Tạp chí Sông Hương - Số 14 (T.8-1985)
Những ngày cuối cùng của vua Hàm Nghi
10:51 | 22/04/2011
L.T.S: Ông Nguyễn Hải Âu quê ở Hà Nam Ninh. Năm 1941 ông đi lính bị đưa sang Pháp rồi sang Alger. Ở Pháp và Alger ông tham gia lãnh đạo phong trào phản chiến nên bị đưa sang Calcutta, không cho hồi hương.
Những ngày cuối cùng của vua Hàm Nghi
Di ảnh vua Hàm Nghi do cụ Ưng Thi giao cho Nguyễn Đắc Xuân lưu giữ - Ảnh: honvietquochoc.com.vn
Năm 1945 ông được tiếp kiến Hồ Chủ tịch và Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhân chuyến Bác và Thủ tướng đi dự hội nghị Fontainbleau trở về ghé Calcutta. Sau đó ông được can thiệp cho hồi hương. Trở về nước ông tham gia kháng chiến ở liên khu 7, rồi liên khu 3 và chiến dịch Điện Biên, làm công tác binh vận. Năm 1954 ông chuyển ngành và năm 1975 ông nghỉ hưu. Thời ở Alger ông thường lui tới thăm vua Hàm Nghi và trở thành một người thân tính nhất của nhà vua. Khi nhà vua mất ông là người chủ trì tang lễ. Những trang hồi ký chúng tôi giới thiệu dưới đây ghi lại ngày đó.



Chỉ còn tiếng thông reo vi vút, nức nở trên từng con đường da diết xót thương một cuộc đời dằng dặc căm thù uất hận đó dài bằng sáu mươi năm biệt xứ.

Biệt thự Gia Long, nơi cụ ở được xây dựng trên khu đồi El-Biar mênh mông, vượt qua hàng trăm quả đồi thấp bé khác, chiếm lĩnh đỉnh cao chót vót cách thành phố Alger mười hai cây số. Trên quả đồi trùng điệp, những hàng thông, cũng như cây cổ thụ, những cành trĩu quả rải ra từng từng lớp lớp. Trong khu vườn nhỏ, có rất nhiều hoa, quanh ngôi đền trang trí Long, Lân, Qui, Phượng, có cầu qua suối róc rách đêm ngày. Xa xa cửa biển Alger lờ mờ xanh trắng lọt thỏm xuống tưởng chừng thăm thẳm vô tận. Chân trời mờ mịt như bức thành kiên cố, đã từ bao giờ, có lẽ từ đời đời kiếp kiếp vững chãi chặn đứng những lớp sóng hung hãn.

Mặt trời mọc ở phía ấy. Nấm mồ hướng về phía ấy. Phía ấy có Tổ quốc Việt Nam, có mảnh đất thân thương còn quằn quại dưới gót xâm lăng của bọn giặc Pháp Nhật. Phía ấy là khát vọng, là nỗi đau xót triền miên trên sáu mươi năm day dứt của người vừa nằm xuống.

Hương đã tàn từ lúc nào trên nấm mộ, mọi người ra về từ lúc nào, chỉ còn tôi đứng đó trước nấm mộ của người, vừa là bạn tâm tình, vừa là ông, là cha: cụ Hàm Nghi, một khuôn mặt yêu nước, bất khuất kiên cường đã từ giã cuộc đời uất hận. Ngày ấy, 24 tháng 12 năm 1943. Cụ thọ 74 tuổi.

Tôi vẫn đứng đấy, đầu óc lúc loãng ra khi đặc lại, mờ mờ ảo ảo, bâng khuâng nhớ đến giọng nói trầm trầm, nụ cười hiếm hoi mà khắc nghiệt, nhớ đến những buổi hai ông cháu tha thẩn trong vườn lo lắng bàn bạc đến số phận và tương lai đất nước.

