Tạp chí Sông Hương - Số 265 (tháng 3)
“Vùng lõm”, bản tình ca thế trận lòng dân
14:40 | 25/03/2011
TRẦN HIỆPTừ một nhà giáo, theo tiếng gọi “chống Mỹ , cứu nước”, Nguyễn Quang Hà lên đường ra trận, liên tục “bám trụ” chiến trường Thừa Thiên - Huế. Năm 1975 anh bị thương phải ra Bắc dưỡng bệnh và dự lớp bồi dưỡng viết văn của Hội Nhà văn Việt Nam ở Quảng Bá. Sau đó anh trở lại Thừa Thiên - Huế chiến đấu và công tác cho đến bây giờ. Cũng vì thế, hầu như đa phần sáng tác của anh dù là thơ, ký hay truyện đều viết về vùng đất này.
“Vùng lõm”, bản tình ca thế trận lòng dân
Nhà văn Nguyễn Quang Hà - Ảnh: baothuathienhue.vn
Ngoài các tập sách viết theo các thể loại khác, riêng tiểu thuyết anh đã công bố đến tập thứ tám và hầu hết nhân vật, địa bàn, lời ăn tiếng nói đều mang đậm chất cố đô Huế và đều gây được ấn tượng với đông đảo bạn đọc. Tiểu thuyết “Vùng Lõm”(1) của Nguyễn Quang Hà lại là một thành công mới của anh. Đây là cuốn sách anh viết trong thời gian dưỡng bệnh vì phải mổ đi mổ lại nhiều lần. Hồi ấy, có lúc bạn bè tưởng anh khó qua khỏi, nhưng các thầy thuốc giúp anh vượt qua và anh còn hoàn thành cuốn tiểu thuyết “Vùng Lõm” dầy dặn - 454 trang khổ rộng. Đây là tác phẩm tái hiện cuộc sống và chiến đấu của quân và dân Thừa Thiên - Huế ở vùng giáp ranh giữa ta và địch trong sự tranh chấp ác liệt ở làng Hiền Mai, xã Mai Trung, cách không xa sân bay trực thăng I-ri-na của Mỹ, đây là binh chủng thực hiện chiến thuật “trực thăng vồ mồi” của Mỹ - ngụy làm cho nhân dân và quân Giải phóng Thừa Thiên - Huế rất khó khăn không chỉ trong chiến đấu mà cả trong cuộc sống thường nhật, nhiều chiến sĩ quân Giải phóng và người dân bất thần bị trực thăng Mỹ “vồ” mất tích. Để chống lại chiến thuật độc ác ấy của địch, Thành đội Thừa Thiên - Huế quyết định phải diệt tận gốc chiến thuật ấy là xóa sổ sân bay I-ri-na (tên một cô gái người Mỹ) và tiêu hủy hoàn toàn số máy bay trực thăng hiện có ở sân bay này. Đây là đề tài mới nghe tóm tắt có người đã cho là “khô như củi”, “xưa như trái đất”, với nhiều người viết đây là cửa ải tường cao, hào sâu khó vượt qua, vì đã có nhiều nhà văn rất thành công về đề tài này. Nhưng với tôi, khi đọc “Vùng lõm” đã bị cuốn hút và không thể không đọc suốt từ đầu đến cuối cuốn sách vì nó không “khô” và cũng không “xưa”. Nhà văn Nguyễn Quang Hà đã “bài binh”, “bố trận” khá hợp lí đến độ thuần thục bút pháp trần thuật làm cho câu chuyện toát lên tính nhân văn khá sâu sắc và hấp dẫn.

