Thứ nhất là những người viết xuất thân từ giai cấp vô sản, đến với sự nghiệp văn học bằng tất cả vốn kinh nghiệm sống và đấu tranh giai cấp của mình; bề bộn những điều muốn nói và sôi sục ý nguyện đấu tranh cải tạo xã hội. Họ sẽ đưa vào văn thơ chất liệu mới của đời sống - tình cảnh nghèo khổ của giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động, không phải với cái nhìn từ ngoài vào, hay từ trên xuống cái nhìn quen thuộc của chủ nghĩa tự nhiên (naturalisme), đang là khuynh hướng chi phối đời sống văn học tư sản từ nửa sau thế kỷ XIX, khi giai cấp vô sản đã bước lên vũ đài chính trị. Nguồn thứ hai là những trí thức, nghệ sĩ đến từ nhiều tầng lớp khác, do sự mệt mỏi, hoặc bất mãn với cuộc sống trong xã hội tư sản, đầy những bất công, phi lý, và không lối thoát nên đành tìm chỗ “trốn” trong nghệ thuật, làm những cuộc “nổi loạn” trong nghệ thuật để thay cho “cách mạng” trong cuộc đời, bằng các thứ isme - chủ nghĩa. Những người này, chiếm số đông mỗi người có một con đường riêng, không ai không trải qua những dằn vặt bên trong, một quá trình tin tưởng rồi hoài nghi, khẳng định rồi phủ định, đôi lúc quá đà, cho đến khi hòa nhập được vào trào lưu văn học mới rồi mà dấu vết của những đấu tranh dằn vặt ấy vẫn còn tiếp diễn. Trở lại tình hình văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ này. Tuy vẫn nằm trong bối cảnh chung của văn học vô sản - cách mạng, nhưng sự hình thành lực lượng viết lại có những nét đặc thù, do hoàn cảnh xã hội thuộc địa - phong kiến tạo nên. Đó là tình trạng nặng nề của sự bóc lột, và đè nén dưới nhiều tầng áp bức, khiến cho quá trình bần cùng hóa, và kiệt quệ về mặt tinh thần diễn ra không trừ ai, kể cả đại bộ phận những người được gọi là trí thức, nhà văn. Đó chính là lý do gắn bó người viết với cách mạng, thúc đẩy tất cả đội ngũ đi vào cách mạng; và thấy ở cách mạng tháng Tám con đường giải phóng cho cuộc sống và nghệ thuật. *** Nhưng nếu quá trình gắn bó với nhân dân, cùng chung một cảnh ngộ với nhân dân đã không đặt ra cho đội ngũ người viết chúng ta một sự đấu tranh dằn vặt nào đấy theo dạng phải chọn lựa giữa một bên là Cách mạng và bên kia là Tổ quốc, như của nhân vật Con đường đau khổ, và cũng là của chính tác giả A-léc-xây Tôn-xtôi, để sau này ông phải trả giá bằng nhiều năm lưu vong, và nhiều bạn bè cùng thế hệ ông như Bu-nhin, Cu-prin, Rê-pin… không còn trở về; hoặc không tránh khỏi những dao động nhất định như Blốc, Briu-xốp, và cả Cô-rô-len-khô… thì yêu cầu mô tả đời sống nhân dân một cách sâu sắc, yêu cầu triệt để đứng về phía người lao động cũng đã đặt ra cho người viết của chúng ta không ít bâng khuâng. Nỗi đau “lột vỏ”, sự lúng túng “nhận đường” không hẳn là điển hình, nhưng cũng là tâm trạng có ít hoặc nhiều ở một số người. Khoảng cách với đời sống nhân dân ở không ít nhà văn, do từ thành thị chuyển về nông thôn, từ chỗ đứng của người trí thức tiểu tư sản chuyển sang lập trường của công nhân, nông dân, cán bộ, bộ đội cũng là một thực tế ít nhiều “đau khổ” mà phương hướng giải quyết dần dần sẽ được đặt ra là “cách mạng hóa tư tưởng, quần chúng hóa