Tôi vẫn đứng đấy, tâm hồn phiêu diêu cùng cụ bay về những cánh đồng vàng ối hay xanh rờn, về núi Ngự sông Hương, về Hà Nội thân thương có hồ Hoàn Kiếm, có giải sông Hồng đỏ lòm máu giặc thuở nào.

Quê hương ơi! Chỉ có quê hương ta mới có những mái nhà tranh cổ sơ ấm cúng thơm thơm mùi trấu dấm theo dòng khói từ mái bếp tuôn lên.

Hỡi những chiếc cổng tre xiêu xiêu chờ đón những đứa con tha phương! Hỡi những chiếc cầu những con thuyền nằm phơi bến cũ! Ôi! Hết thảy, hết thảy quý giá vô cùng. Hết thảy gợi lên nỗi nhớ nhung quê hương da diết. Biết bao giờ mới được thấy lại mùi mồ hôi chua chua tỏa ra từ những chiếc áo nâu sồng? Hay mùi phân trâu hăng hắc sau trận mưa giông?

Bỗng bà Hàm Nghi và Minh Đức, con trai bà đến dẫn tôi lên nhà cách đó vài trăm thước. Chúng tôi lặng lẽ đi.

Đám tang cụ Hàm Nghi tổ chức theo nghi lễ và tập quán Việt Nam. Cụ mặc áo gấm vàng, chít khăn đỏ. Vải vóc này lấy ra từ trong những chiếc hòm vuông sơn son thếp vàng từ thời xưa. Vải có đủ loại: gấm, vóc, đoạn, the v.v… cuộn tròn từng cây có ghi tên người tặng: Trần Văn Thống, Trần Tấn Bình, Bùi Quang Chiêu v.v… nhưng không bao giờ dùng đến.

Ban đầu, việc chôn cất có bất đồng ý kiến. Bà Hàm Nghi muốn đưa ra nghĩa trang, tôi đề nghị chôn cất trong vườn gần lâu đài cho tiện việc thăm viếng. Hơn nữa, đưa ra nghĩa trang thì thế nào cũng có một thập tự giá đè lên nương hồn cụ! Bà hiểu ra, đã mau chóng nhượng bộ.

Đi đưa đám có đại diện của Chính phủ Pháp và một số ít bạn bè hầu hết là những nhà quý tộc lưu vong; những ông hoàng bà chúa Nga, Hà Lan, Anh, Pháp v.v… và rất đông người Việt. Một trung đoàn lính Việt đóng cách đó mười cây số bất chấp kỷ luật tự động nghỉ, kéo đến dự lễ tang. Bọn sĩ quan Pháp đành làm ngơ, còn ve vãn chia buồn. Chúng rất sợ tinh thần đoàn kết của người Việt. Ở một vài đơn vị tại Pháp, Madagascar, Alger đã xảy ra vụ đánh trói chỉ huy, vụ chiếm lĩnh một doanh trại tại Pháp, kéo cờ xanh sao đỏ hàng tuần và mấy vụ mổ bụng những người cam tâm làm tay sai cho Pháp, lấy gan tế cờ.

***

Sinh năm 1872 tên húy là Ưng Lịch, vua Hàm Nghi lên ngôi ngày 10-6 năm Giáp Thân (31-7-1884) vào lúc trong nước rối ren, quân Pháp luôn luôn tìm cách gây hấn! Trung tướng De Courcy được đưa sang làm Tổng trấn Trung Bắc kỳ quân vụ kiêm toàn quyền, là một tên hống hách ngang ngược làm cho triều đình và nhân dân ta vô cùng căm phẫn. Ngày 4-7, quân ta xông vào đồn Mang Cá đốt phá. Ông Tôn Thất Thuyết và Tôn Thất Liệt chia làm hai cánh phối hợp hành động, bắn đại bác sang sứ quán, nơi De Courcy và bè lũ đang tiệc tùng vui thú.