Dẫn dắt câu chuyện là mối tình như “thiên định” giữa sĩ quan trinh sát Nguyễn Văn Dư - người con ưu tú của miền Bắc, đang học dở đại học ở Hà Nội, tình nguyện vào Nam đánh Mỹ và cô gái giao liên Thu Hoài là nữ sinh trường Đồng Khánh - Huế tự giác “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”. Họ là đôi trai tài, gái sắc mới gặp nhau lần đầu mà đã tưởng như duyên xe trời định, dù trong hoàn cảnh một trai một gái trong rừng sâu hay dưới hầm bí mật họ vẫn giữ gìn và trân trọng mối tình trong trắng để hoàn thành nhiệm vụ, không vin vào hoàn cảnh chiến tranh sống nay, chết mai để sống gấp, sống tận hưởng. Tình yêu của họ đem đến cho người đọc những trang viết về sự lãng mạn cách mạng mà như trời sinh ra họ để đến với nhau, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua tất cả vì nghĩa lớn là “cứu dân, độ thế”. Họ bất chấp sự rình rập từng giây từng phút của mật vụ, cảnh sát, dân vệ địch đông như kiến cỏ ở cái vùng tranh chấp này, họ mưu trí len lỏi vào sống với dân, không chỉ để giác ngộ nhân dân mà còn gây được cảm tinh với các gia đình có con đi lính cho giặc, kể cả gia đình sĩ quan ác ôn như gia đình sĩ quan Phan Lộc thuộc lữ đoàn “trâu điên”, lôi kéo được cả tiểu đội dân vệ về với cách mạng, lĩnh lương của Mỹ-ngụy, nhưng lại làm việc cho ta, tranh thủ được sự giúp đỡ của giáo sư Nguyễn Bản, trường Quốc học Huế về Hiền Mai ở ẩn... tất cả chỉ bằng lòng nhân ái bao dung và chính nghĩa của cách mạng là đánh đuổi giặc ngoaị xâm, giành lại độc lập thống nhất đất nước, đem lại tự do và cơm no, áo ấm cho mọi người. Không chỉ có thế, trong cuộc tranh chấp lòng dân giữa một bên quân địch được trang bị vũ khí hiện đại với một bên là các chiến sĩ cách mạng đánh du kích với mấy khẩu súng bộ binh, Nguyễn Văn Dư người đại diện cho cách mạng, đại diện cho chính nghĩa, không chỉ bằng tình cảm chân thành mà còn bằng mưu trí và sự dũng cảm của sách lược “lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh” làm thất bại mọi âm mưu của địch, anh dấn thân vào tận sào huyệt quân địch để tìm hiểu mọi mặt của chúng, định ra phương sách tiêu diệt chúng, làm cho nhân dân làng Hiền Mai không chỉ cảm phục anh mà còn làm tai mắt cho anh, đứng hẳn về với chính nghĩa. Kể cả những người đã trót làm tay sai cho giặc và những tên kình địch với anh như tên Tô, xã đội trưởng xã Mai Trung, vì hám danh lợi, hám người đẹp Thu Hoài đã quy hàng địch, cam lòng làm tay sai cho giặc, đưa giặc về làng chỉ điểm từng hầm bí mật của những người vốn là đồng đội của hắn... cũng phải kính trọng anh. Chính vì thế, anh đã xây dựng được thế trận lòng dân bao vây chung quanh sân bay I-ri-na mà quân địch không phát hiện được vì đã có bức thành nhân dân che chắn. Nhưng trước ngày xóa sổ sân bay I-ri-na và tiêu hủy toàn bộ 150 máy bay trực thăng của địch, Nguyễn Văn Dư đã dũng cảm hy sinh. Không phải vì anh lâm trận quân thù mà vì Mỹ - ngụy quá tàn ác, chúng bắt tất cả người dân Hiền Mai nhốt lại, mỗi ngày chúng giết một người, nếu họ không khai Nguyễn Văn Dư hiện ở đâu trong cái làng này, hoặc Nguyễn Văn Dư không tự ra trình diện. Bà con Hiền Mai thì thà chết chứ không chịu khai báo để quân thù sát hại một chiến sĩ quả cảm, hết lòng vì dân như Nguyễn Văn Dư. Lúc này trận đánh sân bay I-ri-na anh đã chuẩn bị xong mọi mặt, chỉ còn chờ cấp trên điều quân chủ lực và tên lửa đến để phát hỏa. Sang ngày thứ hai, chúng đã sát hại hai người dân vô tội, Nguyễn Văn Dư đành lỗi hẹn tình yêu với Thu Hoài, lỗi hẹn với trận đánh cuối cùng, lỗi hẹn với ngày toàn thắng, lỗi hẹn với ngày trở lại học đường đại học, anh hùng dũng bước ra cáo lỗi với nhân dân và sẵn sàng nhận những phát đạn của quân thù để cứu dân Hiền Mai.

Bằng lối kể chuyện tuần tự theo thời gian và diễn tiến của sự việc, không sa đà vào bắn giết mà khắc họa bằng các tình tiết để làm rõ tính cách và tâm lý các nhân vật để dẫn dắt câu chuyện từ chương trước sang chương sau, không cho người đọc ngưng nghỉ. Nếu tác giả không là người có cả chục năm sống và chiến đấu cùng quân và dân ở đây thì không thể khắc họa câu chuyện suốt 454 trang sách một cách sống động như vậy.

Đọc hết trang cuối của cuốn sách tôi gập lại mà vẫn cầm mãi trên tay để suy nghĩ. Thì ra thời nào cũng thế, trong công cuộc lớn, nhỏ nào cũng thế, hễ cán bộ mẫu mực, tận tụy với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc thì nắm được dân, được nhân dân hỗ trợ thì việc ấy dù khó đến đâu cũng thành công. Tiểu thuyết “Vùng lõm” của Nguyễn Quang Hà đặt ra nhiều vấn đề của chiến tranh nhân dân và thời cuộc, điều mà tôi cảm nhận sâu sắc nhất là thế trận lòng dân, có nhân dân là có tất cả, mất lòng dân thì dù mạnh đến đâu cuối cùng cũng thất bại.

Hà Nội, tháng 9 - 2010
T.H
(265/3-11)


-----------
(1)“Vùng lõm”, tiểu thuyết của Nguyễn Quang Hà, nhà xuất bản Quân đội nhân dân 2008.






Các bài mới
Nắng Ang co (18/04/2011)
Các bài đã đăng