở lại con đường dẫn tới vườn rau của tập đoàn nơi sương muối đang rơi đầy trời.

5-1984
T.H.L.
(13/6-85)






Các bài mới
Một vụ án (18/03/2011)
Các bài đã đăng