Phản ứng lại, quân Pháp đánh chiếm kinh thành. Ông Thuyết đưa vua và Tam cung (Bà Hoàng Thái Hậu Từ Dũ mẹ vua Tự Đức, bà Hoàng Thái Hậu Thuận Ý vợ vua Tự Đức, bà Học Phi vợ thứ vua Tự Đức) lên tạm trú ở Khiêm Cung, rồi đưa ra cửa Chương Đức, chạy lên ngã Thiên Mụ. Đạo Ngự gồm chừng một ngàn người.

Quân Pháp cướp được tám trăm mười hai đại bác, nhiều súng tay cùng gươm giáo. Theo phái viên hãng Havas đăng trên Le Tonkin de 1872 et 1886 của Jean Dupuis: “Trong năm ngày, tôi thấy chừng năm mươi người chuyên việc xếp chồng những thỏi vàng bạc. Vàng bạc ấy sẽ gửi về Pháp cùng các thứ bảo vật khác giá trị không thể tưởng tượng được”!

Trưa ngày 6-7-1885 xa giá đến Quảng Trị rồi lên Tân Sở tính mưu khôi phục. Đức Từ Dũ đòi trở về Huế, vua đành lạy tạ Tam cung rồi lên đường.

Tân Sở là nơi Tường và Thuyết lập nên để phòng việc thiên đô. Tân Sở nằm trên đường đi Lao Bảo - Mai Lãnh cách huyện Cam Lộ mười cây số, núi non hiểm trở. Từ hai năm về trước, hàng ngàn người dân phu đến đào hầm đắp lũy xây dựng cung điện trại lính, kho tàng. Lương thực từ các tỉnh Bắc Kỳ, Cửa Việt tải đến Tân Sở để phân phát đi các nơi.

Vua ra Hịch Cần vương kêu gọi toàn quốc đánh Pháp. Hịch Cần vương truyền đi một mồi lửa ném vào đống rơm được đông đảo triều thần, thân hào nhân sĩ và nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng. Khắp nơi nô nức mộ quân, đứng lên chống giặc làm cho Pháp vô cùng lúng túng.

Suốt hai năm Bính Tuất và Đinh Hợi cho tới khi bị bắt, vua Hàm Nghi ẩn náu ở miền thượng lưu sông Gianh thuộc Tuyên Hóa (Quảng Bình) với các cận thần Tôn Thất Đạm, Tôn Thất Liệt, Lê Trực, Nguyễn Phạm Tuân v.v… và chừng ba ngàn quân.

Ngày 26 tháng 9 năm Mậu Tý, tên Nguyễn Đình Tính và tên Ngọc là hai hầu cận nhà vua ra đầu thú. Chúng vâng lệnh giặc Pháp dẫn hai mươi thủ hạ đến Tà Bao là nơi vua trú ẩn, đang đêm đột nhập. Tôn Thất Thiệp liều mình bảo vệ nhà vua đã bị chém trúng ngực chết ngay. Một đứa lách ra sau lưng ôm lấy nhà vua, đứa khác quỳ xuống đọc lá thư của đại úy Boulangier xin rước vua về kinh.

Sáng hôm sau 3-11-1888 chúng đưa nhà vua về đồn Thanh Lạng, được ít lâu chúng đưa nhà vua xuống tàu La Comète vào Sài Gòn, rồi đáp tàu Biên Hòa cập bến Alger ngày 13-1-1889. Hàng năm Nam triều trợ cấp hai mươi lăm ngàn quan, và cứ ba năm thay một người phục vụ.

Bà Blanche con viên đại tá tư lệnh Alger kể lại rằng:

“Vào một buổi chiều, tàu Biên Hòa cập bến, chờ làm thủ tục, tôi theo cha tôi ra đón ông Hoàng nhỏ bé ấy. Không hiểu sao tôi cảm thấy một nỗi buồn man mát động lòng trắc ẩn. Dưới bóng chiều chợp chờn, con tàu nhả khói phì phì dường muốn trút vơi nỗi nhọc nhằn trong cuộc hành trình. Một bóng đen nho nhỏ tựa vào lan can, đăm đăm nhìn ra phía chân trời. Người nghĩ gì? Điều chắc chắn là nỗi căm hờn người Pháp chúng tôi đang hừng hực dâng lên như những lớp sóng vô tận đuổi nhau ra khơi chẳng hay có về đến tổ quốc thiêng liêng của Người không?