sinh hoạt”. Từ phong trào “văn nghệ sĩ đầu quân” những năm 1949 - 1950, rồi tiếp đó, các đợt thâm nhập đời sống nhân dân trong các cao trào cách mạng, mà có lúc ta quen gọi là “đi thực tế” quả là giải pháp hiệu nghiệm để rút ngắn khoảng cách giữa đời sống và sáng tác, giữa người viết và công chúng. Thực tiễn chiến đấu của dân tộc trên bốn mươi năm qua quả là trường học tạo nên kiểu mẫu người viết mới: Nhà văn chiến sĩ, nhà văn - người tham gia tích cực vào tiến trình cách mạng, như mong mỏi của Bác Hồ Kính yêu. *** Nhưng từ nhà văn chiến sĩ đến sự xuất hiện một đội ngũ chiến sĩ viết văn, rồi một đội ngũ công nhân và những người lao động viết văn, đó là một quá trình tiếp tục, phát triển cao hơn trên con đường chúng ta tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng, với yêu cầu xây dựng nền văn hoá mới và con người mới như một mục tiêu quan trọng. Đó cũng là con đường phát triển của đội ngũ viết nhằm tiến sát và nắm chắc hơn chân dung nhân vật và bộ mặt tinh thần của thời đại. Không phải chỉ có Trần Đăng, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi…, viết về người lính và chiến tranh, mà rồi sẽ có Nguyễn Khải, Hồ Phương, Nguyên Ngọc, Hữu Mai… Nhưng ngay cả mấy tên tuổi chủ lực này rồi cũng sẽ không thay thế được những Lê Lựu, Đỗ Chu, Phạm Tiến Duật, Triệu Bôn, Chu Lai, Nguyễn Trí Huân, Khuất Quang Thụy, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo… cũng vậy, không phải chỉ có Ngô Tất Tố, Nam Cao, Kim Lân, Bùi Hiển… mà rồi sẽ có Chu Văn, Nguyễn Địch Dũng, Nguyễn Kiên, Vũ Thị Thường, Nguyễn Thị Ngọc Tú… viết về nông thôn. Không phải chỉ có Võ Huy Tâm, Huy Phương, Lê Minh, Xuân Cang, Lê Phương… mà rồi sẽ có Nguyễn Quang Thân, Tô Ngọc Hiến, Nhật Tuấn, Nguyễn Khắc Phê, Tô Hải Vân, Nguyên Bình, Tùng Điển, Hoàng Văn Lương, Thanh Tùng, Đào Cảng… viết về công nhân và những vấn đề của cách mạng khoa học kỹ thuật. Đó chính là bằng chứng của sự hòa nhập hoàn toàn nhiều con đường quanh co, dài ngắn khác nhau vô cùng một dòng chung của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, trên phương hướng “cách mạng hóa…” và “quần chúng hóa…”
Sự hình thành một đội ngũ người viết với phẩm chất cách mạng, và hướng tới một mục tiêu chung, phục vụ cách mạng, đó là dấu ấn mới mẻ của thời đại… Quá trình này rồi sẽ đem lại nhiều biến đổi mới mẻ trong sự phát triển của văn học. Từ những trang viết như là kết quả của quan sát, ghi chép đến những trang viết của người trong cuộc. Cố nhiên không phải đơn giản cứ là người trong cuộc thì viết tốt hơn. Để viết tốt, còn cần nhiều yếu tố khác nữa. Nhưng cũng rõ ràng: khi người trong cuộc có khả năng tự viết lấy chính cuộc đời mình hoặc những người quen thuộc với mình, và nhất là khi người viết, do sự đào luyện trong các môi trường sống và nghề nghiệp - nghề chuyên môn, với tư cách người sản xuất; và nghề chuyên môn, với tư cách người viết văn, thì sức mạnh bên trong này trở nên rất lợi hại. Sẽ không còn nỗi vất vả của những chuyện “hóa thân”, hoặc “lột xác” khi việc diễn đạt đời sống chiến đấu, lao động trên các vị trí nghề nghiệp - vốn là chất liệu chính