Nỗi bất bình chiếm lĩnh trí óc tôi. Lòng thương vô hạn con người nhỏ bé ấy sớm bị nanh vuốt cú diều cuỗm đi xa tổ ấm, xa bầu đàn, xa những người thân càng làm tôi băn khoăn thao thức. “Ta phải sửa chữa lỗi lầm này!” Cha tôi chế nhạo tôi đến phát khóc, nhưng cũng khen tôi có trái tim vàng.

Tôi yêu cầu cha tôi đề bạt với phủ toàn quyền cho tôi được trông nom săn sóc người và đã được chấp thuận. Tôi từ bỏ ý định tiếp tục khoa luật, quanh quẩn bên con chim nhỏ bé của tôi. Buồn thay! Con chim ấy đã quên tiếng hót, âm thầm như cá chép (muet comme une carpe - ngạn ngữ Pháp) không nói năng đòi hỏi gì. Tình trạng ấy kéo dài mấy tháng, tôi xoay xở đủ cách cũng vô hiệu.

Một buổi nào đó, trăng luồn song cửa, ôi! Trăng kia mơ màng ảm đạm làm sao. Tôi ngồi trước dương cầm. Xin giới thiệu tôi là một nhạc công tồi, nhưng lúc ấy tôi cảm thấy cây đàn run run lên, dìu dặt ai oán. Nỗi buồn lướt trên phím như tiếng nức nở của con tim, khi vút lên căm hờn sôi sục. Tôi không nhớ đã chơi bản nhạc nào, điều đó không quan trọng. Đây là khúc nhạc lòng tôi, tấm lòng vị tha đầy nỗi bất bình và thương cảm.

Tiếng đàn dứt, tôi ngoảnh lại thấy người đứng sau tôi, cặp mắt long lanh. Tôi hỏi: Hoàng tử có ưa không? Người gật đầu. Có thích học đàn không? Người lại gật đầu. Tôi sung sướng, hôn người, từ đó con cá chép của tôi mở miệng. Có lẽ đó là hạnh phúc lớn nhất của đời tôi …

Vì sao người từ bỏ ngai vàng? Nếu người thuận theo trở lại ngôi báu thì người Pháp chúng tôi vui mừng biết chừng nào. Vì người được toàn dân sùng bái, toàn thể sĩ phu tôn thờ. Tôi hiểu rằng lòng yêu tổ quốc, yêu quê hương, yêu gia đình, yêu đồng loại cao hơn chiếc ngai vàng nhỏ bé. Tôi yêu nước Pháp tổ quốc tôi, nên rất trọng những người yêu mến tổ quốc họ”.

***

Người ta quen gọi cụ là ông Hoàng Annam (Le Prince d’Annam). Cụ Hàm Nghi có hai gái một trai. Cô chị Như Mai thạc sĩ canh nông, không lấy chồng để “trọn đời tưởng nhớ đến ba tôi”. Như Lý lấy một đại tá không quân dòng dõi hoàng tộc Bỉ. Minh Đức là con út, đại úy chiến xa trong quân đội Pháp, khi cụ mất được gọi về. Còn hai chị ở Canne, lâu đài De Losse, không sang chịu tang được vì nước Pháp đang bị Đức chiếm đóng.

Cụ tặng tôi một bức tranh thủy mặc mực tàu có đề thơ và một thanh bảo kiếm.