của nền văn học mới chúng ta - ở mỗi người viết như là sự soi gương chính khuôn mặt mình. Đó chính là con đường ngắn nhất để nắm bắt gương mặt thật của con người thời đại. Có thể xem đây là một trong những thành tựu quan trọng của văn học cách mạng - điều mà nhiều bậc thầy của cách mạng vô sản và văn hoá vô sản trước đây từng mơ ước: để cho những chủ nhân chính của cuộc sống tự viết lấy lịch sử của chính đời mình. *** Tình hình mới của sự nghiệp cách mạng hôm nay đang đặt ra cho văn học những mục tiêu phấn đấu mới, trong đó, việc xây dựng đội ngũ người viết đòi hỏi quán triệt sâu hơn hai yêu cầu cách mạng và khoa học như Đảng đã chỉ dẫn; và nếu quan niệm đây là cả một quá trình, nên chăng có thể nói đến hai yêu cầu cách mạng hóa và khoa học hóa. Thực ra, không phải đến thời đại cách mạng vô sản, mà từ nhiều thế kỷ trước, ngay khi xuất hiện như một lực lượng chính trị độc lập, giai cấp tư sản đã có chủ trương chính trị hóa và khoa học hóa ý thức quần chúng trong một phạm vi và mức độ nhất định. Vì, với tư cách là đẳng cấp thứ ba, giai cấp tư sản có nhu cầu lôi cuốn quần chúng vào trường đấu tranh chính trị. Và, vì tồn tại trên sự cạnh tranh, trên nhu cầu cải tiến và phát triển sản xuất, giai cấp tư sản cần phải đưa lại một năng suất cao hơn, dựa trên lao động của đội quân làm thuê - đội quân này cũng cần được trang bị một cái vốn văn hoá và kỹ thuật nhất định. Những đại diện đầu tiên của nền văn hoá tư sản - những nhà nhân văn thời Phục Hưng, hay những người muốn soi sáng đầu óc nhân loại ở thế kỷ XVIII đều là những đại diện có ý thức về sự gắn bó giữa hai mặt đó. Cũng cần phải thấy tư cách chiến sĩ - tư cách người cách mạng ở nhà văn không chỉ là sản phẩm riêng của thời đại cách mạng vô sản. Tư cách đó, đã có, và đạt được sự kết tinh nơi không ít nhân vật kiệt xuất của nhiều nền văn hoá dân tộc. Tư cách đó, từ lâu cũng đã xuất hiện ở những bậc tiền bối của nền văn hoá tư sản. Trước khi là nhà văn, họ đã là nhà văn hoá, nhà khoa học, nhà tư tưởng; và với sự huy động tất cả vốn liếng này, họ đã tham gia cải tạo cuộc sống, với tư cách nhà cách mạng. Khỏi phải nhắc lại những lời Ăng-ghen ca ngợi các chiến sĩ văn hoá thời Phục Hưng, như là những “con người khổng lồ”. Đến lượt mình, những nhà Khai sáng thế kỷ XVIII cũng đã tiếp tục, và nâng cao hơn cuộc chiến đấu chống chế độ phong kiến, thẩm quyền và giáo hội. Bộ bách khoa toàn thư do Điđơrô chủ biên, phải mấy chục năm mới hoàn thành, có đến 1.259 mục, bao quát mọi tri thức đương thời về khoa học tự nhiên và xã hội, chính là ánh sáng xua vào bóng đêm ngư dân. Trung cổ và Điđơrô vĩ đại, cùng nhiều đồng chí của ông, với tư cách nhà văn, cũng đã giáng những đòn công phá dữ dội vào thành trì của thần quyền và thế quyền, dẫu những cuốn tiểu thuyết lớn của ông như Nữ tu sĩ, Giắc tín đồ định mệnh, Người cháu họ Ra mô phải nhiều chục năm sau khi tác giả chết mới được phép ra đời, và trong số đó, có những quyển, bản in đầu tiên, oái oăm thay, lại được chuyển dịch ngược lại từ một thứ tiếng nước ngoài. Nhưng chính vì vậy, càng khẳng định tư cách chiến sĩ của họ. Văn học vô sản tiếp tục tinh thần chiến đấu ấy, với yêu cầu cách mạng và khoa học hóa triệt để hơn, sâu sắc hơn. Cách mạng ấy là sự tiếp tục kiên định lập trường giai cấp công nhân. Yêu cầu kiên định này được đặt ra gay gắt là do hình thể mới của cách mạng: trước hết, để giải quyết triệt để vấn đề địch - ta; nhưng sau vấn đề địch - ta, khi bắt tay vào sự nghiệp xây dựng, còn phải giải quyết nhiều mối quan hệ mới khác giữa con người với tập thể, với đồng đội; giữa con người với chính mình; giữa con người với thiên nhiên đất đai, môi trường sinh hoạt và lao động của mình. Con người phải biết điều chỉnh và làm chủ các mối quan hệ ấy trên nguyên tắc sống mới, sao cho phù hợp với yêu cầu của công cuộc cải tạo xã hội cũ và xây dựng một cuộc sống mới, một sự nghiệp lớn chỉ có giai cấp công nhân mới có đủ tư cách để thực hiện. Một đời sống không chỉ còn chuyện sống - chết, mà còn là chuyện tốt - xấu, sướng - khổ, mới - cũ; không chỉ có chuyện đấu tranh giai cấp, mà còn là xóa bỏ sự khác nhau giữa các giai cấp. Xã hội vẫn tiếp tục nẩy sinh các mâu thuẫn, và thông qua giải quyết các mâu thuẫn để tiến lên, theo con đường cái mới thắng cái cũ. Nhưng đừng tưởng cuộc đấu tranh đó đã hết gay go, và không còn gây ra bi kịch, khi sự đối kháng, xung đột lắm lúc không chỉ giữa tốt xấu, mà còn là giữa những người tốt, khi cái mới không phải lúc nào cũng dễ dàng được ủng hộ, chấp nhận, thậm chí lắm khi còn bị thất bại. Người viết trong cuộc chiến đấu mới này dứt khoát phải kiên trì thế đứng của người lính, với ý chí chiến công và trên lập trường cách mạng triệt để. Đồng thời, việc xác định yêu cầu cách mạng, trên tinh thần kiên định lập trường giai cấp công nhân, đã là chủ nhân của một sự nghiệp lớn này, không thể tách rời yêu cầu khoa học. Để chống với các thói quen có tính chất kinh nghiệm chủ nghĩa, hoặc xét nghề nghiệp như một bản năng, một thứ thiên bẩm, dẫu tài năng rất cần được coi trọng. Nói cách khác đó là yêu cầu nắm vững các quy luật khách quan của đời sống và của bản thân nghệ thuật, trên quan điểm Mác Lê-nin; là sự làm chủ đối tượng mô tả và các yêu cầu nghề nghiệp; sự nâng cao không ngừng những kỹ năng chuyên môn… Đối với nhà văn, yêu cầu về vốn sống, yêu cầu sống sâu sắc cuộc đời quần chúng bao giờ cũng vẫn là yêu cầu hàng đầu. Nhưng khác với trước đây, khi còn phải chiến đấu để giành chính quyền, giai cấp vô sản buộc phải sống trong tối tăm, nghèo cực; ngày nay trong cách mạng xã hội chủ nghĩa quần chúng lao động là một cộng đồng đang trong quá trình vận động, phát triển, vươn cao không ngừng mọi tiềm năng vốn có của mình. Một quần chúng như vậy có đủ tầm vóc để hiểu biết, để hưởng thụ và sáng tạo. Chính do sự đổi mới của công chúng như vậy, nên vốn trang bị của nhà văn nhất định phải được mở rộng ra khỏi các giới hạn chật hẹp hoặc quen thuộc cũ. Ngoài các kinh nghiệm hoặc ấn tượng cụ thể, người viết thâu nhận được trong tiếp xúc trực tiếp với cuộc đời, vốn sống của người viết cũng cần được bù đắp và mở mang thêm bằng cái vốn văn hoá chung, tức là cái vốn gián tiếp thu thập được qua sách vở, qua tri thức của những