Cụ quan tâm theo dõi tình hình đất nước, thường băn khoăn chưa tìm được kế sách giúp ích cho tổ quốc. Chưa bao giờ cụ nhắc lại quá khứ lịch sử mà chỉ hỏi tôi về đất nước, dân tình, về phong trào và triển vọng. Có lần cụ hỏi tôi về ông Nguyễn Ái Quốc, nào tôi có biết được là bao! Cụ hỏi tôi về Bảo Đại. Tôi khá rõ Bảo Đại là tay thiện xạ cưỡi ngựa, giỏi tiếng Pháp hơn tiếng mẹ đẻ và rất thạo khiêu vũ. Nghe tôi kể, cụ cười nhẹ: nó là con rối. Đó là nụ cười hiếm hoi. Trong bốn năm tiếp xúc với cụ có lẽ mới thấy cụ chỉ cười đôi ba lần, lại là cái cười châm biếm mỉa mai.

Cụ sống giản dị. Quần áo đều tự may lấy theo kiểu cổ Việt Nam. Cụ để búi tóc củ hành cho tới khi mất. Suốt những năm tháng đó cụ quên mình trong điêu khắc, hội họa và âm nhạc. Nhiều lần triển lãm mỹ thuật họ mời cụ tham gia tác phẩm, cụ đều từ chối. Cụ soạn nhạc hoặc vẽ là để nung nấu tâm hồn u uất và thất vọng. Cụ chỉ đàn khi nào trong lâu đài mênh mông kia không một bóng người. Có lần tôi đến thăm thấy cụ đang say sưa đàn. Hình ảnh một cụ già rất Việt Nam thấp thoáng bên chiếc dương cầm bóng lộn khiến tôi liên tưởng đến ông nội tôi hay một cụ đồ nho khom lưng viết câu đối Tết. Tôi dốt âm nhạc chỉ nghe thấy cây đàn khi nức nở thánh thót, khi bão bùng. Dứt tiếng đàn, cụ dang rộng hai tay đặt trên cây đàn đăm đăm suy nghĩ. Tâm hồn cụ đang bay bổng theo tiếng đàn và đất nước quê hương chăng?

Cụ không có bạn, ít muốn tiếp xúc với ai. Một lần vợ chồng toàn quyền Catroux, lần khác tướng Givand - Tổng thống lâm thời Pháp với De Gaulle đến thăm, cụ đều thoái thác đi vắng, cho tôi thay mặt tiếp. Cụ nói: họ đến với tôi vì tò mò. Bà Foltz là người bạn duy nhất của cụ. Hình như số mệnh đã dắt bà đến với cuộc đời ảm đạm của cụ Hàm Nghi, bà là niềm vui, là chút ánh sáng trong cuộc sống hàng ngày của cụ.

Bà Foltz kém cụ mười lăm tuổi, cháu ngoại dòng chánh thống De Bourbon. Ông thân sinh ra bà là một nhân vật tăm tiếng ở Thụy Sĩ. Bà là một nhà văn. Cũng như bà Blanche không lấy chồng. Người ta không thể hiểu được sức mạnh nào đã lôi cuốn bà ra khỏi chiếc lâu đài cổ kính, đồ sộ nhất Thụy Sĩ mà bà thừa kế, để sang Alger này ngày hai buổi đến dùng trà và chăm sóc sức khỏe của cụ Hàm Nghi.

Tình yêu chăng? Tôi được bà thương yêu như con cũng chưa bao giờ bà hé nửa lời tâm sự. Sự cách biệt về tuổi tác, nhất là lòng mến yêu của bà Hàm Nghi không cho phép tôi được nghĩ đến điều đó. Bà Foltz chỉ nói sơ qua là bà gặp cụ trên bãi biển hồi bà 11 tuổi. Sau mấy năm du học ở Londres và bà sang ở Alger.

Chớ đụng đến nước Annam và người Annam trước mặt bà! Trong một buổi tiệc trà; mụ vợ toàn quyền Catroux muốn lấy lòng bà đã ca ngợi hết lời xứ Annam văn minh: “Tôi kính cẩn nghiêng mình trước dân tộc Annam” (Je m’incline devant la race Annamite”; Tiệc tan, tôi nói với bà Foltz: “khi vợ chồng Catroux ở Đông Dương, chúng đã giết hại hàng ngàn người”. Bà nổi giận ra lệnh ngay cho cô quản gia (gouvernante) Lola xóa tên mụ trong danh sách khách mời đến dự tiệc của gia đình.