người đồng thời hoặc đi trước mình. Khi xã hội đang khẩn trương đi vào cái quá trình chuyên môn hóa, và mặt khác, sự hợp tác hóa cũng càng mở rộng; khi cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đang tác động sâu sắc đến nhiều phạm vi sinh hoạt vật chất và tinh thần của xã hội, thì đòi hỏi hiểu biết, thâm nhập vào nhiều môi trường, nhiều ngành nghề, nhiều lớp người khác nhau càng đặt ra gay gắt đối với nhà văn. Mỗi người viết cần có ý thức và biết cách mở rộng, và nhân gấp lên các khả năng vốn có giới hạn ở mình, bằng chính kinh nghiệm và sự tích lũy của nhiều người. Muốn vậy, cùng với cái vốn thu được tự nhiên trong các quá trình tiếp xúc, trong môi trường công tác và sinh hoạt, trong các hoạt động xã hội, hẳn người viết không thể một lúc nào ngừng học, đọc, suy nghĩ, để nâng lên tầm của một nhà văn hoá, nhà tư tưởng, vốn đang là một yêu cầu đặt ra và ngày càng khẩn thiết, trước công chúng hôm nay. *** Bản lĩnh nghề nghiệp được hiểu như một thói quen, một khả năng tự nhiên, hoặc một ít kinh nghiệm bước đầu, hoặc bất cứ một sự tình cờ nào khác sẽ không còn đủ nữa cho nhà văn vươn lên những trình độ cao. Nghề văn như mọi nghề, và có khác mọi nghề. Khái niệm nhà văn hẳn không phải để chỉ một nghề nhằm “kiếm sống”, trang trải công nợ, hoặc để làm giàu, theo kiểu một người sản xuất hàng hóa trong xã hội tư bản. Nhà văn cũng cần “chuyên môn hóa”, nhưng lại cũng cần phải biết nhiều nghề, hoặc biết cách thâm nhập vào nhiều ngành nghề trong xã hội. Trong sự nghiệp xây dựng hôm nay, mỗi công dân qua vị trí nghề nghiệp của mình, cần có sự phấn đấu cao nhất để trở nên có ích, để trở thành “chuyên gia”. Và nhà văn phải là người trong giới hạn một cuộc đời ngắn ngủi của mình, biết sống nhiều cuộc đời khác; từ đó rút ra được những vấn đề thực sự có ý nghĩa chung cho đời sống tinh thần, đạo đức của con người. Bằng cách nào đó để nhân và nhân lên thật nhanh cái vốn vừa cơ bản, vừa chuyên sâu đó, chính là bí quyết để cho mỗi người viết có thể trở thành nhà văn hay không, hơn nữa nhà văn thực sự có bản lĩnh. *** Tôi muốn trở lại sự nhận thức về giai đoạn cách mạng hiện nay của chúng ta, ở chặng đường đầu tiên trong thời kỳ quá độ, được mở ra từ sau 1975, và tiếp tục được soi rọi hơn, dưới ánh sáng các Nghị quyết của đại hội IV và đại hội V, như một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Một giai đoạn mà nhiệm vụ lịch sử đặt ra rất mực cấp bách là giải phóng triệt để quần chúng lao động ra khỏi mọi kìm kẹp xã hội, và ra khỏi sự nghèo khổ lưu niên dai dẳng trong lịch sử. Một giai đoạn mà mục tiêu cao nhất - tuy con đường dẫn tới còn xa - nhưng buộc phải tính đến từ hôm nay, là tạo được những cơ sở vững chắc cho sự phát triển hài hòa mọi tiềm năng vốn có ở con người, cho sự hình thành các nhân cách xã hội chủ nghĩa. Giai đoạn đó đánh dấu thực sự một bước ngoặt trong đời sống dân tộc; và do vậy, đòi hỏi người viết những tầm cao mới, trong tình cảm và trí tuệ, trong suy nghĩ và hành động - những người thực sự mang bản lĩnh cách mạng và khoa học, trên vị trí chiến đấu của mình. 1-1985 P.L (14/8-85) |