Tôi không rõ được xu hướng của chính trị của bà thế nào, có lẽ xu hướng duy nhất là tình người; là lòng nhân đạo, là lẽ phải (bon sens). Bà phẫn nộ khi tôi kể lại tình cảnh sống dở chết dở của người Đông Dương. Thực ra bà còn hiểu biết hơn tôi. Chính bà đã lục trong tủ sách của cụ Hàm Nghi đưa tôi cuốn “Bản án thực dân” (Procès de la colonisation Francaise) của ông Nguyễn Ái Quốc và “Đông dương cấp cứu” của bà Andrée Violla. Bà còn đưa một cuốn không rõ có phải “Con rồng tre” không, tôi đã bỏ qua không đọc vì thấy một bản in li-tô nhòe nhoẹt, cho là chuyện tầm thường, chỉ nhớ mang máng ngoài bìa có một khóm tre, có những chữ to đậm nét như những dóng tre thôi. Nếu đúng là “Con rồng tre” thì đáng tiếc vô cùng. Vào năm 1945, bà đưa cho tôi một trang phụ lục báo đăng chi chít ảnh chụp cảnh chết đói trong nước ta hồi đó. Bà hỏi tôi: anh muốn gì? Cần tiếp xúc với ai, khó khăn mấy tôi cũng làm hết mình miễn là có thể đem lại điều gì tốt lành cho đất nước anh. Bà đã giới thiệu tôi gặp nhà lãnh tụ Cộng sản Vaillant Couturier, bà Viols và cả René Flévon thượng thư bộ thuộc địa để yêu cầu một số chính sách chế độ đối với binh sĩ Việt Nam.

Năm 1947, hồi tôi còn ở Sài Gòn, bà viết thư bảo tôi trình bày với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nếu Người cần chuyên gia, thuốc men dụng cụ y tế thì Thụy Sĩ sẵn sàng giúp đỡ. Hồi đó em bà, bà Sihumberger là Chủ tịch Hồng thập tự Quốc tế. Khi tôi ra tận chiến khu ngoài Bắc, tôi sơ suất bỏ qua, ngại không dám đề đạt.

Tôi nghĩ, chính cuộc đời sóng gió, lòng yêu nước và đức độ của cụ Hàm Nghi đã cảm hóa bà, bà đứng hẳn về phía Việt Nam. Sau khi cụ mất, tình thương yêu người Việt Nam càng sâu đậm. Có lần bà khóc mà nói: Tôi rất muốn anh sang Thụy Sĩ, lâu đài đó, vườn tược đó, tôi cần gì đến nữa. Về nước chắc chắn người Pháp sẽ làm khổ anh, nhưng tôi cũng rất muốn anh mau chóng trở về đất nước vì đó là nghĩa vụ, là nguyện vọng cao cả của anh.

***

Bọn xâm lược Pháp, kẻ thù của dân tộc, đã cút khỏi đất nước, nước nhà hoàn toàn độc lập. Cái hy vọng mong manh của cụ trông chờ vào ông Nguyễn Ái Quốc ngày nào đã trở thành hiện thực. Vậy mà cụ không được hưởng. Cụ không còn nữa! Chỉ còn một nấm mồ hoang tận phía trời xa. Mỗi lần qua phố Hàm Nghi, tôi lại thầm ước vọng, nếu như nắm xương tàn của cụ được trở về với núi Ngự sông Hương tưởng cũng xứng đáng và an ủi phần nào mảnh hương hồn của con người khí phách ấy.

NGUYỄN HẢI ÂU
(14/8-85)





Các bài mới
Huế của em (18/05/2011)
Thanh Trà (25/04/2011)
Các bài đã đăng